Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 47 / Gốc rễ văn hoá và hiện đại

Gốc rễ văn hoá và hiện đại

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:51, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:51
Tất cả vấn đề là nó có sẽ thành gánh nặng trì kéo, cùm bước chân chúng ta đi ? Hay là nó quyện được với tri thức hiện đại mà đơm hoa kết quả phô hương phô sắc (...) góp thêm hồng thêm thắm vào vườn hoa muôn sắc muôn hương của văn hoá loài người. Ấy cũng phần lớn tuỳ thuộc vào cách ta nhìn gốc rễ văn hoá ấy như thế nào, ứng xử với nó ra sao. Ôm cứng lấy nó như một gốc khô trong quá khứ, xin lỗi nói như người quê miền Tây ta, thì được cái khỉ mốc gì. Nhưng tại sao lại đi nhìn gốc rễ truyền thống như là một cực đối chọi, mâu thuẫn với hiện đại ?
 

Thư gởi một chú em không quen biết

   

Gốc rễ văn hoá
và hiện đại


   
bùi mộng hùng

  

 

L. T. S. Báo Tuổi Trẻ tháng 9 vừa qua mở ra diễn đàn “ Thanh niên bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc ” với một bài dẫn của nhà văn Sơn Nam. Ngày 16. 9, báo trích đăng lá thư ngỏ “ Cái lo mất gốc sao bằng cái lo lạc hậu ” của bạn Nguyễn Văn Tiến Hùng gởi nhà văn lão thành. Với một giọng cười cợt, bài viết đặt ra nhiều vấn đề... hắc búa cho những ai quan tâm tới vấn đề, nhưng lại tạo sự phản hồi mạnh mẽ từ đông đảo bạn đọc Tuổi Trẻ.

Nguyễn Văn Tiến Hùng viết thư ngỏ gửi Sơn Nam nhưng lại nói với những ai ai. Bác sĩ Bùi Mộng Hùng, người thày võ của Diễn Đàn, bèn mượn ngay sức đẩy, đi thêm một đường...

Để bạn đọc rộng đường tham khảo, Diễn Đàn cũng xin đăng lại bài của Tiến Hùng và một bài trả lời, của N.V.H. trên Tuổi Trẻ ngày 23. 9. 1995.

   

 
Chú Tiến Hùng,

Hẳn không là duyên thì là nợ, chưa biết duyên được bao nhiêu nhưng chắc rằng nợ quá nhiều. Tôi đồ chừng chỉ vì cái nước phèn sông Trẹm lậm vào da vào thịt, vào xương vào tuỷ suốt cả thời thơ ấu cho nên đã nửa đời người uống nước phôngten vùng Paris rồi mà mới loáng thoáng nghe tới “ phù sa sông nước ” của cái miền Tây “ sình lầy, chất chứa những âu lo, nghèo khó ” là xốn xang gan ruột.

   

Một chút tình quê

 
Bữa được đọc bức thư ngỏ chú viết ở Sài Gòn đêm 7/9/95 đăng trong báo Tuổi Trẻ ngày 16/9/95 tôi đã bụng bảo dạ bỏ qua đi, coi như một chuyện qua đường cho rảnh. Nhưng sao cứ lấn cấn như có gì không ổn. Hôm nay cầm lòng không đậu đành phải bật máy vi tính lên viết thư này cho chú. Và trước hết, xin xưng hô theo lối quê nhà, kêu chú là chú em. Về tuổi tác tôi nhỏ hơn nhà văn Sơn Nam chỉ ít năm.

Xét cho cùng, lòng dạ tôi xốn xang vì vương chút tình đồng hương với chú và nhà văn Sơn Nam chỉ là một trong những nguyên do. Còn thêm lý do khác, ấy là chẳng biết cố ý hay vô tình chú đã chạm nọc đến những vấn đề căn bản cho thế hệ chú và vì vậy thiết thân cho cả dân tộc. Nào là “ mặc cảm cái nghèo cái rách ”, nào là “ coi chừng mất gốc ”, nào là câu hỏi ỡm ờ, như đùa như thật : “ ... Nếu có một đơn đặt hàng rằng, cụ và các nhà văn hoá hãy làm gì để chuẩn bị nơi ươm mầm cho một nội lực phát sinh. Cụ sẽ trả lời ra sao, thưa người của ' miệt vườn '  ” ?

Nói chú đừng giận, quả thiệt tôi mừng khi đọc câu chú viết : “ Lắm lúc trách mẹ cha đẻ chi mình ra ở chốn thiếu thốn tứ bề không có tivi, đàn hát, nhạc hoạ để thua bạn bè, nay lại không có tiền cho con học thêm ngoại ngữ, mua máy vi tính... mà phải đi làm thêm cực nhục, phạc phờ ”.

Mừng vì nhiều lẽ. Một là mừng chú uất ức, tủi hổ với cái nghèo. Uất hận tràn đầy bao nhiêu thì lối thoát càng gần trước mặt bấy nhiêu. Hai là mừng chú không đặt vấn đề riêng chỉ cho cá nhân chú mà còn nghĩ đến việc chung. Đồng ý với chú trên điểm này quá đi ! Đồng ý và mừng được thấy nơi người trẻ cái lý tưởng đi đến “ đích cuối cùng là làm hiện rõ một Việt Nam hôm nay cho thế hệ sau chúng tôi.” . Đáng mặt lý tưởng cho một công dân nước Việt Nam độc lập. Và chính vì vậy không thể không chạnh nhớ đến những hy sinh gian khổ của cả dân tộc để cất được cho các thế hệ hôm nay cái tủi nhục làm nô lệ ngoại bang. Cái tủi nhục đã canh cánh bên lòng thế hệ chúng tôi trong bao năm trường, nặng nề vì không ít người trong chúng tôi tin tưởng rằng điều kiện tiên quyết để dân tộc vượt ra khỏi tình trạng nghèo hèn là phải cởi bỏ cho được cái ách nô lệ ấy. Tôi vẫn cứ cho rằng niềm tin này là có cơ sở nếu ta không chỉ lo cho số phận riêng cá nhân và gia đình mình mà còn nghĩ đến vận mạng chung của dân tộc, của đất nước.

Một vấn đề lớn cho sự sống còn của dân tộc đã giải quyết xong. Đất nước độc lập thống nhất rồi, cái nghèo, cái khổ làm tủi hổ day dứt. Trong mắt chú đó là vấn đề hàng đầu. Mối ưu tư rất chính đáng. Đi vào phân tích những nguyên nhân làm cho ta cứ mãi lẹt đẹt nghèo hèn sẽ quá dài dòng. Chúng ta trở về với vài vấn đề mà theo tôi có trực tiếp liên quan đến con đường thoát ra cái nghèo hèn ấy : vấn đế gốc rễ văn hoá dân tôc, vấn đề đi vào hiện đại...

   

Gốc với ta, ta với gốc

   
Thú thật với chú là tôi đã bật cười thấy chú nói giọng khiêu khích : “ Còn ăn cơm bằng đũa, dạ thưa bằng tiếng Việt thì gốc vững trân lo gì mất. ” Một người nói ngang ba làng nói không lại. Nhưng điều này tôi nhận cho chú có phần phải đi. Vì trong thâm tâm tôi cũng nghĩ rằng ngôn ngữ, cách ăn lối uống là những nét căn bản của văn hoá một dân tộc. Rằng chẳng dễ gì mà một thế hệ sống trong lòng đất nước, dân tộc có thể một sớm một chiều mất gốc mất rễ được.

Tôi xin lấy ngay cái sự kiện chú và bạn bè cùng trang lứa với chú chẳng muốn “ mất phí thời gian hoài cổ ”, để “ làm cái việc thời đại thúc bách phải làm là miệt mài với vi tính, ngoại ngữ... ” để dẫn chứng. Gặp tình cảnh của chú, m$$ột người trẻ Mỹ, Đức hay Pháp có làm như vậy không nhỉ ? Kinh nghiệm một nửa đời lăn lóc ở xứ người cho phép tôi nghĩ rằng đa số người trẻ Tây phương sẽ phản ứng khác hẳn. Và cái cung cách cứ học đi đã, học cho lấy được, miệt mài mà học nó chất chứa cái gì đặc sệt Việt Nam. Đến nao lòng.

Nói vậy chẳng phải để khen hay chê. Mà để cho thấy rằng cái phong cách ứng xử và suy nghĩ, sống và yêu, ăn mặc và hát hò, mơ ước và đấu tranh, nói chung là cái gốc văn hoá của dân tộc, nó tiềm tàng chất chứa trong chú, hồn nhiên như nước trong nguồn chảy ra, như tiếng nói mẹ đẻ... Muốn quên nó cũng chẳng được, mong gì mà lấy nước phôngtên vuốt cho nó trôi đi. Vì nó đã ở trong mỗi người chúng ta từ thuở nằm nôi nghe mẹ ơ à ru con. Nó là một phần trong chú hiện nay và nó sẽ cùng chú bước vào tương lai.

Tất cả vấn đề là nó có sẽ thành gánh nặng trì kéo, cùm bước chân chúng ta đi ? Hay là nó quyện được với tri thức hiện đại mà đơm hoa kết quả phô hương phô sắc. Hương sắc khác đời vì đượm vị đất, vị nước ta, vì nó phát sinh từ đại dương tập tục và thói quen di sản của cha ông, tổ tiên ta đời nọ truyền lại đời kia. Và chính vì vậy mà nó góp thêm hồng thêm thắm vào vườn hoa muôn sắc muôn hương của văn hoá loài người.

Ấy cũng phần lớn tuỳ thuộc vào cách ta nhìn gốc rễ văn hoá ấy như thế nào, ứng xử với nó ra sao. Ôm cứng lấy nó như một gốc khô trong quá khứ, xin lỗi nói như người quê miền Tây ta, thì được cái khỉ mốc gì.

Nhưng tại sao lại đi nhìn gốc rễ truyền thống như là một cực đối chọi, mâu thuẫn với hiện đại ? Cách nhìn ấy có cơ sở vững chắc hay không ?

 

Mâu thuẫn và hỗ tương

 
Chú lo miệt mài với vi tính, với ngoại ngữ. Chú và lớp người cùng thế hệ chú “ phóng tầm mắt xuyên lục địa, thu nhận hết mọi cái hiện đại (thông tin, kỹ thuật, công nghệ và v.v...) ”. Hoan hô. Chỉ xin ghé tai nhắc nhỏ một điều : tiếng Việt ta hay dùng từ kép, ông bà ta nói “ học hành ”, học thì phải đi đôi với hành. Nhưng dường như ta hay quên cái vế “ hành ”, đánh rơi nó đâu mất. Chú là sinh viên trường Du lịch. Ngoại ngữ là cần thiết. Nhưng rồi sẽ nói những gì đây ? Bạn bè ngoại quốc của tôi không ít người đi thăm Việt Nam. Rất nhiều người than phiền rằng khi chán ngấy rồi những cảnh văn công đóng đám cưới, đình đám, hát hò dân ca, giả tạo chẳng qua mắt được ai có chút nhận xét tinh tế. Khi họ muốn hiểu biết thêm về con người về đời sống Việt Nam thật thì hướng dẫn viên bản xứ lại ù ù cạc cạc, mù tịt cả những điều mà người ngoại quốc biết trước khi thăm viếng đất nước ta. Mà nào họ có đòi hỏi gì cao xa cho cam. Chỉ cần chuyện thật, chuyện sống hàng ngày thôi. Như cách ăn thói uống của ta chẳng hạn. Hướng dẫn viên mà biết kể lể cách luộc thịt heo sao cho khi thái mỏng, miếng thịt cứ căng lên không co queo cuốn kèn, ăn vào miệng đã đậm lại dòn. Kiểu như Sơn Nam trong chuyện Con Bảy Đưa Đò hay ông Bảy Trấn trong Chợ Đệm Quê Tôi ấy mà, thì họ sẽ tròn xoe mắt.

Ấy, có đi vào thực hành mới thấy cái gốc văn hoá – ta xem thường vì nó nằm sẵn trong ta – là cần thiết, là quý tới đâu. Vi tính, công nghệ, kỹ thuật, ngoại ngữ... bản thân chúng chỉ là những phương tiện. Như cái cột sắt cắm dưới đáy biển trước khi được Tề Thiên cầm lên tay, chưa dùng được vào việc gì cho ra hồn. Thiếu “ nội lực ”, nói theo kiểu chú, thì học xong chúng nó cứ nằm chết cứng. Khá hơn một chút thì cậy vào chúng mà xách cặp theo người, lẹt đẹt. Hoặc làm ra một cái gì lai căn ta chẳng ra ta, Tây chẳng ra Tây, lố lăng mà không đi tới đâu hết.

Cái sức mạnh biến nổi cái cột nằm dài dưới đáy biển thành cây gậy Tề Thiên muôn biến vạn hoá, đối với không ít người, chính là từ cái gốc văn hoá cha ông để lại. Đấy là cội rễ của tình cảm sâu đậm dạt dào, điểm nhãn cho sáng mắt lên nhìn thấy rõ đâu là vấn đề thiết thân, phải tung những kỹ thuật gì ra mà giải quyết.

Những tháng này đang là thời gian Hội diễn văn nghệ mùa thu 1995 Paris. Báo chí nói nhiều đến vở Hạn hán và cơn mưa và tác giả dàn dựng nên nó Ea Sola. Cô gái này gặp người Việt thì bảo gọi cô là Thuỷ. Vốn cô cha Việt mẹ gốc Hung và Ba Lan, tuổi chỉ nhỉnh hơn thế hệ chú chút ít thôi. Khi xưa cô sống ở miền thượng nước ta, cho nên dùng tiếng vùng đó mà lấy tên là Ea, có nghĩa là nước, là sông. Cô học kỹ thuật vũ với Tây phương, với Nhật, rồi mày mò tìm lại cội rễ của mình qua nghệ thuật hát chèo tận vùng quê Thái Bình, suốt nhiều năm trường.

Các nhà phê bình nghệ thuật Tây phương đồng thanh chào mừng tài hoa mới nở mùa này Ea Sola – tờ nhật báo Pháp có uy tín toàn cầu, tờ Le Monde trong số phụ trang đặc biệt về Hội diễn mùa thu 1995 đã không ngần ngại phê rằng vở balê đầu tay Hạn hán và cơn mưa một bước đạt ngay trình độ bậc thầy, và cho rằng Ea Sola, nghệ sĩ vô danh ngày khai trương Hội diễn, nghiễm nhiên lên đứng ngang hàng với những tên tuổi lớn.

Kỹ thuật ư ? Phải mà chẳng phải. Nghệ sĩ đã siêu việt kỹ thuật, khán giả nào cần biết rằng làn điệu tiết tấu ca nhạc là từ chèo mà ra, rằng đoàn vũ nữ gồm các cụ bà đồng quê Thái Bình tuổi từ năm mươi đến bảy mươi : Họ cảm nhận thẳng vào đáy lòng cái khắc nghiệt của thiên nhiên, thiêu đốt của nắng hạn, tầm tã của mưa bão, rên rỉ của côn trùng ếch nhái, cái nhọc nhằn khổ cực của con người. Họ thấy vũ nữ đẹp, đẹp những thân xác, những gương mặt hằn phong sương đời đời gò lưng gằm mặt xuống luống cày mót lên hạt gạo, vật lộn với thiên nhiên, vật vã với cái sống cái chết của chồng, của con, của người thân yêu. Thân xác và gương mặt của các cô gái, các phụ nữ, các bà mẹ, các bà lão, Việt Nam đấy nhưng mà cũng là của người yêu, người em, người chị, người mẹ, một nơi đâu đây trên trái đất này, đã, đang, mãi mãi vật vã với thiên nhiên, với sống chết. Các nhà phê bình có lý khi họ coi Ea Sola Nguyễn Thuỷ là sứ giả văn hoá Việt Nam. Chỉ trong khoảng khắc cô đưa khán giả vào tới cội rễ dân tộc với một vở balê hiện đại, sử dụng những yếu tố văn hoá truyền thống thật, nhưng biến chúng thành một ngôn ngữ tân kỳ, truyền thẳng cho khán giả thấm thía cái cơ cực, hôm nay và muôn thuở của người phụ nữ quê ta.

Cũng trong Hội diễn này, có mấy nhà sáng tác nhạc trẻ Trung Quốc được các nhà phê bình xem là kiệt xuất. Những người này có người hiện sinh sống ở New York như Tan Dun (Đàm Thuẫn), Ge Gan Ru (Cát Căn Như), người sinh sống ở Trung Quốc lục địa như Guo Wenjing (Quách Văn Kinh). Họ đều có một điểm chung là sáng tạo nên được nhạc mới lạ từ quan niệm đến thể hiện, tươi trẻ mà nồng cháy, làm cho người nghe không ngớt từ ngạc nhiên này đi đến ngạc nhiên khác, thán phục. Ngôn ngữ nhạc của họ hoà hợp được cái táo bạo của nhạc hiện đại với làn điệu truyền thống của thuỷ thủ, của dân ca, hội hè đình đám Trung Quốc. Khi sau buổi trình diễn, khán giả hoan hô yêu cầu tác giả Guo Wenjing ra mắt, ta thấy từ hậu trường bước ra cúi chào,một con người nhỏ thó, rụt rè. Khi ấy mới thấy thấm thía lời tuyên bố của anh chàng họ Quách này : “ Vùng quê tôi, người thì nhỏ con mà sao khoẻ thế, vác nổi những kiện hàng to tướng : tôi muốn biểu thị sức mạnh bên trong của người dân quê tôi trong nhạc của tôi.

Chú em có thể bảo rằng nãy giờ ông già lẩm cẩm nói toàn chuyện nghệ sĩ. Ừ thì cứ cho là nghệ thuật cần bắt nguồn vào gốc rễ đi, nhưng hiện đại là kỹ thuật là công nghệ, cần chi đến chuyện gốc rễ ?

Nếu nghĩ thế, thì chú em lại bé cái lầm ! Gốc rễ của chúng ta xét cho cùng là những câu hỏi, những phản ứng trước thiên nhiên, trước cuộc sống đã trở thành nề thành nếp, đời nọ truyền lại cho đời kia vì nề nếp đó giúp chúng ta thích ứng với các vấn đề mà môi trường, mà cuộc sống cứ trở đi trở lại không ngừng đặt ra cho các thế hệ nối tiếp nhau.

Chú em có biết chăng Pasteur phát hiện ra vi sinh vật mở ra viễn tượng mênh mông cho khoa học và kỹ thuật, chính là vì ông ta đặt một câu hỏi thiết thân với cội rễ truyền thống làm rượu nho của quê hương ông : hiện tượng lên men rượu từ đâu mà ra ? Chú có biết chăng, một lý do Nhật phát triển rất sớm và rất mạnh công nghệ vi sinh và sinh hoá chính là để giải quyết những vấn đề truyền thống ăn uống đặt ra : tương, chao, dưa, muối... Các công nghiệp vi sinh, sinh hoá của Nhật là từ tương chao mà phát lên đấy chú ạ.

 

Làm gì cho nội lực phát sinh

   
Chú thấy đấy, gốc rễ là một nguồn nội lực. Không ai từ lỗ nẻ chui lên mà nên người ngay. Không quá khứ thì hiện đại có ra gì, và tương lai sẽ là thứ tương lai ăn mày. Vì vậy tôi rất khoái câu hỏi của chú “... làm gì để chuẩn bị nơi ươm mầm cho một nội lực phát sinh ? ” Nhưng mà trớ trêu làm chi chú em ơi, khi dân tộc ta thực sự cần “ một đơn đặt hàng... ” kiểu chú nói mà ngong ngóng chẳng thấy đâu là tăm hơi. Nhưng thôi, chẳng ai cấm được chúng mình ước mơ.

Đã có một thời các nhà văn hoá viện tổ tiên anh dũng từ Hùng Vương trở đi để cho dân tộc ta oai hùng vươn lên giành lại độc lập thống nhất từ trong tay những đối thủ mạnh bạo nhất thế giới kể từ xưa tới nay. Đó là việc cần thiết trong giai đoạn lịch sử ấy. Nay ta bước qua một giai đoạn khác. Mải ưỡn ngực vênh mặt lên trời thì chẳng nhìn vào thực tại, biết mình và biết người. Mà cái đó chính là yêu cầu cấp thiết của giai đoạn ngày nay, cửa nước ta rộng mở, không còn nước nào là thù địch, chỉ có những đối tác. Nghĩa là bạn đấy và cũng là kẻ cạnh tranh khốc liệt với ta đấy.

