Chút lòng với Bác
Chút lòng với Bác
Cao Huy Thuần
Vốn có chút tình cảm riêng tư đối với Huế, tôi có gợi ý với Bác Hãn về ba chuyện. Chuyện thứ nhất là một chuyện nhỏ : biết bác có một vài tư liệu về Tôn Thất Thuyết lúc bôn tẩu bên Trung Quốc, tôi có nhờ bác viết một bài về đề tài đó cho báo Sông Hương. Bác bận quá, lần lữa, rồi quên. Chuyện thứ hai là một chuyện lớn : tôi mơ ước có một thư viện Hoàng Xuân Hãn ở Huế. Không phải vì bác có nhiều tài liệu quý. Hiếm gì người có nhiều sách hơn bác, nhưng sách không có ý nghĩa bằng người. Tôi muốn bác đê sách vở lại cho Huế vì Huế là một thành phố biết học và bác là gương mẫu của học vấn và tri thức. Trong thư viện đó, tôi tưởng tượng một chỗ cao sang nhất dành cho hai câu thơ của bác, ánh sáng đầu tiên mà bác soi đường cho người mới bắt đầu đi vào trí tuệ :
i
tờ có móc cả hai
i ngắn có
chấm, tờ dài có ngang
Mơ mộng là vậy ; nhưng chạm phải những câu hỏi thực tế của việc thực hiện thì tôi không đủ thẩm quyền để trả lời. Cho nên chuyện lớn không thành.
Chuyện thứ ba không biết lớn hay nhỏ : tôi muốn đi sâu vào lịch sử của một thất bại, vào thời gian ngắn ngủi của chính phủ Trần Trọng Kim ở Huế. Thế hệ chúng tôi biết ông Trần Trọng Kim trước hết là qua các sách giáo khoa bậc tiểu học. Sau đó, mới biết ông là tác giả bộ Nho giáo. Trước mắt chúng tôi, ông Trần Trọng Kim trước hết là một nhà giáo, nhà đạo đức đáng kính. Nhà giáo, nhà đạo đức mà nhảy một bước vào chính trị ? Tâm sự của ông là gì ? Và tâm sự của các nhà trí thức cùng nhảy với ông vào chính trị là như thế nào ? Chính trị có một thứ đạo đức mà đạo đức không hiểu nổi ? Chính trị là chuyện quá lớn đối với những trí thức có quá nhiều chữ nghĩa và ngây thơ ? Bất cứ ai muốn viết sử – và bi kịch – đều cảm thấy bị quyến rũ tột độ về những hoàn cảnh éo le, tranh tối tranh sáng, tình lý ngổn ngang.
Trong tôi, có rất nhiều thèm muốn gỡ rối lịch sử như vậy. Nhưng trong tôi cũng có chút hoài nghi hiền triết học lóm từ người xưa. Vạch lông tìm vết, chưa chắc đã biết thấu đáo. Trực nhận vấn đề, nhiều khi cái biết hợp với sự thật hơn. Cái gì cũng muốn biết, chưa chắc đã là người có trí. Cái gì cũng muốn viết, chắc chắn là người ngu. Bác Hãn chắc không muốn tôi làm người ngu, cho nên cái chuyện thứ ba cũng không thành nốt. Tôi học được ở bác sự im lặng khiêm tốn và thanh cao.
Bác Hãn để lại trong tôi hai hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh thân thuộc mà bất cứ ai quen bác đều ghi khắc trong lòng : một cuộc đời miệt mài với khoa học, một trí nhớ xuất chúng, một tinh thần khoa học tiêu biểu. Mấy ai rọi được ánh sáng khoa học trong nhiều lĩnh vực như bác : lịch sử, văn chương, ngữ học.
Hình ảnh thứ hai là giọt nước mắt ở Đà Lạt. Ngày 17-4-1946, hội nghị Việt-Pháp khai mạc ở Đà Lạt theo yêu cầu của đô đốc d'Argenlieu với âm mưu tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam. Vấn đề máu mủ, thiêng liêng này được để dành để bàn vào ngày cuối của hội nghị. Và tất nhiên là thương thuyết tan vỡ. Philippe Devillers ghi lại giây phút xúc động của phái đoàn Việt Nam như sau :
« Hoàng Xuân Hãn, thay mặt phái đoàn Việt Nam để bế mạc hội nghị, tuyên bố :
" Tôi chấm dứt với một ước mong : ước mong hoà bình trở về với Nam Bộ, và ước mong rằng, mặc dù có những người vì thù ghét vài người khác và vài tư tưởng khác mà sinh ra thù ghét chính tổ quốc của mình, đất Nam Bộ sẽ sớm trở về trong lòng tổ quốc chung của chúng tôi : nước Việt Nam ".
Không nén xúc động được nữa, phái đoàn Việt Nam rời phòng họp, mắt đẫm lệ »
[Philippe Devillers, Histoire du Vietnam, de 1940 à 1952, tr. 266]
Ai có dịp nói chuyện tâm sự với Bác Hãn đều biết bác trọng chính nghĩa như thế nào khi chính nghĩa sáng tỏ. Người trí thức trong bác có một chủ trương trong sáng đối với người và với mình : tuyệt đối đừng vì khác biệt quyền lợi và tư tưởng mà phản bội đất nước. Ở đâu, và ở cương vị nào, tôi có cảm tưởng bác đều cư xử như vậy.
Hình ảnh cuối cùng của Bác Hãn mà tôi đang thay trước mắt là hình ảnh bác nằm nhắm mắt trên giường bệnh viện. Bác im lặng vĩnh viễn. Bác Hãn là kho tàng tri thức, là bộ não tư liệu mà ai cũng tiếc là chưa khai thác đủ. Với khoa học, bác là người đi đầu. Nhưng với khoa học, bác vẫn còn nợ.
Cao Huy Thuần
Các thao tác trên Tài liệu