Hạn hán và Cơn mưa - Câu chuyện của tâm hồn
Hạn
hán và Cơn mưa
Câu chuyện của
tâm hồn
Bút ký của Nguyễn Duy
Lời chào từ Paris
«Kính thưa các quí bà, và toàn đoàn...
Trong buổi tối nay, các bạn là sứ giả của một đất nước thân thuộc với chúng tôi, một đất nước sáng tươi lịch sử, văn hoá và hy vọng.
Qua Hạn hán và Cơn mưa, một tác phẩm của Ea Sola, các bạn sẽ đưa chúng tôi, trong một khoảnh khắc đặc biệt, đối diện với chính tâm hồn mình.
Thời gian quả có phai mờ, nhưng lương tâm chúng tôi vẫn hướng về những giờ phút đau thương mà các bạn, những vũ công thời trẻ, đã phải sống qua cuộc chiến lần thứ nhất mà chúng tôi là người có lỗi.
Giờ đây, các bạn là những Vệ sĩ của truyền thống, một truyền thống hoà hợp lịch sử cận đại và lịch sử đương đại.
Các bạn chính là ký ức của những động tác, những huyền thoại những biểu tượng, liên kết cuộc đời mỗi người trong chúng ta. Hãy giữ gìn tài sản quí giá đó.
Chúng tôi xin là những khán giả chăm chú, lắng nghe những điều các bạn chia sẻ trong buổi tối này.
Ngôn ngữ khác biệt không gây cách trở, bởi thông điệp mà các bạn loan truyền vượt trên giới hạn ngôn ngữ.
Đó là vấn đề của Hạn hán và Cơn mưa, hẳn nhiên, nhưng đồng thời cũng là của hoà bình, của cảm xúc, nói cho cùng, là của nhân bản».
Đó lời chào mừng của một ông già tóc bạc, râu bạc – ông Michel Caserta, giám đốc Liên hoan Nghệ thuật tỉnh Val de Marne. Ông đã xem Hạn hán và Cơn mưa hồi năm ngoái, và thu xếp mời Đoàn Ea Sola về nhà hát Jean Vilar (Vitry-sur-seine, ngoại Ô phía nam Paris), tối nay, 20.5.1996. Chỉ có thể được một xuất diễn thôi, vì sáng sớm mai (21.5), Đoàn phải ra sân bay, sang Mỹ.
*
Tất cả affiches quảng cáo Sécheresse et Pluie đều đã bị một băng giấy dán chéo : COMPLET (hết chỗ).
Nhà hát Jean Vilar chật ních người. Toàn người Tây. Lẻ tẻ mươi lăm người Ta, có người đã xem vở múa này tại Paris, Bruxelles, nay vẫn đặt vé, xem nữa.
Hôm vừa tới Pháp, tình cờ gặp đạo diễn Huy Thành, nhà điện ảnh Thẩm Võ Hoàng và đoàn làm phim về cụ Tôn Đức Thắng, chúng tôi mời họ tới xem. Nhưng không xoay được chỗ. Ban tổ chức hội diễn cho biết, không thể nhận thêm người. Chưa bao giờ người đầy như thế này. Chỗ hết từ tuần trước, kể cả chỗ thoả thuận trên từng bậc thang lối đi. Ea Sola đành mời khách xem buổi dượt vở trước khi biểu diễn chính thức.
Lại tình cờ gặp các nghệ sĩ kịch nói, Đoàn Dũng, Trần Minh Ngọc, Thành Lộc... (sang để biểu diễn vở ông Jourdain ở Sài Gòn), tới đây xem với vé đặt trước.
Tay bắt, mặt mừng. Người chen người nêm chặt các hàng ghế.
Tiếng ồn tào náo nhiệt lặng dần, lặng dần theo ánh đèn nhà hát từ từ tối, rất từ từ, như nắng chiều lịm đi trên cánh đồng lô nhô gốc rạ đầu người.
Hoàn toàn đêm.
Và hoàn toàn im...
Sự im lặng đến nín thở chính là lời chào mừng vô ngôn trang trọng nhất.
Là ta, ta hát những lời của ta
Một bóng trắng đội nón thình lình hiện cuối màn đêm tiền sử – hình ảnh người đưa đường vào câu chuyện nắng mưa.
Tiếng mơ hồ đâu đó lao xao. Tiếng suối ? Tiếng lá ? Tiếng vọng về một cõi xa xăm nào ? Chầm chậm gần hơn, chầm chậm nét hơn – tiếng chuông – tiếng mõ – tiếng trống – tiếng đàn... nhẹ và mỏng, nhuyễn vào nhau, se thành sợi âm thanh dẫn lối.
Bình minh trở về cánh đồng sân khấu, cũng bần thần như khi hoàng hôn ra đi. Trùng điệp núi non của phương đông thuỷ mặc hiện lên. Hiện lên một miền quê vời vợi, nhấp nhô hình tượng ông bà, tổ tiên người Việt. Không gian nghi lễ thật thiêng liêng. Khúc hát giáo đầu rấn rức :
Sinh
ngang ngù...ọn
(ngọn) núi
Sống dọc trì...iền
(triền) sông
…
Giọt
màu mỡ phù sa pha máu
Tổ
ti...iên (tiên) tôi mở cù... õi
(cõi) từ xưa...
Giọng chèo gốc khoẻ và sáng của bà Đoàn Thị Kết (51 tuổi) còn nguyên chất quê nhà, cách phát âm chưa bị pha chế. Nước mắt làm sao, khi thấy và nghe, giữa thủ đô nước Pháp, người nông dân thứ thiệt của làng mình hát rất tự tin trước đám đông tây, đầm lạ hoắc :
Người
nay cù...òn (còn)
nhớ kiếp xưa không
Rơm rạ
rri...iối
(rối) rri...ien
(ren) những cánh đồng
…
Thần
ti...iên (tiên)
bảy sắc cầu vồng
xa xôi
Giấc mơ ở
phi...ía (phía) chân trời
Chứ
này ai ơi...
Một giọng hát nhà nghề nào đó không thể đứng được trong khúc hát mộc mạc lúa khoai ấy. Nhớ, hôm tôi đi cùng Ea Sola tìm đến nhà bà Kết (xã An Khê, Quỳnh Phụ) để thử giọng, bà đang lặn lội ngoài đồng. Rét và tối. Bà lật đật chạy về quần ống cao ống thấp, lép nhép bùn ruộng. Thắp đèn lên. Và hát. Vừa đó thôi, đã tháng giêng năm 1995..
*
Tùng... Tùng ! Cắc tùng... Cắc tùng... Cắc tùng...
Tôi thầm nhịp theo tên người đánh trống : Bác Tùng... Bác Tùng... Bác Tùng...
Dàn nhạc chèo điêu luyện, do lão nghệ sĩ Đỗ Tùng (66 tuổi) cầm cái, dồn dập truyền đi những rung động tinh tế. Lúc nhẹ gió, lúc mạnh sấm, lúc khắc khoải thân phận... Tuyệt kỹ công phu !
Trên nền nhạc xa xưa như nền ruộng, đoàn lão nông " ra đồng ". Áo mưa. Nón lá. Động tác múa cổ sơ biểu tượng nghề nông. Cặm cụi gì vậy ? Nhổ mạ ? Cấy lúa ? Làm cỏ ? Múa ? Không múa ? Múa như không múa ?... Đan nhau, thực và ảo, hình và siêu hình.
Bà cúi lom khom tìm gì trong đất – Đất soi bà vạn vết chân chim – Bà đi tìm hạt gạo... Em cúi lom khom tìm gì trong đất – Để mái đầu ngậm vết rêu phong – Em đi tìm hạt gạo...
(Khúc hát hạt gạo)
Những hình người giấu mặt vô danh như đời người, mỏng manh trong cuộc chơi vô thức của Nắng và Mưa – hai thế lực siêu nhiên ngự trị bầu trời, thi nhau khắc nghiệt và thản nhiên hành hạ sinh linh mặt đất.
Nắng
ơi... nắng toả –
Ta chói lọi thì ta thiêu
đốt...
Nắng tuôn dòng...
Nắng cuồn cuộn cháy... thiêu...
(Khúc hát Mặt trời)
Mưa
rơi ngan ngát bên trời – Pháo
ran sấm sét –
Chớp ngời hoa đăng
– Mây đen
xoã tóc xoay vần...
(Khúc hát Cơn mưa)
Chứng kiến con người vô danh chịu đựng nhẫn nại và chống chọi thiên nhiên quyết liệt, Ông Nắng cùng Bà Mưa ý thức dần về cuộc chơi độc ác của họ, cả hai chung kết Khúc hát Lập mùa :
Hỗn mang cùng trời – Rối loạn cuối đất – Gập ghềnh đường trần gian... Dọc ngang mưa nắng phân ranh giới… Kẻ mù loà nay đau chung cõi người...
Nghệ sĩ ưu tú Văn Mởn (Đoàn chèo Thái Bình) và nghệ sĩ ưu tú Thanh Hoài (Nhà hát chèo Trung ương) song song đạt thêm thành công mới với những khúc hát của ông Nắng, Bà Mưa, theo các làn điệu cổ và khó. Khó, ngay cả trong mấy câu "lẩy Kiều" đơn sơ tưởng như là quá dễ :
Cánh
cò trắng tóc ưu tư
Cong cong bông
lúa cúi như lưng người.
…
Mây
trôi nhờ gió của trời
Là ta
ta hát những lời của ta...
Âm nhạc là sợi dây thần kinh, câu hát thổi linh hồn vào điệu múa.