Vì thế ta cần biết rõ ta. Biết cái phần hồn nhiên tiềm tàng trong ta, tức là cái truyền thống văn hoá. Chẳng mấy ai ý thức rằng nó là một yếu tố cốt lõi xui nên cung cách nhận định suy tư ứng xử mà ta xem là tự nhiên, có nghĩ như vậy, làm như thế mới là phải, là đúng. Chính vì thế mà ta cần tìm hiểu truyền thống trong sinh động thực tế của nó, trong những thiết chế xã hội, những con người, trong tác động vào tâm lý xã hội.

Chắc sẽ có người bảo rằng tiền bạc, thì giờ đâu mà phung phí vào chuyện chẳng sinh ra lợi ích gì như vậy. Tôi chỉ xin lấy một ví dụ trước mắt thôi, cái thói làm cầu tiêu trên sông rạch ở vùng Tây của ta ấy mà. Thời tôi còn niên thiếu, của vừa rơi xuống nước là đàn cá chốt xúm lại đùng đùng tranh nhau giành dựt, chớp mắt không còn chút nào. Chẳng đẹp mắt, nhưng cách làm cổ truyền ấy có cơ sở vì thích nghi với khả năng chuyển hoá của thiên nhiên sông nước, khi mật độ người ở chưa đông lắm. Ngày nay, người ở nhiều hơn, môi trường đã biến đổi cho đến cá chốt cũng không còn. Nhưng mà, không chịu cất công tìm hiểu một cách toàn diện tác động giữa tập quán sinh sống, chăn nuôi, trồng trọt với môi trường rất đặc biệt của miền Tây, đề ra những biện pháp thích nghi với t$hói quen, với túi tiền của bà con, với thiên nhiên, thì chú thấy đó : Cấm làm cầu tiêu trên sông rạch thì cứ cấm, bà con đi tiêu ra đem gói lại quăng xuống sông. Chỉ cực cho người dân, đâu lại hoàn đó !

Ta cần biết ta bao nhiêu thì cũng cần biết người bấy nhiêu. Ta biết gì về những nước cùng khu vực Đông Nam Á, nay cùng hội cùng thuyền với ta trong ASEAN, ta biết gì về phong tục, tập quán của họ, của người Hoa Kỳ, người châu Âu ? Dù là chỉ đủ cho cái mục tiêu thiển cận làm ăn buôn bán với họ. Mà biết người chính lại là cái gương rọi cho ta biết rõ ta hơn. Khi ông cha ta đã chọn lọc những cung cách suy nghĩ và ứng xử với mình, với người với thiên nhiên đem làm thành nề nếp thành gốc rễ văn hoá đời này truyền cho đời kia thì đã cố tình phát triển một số khả năng. Nhưng cũng vì vậy mà để thui chột đi một số tiềm năng... Soi vào người ta mới sáng ra những thui chột trong ta.

Nhưng này, cái mục tiêu “ đích cuối cùng là làm hiện rõ một Việt Nam hôm nay cho thế hệ sau chúng tôi ” của chú lẫm rẫm coi vậy chớ mà sâu xa không ngờ đó chú em ạ. Làm rõ một Việt Nam khấm khá có ăn có chung đã đành, nhưng chú em chả bất bình cái “ bắp tay kẻ mạnh vung lên đe doạ kẻ yếu, nghèo ” đó là gì. Cái Việt Nam hôm nay có ăn nên làm ra thì cũng phải có chút công bằng xã hội mới không là rừng rú dã man chớ ! Chú cho phép tôi gọi cái yêu cầu công bằng đó là một trong những giá trị tinh thần của xã hội đi. Truyền thống văn hoá của ta có ý niệm công bằng nhưng đến cái khái niệm công bằng xã hội này thì lại mờ nhạt gần như không có gì. Ngày nay chính là lúc cần tiếp thu khái niệm đó và thể hiện nó trong thể chế trong đời sống, cho nó thành một yếu tố của di sản văn hoá thế hệ hôm nay để lại cho mai sau. Biết bổ sung cho gốc rễ văn hoá mình ngày càng phong phú bao nhiêu thì dân tộc hoà mình thích nghi vào thời đại thuận tiện bấy nhiêu. Để cho gốc rễ văn hoá sơ cứng trong những khái niệm lỗi thời, không chóng thì chầy dân tộc sẽ suy tàn lạc hậu.

Có điều là muốn đặt cơ sở lý thuyết vững chắc cho những giá trị tinh thần, muốn thể hiện chúng trong thể chế trong đời sống xã hội thì không thể thiếu hiểu biết về các hệ tư tưởng lớn của loài người. Chú đừng sợ tôi bay bổng vào những vùng mịt mùng của tư tưởng. Xét cho cùng các hệ tư tưởng dù là Đông hay Tây, xưa hay nay, căn bản chỉ là cách đặt câu hỏi, phương pháp giải quyết các vấn đề đặt ra cho con người trong quan hệ với mình, với người, với xã hội, với thiên nhiên. Tôi mong được thấy trình bày một cách ngắn, gọn, rõ ràng và trung thực, ai ai có trình độ phổ thông cũng hiểu được, thấy được những điểm trội, những giới hạn, lệch lạc của các hệ tư tưởng lớn. Như cụ Cao Xuân Huy trong quyển Tư tưởng Phương Đông nhà xuất bản Văn học cho ra mắt mới mấy tháng nay. Cụ viết cách đây đã ba mươi năm rồi. Thời gian đủ cho hai thế hệ học giả tiến lên, thế mà trong thời gian ấy không thấy sách nào đáng mặt thay thế quyển sách nhỏ làm trong điều kiện thiếu thốn tư liệu này. Vậy mới biết học giả giáo điều hay học giả ba hoa nói bao nhiêu vấn đề tối thêm bấy nhiêu thì chẳng thiếu, nhưng các nhà thực học quán triệt vấn đề, nói ai nghe cũng hiểu ra là hiếm và đáng quý biết chừng nào. Nhất là vào cái thời điểm chúng ta cần được phổ thông tri thức về các hệ tư tưởng của loài người, để chọn lựa và xây dựng một số giá trị cho xã hội ngày nay.

Đang cơn hứng ước mơ, chú cho phép tôi được tiếp tục mơ ước. Cũng chẳng có gì là quá đáng đâu. Cách đây đúng năm mươi năm, ước mơ của chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc ta là Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Đó cũng là ước mơ của toàn dân khi ấy. Nay đã độc lập rồi. Còn những phần kia?

Tại sao ngày nay không tiếp tục thể hiện cho đến cùng ước mơ của thế hệ đi trước và của chủ tịch Hồ Chí Minh ?

Phần tôi, tôi tin tưởng rằng ước mơ to lớn bao nhiêu, cơ sở lý thuyết, thực hành của nó vững chắc bao nhiêu thì nội lực cuồn cuộn mạnh bấy nhiêu.
 

Paris 20 tháng 11 năm 1995

bùi mộng hùng

    

Tái bút

 
Làm con nhà nghèo trong một nước nghèo là một điều cơ cực. Ở xa, nói rằng là thông cảm thì cũng không khỏi ngượng ngập. Tuy nhiên xin được nhắc nhở hai chuyện vì tôi nghĩ có thể bổ ích cho người trẻ trong nước. Một là nói đến học ta có thói quen nghĩ đến trường học, sách vở. Quên mất trường đời. Mà chính cái trường đời mới là nơi tôi luyện nên người. Mấy nhà soạn nhạc Trung Quốc nói ở đoạn trên, họ say mê nhạc và dân ca địa phương tạo nên phần cá tính khác đời cho họ chính trong thời gian mười năm họ lao động nông thôn thời cách mạng văn hoá. Hai là đối với người trong nước vừa đi học vừa đi làm dường như là một cái gì không bình thường. Ở nước ngoài, học đại học và đi làm thêm kiếm sống là lối sinh sống của số lớn sinh viên. Điều đó cũng không cấm cản họ xem hát, đọc sách, chơi nhạc...

Vì vậy mà, xin thú thật tôi còn phân vân chưa rõ là đùa hay thật khi chú viết “ sách của cụ tôi chỉ đọc vài trang mỗi cuốn... ” Dù sao thì tôi vin ngay vào cớ đó để nhắn nhủ bạn trẻ hãy đọc ít nhất là Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam. Bạn sẽ được hưởng hương vị khác đời của một vùng đất nước, phải là con mắt của tấm lòng Sơn Nam mới nhận ra.

Ngoài ra, thế hệ tôi còn được nghe người địa phương vùng đất mới nói giọng “ con gùa gục gịch trong bụi gau găm ”, thế mà cũng cái thổ ngữ địa phương mộc mạc ấy, Sơn Nam biến thành văn, theo tôi thì sánh tày những áng văn của bậc sư viết văn xuôi của vùng nghìn năm văn hiến là Nguyễn Tuân. Nhưng đây là gia vị thêm riêng cho những người đồng điệu. Tôi nói với chú vì trong thâm tâm tôi nghi rằng trớ trêu với Sơn Nam thì có, nhưng đó chính là vì chú là một người đồng điệu, chú Tiến Hùng ạ !

b.m.h.

 

 
phụ lục

 

 
Cái lo mất gốc sao bằng cái lo lạc hậu

   

Sài Gòn đêm 7.9.1995

Thưa cụ,

Tôi sinh ra ở đồng bằng, có thể trên một chiếc xuồng chèo giữa cơn ngược nước : má tôi đớn đau và ba tôi quẫy mái chèo trong nỗi tuyệt vọng... Rồi lớn lên không chỉ bằng “ phù sa sông nước ” mà bằng vị mặn của mồ hôi tháo đổ, bằng bòn rút sức lực kiệt cùng của mẹ cha trên cái đồng bằng thao thức sình lầy, chất chứa những âu lo, nghèo khó.

Có thể tự hào rằng tôi thuộc dạng hậu sinh – đồng hương miền Tây với cụ. Cụ có lúc sống nhờ vào dòng sữa của một người Khơme, lớn lên trong trôi dạt triền miên của hai cuộc chiến rồi trụ lại hoá thành người Sài Gòn. Thế hệ trẻ – tôi và bạn bè của mình – giờ cũng ngấp nghé làm người Sài Gòn, dù với đủ mọi vai trò : học hành, làm thuê mướn, bán buôn.

