Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 52 - 05.96 / Hoàng Xuân Hãn ngọn đuốc mở đường

Hoàng Xuân Hãn ngọn đuốc mở đường

- Bùi Mộng Hùng — published 07/03/2008 09:00, cập nhật lần cuối 09/03/2008 00:22
Ngọn đuốc, khi còn đen tối, đã soi rõ chân trời chiến lược. Dài lâu cho dân tộc. Thẳng vào những vướng mắc then chốt.

 

Hoàng Xuân Hãn
ngọn đuốc mở đường
văn hoá khoa học dân tộc

 
Bùi Mộng Hùng

 
Cây đại thụ sừng sững. Tươi mát tiếp nhận đám hậu sinh, từ trước tới nay vẫn quen đến dưới bóng, đem các vấn đề khó giải, văn học, lịch sử, chữ nôm, chữ Hán ra hỏi. Và từ trước tới nay vẫn phong cách ấy, vẫn lời lẽ từ tốn, giản dị hồn nhiên, khi sâu sắc, khi sôi nổi, không bao giờ mệt mỏi. Biết Bác tuổi cao, chín năm trước đã làm lễ mừng Bác thọ bát tuần, nhưng hễ xin là được gặp, gặp là được thích thú hầu chuyện, tưởng đâu sẽ cứ như thế, mãi mãi...

Bỗng nghe tin Bác mất. Cây đại thụ ngã xuống. Vắng cả một bầu trời. Mất đi một cái gì cao quý. Tắt đi một ngọn đuốc sáng – lại là ngọn đuốc cuối cùng còn sót lại – của thế hệ mở đường cho văn hoá dân tộc, vào thời điểm tranh tối tranh sáng, sau mấy mươi năm tiếp xúc với Tây phương “ kẻ tân-học đạt được trình-độ cao-cấp còn hiếm-hoi, mà nhất là kẻ tân-học đã mấy ai còn tưởng đến cựu-học, đã có mấy ai gọi là có học tiếng nước nhà một cách chu-đáo. ” (Tựa Danh từ khoa học lần in đầu, 1942).

Ngọn đuốc, khi còn đen tối, đã soi rõ chân trời chiến lược. Dài lâu cho dân tộc. Thẳng vào những vướng mắc then chốt.

Trong khi còn sống dưới chế độ Pháp thuộc, “ ít ai đã chịu dùng danh từ khoa học bằng tiếng Việt ” (Tựa bản in lại, Hà Nội, 1946), Hoàng Xuân Hãn không quản ngại đứng ra cáng đáng một công việc “ không có gì đặc sắc và hứng thú ” : làm một tập danh từ của những ý khoa học. Sáng tạo, chớ không phải là dịch, “ vì muốn dịch, trước hết phải có tiếng tương-đương ở Pháp-ngữ và Việt-ngữ ” (Tựa, 1942).

Lý do : “ Chỉ vì thiếu tiếng nói ra nên sự tiến-bộ của ta chậm chạp, cách lý-luận của ta mập mờ. ” (Tựa, 1942). Ngôn ngữ khoa học dân tộc là chìa khoá của lý luận minh bạch, là điều kiện tất yếu để cho cả dân tộc tiến nhanh : cái quan niệm sáng suốt và chí lý này, hệ quả chẳng những thế hệ hôm nay đang thừa hưởng, mà tác dụng còn lâu dài cho các thế hệ đi sau.

Hệ quả được sâu rộng và dài lâu như vậy, vì khác với nhiều người cùng thời khi phải dùng tiếng khoa học “ chỉ đặt ít chữ cần dùng tạm thời ”, Hoàng Xuân Hãn “ gia-công giải-quyết vấn-đề trong một toàn-thể khoa-học, là những khoa-học cơ-bản và chính-xác : toán-học, lý-hoá-học, cơ-học ” (Tựa, 1942).

Ông ý thức sâu sắc rằng, khác với tình trạng phương Tây – mỗi lúc họ chỉ cần đặt chữ để gọi một vài ý mới, các ý cũ họ đã có cả rồi – “ ... chúng ta có hàng vạn ý mới tới trong óc ta. Ta trong một lúc phải tìm tên cho hàng vạn ý ấy. ” Ông quan niệm toàn thể danh từ khoa học phải có tính cách duy nhất và tổng quát (Lời dẫn, tr. XIV), không những đặt cho bây giờ, mà phải “ dự bị đặt những danh từ còn thiếu ” cho lâu dài, cho mai sau (Lời dẫn, tr.XI).

Muốn được thế, lập danh từ khoa học phải dựa trên một hệ thống nguyên tắc vững chắc. Những nguyên tắc ấy, liệt kê trong Lời dẫn, thể theo hai ý chính : Một là phải dựa theo tính chất riêng của tiếng Việt, hai là phải kinh qua thực tế, đặt chữ nào cũng thí nghiệm đem ra sử dụng xem có lợi hay không. Đến nay thấm thoắt nửa thế kỷ đã trôi qua, hệ thống nguyên tắc căn bản ấy vẫn trọn vẹn giá trị. Thế hệ đi sau cứ theo đó mà sáng tạo thêm danh từ mới. Tiện lợi, tự nhiên, chẳng cần nhớ đến ai là cha đẻ ra chúng !

Thời thế, chẳng đợi lâu, chứng minh ngay Danh từ khoa học là cần thiết và cấp bách, tầm nhìn của tác giả là đúng đắn biết nhường nào : thời kỳ Việt Nam dùng tiếng mẹ đẻ trong mọi ngành giáo dục mở ra ngay từ 1945 !

Nhưng làm sao văn hoá khoa học bén rễ được khi đa số nhân dân còn mù chữ ? Khi chưa có một chương trình giáo dục dạy tất cả các môn bằng tiếng Việt, từ tiểu đến đại học ?

Nhìn từ góc độ này, ta thấy là nhất quán những việc làm của nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn trong một thời gian dài :

  • 1936, ông là một trong những sáng lập viên Hội Truyền bá quốc ngữ. Là người sáng kiến, cùng với ban lãnh đạo Hội, tạo dựng phương pháp “ i, tờ ”, cho quốc ngữ in vào trí nhớ người học bằng hình ảnh, vần điệu, bình dân như những câu ca dao quen thuộc tự bao đời

O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ thì có râu, vân vân và vân vân... ;

  • 1939-40, soạn Danh từ khoa học, in năm 1942 ;
  • 1940, cùng với một số trí thức làm báo Khoa học. Chính ngòi bút Hoàng Xuân Hãn nêu ý nghĩa, mục tiêu tờ báo trong Lời nói đầu : “ ...tiếng nước nào cũng có thể thành tiếng khoa-học, chỉ có sự cần dùng mới bó buộc phải phát-minh ; báo Khoa học sẽ chứng-minh rằng không có một vấn đề khó khăn nào mà không giảng bằng tiếng Việt-nam được. ”
  • 1945, trong chức vụ bộ trưởng giáo dục chính phủ Trần Trọng Kim, thành lập ngày 20 tháng 4 năm ấy, cùng cộng tác viên hoàn thành trong vòng vài tuần lễ chương trình giáo dục bằng tiếng Việt. Đem thi hành ngay, kỳ thi tú tài 20. 6. 1945 đã dùng tiếng Việt hoàn toàn.

Quan niệm toàn bộ giáo dục cả nước bằng tiếng Việt, sáng tạo một công cụ thiết yếu là ngôn ngữ khoa học cho tiếng mẹ đẻ, chứng minh ngôn ngữ ấy có khả năng dùng cho bất cứ vấn đề gì, hôm nay và mai sau, bấy nhiêu cũng đủ làm công trình bất hủ một đời người.


Nhưng Hoàng Xuân Hãn còn suốt đời dốc hết tâm trí đem tinh thần khoa học vào lĩnh vực văn hoá cổ truyền, văn, sử, đặc biệt là mảng văn chữ nôm. Trở thành uyên thâm bậc nhất trong lĩnh vực ấy.

Chuyện chẳng mấy ai ngờ cho vị thạc sĩ toán học (1936) xuất thân từ hai trường đào tạo trí thức ưu tú danh tiếng bậc nhất của Pháp : Polytechnique (Bách khoa, 1930-32) và Normale Supérieure (Cao đẳng sư phạm). Sau này, đám hậu sinh có hỏi sao Bác chẳng đi vào con đường toán học thênh thang rộng mở, chẳng những phù hợp với khả năng thiên phú của Bác, mà Việt Nam khi ấy cũng chưa mấy ai đi sâu vào con đường này ? Bác cười mà đáp rằng : Toán thì tôi chắc chắn sẽ có người đi sau làm hay làm tốt được. Trái lại, thời ấy chẳng mấy ai nghĩ đến văn hoá truyền thống, nhất là chữ nôm. Người cựu học khinh nôm na là cha mách qué, người tân học lại càng không biết đến nữa. Tôi lo rằng chỉ để cho gián đoạn một thế hệ không còn ai biết đọc chữ nôm nữa thì sau này chẳng dễ tìm lại được cách đọc và hiểu một mảng lớn văn học dân tộc !

Cái nghị lực nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn khi ấy là nghị lực của kẻ thế cô sức yếu đem hết sức mình vớt lấy một mảng văn hoá dân tộc đang chìm đắm trong nguy cơ bị mai một hoàn toàn. Trong công cuộc này phương pháp, phong cách của ông đem một luồng sinh khí mới vào lĩnh vực.

Phong cách và phương pháp quý và tôn trọng tư liệu, thu thập tối đa. Trong thời điểm không mấy ai nghĩ đến, tư liệu cổ của ta tiêu tán trong đống giấy cũ đem bán đồng nát. Kiên nhẫn và sáng suốt, với con mắt sành sỏi uyên bác, ông nhận ra tư liệu quý trong cả những tờ giấy lẻ nhàu nát đã đem đi gói hàng. Ông tom góp tất cả những gì còn có thể cứu được. Bằng mọi cách. Thu mua. Tìm đến con cháu dòng dõi những nhân vật đã có ít nhiều vai trò trong văn học trong lịch sử. Xin đọc, sao chép gia phả, bằng sắc, giấy tờ còn giữ được ở nhà thờ. Chép lời các cụ già kể lại những gì còn ghi nhớ được. Về Nguyễn Du, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Biểu, dòng họ Phan Huy ở Sài sơn...

Dần dần ông tích tụ được một kho tư liệu phong phú. Làm căn bản để đi tìm hiểu văn hoá dân tộc. Chính nhờ có trong tay bảy thoại Chinh phụ ngâm diễn ca khác nhau mà Hoàng Xuân Hãn chứng minh một cách thuyết phục rằng bài được truyền bá ngâm nga rộng rãi trong dân gian – tục truyền và sách giáo khoa xưa nay yên trí là của Đoàn Thị Điểm – đích thật là của Phan Huy Ích làm ra. Ông cũng đồng thời xác định được bản nào là của Đoàn Thị Điểm, một dị bản khác với bản mọi người thường biết.

Trong cuộc kiên trì sưu tầm, những tư liệu vô giá được ông phát hiện. Như đạo sắc chính tay Quang Trung Nguyễn Huệ viết cho La Sơn phu tử.

Năm 1943, Nhật chiếm đóng, máy bay Đồng minh oanh tạc Hà Nội, giáo sư Hoàng Xuân Hãn theo trường Bưởi vào Thanh Hoá. Cụ kể lại : tôi biết vùng có nhiều cổ tích, lúc không bận dạy học là đi tìm. Lóc cóc trên chiếc xe đạp, kèm sau nải chuối xanh. Tìm ra được bia cổ, lần đọc. Đọc xong cắt đôi quả chuối xát lên mặt bia, trải tấm giấy bản lên, rập lấy tư liệu. Chuối xanh dán dính mà không chặt, rập xong gỡ tờ giấy ra rất dễ, không rách. Khoảng thời gian ấy, ông phát hiện được bốn tấm bia đầu thế kỷ thứ 12, trong đó có ba nói về Lý Thường Kiệt. Những bia quý đó đã bị phá huỷ trong chiến cuộc vừa qua. Cái ngày nay ta còn giữ được là những bản rập Hoàng Xuân Hãn.

Ông đem lại phong cách và phương pháp mẫu mực trong sử dụng tư liệu mới phát hiện, trong tham khảo so sánh sách cũ của ta của Trung Quốc. Hoàng Xuân Hãn làm sống lại những ngày, những tháng đoạn sử oanh liệt cách đây chín trăm năm, Lý Thường Kiệt chống Tống bảo vệ đất nước ta. Sự việc ấy, sử sách ta có ghi công. Nhưng chép sơ sài và không khỏi có sai lạc. “ Lại thêm các nhà văn phụ-hoạ ; làm cho ngày nay chúng ta rất mơ-hồ về đoạn sử oanh-liệt nhất của tiền-nhân.

Ông mẫu mực trong tinh thần viết sử : “ Những việc tôi kể trong sách, hoàn-toàn có chứng và được dẫn chứng. Cũng trong các hạng chứng, tôi chỉ để ý đến những chứng chính-xác mà thôi.

Không bịa-đặt, không tây-vị, hết sức rõ-ràng ; đó là những chuẩn-thằng tôi đã theo (...) ” (Tựa, Lý Thường-Kiệt).

   
Nhưng nếu bạn, đọc tới đây hình dung nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn chỉ như một người đọc rộng, nhớ nhiều. Tác phẩm viết ra chỉ là một sưu tập cầy cục góp nhặt tư liệu. Thì là sai lầm xa.

Là bạn không thấy con người trực cảm lạ lùng. Con mắt trí tuệ soi thấu những cái mà người khác cũng đã đọc đấy, đã thấy đấy, nhưng chẳng nhìn ra.

Nhiều người biết bài Mộng thấy hái sen (Mộng đắc thái liên), Nguyễn Du khi ở Quảng Bình hay ở Huế nhớ đến một bạn gái xưa ở hồ Tây Thăng Long :

Xắn gọn quần cánh bướm
Chèo thuyền con hái sen

Nhớ lại khi cùng cô ấy hẹn hò đi hái sen trên hồ

Sáng nay đi hái sen
Hẹn cô kia đi với
Chẳng biết đến lúc nào
Cách hoa nghe cười nói

Và quyến luyến nhan sắc con người giàu tình cảm, “ dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng ”

Hoa sen ai cũng ưa
Cuống sen chẳng ai thích
Trong cuống có tơ mành
Vấn vương không thể dứt

Và cũng không ít người biết bài thơ Hồ Xuân Hương “ Cảm tình cũ và trình quan Cần chánh học sĩ họ Nguyễn ” trong Lưu Hương Ký, Trần Thanh Mại phiên âm chữ nôm. Bài ấy có cước chú : Quan, người Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Vậy, quan Cần chánh học sĩ chẳng ai khác là Nguyễn Du, vua Gia Long triệu từ Quảng Bình về Huế, thăng Cần chánh điện học sĩ năm 1813, rồi chọn làm chánh sứ đi tuế cống triều Thanh.

Trong bài thơ, Hồ Xuân Hương nhắc chàng xưa từng quyến luyến với mình ba năm trường

Chữ tình chốc đã ba năm vẹn

Mình vẫn nhớ mối tình đó, chẳng biết chàng còn nhớ chăng, mình thì vẫn một mình một bóng

Biết còn mảy chút sương siu với
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong

Không ít học giả biết cả hai bài, duy có Hoàng Xuân Hãn đưa bằng chứng suy ra cô gái Hồ Tây – một trong hai người phụ nữ Thăng Long Nguyễn Du ghi tình trong thơ chữ Hán – chính là Hồ Xuân Hương (Tập san Khoa học xã hội, số 10-11, Paris, 1983).

Trực cảm nhạy bén, nhưng nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn rất nghiêm ngặt trong dẫn chứng. Chưa đủ bằng cứ thuyết phục thì cứ đợi, đợi cho đến khi nào tìm ra bằng chứng không chối cãi được : có thời gian trong mấy năm liền cụ đều đặn đến nhà sách Phénix lục tìm trong loạt tiểu thuyết đời Minh, khi ấy Trung Quốc cho tái bản dần toàn bộ. Chỉ thấy cụ lục lọi nhiều mà mua chẳng bao nhiêu. Té ra cụ đã phiên âm chú thích xong Song tinh bất dạ từ lâu. Cụ trực cảm rằng, cũng như những truyện văn vần của ta, gốc chuyện là mượn của một tiểu thuyết đời Minh. Và cụ cứ đợi, năm này qua năm kia, cho đến khi tóm được quyển tiểu thuyết cổ, minh chứng rõ ràng trực giác của cụ là đúng, khi ấy mới chịu cho ra bản Song tinh bất dạ của mình.

Trực giác nhạy, sâu sắc, dẫn chứng phong phú và nghiêm túc. Những nhân tố làm cho mỗi công trình Hoàng Xuân Hãn là một sự kiện học thuật. Mở ra tầm nhìn mới lạ, soi sáng góc cạnh độc đáo chưa ai thấy.

 
Mải chuyện về tính nghiêm túc của nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, có lẽ lại đưa ra hình ảnh một nhà bác học lúc nào cũng nghiêm nghị, đạo mạo, mô phạm. Nếu vậy, thì cũng sai mất rồi.

Cái học của Hoàng Xuân Hãn, tươi trẻ, vui say. Phảng phất cái vui của Khổng phu tử : “ Học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ ? ” (Học, rồi gặp thời áp dụng cái mình học, chẳng là vui sao ?). Cái vui say làm cho một ông cụ tuổi đã bát tuần mà mắt đọc bản văn nôm, miệng giảng, tay viết, suốt buổi, giờ này qua giờ kia không nghỉ. Đến khoảng năm sáu giờ chiều người thuộc thế hệ học trò, tuổi khoảng năm mươi ngoài, đã thấm mệt. Gần tám giờ tối xin cụ cho nghỉ ăn cơm tối. Cụ hỏi : “ Đã ngưng sao ? Đi ăn cơm à ? ” Nếu cứ để vậy, chẳng biết cụ say sưa tiếp tục đến giờ nào !

Uyên bác của Hoàng Xuân Hãn chẳng bao giờ là loại thông thái rởm. Mà thường dí dỏm, đôi khi điểm chút tinh nghịch, hóm hỉnh. Hội nghị Genève 1954, cụ có thư góp ý với phái đoàn nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Viết sao đây cho ngoài phái đoàn không ai đọc nổi ? Chữ Pháp không thể dùng được rồi, chữ Hán thì có đoàn Trung Quốc đó, chữ quốc ngữ cũng không đang. Cụ viết một bức thư bằng chữ nôm. Chỉ có vài người bạn đồng song của cụ thời học trường Vinh có mặt trong đoàn mới đọc được. Và giữa Paris và Genève thư từ đi lại công khai, qua bưu điện. Toàn bằng chữ nôm. Ta mường tượng khi ấy các cụ thích thú chẳng khác mấy cậu học sinh tai quái Trường Quốc học thông đồng với nhau qua mặt được ông giám học nghiêm khắc !

Uyên bác của Hoàng Xuân Hãn là uyên bác thực dụng. Sau ít lần trao đổi thư từ giữa Paris và Genève, khi đã rõ việc chia đôi đất nước là không tránh được, trưởng phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hoà, thủ tướng Phạm Văn Đồng mời nhà bác học Hoàng Xuân Hãn bí mật qua Genève trực tiếp góp ý kiến. Cụ là một trong những người am tường nhất về địa lý đất nước, địa lý miền Trung.

 
Nói chuyện cũng đã dông dài mà sao vẫn chưa đi vòng quanh nổi con người Bác. Chỉ thấy sừng sững mà hài hoà, quyện vào nhau những yếu tố cao đẹp nhất của văn hoá Tây phương và Đông phương. Tây thì người Tây phương cảm nhận Bác như một nhà trí thức bậc cao của họ. Mà Nho cũng không ai Nho bằng. Chỉ thấy vòi vọi trung trinh, cao khiết

Một tấm lòng băng tại ngọc hồ
(Nhất phiên băng tâm tại ngọc hồ)

Chỉ biết xin thắp nén hương lòng chép lại những lời Bác viết về La Sơn phu tử, nhân vật mà Bác cộng cảm lạ lùng :

“ Trong cơn giông-tố, gốc cây đại-thụ đứng im ; giữa dòng nước cuốn, cột đá chân cầu không chuyển ; đó là đặc- tính chắc rắn của gốc cây, cột đá. Chuyện La-sơn phu-tử là chuyện một cá-nhân đặc-biệt, một cá-tính đặc-biệt mà thôi.

Đặc-biệt không phải là phu-tử có khí-tiết, vì đồng thời có nhiều người đã có khí-tiết, chịu đựng trăm nguy nghìn hiểm, cho đến thiệt mình. Đặc-biệt vì khí-tiết của cụ đã được thử-thách trong những những trường-hợp éo-le, nhiều khi mâu-thuẫn cùng nhau, thế mà chung-qui vẫn trọn khí-tiết (...)

Tuy không giữ một vai quan-trọng gì đối với thời-cuộc, nhưng bởi cái đặc-tính của mình, phu-tử đã liên-can đến tất cả các vai chính trong màn lịch-sử đương-thời. Nhất là đối với vai tuồng Nguyễn Huệ, trước khi đánh đuổi quân Thanh, phu-tử đã bàn một câu (...), mà sau Nguyễn Huệ phải nhận là công-hiệu, trong lời khen phu-tử : “ Một lời mà dấy nổi cơ-đồ !... Chứ không phải hạng người chỉ bo-bo làm việc gần mình mà thôi. ” (Tựa thứ hai, La-sơn phu-tử).

 
Bùi Mộng Hùng

(3.1996)

(bài đã đăng Diễn Đàn số 52, 05.1996)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss