Ta nhìn ta ... (2)
Ta
nhìn
ta,
ta nhìn người
II. trong giai đoạn hiện nay
bùi mộng hùng
Tự tôn
- tự ti và nghìn năm quan hệ song phương
Cho đến thế kỷ 19,
Việt Nam ta nhìn thế giới qua nhãn quan một dân
tộc hoàn toàn “ Hán hoá ”. Tự ti
đối với Thiên triều, ta xem đó là nguồn
văn minh duy nhất trong trời đất, tự tôn với mọi
phong hoá khác. Ngoài Trung quốc mà ta
tự đồng hoá ra chỉ có man di mọi rợ. Dù
cho khéo, cho hay bao nhiêu đi nữa, thì cũng
là “ tiểu xảo ”, là hay vặt. Tuy rằng triều
đình Minh Mạng có một chính sách mở
cảng giao thương, tìm hiểu tình hình thế
giới, sử dụng một số kỹ thuật của phương Tây
thật, nhưng nhãn quan đã thành kiến, không
nhận ra những yếu tố làm cơ sở cho kỹ thuật,
cho sức mạnh phương Tây đang đảo lộn thế giới.
Và, sống nhầm thời đại, Việt Nam lỡ mất chuyến tàu, rơi vào tròng nô lệ (xem DĐ số 44, 9.95, tr.26).
Trong cái quỹ đạo Tây phương mà Việt Nam đột nhiên bị cưỡng bức đi vào đó, dân tộc ta đã chứng tỏ bản lĩnh của mình. Các yếu tố văn hoá, các kiến thức mới lạ kẻ thống trị đưa vào, dân tộc ta hấp thu, chuyển hoá nên một nền văn hoá mới. Trong một thời gian ngắn, ta phá vỡ hình thức cố hữu để sáng tạo ra thơ, văn nói lên nỗi niềm đớn đau khát khao ước vọng của những con người cá nhân phải lặn hụp trong một xã hội đảo điên, cái cũ, cái mới va chạm với nhau hỗn tạp. Ta đã tu tạo văn tự, ngôn từ để ghi chép diễn tả những khái niệm triết học, khoa học ; ngôn ngữ dân tộc được nhồi nắn nên một dụng cụ nhuần nhuyễn có khả năng tiếp thu mọi kiến thức hiện đại...
Tuy nhiên nền văn hoá đó không khỏi ít nhiều – nhiều hơn là ít – bị quy định bởi mối quan hệ giữa kẻ bị trị với kẻ thống trị.
Suốt trăm năm trường, dân tộc moi tâm huyết ra giành lại độc lập tự do. Mọi việc đều đem soi qua lăng kính của niềm khát khao, của mục tiêu chính đáng ấy. Ta quay qua Đông, ngóng sang Tây, vọng tìm phương tiện giải phóng đất nước. Mọi vấn đề khác đều là thứ yếu, nếu không phục vụ cho mục tiêu tối hậu ấy. “ Cốt nhằm mục đích giành được thắng lợi trong phút cuối cùng, dù có phải thay đổi thủ đoạn phương châm cũng không ngần ngại ” ý chí ấy của nhà chí sĩ Phan Bội Châu có lẽ tiêu biểu cho dân tộc (Phan Bội Châu niên biểu, nxb Văn Sử Địa, Hà Nội 1957, tr. 29).
Thay vào cái quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung quốc mà ta chịu ảnh hưởng văn hoá gần như đến lệ thuộc trước đó, là một quan hệ dân tộc bị trị với thế lực thống trị mình – lần này cả chính trị lẫn văn hoá. Chân trời của ta hầu như gom thu vào cuộc đối diện - đối địch giữa dân tộc với thực dân Pháp. Niềm tự ti - tự tôn sẵn có trong ta lại hằn sâu thêm những thất bại liên tiếp, hết thế hệ này đến thế hệ khác vùng nổi dậy để gục ngã trước sức đàn áp của thực dân.
Cách mạng tháng tám bùng lên. Đúng vào thời điểm thế chiến thứ nhì chấm dứt. Nhưng cũng là khởi điểm của cuộc chiến tranh lạnh.
Đáp lại tám bức thư của chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp gởi tổng thống Hoa Kỳ từ cuối 1945 đến đầu 1946, và những thư khác cho các nước thành viên chính của Liên hiệp quốc yêu cầu can thiệp, đưa tranh chấp Việt - Pháp ra trước Liên hiệp quốc chỉ là một sự im lặng (Le Dossier du Pentagone, Hồ sơ mật của lầu Năm góc, Albin Michel, Paris 1971, tr. 36, 53-54) : Thế cuộc đã phân hai cực. Chỗ đứng của một Việt Nam trỗi dậy giành độc lập tự do cũng bị phân định vào phe có lập trường minh bạch ủng hộ cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức, phe xã hội chủ nghĩa.
Ta lại ở vào trong một quan hệ song phương, địch và ta.
Trong thế châu chấu chống xe. Chiến đấu buộc ta vươn lên cho ngang với tầm địch thủ. Khí thế của tổ tiên anh dũng trong lịch sử dân tộc, hiên ngang của kẻ đi đầu trong công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới không phải là thừa. Để ngày lại ngày suốt ba mươi năm đem xương máu đối địch một mất một còn với các đối thủ khủng khiếp, thực dân Pháp, đế quốc Hoa Kỳ.
Ba mươi năm Việt Nam đứng trong tình huống buộc phải vươn mình tự tôn, với mặt trái tự ti kèm theo như bóng với hình. Nhất là, trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do này, sừng sững đằng sau là Liên Xô, là Trung quốc. Vĩ đại. Trong tầm vóc cũng như trong cách mạng.
Chế độ chính
trị đổi thay, bao phen. Nhưng lịch sử, suốt chiều dài
nghìn năm, không ngừng đưa đẩy Việt Nam vào
nếp quan hệ song phương, đối đầu với một địch thủ
khổng lồ, hay/và đứng trong tư thế một kẻ thọ
lĩnh, từ người trăm lần to lớn hơn mình, những
yếu tố tinh thần, vật chất thiết yếu cho sự sống
còn của mình. Dân tộc Việt Nam phải không
ngừng đem hết sức mà vươn mình, vươn lên,
vươn mãi để giữ được bản sắc, để không
bị đè bẹp dưới những thế lực khổng lồ.
Cái giá đôi khi phải trả...
Đó là điều
kiện cho dân tộc còn tồn tại đến ngày
hôm nay. Nhưng giá phải trả cho cái niềm
tự hào, cho cái tâm tư đau đáu làm
là phải trội hơn người, có khi rất đắt.
Nhất là trong hoà bình. Khi hành động
chủ đích không đáp ứng nhu cầu thực
tại, không thích nghi với phương tiện mình
có trong tay. Mà cốt để thoả lòng nghe
tiếng gáy gà tre của mình cất lên át
được tiếng gà cồ xung quanh.
Chỉ đơn cử một ví dụ. Nhu cầu Việt Nam về điện lực rất cao, một sự kiện hiển nhiên. Hoà bình thiết lập, nhà lãnh đạo khi ấy của Việt Nam chọn giải pháp đập sông Đà, trong những giải pháp khả thi khác. Một đập lớn vào bậc nhất Đông Nam Á. Phải mười năm công trình mới xong...
Mười năm dồn một số lớn vốn, chôn chết trong suốt thời gian dài xây dựng. Đồ sộ, nhưng suốt mười năm chưa sản xuất ra được mảy may điện. Mười năm, kinh tế nín phát triển vì thiếu vốn, công nghiệp èo uột thiếu điện, nhân dân tối tăm một tuần ba bốn đêm cúp điện.
Rồi thì đập cũng xây xong. Một khi đã phóng lao thì phải theo lao, ta lại thắt lưng buộc bụng làm đường dây cao thế tải điện từ Bắc chí Nam. Và đã hoàn thành đúng thời hạn.
Tuy vậy, tháng 6. 1995 báo cáo chính thức cho biết số lần cúp điện trong cả nước tăng 16% so với 1994. Lý do : mạng lưới điện thế nhỏ và vừa đã lạc hậu lại hỏng nát, không tận dụng được nguồn điện do đường dây cao thế bắc - nam đưa từ sông Đà về.
Và tình thế còn kéo dài. Trả lời phỏng vấn của báo Lao Động, bộ trưởng năng lượng Thái Phụng Nê cho biết rằng “ Cần một số vốn khổng lồ để cải thiện và nâng cấp đường dây điện thế nhỏ và vừa. Khi công việc này chưa hoàn thành, việc cúp điện còn tiếp tục xảy ra ”. Theo ông, cúp điện sẽ còn nhiều hơn nữa trong những năm trước mắt. Trong khi công nghiệp cần tăng nhanh – nhanh hơn tỷ số điện tăng 19,6% trong năm 1994. Bộ trưởng Thái Phụng Nê cho rằng muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cho công nghiệp, từ nay đến năm 2005 mỗi năm cần khoảng 1 tỷ đôla để nâng cấp hạ tầng cơ sở điện năng (DĐ số 43, 7.95, tr.5 dẫn Vietnam News 20.6.95).
Phải chi, hơn mười năm trước đây nhà lãnh đạo chọn giải pháp khác hơn là đập sông Đà... Chẳng hạn giải pháp gồm nhiều đập nho nhỏ, hai ba năm là đủ để xây xong một cái. Vừa tầm ngân sách Việt Nam, phù hợp với khả năng kỹ thuật của ta khi đó. Trong mười năm, một hệ thống năm sáu nhà máy thuỷ điện rải rác trong nước, điện sản xuất ra đã chẳng ít hơn một nhà máy vĩ đại, lại ít nặng vốn, còn sức xây dựng mạng lưới đường dây tải điện tương xứng, phân phối hài hoà đi từ những nơi ưu tiên rồi dần toả ra rộng khắp. Trong thời gian mười năm đó còn vốn để đầu tư vào những công trình cấp bách khác, dân có điện dùng ngay, công nghiệp có điện để phát triển, kỹ thuật gia có thời gian nâng dần kinh nghiệm của mình. Điện, công nghiệp, kinh tế tuần tự và hài hoà nương vào nhau mà cùng tiến. Chưa kể tác động cũa nhiều đập nhỏ vào môi trường không ghê gớm như một cái đập lớn quá cỡ.
Chỉ không được
hãnh diện xây một đập vĩ đại, nhất...
Đa phương, một tình thế mới lạ...
Nhưng thôi, hãy
ngưng những “ nếu mà ”, “ phải chi ”. Pháp
chẳng có câu “ avec des
si on met Paris en bouteille
! ” (Hết nếu thế này lại nếu thế kia mãi
thì đem nhét thành phố Paris vào lọ
cũng được !) đó sao ? Và trở về với thực
tại.
Nhìn vào thực tại 1995, Việt Nam đứng trong một tình thế ngàn năm một thuở. Trong một tháng 7. 95, dồn dập những sự kiện. Việt Nam chính thức gia nhập hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN, thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Hoa Kỳ, ký hiệp định khung với Liên hiệp châu Âu. Không còn thù địch. Chỉ toàn những quốc gia quan hệ bình đẳng hữu hảo với mình trên thế giới.
Một tình thế thật mới lạ. Là một hệ quả sự giao thoa của các sự kiện : Việt Nam độc lập thống nhất, Liên Xô cùng hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lạnh không còn lý do tồn tại, tình huống thế giới chia hai cực cũng cáo chung.
Tình thế mới, ứng xử không thể như trước. Dường như có điều khó xử hơn xưa. Khi mà trắng đen minh bạch bên bạn, bên thù rõ rệt, thù ứng với bạn, đương đầu với địch dường đã vạch sẵn. Cũng có lựa chọn, nhưng trong một khuôn khổ hạn hẹp.