Vấn đề là chuyện cụ làm được những quyển sách khảo cứu để dựng dậy trong lũ trẻ chúng tôi và cả những người già lớp cụ – một miền quê tồn tại như những trang bi sử. Còn cái mà chúng tôi hôm nay sẽ làm là phải phóng tầm mắt xuyên lục địa, thu nhận hết mọi cái hiện đại (thông tin, kỹ thuật, công nghệ và v.v...) mà đích cuối cùng là làm hiện rõ một Việt Nam hôm nay cho thế hệ sau chúng tôi. Thưa, chắc cụ đồng ý ?

Nhưng cũng như ba má tôi, chắc cụ chẳng quên buông một lời nhắc dè chừng : “ Gì thì gì chứ ráng giữ, coi chừng mất gốc ! ” . Tất nhiên, để vui lòng ba má và cụ, lũ tôi hứa đại, hứa tràn : “ Còn ăn cơm bằng đũa, dạ thưa bằng tiếng Việt thì gốc vững trân lo gì mất. Nhật hôm nay giàu có cỡ nào mà gốc có mất đâu ? ” . Âu cũng là lời nói gió bay : chuyện giữ gốc sao bằng cái lo lạc hậu tri thức, thiếu vốn bạc tiền, mất đi cơ hội... Ăn cơm bằng đũa mãi có khi thèm, lén ao ước một bữa ăn bánh pizza bằng dao nĩa ở nhà hàng ?

Vâng chúng tôi đang làm cái việc thời đại thúc bách phải làm là miệt mài với vi tính, ngoại ngữ... Thỉnh thoảng có khi nhớ tiếng bìm bịp kêu báo bụi bờ nước lớn, cái xuồng ba lá lúc lắc cuộc đời..., lại phải cảnh tỉnh mình : mất phí thời gian hoài cổ, quê khó nghèo lầy xa xôi quá rồi, bùn đất phải vuốt sạch bằng nước phôngtên kẻo người ta cười. Lắm lúc trách mẹ cha đẻ chi mình ra chốn thiếu thốn tứ bề không có tivi, đàn hát, nhạc hoạ để thua bạn bè, nay lại không có tiền cho con học thêm ngoại ngữ, mua máy vi tính... mà phải đi làm thêm cực nhục, phạc phờ. Lỗi thật. nhưng thôi, giữ chí làm giàu để cháu con bớt khổ...

Đoạn đường chúng tôi lần dò cũng được bộn. Đoạn đường cụ trở về chắc cũng gần. Cái gốc còn lấp ló đâu trong chốn tâm linh.

Một lần nghe giọng cụ chân tình, chất phác ở Tao Đàn (dịp lễ 30 - 4). ¬ lên với bè bạn : “ Sơn Nam !

Nhưng chợt xì hơi bởi không hiểu ý gì cụ lại khuyên người trẻ : “ Thôi lo học hành toán, lý, hoá, ngoại ngữ, tin học... chứ đừng làm thơ nữa. Đất nước đã nghèo mạt rệp vì văn chương thi phú như thế hệ chúng tôi... ” Có lẽ phút nào đó mỏi gối chồn chân, cái hờn mát của người già vô tình đổ lên lớp trẻ, âu cũng là một lời khuyên gọi phản biện (?). Vài người trẻ chúng tôi cãi nhau về chuyện đó. Cụ ơi, cái gốc, cái rễ có bị lung lay như thế không giữa cuộc đời ?...

... Chúng tôi có lúc cảm thấy mù mờ trong lựa chọn cái còn - mất giữa cuộc đời. Hình như có quá nhiều nguỵ biện để phân vân và trấn tĩnh chính mình. Có lúc trống lỏng máy móc tuôn tràn ngoại ngữ, bấm trên phím vi tính ngỡ mình đánh đàn tây. Cầm tiền nhiều khi thấy mặn tràn lên mắt. Đi hoài, đi hoài thấy cha mẹ xa trong mịt mờ đất nghèo. Ngửa cổ thấy mây không phải hình núi Thái Sơn, vầng sóng biển – chỉ thấy bắp tay kẻ mạnh vung lên đe doạ kẻ yếu, nghèo ; có cả hình tờ đôla, xe du lịch...

Các nhà văn hoá định nghĩa thì rối rắm, nhiêu khê, chúng tôi thi cử, tranh đua, cần thì ráng thuộc. Cha mẹ tôi, anh chị làm nông, buôn bán của tôi chẳng hơi sức đâu nhíu mắt, căng mày với những định nghĩa đó.

Ngày nay người ta nói nhiều đến nội sinh, nội lực – cái cần để phát triển, giữ mình là nó. Cụ ơi, chúng tôi hình như yếu lắm, có chăng từ mặc cảm cái nghèo, cái rách là lao cuồng điên đến đích giàu sang, bất chấp luật, lề. Nếu có ai hỏi “ Mày là ai ? ” – chưa đạt thành và còn quá yếu hẳn tôi chưa dám ngẩng mặt, vỗ ngực ồn ào rằng : “ Tôi, con người nông dân dốt, nghèo ! ” . Chưa hiểu gì về đất đồng sinh ra thì đừng dại xưng rằng : đồng hương nhà văn Sơn Nam.

... Nếu có một đơn đặt hàng rằng, cụ và các nhà văn hoá hãy làm gì để chuẩn bị nơi ươm mầm cho một nội lực phát sinh. Cụ sẽ trả lời ra sao, thưa người của “ miệt vườn ” ?

Cũng mong cụ đừng buồn nếu sách của cụ tôi mới chỉ đọc vài trang mỗi cuốn và gửi ở Thư viện Khoa học xã hội hơn một tháng rồi – số gửi 12.

Tôi phải học ngoại ngữ và làm thêm, thưa cụ !

Nguyễn Văn Tiến Hùng

(sinh viên Trường Du lịch)

 

“ Gốc ruộng ” là điều tôi muốn giữ

 
Bạn Hùng mến !

Tôi không phải là người sinh ra trên vùng sông nước, ngược lại, tôi ra đời bên chân rặng núi Trường Sơn. Theo lời mẹ kể, mấy tháng đầu chào đời, tôi khóc suốt ngày, có lẽ do ảnh hưởng của những cơn gió Lào khô cháy. Cũng như bạn, gia đình tôi rất nghèo, làm ra một đồng là bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Cũng như bạn, tôi căm ghét cái nghèo, tôi thèm được làm giàu, được hưởng thụ những tiện nghi đầy đủ. Và vì thế tôi bước chân vào Sài Gòn.

Tôi không dược diễm phúc như bạn để ngồi trên ghế giảng đường. Tôi đã thi rớt ! Bạn hãy nghĩ về một ngôi trường mà ở đó không một giáo viên toán lý hoá nào dám mở lớp dạy thêm vì chẳng có học sinh nào đủ tiền để mua các bộ sách luyện thi, chưa kể tiền học phí và thời gian để học thêm.

Hiện tại tôi đi làm phụ hồ lương mỗi ngày 18 000 đồng. Ở quê nhà tôi còn người mẹ và đứa em gái 17 tuổi học vấn lớp năm. Thư của em tôi gửi lên viết : “ Anh Hai, em nói cái này cho anh mừng nghe. Một tuần lễ nay em đi biên số đề cho bà Tám dưới chợ, mỗi ngày được hai ba ngàn đồng. Còn buổi sáng thì em đi củi, về bán được 4 000 đồng. Ở nhà mẹ với em sống đủ rồi. Mai mốt anh đừng gửi tiền nữa nghe anh Hai, để dành tiền đi học thêm rồi thi lại, mẹ biểu vậy đó. Mà anh đừng uống rượu, cà phê chi hết nghe, mẹ biết là mẹ la đó. ” Bạn có biết “ đi củi ” là gì không. Một con dao, một sợi dây dù, leo 4km dốc núi (vì ở gần đã hết củi) rồi lựa những cành khô cỡ bắp tay trở xuống - chặt - bó - vác về... Tóm lại về hoàn cảnh gia đình, nhân thân, tôi cũng thuộc loại không may mắn chẳng kém gì bạn. Và nói một cách nào đó, tôi cũng được coi là dân quê, “ gốc ruộng ” như bạn. Duy có điều khác nhau rất rõ, chưa có khi nào tôi muốn lìa bỏ gốc ruộng của mình.

Chính hình ảnh đồi núi chập chùng, ngôi nhà xập xệ, bóng dáng mẹ tôi, em tôi và những dòng thư gia đình là những gì thân thương, yêu quí nhất với tôi. Và tôi tin nhờ nó mà tôi vẫn đứng vững trong cảnh sống khó khăn hôm nay. Tôi chưa dám xài tiền vào bất cứ cái gì xa xỉ (dù thèm lắm, nhất là karaoke). Tôi muốn có tiền. Tôi muốn đi học, nhưng đồng tiền làm ra phải chính đáng chứ không được bất lương. Và cuối cùng tôi mơ một ngày nào đó mình tốt nghiệp một trường đại học và về quê làm việc ngay nơi tôi sống, để có thể làm cái gì đó cho quê hương.

Bạn Tiến Hùng mến ! Những điều đó có nằm trong bản sắc dân tộc hay không ? Hay phải đợi đọc nhiều sách, biết đặc điểm, phong tục của vùng này vùng nọ mới là có gốc ?

Cuối cùng nhờ bạn chỉ dẫn giúp tôi phân biệt, chọn lựa đâu là “ lạc hậu ”, đâu là “ hiện đại thật ” , đâu là “ hiện đại giả ” để tôi bắt chước tự cảnh tỉnh mình rồi xuống kênh Nhiêu Lộc rửa sạch bùn đất nhà quê cho có mùi thành phố, thiên hạ khỏi chê cười.

Và nếu có thể xin bạn thanh lý cho tôi mấy cuốn sách của cụ Sơn Nam với giá rẻ vì tôi không đủ tiền mua sách mới. Dù không rảnh để đọc cũng không nên nói như bạn đối với công sức một nhà văn lão thành đáng tuổi ông nội của mình. À điều này tôi cũng không hiểu có phải là “ văn hoá hiện đại ” hay không nữa ?

Và lần sau có viết báo xin bạn đừng dùng đại từ nhân xưng “ chúng tôi ” nữa nhé. Bởi ít nhất vẫn còn một thanh niên tự thấy không dám sánh vai với một sinh viên có tư duy “ hiện đại ” như bạn.

   

N.V.H.

(Dân Quảng Nam - Đà Nẵng, ăn ngủ tại
công trường, địa chỉ không ổn định)

  

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us