Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 51 - 04.1996 / Hoàng Xuân Hãn, cuộc đời và sự nghiệp

Hoàng Xuân Hãn, cuộc đời và sự nghiệp

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 14/04/2013 00:00, cập nhật lần cuối 13/05/2013 22:24


Hoàng Xuân Hãn,
cuộc đời và sự nghiệp


Nguyễn Trọng Nghĩa



"Nhân sinh thất thập cổ lai hi"

Người đời sống đến 70 tuổi xưa nay vốn hiếm. Dù câu nói ấy của Đỗ Phủ ngày nay không còn hoàn toàn đúng nữa với hiện tượng tuổi thọ mỗi ngày một tăng ngay cả ở Việt Nam, ta không thể không chợt nghĩ đến nó sau cơn bàng hoàng khi nghe tin Bác Hoàng Xuân Hãn qua đời. Bác dường như có cái chi vĩnh cửu, bất tử đối với những ai thường gặp bác chống gậy đi chùa hay đi dự các sinh hoạt văn hoá của Việt kiều và nhất là được dịp thán phục cái trí nhớ chính xác phi thường mà Bác vẫn giữ được cho đến những ngày cuối đời khi nói chuyện về lịch sử, văn học. Do bản lĩnh đặc biệt của riêng Bác và do những tình cờ vốn có trong "cõi người ta", ôn lại những nét chính của cuộc đời Bác trong chừng mực nào đó cũng là nhắc lại đoạn lịch sử, vừa hào hùng vừa bi thảm, của quê hương trong gần 90 năm.


Quá trình đào tạo


Bác sinh năm 1908 trong một gia đình nho học ở xã Yên Phúc, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ 6 đến 9 tuổi (tức là từ 1914 đến 1917), Bác học chữ nho rồi chữ quốc ngữ với một gia sư.

Từ 9 đến 13 tuổi, Bác theo học trường tiểu học Pháp-Việt ở Vinh. Vào thời đó trong cả nước chỉ có chừng 30 trường như thế, thường nằm ở các tỉnh lỵ lớn. Trường dạy bằng tiếng Pháp nhưng giáo viên thì lại toàn là người Việt với dụng cụ sư phạm duy nhất là chiếc thước kẻ to tướng dùng để trừng trị học trò. Vì bị thầy đánh đòn dữ quá nên Bác phải ra Thanh Hoá học lớp Nhất cùng với ông Phạm Ngọc Thạch, sẽ làm Bộ trưởng Y tế cho Cụ Hồ vào những năm 60. Lúc đó thân phụ ông Phạm Ngọc Thạch làm hiệu trưởng trường Thanh.

Sau khi đậu bằng tiểu học, Bác vào "Trường Quốc học Vinh" qua thi tuyển. Lúc đó, cả nước chỉ có năm trường trung học gồm bốn lớp với 40 học sinh cho mỗi lớp. Như vậy, các trường này chỉ đào tạo mỗi năm tối đa chừng 200 thanh niên có trình độ cao đẳng tiểu học, tức là brevet của Pháp hiện nay.

Năm 1926, Bác vào học "Trường Bảo Hộ" ở Hà Nội, thường gọi là "Trường Bưởi". Vì chỉ là một trường trung học Pháp-Việt (franco-annamite), học sinh Trường Bưởi cũng như trường Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn chỉ có quyền thi tú tài bản xứ (Baccalauréat local) chứ không được thi "tú tài tây" chỉ dành cho học sinh hai trường Albert Sarraut ở Hà Nội và Chasseloup-Laubat ở Saì Gòn.

Năm 1927, Bác thi nhảy lớp đậu tú tài phần một và sau đó được nhận vào học ở trường Albert Sarraut, rồi đậu tú tài toán một năm sau đó. Như Bác vẫn thường kể lại, chính trong năm theo học ở Albert Sarraut Bác mới khám phá ra và loá mắt khâm phục giá trị của các giáo sư thạc sĩ người Pháp.

Nhờ được phần thưởng ưu hạng ở Albert Sarraut, Bác được cấp học bổng sang học các lớp dự bị ở trường Saint-Louis (Paris) và thi đậu vào Trường Bách khoa (Ecole Polytechnique) năm 1930. Vì biết rằng trong hoàn cảnh thuộc điạ, với tư cách là người Việt nam, Bác khó có thể được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng, nên sau khi tốt nghiệp Trường Bách khoa, Bác đã chọn vào học Trường Cao đẳng Cầu Đường (Ecole Nationale Supérieure des Ponts et Chaussées).

Năm 1934, Bác về nước và phải chờ hơn bốn tháng nhưng không được bổ nhiệm vào một chức vụ nào cả. Bác quyết định chọn nghề dạy học và bắt đầu bằng việc sang Pháp học lại để thi thạc sĩ toán . Chính trên chuyến tàu sang Pháp lần thứ hai, Bác đã chinh phục được trái tim của người nữ sinh viên đang trên đường sang Pháp học Dược và sẽ trở thành bạn trăm năm của Bác vào năm 1936. Chỉ trong hai năm (1934-1936), Bác học xong Cử nhân, Cao học ở Đại học Khoa học Paris và đậu thạc sĩ toán.


Vừa dạy học vừa nghiên cứu


Sau khi "Mặt Trận Bình Dân" (Front Populaire) lên cầm quyền ở Pháp, một số cải cách dân chủ được thực hiện ở Việt Nam. Về mặt giáo dục, các trường trung học Pháp-Việt trở thành ngang hàng với các trường trung học của Pháp, bằng tú tài bản xứ bị huỷ bỏ... Trong tình hình đó, Bác về nước và được bổ dạy ở Trường Bưởi, phụ trách hai lớp "Toán học Sơ đẳng" (Mathématiques Elémentaires).

Nhờ quá trình đào tạo đó, có thể nói Bác là hiện thân hiếm có của sự tổng hợp, hài hoà và ở mức độ cao, giữa "tây học" và văn hoá truyền thống. Và Bác đã tận dụng cái phương pháp khoa học tiếp thu được của phương Tây cũng như cái vốn hiểu biết sâu sắc về chữ hán, chữ nôm mà Bác tiếp tục trau dồi trong những tháng hè về sống ở quê nhà thời tiểu học, trung học, vào công việc nghiên cứu.

Ngay khi còn ở trung học, Bác đã ý thức được những khó khăn người Việt thường gặp khi diễn đạt tư tưởng của mình vì thiếu thuật ngữ chính xác. Và Bác đã bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề thuật ngữ khoa học cho tiếng Việt trong những năm học khá bận rộn ở trường Saint-Louis rồi Trường Bách khoa theo những hướng chính sau đây :

* Sử dụng tối đa những từ đã có và đã quen dùng trong tiếng Việt.

* Tiếp thu những từ mà người Nhật và người Trung Quốc đã tạo ra để dịch những khái niệm khoa học mới.

* Phiên âm trực tiếp những thuật ngữ khoa học mới mà sự sử dụng có tính chất quốc tế...

Sau khi về nước, Bác bắt tay vào việc soạn thảo quyển Danh từ khoa học cho đến năm 1940 thì xong, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh nên phải đợi đến năm 1942 mới ra mắt công chúng. Đặt nền móng cho thuật ngữ khoa học Việt Nam, quyển sách này đã đóng vai trò quan trọng trong việc dùng tiếng Việt để dạy học mà Bác là người khởi xướng chính yếu khi tham gia chính phủ Trần Trọng Kim với tư cách Bộ trưởng giáo dục và mĩ thuật.

Một sự kiện không kém phần quan trọng vì ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với quần chúng nhưng ít người biết đến, đó là chính Bác đã đề xướng phương pháp "i tờ" nổi tiếng khi Bác làm trưởng ban tu thư của Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập vào năm 1938. Được dùng để viết cuốn Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới, phương pháp này đã góp phần không nhỏ vào nỗ lực thanh toán nạn mù chữ sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt thông qua những lớp học đêm của Phong trào Bình dân Học vụ còn để lại dấu vết trong câu ca dao khá dí dỏm sau đây :

Bình Dân ! Khổ lắm anh ơi !
Không đi thì dốt đi thời bụng to

Để người học dễ nhớ, Bác đã đặt những câu vè vui vui như :

*   I tờ có móc cả hai
I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang.
O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu.

*   Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn
Hỏi lom khom đứng, Ngã... buồn nằm ngang !

Từ năm 1936, song song với việc dạy toán và việc biên soạn cuốn Danh từ khoa học, Bác để tâm sưu tầm, nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam. Công trình nghiên cứu đầu tiên mà Bác công bố là bài Nguyễn Biểu : một gương nghĩa liệt và mấy bài thơ văn đời Trần đăng trong Khai Trí Tiến Đức tập san số tháng 6-1941. Có thể nói phương pháp và phong cách nghiên cứu của Bác đã hiện ra khá rõ trong bài báo này. Trong lời tựa, viết vào năm 1945, của quyển La Sơn phu tử Bác sẽ trình bày quan niệm nghiên cứu và viết sử của mình như sau : "Tôi đã tham khảo các sách, so sánh với quốc sử và gia phổ. Tôi tìm cách đoán chỗ thiếu, chữa chỗ sai, giữ lấy những lời tục truyền có lý, bác điều vô lý hay đính chính nó lại. Tôi không nói một điều gì mà không dẫn chứng. Có việc gì mà phải đi tới nơi tra xét, tôi cũng không quan ngại (...) Trong khi nền sử học ta mới phôi thai, tôi đã gắng để tránh cái hoạ lẫn sử ký với tiểu thuyết, và để tránh cái tật bạ đâu lấy đó".

Quan niệm này sẽ lại được Bác khẳng định và triển khai thêm trong bài tựa của quyển Lý Thường Kiệt : "Những việc tôi kể trong sách hoàn toàn có chứng và được dẫn chứng (...) Không bịa đặt, không tây vị, hết sức rõ ràng ; đó là những chuẩn thằng tôi đã theo trong khi viết cuốn sách này".

Những tiêu chuẩn (hay chuẩn thằng) mà Bác nêu ra đó dường như vẫn còn tính thời sự trong tình hình học thuật, xuất bản hiện nay của chúng ta ở trong cũng như ở ngoài nước : đáng ra chúng phải là những lời tâm niệm đầu tiên của mọi nhà nghiên cứu, đặc biệt trong các ngành khoa học xã hội.

Nhưng cống hiến đặc sắc nhất của Bác có lẽ là việc Bác đã phát hiện và, lắm khi, đã cứu nhiều tư liệu, văn bản cổ. Trong bài viết về Nguyễn Biểu chẳng hạn, Bác đã công bố bài Nghĩa sĩ truyện của Hoàng Trừng, chắt ngoại của Nguyễn Biểu và đậu Hoàng Giáp năm 1498, cùng mấy bài thơ nôm Đường luật cổ vào cuối đời Trần. Với óc suy luận chính xác và trí sáng tạo cực kỳ nhạy bén, Bác thường đưa ra được những kiến giải mới mẻ, đúng đắn. Cũng trong bài viết về Nguyễn Biểu, Bác đã cắt nghĩa một cách rất khoa học tại sao, khi Trương Phụ cho trói vị anh hùng này dưới cầu, nước thuỷ triều đã không lên. Bác viết như sau : "Có lẽ đức Nghĩa Vương (tức Nguyễn Biểu) bị bắt sáng mồng một. Trương Phụ trói Ngài dưới cầu, tưởng để con nước buổi trưa lên ngập chết. Nhưng (...) nước thuỷ triều mỗi xứ mỗi khác, Trương Phụ lạ phong thổ nên không biết là ngày ấy buổi trưa không có con nước như mọi ngày. Thấy nước không lên, mà bị (Nguyễn Biểu) mắng nên tức mà đem đánh chết".

Từ năm 1942 đến năm 1944, Bác là cây bút chủ chốt của báo Khoa học tập hợp một số nhà trí thức trẻ phần lớn đã tốt nghiệp Đại học tại Pháp. Ngoài những bài viết có tính cách phổ biến tri thức khoa học, Bác còn cho đăng trong báo mấy bài nghiên cứu về âm lịch và dương lịch, một đề tài mà Bác đã có những phát hiện quan trọng như sẽ trình bày trong một phần sau.

Nhưng chính trong báo Thanh Nghị, Bác đã công bố vào năm 1943 những công trình nghiên cứu quan trọng về nguồn gốc văn Kiều : Bác là người đầu tiên nói đến Văn phái Hồng Sơn. Lối nhìn độc đáo này, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi sẽ tiếp thu trong bài Nguyễn Huy Tự và Truyện Hoa tiên đăng trong tạp chí Văn học (số 7, 1994).

Năm 1943, để tránh nạn máy bay Đồng minh oanh tạc Hà Nội, Trường Bưởi bị dời vào Thanh Hoá, nên Bác phải đi theo. "Trong khi nhàn rỗi, (Bác) đã để ý tìm tòi cổ tích mà (Bác) biết có nhiều trong vùng. (Bác) đã tìm ra bốn tấm bia còn rõ chữ, trong đó có ba bia ghi công Lý Thường Kiệt đối với các chùa". Phát hiện quan trọng này đã thúc đẩy Bác viết quyển Lý Thường Kiệt sau này.


Thái độ và hoạt động chính trị


Một câu hỏi không thể không đặt ra đó là : Từ khi về nước cho đến những năm trong thế chiến thứ II, tư tưởng, lập trường chính trị của Bác đã biến chuyển ra sao ? Như đã nói trên đây, năm 1938 Bác có tham gia Hội truyền bá quốc ngữ là một tổ chức văn hoá quy tụ chủ yếu những nhà trí thức có tinh thần dân tộc ôn hoà như Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp... cộng với một vài nhân vật cấp tiến có dính líu đến Đảng Cộng Sản Đông Dương như Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Nguyễn Hữu Đang... Có lẽ Bác Hãn gần những người trước hơn là những người sau.

Trong Một vài kí vãng về Hội nghị Đà Lạt, Bác đã tự nhận định như sau về mình : "Trong hồi làm giáo sư toán học, tuy tôi không làm chính trị nhưng cũng không hề giấu ý kiến về chính trị và thời thế, khi có dịp bày tỏ ý mình. Cũng nhờ vậy mà tránh được những cạm bẫy của hư danh" (tr.14).

Đúng như thế ! Bác không phải là nhà chính trị và càng không phải là nhà hoạt động cách mạng : trước sau, Bác vẫn chỉ là một nhà trí thức thiết tha với độc lập và thống nhất dân tộc nhưng ôn hoà,và nhất là không theo đảng phái nào cả.

Trong thời Nhật chiếm Đông Dương, thỉnh thoảng toàn quyền Decoux (theo Pétain) mời Bác đến gặp ; nhưng Bác cũng giao thiệp với cả tướng Mordant, người cầm đầu phe kháng chiến Pháp theo De Gaulle ở Đông Dương.

Với Decoux hay Mordant, Bác đều nói rõ lập trường của mình là "chỉ khi nào chính phủ Pháp đổi hẳn chính sách đối với các nước Đông Dương thì những người như (Bác) mới hợp tác được" (HNĐL, tr. 15).

"Hợp tác có điều kiện", nghĩa là "hợp tác nếu Pháp hứa trả độc lập, thống nhất", lập trường chính trị đó của Bác chắc chắn là không được sự đồng tình của phần lớn các đảng phái lúc bấy giờ, đặc biệt là của Việt Minh chủ trương "đánh đuổi cả Pháp lẫn Nhật".

Cũng chính vì có lập trường như vậy nên sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) và "tuyên bố để Việt Nam tự chủ vận mệnh của mình" (HNDL, tr.11), Bác đã nhận lời tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, được thành lập ngày 17.4.1945. Theo Bác, mục đích của chính phủ này là một mặt giành lấy từ tay người Pháp theo Pétain bộ máy hành chính, giáo dục, y tế... và mặt khác tránh cho đất nước tình trạng vô chính phủ rất nguy hiểm cho tương lai chính trị của Việt Nam, dù lúc đó mọi người đều biết là thế nào Nhật cũng sẽ bại trận.

Ta có thể bàn luận xem những tính toán trên đây có phù hợp với thực tế chính trị lúc đó hay không, nhưng ta không thể không cho động cơ chọn lựa và những điều Bác nghĩ là chân thành.

Có lẽ vì không theo đảng phái nào cả và vì đã tham gia chính phủ Trần Trọng Kim nên, sau khi chính phủ dân chủ cộng hoà thành lập, Bác đã "được bỏ quên, yên phận sửa soạn thi hành sự dạy và viết môn toán học bằng tiếng Việt, và nỗ lực cứu vớt những sách tàn giấy cũ mà bấy giờ nhân dân cho đã lỗi thời, đưa bán làm hồ, làm giấy lộn khắp đường Hà Nội", như chính Bác đã viết trong tập Kí vãng về Hội nghị Đà lạt (tr.8).

Nhưng trước sự "kình thị và công kích giữa các đảng phái" mà nếu để biến thành "đại loạn thì nước Việt Nam không còn hi vọng gì sống lại nữa", Bác đã đến gặp cố vấn Vĩnh Thuỵ và đề nghị cựu hoàng "nên khuyên chính phủ (Cụ Hồ) dàn xếp một cách ổn thoả và chính đáng với những người yêu nước thuộc những đảng khác để cùng đối phó với thời cơ cực kì gian nan" (HNĐL tr.9).

Qua trung gian của cố vấn Vĩnh Thuỵ, chiều ngày 13.10.1945, Bác Hãn đã gặp chủ tịch Hồ Chí Minh trong hơn một giờ và trình bày các ý chính sau đây như Bác đã ghi lại trong tập Kí Vãng :

"Nay ta chưa độc lập, đang cần dư luận ngoại bang bênh vực. Nếu ta tỏ ra bất lực, hoặc có thái độ độc tài thì khó lòng họ giúp mình" ( HNĐL, tr. 10).

Mặc dù chính phủ có "chủ trương chính trị đại thể hợp lẽ, nhưng hành động hình như tưởng đã thành công cho nên sợ chia trách nhiệm và chính quyền", không hiểu rằng "đường đi đến độc lập và thống nhất còn dài và khó" (HNĐL, tr.11).

Qua lần gặp gỡ Cụ Hồ đầu tiên này, Bác ghi nhớ hình ảnh "một vị cách mệnh thâm niên gầy ốm, nhưng tinh thần tinh anh, mặc tĩnh, thâm trầm và cử chỉ ôn tồn, gãy gọn và kiên quyết" (HNĐL, tr.11).

Nhận xét về Hiệp định ký kết ngày 6.3.1945, Bác viết như sau : "Lấy tình cảm mà xét, hầu hết quốc dân đã thất vọng vì hai ước nguyện vọng độc lập và thống nhất có thời gian tưởng đã đạt, nay bị tiêu tan". Nhưng Bác cũng thấy rằng "chính phủ liên hiệp kháng chiến chỉ có hai con đường : một là chống lại bằng võ lực nhưng rồi phải bỏ các đô thị để kháng chiến (...) ; hai là chịu lép đương thời để được Pháp và quốc tế nhìn nhận có nước Việt Nam, rồi dựa vào dư luận dân Pháp và dân toàn cầu và nhất là vào sự đồng tâm kiên quyết không chịu nô lệ của quốc dân, để tái lập dần dần sự hoàn toàn độc lập" (HNĐL, tr.7).

Chính vì chọn lựa con đường thứ hai nên Bác đã chấp nhận tham gia phái đoàn Việt Nam ở Hội nghị Đà Lạt từ 18.4 đến 11.5.1946, do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm trưởng đoàn và gồm 24 trí thức có tên tuổi thời bấy giờ trong đó có cả ông Võ Nguyên Giáp.

Đối với Bác, ba tuần thương thuyết ở Đà Lạt là một chuỗi ngày đầy đau đớn và phẫn nộ trước thái độ trịch thượng, khinh thị của một số người trong phái đoàn Pháp, nhưng đồng thời cũng đầy hy vọng về triển vọng hợp tác đoàn kết giữa những nhân vật thuộc đảng phái và khuynh hướng chính trị khác nhau, vì quyền lợi dân tộc.

Về điểm sau, lịch sử đã chứng minh là Bác quá lạc quan, có lẽ vì nhiều thiện chí và tinh thần dân tộc. Bi kịch mà nhân dân Việt Nam đã phải sống trong gần nửa thế kỷ đã đành chủ yếu phát xuất từ cuồng vọng tiếp tục thống trị Việt Nam của không ít người Pháp sau thế chiến thứ II, nhưng cũng không thể chối cãi được rằng song song với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc rõ ràng là tất yếu còn có một cuộc đấu tranh giành quyền bính và ngay cả độc quyền chính trị.

Trong cuộc đấu tranh giành quyền bính đó, tuy ít khốc liệt hơn nhưng hậu quả thì rất lâu dài và nguy hại cho tiền đồ dân tộc, một người trí thức ôn hoà và độc lập như Bác thật khó tìm ra chỗ đứng cho phép đóng góp xứng đáng phần mình vào sự nghiệp chung. Có thể nói cái cảnh ngộ, cái tâm sự của Bác Hãn hơi giống La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp mà Bác là miêu duệ : "Phu tử đã trải qua biết bao cảnh ngộ khó xử, mà phu tử đã xử một cách ung dung (...) Phu tử chỉ trọn đời mộ đạo và tìm phương hành đạo. Hành không được là tại không gặp thời" (LS, tr. 205), nhưng "chung qui vẫn trọn tiết" (LS, tr. 9). Xét cho cùng, cái đạo của La Sơn phu tử và cũng của Bác Hãn có thể thu gọn lại trong hai chữ giúp đời .

Sau khi Hội nghị Đà Lạt thất bại, Bác lại "được rút lui về chăm việc văn hoá" (HNĐL, tr. 76). Hành động chính trị chính thức cuối cùng của Bác có lẽ là việc tham gia buổi tiếp đô đốc d’Argenlieu của Cụ Hồ tại phủ chủ tịch ngày 19.5.1946. Tóm lại, Bác chỉ "tham chính" thực sự cả thảy chỉ hơn nửa năm. Sau đó, Bác dồn hết tâm trí vào công tác nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam và có lẽ đây là đóng góp quan trọng nhất của Bác.

Từ bài đầu tiên về Trường Vinh đăng trong báo Nghệ-Tĩnh năm 1931, Bác đã viết cả thảy hàng chục quyển sách và hàng trăm bài báo đủ loại, dài ngắn khác nhau. Tôi xin được tập trung giới thiệu ba công trình mà tôi cho là tiêu biểu nhất : Lý Thường Kiệt, Chinh phụ ngâm bị khảo, Lịch và lịch Việt Nam.


Lý Thường Kiệt


Trong lời tựa của quyển Lý Thường Kiệt, viết vào năm 1949, Bác nói rõ là "chính cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc ta (...) đã giục tôi vội đưa bản thảo hiến độc giả" và Bác mong : "Đọc xong đoạn sử này độc giả sẽ thấy, cách đây ngót nghìn năm, cha ông ta đã đủ tài năng, nghị lực để xây dựng, tổ chức và gìn giữ khoảnh đất gốc cỗi của tổ quốc ta ngày nay ; độc giả sẽ nhận thấy huyết quản của chiến sĩ ta bây giờ vẫn chan hoà máu nóng của tổ tiên, máu nóng mà không lẽ có người không mang một giọt. Dẫu trong nhất thời, có kẻ lỡ lầm làm hại nước, hoặc con dân một nước có ý tưởng dị đồng, trước nạn bại vong, giọt máu ấy cũng đủ gây nên chí quật cường, lòng tương ái. Vẫn biết tương lai là thế giới đại đồng ; nhưng trước lúc ấy, nước mình phải là một nước thật" (LTK, tr. 15).

"Một nước thật" rõ ràng phải là một nước độc lập, thống nhất, và, nơi Bác, tinh thần dân tộc chân chính không mâu thuẫn với tinh thần quốc tế, đại đồng đích thực .

Có thể nói, mặc dù nhằm mục đích "phục vụ chính trị", Lý Thường Kiệt là công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam đầu tiên được viết một cách công phu và nhất là với phương pháp khoa học (nói có sách mách có chứng ; hiệu đính, chỉnh lý tư liệu một cách nghiêm túc, chính xác ; lập luận vững vàng, nhất quán ; khách quan trong nhận định, đánh giá...).

Như Bác tự nhận xét, "tuy nhan đề Lý Thường Kiệt, nhưng thật ra là sử bang giao với Tống của nước ta về thế kỷ 11, trong triều Lý" (LTK, tr. 9). Tuy nhiên nhận xét đó vẫn chưa đủ : phải nói đây còn là cả một kho tàng tri thức chính xác và đầy kiến giải mới lạ, độc đáo về địa danh, chính trị, quân sự, xã hội, văn hoá, văn học, tôn giáo... của nước ta cách đây 10 thế kỷ. Tầm quan trọng của quyển sách này càng lớn hơn nữa, nếu ta không quên rằng sử liệu của ta, đặc biệt về thời kỳ này, "ít và sơ sài" với "những chi tiết (...) phần lớn không hoàn toàn tin cậy được" (LTK, tr. 11). Do đó Bác đã sử dụng nguồn sử liệu khá dồi dào của Trung Quốc, được soạn dưới đời Tống và đời Nguyên, đặc biệt là bộ sách khổng lồ gồm 520 quyển của Lý Đào (Tục tư trị thông giám trường biên), "một kho tài liệu cực kỳ đầy đủ" (LTK, tr. 15). Nhưng đóng góp có ý nghĩa nhất, có thể nói là mẫu mực, của cuốn Lý Thường Kiệt đó là nỗ lực vạch ra những điểm mâu thuẫn, sai lầm của sử liệu nhằm đạt đến những tri thức (tương đối) chính xác và, nhờ vậy, đặt được những viên đá tảng vững chắc cho nền học thuật Việt Nam cho đến nay dường như vẫn chưa trưởng thành : rõ ràng nếu không cố gắng tập hợp, dịch thuật, chỉnh lý tư liệu một cách nghiêm túc, thì sợ rồi ra vẫn còn nhiều người tiếp tục xây những lâu đài trên cát.


Chinh phụ ngâm bị khảo


Về văn bản học, những đóng góp của Bác Hãn cũng đặc biệt quan trọng. Trong lời nói đầu của cuốn Thi văn Việt Nam, (Từ đời Trần đến đời Mạc). Bác đã trình bày quan niệm của Bác như sau : "...về văn từ, thì tôi rất chú trọng để giữ được nguyên cổ văn. Sự ấy rất khó, vì phần lớn các (bài) văn đã bị phiên âm thất cách, hoặc còn chữ nôm, nhưng đã bị sao lại nhiều lần. Các người phiên âm hay sao thường không hiểu tiếng cổ, nên tự ý chữa đi. Tôi đã cố tìm những bản nôm, cũ được chừng nào hay chừng ấy ; hoặc tìm nhiều bản gốc khác nhau để so sánh. Tôi đã kê các tiếng cổ thành tự vị, rồi vin vào cách viết nôm, ý trong các câu mà đoán âm và nghĩa để tái lập được nguyên thoại. Tuy việc làm ấy có tính cách bấp bênh, nhưng tôi tin rằng đã đạt được một phần mục đích" (tr. 6).

Cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo có lẽ là tác phẩm tiêu biểu nhất cho những công trình nghiên cứu văn bản học của Bác. Như Bác đã trình bày trong lời tựa, quyển sách này nhằm ba mục đích.

Trước hết Bác chứng minh rằng Phan Huy Ích mới thực là tác giả của bản dịch Chinh phụ ngâm vốn được xem là của Đoàn Thị Điểm, với nhiều luận cứ bổ sung cho nhau : bản Chinh phụ ngâm diễn nôm đã phiên âm ra chữ la tinh do ông Phan Huy Chiêm gửi cho Bác vào mùa hè 1953, gia phả họ Phan Huy có ghi rõ là Phan Huy Ích đã từng dịch Chinh Phụ Ngâm, Bác đã tìm được một bản dịch Chinh phụ ngâm có chứng cớ cho phép suy ra là của Đoàn Thị Điểm, do tình hình ngôn ngữ và thi ca vào nửa đầu của thế kỷ XVIII Đoàn Thị Điểm khó có thể diễn nôm hay như Phan Huy Ích đã làm vào đầu thế kỷ XIX, nghĩa là sau bản dịch của bà khoảng sáu mươi năm.

Mục đích thứ hai là công bố cả bốn bản dịch Chinh phụ ngâm (Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản (?), Vô danh) đã được Bác tái lập nguyên thoại.

Mục đích cuối cùng là giải thích những từ hay những ý khó hiểu. Bảng ghi các từ cổ ở cuối cuốn sách là một đóng góp quí giá về từ vựng học

Chính nhờ sự hiệu đính công phu của Bác, mà ta biết được chẳng hạn : câu "Trống Tràng thành long lay bóng nguyệt "phải đọc là "Trống Tràng An long lay bóng nguyệt" hoặc câu "Ngoài đầu cầu, nước trong như lọc" phải đọc là "Ngòi (tức là lạch nước nhỏ) đầu cầu, nước trong như lọc" thì mới đúng với ý thơ của Đặng Trần Côn hoặc mới hợp lý !


Lịch Trung Quốc và lịch Việt Nam


Đăng trong Tập san Khoa học Xã hội, số 9, tháng 12.1982, bài Lịch và Lịch Việt Nam đã tổng hợp những tìm tòi suy nghĩ của Bác trong hơn 50 năm về vấn đề có tính cách kỹ thuật và mấu chốt này khi nghiên cứu lịch sử nước nhà : đó là việc chuyển ngày tháng âm lịch sang dương lịch của những sự kiện lịch sử ghi trong các tư liệu của ta cũng như của Trung Quốc. Muốn viết về đề tài này không những phải thông thạo về thiên văn học cũng như lịch pháp của Đông, Tây, kim, cổ... mà còn phải nắm vững lịch sử và sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc. Ở Việt Nam, có lẽ ngoài Bác Hãn ra không mấy người có thể làm được.

Qua công trình nghiên cứu này ta học được lắm điều hay về mối quan hệ giữa lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc.

Theo giả thuyết của Bác, từ đời Đinh cho đến hết đời Lý Thái Tông, các vua Việt dùng lịch do các vua Tống cấp cho hàng năm. Nhưng từ khi Lý Thánh Tông lên ngôi (tức là từ năm 1054) mở ra một thời thịnh trị, hùng cường với các cuộc đánh Tống bình Chiêm, nên có lẽ tự coi mình là bậc thiên tử như các hoàng đế Trung Quốc, chúng ta có một số luận cứ để nghĩ rằng vị vua này đã tìm cách tính lịch cho nước ta theo lịch pháp đời Tống, được dùng cho đến khoảng năm 1306 khi người mình học được phép làm lịch mới do Quách Thủ Kính đặt ra gọi là lịch Thụ Thời. Như vậy có lẽ từ năm 1281 đến 1306 lịch Việt Nam không giống lịch Trung Quốc. Lịch Thụ Thời được đổi tên thành Hiệp Kỷ vào năm 1339, rồi thành Thuận Thiên vào năm 1401 và cuối cùng thành Khâm Thụ sau khi nhà Lê trung hưng (1593). Ở Trung Quốc, lịch Thụ Thời được đổi tên thành lịch Đại Thống vào năm 1384, tức là mười mấy năm sau khi nhà Minh diệt xong nhà Nguyên, nhưng vẫn theo lối tính của Quách Thủ Kính. Ngay sau khi triều Thanh được lập ra, vua Thuận Trị liền sai giáo sĩ người Đức là Thang Nhược Vọng (Johann Adam Schall von Bell, 1591-1666) lập ra lịch Thời Hiến theo cách tính của phương Tây dựa trên những phát minh của Copernic (1473-1543), Képler (1571-1630)... Trong khi đó ở Việt Nam vẫn dùng lịch tính theo lối cũ cho đến năm 1812. Như vậy, nếu từ năm 1306 đến năm 1643 lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc trùng nhau, thì ngược lại từ 1644 đến 1812 lịch Việt Nam khác với lịch Trung Quốc trừ ba năm (1665-1668) triều Thanh dùng lại lịch Đại Thống do sự thắng thế của phái cựu lịch bảo thủ. Từ năm 1813 cho đến năm 1945, Việt Nam dùng lịch Thời Hiến của Trung Quốc, lấy tên là Hiệp Kỷ. Dựa vào những kết luận cơ bản trên đây cũng như những tri thức vững vàng về thiên văn và lịch pháp, Bác đã phê bình với tinh thần ôn hoà cố hữu những sai lầm của các tác giả Bảng đối chiếu Âm Dương lịch và đề nghị một số sửa đổi về định nghĩa, cách đổi ngày âm ra ngày dương hoặc ngày dương ra ngày âm, sao cho "dễ hiểu, dễ nhớ, gọn tính, dễ dùng" (tr. 74).

Khoảng hơn hai tuần trước khi Bác qua đời, tôi có điện thoại hỏi ý kiến Bác để kiểm chứng một số dữ kiện dân tộc học. Bác đã trả lời rất cặn kẽ, rất chính xác những câu hỏi của tôi. Cho đến những ngày cuối cùng Bác vẫn không ngừng tìm tòi nghiên cứu. Đối với tôi phong cách cần cù, nhẫn nại và bền bỉ đó luôn luôn là một mẫu mực. Tôi vốn thuộc loại người có tính xấu là hay cãi và hay lý sự, thế mà trong đúng hai mươi năm quen Bác, mỗi lần ra về sau khi trò chuỵện say sưa cùng Bác thường là kéo dài hàng vài giờ vì lắm chuyện phải hỏi, phải học, tôi đều cảm thấy lòng mình thanh thản và phấn chấn hơn.

Bác sang Pháp lần thứ ba vào năm 1951, đến nay như vậy là vừa đúng 45 năm nghĩa là hơn nửa cuộc đời khá dài của Bác. Thế mà Bác chưa một lần về thăm lại quê hương. Điều đó cứ làm tôi băn khoăn hoài. Đã đành là từ 1951 đến 1975, đất nước bị chiến tranh, rồi chia đôi và chiến tranh ; ở vào cái thế của Bác, về miền Nam hay về miền Bắc thời đó đều có một đôi phần bất tiện... Nhưng sau 75, từ khi đất nước đã độc lập, thống nhất rồi, tại sao Bác vẫn tiếp tục không về. Vì Bác ngại làm đơn xin thị thực chăng ? Rủi ra bị từ chối (điều có thể xảy ra ngay sau 1975) thì cũng bẽ bàng ! Hay là Bác ngại phải nhìn lại quê hương Nghệ Tĩnh của Bác đã quá "bể dâu" ? Tại sức khoẻ chăng ? Hay là tại mắt Bác mỗi ngày một yếu (nhất là từ gần mươi năm sau này) ? Hay là vì bạn bè thuở trước không còn mấy người nữa nên không còn ai tri kỷ ?... Và từ mấy ngày nay tôi lại có thêm một băn khoăn mới : Liệu hộp đựng tro tàn của Bác sẽ vĩnh viễn nằm trong ngôi tháp của chùa Trúc Lâm ở ngoại ô Paris ? Thú thực chỉ có tôi là tủn mủn băn khoăn như thế, chứ tôi chưa từng nghe Bác bận tâm hoặc phàn nàn về những chuyện đó bao giờ. Thế mới biết không phải ai cũng có thể đạt đến sự an nhiên tự tại !

Nguyễn Trọng Nghĩa

(22.3.1996)




* La Sơn phu tử (viết tắt LS), Paris, Minh Tân, 1952,tr. 6-7.

* Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Sông Nhị, 1950, tr.14.

* Thiên tình sử Hồ Xuân Hương, Nhà xuất bảnVăn Học, 1995, tr.39-40.

* Đăng lại trong Diễn Đàn số 45, 1.10.1995, tr. 40-43 và 48.

* Một vài kí vãng về Hội nghị Đà Lạt (viết tắt HNĐL), Tập san Sử Địa, số 23/24, Sài Gòn, 1971, tr. 14.

* Về giai đoạn 1945-46, có thể đọc thêm : Nguyễn Trọng Nghĩa, Mấy điều tâm đắc về Bác Hoàng Xuân Hãn, Diễn Đàn số 13, 1.11.1992, tr. 22-25.

* Thi văn Việt Nam (Từ đời Trần đến đời Mạc), Hà Nội, Sông Nhị, 1951.

* Nguyễn Trọng Bỉnh, Nguyễn Linh và Bùi Viết Nghị, Bảng đối chiếu Âm Dương lịch, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1976.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss