Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 52 - 05.96 / Tây Dương kì ngộ

Tây Dương kì ngộ

- Nguyễn Ngọc Giao — published 07/03/2008 04:00, cập nhật lần cuối 10/03/2008 22:02
Trên chuyến tàu năm ấy rời cảng Sài Gòn nhằm hướng Marseille, ngoài Hoàng Xuân Hãn, có 4 du học sinh Đông Dương : một người Miên, hai Nam Kỳ, và một nữ sinh Bắc Kỳ. Đó là cô Nguyễn Thị Bính, 23 tuổi, đã tốt nghiệp sư phạm, ba năm Trường dược Đông Dương, với đầy đủ số tháng thực tập, nhưng với quy định của chế độ học chính thuộc địa, không có quyền vào năm thứ tư để thi tốt nghiệp dược sĩ. Luật lệ là như vậy, nếu cô muốn thì sang Paris mà thi.


Tây Dương kì ngộ
Mối tình 60 năm của ông bà Hoàng Xuân Hãn



Nguyễn Ngọc Giao



hxh-x-30
Hoàng Xuân Hãn năm 1930,
(trong bộ lễ phục trường Bách Khoa)

Tôi thuộc lứa tuổi lên chín lên mười thì dinh tê về thành sống ở Hà Nội bị chiếm. Cái tuổi chưa dùng cuốn Danh từ khoa học. Năm ấy La Sơn phu tử chưa xuất bản. Phải đợi mấy năm sau, tôi mới được lần giở những tranh sách xuất bản ở Paris, mân mê hai trang chụp bức thư chữ nôm Nguyễn Huệ gửi Nguyễn Thiếp. Cho nên, đối với một thiếu niên năm 1950 ở Hà Nội, bố còn đi kháng chiến, theo mẹ và anh chị hồi cư, cái tên Hoàng Xuân Hãn trước tiên đi liền với chữ thập màu xanh lá cây của hiệu thuốc tây ở phía bên kia hồ Hoàn Kiếm mà chủ nhân là bà Hoàng Xuân Hãn, nữ dược sĩ. Một hai năm sau, phong trào Trần Văn Ơn, anh tôi bãi khoá, bị mật thám bắt... rồi nghe chuyện kháng chiến, nghe thì thầm (ai ? anh tôi hay mẹ tôi, tôi cũng không nhớ) rằng bà Hãn giàu lắm, nhưng mà bà cung cấp thuốc men cho kháng chiến đấy... Rồi bố tôi ốm nặng, hồi cư. Thi thoảng, được nghe chuyện những bậc trí thức, tất nhiên lúc đó tôi vỡ lẽ Hoàng Xuân Hãn không phải chỉ là một bảng hiệu Tây dược. Hình như lúc đó, bắt đầu xuất hiện mấy chữ trí thức trùm chăn người ta dùng để chỉ giới trí thức trong thành, vẫn giữ cảm tình với kháng chiến, không chịu hợp tác với Pháp và chính quyền Bảo Đại. Tôi còn được nghe nói tới bà Hãn, không hiểu vì sao tôi còn nhớ mãi một câu của bố tôi : “ Hồi đó là cô Bính, Nguyễn Thị Bính... ”. Bây giờ moi tìm trong trí nhớ, có lẽ ngoài cái tên con gái của bà Hãn ra, hồi đó tôi chỉ nghe thấy tên hai phụ nữ có học khác được nhắc tới trong câu chuyện của người nhớn : Hoàng Thị Nga, Nguyễn Thị Thục Viên. Hình như hồi ấy, chỉ có học thì người phụ nữ mới giữ được tên con gái của mình, bằng không họ chỉ được xã hội biết như bà X, bà Y.

Những mẩu kỷ niệm tuổi thơ ấy đã bất chợt trở lại chiều chủ nhật 24.3 vừa qua trong buổi lễ cầu siêu bác trai tại chùa Trúc Lâm, khi nghe thày chủ lễ đọc danh sách tang gia, bắt đầu bằng nhũ danh của bác gái.

Rồi tôi liên tưởng tới dịp tháng 5 năm 1989 : lần ấy, hai bác đã dành cho chúng tôi (anh Trần Văn Thuỷ, anh Nguyễn Trọng Nghĩa và tôi) hai ngày liền để phỏng vấn ghi hình và ghi âm, tổng cộng hơn 9 giờ đồng hồ. Sự liên tưởng này không tình cờ : phần lớn cuộc phỏng vấn dành để hỏi bác trai về sự nghiệp nghiên cứu, về hoạt động chính trị của bác, cũng như về các nhân vật lịch sử Việt Nam, Pháp và Nhật mà bác đã tiếp xúc, nhưng mở đầu, tôi đã xin phép hỏi về hai bác, về bác gái...

Nhờ vậy, mà chúng tôi được nghe hai bác kể lại cuộc gặp đầu tiên và mối tình sắt son đã gắn bó hai người. Nhân dịp này, xin ghi lại để độc giả hiểu thêm về con người Hoàng Xuân Hãn, về một thời kỳ mà sau bao biến thiên của lịch sử, đối với số đông, đã trở thành quá vãng xa mờ.

Tính đến năm nay, 1996, hai bác đã thành hôn vừa đúng 60 năm. Đám cưới cử hành ở Paris năm 1936, có lẽ là đám cưới đầu tiên của một cặp du học sinh Việt Nam. Nhưng câu chuyện bắt đầu hai năm về trước, trên Ấn Độ dương, hồi đó ta gọi là Tây Dương.

Mùa hè 1934, chàng thanh niên Hoàng Xuân Hãn vừa tốt nghiệp Bách khoa và Cầu đường sau 6 năm du học tại Pháp, về nước thăm nhà, và thăm dò khả năng làm việc ở Đông Dương. Năm 1930, khi trúng tuyển cả Ecole Normale Supé-rieure (Cao đẳng sư phạm) và Ecole Polytechnique (Bách khoa), hai trường khó nhất trong các trường lớn của hệ thống đại học Pháp, Hoàng Xuân Hãn đã chọn Bách khoa vì nghĩ rằng một kỹ sư sẽ có thể đóng góp nhiều cho đất nước. Nhưng ở thời điểm 1934, chính sách giáo dục của chính quyền thực dân vẫn chỉ nhằm đào tạo một số nhỏ những agents techniques, không thể có chỗ đứng cho một kỹ sư Bách khoa người bản xứ. Thế là chàng kỹ sư 26 tuổi ấy đành quyết định trở lại Pháp để học nốt bằng cử nhân rồi dự thi thạc sĩ toán.

Trên chuyến tàu năm ấy rời cảng Sài Gòn nhằm hướng Marseille, ngoài Hoàng Xuân Hãn, có 4 du học sinh Đông Dương : một người Miên, hai Nam Kỳ, và một nữ sinh Bắc Kỳ. Đó là cô Nguyễn Thị Bính, 23 tuổi, đã tốt nghiệp sư phạm, ba năm Trường dược Đông Dương, với đầy đủ số tháng thực tập, nhưng với quy định của chế độ học chính thuộc địa, không có quyền vào năm thứ tư để thi tốt nghiệp dược sĩ. Luật lệ là như vậy, nếu cô muốn thì sang Paris mà thi.

Đêm trung thu 1934, tàu lênh đênh trên Tây Dương, năm anh chị sinh viên đi vé hạng ba, không được quyền vào xa-lông, bèn rủ nhau ra ngồi boong uống nước ngắm trăng. Cô Bính đề nghị làm thơ vịnh trăng. Anh sinh viên xứ Hà Tĩnh đã ứng khẩu một bài Vịnh Nguyệt :

Có người bảo tớ vịnh thơ trăng,
Tớ cũng toan ngâm ngợi chị Hằng
Ngán nỗi người xinh trăng thẹn mặt
Ngây lòng tớ gẫm bút mòn răng.
Trông trăng chỉ thấy ai cười nụ,
Gác bút vì e tớ nghĩ xằng.
Vịnh nguyệt vì người thôi cũng vịnh,
Hoạ người bên nguyệt biết tình chăng ?

Tình trong như đã, hay chỉ là truyền thống đùa ghẹo giữa nho sinh Nghệ Tĩnh và thục nữ Bắc Hà ? Chỉ biết có xướng thì phải có hoạ, mà anh bạn Miên thì đã xin miễn, còn hai anh Nam Kỳ chỉ nhận góp vui bằng cách kể chuyện gau-loises. Hoạ thơ xin nhường cho chị. Chị Bính bèn đáp lại bằng một bài thơ mà theo ngôn ngữ ngày nay phải nói là lập trường vững vàng, giá trị tư tưởng cao :

Đêm trung thu trời trong sao sáng
Mấy cánh mây loáng thoáng lơ thơ
Trên tàu du học vịnh thơ
Biết bao cảm giác vẩn vơ trong đầu
Hỡi các anh cùng nhau cương quyết
Sang Âu Tây dạn tuyết xông pha
Hãy xem văn hoá người ta
Sau này thi thố nước nhà chờ mong.

Thực ra, cô Bính không có ý lên gân. (Ai có dịp gần bác gái đều biết lên gân là điều xa lạ với tạng người và tư tưởng rất thiền của bác). Lúc đó, cô gái 23 tuổi ấy biết rằng con gái mà được đi du học là một sự hy sinh lớn của gia đình, và trên vai cô mang nặng bổn phận học xong trở về gày dựng cho các em nhỏ. Nên có thể đoán trước phản ứng của cô khi mấy ngày sau, trong một dịp trò chuyện tay đôi, anh chàng xứ Hà Tĩnh đưa tặng một bài thơ thứ nhì. Không còn thất ngôn bát cú Đường Luật nghiêm chỉnh nữa, mà là hát nói :

Trời với biển nửa mờ nửa xám,
Mây trên trời mấy đám trắng phất phơ.
Mảnh trăng tròn khi tỏ lại khi mờ,
Khách trên biển còn ngờ nơi Nhược thuỷ.
Cám cảnh cô đơn thằng Cuội quỷ,
Nghĩ thương tình muộn chị Hằng Nga.
Những tưởng rằng trăng lạ với trăng xa,
Ai ngờ cũng trăng nhà cười mủn mỉn.
Chốn lữ thứ (1) đa tình nên bịn rịn
Hỏi Trăng già soi đến tận tâm can ?
Sóng đưa trăng giạt theo làn.

– Tôi cảm ơn anh, nhưng bài thơ này tôi không hiểu, xin trả lại – cô Bính nghiêm nghị nói, một tay gạt tờ thơ về phía tác giả.

– Sao không hiểu ? Thế đọc thơ Hugo, Lamartine, Nguyễn Khuyến..., cô có hiểu không ?

– Đó là trong chương trình lycée tôi có học và hiểu chứ. Nhưng bài thơ này, tôi không hiểu.

– Thôi cô không hiểu thì tôi cho cá nó đọc – và chàng trai Hà Tĩnh xé vụn tờ giấy rồi vứt qua khung tròn hublot.

Bài thơ động tình ấy tuy có vào bụng cá Ấn Độ dương, nhưng tác giả của nó đã thuộc lòng. Mấy chục năm trôi qua, bác còn đọc cho chúng tôi, một mạch không ngưng.

Tôi không hiểu là nói lịch sự, chứ thâm tâm cô Bính nghiêm khắc hơn nhiều. Mấy chục năm sau, kể lại giai thoại này, bác gái cười, cho biết : « Trong bụng tôi nghĩ : thôi anh này hỏng rồi. Vì trước đó, tôi có hỏi anh đi học gì, anh ấy trả lời : học cử nhân. Không hề nói mình đã tốt nghiệp Polytechnique, Ponts et Chaussées, cũng không nói : tôi thi nốt cử nhân, sửa soạn thi thạc sĩ. Nên tôi mới nghĩ : chưa đặt chân đến Pháp mà không tính chuyện học hành, còn lôi thôi... Chứ nếu đã biết anh ấy học đến đâu rồi, thì chắc phản ứng cũng phải lễ độ, nhẹ nhàng hơn ».

Câu chuyện bắt đầu như vậy. Và trên suốt hành trình, cũng như trong những tháng đầu ở Paris, nó “ ngừng ” ở đó. « Chỉ những buổi trời mưa, anh ấy lại thăm, nói chuyện học hành, thỉnh thoảng lắm mới nói chuyện thời thế. Nhờ anh ấy giới thiệu, tôi được vào ở nhà ông giám đốc Đông dương học xá (nay là Maison des étudiants de l’Asie du Sud-est, ở Đại học xá quốc tế Bd Jourdan, Paris), làm jeune fille au pair, giúp bà mẹ già của ông giám đốc, chứ không phải ở phòng sinh viên, hồi đó Nhà Đông Dương chỉ dành cho nam sinh ».

Rồi bác kể tiếp : tốt nghiệp dược sĩ, tôi thực tập và học thêm đủ thứ : chế tạo mỹ phẩm, kỹ thuật xoa bóp (vì nghĩ tới bố mẹ già), và bắt đầu sáng chế dược phẩm, nhờ đó mà khi về nước, vẫn được trả tác quyền royalties và sau này, năm 1954 sang Pháp, hợp tác với Công ty bào chế Choay. Còn bác trai năm 1936 trúng tuyển thạc sĩ toán. Vừa đúng dịp chính phủ Léon Blum thành lập, chính quyền Mặt trận bình dân bãi bỏ học trình tú tài bản xứ (bắc lô-canh), Trường Bưởi cũng đào tạo học sinh thi tú tài mẫu quốc như Lycée Albert Sarraut. Thạc sĩ toán học đầu tiên người Đông Dương được bổ nhiệm làm giáo sư Trường Bưởi, trở về cũng bằng đường thuỷ, nhưng sẽ ở ca-bin hạng nhất.

« Một người ở ca-bin hạng nhất, một người hạng ba sao được ». Đại khái, nếu đây không phải là lời cầu hôn chính thức, thì cũng là đề nghị tổ chức lễ thành hôn ngay tại Pháp trước khi hai người hồi hương. Trước đó, cụ bà thân sinh đã lặn lội từ nhà quê Hà Tĩnh ra Hà Nội để xin cưới. Nhà gái hỏi tuổi cậu Hãn, cụ không nhớ vì đẻ tám lần không nhớ hết. Nên một hôm, cô Bính đã nhận được thư em gái hỏi anh ấy cầm tinh con gì. Cô Bính là một trong hai ba nữ dược sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp ở Paris, nhưng đến khi anh ấy trả lời tôi cầm tinh con vịt thì cô cũng ù ù cạc cạc chép nguyên văn vào thư gửi về nhà, khiến gia đình được một trận cười và chịu thua, không so tuổi tử vi được.

Tiện đây, cũng xin mở một dấu ngoặc : Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên ở nước ta dùng toán học và thiên văn học nghiên cứu tử vi. Tất nhiên, càng nghiên cứu ông càng không tin tử vi. Tôi nhắc lại điều này vì nhớ tới một nhà toán học khác, thuộc thế hệ hai mươi năm sau, cũng nghiên cứu tử vi, khởi thuỷ với ý định bài trừ mê tín dị đoan, rốt cuộc ông đã rút số tử vi cho không biết bao nhiêu người (một anh bạn nói đùa với tôi : cho hơn 50 % cán bộ giảng dạy Trường đại học Bách khoa Hà Nội !). Hoàng Xuân Hãn có cự ly của người không còn trực tiếp hoạt động đấu tranh chính trị, có khoảng lùi của nhà sử học, nên tinh thần khoa học của ông không bị những đảo lộn chính trị liên tiếp, chồng chất chi phối như nhà toán học nọ. Xin đóng ngoặc.

Ông bà Hoàng Xuân Hãn thành hôn năm 1936. Trong 60 năm ấy, bà đã đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp của ông ? Trong cuộc phỏng vấn mùa xuân năm 1989, tôi đã đặt câu hỏi ấy, sau khi nhắc lại câu nói của một nhà văn Pháp : “ Derrière chaque grand homme, il y a toujours une grande femme ” (Đằng sau – tại sao lại đằng sau nhỉ ? bên cạnh chứ ! – mỗi (nam) vĩ nhân, bao giờ cũng có một người đàn bà vĩ đại). Bác Hãn, cố nhiên, gạt đi chữ vĩ nhân (nói thế không đúng đâu), rồi trầm tĩnh nói về người bạn đời của mình :

– Cái khung cảnh gặp nhau ở đây, khung cảnh tôi làm việc trong mấy chục năm qua, là nhờ có nhà tôi. Năm 1954 nhà tôi sang đây (tôi sang trước, từ năm 1951), để lại ở Hà Nội toàn bộ cơ nghiệp, và xây dựng lại tất cả. Tôi mà làm được bao nhiêu công việc, làm một cách thoải mái, nhất là đổi nghề, từ giáo học sang làm nghiên cứu khoa học rồi tập trung nghiên cứu Việt học, có đầy đủ thời giờ làm việc này, là nhờ nhà tôi giúp đỡ rất lớn. Về mặt vật chất, sinh sống cũng như nhà cửa, con cái. Nhân cơ hội này, tôi muốn nói rõ cái sự tạ của nhà tôi (là) lớn lắm trong công việc của tôi.

Trong cuộc phỏng vấn, kể lại thời kỳ Phong trào Truyền bá quốc ngữ (1938), bác cũng không quên nói đến công lao của bác gái : gần như là “ bộ trưởng tài chính ” của phong trào, “ mỗi lần cụ Nguyễn Văn Tố cần quỹ, là nhà tôi đi vận động để cung cấp đầy đủ, phần tôi chỉ đóng góp việc soạn thảo tài liệu ”. Hay vai trò của hiệu thuốc Hoàng Xuân Hãn trong những năm kháng chiến.

Sau buổi lễ cầu siêu ngày 24.3, anh Nghiêm Xuân Hải, con rể của hai bác, có nói : “ Bác trai luôn luôn trọng công bác gái, và liên tục nói ra bằng tất cả những cử chỉ hàng ngày cho đến những ngày chót, mà không bao giờ bác nói bằng lời... ”. Qua những dịp được gần gụi hai bác, đặc biệt trong những tuần lễ nghỉ ngơi ở dã thự (Manoir) Aubonne (mà bác đặt tên là Cam Tuyền), quan sát những cử chỉ hàng ngày của hai bác, – kể cả những lúc tuổi cao, trí nhớ chuyện xưa vẫn còn vẹn toàn, nhưng chuyện hôm qua, chuyện buổi sáng lại như gió thoảng dễ quên, nên cũng có lúc bác trai trách "cô lại để cuốn đó của tôi đâu rồi" – tôi đã nghiệm chứng nhận xét của anh Hải.

Trong cuộc phỏng vấn ấy, có lẽ là một lần rất hiếm (nếu không nói duy nhất), bác Hãn đã dùng lời để nói lên sự trân quý đối với bác gái. Vì vậy mà tôi xin ghi lại theo đúng băng video, như một chứng từ về một mối tình son sắt, và cũng để chia sẻ chút ít với bác gái trong những ngày cư tang này.


Nguyễn Ngọc Giao

(bài đã đăng Diễn Đàn số 52, 05.1996)



Kỳ sau : HoàngXuân Hãn, con người và chính trị


(1) Bài Vịnh nguyệt và bài hát nói, tác giả đã công bố trong lời tựa Bích-câu kì-ngộ (chuyện Tú Uyên), nhà xuất bản Đại Học, Huế, 1964. So sánh bản in và lời đọc ghi âm, chúng tôi thấy hoàn toàn trùng hợp, trừ một chữ trong bài hát nói : bản in là lữ quán, bản đọc là lữ thứ. Vì bài thơ làm trên tàu viễn dương, chúng tôi chọn lữ thứ cho phù hợp.




Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us