Vài lời về bác Hoàng Xuân Hãn
Vài lời về bác Hoàng Xuân Hãn
Bùi Trọng Liễu
Về thân thế và công trình học thuật của bác Hãn, đã có người biết kỹ hơn tôi. Tôi chỉ xin ôn lại ở đây vài kỷ niệm cá nhân.
Tôi được quen bác có lẽ vào khoảng năm 1963, 64. Thuở ấy nhân một bữa ghé mua sách Việt Nam ở hiệu sách ở xóm La-tinh, tình cờ gặp bác, tôi lại chào và tự giới thiệu. Tôi biết tiếng và ngưỡng mộ bác từ lâu ; nhưng điều tôi ngạc nhiên là bác bảo biết tôi đang là giáo sư đại học ở Lille, và bác có quen biết bố tôi và một chú tôi thuở chú tôi du học ở Pháp cùng lúc với bác. Những năm sau, do công tác hội đoàn, tôi nhiều lần được gặp lại bác trong Đoàn chủ tịch của Hội người Việt Nam tại Pháp...
Biết tôi nhiều lần góp ý với trong nước về việc học, đặc biệt về vấn đề đại học, mỗi lần gặp, bác thường hỏi thăm về việc này. Năm 1988, khi tôi khơi ý thành lập Trung tâm đại học " dân lập " Thăng Long ở Hà Nội, và lo chạy việc tiền nong sinh hoạt cho trường, bác và bác gái đã nhiệt tình hưởng ứng. Tôi biết rằng, không những bác luôn quan tâm đến nền học trong nước, mà còn nhạy cảm thấy rằng ở giai đoạn đó, phải tạo ra cái gì mới để châm ngòi cho một cuộc cải tổ đại học cần thiết nhưng chưa được phôi thai. Trong khi khó khăn còn đang đầy dãy để thuyết phục việc chính quyền cho phép thực hiện, sự hỗ trợ của hai bác và của vài người đã động viên tôi khá nhiều. Rồi đến cuối 1992, khi trường Thăng Long bị chuyển sang hướng khác, tôi thấy sự cần thiết khắc một tấm bia để ghi sự việc, trong mục đích nhắc nhở rằng sự phục hưng trí tuệ, qua sứ mạng của một nền đại học, là điều liên tục cần thiết. Tôi lại tìm bác, nhờ bác viết giúp cho một bản chữ nôm của bài văn bia này ; bác vui vẻ nhận lời và việc đã được thực hiện (1). Tôi biết chắc rằng bác hiểu tôi nên bác không một phút do dự. Bác hiểu tôi vì lợi ích chung cần thiết mà làm, chứ không phải như một vài người Việt ở nước ngoài mỉa mai việc làm bia (cho rằng tôi dám làm việc này để so sánh vôi mấy ông nghè trong Văn miếu) vì họ không thể hiểu nổi mục tiêu khác của việc làm thời nay, ngoài mục tiêu kiếm lợi riêng và kiếm danh (2) ! Tôi nhắc lại chuyện này và xin được dùng hai chữ " tri âm " để cám ơn bác đã bỏ qua các tiểu tiết để nhắm vào cái chính mà bác và tôi cùng mong thấy thực hiện.
Còn một chuyện muốn nói. Trong mấy chục năm, nhiều lần được hỏi bác về sự việc những năm 1945-46, tôi cảm thấy bác có tâm tư về giai đoạn bác tham gia chính phủ Trần Trọng Kim với chức vụ bộ trưởng giáo dục (tháng 4 - tháng 8/1945). Trong một khoảng thời gian dài, " chính sử " đánh giá giai đoạn trên có phần thiên lệch và khiếm khuyết. Bác có lời giải thích thái độ của bác (3) :
" Chủ trương của Mặt trận (chú thích : Việt Minh) là chống Pháp và chống Nhật. Chống Pháp là chí nguyện chung cho cả nước. Chống Nhật cũng là tất nhiên cho cách mạng và thuận với Đồng minh đang thuận với độc lập Việt Nam. Vậy cả hai khẩu hiệu ấy là hợp. Nhưng trong hành động, sau ngày Nhật diệt chính quyền thực dân Pháp và tuyên bố Việt Nam tự chủ vận mệnh của mình, tự nhiên rằng người cách mạng chống Nhật không thể ra công khai nhận lấy chủ quyền cho nước. Con thuyền bị buộc đã được cắt dây. Nước tự hào có lịch sử vẻ vang, gồm hăm lăm triệu người, há lại để thuyền trôi không lái. Cả Nhật, Pháp và Đồng minh sẽ đánh giá lòng yêu chuộng độc lập của dân ta ra sao ? Vì vậy đã có chính phủ Trần Trọng Kim. Chỉ tiếc rằng Mặt trận không làm dễ cho chính phủ công khai quản lí việc dân và dự bị sự giao tiếp khi quân Nhật tất phải đầu hàng. Dẫu sao, sau khi Nhật đầu hàng, Mặt trận ra nắm chính quyền là hợp lẽ và có thế lợi cho độc lập được nhìn nhận. Nghĩ như vậy, chính phủ Trần Trọng Kim đã có động tác cuối cùng là khuyên cựu hoàng (chú thích : Bảo Đại) mời các nhà cách mệnh (chú thích : cụ Hồ) ra chính thức lập chính phủ, nhưng thiếu chuẩn bị, sự ấy không thể thành. Kết quả là những tổn thất về vật chất và tinh thần trong khi cướp chính quyền và không thể lợi dụng sự hoang mang của quân nhân Nhật khi được lệnh phải đầu hàng " (4).
Đã 51 năm trôi qua. Thuở ấy tôi còn nhỏ, nhưng đã biết và còn nhớ : biết lòng thiết tha của mọi tầng lớp muốn sớm thấy nước nhà độc lập thống nhất ; nhớ một số sự việc đã xảy ra cho một số người ít nhiều dính tới chính phủ Trần Trọng Kim, tuy ở địa vị và cấp bậc to nhỏ khác nhau (5). Cũng như sau đó việc đi kháng chiến, một phần do cá nhân, một phần do thời cuộc, nếu không có điều kiện thuận lợi, chắc gì việc đã thành. Cũng có cảnh ở ẩn để giữ mình cho sạch, như giai đoạn " xử " của đời bác mà (6) đã nhắc tới. Cho nên tôi rất mong rằng ngày nay, 20 năm sau ngày thống nhất, những nhà viết sử trong nước sẽ có được một sự đánh giá giai đoạn kể trên một cách thanh thản và khách quan hơn (7). Đem chuyện xưa kể lại, tôi muốn nói lên sự thông cảm của tôi đối với bác, đồng thời với lòng tôi tưởng nhớ bác.
Bùi
Trọng Liễu
Giáo sư
đại học
(Paris)
24.3.1996
(1) Xem Về một bài văn bia, Diễn Đàn số 32, 1/7/1994.
(2) Tôi xin nói mấy điều sau đây : Một số ông nghè có tên trên bia Văn Miếu, chẳng qua do mấy bài văn sách trong trường thi, nghĩa là hoàn toàn có tính cách cá nhân ; còn việc khắc bia ghi chuyện trường Thăng Long là việc khắc bia về một công việc có tính cách lợi ích chung, không những trong quá khứ mà còn nhằm tác dụng hiện tại và tương lai về " sứ mạng của đại học " ; nếu phải so sánh với bia xưa, cũng chẳng có gì phải hổ thẹn. Ngày xưa, nhà vua cho phép dựng bia ; ngày nay chẳng lẽ phải được phép của nhà cầm quyền thì người ta mới không mỉa ?
(3). Xem Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Tập san Sử Địa 23 và 24, Sài Gòn 1971.
Xin tóm tắt sơ lược lại một số mốc thời gian (cho các bạn trẻ dễ đọc) : Sau Hoà ước Bảo hộ 1884, Việt Nam bị mất nước và bị chia cắt : Nam kỳ là thuộc địa, Trung kỳ và Bắc kỳ thì chịu nền bảo hộ của Pháp, cùng Miên, Lào là 5 xứ Đông Dương thuộc Pháp. Sau khi đại chiến thế giới 1939-1945 bùng nổ giữa tạm gọi gọn là Đồng Minh (Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa dân quốc... ) và Trục (Đức, Ý, Nhật), Nhật đem quân vào Đông Dương chiếm đóng một số căn cứ quân sự, nhưng vẫn để nguyên chính quyền thực dân Pháp. Đêm 9/3/45, quân Nhật tật chính quyền Pháp ở Đông Dương. 10/3/1945, Nhật tuyên bố sẽ giúp Việt Nam và các xứ Đông Dương khác thực hiện độc lập (tuy Nhật vẫn còn nắm một số thực quyền). 11/3/1945, triều đình Huế tuyên bố huỷ bỏ Hoà ước 1884, Việt Nam khôi phục chủ quyền. 17/4/1945, vua Bảo Đại uỷ ông Trần Trọng Kim lập chính phủ, cử ông Phan Kế Toại làm Khâm sai Bắc bộ, và ông Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Nam bộ. 14/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh. 19/8/1945, Cách mạng : Mặt trận Việt Minh giành chính quyền.
(4) Tôi còn nhớ sau Cách mạng Tháng tám, có lời đồn đại là cụ Hồ không muốn ông Bảo Đại thoái vị, mà chỉ muốn ông mời cụ lập chính phủ mới, để dễ điều đình với Đồng Minh, với Tàu Tưởng và với Pháp, công nhận nền độc lập của nước nhà, nhưng ông Trần Huy Liệu vội vàng nên sự việc đã diễn ra thế khác. Nhưng lời đồn và sự thật không chắc đã là một. Hay là lời đồn phát nguồn từ " động tác cuối cùng của chính phủ Trần Trọng Kim " rồi được chế biến ra ? Còn " tổn thất vật chất ", phải chăng là lỡ cơ hội để Nhật trao lại cho một số vũ khí tước được của Pháp hồi 9/3/1945, vũ khí cần thiết cho việc bảo vệ nền độc lập phôi thai ? Xin để cho các nhà sử học trả lời.
(5) Tôi muốn kể đến trường hợp của bác Phan Kế Toại và của bố tôi. Ông Toại trước lấy cô họ tôi là mẹ hoạ sĩ Phan Kế An). Cô tôi mất sớm. Sau ông Toại cưới bà vợ khác là bà Mão, là chị ruột ông Nguyễn Văn Huyên ; ông Huyên trước du học ở Pháp, đỗ tiến sỹ văn chương, cho nên thời đó gọi là ông nghè Huyên, sau này là bộ trưởng giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1945, ông Toại đang làm Tổng đốc Thái Bình. Sau khi đảo chính Nhật, bỏ nền bảo hộ Pháp, thành lập chính phủ Trần Trọng Kim, ông Toại được bổ làm Khâm sai Bắc bộ. Lúc đó, ông Hồ Đắc Điềm đang làm Tổng đốc Hà Đông ; Hà Đông thời đó được coi là tỉnh quan trọng nhất Bắc kỳ, Tổng đốc Hà Đông được coi là chỗ cao nhất trong hàng quan Nam triều ở ngoài Bắc, hơn cả Tổng đốc Thái Bình, cho nên ông Hồ Đắc Điềm muốn xin thôi không ở Hà Đông nữa mà xin chuyển về làm ở Toà Thượng thẩm. Ông Toại muốn tìm người tin cậy được để thay thế ông Điềm, cho nên bàn định bổ nhiệm bố tôi (đang làm tuần phủ Phúc Yên, là quan đầu tỉnh của một tỉnh nhỏ) về làm Tổng đốc Hà Đông, nhưng bố tôi từ chối, vì lúc đó thấy là sắp Cách mạng, mà ở Phúc Yên thì yên tĩnh, mà lại đã có quan hệ với những người phụ trách Việt Minh ở vùng đó (thuở đó việc mua tín phiếu ủng hộ Việt Minh cũng không phải là hiếm). Bố tôi thường khen ông Toại là có bản lãnh, lại là người thức thời ; ngay hồi 1943 khi hai người bàn chuyện tương lai, ông Toại đã nhiều lần nói về khả năng Cách mạng thành công sau này và khuyên bố mẹ tôi rằng có của chìm của nổi nên chia sẻ bớt, v.v.
Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1946 cụ Hồ áp dụng chính sách đoàn kết, muốn sử dụng mọi thành phần, kể cả quan lại cũ, bố tôi cũng được đề nghị ra làm đổng lý sự vụ (?) của bộ giao thông công chính. Tôi còn nhớ việc đầu tháng 12, bố tôi đã đi gặp ông bộ trưởng (tôi không nhớ tên), ông đã hẹn ngày để đưa vào chào cụ Hồ trước khi nhận việc, v.v., thế nhưng việc chưa thực hiện thì chiến tranh bùng nổ. Trừ mấy nhân vật quan trọng được tổ chức đưa đi kháng chiến, còn thì mạnh ai nấy lo. Bố mẹ tôi đem gia đình về quê, thuộc tỉnh Ninh Bình. Cuối 1949, quân đội viễn chinh Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, quê tôi bị lọt vào vùng tạm chiếm. Không thể sống ở quê được, đầu 1950 bố tôi đem gia đình về Hà Nội, nhưng với quyết tâm sẽ không làm gì để cản trở cuộc kháng chiến giành độc lập cho nước nhà. Trước đó một năm, ông Bảo Đại đã ký kết với Pháp, và Pháp đã lập lại một bộ máy hành chính cho ông trong vùng tạm chiếm. Lúc ấy, ông Nguyễn Hữu Trí, đang làm " Thủ hiến Bắc Việt " trong vùng tạm chiếm đó, vốn là bạn đồng liêu với bố tôi thuở trước, nên ép bố tôi ra làm việc với chính quyền Bảo Đại với chức " Tổng thanh tra hành chính ". Trong gần một năm trời, bố tôi nhất quyết từ chối. Nhưng sức ép quá mạnh, bố tôi không thể sống trong nước được nữa nên viện cớ sang Pháp thăm tôi (đã sang Pháp du học và đang ốm nặng), chịu sống cảnh nghèo nàn, và không bao giờ trở về nữa. Cho nên tôi nói thời cuộc đưa đẩy là vậy.
Bác Toại thì đi kháng chiến, giữ những chức vụ như bộ trưởng Nội vụ rồi Phó Thủ tướng. Hè năm 1970, (thời kỳ Hội nghị Paris), với tư cách là giáo sư Đại học Paris và là " nhân sĩ " trong phong trào Việt kiều, tôi được mời về nước thăm và làm việc bốn tuần. Ở Hà Nội, tôi có lại thăm bác Toại, lúc đó đang làm Phó Thủ tướng, tuy bác đã già yếu lắm và không còn thực sự làm việc nữa. Lúc đó còn đang chiến tranh, sự canh phòng rất cẩn mật, đi lại giao dịch rất khó khăn. Vào nhà bác, vì tôi là khách mời của trong nước, các người bảo vệ có nhã ý để tôi vào trong nhà một mình. Vào trong, cụ bà Mão đang đứng ngoài sân, (tuy tôi có nhắn hẹn trước) bác tưởng tôi là cán bộ nào nên hỏi " ông vào đây có việc gì ? ". Khi tôi xưng danh và tự giới thiệu, bác mừng rỡ nắm tay dắt vào nhà rối rít gọi bác giai. Khi ấy, bố tôi đã mất. Hai bác ân cần hỏi thăm tin mẹ tôi và gia đình. Bác Toại bảo tôi : bác là cán bộ chính trị nên không được về hưu, tuy đã yếu lắm. Thời chiến tranh thật là khó khăn, nghèo nàn ghê gớm. Bác trai rót nước mời tôi, tay run đổ nước xuống bàn, bác lấy tay gạt nước, chứ không có khăn lau. Tôi trầm ngâm nghĩ lại những lời nhận định của bố tôi về bác, về cụ Hồ Đắc Điềm, về cụ Vi Văn Định : nào Khâm sai đại thần, nào Tổng đốc, nào Thái tử thiếu bảo An Phúc nam thuở trước, rồi đi Kháng chiến, với những lời " ông cha mình hưởng đã nhiều, bây giờ mình cũng nên chia sẻ " trong cuộc giải phóng dân tộc. Tôi đem chuyện xưa nhắc lại bác rất cảm động. Tôi cũng ngập ngừng nhắc lại giai đoạn 1945, bác bảo : thời cuộc bấy giờ nó phải như vậy...
(Trích mấy đoạn của hồi ký " Chuyện gia đình và ngoài đời " tôi viết, nhưng không xuất bản, tuy đã gửi tặng một số vị).
(6) Xem Mấy điều tâm đắc về bác Hoàng Xuân Hãn của Nguyễn Trọng Nghĩa, Diễn Đàn số 13, 1/11/1992.
(7) Theo một bản tin của trong nước, (tôi trích) : " Xét công lao to lớn của giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, văn hoá, giáo dục của đất nước, ngày 13/3/1996, Chủ tịch nước CHCNXH Việt Nam Lê Đức Anh đã quyết định truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì cho cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nhà trí thức lớn yêu nước ". Tất nhiên, không ai có thể khẳng định được là nếu bác Hãn còn sống, tình cảm của bác là gì trước quyết định này. Còn những người khác, cũng đã có người đón tin này với chút chua xót mỉa mai, cũng có người lại cho rằng " thà muộn còn hơn không bao giờ "... Theo tôi, khi xét thái độ của một tập thể, không nên " vơ đũa cả nắm ". Vả lại, phải chăng trong tình hình chung, nên ghi nhận mọi biến chuyển có chiều hướng cởi mở ? Và tôi xin chép lại đây câu kết luận tôi viết trong bài " Nhân việc đưa hài cốt cựu hoàng Duy Tân về nước " mà tôi đăng dưới bút hiệu H.B. năm 1987 trong báo Tổ quốc và trong báo Đoàn Kết số 393 và 396), câu mà tôi luôn tự nhắc : Không nên và không cần vì tình cảm mà tô điểm cho sự việc, nếu không thì rơi vào cảnh " yêu thì yêu cả đường đi, ghét thì ghét cả tông ti họ hàng " !
Các thao tác trên Tài liệu