Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 51 - 04.1996 / Bác Hãn

Bác Hãn

- Đặng Tiến — published 07/03/2008 08:00, cập nhật lần cuối 09/03/2008 00:21
Việt kiều tại Pháp ít ai gọi bác bằng danh vị, học vị, chỉ gọi giản dị là Bác Hãn, chữ bác thân tình đi với tên riêng, chứ không đi với họ. Ấy là lối gọi mộc mạc, dân dã, tự nhiên trong làng mạc Việt Nam, không có sự áp đặt và định chế. Sau này nhất định sẽ có những bài văn tưởng niệm hùng hồn, uyên áo ca ngợi sự nghiệp bác Hãn. Nhưng theo tôi cái vinh dự lớn lao nhất mà cuộc đời trôi dạt đã dành cho danh sĩ Hoàng Xuân Hãn là chữ Bác.


Bác Hãn


Đặng Tiến



Vì ở xa Paris, tôi ít có dịp thân cận với bác Hãn. Những buổi tiếp xúc dài lâu, đôi ba lần, là những năm cùng nghỉ hè với bác tại dã thự Cam Tuyền (Manoir d’Aubonne) ở Normandie. Đối với bác, tôi một lòng ngưỡng mộ và mến yêu, là chuyện đương nhiên ; nhưng ngược lại, với tôi, dường như bác cũng có chút tình riêng. Không rõ có đúng không, nhưng trong chủ quan, tôi lúc nào cũng mang ơn tri ngộ.

Sở dĩ dè dặt, vì bác là bậc trưởng thượng nhưng độ lượng và hiếu khách, nên ai được tiếp xúc với bác, cũng có cảm giác hân hạnh là đựơc ưu đãi, quá cái mức mình mong đợi. Có người cao hứng viết bài tràng giang đại hải ca ngợi bác.

Phần tôi, trong việc nghiên cứu văn học, tôi hết sức trọng vọng bác, vì văn học dựa trên ba điểm chính : sử liệu, văn bản và từ ngữ. Về cả ba mặt này, bác Hãn là bậc thầy không ai chối cãi. Ví dụ về Truyện Kiều, suốt một trăm năm nay, chúng ta có mấy chục văn bản, nhưng ai cũng đợi chờ bản Hoàng Xuân Hãn, để biết mặt thật của tác phẩm, và hiểu thêm một số chữ. Ví dụ :

Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

chắc là Nguyễn Du đã dựa vào Chinh phụ ngâm :

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn :

Tương cố bất tương kiến
thanh thanh mạch thượng tang

Câu thơ nổi tiếng, tôi thuộc từ nhỏ, nhưng không hiểu ngàn dâu là gì. Đào Duy Anh giải thích là rừng dâu, dâu là loại cây lớn, bên Tàu ; Lê Văn Hoè cũng giảng như vậy. Các tác giả khác thì không giải thích, có lẽ cho là dễ quá. Nhờ lời giải của Hoàng Xuân Hãn, trong Chinh phụ ngâm bị khảo và Bích câu kì ngộ, tôi mới hiểu ngàn đây là bờ, do chữ ngạn mà ra, ví dụ trong lời nhạc Nguyễn Đức Toàn : dâu bờ xanh thắm, nong tằm chín lứa tơ và đúng với câu chữ Hán của Đặng Trần Côn mạch thượng tang (dâu bên đường). Còn chữ ngàn nghĩa là rừng, thì do chữ nguồn (nguyên) mà ra, không phải ở đây. Tôi đưa ra một ví dụ cụ thể như vậy để thấy rằng những việc rất nhỏ, tương đối đơn giản, mà không ai làm, kẻ cả Nguyễn Quảng Tuân mới đây trong Chữ nghĩa Truyện Kiều (1990).

Bác Hãn gốc gác là một nhà giáo, nên suốt đời ưa giảng giải. Lúc nào cũng lớp lang tường tận, có khi tường tận quá mức người hỏi. Cuốn Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào, do bác hiệu đính, được nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) in năm 1987 là một ví dụ “ sư phạm ” : tác phẩm được sáng tác vào khoảng 1700 bằng thơ lục bát khó đọc, bác đã diễn dịch thành văn xuôi, sau khi sửa chữa những chữ chép sai và bổ khuyết những đoạn mất, vì “ nếu không hiệu đính thì có lẽ hậu lai không ai đọc đến Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào ” (tr. 42), một trong những tiểu thuyết đầu tiên của nước ta, và có lẽ là tác phẩm đầu tiên khai dòng cho văn học miền Nam.

Bác Hãn là bậc đại khoa, là quan đại thần, là nhà khoa học kỹ thuật ưu tú đã hành nghề cao cấp tại nước ngoài, và sống phần lớn đời mình ở nước ngoài ở mức thượng lưu. Ấy thế mà con người bác vẫn giữ được phong cách đơn giản của người nhà quê Nghệ Tĩnh. Khi tình cờ ai nhắc đến một từ ngữ, một món ăn, một phong tục dưới chân đèo Ngang, là bác trở thành linh động, tha thiết, sôi nổi. Âu đó cũng là truyền thống lâu đời của bậc đại nho Việt Nam, từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Khuyến. Không rõ rồi đây truyền thống cao đẹp ấy có còn tiếp nối.

Những kỷ niệm trên đây đến hình ảnh cuối cùng về bác Hãn, một chính khách. Một người có tài năng, học vị như Bác dĩ nhiên là được giằng co, níu kéo giữa bao nhiêu biến thiên của lịch sử. Mọi chọn lựa, mọi thái độ đều khó khăn giữa những cái đúng, cái sai nhất thời, tương đối. Bác Hãn là người có ý thức chính trị cao xa và sâu sắc, bác luôn luôn cảnh giác và nhạy bén để giữ cho mình khí tiết và phẩm cách, mà vẫn đóng góp hữu hiệu cho đất nước về mặt này hay mặt khác. Đó là hiền triết của Bác. Nhưng nhìn chung, tạm xem thái độ chính trị của Bác được quy định giữa hai trục chính : Tổ quốc và Dân chủ. Tất cả việc làm của bác, từ bài báo, cuốn sách đến cuộc tiếp tân, món quà tặng, đều di chuyển toạ độ giữa hai trục Tổ quốc và Dân chủ.

Việt kiều tại Pháp ít ai gọi bác bằng danh vị, học vị, chỉ gọi giản dị là Bác Hãn, chữ bác thân tình đi với tên riêng, chứ không đi với họ. Ấy là lối gọi mộc mạc, dân dã, tự nhiên trong làng mạc Việt Nam, không có sự áp đặt và định chế. Sau này nhất định sẽ có những bài văn tưởng niệm hùng hồn, uyên áo ca ngợi sự nghiệp bác Hãn. Nhưng theo tôi cái vinh dự lớn lao nhất mà cuộc đời trôi dạt đã dành cho danh sĩ Hoàng Xuân Hãn là chữ Bác. Bác Hãn. Chữ Bác từ những tấm lòng. Chữ Bác từ những kính trọng và thương nhớ không nguôi.


Đặng Tiến

(bài đã đăng Diễn Đàn 51, 04.1996)



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss