Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 50 / Đọc sách Cao Xuân Huy

Đọc sách Cao Xuân Huy

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:51, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:51
Ngay từ mấy trang đầu sáng ngời một đặc điểm. Sắc bén đi thẳng vào cốt lõi vấn đề. Giản dị, ngắn gọn, khúc chiết, minh bạch nhưng không vì thế mà giản lược, mà lý luận kém nghiêm túc. Vài trang (tr.75-81) đủ cho tác giả vạch trần nguyên lai cái bi kịch của tư tưởng loài người mà kết tinh là cái cấu trúc vĩ đại lôgíc hình thức.


Đọc sách

   

Cổ học cho đời sống
cho hôm nay

   

Nguyên Thắng

Cao Xuân Huy


Tư Tưởng Phương Đông,

gợi những điểm nhìn tham chiếu

Nguyễn Huệ Chi soạn, chú, giới thiệu.
Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1995, 790 tr.

 
Có những quyển sách vừa trông qua liền cảm thấy có cái gì đáng quý. Cụ Cao Xuân Huy, uyên bác thì được nghe tiếng từ lâu, nhưng cho tới nay những gì đọc của cụ chỉ làm cho thấy thòm thèm, vì ít oi, phân tán ; có thích thú muốn tìm hiểu thêm chẳng biết tìm đâu. Năm 1983 cụ mất. Từ ấy năm tháng trôi đi, tàn dần cái mong ước được tìm hiểu con người một thời tài hoa học rộng qua tác phẩm của ông. Oái oăm là gần đây, trong tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (nxb Trẻ, Tp Hồ chí Minh, 1989) của mình, cụ Đào Duy Anh dành cả chương 14 quyển sách này để trình bày những điều tâm đắc, kiến giải và chủ thuyết của cụ Cao Xuân Huy. Lại nổi lên thêm những nuối tiếc, kèm những phân vân : lời lẽ tư tưởng cụ Cao hay nhuốm pha cụ Đào ? !

Nhưng nay, quyển sách nằm trong tay. Không phải một tập mong manh, kỷ niệm cho có lệ 95 năm ngày sinh của tác giả. Mà là một bộ dày 790 trang. Có ba phần : phần I từ góc nhìn phương pháp luận phân tích sự khác biệt giữa triết học Đông và Tây, phần II phác họa một vài mốc tiêu biểu tư tưởng Việt Nam từ cổ truyền đến canh tân, phần III đề cương bài giảng triết học cổ đại Trung quốc.
 

Ngay từ mấy trang đầu sáng ngời một đặc điểm. Sắc bén đi thẳng vào cốt lõi vấn đề. Giản dị, ngắn gọn, khúc chiết, minh bạch nhưng không vì thế mà giản lược, mà lý luận kém nghiêm túc. Vài trang (tr.75-81) đủ cho tác giả vạch trần nguyên lai cái bi kịch của tư tưởng loài người mà kết tinh là cái cấu trúc vĩ đại lôgíc hình thức. Khái quát hoá sự vật cụ thể thành những khái niệm, những phạm trù là những bước đi không thể thiếu được cho phương thức vận hành lý luận, tư duy của con người. Nguyên lý đồng nhất “ A là A, A không phải là phi–A ” là tiêu chuẩn để tư tưởng, nhận định, hành động cho đúng. Lôgích sợ những cái gì là mâu thuẫn, “ mà ngay bước đầu tiên của nó là khái niệm, nó đã rơi vào những cái đó. Phản ánh những sự vật cụ thể bằng những khái niệm thì tức là phản ánh những cái gì là cụ thể, cá biệt, tương đối bằng những cái gì là trừu tượng, phổ biến, tuyệt đối. Nói một cách khác, khái niệm hoá một vật cụ thể thì (...) chẳng khác gì nói A là phi–A ” (tr. 78) Và cứ thế mà tác giả nhẩn nha điểm ngón tay vào mâu thuẫn tiềm tàng trong những phạm trù nguyên nhân và kết quả, không gian, thời gian, v.v... Cứ thế mà sáng suốt, hàm súc và xác đáng luận về cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay của tư tưởng loài người mà lối thoát vẫn chưa rõ là đâu.

Soạn giả ý nhị cho bạn đọc được phát hiện ngay từ đầu quyển sách tinh thần, phương pháp, phong cách của tác giả, những nét xuyên suốt quyển sách như một sợi chỉ đỏ. Thật ra, lật quyển sách ra đọc thẳng vào đoạn nào cũng được. Lối trình bày làm cho mỗi đề tài tự nó một mình đứng vững. Đề tài nào tác giả cũng hấp dẫn người đọc với cách đi thẳng vào cốt tuỷ, với tầm nhìn bao quát, với những ý kiến đặc sắc.

Sự khác biệt giữa triết học Đông và Tây tác giả lý giải từ nguồn gốc : phương thức tư tưởng. Một bên xuất phát từ toàn thể đi đến bộ phận. Tác giả gọi là chủ toàn dựa trên nguyên lý toàn thể quyết định bộ phận, có tính hữu cơ, năng động, liên tục. Bên kia, phương thức chủ biệt, từ bộ phận đi đến toàn thể, với nguyên lý bộ phận quyết định toàn thể, có tính cơ giới, cố định, gián đoạn. Tuy hai phương thức ấy quyện vào nhau trong cả hai tư tưởng Đông và Tây, nhưng tỷ trọng khác nhau, Đông chủ toàn, Tây chủ biệt (tr.84-85). Vì đó cách đặt vấn đề rẽ làm hai. Cái “ Có ” căn bản, làm điều kiện làm tiền đề cho mọi vật — cái “ Một ” trong “ Một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật ” của Lão tử — là đối tượng đầu tiên của triết học phương Đông. Đó là cái “ Bản thể (...) tồn tại, phổ biến, nó vừa ở bên ngoài vạn vật, vừa ở bên trong, nó bao trùm mọi vật nhưng nó cũng có mặt ở chỗ sâu kín nhất của mọi vật ” (tr. 159).

Hai ” từ “ Một ” sinh ra, vì thế mà trong mỗi cái “ Hai ” — hai phạm trù ÂmDương — đều có “ Một ”, cái còn được gọi là Đạo, là Thái Cực, là Chân Như. Chính vì thế mà trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Không ngăn cách, gián đoạn như giữa các phạm trù thông dụng của Tây phương : vật chất, tinh thần, thời gian, không gian, chủ thể, khách thể...

Cứ vậy mà những điểm bí ẩn, hiểm hóc nhất trong tư tưởng Đông phương sáng lên giản dị dễ hiểu dưới ngòi bút tác giả. Với phong cách ấy, tác giả lý giải khái niệm thời gian, không gian (tr. 124-126) trong tư tưởng Đông phương, cốt cách suôn sẻ hồn nhiên của tư tưởng này khi giải quyết vấn đề tri thức và thế giới. Chính vì các phạm trù không bị tuyệt vọng phân cách, tư tưởng chủ toàn không vướng mắc cái vòng luẩn quẩn không lối thoát mà tư tưởng Tây phương rơi vào từ Descartes tới Husserl (tr. 150-162).

Tác giả, như một nhà tư tưởng xứng đáng với danh nghĩa ấy, đi tới tận cùng suy luận của mình, thẳng thắn đề cập câu hỏi ý thức từ đâu mà ra ? Và nghĩ rằng có chấp nhận nguyên lý cứu cánh mới lý giải được các đặc tính của sinh vật.

Không nên quên rằng tác giả viết vào những năm cuối thập kỷ 50, đầu 60. Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Trong khoảnh khắc đó, trí tuệ con người có dịp biểu lộ cái nét kỳ lạ của nó : mỗi khi bị rơi vào đường cùng tưởng như không lối thoát, nó lại bật ra những cái nhìn mới lạ, ánh lên khía cạnh bất ngờ trong cái cũ, rộng mở soi sáng những lĩnh vực tối tăm chưa từng thám hiểm. Trong thời gian ngắn ngủi ba thập kỷ trở lại đây sinh học phát triển lên gấp bội lượng kiến thức con người tích luỹ được từ cổ đại đến thời cuối thập kỷ 50.

Sinh học ngày nay quan niệm sinh vật như một hiện tượng “ ngẫu nhiên và tất yếu ” (Jacques Monod, giải thưởng Nobel sinh lý và y học 1965, lấy nhóm từ này làm tựa quyển Le hasard et la nécessité, Nxb Seuil, Paris, 1970). “ Tất yếu ” khi ta nhìn sinh vật sinh ra, lớn lên, sinh sản, rập theo định hướng ; chó có hình thù con chó, lại sinh ra chó, thế hệ tiếp nối thế hệ. Tuy nhiên, thuở ban sơ sự hình thành loại phân tử acid amin đặc trưng cho sinh vật, mà những điều kiện thuận lợi chỉ hội đủ vào riêng một giai đoạn có giới hạn trong tiến trình của vũ trụ, là “ ngẫu nhiên ”, trong cái nghĩa gồm cả hai khả năng có thể xảy ra hoặc không. Cũng vậy, trong một giai đoạn nhất định của tiến trình địa cầu, những phức hợp các phân tử acid amin tập hợp nhau lại thành sinh vật nguyên thuỷ — một vật trao đổi năng lượng với môi trường để phát triển và tồn tại, sinh sản thế hệ khác theo khuôn mình — là một hiện tượng “ ngẫu nhiên ”, không tất yếu. Nếu không xảy ra trong giai đoạn thuận lợi, sau đó không còn điều kiện để cho nó xuất hiện nữa.

Mới gần đây, Gerald M. Edelman, giải Nobel y học, tổng hợp quá trình tiến hoá của bộ não với sinh học thần kinh, rọi được ánh sáng mới vào quan hệ thân xác với tâm thần, vào sự xuất hiện ý thức (xem Biologie de la conscience, Sinh học của ý thức, Nxb. Odile Jacob, Paris, 1992). Không cần, hay chính vì không chấp nhận nguyên lý cứu cánh, sinh học đang đem lại những chìa khóa lý giải hiện tượng ý thức.

Chân lý ? Chắc chắn là không. Bi thảm và vĩ đại của tư tưởng của con người là đó. Không ngừng chuyển đổi những cấu trúc lý trí rất cao đẹp để tiếp thu lý giải được các dữ kiện mới phát hiện : chủ toàn hay chủ biệt, phương thức nào cũng phải phân tích và tổng hợp. Không xây dựng trên dữ kiện phân tích chính xác, không kiểm nghiệm liên tục, thì những lâu đài tư tưởng là lâu đài xây trên cát.

 
Tư tưởng Việt Nam phát triển theo một dòng liên tục suốt một thời gian dài. Nhưng không phải thiếu sáng tạo. Trong một số trang ít oi, tác giả bao quát hết các biến đổi trong quan niệm vũ trụ từ Khổng tử đến Chu Hy (tr.178-186) để điểm chỉ cho chúng ta những nét đặc sắc của Lê Quý Đôn trong vũ trụ luận (tr.186-192).

Với vô tư của nhà nghiên cứu, ông xác định Tự Đức là một ông vua “ có tầm vóc tư tưởng và văn hoá ”. Tuy nhiên, thành quả triều đại này là một sản phẩm đầy nghịch lý, sản sinh được những nhà tư tưởng có tầm vóc như Nam Sơn phu tử Nguyễn Đức Đạt (tr. 211- 216) nâng truyền thống văn hoá quá khứ hàng mấy trăm năm lên mức khuôn mẫu, nhưng cũng kéo lùi lịch sử, đưa văn hoá và tư tưởng dân tộc trở về cố thủ ở những thành trì cũ kỹ.

Và nhà học giả đi sâu vào tìm hiểu cội nguồn mọi thất bại của ông vua Tự Đức, của cả một thời đại : cái nền tảng triết lý của tư tưởng học thuật thời đó. Người đọc lại được bao quát một phối cảnh — mà tác giả riêng có bí quyết — từ truy nguyên cái quan niệm của Nho giáo nguyên thuỷ đối với các hiện tượng tự nhiên, đối với các quy luật chi phối thế giới đó, đến sự diễn biến của quan niệm ấy qua các thời đại, để rồi đem so sánh nó với những những quan niệm cơ bản trong hệ thống khoa học thực nghiệm của Âu châu (tr. 232-276). Kết luận : « Các nhà Nho Việt Nam thời bấy giờ nhìn hiện thực tư bản chủ nghĩa mới xuất hiện thông qua những khung cố định, tức là những phạm trù tư tưởng phong kiến đã có vận mệnh hơn hai nghìn năm, do đó họ thấy trong cái hiện thực mới những hiện tượng phi chính thường và quái gở, nhất là họ có những nhận định sai lầm về văn minh khoa học kỹ thuật của Tây phương. » (tr.276)

Từ đó tới nay, dân tộc ta đã trải qua một đột biến tư tưởng bắt đầu với Nguyễn Trường Tộ — tác giả dành riêng một thiên nghiên cứu đặc sắc ý, một thảm kịch mất nước, non một thế kỷ nô lệ, một cuộc đấu tranh long trời lở đất giành lại độc lập, mà những nhận định ấy vẫn không mất tính thời sự.

 
Phần thứ ba là những bài giảng về triết học cổ đại Trung Quốc. Đến đây không khỏi thoáng chút băn khoăn : hầu như toàn diện quyển sách nói về tư tưởng Trung quốc, thêm một ít tư tưởng Việt Nam. Không thấy phần Ấn Độ đâu, từ Phương Đông nêu ở tựa sách bỗng như rộng quá. Nhưng đó là một chi tiết vặt.

Bước vào phần ba này, người đọc ngạc nhiên. Sao mà một quyển sách soạn trong những điều kiện sơ tán thiếu thốn mọi mặt lại đáp ứng đúng một nhu cầu của ngày hôm nay đến thế ! Nhu cầu của dân tộc đang cần xét lại nguồn gốc tư tưởng truyền thống của mình, chọn lọc lấy những giá trị làm nền tảng cho một xã hội mới.

Những ai có tìm hiểu tư tưởng Á Đông đều biết nó rối rắm tới mức nào, càng đọc càng thấy mình chẳng khác chim chích vào rừng, mù mịt. Giở quyển sách này ra bỗng thấy mình thông minh sáng láng lạ. Bí hiểm nhức óc trở nên dễ hiểu. Giây mơ rễ má thế nào, giống và khác làm sao giữa Khổng, Mạnh, Tuân Tử, giữa Lão, Trang, Liệt tử, Dương tử giữa Nho, Đạo, Mặc, Pháp gia rành rọt mạch lạc. Tựa sách khiêm tốn, sách chỉ có tham vọng gợi những điểm nhìn tham chiếu. Nhưng nó là cẩm nang. Bỏ nó trong túi bạn sẽ không lạc, mà thích thú đi vào giữa rừng Nho biển thánh, không điên đầu mà khoái trá dự nghe cuộc bách gia tranh minh.

Chuyện khó thành dễ, ai nghe cũng hiểu, hiểu rồi lại muốn tìm hiểu thêm, phải là bậc thầy xứng với danh nghĩa đó mới làm được. Ta không lấy làm lạ khi điểm lại thấy một số bậc thầy ngày hôm nay về văn học, ngôn ngữ học, Hán học, Việt học, trong cũng như ngoài nước đều tôn trọng, là những cao đồ của cụ Cao Xuân Huy. Những người giữ truyền thống học thuật. Tình trò đối với thầy của họ — một cái gì rất Việt Nam — kết tinh trong quyển sách, chú thích đầy đủ, nghiêm túc. Sách in sạch, đẹp, rất ít lỗi, tìm kỹ mới ra vài hạt sạn nho nhỏ. Trong tình trạng in ấn hiện nay của ta đó là một cố gắng gương mẫu.

 
Cao đồ của cụ Cao gợi lên một kích thước mà phải người có sống gần cụ mới thấy được. Kích thước một con người an nhiên thanh thản sống theo cái học của mình : đời sống của cụ là một tác phẩm nghệ thuật.

Ta chợt thấy rằng nhà học giả uyên thâm, người thầy lỗi lạc khả kính chỉ là hai trong nhiều mặt thanh cao của một người hiền phương Đông. Cụ là một minh họa phong cách học cổ cho đời sống và cho hôm nay.


Nguyên Thắng

(2.1996)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us