Bao đời một nắng hai sương
Bộ gõ phát lôi, thôi thúc nhịp trống trận.
Mười bốn " nữ diễn viên bậc cụ " đột ngột xuất thần. Thoắt đi. Thoắt chạy. Thoắt đứng. Động tác múa biến hoá, phức tạp.
Trang phục biểu tượng được thay bằng trang phục thường ngày. Áo cánh trắng. Quần đen. Con người ảo trở về con người thực. Vừa giống nhau, vừa khác nhau. Cao. Thấp. Mập. Gầy. Răng đen. Tóc vấn. Chân đất. Không hoá trang. Không bán chút son phấn. Nôm na sân khấn chiếu cói. Ba mươi chiếu cói trắng Đoàn mang từ Việt Nam, khâu liền thành một chiếu chèo lớn.
Tôi rưng rưng nhận diện từng người cụ thể với những cái tên rất chi là trừu tượng :
Vin
– Răm
– Thơi –
Thớp –
Mắm – Canh
– Cát
Lữu
– Bé –
Rược –
Riu – Kết
– Tưởng
– Xuân
Hai câu thất ngôn thuộc trường phái cực tắc tị ấy, tôi đã chép vào lòng từ hồi ở Quỳnh Phụ, tháng 3 năm ngoái, khi viết giùm các bà những bản khai lý lịch và đơn xin xuất ngoại lần đầu.
Hoàn cảnh gia đình các bà, không nói ra thì chả ai biết. Bà Trịnh Thị Răm có chồng hy sinh năm 29 tuổi (thời chống Pháp), con trai một hy sinh năm 25 tuổi (thời chống Mỹ), ba cháu ngoại hiện vẫn tại ngũ.
Bà Bùi Thị Rược – nữ chiến sĩ pháo binh từ 1950 đến ngày hoà bình (1954), hội viên Hội cựu chiến binh.
Bà Nguyễn Thị Riu từng đứng trong đội ngũ " chị em du kích Thái Bình, ca lô đội lệch vữa xinh vừa giòn, người ta nhắc chuyện chồng con, lắc đầu nguây nguẩy : em còn đánh Tây " (Ca dao kháng chiến).
…
Hầu như ai cũng có người thân chết đói trong nạn đói Ất Dậu (1945). Hầu hết, đều có chồng hoặc con là bộ đội. thương binh, liệt sĩ. Nghề nghiệp chuyên môn : làm ruộng, làm ruộng và làm ruộng... Tất cả cùng can tội đông con, ít nhất ba, nhiều nhất chín. Bà Nguyễn Thị Vin, 77 tuổi, có đông cháu chắt nhất : " Khoảng ba mươi đứa " !
Không ai là diễn viên chuyên nghiệp. Thời trẻ, các bà tham gia ca múa hội làng. Những bài hát xưa, những điệu múa cổ ngủ yên lâu rồi trong những cơ thể đã đi qua thời con gái quá xa rồi, nay đột nhiên được đánh thức dậy. Người đánh thức, không ai khác, là Nguyễn Thuỷ Ea Sola mà các bà quen gọi trìu mến : " Cô giáo Thuỷ ".
*
Lúc này, tôi thầm hỏi, các bà đang múa đấy ư, hay là đang trình bày chính cuộc đời họ ?
Bao
đời một nắng hai sương
Chìm
nổi con đường lặn lội
bước chân.
...
Nước
mắt là nước mắt sa
Dòng nước
mắt lượn như là dòng sông
…
Cánh
đồng mặn muối mồ hôi
Cây
lúa đội trời đạp
đất đứng
lên
(Khúc hát cánh đồng)
Những gương mặt người mẹ khắc khổ mà cương nghị. Những lòng bàn tay trắng chìa ra. Những lòng bàn chân xác chìa ra. (Tôi ớn lạnh, lần đầu nhìn thấy hình tượng táo tợn đến thế trên sân khấu : các bà quì sấp bái lạy tổ tiên, đồng loạt chìa tất cả lòng bàn chân về phía khán giả).
Những nụ cười tiêu tốn nhiều nước mắt.
Và ảnh chân dung những con gái, con trai hy sinh trong chiến tranh, các bà rút từ túi áo cánh trắng, chìa ra, ấn thẳng và mạnh, đóng dấu vào ký ức người đối diện.
Múa. Không múa. Múa như không múa...
Khi khoan thai. Khi ào ạt. Khi lặng im. Mạnh mẽ, dẻo dai và đẹp đến không ngờ, các diễn viên lão nông của chúng ta kéo liền một mạch cuộc thôi miên đầy cảm hứng nghệ thuật suốt 75 phút diễn.
Múa không cần phiên dịch. Ngôn ngữ cơ thể truyền thẳng tới cơ thể. Khoảng lặng im cũng cuồn cuộn cảm ứng. Lặng im ở đây có tiếng nói và âm nhạc riêng của nó, ru cả khối người đầy ứ nhà hát im phăng phắc, im dằng dặc...
Luân
hồi Hạn hán với Cơn mưa
Nhân
định thắng thiên tâm đã
niệm
Còn người còn thắm nước non xưa...
(Khúc hát Vĩ Thanh)
Bao nhiêu người vừa nước mắt long lanh vừa vỗ tay cuồng nhiệt, khi vở múa kết thúc bằng Khúc hát Vĩ Thanh và những bức vẽ truyền thần các danh nhân nước Việt lửng lơ rơi xuống từ trời. Át cả tiếng trống ếch tưng bừng của chú bé chăn trâu Nguyễn Quang Đạt, tiếng pháo tay nổ rạp, từng đợt, từng đợt, lại từng đợt. Ba phút. Năm phút...
Hình như chỉ còn mỗi một tôi ngồi lặng im, đực mặt.
Thao thức
Về khách sạn, 2 giờ sáng ngày 21.5. Tôi ở chung phòng với nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Minh Nhương (Đoàn chèo Thái Bình), một cây nhị thần sầu trong quốc gia chèo, trong cả thế giới chèo. Thấm mỏi và thấm rượu champagne, tôi lăn quay ra giường, chắc mẩm đánh một giấc, sáng dậy sớm. Chập chờn tiếng vỗ tay xối xả mưa rào quấy rối mộng mị. Leng keng tiếng va chạm gì đó. Anh Minh Nhương đang thu xếp hành trang cho chuyến đi sắp tới. Tôi uể oải dậy, rít một hơi điếu cày đã đời. Vẫn chập chờn tiếng vỗ tay đảo điên cơn say thuốc lào.
" Này, tôi hỏi anh Nhương, ở những nơi khác, người ta có vỗ tay tợn như đây không ? ". " Còn tợn hơn ấy. ờ Bờ-rúc-xen, ở Trung tâm Pông-pi-đu, nhà hát lớn hơn, người đông hơn, vỗ tay động trời hơn đây nhiều. Tụi tôi chào xong, lại phải ra, chào nữa, chào mãi, chào đến cả chục lần. Vỗ tay đủ các kiểu, rào rào có, rầm rập có, đứng dựng cả dậy mà vỗ tay. Có khi đến mười phút, đến lúc bà con ta mệt quá, không ra chào nữa, mới thôi ".
*
Chập chờn tiếng nổ champagne đôm đốp. Tiếng chạm ly lanh canh. Tiếng cười nói chúc tụng. Tiệc tiếp tân, cũng là tiệc tiễn đoàn sau đêm diễn, do ông già râu bạc Michel Caserta làm chủ xị.
" Xin mời các quí bà... vì thành công lớn, vì sức khoẻ..."
" Chúng em không uống rượu đâu, một bà nói, chỉ uống cô-ca thôi". Xin cụng ly tượng trưng vậy ". " Nếm tí tẹo cũng được một bà khác đỡ lời, nhưng chỉ nhấp môi thôi đấy ".
Một bà Tây trang sức sang trọng : " Cảm ơn rất nhiều. Các bà vừa cho tôi thấy thế nào là cuộc đời dũng cảm của người mẹ Việt Nam. Đêm nay, tôi nhận được, từ các bà, nhiều cảm xúc phức tạp, rất mới, rất mạnh, tập hợp lại là rất Đẹp. Cái Đẹp mà tôi sẽ giữ gìn nó trong tim như một thứ thuốc trợ lực "
Một ông Tây, nói qua lời người bạn Việt của ông : " Tôi đã nhiều lần nghe âm nhạc Việt Nam, nhưng lần này mới đúng là nghe âm nhạc Việt Nam ".
Ông già Caserta còn nói thêm nhiều điều. Tôi thao thức một câu : " Cao hơn một vở diễn, Hạn hán và Cơn mưa là tâm hồn con người " – vừa nói, ông vừa giơ ngón tay cái về phía Eo Sola – Thuỷ.
*
Tôi gọi Thuỷ bằng em, ngôi thứ được xác lập ngay từ lần đầu gặp mặt – tháng 9 năm 1994. Trước đó ít lâu, em gọi tôi từ Paris, vào khoảng giữa đêm Sài Gòn. Em nói về công việc của mình và mời tôi viết ca từ cho các bài hát theo làn điệu chèo, trong một vở múa đồng quê mà em sắp dàn dựng...
Không thể hiểu nổi về một tác phẩm trời ơi đang còn lửng lơ mơ hồ trên đường sóng viễn thông, lại chả biết chi về chèo với chống, tôi lựa lời từ chối. Em lại gọi, vào một đêm khuya khác. Ba lần gọi. Cả ba lần tôi từ chối.
Rồi gặp, nghe em giãi bày câu chuyện của Hạn hán và Cơn mưa – bằng thuyết trình, bằng văn bản, hình ảnh – đi cùng em một chuyến đò đầy, tìm gặp các diễn viên tương lai trong vở múa, tôi dần hiểu em lẫn công việc của em, càng hiểu càng ngạc nhiên, kính nể.
Cha mẹ em (ông người Việt, bà người Hung - Ba Lan) lấy nhau tại Pháp và cùng nhau về Việt Nam, sống ở Tây Nguyên: Em sinh ra trong rừng, tuổi thơ đầm đìa cỏ cây – hoa lá – khe suối – chim muông... âm nhạc dại và múa hoang nhập vào em như ma nhập, từ lúc nào không hay.
Trước 1975, em theo mẹ sang Pháp, ở hẳn Paris từ năm 14 tuổi. Tự sống. Tự học múa. Cùng bạn bè lập ra những ban múa ngẫu hứng, múa rong chơi, rồi tham dự các liên hoan Múa của Pháp và châu Âu.
Không thấy Việt Nam đâu, trên sân khấu nhà nghề quốc tế. Tại sao không ? Được nhận học bổng nghệ thuật, em từng đi nghiên cứu múa dân gian tại nhiều xứ sở – ở với thổ dân châu Úc, với người lùn Pygmée châu Phi, người Esquimau vùng băng giá Bắc cực... Mỗi nơi có một giá trị riêng, lực hấp dẫn riêng. Cuối cùng em chọn Việt Nam, tìm đường về với chèo – một nghệ thuật cội nguồn có nghìn năm tuổi.
Ba năm (1991 - 1994) đầy ắp kỉ niệm đa chiều, em đi làm nghệ thuật chẳng khác gì đi thám hiểm. Gặp các nhà chức trách xin làm việc không công cho văn hoá Việt Nam. Gặp nhiều văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật và đặc biệt là chèo... Học hỏi, tìm kiếm một lối đi khám phá miền chèo cổ. Từ chối khu vực chèo thành thị, em lùng sục các lễ hội, lặn lội làng này sang làng nọ – Nam Hà, Hà Bắc, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hải Hưng... và dừng lại Thái Bình.
Người thương, người giúp có nhiều. Người cản trở, người gây khó cũng có. Có người bảo em là con điên. Có nơi bắt giữ em vì... tình nghi gián điệp ! Thân gái dặm trường lắm nỗi éo le. Em chấp nhận mọi gian nan, thậm chí phải trả giá, vì một nỗi đam mê nghệ thuật cuồng nhiệt cao hơn chính bản thân mình.
Tắm nước ao. ở nhà lá. Em cùng ăn cùng ngủ với các bà lão nông cổ lai hy – hấp thụ tinh thần văn hoá làng để đẻ ra cái kịch bản vở múa. Và mò mẫm từng làng tìm người múa.
Lại phải loay hoay xoay tiền dựng vở. Tiền ăn – tiền ở tiền bồi dưỡng luyện tập. Tiền trang phục – thiết kế mĩ thuật – thiết bị âm thanh, ánh sáng. Tiền tàu xe – tiền điện thoại – fax. Tiền vé tàu bay đi diễn – bảo hiểm ở nước ngoài – thuê các chuyên viên kĩ thuật sân khấu. Hàng trăm bức vẽ truyền thần – hàng trăm thứ bà rằn khác... Hai bàn tay trắng hoang mang mò trong không khí tìm đồng tiền khổng lồ.
Chỉ còn trông chờ vào nguồn tài trợ giao lưu văn hoá quốc tế, các nhà hát hào hiệp, và các liên hoan nghệ thuật châu Âu. Tất bật những chuyến du thuyết cơ cực. Lận đận Pháp – Bỉ – Thuỵ Sĩ – Đức... " Em tự biết mình đã kiệt sức, nhưng không được phép ngã bệnh. Những khó khăn không thể tưởng tượng nổi, chúng bắt em phải tranh đấu đến cùng. Em phải thắng. Hạn hán và Cơn mưa phải sống... ", em thốt lên như vậy, trong lá thư gửi cho tôi, viết vội trên chuyến tàu đêm từ Thuỵ Sĩ trở về Pháp (tháng chạp năm 1994). Tôi hình dung em già đi nghìn năm – một lão nông tối cổ đang mò cua bắt ốc khắp chân mây cuối trời để nuôi dưỡng giấc mơ đương đại
Bởi
thế tôi đi tìm lại dấu
xưa
Phận người điêu
đứng (mà) vẫn tấm thân
sắt son đi tìm
Cái bóng
hình... ai thấy nó đâu không...
(Khúc hát Người Vô Danh)
Em đã vắt hết mình làm cơn mưa trên cánh đồng hạn hán, vực dậy một mùa màng vinh quang không phải cho riêng em. Hạn hán và Cơn mưa là thành công chưa từng có của sân khấu xứ ta trên đấu trường quốc tế. Và, theo nhà báo Nguyễn Thuỵ Kha – trong bài viết đăng trên tờ Thanh Niên Thời Đại tháng 5.1995 : " là một ấn tượng văn nghệ lớn nhất thế kỷ của Việt Nam ".
Đêm nay, em có quyền ngủ ngon. Nhưng chắc rằng, cũng như tôi, như mọi người ở đây, em không thể không thao thức...
Số phận của những số phận
Hình như tôi nằm mơ, một giấc mơ thần tiên : Hạn hán và Cơn mưa đang diễn ở Việt Nam !
Đợt lưu diễn trong mơ này, lẽ ra đã trở thành hiện thực từ tháng Tư vừa rồi. Nơi diễn đã sắp xếp : Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội – Thái Bình. Báo chí đã loan tin. Chương trình và giấy mời đã in. Diễn viên sẵn sàng lên sân khấu... Bỗng, dừng lại !
Dừng lại vì không đủ tiền tổ chức biểu diễn. Theo tính toán của Đoàn, kinh phí còn thiếu khoảng ba trăm triệu đồng Việt Nam (chi tiêu chủ yếu vào vé tàu bay – thuê nhà hát – thiết bị sân khấu – ăn ở, cho những người trong nước, và một phần cho 5 chuyên gia sân khấu từ Pháp sang). Một ngân khoản tương đương giá một xe du lịch Mazda lắp ráp ở trong nước – hoặc tương đương những bữa tiệc nào đó.
Dù đã có hơn ba chục bài báo ta viết về vở múa này và tác giả của nó, song, phần nhiều trong số đó được viết dựa theo lời kể hoặc theo báo chí nước ngoài. Một số ít thực sự được viết bằng trực cảm của tác giả qua xem buổi biểu diễn báo cáo duy nhất (2.5.1995) trước khi Đoàn ra nước ngoài lần đầu.
Đầu tháng 5 năm nay, có thêm hai buổi diễn – một báo cáo lãnh đạo Bộ văn hoá - thông tin, một báo cáo chính quyền tỉnh Thái Bình. Công chúng yêu chuộng nghệ thuật vẫn chỉ " nghe nói " mà chưa " nhìn thấy " một vở diễn thật đáng ngắm và nghĩ.
Trước hôm rời Hà Nội, tình cờ tôi gặp mấy người bạn văn chương nổi tiếng, nơi quán nhậu bờ hè. Một ông chân thành " cưa " với tôi ly rượu Tây Môn Khánh : " Đi với các em chèo làm mưa sướng nhé. Toàn thôn nữ măng non, tha hồ mà quờ quạng... ". Thì ra, ông lầm tưởng Hạn hán và Cơn mưa là vở mới của Đoàn chèo Thái Bình đang trẻ hoá.
Tiếc quá – một thành tựu to lớn của sân khấu nước nhà, dân Tây biết, dân ta thì... chưa biết.
Nguồn tài trợ giao lưu văn hoá quốc tế đã, đang, và còn tiếp tốn kém những chi phí không nhỏ để đưa Hạn hán và Cơn mưa qua các châu lục và qua hàng chục quốc gia (riêng 1996 : Pháp, Mỹ, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Thuỵ Điển, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, áo). Hy vọng dân ta, nhà nước ta, ưu ái lo cho Hạn hán và Cơn mưa – một đứa con nghệ thuật của dân tộc mình, thoải mái hành hương trên đất nước mình.
Tôi... hy vọng, và hình như đang mơ...
*
Lại chập chờn tiếng lịch kịch, lục cục từ các phòng bên, từ ngoài hành lang khách sạn. Tiếng gõ cửa cộc cộc. " Dậy thôi, bác Đỗ Tùng gọi, cho tôi xin cái chảo đê đóng gói ".
Anh Minh Nhương cũng đang đóng gói. Bát – đĩa – nồi – bếp – ấm – chén – chai – lọ – trà – thuốc – mắm – muối – hành – tỏi – tiêu – ớt – gạo – miến – bột canh – ruốc bông – tăm xỉa răng... Bà con đều đang đóng gói, hệt cái hồi đi dân công. " Không ăn được cơm Tây, phải nấu cơm ta thôi ". Và tiết kiệm nữa chứ !
Đoàn đi dự liên hoan nghệ thuật, không kinh doanh. Và không thể kinh doanh. Riêng vé bay khứ hồi Hà Nội - Paris - Hà Nội 35 000 USD. Tiền khách sạn... Tiền ăn... Tiền quảng cáo... Tiền tổ chức biểu diễn... Tiền bán vé (trung bình 10 USD l vé) chỉ đủ chi phí cho chính buổi diễn : thuê nhà hát, thiết bị kĩ thuật, trang trí sân khấu, thù lao bảo vệ và tạp dịch... Ban tổ chức liên hoan bao thầu toàn bộ, nhờ vào nguồn tài trợ mà họ tìm được. Đoàn chỉ đến, ở, diễn, rồi đi, nhận thù lao tượng trưng từng suất diễn một. Đâu cũng vậy. Vậy mà, nhiều người ở quê lầm tưởng bà con đi " hốt bạc ". Đi làm văn hoá, vậy thôi.
" Năm ngoái ở Đức, bà Rược kể, người ta không phát tiền ăn. Bữa ăn họ dọn sẵn, to như tiệc ở nhà. Nhưng không ai ăn được, toàn bơ sữa, phó-mát, với cái mùi gì ghê lắm: ờ Bỉ, chúng tôi phải tự nấu ăn. Người ta đi chợ, chở về các thứ mình cần, để mình nấu. Về Pháp, chúng tôi được phát tiền, tự đi chợ, tự nấu, ngon hơn, lại để dành được tí quà cho ông cháu và các cháu... ".
Giá Paris, một bát phở : 40 F (qui ra 8 USD). Một ổ bánh mì kẹp thịt : 20 F (4 USD). Một đĩa cơm, tuỳ theo món ăn đi kèm : 40-50 F (8-l0 USD). Một bữa cơm Việt Nam cỡ bình dân có thêm một chai bia : 100 F (20 USD)/mỗi suất – qui ra thóc thì mỗi bữa hốc hết một tạ. Hãi quá. Tiền ăn cho Đoàn tại Pháp : 100 F / một người / một ngày – nếu ăn quán, 2 đĩa cơm thòm thèm, cộng một ly nước ngọt. Nếu tự nấu, no và ngon, và dư chút đỉnh.
Gia vị Việt Nam, lo đủ cho chuyến đi. Gạo nhà mang theo được càng nhiều càng tốt, thiếu đâu mua đó – gạo quốc tế. Nồi cơm điện, chảo điện – Trung Quốc. Bếp điện – Nga. Đến bữa, phòng phòng nấu ăn, người người nấu ăn. Hôm Đoàn vừa tới, cầu giao chính nổ tách, cả khách sạn mất điện. Rút kinh nghiệm, luân phiên mà " nổi lửa ".
Đêm nay, ai cũng thao thức. " Đến Mỹ, quyết diễn cho thật oanh liệt. Phải thắng lớn. Dù khó khăn thế nào, nhất định chị em chúng tôi phải thắng lớn !... " Dù rằng, vẫn canh cánh một nỗi lo, mấy bà cùng hỏi tôi : " Ở Mỹ, điện trăm mười hay hai trăm hai, hở bác ? "
Cánh cò vượt Đại Tây Dương
Cánh cò dân ca từ đồng quê Thái Bình đã nhiều lần bay cao qua bầu trời châu Á, châu Âu – cùng với những người thân của nó, những bà Vin, bà Rược, bà Riu, bà Thớp, bà Thơi...
Trên chuyến Boeing 747 của Air France (Hà Nội – Paris, ngày 15.5.96) tôi lặng nhìn và nghe được, bao nhiêu là tiếng nói không lời đầy ý nghĩa, vọng thầm tự những động tác thông thường tưởng như vô nghĩa của các bà : đi lại thoải mái – sử dụng thành thạo dây an toàn – ngả và dựng lưng ghế – mở và gập bàn ăn – tự tìm chọn nước uống – ra vào toa- lét tự nhiên.
Mới hôm nào, các bà đi tập múa như đi lội ruộng. Mưa dầm. Rét. Nón áo le te. Quần xắn cao bàn chân trần ngập bùn. Một chú choai thị trấn Quỳnh Phụ nhăn nhở diễu cợt : " Bà lão sắp đi Tây ơi, học được tiếng Tây nào chưa ? " Một bà đốp liền : " Bà mày vừa học được tiếng toa-lét... "
Nói cho nghiêm túc, cái chữ Tây đó, các bà học được ở cô giáo Thuỷ. Dạy múa đã đành, cô còn dạy cả cách đi đứng trên đường phố, cách sử dụng nhà vệ sinh, vòi nước nóng lạnh, cách ăn mặc đẹp hợp với lứa tuổi. Quần áo, giày dép, túi xách du lịch... cũng do cô mua cho, chọn màu, chọn cỡ hợp với từng người. Cách sinh hoạt trên tàu bay, cũng cô giáo Thuỷ dạy, bây giờ thì các bà thuộc rồi, quen rồi.
Chỉ một thứ gặp hoài trên tàu bay mà không thể nào quen : cơm Tây ! Thịt gì nhạt thếch. Bánh gì dai ngoách. Bơ hôi. Phó-mát chỉnh chỉnh. Với mùi gì ghê ghê... Các bà nếm qua rồi bỏ, rồi đồng loạt lấy từ trong tay nải ra, những thứ làm cho tôi trố mắt : cơm nắm, muối vừng, trứng luộc – thức ăn đường quen thuộc bao đời nay của người đi xa. " Mời bác xơi quà nhà quê ạ ". Trời ơi, tôi hau háu mong một lời mời như thế. Đột ngột quà tặng của Thượng Đế, miếng cơm muối vừng nhớ đời, giữa trời – cách mặt đất mười ngàn mét và đang xẹt qua Ấn Độ Dương 850 km/giờ.
Tôi chưa dứt cơn ngẩn ngơ thả hồn vào tứ thơ cơm nắm, các bà đã đồng loạt co cả hai cẳng lên ghế từ lúc nào, ngả lưng, nghẹo đầu, và du dương vài điệu khò trầm bổng.
Lại thêm một ghi nhận thú vị : tính tập thể của các bà rất cao. Hầu như cùng tỉnh giấc lúc tàu bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Charles de Gaulle, đồng loạt cài dây an toàn, bấm nút dựng đứng lưng ghế. Tàu bay chạy chậm dần trên đường băng, một bà nhắc mọi bà : " Chờ cho tàu bay họ rồi hãy cởi dây, nhá ". Cô giáo Thuỷ hỏi tôi : " Em chưa hiểu, tiếng họ nghĩa gì ? ". " Họ là tiếng người đi cày ra lệnh cho trâu bò dừng lại – một động từ chỉ dành riêng cho trâu bò ". Em cười ngất, trên tàu bay lại học thêm được một từ mới, một mệnh lệnh của người đi cày.
*
Tám giờ sáng 21 tháng 5, bà con lục tục xuống đường chờ xe đi sân bay Orly Sud. Chuyến đi Mỹ đầu tiên không thể không hồi hộp, âu lo những trắc trở bất ngờ.
Nghe nói Hải quan Mỹ rất khắt khe. Nhạc cụ và trang phục biểu diễn đóng thùng, họ bắt khai ra giấy từng thứ một, từng bức vẽ truyền thần, con dao, cái kìm, cây búa. Lại nghe nói họ không cho mang thức ăn vào Mỹ. " Bỏ mẹ, lại cơm tây à ? ". " Thực phẩm khô, ai nỡ cấm ". " Nhưng còn ruốc, nước mắm, ngửi thấy hơi, họ vứt đấy ". " Mặc kệ, lúc đó hãy vứt"... Đủ điều bàn tàn thắc thỏm.
Thắc thỏm như hôm rồi, đi làm visa nhập cảnh vào Mỹ. Cả Đoàn đã được nhắc nhở, ai có đồ vật bằng kim loại hãy để lại phòng. Vậy mà khi vào cửa sứ quán Mỹ tại Paris, từng người một vẫn bị bắt đứng giơ tay cho " máy dò mìn " rà xét. " Trong người chúng tôi chỉ có thịt với xương thôi, không có sắt với đồng đâu ". " Ở nhà mình đâu có vậy, nhỉ " ...
Giấy tờ xong cả rồi, lúc này lại thắc thỏm chuyện bay. " Nghe nói phải bay qua biển gì rộng lắm, hở bác ? ". " Biển Đại Tây Dương, rộng như Biển Đông ở nhà ta ". " Bay bao nhiêu lâu hở bác ". " Chín mười tiếng đồng hồ gì đó ". " Nói dại, liệu có khi nào nó hết xăng ngoài biển không, hở bác ". " Làm gì có chuyện đó. Mà chẳng may lỡ có, thì các cụ cứ vẫy cánh con cò bay lả bay la mà bay tiếp, sợ gì ". Cười...
*
Trời Paris se lạnh. Mặt đường ươn ướt mưa bụi, giờ này còn lưa thưa bóng người. Tôi run run đứng bên hè phố vắng, cảm hết nỗi cô đơn tái tê chạy dọc ống xương sống. Tiếc thay, tôi không thể đi cùng Đoàn, để chứng kiến những bà mẹ anh hùng trong Hạn hán và Cơn mưa tung hoành trên đất Mỹ. Thiết nghĩ " các vệ sĩ của truyền thống " không quân-hàm quân-hiệu này đang mang nặng trên vai, âm thầm, cả sứ mạng của một nền văn hoá dân tộc.
Một đạo quân nông dân chính hiệu đi chinh phục tâm hồn người tứ xứ, vẫn lỉnh kỉnh hành trang những nồi, chảo, gạo, muối, lương khô... như lính trận năm nào đi chiến dịch. Tôi thầm gửi theo họ lời cầu chúc chiến thắng.
Lặng im nước mắt hai hàng...
Rue du Roi de Sicile, Paris, tháng 5.1996
Nguyễn Duy
D. Đ. : Hình minh hoạ không có trong báo giấy.
Các thao tác trên Tài liệu