Nay có khác, chân trời chọn lựa rộng mở. Phải nói ngay rằng vào được tình huống ấy Việt Nam đã trả giá máu xương. Nếu còn bị lệ thuộc thì có lựa chọn nào khác ngoài công cuộc giành lại tự do ? Ta có thể lựa chọn vì ta đứng trong thế bình đẳng, mà có được sự bình đẳng này là vì ta độc lập.
Nhưng, quen sống trong một nề nếp khép – từ lối nhìn rạch ròi bạn - thù cho đến cung cách hành động, kiểm soát tất cả để lãnh đạo mọi mặt đời sống xã hội hướng vào mục tiêu mà nhóm người cầm quyền đã chọn lựa, chắc nịch như chân lý – dân tộc ta không khỏi bỡ ngỡ bước vào một thế giới mở. Toàn những quốc gia đối tác với nhau trong những mối quan hệ hợp tác đồng thời là cạnh tranh. Chẳng vì hợp tác mà cạnh tranh giảm tính chất ác liệt.
Một môi trường đòi hỏi phản ứng tự động, nhạy bén của các thành phần xã hội nếu dân tộc muốn kịp thời thích nghi, không bị bỏ rơi trong cuộc tranh đua gay gắt trên mức độ toàn cầu. Loại phản ứng linh động muôn màu muôn mặt bám sát với thực tại của cả một xã hội năng nổ này, không chỉ đạo của một quyền lực tập trung nào sánh kịp. Nhà cầm quyền chẳng phân tán phí sức chúi mũi vào đến chi tiết nhỏ nhặt mà chỉ lèo lái vĩ mô, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các thành phần của xã hội vừa có khả năng cạnh tranh vừa hoạt động hài hoà với nhau.
Ta bước vào thế giới đó vào đúng giai đoạn chuyển biến dữ dội của nó. Trong giai đoạn mấy chục năm kinh tế thế giới phát triển gần như một cách tuyến tính, các nhà dự phóng tha hồ ba hoa tiên tri bộ mặt của thế giới hàng trăm năm về sau.
Nhưng trong một thời gian rất ngắn những sự kiện long trời lở đất đảo lộn thế giới nổ ra, không ai tiên liệu nổi. Chẳng một chính trị gia, một nhà Kremlin học nào ngờ được rằng Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ ngay trước mắt, lúc mình còn sống trên thế gian này !
Nhiều sự kiện trọng đại cho nền kinh tế thế giới xảy ra hầu ngoài dự đoán của các chuyên gia : sốc dầu khí làm kinh tế thế giới xiểng niểng, bọt tài chính bụp nổ làm điêu đứng ngành ngân hàng thế giới, hôm nay ngân hàng Hoa Kỳ mới tạm hoàn hồn, ngân hàng Nhật còn chưa hồi sức...
Hiện tượng xã hội ngay trong các nước giàu có nhất, làm đau đầu những nhà trách nhiệm hôm nay và trong tương lai : xã hội phân hai, bên sung túc, bên bị loại như đồ bỏ đi, ai ai cũng có thể trôi nổi qua lằn ranh lọt từ bên này sang bên kia, chuyên gia nào dám tự hào đã dự đoán đúng ?
Một số phát minh làm chuyển động ngành sinh học. Khi nhìn lại không khí tiếp đón lạnh nhạt vào thời điểm chúng xuất hiện, các nhà khoa học không khỏi tần ngần.
Ngày nay chuyên gia chân chính trở nên khiêm tốn. Hàn Thuỷ hẳn là một trong những người này. Nhẩn nha trình bày cho kẻ ngoại đạo hiểu được nội dung cùng các vấn đề mấu chốt của xa lộ thông tin, nhưng không quên nhắc nhở “ Hiện thực một làng địa cầu, trong đó mỗi nhà có thể được nối vào mạng truyền tin thế giới chung với lưu lượng vài chục triệu b/g (bít/giây), không phải chuyện viễn tưởng, mà chỉ là một dự phóng kinh tế kỹ thuật thực hiện được tại những nước phát triển nhất trong vòng không quá 20 năm, nếu xã hội có nhu cầu, với giá sử dụng không đắt hơn hiện nay. ” (DĐ số 40, 4.95) Nhấn mạnh “ nếu xã hội có nhu cầu ” mới thật chuyên gia làm sao ! Thấm thía điều các nhà công nghiệp, khoa học, kỹ thuật toàn quyền đề xuất. Còn chấp nhận hay không là xã hội. Chấp nhận hay từ khước có trời mà biết !
Chỉ có một điều
để tự an ủi : biết rằng mình không biết
chẳng là nhân tố mở ra những chân trời
kiến thức mà ta chưa hề ngờ tới hay sao ?
Một trở ngại căn bản : văn hoá thông tin của ta
Trong môi trường
thế giới muôn dạng và biến chuyển không
lường được của ngày nay, chỉ chắc chắn được
có một điều là nó không tha thứ cho
bất cứ dân tộc nào đui điếc, không chớp
kịp thời cơ, không biết mình, biết người.
Mà văn hoá thông tin của chúng ta lại nhỏ giọt, phân chia cấp bực đối tượng và có định hướng. Nó ăn sâu vào mỗi con người Việt Nam, đến nỗi dù sống trong nước hay ra ở nước ngoài – ngay tại các nước Âu, Mỹ, Úc có truyền thống thông tin phóng khoáng nhất – thì các cộng đồng của chúng ta vẫn cứ bị nó đè nặng. Một thứ văn hoá thông tin xem người dân như trẻ con, chỉ đáng được nhận tin tức đã chắt lọc nhằm hướng vào mục tiêu mà một cấp lãnh đạo nào đó có ý đồ dẫn dắt họ đi tới. Không lợi cho định hướng thì thông tin bị lược bỏ ngay. Chẳng những thế, thông tin lại nhỏ giọt theo cấp bực, ở địa vị nào thì được thông tin theo địa vị nấy. Chỉ còn lời đồn làm nguồn thông tin chính. Rầm rì, không hay từ đâu đến, chẳng biết được chính xác và trung thực đến đâu, không lấy gì kiểm soát nổi.
Chính vì đó mà chúng ta băn khoăn bước vào môi trường quan hệ mở. Băn khoăn nổi lên ngay lúc tự đặt câu hỏi vô cùng tự nhiên và đơn giản : ta biết được những gì về những nước nay là đối tác với ta ? Ta biết được những gì cụ thể về Singapore, Malaixia, Indonêxia, Thái Lan sát vách với ta ? Ta biết gì về Hàn Quốc, Đài Loan, về Trung Quốc môi răng với ta trong bao năm, về Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc ? Về Âu châu ngày nay, vân vân và vân vân ...
Riêng một việc làm thành viên của ASEAN đã có nghĩa là trên hai trăm cuộc họp trong một năm. Hãy tạm gác chuyện ngoại ngữ, trăm buổi họp cũng có nghĩa không thể chỉ có một vài lãnh đạo chủ chốt quán xuyến từ A tới Z. Mà cần phụ tá, đông hơn trước nhiều, có trình độ, có kiến thức về tình hình thế giới, về các nước đối tác, trong các lĩnh vực cụ thể, ngoại giao, chính trị, kinh tế, luật pháp... mỗi người có thể gánh vác phần trách nhiệm của mình trong đàm phán.
Mới một chuyện cỏn con, đã thấy cộm nổi hậu quả của nền văn hoá thông tin làm cho người công dân chẳng khác gì người đui kẻ điếc. Nói chi đến các vấn đề khác.
ASEAN sẽ mau chóng thành một thị trường chung mở cho các nước thành viên. Doanh nhân người đến ta thì sáng. Tất cả nề nếp thông tin soi đường cho họ. Phần ta, thông tin về bên ngoài, ngay những tin tương đối giản đơn như giá cà phê, giá gạo trồi xụt trên thị trường thế giới cũng không được biết kịp thời, đã bị thiệt mấy lần nội trong hai năm qua. Trong nước, những thông tin về tài chính, về ngân hàng chẳng hạn, đối với khắp nơi trên thế giới là chuyện hiển nhiên cần thiết, ở ta chúng chưa thoát khỏi khuôn phép và cung cách im ỉm của bí mật quốc gia.
Doanh nhân ta lò mò như đi đêm, trong thị trường thế giới cũng như nội địa. Lấy doanh nhân để nêu một ví dụ cụ thể, chứ còn tất cả những ngành nghề cần thông tin nhanh chóng đầy đủ và chính xác, giới khoa học, kỹ thuật chẳng hạn, thân phận cũng chẳng có gì sáng sủa hơn.
Bất cứ lĩnh vực nào
nhìn lại chỉ thấy ta không biết người, mà
ta cũng chẳng biết ta.
Xoay chuyển văn hoá thông tin
Nói đến thông
tin ta nghĩ ngay đến phương tiện thông tin. Ngày
nay không chỉ là báo chí, mà gồm
các phương tiện truyền thanh truyền hình, vi
tính đang trên đường hội tụ lại với nhau để
hình thành xa lộ thông tin. Phương tiện ta
thiếu. Phải tạo ra cho hiện đại. Nhưng chớ vì
thế mà quên yếu tố con người.
Máy móc càng tinh vi, khả năng và giá trị của phương tiện lại càng tuỳ thuộc vào tầm nhìn, vào kiến thức, vào tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp của những con người sử dụng chúng. Mà nghề thì không thể tinh nếu không có thể chế bảo đảm cho tự do giao lưu, tự do săn tin, tự do phát biểu trình bày ý kiến. Còn thiếu thể chế, luật pháp bảo vệ cho người làm nghề thông tin đối với các thế lực tài chính, kinh tế, chính trị thì ngòi bút còn bị bẻ cong, lương tâm còn bị bóp méo. Và quyền thông tin không trọn vẹn được vai trò của nó, làm tai làm mắt làm tiếng nói lương tâm cho xã hội. Bổ sung cho các quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp.
Một nguy cơ lớn trong nền văn minh thông tin ngày nay – nguy chẳng kém gì tình trạng đui điếc vì thiếu đói tin tức vì thông tin chậm trễ hoặc không đầy đủ, chính xác, trung thực – là bị tràn ngập, chết ngộp dưới thông tin. Lút cổ lút đầu không vượt nổi lên trên, để có tầm nhìn khái quát mà vạch ra hướng đi. Cũng là một mớ thông tin, người biết chuyển hoá thì chúng đi vào hệ thống dữ kiện quý báu cho hành động. Thiếu bản lĩnh hấp thu thì chúng chỉ là bọt bèo hàng ngày chất chồng, đầy đầu, chướng bụng. Làm hoang mang bất lực người có trách nhiệm quyết định. Giá trị không hơn câu chuyện làm quà lúc trà dư tửu hậu.
Bản lĩnh tiếp thu và xử lý thông tin liên quan mật thiết với giáo dục, đào tạo. Ngay từ điểm căn bản, từ quan niệm về giáo dục : nhồi cho đầy đầu, hay là dạy cho biết nhìn sự vật với cặp mắt tròn xoe của trẻ thơ, phát hiện ra khía cạnh độc đáo mà những đầu óc sáo mòn không nhận ra, dạy cho có độc lập tư tưởng trong việc tìm phương pháp giải đáp trong các kiến thức đương thời, nhờ đấy sáng tạo ra giải pháp thích hợp với điều kiện, phương tiện mình có thể có.
Vần đề đặt ra gay gắt cho quan niệm truyền thống về giáo dục của chúng ta, trẻ con vừa ngửng mũi khỏi sách vở đã nghe cha mẹ trợn mắt hét “ học đi ”. Chúi đầu ngốn mãi, giỏi cho lắm thì thi đỗ hai ba bằng tiến sĩ. Xét cho cùng, kiến thức ít hơn những gì ghi trong một đĩa CD ROM bách khoa toàn thư lọt thom lỏm trong lòng bàn tay. Nhưng đủ để đầy đầu chướng bụng một số người, không còn chỗ đâu dành cho tinh thần sáng tạo. Suốt đời chỉ còn biết bắt chước làm theo, làm học trò người, và cứ thế rập khuôn thế hệ sau theo mình...
Vấn đề có liên quan đến nội dung chương trình cụ thể giáo dục đào tạo. Nhà chức trách Việt Nam ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của tin học và máy vi tính. Đã có dự án trang bị máy vi tính cho cấp trung học. Đối với một nền kinh tế còn non kém, đó là một chi phí lớn. Với ta, tương đối so với các nước giàu có gánh ấy rất nặng. Nhưng là một đầu tư phải làm và đáng làm. Cho các thế hệ tương lai.
Hiệu năng phải tương xứng với tầm hy sinh để đầu tư của xã hội ta ngày hôm nay. Dạy cái gì quả là vấn đề đáng nêu lên để bàn bạc rộng rãi. Và đã thấy có buổi hội thảo chuyên đề tại Thành phố Hồ Chí Minh vào mùa xuân năm nay. Trong buổi ấy ý kiến của một vị giáo sư Đại học sư phạm – xin được dấu tên – cho là miễn sao dạy học sinh thông thạo gõ bàn máy. Tạo nếp quen đánh máy, đó là tất cả tham vọng cho mầm non dân tộc của một vị có trách nhiệm tìm hướng đào tạo cho các bộ óc Việt Nam ngày mai.
Cũng gần thời điểm ấy, báo chí Pháp đưa tin một em mới học cấp tú tài bị công an bắt giữ. Về tội mày mò phá thủng được hệ bảo vệ các chương trình của trung tâm tình báo CIA Hoa Kỳ, chơi trò dùng tin học lấy cắp tài liệu tình báo mật như lấy đồ chơi trong túi. Phát hiện có người đánh cắp tài liệu quan trọng, dò mãi mới ra, công an Hoa Kỳ qua hệ liên minh công an quốc tế Interpol nhờ công an Pháp bắt giữ thủ phạm, một cậu bé mặt còn vắt ra sữa. Cứ nhởn nhơ như không. Nhà báo hỏi bị tội có thể ngồi tù mà không sợ à ? Em cười đáp, ở tù cũng chẳng sao. Em đã thông thạo hết kẽ hở của mọi hệ bảo vệ bí mật chương trình tin học rồi, các công ty tin học quốc tế thuê thì em tìm cho cách dẹp được hết các chỗ hở còn đầy rẫy hiện nay. Cũng là dùng một máy tính, cũng là một lứa tuổi, nhưng học hiểu căn bản nguyên lý tổ chức chương trình tin học, có khác học gõ bàn máy !
Có hướng dạy dỗ đào tạo nên những người độc lập tư tưởng, làm chủ kỹ thuật, làm chủ thông tin, để mà sáng tạo. Cũng những thiết bị tốn kém nhường nấy, nhưng không lưu ý sẽ nặn ra hàng loạt người chăm chỉ gõ bàn máy, cạo giấy, xách cặp...
Trong nền văn minh thế giới ngày nay, tầm quan trọng của bản lĩnh tiếp thu sử dụng chuyển hoá thông tin chẳng kém gì phương tiện và con người trong nghề thông tin. Đó là vấn đề đặt ra cho mọi mức độ, cá nhân mỗi người, các tầng lớp thành phần của xã hội, tập thể những người nắm quyền quyết định vận mạng cả dân tộc. Để cho dân tộc chủ động linh hoạt trong quan hệ đa phương ngày hôm nay.
Dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh sáng tạo của mình trong cuộc tranh đấu giành độc lập thống nhất dài ba thập kỷ. Nay ta nghiễm nhiên độc lập bình đẳng với toàn thể quốc gia trên thế giới. Cái thế quan hệ đa phương mới lạ này đặt dân tộc trước một cuộc chọn lựa, thích nghi có phần trái nghịch với một số nền nếp ta quen thuộc từ xưa tới nay. Một thử thách mới mà dân tộc ta phải vượt qua.
bùi mộng hùng (9. 1995)
Các thao tác trên Tài liệu