Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 46 / Câu chuyện về cấu trúc quyền lực...

Câu chuyện về cấu trúc quyền lực...

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:50, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:50
Tình trạng không thể kéo dài. Chỉ vài năm nữa, nếu không giải quyết ngay thì chỉ nội một vấn đề giáo dục đã đủ để cho Việt Nam tụt hậu vì thiếu người có tri thức để đi vào hiện đại. Chưa nói vội đến vấn đề đào luyện, tuyển chọn nhân tài, cấu trúc quyền lực.

 

Câu chuyện về cấu trúc quyền lực...

   

bùi mộng hùng

 
Mỗi bước tiến của xã hội là mỗi nảy sinh vấn đề. Đôi khi đưa đẩy quyền lực tập trung vào tay một nhóm nhỏ. Đưa đến tư duy đơn điệu, phản ứng sơ cứng, nhân dân mất quyền chọn lựa hướng đi chung của xã hội. Hoá giải cách nào những nguy cơ hiển hiện này ?

Chuyện của nước khác có thể soi sáng những vấn đề nóng bỏng của Việt Nam ta, đang ở vào thời buổi phải tạo cho mình cấu trúc trong mọi lĩnh vực, chính trị, ngoại giao, kinh tế, công nghiệp, kinh doanh, v.v...

 

Trông người...

 
Pháp không khác quá xa Việt Nam về diện tích, dân số ; có những điểm hao hao với ta, như truyền thống cố hữu tập trung quyền lực về trung ương, công nghiệp lại gồm một thành phần quốc doanh đáng kể...

 
Từ một chính sách đào tạo cởi mở...
Năm 1945, nước Pháp vừa giải phóng khỏi ách chiếm đóng của Đức Quốc xã, vấn đề đào tạo nhân tài đặt ra, cũng như cho Việt Nam ngày hôm nay. Khi ấy Pháp quyết tâm triệt bỏ những tệ hại của phương thức tuyển chọn nhân viên hành chánh cao cấp, trước đấy trên thực tế dành riêng cho giới nhà giàu sinh sống ở Paris đủ sức theo học Trường tư thục các khoa học chính trị (Ecole libre des sciences politiques). Chính phủ lâm thời Cộng hoà Pháp ký sắc lệnh ngày 9.10.1945 thành lập Trường quốc gia hành chính (Ecole Nationale dẺAdministration, ENA). Mở ra đường cho thanh niên nghèo lên địa vị quan chức hành chính cao cấp. Trường tuyển sinh qua các kỳ thi mở cho cả nam lẫn nữ khắp mọi nơi trong nước, gồm ba diện : ngoại, dành cho sinh viên đại học, nội, riêng cho viên chức trẻ đã có 5 năm làm việc trong các công sở, và tự do cho nhân viên doanh nghiệp tư dưới 40 tuổi.

 
Đến tình trạng quyền lực vào tay lớp người rập một khuôn đào tạo...
Năm mươi năm đã trôi qua. Thành tựu quả là vượt bực. Quan chức cao cấp các cơ quan nhà nước đa số là do trường đào tạo mà ra, đã đành. Nhưng nào chỉ có thế ! Quay qua quay lại, nhan nhản thấy những nhà cầm chịch trong các lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội dù là chính trị, kinh tế, tài chính hay kinh doanh đâu đâu cũng là những bộ mặt đã qua cửa trường ENA. Một ví dụ chẳng đâu xa, ngay trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp mùa xuân năm nay. Ba ứng cử viên chính, Jacques Chirac và Edouard Balladur thủ tướng đương nhiệm khi ấy, bên phía đa số cầm quyền, và Lionel Jospin đảng Xã hội bên phía đối lập, cả ba đều là những cựu sinh viên ENA. Đến khi tổng thống mới đắc cử Chirac chỉ định người cầm đầu chính phủ mới, thì Alain Juppé đương kim thủ tướng cũng một lò đó mà ra...

Về phía doanh nghiệp lớn Pháp, truyền thống từ hơn một thế kỷ nay là phần lớn những người nắm quyền điều khiển được tuyển chọn trong đám người đã học qua trường Polytechnique (Bách Khoa). Ngày nay có thêm hai trường ENA (QGHC, Quốc gia hành chính) như nói trên và HEC (Hautes Etudes Commerciales, Cao học thương mãi) : cựu sinh viên ba trường này năm 1985 chiếm 55%, đến 1993 chiếm 60% trong tổng số giám đốc doanh nghiệp, có điều là tỷ trọng trường Polytechnique giữ mực ổn định, trái lại phần về trường ENA không ngừng tăng...

Một tình trạng làm cơ sở cho những từ Enarchie, (QGHC trị, Quốc gia hành chánh trị) và Enarque (QGHC tư lệnh, để gọi sinh viên trường ENA ) tạo vào khoảng năm 1967 phơi phới như diều gặp gió mà đi vào ngôn ngữ thông dụng hàng ngày. Như mọi từ ngữ thời thượng, đúng là các từ này chĩa vào một khía cạnh đập mắt mọi người, nhưng chưa chắc đó là cốt lõi của vấn đề.

Tuy nhiên đã có khói là hẳn phải có lửa. Một phần lửa trong câu chuyện này phải tìm trong tính chất lạ đời của tư bản Pháp.

 
Tư bản theo kiểu Pháp...
Từ 1945, một bộ phận quan trọng của ngân hàng và công nghiệp Pháp thuộc về quốc doanh. Trong vòng mươi lăm năm trở lại đây chính sách đổi thay tuỳ theo là phái tả hay phái hữu lên cầm quyền, chủ yếu có ba đợt chính.

Cuộc tuyển cử năm 1981 đưa phái tả lên chấp chính sau hơn 20 năm đối lập đứng ngoài chính quyền. Trong hai năm 1982-83 ngoài ba ngân hàng BNP, Crédit Lyonnais và Société Générale trong tay nhà nước từ 1945, chính phủ khi ấy quốc hữu hoá khoảng một trăm ngân hàng trong đó có Paribas và Suez. Theo đà đó nhà nước chuyển thành quốc doanh một số nhóm công nghiệp quan trọng : CGE (sau đó thành Alcatel-Alsthom), Saint-Gobain, Bull, Thomson, Pechiney, Rhône-Poulenc, Matra, Usinor và Sacilor.

Năm năm sau, phái hữu trở lại cầm quyền liền tiến hành một đợt tư doanh hoá – gồm Paribas, Suez, Société Générale, Saint-Gobain, Matra, Havas, và Alcatel-Alsthom. Toàn là những doanh nghiệp ăn nên làm ra trên thị trường thế giới, vốn to, lãi lớn. Và vì thế rất hấp dẫn đối với tư bản quốc tế. Đem bán tài sản nhà nước, nghĩa là của nhân dân, chính phủ được cái lợi trước mắt là thu liền vào trong tay hàng trăm tỷ để mà chi dụng, không cần phải dùng biện pháp tăng thuế mất lòng dân.

Tuy nhiên, chính phủ Pháp ngay khi ấy có biện pháp gài khoá rất chặt, ngăn chặn tư bản nước ngoài chiếm ưu thế trong các xí nghiệp tư doanh hoá : đó là kỹ thuật “ hạt nhân cứng ”, nhà nước chọn trước và chỉ định một số ngân hàng, doanh nghiệp bản xứ đứng ra mua đủ phần cổ đông để nắm quyền điều khiển doanh nghiệp trên thực tế ; nhân dân và tư bản ngoại quốc bị đặt trước sự đã rồi, chỉ được quyền chia nhau mua phần thiểu số còn lại. Cụ thể, trong đợt năm 1987 này “ hạt nhân cứng ” xoay quanh Société Générale, Alcatel và Havas, mỗi công ty xuất vốn của mình tham gia vào tư bản của công ty kia, thể hiện một thế quân bằng tinh tế.

Sau giai đoạn phái tả cầm quyền từ 1988 cho đến mùa xuân 1993, phái hữu trở lại chấp chính. Chính sách “ hạt nhân cứng ” cũng lại được áp dụng cho một chương trình tư doanh hoá rộng lớn đem ra thi hành trong kỳ này.

Trên thực tế, khi tư doanh hoá ngân hàng BNP và nhóm bảo hiểm UAP chương trình này phá vỡ cái lõi gồm những cơ sở tài chính quan trọng nằm trong tay nhà nước. Vì vậy tạo ra một động thái sắp xếp lại cổ đông và các mối liên kết nhằm hình thành những cực tài chính tư doanh tầm cỡ.

Rõ nét nhất là mạng lưới BNP - UAP - Suez. Ba nhóm này tham gia tròng chéo với nhau, BNP nắm 15% cổ đông trong vốn tư bản của UAP và ngược lại UAP cũng có chân với tỷ trọng tương đương trong BNP. Giữa Suez và UAP cũng là một mối liên kết tương tự như vậy. Ba nhóm tài chính này hợp sức nhau lại có khả năng huy động 3 300 tỷ frăng, nghĩa là bằng hai lần rưỡi tổng số ngân sách nhà nước Pháp (vào thời điểm 1992). Bộ ba này là cổ đông quy chiếu cho những nhóm công nghiệp lớn của Pháp Elf, Saint Gobain, Lyonnaise des Eaux ; BNP lại có phần hùn quan trọng trong các công ty Renault, Pechiney, Air France. Bên ngoài, bộ ba vươn ra khắp châu Âu, Suez làm chủ các nhóm SGB (Société Générale de Belgique) ở Bỉ, Colonia ở Đức, liên kết với nhóm Pirelli ở Ý, và qua công ty Perrier bắt dây mơ rễ má với nhóm Nestlé.

Bên cạnh đó cũng đang hình thành cực Crédit Lyonnais - AGF - Paribas, sức nặng tài chính chẳng kém trục BNP - UAP - Suez, khối thứ hai này tham gia cổ phần quan trọng trong các nhóm công nghiệp Total, Rhône-Poulenc, Bouygues, Usinor Sacilor, Aérospatiale, Thomson.

Société Générale - Alcatel là cực thứ ba, tầm vóc bằng nửa mỗi cực nói trên, có liên hệ mật thiết về mặt tài chính với Générale des Eaux, Havas và Canal Plus.

Hội tụ những liên hệ tài chính, những lợi ích của các xí nghiệp lại với nhau để hình thành cực doanh nghiệp đủ tầm vóc để đứng vững trước sự cạnh tranh trên thị trường thế giới : chỉ là một chiến lược bình thường, tự nhiên.

Không bình thường chăng là giám đốc các xí nghiệp tư doanh hoá đều là công chức cao cấp do chính phủ – cổ đông chính – chỉ định. Khi chính phủ dùng chính sách “ hạt nhân cứng ” quyết định cho ai làm cổ đông chủ chốt để mua một xí nghiệp quốc doanh thì cụ thể là chính phủ quyết định chẳng những ai làm giám đốc mà còn cả hội đồng quản trị.

Quay đi quay lại không lọt ra ngoài một nhóm con con các nhà tai to mặt lớn, trước khi được nhà nước chỉ định cầm cân nảy mực các xí nghiệp quốc doanh, đã có một thời đường đường là quan chức cao cấp, trong các cơ quan lớn chính quyền, trong văn phòng các bộ quan trọng. Và trước đó là những sinh viên ưu tú các lò đào tạo X (Polytechnique) hay ENA (Quốc gia hành chánh). Nhìn vào 25 xí nghiệp quan trọng nhất nước Pháp, hầu hết giám đốc đều là cựu quan chức nhà nước, chỉ có một số rất nhỏ là nhân viên xí nghiệp leo dần các nấc thang từ dưới thấp lên tới địa vị cao nhất.

Điều khác trước là khi xưa giám đốc xí nghiệp quốc doanh do chính phủ này chỉ định thì cũng có khả năng bị chuyển đổi khi một chính phủ khác lên thay. Ngày nay, Michel Pébereau là giám đốc BNP thì đồng thời cũng là uỷ viên ban quản trị UAP vì BNP là cổ đông quan trọng của UAP, và ngược lại trong hội đồng quản trị BNP có mặt cổ đông “ gộc ” Jacques Friedmann giám đốc UAP. Chức vị giám đốc là họ quyết định giữa họ với nhau, hầu như chuyện của một nhóm nhỏ, giữa 50 con người “ bồ bịch ” với nhau. Địa vị các nhà tai to mặt lớn trong những khối tư doanh mới hình thành vững chắc hơn bao giờ hết.

Tư bản Pháp chẳng còn trong tay 200 thế gia vọng tộc như thời nào. Nó không theo mẫu tư bản thị trường Anh - Mỹ, chẳng giống hệ ngân hàng-công nghiệp của Đức, cũng không thuộc về một mạng lưới thế gia như ở Ý. Nó hao hao kiểu “ hạt nhân tài chính ” như ở Nhật.

 
Những hệ quả...
Quyền lực tư bản lọt vào tay một nhóm con con kỹ trị. Họ lại cùng một khuôn, cùng một cung cách, cùng lối tư duy, cùng gốc cùng rễ với các nhà kỹ trị điều hành bộ máy hành chính. Jacques Friedmann có lần phân bua rằng đầu tư tròng chéo giữa các doanh nghiệp không làm cho sự kiểm soát lẫn nhau giảm phần nghiêm túc : “ Chúng tôi phải bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, phải tường trình trước hội đồng quản trị và toàn thể cổ đông ”...

Nhưng mối nghi ngờ kéo bè kéo cánh, từ đó chỉ một bước là đến tệ nhũng lạm, không khỏi lởn vởn, lơ lửng. Đưa đến những câu hỏi kiểu như tại sao Jean Yves Haberer giám đốc ngân hàng Crédit Lyonnais trong thời gian 1987 - 1993 có thể lao xí nghiệp vào một chiến lược phát triển gia tốc trong mọi lĩnh vực, quá sức của doanh nghiệp, để cho chỉ trong vòng vài năm chồng chất một tổng lượng kỳ phiếu quá bất trắc, lỗ lã 9 tỷ frăng trong khoảng hai năm 1992 - 1993, mà các cơ quan kiểm sát là Uỷ ban ngân hàng (Commission bancaire) và bộ tài chính cứ để mặc ?

Thật ra, những câu hỏi đặt ra về cấu trúc quyền lực còn nêu lên những vấn đề sâu xa hơn thế nhiều. Phải chăng quan chức hành chánh cao cấp họp thành một giới liên đới dây mơ rễ má với nhau, tiếp tay nhau hình thành cốt lõi vòng trong của quyền lực ? Họ dần dà nắm các cần điều khiển bộ máy hành chính. Từ đấy, thông qua cấu trúc rất đặc biệt của tư bản kiểu Pháp, chuyển lần qua lĩnh vực điều khiển các doanh nghiệp lớn. Lấn sang cả chính trị. Chỉ còn sót lại khu vực thông tin đại chúng, mà cũng đã thấy có kẻ mở đường vào lĩnh vực này...

Trong khắp các lĩnh vực hành chính, doanh nghiệp, chính trị chỉ một mẫu người duy nhất. Phải chăng vì toàn là những nhà kỹ trị cùng đúc một khuôn, cùng một lối tư duy cho nên mặc tuyển cử đổi thay phái cầm quyền, các giải pháp do phái tả hay phái hữu đề ra cho các vấn đề lớn của xã hội Pháp cứ hao hao như anh em một nhà ? Phải chăng mẫu số chung là các biện pháp do giới quan chức cao cấp các bộ, các cơ quan hành chính đề ra ? Phải chăng những biện pháp của các nhà quản lý này làm cơ sở cho cái mà giới chính trị, các cơ quan thông tin đại chúng xem như là “ tư duy chính trị duy nhất ” ngoài ra không còn con đường nào khác ?

Các vấn đề của xã hội liên quan đến đời sống hàng ngày của mỗi người. Vấn đề đặt ra cho mọi công dân, nhưng ngày nay giải pháp có nhiều khía cạnh kỹ thuật không dễ hiểu cho một người dân bình thường. Ngôn ngữ hành chánh là ngôn ngữ kỹ trị, cho còn là được đi. Nhưng khi chính trị gia cũng nói kiểu kỹ trị, thì người dân chán ngán, xa rời chính trị, mặc các nhà kỹ trị nói cho nhau nghe.

Phải chăng vì vậy mà khoảng xa cách giữa dân chúng Pháp và chính trị nghĩa là với những quyết định lựa chọn hướng đi cho đời sống chung cứ rộng dần, rộng dần ?

   

Lại nghĩ đến ta...

 
Ở ta cũng đã xa rồi cái thời mà đáp lại câu hỏi của chủ tịch Hồ Chí Minh “ Đồng bào có nghe tôi không ? ” là tiếng vang dậy tự đáy lòng của tuyệt đại đa số người dân Việt, chẳng những nghe bằng tai, bằng óc mà còn đem hết lòng hết dạ tán đồng những mục tiêu, những biện pháp đề ra khi ấy cho dân tộc.

Ngày nay, mặc cho các nhà lãnh đạo chính trị ra nghị quyết, sắc lệnh, chỉ thị, ảnh hưởng trực tiếp và sâu xa đến vận mệnh của cả dân tộc, người dân cứ coi như chuyện đâu đâu, tâm trí để hết vào việc kiếm cơm nuôi vợ nuôi con. Thờ ơ, mặc tình cho một nhóm quan liêu thao túng trong tất cả các bộ máy chính trị, hành chính, kinh tế, thông tin,... làm chủ trong những xí nghiệp thật ra là tài sản của nhân dân. Người dân đen chỉ biết lo nhặt nhạnh cho bản thân những rơi vãi lọt xuống đến mình từ các cuộc phí phạm, tham nhũng cứ lừng lững mà phát triển theo đà phát triển của kinh tế. Chẳng ai không rõ rằng nạn tham ô ấy đe dọa sức phát triển, sự sống còn của đất nước, nhưng quốc sách chống tham nhũng cứ bất lực dài dài. Vì hiện tượng tham nhũng bắt nguồn từ một cấu trúc của quyền lực tập trung tất cả trong tay một nhóm người, không phân trách nhiệm cụ thể, không kiểm sát hữu hiệu. Cấu trúc này còn thì tham nhũng không thể diệt...

    

Vậy mà chẳng vậy...

 
Vậy ra Pháp cũng chẳng khác gì Việt Nam à ? Rằng giống, thì tìm kỹ cũng nhận ra vài nét hao hao. Nhưng khác, thì khác cả bề dày mấy trăm năm truyền thống và thể chế, bảo đảm cho người dân thường có phương tiện nhận định, có khả năng tác động vào chính sách, vào vận mệnh chung.

 
Mầm mống nguy cơ phạm đến nguyên tắc căn bản của xã hội vừa manh nha là thấy phản ứng nổi lên ngay, giải thích, tranh luận, phân tích, đề nghị giải pháp. Các cơ quan kiểm soát, các cơ quan tư pháp – độc lập với chính quyền – mổ xẻ vấn đề, phán xét vô tư.

Hiện tượng một mẫu người đào tạo từ cái khuôn đặt ra khoảng năm 1945 lên nắm quyền điều khiển trong các lĩnh vực hành chính, chính trị xuất hiện, thì liền ngay từ 1967 đã khởi lên dư luận với những từ gợi ý gợi hình Enarchie (QGHC trị), Enarque (QGHC tư lệnh) mổ xẻ vấn đề : Người cùng một lò mà ra ngồi chụm lại với nhau, chẳng chóng thì chầy không sao tránh khỏi nguy cơ chỉ có một lối đề cập, một lối nhận định, một lối tư duy, một loại biện pháp trước thực tế muôn mặt, muôn dạng của thế giới ngày nay. Hiển hiện nguy cơ lãnh đạo sơ cứng.

Chính sách tư doanh hoá “ hạt nhân cứng ” vừa manh nha nguy cơ tạo ra một nhóm kỹ trị thoát ra khỏi vòng kiểm soát của xã hội thì phái đối lập đã nêu vấn đề, chất vấn chính phủ trước quốc hội, tạo ra từ “ nhóm 50 bồ bịch ” gợi hình ảnh cho quảng đại quần chúng nhìn ra bản chất nhóm hạt nhân tư bản kỹ trị là gì. Báo chí, đài truyền thanh, truyền hình, trình bày, phân tích, tranh luận, giải thích. Dấy lên một luồng công luận mà ngay cả giới chủ nhân ông cũng không thể thờ ơ. Để giữ cho doanh nghiệp Pháp một hình ảnh tốt đẹp, Liên đoàn quốc gia giới chủ nhân Pháp (CNPF, Confédération Nationale du Patronat Franôais) phải đặt Marc Viénot, tổng giám đốc ngân hàng Société Générale thực hiện một bản báo cáo về “ quyền cai trị các xí nghiệp ”, đề đạt biện pháp sao cho quan hệ giữa ban giám đốc doanh nghiệp và cổ đông được trong sáng. Cũng trong đà đó, khoảng mươi nhóm doanh nghiệp lớn đã cùng nhau thành lập ra một “ đài quan sát cai trị xí nghiệp ” nhằm nghiên cứu cách điều hành của các ban quản trị xí nghiệp Pháp và những phương pháp dùng ở nước ngoài để bảo đảm sự trong sáng và thông tin cho cổ đông.

Luật pháp sơ hở, các đảng phái chính trị bòn tiền của doanh nghiệp, tạo nên một tình huống nhũng lạm ngấm ngầm, một không khí nghi k$ỵ làm suy giảm uy tín của toàn thể giới chính trị gia. Vấn đề được đem ra tranh luận rộng rãi. Quốc hội thảo luận, làm ra điều luật mới ngăn chặn không cho tình trạng tiếp tục. Pháp đình tố cáo, đem ra công xử tội phạm nhũng lạm, không chừa một đảng phái nào. Một số bộ trưởng phải từ chức, có người bị kết án. Mới gần đây, một ông biện lý – nghĩa là một công chức – công khai thẩm định rằng thủ tướng đương nhiệm Alai Juppé đã phạm pháp trong vụ khi còn làm phó thị trưởng Paris đã giảm giá thuê nhà thuộc sở hữu của thị xã cho con ruột ông ta.

Dân chúng đưa lên nắm chính quyền mà không thực hiện được lời hứa chính trị khi tranh cử thì dân chúng cho về ở vị trí đối lập. Gần với dân hơn, có điều kiện tìm hiểu nguyện vọng sâu xa của dân chúng là những gì, có thời gian suy ngẫm chín mùi giải pháp đề ra.

Đảng xã hội Pháp lên cầm quyền trong thập kỷ 80, vào thời gian kinh tế mở cửa biên giới, công nghiệp Pháp phải chuyển đổi để thích ứng kịp thời. Công nghiệp luyện kim cổ truyền của Pháp thay đổi cấu trúc, đầu tư cao độ kỹ thuật mới, có đau đớn về mặt phải thải bỏ một số lớn nhân viên nhưng đã trở lại đứng hàng đáng nể trong cạnh tranh thế giới. Công nghiệp xe hơi đã tìm lại được hơi sức bằng cách tăng năng suất, bằng tính năng động trong kỹ thuật, trong chiếm lĩnh thị trường. Công nghiệp hàng không và không gian đạt sức vóc, kết quả làm các đối thủ Hoa Kỳ phải gờm lo. Công nghiệp viễn thông đứng trong hàng có hiệu quả bậc nhất trên thế giới. Nói chung công nghiệp Pháp từ năng suất thua kém đã đầu tư tăng năng suất để bắt kịp các đối thủ Đức, Hoa Kỳ, đã giảm nợ nhờ tự cấp vốn với tỷ suất khoảng 120%, chưa bao giờ được thoải mái về tài chính như hiện nay. Pháp có thể tự hào đứng hàng thứ tư trên thế giới về xuất khẩu và vừa đây tỷ số tăng phần trọng lượng của mình trong thương mãi thế giới cao hơn so với Đức.

Về mặt này, các nhà kỹ trị Pháp không tồi, chính phủ Pháp đã đạt thành công nhất định. Nhưng éo le là một chính phủ phái tả, khi phải cấu trúc lại công nghiệp đất nước mình đi chọn hướng ưu đãi tư bản, đi dùng một chính sách hy sinh giới lao động : tỷ số thất nghiệp tăng cao hơn một số nước tiên tiến ở Âu Mỹ, xã hội rạn nứt. Mà giảm nạn thất nghiệp chính là một trong những cam kết quyết định dân chúng Pháp đưa đảng xã hội lên cầm quyền.

Đảng xã hội phải trả giá đắt điểm thất bại này và dân chúng đưa lên làm tổng thống một người phái hữu, Jacques Chirac, mà luận điệu tranh cử khi đề cập đến nạn thất nghiệp lại có hơi hám giọng phe tả. Một éo le khác !

   
Xã hội không ngừng biến chuyển, mỗi bước đi là một loạt vấn đề mới nảy sinh. Chuyện bình thường. Điều đáng nói là một xã hội có thể chế, có phương tiện chính trị, pháp lý, dân sự để các tầng lớp dân chúng cùng nhau giải quyết êm thấm các vấn đề mới phát sinh. Hay là cấm kỵ đề cập các vấn đề nảy ra từ thực tế sinh hoạt, cho đến khi tức nước vỡ bờ...

Và đây là vấn đề lớn của Việt Nam. Người dân được tháo gỡ ra khỏi những gò bó phi lý đè nặng suốt một thời gian dài liền lăn xả ra làm ăn. Những biện pháp lèo lái kinh tế vĩ mô hợp thời của chính phủ tiếp thêm vào đấy, kinh tế khấm khá lên, phát triển liên tục trong mấy năm liền. Nhưng sức bung ấy đã đuối. Không có những thay đổi sâu rộng về cấu trúc kinh tế, về tổ chức bộ máy chính quyền – vấn đề liên hệ chặt chẽ đến tuyển chọn nhân tài, đến cấu trúc quyền lực – tiền đồ sẽ ra sao ?

Chính đây là lúc nên nêu vấn đề, tranh luận bàn cãi sâu rộng cho nảy ra các biện pháp sát với thực tại, thích nghi với điều kiện cụ thể của nước ta.

Thay vì toàn dân đem kinh nghiệm, trí tuệ ra tìm giải pháp cho các vấn đề thiết thân đến dân tộc, đất nước nghĩa là đến đời sống hàng ngày, trước mắt và lâu dài, của mỗi người dân Việt Nam, thì mọi thảo luận, bàn cãi đúng nghĩa của chúng bị ếm chặt. Bởi lá bùa “ theo định hướng xã hội chủ nghĩa ”.

Đó chỉ là một khẩu hiệu rỗng. Chính những ai tung nó ra nhiều nhất lại càng không nói lên nổi nội dung chính xác của nó là gì. Vâng ! Nhưng mỗi khẩu hiệu mỗi có uy lực của nó. Có khẩu hiệu tung ra cùng nhịp với nguyện vọng dân chúng thì nó là tia lửa làm bừng cháy thảo nguyên. Tung quá sớm hay quá trễ, thì nó ỉu xìu như pháo tịt ngòi.

Khẩu hiệu này có chức năng khác. Chức năng của cả một chính sách bịt mồm người dân. Người dân được cái tiếng làm chủ tập thể đất nước. Và nhân danh hư vị làm chủ đó mà người ta tước đoạt mọi khả năng tác động của công dân vào việc chung của xã hội, của đất nước. Bị soán đoạt cho đến lời nói, người dân lặng thinh mà nghe những ai ai lớn tiếng phát biểu ý kiến mệnh danh là của chính mình. Thân phận con giun cái dế.

Cho tới ngày nay lá bùa “ định hướng xã hội chủ nghĩa ” bịt chặt cả xupap lẫn nắp nồi hơi xúp de xã hội Việt Nam đang sôi sục những vấn đề cấp thiết.

Tình trạng không thể kéo dài. Chỉ vài năm nữa, nếu không giải quyết ngay thì chỉ nội một vấn đề giáo dục đã đủ để cho Việt Nam tụt hậu vì thiếu người có tri thức để đi vào hiện đại. Chưa nói vội đến vấn đề đào luyện, tuyển chọn nhân tài, cấu trúc quyền lực. Đến khi ấy người dân im hơi lặng tiếng ngày nay sẽ phản ứng ra sao ? Con giun xéo mãi cũng quằn...

Khi ấy Việt Nam đi về đâu. Liệu có lại trễ chuyến tàu phát triển như đã có một lần, thế kỷ thứ mười chín ?

   

bùi mộng hùng

(10. 1995)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us