Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 51 - 04.1996 / Tấm gương sáng cho các trí thức Việt Nam

Tấm gương sáng cho các trí thức Việt Nam

- Phan Huy Lê — published 07/03/2008 02:00, cập nhật lần cuối 08/03/2008 23:53
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một học giả bách khoa, một nhà bác học trên nhiều lĩnh vực của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Giáo sư là một nhà khoa học lớn, một nhà văn hoá lớn của đất nước.


Tấm gương sáng cho các trí thức Việt Nam, cho các thế hệ sử gia Việt Nam hôm nay và cả mai sau



Phan Huy Lê (*)1



Được tin giáo sư Hoàng Xuân Hãn từ trần, dù tôi biết giáo sư đã rất cao tuổi, tôi vẫn cảm thấy quá ư đột ngột và thương tiếc vô hạn.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một học giả bách khoa, một nhà bác học trên nhiều lĩnh vực của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Giáo sư là một nhà khoa học lớn, một nhà văn hoá lớn của đất nước. Trong sự nghiệp khoa học và văn hoá lớn của giáo sư, tôi chỉ xin nói đôi điều về lĩnh vực sử học.

Về mặt này, giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một nhà sử học lớn, và đối với tôi, giáo sư là một nhà sử học bậc đàn anh, bậc thầy, đồng thời là một người đồng nghiệp, một người đồng hương. Tôi vẫn thường gọi giáo sư là Bác Hãn với tấm lòng kính mến và thân thiết. Không có dịp nào sang Pháp mà tôi không đến thăm Bác Hãn tại nhà riêng ở Paris. Nói về sử học, không có một nhà sử học Việt Nam nào, và cũng không có một nhà Việt Nam học nào trên thế giới lại không biết đến những công trình nghiên cứu sử học có giá trị to lớn của Hoàng Xuân Hãn, mà tiêu biểu nhất là tác phẩm Lý Thường Kiệt, La Sơn phu tử, Lịch và Lịch Việt Nam cùng với nhiều bài khảo cứu về khởi nghĩa Lam Sơn, về phong trào Tây Sơn và về nhiều vấn đề và nhân vật lịch sử. Bất cứ một công trình nghiên cứu nào, từ những tác phẩm lớn đến những bài viết rất ngắn, Bác đều có những tìm tòi, khám phá mới về tư liệu, và trên cơ sở đó cố gắng khôi phục lại sự thực lịch sử, làm sáng rõ nhiều giai đoạn, nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử đã từng bị thời gian che phủ hay bị nhận thức sai lầm. Những công trình nghiên cứu sử học của Bác Hãn có ảnh hưởng sâu sắc trong giới sử học Việt Nam, nhất là về tinh thần và phương pháp nghiên cứu sử học. Có một lần ở Paris, khi trao đổi về con đường nghiên cứu khoa học của Bác, tôi có hỏi : « Bác là một nhà toán học, một nhà vật lý nguyên tử, một kỹ sư cầu cống, tại sao Bác lại say mê và dành phần lớn tâm sức và cuộc đời của mình vào nghiên cứu lịch sử và văn hoá dân tộc ? ». Tôi còn giữ được cuộn băng ghi âm này. Bác trả lời rất tâm tình : « Sau khi từ Pháp trở về nước dạy học, tôi tìm đọc lịch sử Việt Nam. Tôi đọc sách Trần Trọng Kim, Lê Thước, tôi kính trọng tác giả, nhưng cảm thấy phương pháp khảo cứu và biên soạn của ta cần phải được nâng cao, cần phải khoa học hơn, và hiện đại hơn ». Đó là tóm tắt ý trả lời của Bác Hãn. Chính cái ý đó cùng với tấm lòng đối với đất nước, đối với lịch sử và văn hoá dân tộc đã thúc đẩy Bác Hãn đi vào nghiên cứu lịch sử với hoài bão thúc đẩy sự phát triển của sử học và hiện đại hoá phương pháp nghiên cứu sử học. Về phương diện này, tôi nghĩ rằng tư duy toán học cùng với những tri thức uyên bác về khoa học đã giúp Bác Hãn tạo lập cho mình một phong cách và một phương pháp luận sử học rất khoa học và hiện đại. Bác coi trọng sử liệu và dày công thu thập sử liệu. Mỗi công trình của Bác, dù lớn hay nhỏ, đều dựa trên những tư liệu phong phú được giám định và khai thác công phu, nghiêm túc làm cho người đọc rất tin cậy, và những kết luận rút ra có sức thuyết phục cao về mặt khoa học.

Cuốn sách Lịch và Lịch Việt Nam theo tôi là một cống hiến có ý nghĩa lớn lao của Bác. Trên phương diện này, Bác đã vận dụng toán học và máy tính điện tử để lập lại hệ thống lịch Việt Nam, chứng minh một cách có căn cứ rằng có những thời kỳ lịch Việt Nam khác với lịch Trung Quốc, và đưa ra những phương pháp, những công thức tính toán và chuyển đổi âm-dương lịch một cách chuẩn xác, tiện lợi. Đây chính là cơ sở khoa học mà Bác đã đặt nền móng để xây dựng nền lịch học Việt Nam, và theo tôi đó cũng là một cơ sở không thể thiếu được để phát triển nền sử học Việt Nam, vì lịch sử chính là quá trình đời sống xã hội và những hoạt động của con người diễn ra trong không gian và trong thời gian.

Những thành tựu nghiên cứu sử học của giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một di sản vô giá của nền sử học và văn hoá Việt Nam. Bác là lớp người đi đầu trong công cuộc xây dựng nền sử học hiện đại Việt Nam. Tên tuổi, con người, sự nghiệp văn hoá khoa học của Bác Hãn, những công trình nghiên cứu sử học cùng với tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm cao đối với dân tộc, động cơ và mục tiêu nghiên cứu vì chân lý, vì sự thật lịch sử, vì lợi ích của đất nước và của con người, của Bác Hoàng Xuân Hãn mãi mãi là tấm gương sáng cho các trí thức Việt Nam, cho các thế hệ sử gia Việt Nam hôm nay và cả mai sau.

(bài đã đăng Diễn Đàn số 51, 04.1996)


1(*)Tác giả là giáo sư trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bài này ghi lại lời phát biểu của ông trên đài RFI ngày 17.03.96. Tựa đề là của Diễn Đàn.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss