Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 43 / Tranh Từ Duy tại Pháp

Tranh Từ Duy tại Pháp

- Đặng Tiến — published 10/05/2008 19:14, cập nhật lần cuối 12/05/2008 10:46
Họa sĩ Từ Duy đã qua đời tại Đà Nẵng ngày mùng 6 tháng 5-2008. Để tưởng niệm ông, Đặng Tiến đã viết thêm lời giới thiệu và đưa thêm hình ảnh cho bài ông đã viết trong Diễn Đàn số 43, 07.1995.


Tranh Từ Duy tại Pháp


Đặng Tiến


Họa sĩ Từ Duy đã qua đời tại Đà Nẵng quê hương, lúc 18 giờ, ngày 6 tháng 5 năm 2008, sau một cơn bạo bệnh cấp tính, hưởng dương 57 tuổi.

Anh đã hai lần sang Pháp triển lãm.

Bài này tôi viết cho cuộc triển lãm lần đầu, đọc lại còn thấy đúng, nay phổ biến lại, để tưởng nhớ một tài hoa mệnh bạc, một người bạn quý, thân thiểt, mà tôi may mắn gặp lại nhiều lần tại quê nhà, dịp Tết năm nay.

Đặng Tiến

Paris 10-5-2008, ngày đưa tang Từ Duy, tại Đà Nẵng


tuduy

Saint Pryvé, 1995

Trong tháng 4 năm 1995, Trung tâm Văn hoá Pháp-Việt (24 rue des Ecoles, Paris) đã trưng bày tranh Từ Duy. Sau đó, hoạ sĩ vẽ thêm một số tranh và triển lãm tại Pontivy, một thị trấn nhỏ thuộc hạt Morbihan, vùng Bretagne. Hai cuộc triển lãm tương đối thành công, trên hai diện dư luận và tài chính. Lối thành công cò con và từ tốn mà đất Pháp có thể dành cho một hoạ sĩ Việt Nam chưa có danh vị, không có hậu thuẫn, trên thị trường tranh tràn bứ, giữa hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Tranh Từ Duy, và bản thân hoạ sĩ, có những nét đặc biệt. Trước tiên, có lẽ lần đầu ở hải ngoại có cuộc bày tranh cá nhân của một hoạ sĩ đi từ đồng ruộng Việt Nam, chứ không phải từ phố phường những kinh đô Hà Nội, Huế, Sài Gòn như từ trước đến nay. Từ Duy, sinh năm 1951 tại Quảng Nam, tự học vẽ giữa những vồng sắn nương khoai ; anh là người thất học – không phải là vô học – trưởng thành giữa một hoàn cảnh khốn khổ và đất nước khói lửa. Tuổi trẻ phiêu dạt điêu linh không thừa kế được vốn văn hoá như trường hợp Nguyễn Bính ngày xưa. Đất Quảng Nam sinh thành ra anh, giàu truyền thống văn học, nhưng nghèo truyền thống hội hoạ. Về văn học, Quảng Nam có sân khấu : tuồng, kịch Lưu Quang Thuận, tác phẩm Lưu Quang Vũ ; tiểu thuyết : Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Bổng và Phan Tứ. Lý luận : từ Phan Khôi đến Lê Đình Kỵ. Thơ thì nhiều. Riêng nghệ thuật tạo hình, dường như không có bao nhiêu. Trước 1945, trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội không thấy tên người Quảng Nam. Thời ấy Phạm Hầu nhà thơ yểu mệnh có vẽ tranh, nay không biết còn không. Thời chống Pháp, hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung nằm ngay tại Khu Năm, vẽ và dạy vẽ, mà không tạo được môn sinh nổi tiếng như Tô Ngọc Vân tại Việt Bắc đã tạo được một thế hệ hoạ sĩ kháng chiến. Những năm 1960, thời vàng son của hội hoạ Sài Gòn, hoạ sĩ Cù Nguyễn (tên thật là Nguyễn Niệm) quê Quảng Nam, đã sáng tác nhiều tranh sơn dầu đặc sắc, nhưng sau này không thấy anh vẽ vời gì. Trong sự hụt hẫng đó, Từ Duy tự lực cơm mo tranh cuốn sang Pháp (thời gian này các màn ảnh Paris đang chiếu phim... Un Indien dans la Vil1e (Người da đỏ tại Paris), Hội Văn nghệ địa phương không giúp gì, cơ quan tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cấp chiếu khán hiệu lực đúng một tháng, nghĩa là ba mươi ngày vừa đi vừa về, đóng khung, căng tranh, triển lãm và thu dọn.


traicay

Trái cây, (sơn dầu, 100 x 100 cm) coll. ĐT

 

Tranh sơn dầu và tranh khắc gỗ Từ Duy có nhiều bức đẹp, vẻ đẹp hồn nhiên của tranh tự học – và tự lọc. Màu sắc Từ Duy chủ yếu là tươi thắm, óng chuốt và đối lập ; đường nét cách điệu, mềm mại, tài hoa. Nhiều hoạ tố của tranh dân gian và dân tộc được phối trí theo hội hoạ hiện đại, tạo được phong cách riêng, vừa lạ vừa thân. Phong cách đó còn chưa vững nét, phòng tranh chưa nhất trí. Đường cọ Từ Duy giàu cá tính, mà anh khẳng định quyết liệt trong một số hoạ phẩm (Cảnh chợ, Tuổi, Trăng rầm, Chùa Hương, Quên trưa, Cổng chùa, và bức Thiếu nữ, bán cho bà Mitterand, phu nhân Tổng Thống ). Nhưng trong một số tranh khác, nét cọ còn lưỡng lự, lắp ghép (như Trưa hè). Từ Duy đặc sắc trên những diện tích nhỏ, nhưng tan loãng trên những kích thước lớn – có thể vì đời anh chưa được thấy tận mắt một tuyệt tác hoành tráng : chuyến đi ra nước ngoài sẽ giúp Từ Duy " tung ràn " ra khỏi tư thế " làm ăn nhỏ ".


thieu nu quan ho

Thiếu nữ quan họ

Người hoạ sĩ xác định bản sắc mình bằng đôi mắt rồi mới đến bàn tay. Anh phải nhìn sự vật bằng đôi mắt hoạ sĩ, để nhìn thấy, để nhận ra những mô hình, mà người trần mắt thịt nhìn không thấy. Nếu anh chỉ thấy cái thường tình như mọi người, rồi sao chép lại, thì anh chỉ làm ký hoạ, và sẽ thành công nếu có chút hoa tay. Nhưng vẫn là tiểu phẩm. Hội hoạ đòi hỏi một nhãn giới khác, cái nhìn thám hiểm, khám phá, chắt lọc, tái tạo và sáng tạo. Hoạ sĩ vẽ lên cuộc đời – là Thượng đế trên khung vải – trong khi thợ vẽ chỉ vẽ lại cuộc đời. Tiếng Việt ta có từ láy vẽ vời thật hay. Hoạ sĩ là kẻ vẽ vời một cách trung thực. Từ Duy có con mắt sáng tạo. Một bức khắc gỗ ghi lại cảnh con trâu lội qua sông : chúng ta thấy sống lưng trâu, với chú bé cưỡi trâu bềnh bồng trên mặt nước. Từ Duy bắt đầu là hoạ sĩ từ lúc đó, từ khi anh bắt được sống lưng trâu trên mặt nước. Sau đó, trời lại cho anh thêm bàn tay hoạ sĩ để tái tạo lại mảnh đời mà mắt anh đã khám phá. Từ Duy nhìn cảnh chợ cũng vậy thôi : bức Cảnh chợ (sơn dầu) của anh chẳng giống một cái chợ nào trên thế giới, nhưng vẫn nhộn nhịp, rộn rã. Trong văn học, Ngô Tất Tố nổi tiếng với Buổi chợ Trung du nhờ mấy cái lồng gà ; Nguyễn Tuân nổi tiếng với những chiếc nón ở phiên chợ trong Tuỳ bút Kháng chiến. Từ Duy chưa nổi tiếng nhưng bức Cảnh chợ (80 x 90 cm cao giá nhất (5 000 F Pháp) bán được ngay buổi khai mạc chứng tỏ rằng người nước ngoài cũng có mắt xanh.

Đề tài Từ Duy đa dạng : cảnh đồng áng, mùa màng, đền chùa, tượng Chàm, cô gái quan họ, phố cổ Hội An... là những cái cớ để hoạ sĩ gửi gắm vào đó những ánh sáng vỡ bờ trào ra khỏi nội tâm. Thấy anh vẽ cái gì thì ta đoán biết vậy thôi, đừng nên hỏi cặn kẽ : Từ Duy, cũng như nhiều hoạ sĩ khác, chỉ mượn đời để gửi mình.

Mà cái " mình " của Từ Duy cũng đằm thắm, tươi sáng, yêu đời và còn tin ở hạnh phúc.

 

Đặng Tiến

Paris, 19.06.1995,

Trích Diễn Đàn, Paris, tháng 7- 1995

dt-tu-duy

Blois, 1995

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss