Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 51 - 04.1996 / Một người Thầy, sau trở thành bạn vong niên

Một người Thầy, sau trở thành bạn vong niên

- Trần Văn Khê — published 07/03/2008 00:00, cập nhật lần cuối 08/03/2008 23:52
G.S. rất vui và sẵn lòng, mỗi tuần gặp tôi đôi ba tiếng đồng hồ để giúp tôi đỡ mất thì giờ tra tự điển, và hiểu rõ các đoạn lịch sử Việt Nam có liên quan đến âm nhạc.



Thương tiếc G.S. Hoàng Xuân Hãn

Một người Thầy, sau trở thành bạn vong niên
 



Trần Văn Khê


Tôi biết tên G.S. Hoàng Xuân Hãn từ lúc còn là sinh viên Đại học Hà Nội, khi bà Hoàng Xuân Hãn, dược sĩ, đến nhờ tôi giúp phần văn nghệ cho một chương trình giới thiệu phong trào chống nạn mù chữ, và từ lúc quen với em của G.S. Hãn, anh Hoàng Xuân Bình, một cầu thủ xuất sắc của đội đá banh trường Đại học Hà Nội. Lúc ấy, tôi chỉ biết Giáo sư đậu bằng Thạc sĩ toán học, tốt nghiệp trường Bách khoa Paris, một “ đại trí thức ” thời bấy giờ...

Về con người trong chánh giới, đã từng được những nhân vật rất cao cấp tham khảo ý kiến trong thời nước Việt Nam chập chững trên con đường độc lập, đã không ngại gánh vác trách nhiệm người dân trong lúc quốc biến, tham gia nội các Trần Trọng Kim, tham dự Hội nghị Đà Lạt, cũng như về nhà văn hoá lớn của Việt Nam rất có công trong việc nghiên cứu và biên soạn những sách về danh từ khoa học, về văn học lịch sử, chắc có những chánh khách, văn nhân và sử gia sẽ viết lại. Tôi chỉ muốn ghi lại đây, công ơn của G.S. Hoàng Xuân Hãn giúp tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu âm nhạc, và nhiều thành quả tôi thâu thập được phần lớn nhờ sự dìu dắt, chỉ dạy và gợi ý của Thầy Hãn.

Năm 1952, tôi đã ghi đề tài “ Âm nhạc truyền thống Việt Nam ” để soạn luận án Tiến sĩ Văn chương tại Đại học Sorbonne Paris. Lúc ấy tôi phải đọc những sách viết bằng chữ Hán, mà Hán học của tôi chưa đủ để làm công việc ấy.

Nên đầu năm 1954, khi Giáo sư Emile Gaspardone cho tôi biết trong Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục có nhiều đoạn nói về Nhạc Cung đình, trong ßc trai thi tập có vài đoạn Nguyễn Trãi bàn về âm nhạc, tôi vừa mừng gặp nhiều tài liệu về âm nhạc sử chưa ai biết đến, vừa lo vì vốn Hán học rất ít. Các bạn tôi, Nguyễn Văn Cổn và Nguyễn Trần Huân đều khuyên tôi nên gặp G.S. Hoàng Xuân Hãn để nhờ Giáo sư giảng cho những chữ tối nghĩa.

Lúc ấy G.S. Hãn đang ở trọ nhà em của G.S. là B.S. Hoàng Xuân Mãn. Khi biết tôi soạn luận án tiến sĩ về âm nhạc truyền thống Việt Nam, G.S. rất vui và sẵn lòng, mỗi tuần gặp tôi đôi ba tiếng đồng hồ để giúp tôi đỡ mất thì giờ tra tự điển, và hiểu rõ các đoạn lịch sử Việt Nam có liên quan đến âm nhạc.

“ Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư ”, người dạy mình nửa chữ cũng là Thầy, huống chi Giáo sư Hãn chẳng những giảng rành rọt về những chữ khó như chữ Văn trong âm nhạc mà cụ Nguyễn Trãi đã dùng, như chữ Cấu tên một nhạc cụ trong ban Đại nhạc đời Trần ghi trong quyển An nam chí lược của Lê Tắc, Thầy còn khuyên tôi nên đọc những quyển khác, như Lê triều Hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí, Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ, Công du tiệp ký của Vũ Phương Đề, và nhứt là bộ Đại Nam hội điển sự lệ, khi đến quyển thứ 99, Thầy Hãn đã đọc và giảng cho tôi trong gần hai tháng trời để tôi biết thanh cương Lễ nhạc cung đình dưới triều Nguyễn.

Thầy Hãn lại trao cho tôi một tập in trên giấy bản, mà giữa tập có một lỗ thủng từ trang đầu đến gần mấy trang cuối. Thầy Hãn nói đã phải dùng cây chĩa đâm vào tập chữ Hán đã bị bỏ vào thùng rác, để lấy tập ấy ra, rửa bìa, phơi khô mới đọc được. Sau cuộc cách mạng tháng tám, dân chúng không biết giá trị của nhiều sách chữ Hán, đã cho là lỗi thời đem ra bán làm hồ hay giấy lộn hoặc vứt vào sọt rác. Sau khi nội các Trần Trọng Kim từ chức, Thầy Hãn có thì giờ lo “ cứu vớt những sách tàn giấy cũ ” bị vứt đi như tập Thầy đã lượm được và trao cho tôi xem... Đó là một tài liệu rất quí, một tập bản đàn bài ca theo truyền thống Huế, mà nhờ những chữ huý Thầy Hãn biết rằng tập bản đờn ấy được chép bằng tay đưới triều vua Tự Đức. Tôi có dịp đối chiếu những bản Lưu thuỷ, Kim tiền, Quả phụ v.v... với những bài bản ngày nay để thấy cái biến chuyển của nét nhạc qua các thời đại.

Nhiều lúc Thầy giảng cho tôi một chữ mà gợi cho tôi cả một đường hướng nghiên cứu. Khi bàn đến danh từ dùng trong ca trù như “ hát thõng cung Huỳnh, hát dồn Đại trạch ”, Thầy Hãn nói chuyện cho tôi nghe về Cung Huỳnh tức là Hoàng chung, Đại trạch, mà có nơi cũng gọi là Đại thực. Tra từ điển, Thầy Hãn nói với tôi “ Đại thực cũng có nghĩa là Á rập. Anh thử xem nhạc Á rập có chỗ nào gặp gỡ nhạc Việt Nam hay là có ảnh hưởng chi đến nhạc Việt Nam chăng ”. Thầy đã gợi ý cho tôi như thế... Nhờ Thầy Hãn chỉ hướng đó mà đến nay tôi có thể giải thích và chứng minh tại sao nước Việt không có sa mạc mà lại có cách ngâm thơ theo “ điệu sa mạc ” và về mặt nhạc học có điểm tương đồng giữa “ hơi sa mạc ” và “ maqam Sika ” của Á rập và “ dastgảh Segảh ” của Ba tư.

Khi biết tôi nghiên cứu về múa rối nước Thầy Hãn lại nói cho tôi biết về nhà Thuỷ đình ở chùa Thầy, và những đoạn có liên quan đến múa rối nước trong quyển Lý Thường Kiệt của Thầy và tra từ điển để giúp tôi hiểu thêm về các từ “ khôi lỗi ”, “ bố đại hí ” v.v... và góp ý với tôi trong lập luận chứng minh rằng “ múa rối nước ” là “ múa rối Việt Nam ”.

Trong cả phần về lịch sử âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi nhờ Thầy Hãn rất nhiều. Quí nhứt là không phải Thầy dạy cho đọc mặt chữ, không phải chỉ trao cho kiến thức mà vạch đường chỉ hướng cho tôi trong nhiều đề tài nghiên cứu.

Thầy bảo tôi đừng gọi Thầy là Ông, là Thầy nghe nó xa cách quá. Thầy và phu nhân bao lần bảo tôi gọi là Anh, Chị. “ Cung kính bất như phụng mạng ”, tôi gọi thầy Hãn và phu nhân là Anh Chị Hãn từ hơn hai chục năm nay. Anh chị Hãn là những người bạn vong niên chẳng những giúp tôi về mặt tinh thần trong công việc nghiên cứu, mà còn giúp cho về vật chất như máy móc ghi âm nhờ tôi chuyển lại cho các bạn nghiên cứu bên nhà. Nhờ vậy, công việc sưu tầm trên thực địa, những khi đi điền dã, được thuận tiện dễ dàng, và tôi lại được sự hỗ trợ chí tình, vui vẻ của các bạn đồng nghiệp trong nước.

Trên đời có sanh có tử theo luật vô thường.

Nhưng không sao ngăn được lòng quí thương tiếc mến Anh, một người tuổi tuy cao mà vẫn còn minh mẫn, trí nhớ bao việc xưa còn đầy đủ, còn có thể giúp rất nhiều cho những người nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, nhứt là về khoa Hán Nôm.

Xin kính chúc hương hồn Anh tiêu diêu nơi cõi thọ, thân thiết phân ưu cùng tang quyến.

Anh đã tròn sứ mạng làm người, làm dân nước Việt, đã đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực khoa học và văn hoá. Anh sẽ sống mãi trong tình kính thương quí mến của dân tộc Việt Nam.

Xin được phép ghi lại thay lời kết, bài thơ tôi phụng hoạ bài thơ Anh viết để cám ơn bạn mừng lễ bát tuần của Anh.

Bài thơ của Anh Hoàng Xuân Hãn :

Đáp lời mừng thọ

Tuổi tác nay vừa chẵn tám mươi
Đời ta ngắm lại lắm khóc cười
Thương tâm bốn trận binh đao thảm
Mơ mộng nhiều phen vận hội tươi
Bọt nước hư danh mình chẳng bợn
Gốc nhà cố giữ chí không lười
Tri âm chẳng lựa so già trẻ
Xin dãi lòng son cảm tạ người.

Phụng hoạ bài thơ của Anh Hãn trước kia để kính mừng thượng thọ của Anh hôm nay để tưởng nhớ một người bạn vong niên, tuy đã giã từ dương thế, mà vẫn sống mãi trong lòng chúng ta.

Mừng chúc Anh vừa thọ tám mươi
Tuổi tuy chồng chất vẫn vui cười
Ruộng văn gieo lắm mầm xinh đẹp
Vườn sử trồng nhiều cây tốt tươi
Lúc khoẻ sưu tầm luôn rất bận
Khi đau nghiên cứu vẫn không lười
Suốt đời tận tuỵ vì dân tộc
Sống được như Anh dễ mấy người

Kính hoạ Trần Văn Khê


(bài đã đăng Diễn Đàn số 51, 04.1996)



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss