Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 52 - 05.96 / Hoàng Xuân Hãn : Hành trình và chân dung

Hoàng Xuân Hãn : Hành trình và chân dung

- Trinh Văn Thảo — published 19/04/2013 18:55, cập nhật lần cuối 14/05/2013 18:56


Hoàng Xuân Hãn :
Hành trình và chân dung xã hội
của một trí thức thời đại


Trịnh Văn Thảo



Cái chết quá đột ngột của cụ Hoàng Xuân Hãn không cho phép tác giả phân tích và đánh giá đầy đủ sự nghiệp, tư tưởng cụ trong lịch sử khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. Cũng như các nhà văn hoá lớn hiện đại có tầm thước những Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim.., thân thế và sự nghiệp khoa học của cụ sẽ làm đề tài và đối tượng nghiên cứu, những khoá hội thảo trong nước và ngoài nước tương xứng với địa vị của cụ trong nền văn học và văn hoá dân tộc. Những nhà chuyên môn về chính trị học sẽ phân tích chỗ đứng và hành động thực sự và cụ thể của cụ trong chính phủ Trần Trọng Kim (l), Hồ Chí Minh (2) và trong hàng ngũ Việt kiều tại Pháp từ khi cụ rời bỏ đất nước cho đến ngày tạ thế. Kẻ viết bài cũng không có cái vinh dự làm học trò hay được gần gũi thân mật với vị lão thành trí thức ấy nên chỉ biết tri ân bậc đàn anh bằng vài cảm nghĩ không về cá nhân người quá cố mà về một thế hệ trí thức mà định mệnh hình như đã gắn liền với thế kỷ XX, một kỷ nguyên vừa huy hoàng vừa đau đớn của dân tộc Việt.

Trên dưới không đầy một thập niên, cuộc đời cụ Hoàng Xuân Hãn đồng nhất với thế kỷ đang chấm dứt. Trong lịch trình tiến hoá của thành phần trí thức ta, cụ thuộc về thế hệ những người sanh đẻ đầu thế kỷ, lớn lên giữa cơn bão táp 1925-1926 đánh dấu sự ra đời của một xã hội mới – cuộc trí thức cách mạng kiểu 19 tháng 5 của ta –, tham dự vào cuộc lật đổ chế độ thực dân (tháng 3 năm 1945), chấp chính sau cuộc khởi nghĩa tháng 8 để rồi trao lại, ba mươi năm sau, vận mệnh lịch sử cho thế hệ kế tiếp (3).

Dấu ấn của thời chuyển tiếp được thể hiện giữa hai cái móc : khởi đầu (1908) và kết liễu (1996). Trong sự tiếp nối của thời gian, cũng như qua thân thế xã hội (4), cụ Hoàng Xuân Hãn là hiện thân của những người kế tục tầng lớp Nho giáo như cụ đã từng thổ lộ trong một buổi đàm thoại với một sinh viên Pháp : " Tôi sinh trưởng ở một làng nhỏ thuộc tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ, làng ấy hình như cũng còn giữ tên xưa (5), và thế hệ của tôi có thể xem là nằm ráp danh giữa hai nền văn hoá cũ và mới, như vậy là tôi tuyệt đối thuộc về thế hệ nầy (...) " (H. Decarnin, Luận văn cao học, Đại học Aix en Provence, 1991).

Ngay từ ban đầu, thế hệ 1925 phải đương đầu với một nghịch lý của lịch sử : chính những đứa cháu yêu của các nhà nho dũng cảm thời Cần vương (1885-1895), những đứa con ưu tú của các cụ Nghè, cụ Cử thức tỉnh thời Đông Kinh Nghĩa Thục (1905-1907) sẽ được dân tộc giao phó trách nhiệm chôn vùi nền văn hoá Đông phương của Trung Quốc ; và với nó, sự tồn tại của giai cấp sĩ phu Việt Nam sau gần ba thế kỷ thịnh trị (nhà Lê) và một triều đại gần như độc tôn chính thống (triều Nguyễn). Như những người đồng tuổi sánh trưởng ở Bắc bộ và Trung bộ, thời thơ ấu của họ còn gắn bó nhiều với mái trường xưa do cha ông để lại từ hệ thống Khổng Mạnh (6). Tuy nhiên cái nền học vấn nho giáo thời ấy cũng đã bắt đầu biến thái, chịu ảnh hưởng ít nhiều xu hướng cải lương Minh trị đã phổ biến từ Nhật Bản sang Trung Quốc. Xuất phát từ tỉnh Quảng nam, phong trào Duy Tân (7) này đã bắt đầu xâm nhập vào mái trường và tư tưởng các cụ đồ miền Nghệ-Tĩnh (8). Mặc dù được tiếp thu một cách trễ tràng nền học vấn Pháp-Việt (9) so với miền Nam và miền Bắc, học sinh miền Trung (thuộc qui chế bảo hộ) không bỡ ngỡ khi nền học chính bảo hộ năm 1918 được áp dụng trên toàn lãnh thổ Đông Pháp. Mặc dù không khỏi đau lòng trước cảnh

Văn chương Đông Á trời thu sạch
Này lúc cương thường đảo ngược ru
? (Tản Đà)

Nói chung, thế hệ ông cha các cụ đã chấp nhận sự cải tiến, duy tân là cần thiết mặc dù nó đã được thực hiện trong bối cảnh một cuộc giao thoa cưỡng bức (acculturation subie). Thậm chí có người cương quyết khuyên con dứt khoát bỏ hẳn Nho học để đi vào nền giáo dục Tây phương (10). Dầu có đoạn tuyệt vĩnh viễn (?) như trường hợp cụ Hồ Tá Khanh hay kết hợp hai dòng văn hoá như cụ Hoàng Xuân Hãn, thế hệ 25 đã đi hẳn vào con đường mới mà kết quả hiển nhiên là sự thành hình của một lớp sĩ phu Tây học xuất thân từ một xã hội mới.

Dĩ nhiên là cuộc hành trình của họ có muôn màu muôn vẻ : hành trình " Pháp hoá " với những thành phần được giáo dục ngay lúc đầu ở các trường Pháp từ các lớp nhỏ cho đến ngày chiếm bảng khoa khôi (Hồ Tá Khanh, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Duy Khiêm, Phạm Tinh Quát, Trần Đức Thảo, Ngô Đình Nhu...), hành trình " Việt-Pháp " của những người học trường " bản xứ " (ít nhất cho đến hết ban trung học) trước khi vào chế độ đại học Pháp (Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Nguyễn Khắc Viện, Lê Văn Thiêm...), hành trình hoàn toàn trong nước của những người học từ trường làng đến đại học Hà Nội (Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Cao Xuân Huy, Võ Nguyên Giáp...) (l l).

Quá trình đào tạo của thế hệ 25 diễn ra trong một khung cảnh học đường sôi động giữa một xã hội khủng hoảng (1926-27, 1930-31, 1936-39, 1940-45). Hết cạm bẫy ngôn ngữ (từ chữ nho nhảy sang tiếng Pháp, từ lối học từ chương của văn học Đông phương đến sự hấp thụ các môn khoa học thực dụng Tây phương) đến các cuộc thử thách của một chế độ thi cử cực kỳ nghiêm khắc (12), suy sụp mức sống vì kinh tế khủng hoảng, sức ép thực dân và sức hấp dẫn của các đảng phái đối lập cải lương hay cách mạng..., người thanh niên của ta lúc ấy phải phối hợp tất cả truyền thống nghìn năm văn hiến với khả năng hấp thụ của chính riêng mình mới đi hết đoạn đường khoa hoạn của chế độ Cộng hoà Pháp : Tú tài, Dự bị vào Trường lớn, Bách khoa, Đại học sư phạm, Kỹ sư Cầu cống, Thạc sĩ Toán pháp.

Trong hoàn cảnh một nước bị trị, số phận của những sĩ phu kiểu mới có đủ cấp bằng của nền học chính mẫu quốc hay của nhà nước bảo hộ cũng chỉ là " đem thân khoa bảng làm tôi Pháp " như cụ Phó bảng Trần Tán Bình đã tức cảnh. Xuất thân Trường Hầm mỏ Paris như Đặng Phúc Thông (13) cũng chỉ được nhận làm cán sự Hoả xa thì chức Giáo sư Thạc sĩ chính ngạch của cụ cũng không hẳn quá tệ ! Còn nói gì đến các người trí thức đã sớm dấn thân vào con đường đối lập công khai và đã trả giá rất đắt sự lựa chọn đó như trường hợp Nguyễn An Ninh, Hồ Văn Ngà, Tạ Thu Thâu...

Tuy nhiên được vào đời giữa thời kỳ Mặt trận bình dân (Pháp) và phong trào Đông dương Đại hội, giữa cảnh tượng trăm hoa đua nở trên mảnh đất văn học ba miền với những đội ngũ trí thức viết và đọc (14) sách báo của các nhóm Tự Lực văn đoàn, Hàn Thuyên, Thanh nghị, Tân dân, La Lutte, Hội Khai trí tiến đức v.v.., nhà Tây học và Việt học Hoàng Xuân Hãn gặp đúng vận hội chỉ có một lần trong đời người giữa một xã hội đang chuyển mình vùng dậy. Thời cơ đã đến và đã giúp cho những người thức thời lúc đó nhận chân đúng vai trò của mình trong một giai đoạn lịch sử : chuẩn bị cuộc giải phóng dân tộc trước viễn ảnh sụp đổ của chế độ Bảo hộ ngày càng rõ rệt. Viết Danh từ khoa học (1942) và phát động phong trào truyền bá quốc ngữ (15) cũng là hai việc làm của một dự án văn hoá dân tộc khoa học và đại chúng (trước bản Đề cương văn hoá của đảng cộng sản) để chờ ngày nước ta bước vào ngưỡng cửa độc lập, tự chủ. Quan niệm xuất xử đó vào thời điểm ấy đưa những người đồng thời như Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Hoè... vào một vị trí nhất định khi lịch sử chuyển hướng. Trong giai đoạn đầu của phong trào giải thực (décolonisation), những người như cụ đúng là lớp trí thức giao thời phối hợp hai nền văn hoá Đông Tây, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, dòng họ nho phong và tư cách người trí thức hiện đại.

Trong cách đối xử với các triều đại thay thế nhau trên chính đài sau 1945, cụ có một lối xuất xử rất cấp tiến đối với thế hệ của mình : không thoái thác nhiệm vụ người công dân trước lịch sử và chính quyền chính thống nhưng không nhầm lẫn khả năng khoa học và chuyên môn của mình với vai trò dân chi phụ mẫu " của lớp người đi trước. Khi thời thế đã vượt qua khả năng nhập cuộc của mình thì Cụ lại trở về với nhiệm vụ văn hoá, trí thức, chứ cũng không " từ quan ẩn dật " như các cụ thời xưa (Nguyễn Khuyến chẳng hạn). Từ khi xuất ngoại lần thứ ba (1951), Cụ kiên trì trong một thái độ đã áp dụng từ khi còn đi học trường Bách khoa vào những năm 30-31 sóng gió, lúc đi dạy trường Bưởi thời Mặt trận bình dân. Trong suốt thời gian gần nửa thế kỷ sống bên Pháp, có lẽ đó là động cơ giải thích sự " im lặng " của cụ trước cảnh chia đôi Nam Bắc, những thử thách của chế độ Diệm-Nhu ở miền Nam, Cải cách ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc... cho đến cuộc khủng hoảng gần đây của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ? Phải chăng đây là tác phong của người khoa học thuần tuý và cũng là cái giá phải chịu trả để giữ vững tư thế người trí thức trong quan hệ đối với xã hội lịch sử ? Nó giải thích một phần nào cuộc hành trình khoa học của cụ, một nhà sử học, văn học và ngữ học lớn của thế kỷ XX giữa một thời đại vất vả, những môi trường chính trị tạp nhạp trong đó kẻ sĩ thường bị sử dụng như một phương tiện chiến lược hơn là một nhân tố tiến hoá và hài hoà. Cụ Hoàng Xuân Hãn đã dạy cho thế hệ chúng ta một bài học quí giá : trí thức là kết tinh cửa sự trui rèn, học tập theo con đường chuyên nghiệp và trong tinh thần lập nghiệp dù cái nghiệp đó " chỉ là " cái nghiệp văn hoá. Cụ không có cái xu hướng " bách khoa " quá dễ dãi của một số đông sĩ hoạn ngày nay cũng như cụ không theo hẳn quan niệm " tài tử " của các nhà nho thời trước. Con đường xuất xứ của cụ tuy phảng phất cái gì của thời xưa (hiếu học, trọng đạo đức, chấp nhận trật tự xã hội) nhưng cũng có cái khác. Khác với nhiều trí thức Việt Nam đồng tuổi (16), cụ không dùng văn hoá để phục vụ chính trị mà chỉ " làm " chính trị (như hồi làm bộ trưởng Giáo dục cho cụ Trần Trọng Kim, hay cộng tác với chính phủ Hồ Chí Minh lúc ban đầu) khi nó " biết " phục vụ văn hoá và khoa học dân tộc.

Aix en Provence
Xuân Bính Tý

Trịnh Văn Thảo




(l) Từ tháng 03 đến tháng 08 năm 1945

(2) Với tư cách cố vấn đoàn đại biểu phía chính phủ Hồ Chí Minh trong cuộc đàm phán Pháp-Việt tại Đà Lạt (tháng 04 năm 1946). Xem Một vài kí vãng về Hội nghị Đà Lạt 1946, Sài gòn, 1970

(3) Trong Việt Nam từ Nho giáo đến chủ nghĩa cộng sản, tác giả đưa họ vào " thế hệ 1925-1926 " nghĩa là những người trí thức được trui rèn bởi chế độ học đường Pháp-Việt, trong một xã hội thành thị, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân và nhân quyền Tây phương. Cuộc thử lửa đầu tiên của thế hệ là những phong trào đấu tranh thành thị (Sài Gòn, Huế, Hà Nội...) những năm 20 (xem sau)

(4) Khuôn khổ giới hạn không cho phép tác giả bài nầy đánh giá vai trò của thổ địa đất đai và với nó, nhân sự đã hun đúc con người Hoàng Xuân Hãn. Quan hệ của cụ với xã hội ta trước hết là quan hệ với những người cùng " xứ " (Thanh Nghệ Tĩnh). Tình cảm của cụ đối với những người " đồng hương " rất mặn mà : xem Cảm nghĩ về Trần Trọng Kim, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, v.v... (H. Decarnin, xem sau)

(5) Xã Dục Nhạn (Hà Tĩnh)

(6) Ông nội đỗ cử nhân, ông bố đỗ tú tài. Người sĩ hoạn xuất sắc nhất của dòng họ (trước cụ) là Nguyễn Biểu, đại thần và liệt sĩ đời Trần (thế kỷ XV). Xem bản thu thanh của Lê Hữu Khoá.

(7) Xem Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy tân, Sài gòn, 1970

(8) Xem Đặng Thai Mai, Hồi ký, Hà Nội, 1985

(9) Xem Trịnh Văn Thảo, Trường học Pháp tại Đông Dương, Paris, 1995

(10) Đàm thoại giữa cụ Hồ Tá Khanh và Trịnh Văn Thảo. Xem Việt Nam từ Nho giáo đến chủ nghĩa cộng sản, Paris, 1990, tr. 246

(11) Chưa nói đến những người xuất thân là sĩ hoạn nho giáo chuyển sang Tây học như cụ Lê Thước, Võ Liêm Sơn...

(12) Chỉ một phần mười học sinh được tuyển chọn từ cấp dưới lên cấp trên bắt đầu từ cấp sơ học, tiểu học, cao đẳng tiểu học, trung học và đại học

(13) Người sẽ cộng tác với Hoàng Xuân Hãn làm báo Khoa học

(14) Theo D. Hemery và P. Brocheux (Đông Dương một thuộc địa mơ hồ 1858-1954, Paris 1995), xã hội Việt Nam lúc bấy giờ có một đội ngũ có thể gọi là trí thức trên dưới năm vạn người theo sử gia J. Chesneaux (Đóng góp vào sử học Việt Nam, Paris, 1955), khi phong trào Bình dân học vụ được phát động toàn quốc, chính phủ Hồ Chí Minh có thể dựa vào một đội ngũ gồm gần mười vạn giáo viên đủ hạng !

(15) Xem Hoàng Xuân Hãn, Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới, 1939

(16) Và kể cả những người hậu sinh như chúng ta nữa !


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss