Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 56 / Chúng ta có mất ?

Chúng ta có mất ?

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:52, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:52
Nếu chính quyền, nếu báo chí, trong cũng như ngoài nước, không ai chịu nhận lấy phần trách nhiệm của mình thì kích thước công dân Việt Nam cứ teo đi, quắt lại, tịt mất. Mất đi cái muôn màu muôn sắc trong sức cạnh tranh, mất đi trăm phương nghìn kế ngăn chặn từ trong trứng nước các quan hệ, các cấu trúc xã hội tai hại, không để chúng trở nên bền vững như những thành trì.

 

Chúng ta có đang
mất cái gì không nhỉ ?

 
bùi mộng hùng

   
Phơi phới những con số, 1991 6,0%, 1992 8,6%, 1993 8,1%, 1994 8,8%, 1995 9,5%, tỷ số gia tăng tổng sản lượng quốc nội GDP mỗi năm mỗi đều đặn tiếp tục, và dự trù cứ như thế mà tiếp tục cho đến chân trời 2000. Như mưa. Mưa vàng. Nếu không vàng thì cũng là xanh, màu xanh của tờ đôla. Ai cũng thấy được. Nếu không thấy nó phơi phới rơi vào túi mình thì ít ra cũng được chứng kiến nó đang rơi vào bị người bên cạnh.

Nó thúc giục, mạnh ai nấy lo lăn vào chớp lấy phần mình. Và đời sống hàng ngày dễ chịu hẳn lên. Hầu như cho mọi người. Chuyện thật đáng mừng.

   

Mầm lo trong nỗi mừng

 
Trong cái mừng được cởi trói, thoải mái mà làm giàu, chúng ta cư xử cứ như rằng làm giàu đi, rồi mọi cái khác tự dưng sẽ đến với chúng ta. Như chuyện tất yếu.

Như rằng phát triển kinh tế là thang thuốc thần hiệu cho tất cả mọi vấn đề của chúng ta. Đúng thì cũng có cái phần đúng của nó. Quên bẵng mất rằng đó chỉ là một nửa sự thật.

Nửa kia là phương thức phát triển kinh tế hiện nay tự nó sản sinh ra hàng loạt vấn đề : khắp nơi xã hội rạn nứt, môi sinh địa cầu tan hoang...

Không nhìn vào mặt ấy thì quên mất rằng từ đợt đầu khủng hoảng tới nay, trong hai thập kỷ vừa qua, tổng sản lượng quốc nội một nước như nước Pháp đã tăng 70%. Nhưng nạn thất nghiệp cũng đã tăng lên gấp bốn lần. Người người lòng nặng trĩu tâm tư âu lo. Tương lai giới trẻ mù mịt, bế tắc. Xã hội hoang mang, không ổn. Cái hố ngăn cách công dân với công dân đã sâu lại sâu thêm, rộng ra.

Nhìn lại ta, có khác gì. Xã hội cũng đang nứt nở.

Đèo thêm câu hỏi canh cánh cho một nước chậm tiến : phát triển có bền lâu được không, hay chỉ là lửa rơm, bùng lên rồi tàn lụi ? Mà hai mặt, xã hội – phát triển kinh tế, nào có độc lập ; chúng gắn bó hữu cơ với nhau...

Câu hỏi lại đặt ra, sớm và gay gắt, dầu sôi lửa bỏng một cách không ngờ cho nhiều nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam ta.

Mới năm 1995 vừa qua đây tỷ số xuất khẩu của cả khu vực tăng 17%. Đầu năm nay 1996 bỗng nhiên khựng lại.

Thái Lan láng giềng ta tỷ số xuất khẩu bay mất đi ba phần tư. Từ 24% năm 1995, sáu tháng đầu 1996 còn 6%. Trong khi con số dự kiến chính thức là 17%.

Suốt thập kỷ vừa qua tổng sản lượng quốc nội Thái Lan tăng đều, mỗi năm trên 8%. Năm nay lần đầu tiên tỷ số sẽ tụt xuống dưới 7%. Phải chăng đây là khởi đầu cho giai đoạn chựng lại ?

Nguyên do có phần của thời cơ. Nhưng không phải chỉ là thời cơ. Mà cũng từ cấu trúc : hàng xuất khẩu Thái Lan phần lớn là sản phẩm công nghiệp nhân công rẻ. Vì đó, sức cạnh tranh của Thái Lan tương đối kém ngay đi khi các nền kinh tế mới, Việt Nam, Bangladesh, Philippin, nhân công còn rẻ mạt hơn, đồng loạt gia nhập thị trường khu vực .

Điều làm Thái Lan, làm Mã Lai lo ngại hôm nay là tiếng chuông nhắc nhở một sự kiện : Kinh tế cậy vào nhân công rẻ sẽ tan như ảo ảnh. Nếu không ý thức sâu sắc rằng giai đoạn xuất khẩu sản phẩm của lao lực thô sơ chỉ có thể là một giai đoạn nhất thời cho phát triển.

Xuất khẩu các mặt hàng có ít giá trị gia tăng chỉ có ý nghĩa về lâu về dài nếu nhanh chóng chuyển được thành quả vào đầu tư, để tăng năng suất, thêm giá trị gia tăng vào hàng xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế quốc dân. Và, chờ đợi trong trung hạn tạo dựng nên một thị trường nội địa tiếp sức cho xuất khẩu.

Sức cạnh tranh, thị trường nội địa : hai vấn đề sống còn cho Việt Nam.

   

Rạn nứt xã hội và phát triển bền lâu

 
Trong xã hội ta hôm nay, một sự kiện cứng đầu ngăn trở sự hình thành một thị trường nội địa có sức vóc : kinh tế cứ phát triển, sản xuất lúa gạo cứ gia tăng, người nông dân đổ mồ hôi sót con mắt làm ra hạt gạo, nghèo cứ hoàn nghèo.

Nhu cầu tối thiểu cũng chưa đạt : nếu căn cứ trên con số 2 100 calo / ngày / người là tối thiểu thì 57% người sống ở nông thôn thuộc diện nghèo, tay làm được bao nhiêu may ra thì vừa đủ cho hàm nhai, không còn đâu để dành dụm đầu tư (Ngân hàng thế giới, 1994). Mà nào phải là một nhóm người ít ỏi cho cam. Khác với Nhật, với Pháp, nông dân ta là bộ phận đông nhất của xã hội. Tính đến năm 1993, trong cả nước có trên 10 triệu hộ nông dân.

Nhưng đây mới là một mặt của vấn đề. Mặt khác là hố cách biệt giữa thành thị và nông thôn cứ sâu hơn, rộng ra.

Thu nhập của người sống ở nông thôn đã thấp, tròm trèm một nửa (51%) thu nhập người thị thành. Làm nghề nông lại còn thấp hơn nữa, chưa bằng phân nửa (47%) người cũng sống ở nông thôn nhưng theo nghề khác.

Gần đây, nhà nước đã có những biện pháp phát triển nông thôn cụ thể hơn trước. Ngân hàng nông nghiệp đã đi vào tận làng xóm, cho vay vốn sản xuất. Nhưng vay được thường là nông dân khá giả. Còn đa số hộ nghèo tự cấp tự túc vẫn chưa với tới vốn mượn ngân hàng.

Chưa thấy đâu là lối ra cho một bộ phận lớn của xã hội. Cả một mảng lớn còn thiếu sức sản xuất. Vì thế không sức tiêu thụ và đương nhiên bị loại. Sống tự cấp tự túc, bên ngoài lề thị trường kinh tế. Riêng một sự kiện đó đã là gãy mất một động cơ cho phát triển.

Ấy là chưa bàn tới công bằng xã hội. Chỉ mới tính đến một điều kiện căn bản cho phát triển kinh tế bền lâu.

 

Sức cạnh tranh và yếu tố “ nội sinh ”

 
Ấy là mới dùng đến cái nhìn duy kinh tế hẹp hòi. Chưa tính đến các mối quan hệ liên đới, hỗ tương trong trao đổi xã hội vốn là nhân duyên của cái mà các nhà kinh tế gọi là “ phát triển nội sinh ”.

Châm bẩm vào xuất khẩu, có những người trong chúng ta quên mất rằng nội lực của một nền kinh tế không đâu xa mà nằm ngay trong lòng đất nước, rằng phần cốt yếu không ở ngoài, mà chính ngay trong ta. Rằng sức cạnh tranh tuỳ thuộc trước hết vào điều kiện của chính thị trường nội địa.

Vì cạnh tranh là sáng tạo. Mà tính đặc trưng của sáng tạo nằm ngay trong tầm vóc của đất nước, trong nền văn hoá trên mảnh đất đó, trong cấu trúc của nền kinh tế quốc dân, trong thói quen, lề lối làm việc của những con người sinh sống nơi đấy, của thị hiếu tiêu thụ, cùng các phương tiện và tài năng động viên cho sáng tạo.

Thật ra, tính cách khác biệt chính là một yếu tố quyết định cho sức cạnh tranh. Cái khác người thúc đẩy mỗi chúng ta phát huy phần hay nhất của chính bản thân, của các khả năng, các chủ bài, các đặc trưng của mình. Vì thế mà trong khi hiện tượng kinh tế toàn cầu hoá đang gia tốc nhà chuyên gia nổi tiếng về chiến lược doanh nghiệp Michael Porter phải nhấn mạnh : “ Sự toàn cầu hoá, sự bãi bỏ các chế độ thuế quan bảo hộ cùng các kềm chế cạnh tranh khác làm tăng phần quan trọng cho vai trò của các quốc gia, các dân tộc ”.

Thiết bị sản xuất, hệ thống luật pháp, chính sách thuế khoá, tổ chức chính trị là những yếu tố quan trọng cho sức cạnh tranh. Nhưng nhìn cây chớ quên rừng, quên rằng quốc gia dân tộc là một tổng thể. Và cái đáng kể là sức cạnh tranh toàn diện do hiệu suất toàn bộ của các yếu tố sản xuất.

Trong cái tổng thể đó con người là một yếu tố sản xuất, nhưng đồng thời cũng là chất keo sơn, kết hợp và làm các yếu tố khác sống động. Cái “ con người làm nên lịch sử, bất kể dưới hình dạng và xu hướng nào của nó, khi đeo đuổi mục đích riêng của mình, một cách có ý thức, và chính là kết quả tổng hợp của vô vàn ý chí cá biệt tác động trong những hướng khác nhau ấy và những ảnh hưởng phong phú của chúng vào thế giới hiện thực cấu tạo nên lịch sử. ”.

Engels, tác giả câu này, nói tiếp theo ngay đó : “ Vậy, điều quan trọng trong vấn đề này chính là sở nguyện của đông đảo con người cá nhân. ” (1)

 

Và yếu tố con người công dân...

 
Chúng ta đã chứng kiến cái sức mạnh bạt núi lấp biển khi vô vàn con người Việt Nam không chịu cam phận giá áo túi cơm, tạm dẹp qua một bên những đòi hỏi riêng tư của cá nhân mình để hướng về một mục tiêu chung : độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Những con người Việt Nam trong cái thời buổi đất nước bị trị ấy, đã vươn lên khỏi áo cơm thường ngày, đem tâm huyết, đem cả tính mạng mình thực hiện ước mơ chung của dân tộc.

Vô hình trung, những con người ấy khi phải sống trong vòng nô lệ lại nghiễm nhiên đứng trong tư thế của người công dân. Làm nên trang sử hào hùng long trời lở đất.

Ngày hôm nay, Việt Nam độc lập và thống nhất. Người người bận lo chuyện miếng cơm manh áo, lo vợ lo con, lo cho cỗ ôtô sang, cho toà nhà lớn. Giàu lên thì có giàu lên, nhưng giàu cho cái cá nhân nhỏ bé.

Còn đâu cái kích thước con người tự nguyện đưa vai chia phần gánh vận mạng dân tộc. Còn đâu hào khí trong ánh mắt làm cho nhà quan sát người Nhật thời ấy không ngớt ngạc nhiên và thán phục khi viết hồi ký nhắc lại việc những con người áo vải, chân đất mà hiên ngang đứng lên giành lại tự do bị mất trong tay một cường quốc thực dân.

Đâu là tâm huyết của người công dân có ý thức, có quan niệm của cá nhân mình cho một tương lai chung. Trong khi tương lai chưa biết đi về đâu. Chỉ biết chắc được một điều, là nó bấp bênh, phức tạp.

Thách thức cho Việt Nam là tạo nên con người ngang tầm vóc với thách thức của thời cuộc.

Hiện Việt Nam quá thiếu đầu tư cho giáo dục đào tạo, nhiều nơi nhất là ở nông thôn người dân không đủ tiền cho con em đi học, trường ốc, giáo dục xuống cấp... Những vấn đề hệ trọng ấy, không bàn nơi đây.

Khuôn khổ hạn hẹp của bài báo chỉ cho phép đề cập khía cạnh không kém phần quan trọng mà chẳng mấy ai nói tới : sự thui chột của kích thước con người công dân. Cái kích thước phát huy phần hay nhất của mỗi người, làm cho người người vượt khỏi cá nhân của chính mình, góp phần vào sức mạnh chung của quốc gia, dân tộc. Cái kích thước không thể thiếu trước thách thức của cạnh tranh, của phát triển đang đặt ra cho chúng ta.

Sự thui chột của con người công dân hiện nay, trách nhiệm trước hết về chính quyền. Năm xưa, khi đất nước chưa hoàn toàn độc lập, tự đáy lòng, người dân xem chính quyền cách mạng trong bí mật với mình là một. Ngày nay chính quyền là chính quyền, dân đen có phận dân đen. Hai thế giới khác biệt.

Các nhà lãnh đạo, chính trị, hành chính, kinh tế ở về một thế giới riêng. Người dân đứng xa xa mà nhìn, không chút hy vọng tác động, dù là mảy may, vào hành động của giới cầm quyền, vào hướng đi chung của đất nước. Không còn thế nào khác hơn là làm người ngoài cuộc đứng xem. Nhà nước đề ra những biện pháp chính trị, hành chính, có thể là thích hợp với đòi hỏi của tình hình. Lý do của các biện pháp ấy, người dân không được biết, lâu dần rồi cũng chẳng muốn biết làm gì. Miễn là soi mói tìm chỗ sơ hở mà bòn rút cho mình, được chút nào hay chút ấy.

Chính quyền đã chẳng phải là mình, nghị quyết, quyết định mấy ông ấy ra chẳng hiểu để làm gì, thì đương nhiên là nghi kị. Nghi kị con người cầm quyền, nghi kị việc làm của họ. Phần mình cốt sao luồn lách, che đỡ, lui về cái không gian riêng tư cho được yên thân.

Không gian công cộng, việc chung, trở thành xa xôi như chuyện viển vông. Dự án cho tương lai chung là chuyện ngoài tai. Tan dần đi chất keo sơn của quốc gia, của dân tộc. Xã hội vỡ vụn ra những cá nhân. Chính vì thế mà việc cai trị trở nên khó khăn. Có phần khó hơn thời gian còn trong vòng bí mật, khi mà bộ máy chính quyền còn manh nha đơn sơ.

Tình thế có thể khả quan hơn nếu báo chí, nếu các cơ quan ngôn luận, làm được nhiệm vụ của chúng.

Quả là những năm gần đây báo chí trong nước đã có được tự do hơn xưa. Đã phanh phui, tố giác những vụ tham ô, nhũng lạm. Một việc hay.

Nhưng đọc báo, chuyện đập vào mắt người dân là cái nhầy nhụa nhớp nhúa của những con chiên ghẻ trong giới có quyền có chức. Là luật pháp còn quá nhiều sơ hở, thiếu sót. Là bộ máy hành chánh còn quá non nớt, bất lực.

Đó là vì thiếu hẳn phần thông tin đầy đủ, trung thực, đúng đắn về thực trạng, với những phức tạp của nó. Của tình hình quốc tế. Của xã hội, kinh tế đất nước. Ấy là vì báo chí không nêu lên được các vấn đề căn bản đang đặt ra cho đất nước, nghĩa là cho mọi người dân.

Không thấy đâu nêu lên được những khó khăn của các nhà lãnh đạo Việt Nam đang đi những nước cờ trọng hệ trong cuộc cờ thế giới. Được những gì, và phải thí những gì. Với những bấp bênh chưa định của cái thế giới đang hình thành. Không thấy đâu phân tích những hệ quả của các nước cờ ấy cho đất nước, cho dân tộc, cho mỗi con người Việt Nam.

Không thấy báo chí nào nêu lên được những trăn trở khi phải quyết định chọn một hướng phát triển cho đất nước. Cho là những trằn trọc ấy là của một nhà lãnh đạo, nó chẳng những không làm giảm tầm cỡ chính trị, mà trái lại nó tăng kích thước cận nhân tình của vị ấy.

Chưa hẳn là người dân đã thờ ơ với vấn đề lớn của đất nước. Ta được thấy, trong thời gian chuẩn bị đại hội Đảng cộng sản Việt Nam vừa qua, nhiều người lấy làm thích thú đọc những phương hướng chính trị kinh tế thủ tướng Võ Văn Kiệt đề ra trong bức thư gởi Bộ chính trị. Bức thư đến tay người dân chẳng do con đường các cơ quan thông tin. Mà là thư mật bị lọt ra ngoài. Có thể do ác ý đánh một đòn ngầm hại tác giả bức thư ấy. Và chuyền tay đọc vô hình trung là tiếp tay cho ác ý. Có thể là vậy.

Nhưng đó không phải là vấn đề lớn của người dân. Vấn đề là được nghe trình bày những hướng đi lớn của một tầm nhìn. Và những câu hỏi từ đó nảy ra : Tương quan giữa quốc doanh và tư doanh trong tình hình cụ thể của kinh tế Việt Nam, thế nào là phải ? Phát triển dựa vào xuất khẩu, và là xuất khẩu dầu khí. Đó là cái thế không làm khác được trong hiện trạng kinh tế đất nước ? Đã đành. Nhưng xuất khẩu rồi làm gì ? Làm sao, trên cái sức xuất khẩu ấy thúc đẩy nhịp độ hiện đại hoá nền kinh tế quốc dân mà không mất thế quân bình ? Xây dựng công nghiệp như thế nào cho hài hoà ? Làm sao đi qua cho trót lọt cái giai đoạn tế nhị bấp bênh gây dựng thị trường nội địa lớn dần tiếp sức cho thị trường xuất khẩu ?

Những vấn đề chẳng phải riêng của các nhà lãnh đạo. Vì vấn đề căn bản đặt ra cho đất nước cũng là những chuyện người công dân có quyền và có bổn phận được biết. Và mỗi vấn đề thường bao giờ cũng có nhiều giải pháp. Giải pháp nào cũng có mặt lợi mặt hại. Tranh luận và chỉ có tranh luận mới làm sáng tỏ vấn đề.

Chính trong những tranh luận đó mà tầm vóc người công dân mới lớn mạnh. Mới có nhìn bao quát toàn diện vấn đề để mà ý thức gánh phần trách nhiệm của mình. Không thấy đâu là những loại tranh luận ấy trên mặt báo chí.

Chỉ thấy – trên báo chí trong cũng như ngoài nước – thông tin bị cắt xén, có khi bị bóp méo cho xuôi theo một hướng, cái hướng “ phải đạo ” của một đảng, của một nhóm này hay nhóm khác. Ai ai cũng sẵn định kiến phải nghĩ như thế nào mới là đúng, thông tin, báo chí nhằm nhồi vào óc người nghe, người đọc những phán đoán đã vào khuôn. Hơn là chất vấn hiện thực. Nhằm tạo một dư luận theo ý mình hơn là thông tin làm cơ sở cho công dân tự mình độc lập mà suy nghĩ. Tầm nhìn đã định sẵn, lấy gì cho tâm trí rộng mở. Làm sao có được thái độ tinh thần cởi mở linh động để thích ứng với tình thế bấp bênh khó lường hiện nay.

Thái độ chung của cả báo chí trong và ngoài nước chứng tỏ là nguyên nhân rất sâu xa. Từ trong nhận định, trong thói suy nghĩ của chúng ta, từ truyến thống để lại.

Dù thế nào đi nữa, hệ quả là kích thước công dân trong con người Việt Nam không ngớt bị vạt đi. Và có phải đó là kẽ hở mà nội lực, mà sinh khí của dân tộc đang rò rỉ ?

Hai mươi năm đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, chưa thấy việc làm có ý thức, có hệ thống cho người công dân có được thông tin, nhận định, tri thức tương xứng với tầm vóc người dân một nước độc lập. Dù là từ chính quyền hay từ báo chí, trong cũng như ngoài nước.

Trong khi đó dù muốn dù không xã hội cứ thành hình. Thêm vững chắc, thêm cố định, kể cả những cấu trúc của rạn nứt xã hội. Cố định cả những cấu trúc bất công mà cũng là những cản trở cho sự phát triển bền lâu.

Trong truyền thống xã hội của ta, từ xa xưa không có chỗ cho vị trí người công dân. Đã đành. Nhưng đổ lỗi cho truyền thống, quá dễ.

Nếu chính quyền, nếu báo chí, trong cũng như ngoài nước, không ai chịu nhận lấy phần trách nhiệm của mình thì kích thước công dân Việt Nam cứ teo đi, quắt lại, tịt mất.

Mất đi cái muôn màu muôn sắc trong sức cạnh tranh, mất đi trăm phương nghìn kế ngăn chặn từ trong trứng nước các quan hệ, các cấu trúc xã hội tai hại, không để chúng trở nên bền vững như những thành trì. Lại phải một cuộc cách mạng máu xương nữa mới phá nổi.

Mà ta thì chẳng còn đủ sức lực cũng chẳng có thì giờ để lại làm cách mạng.

Chính vì vậy mà không khỏi khắc khoải tự hỏi : Chúng ta có đang đánh mất từng mảng tương lai dân tộc không ?

   

bùi mộng hùng

(9.1996)

   

(1) Les hommes font leur histoire, quelque tournure qu'elle prenne, en poursuivant chacun leurs fins propres, consciemment voulues, et c'est précisément la résultante de ces nombreuses volontés agissant dans des directions différentes et de leurs répercussions variées sur le monde extérieur qui constitue l'histoire. Ce qui importe donc également ici, c'est ce que veulent les nombreux individus.

(Engels, Ludwig Feuerbach et la fin de la philosophie allemande).

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss