Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 57 / Tiến bộ ?

Tiến bộ ?

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:52, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:52
Cái ảo tưởng lớn là cho rằng trí tuệ, đạo lý, quan hệ giữa người và người đương nhiên sẽ tiến bộ song hành cùng với tri thức khoa học. Ảo tưởng đó biến ý niệm tiến bộ thành ý thức hệ tiến bộ. Cũng hiển nhiên là con người thế kỷ hai mươi ăn ở với nhau không trí tuệ hơn, không đạo lý hơn con người Đông Chu chiến quốc.
  

Tiến bộ,
huyền thoại & thực tế

   

bùi mộng hùng

   

Khi cụ Phan Châu Trinh cùng các nhà nho cấp tiến xướng lên phong trào duy tân, hô hào học theo Tây phương, vào thời 1905 ấy, chẳng hiểu các cụ có ngờ được chăng, không đầy năm mươi năm sau, cái nhìn của thế hệ hậu sinh con cháu sẽ ngược hẳn với thời các cụ. Đúng 180 độ.

 

Từ như đinh đóng cột...

 
Cái thời bước qua đầu thế kỷ XX ấy, học trò còn đua nhau đi thi. Ngay trong những năm loạn lạc, sôi động phong trào cần vương, chỉ riêng một trường Nam Định số sĩ tử thi hương là 8000 năm 1889, 10 000 năm 1891, 11 000 năm 1894. Mà đã tấp tểnh lều chõng đến trường thì ai chẳng tâm niệm câu dặn dò truyền thống :

Tam hoàng Ngũ đế thì khen
Hán, Đường trở xuống phải lèn cho đau

Các đế vương huyền thoại là gương mẫu cho muôn thuở. Chói lọi như mặt trăng mặt trời. Đời sau chỉ có thể trông đó mà noi theo. Được bằng chấm sáng lấp lóe của vì sao đã là giỏi ; lập loè như đom đóm trong đêm đã là tài. Từ khi có sử sách biên chép, đời Hán đời Đường trở về sau, toàn là những chuyện đáng chê đáng trách, làm bài văn phải đả kích cho thật đau. Càng gần hiện đại bao nhiêu càng thêm kém cỏi, càng đáng công kích bấy nhiêu.

Hướng nhìn nhà Nho quay về quá khứ ; toàn bích thuộc thời Nghiêu Thuấn xa xăm, đời sau chỉ có thể là thoái hoá và thoái bộ.

Khi ta chuyển theo cái học Tây phương, ta tin vào ý niệm tiến bộ. Tiến bộ không ngừng. Về hướng tương lai tươi sáng.

Lại cũng là một truyền thống. Truyền thống ước mơ một xã hội lý tưởng, như lý trí thuần tuý quan niệm. Cái ước mơ nảy sinh với thời Phục hưng, lớn mạnh với phong trào triết gia Thế kỷ ánh sáng (Les Lumières). Vững chắc thêm với bước phát triển của khoa học thế kỷ thứ XIX. Cô đọng trong câu “ Khoa học, từ đấy mà dự kiến, dự kiến từ đấy mà hành động ” của Auguste Comte (1798–1857), nhà sáng lập thuyết thực chứng (positivisme). Vững chắc trong niềm tin : lý trí và khoa học sẽ phát hiện ra, soi sáng được mọi quy luật hoạt động và tiến hoá của thiên nhiên, của xã hội. Đó là sự đảm bảo hiển nhiên và chắc chắn cho tiến bộ mọi mặt, vật chất, tinh thần và xã hội.

Sang thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội cũng như chủ nghĩa tư bản, mỗi bên một vẻ, nhưng cả hai đều kế thừa truyền thống ấy, niềm tin ấy. Tiềm tàng trong đó niềm tin vào hướng tiến bộ tất định của Lịch sử.

Diễn giải quan niệm lịch sử của Mác kiểu thẳng đuột như Stalin thì xuôi theo dòng là tất thắng. Ngoan cố ngược dòng tất sẽ bị cuốn vào sọt rác của Lịch sử. Niềm tin này đã nung nấu trong ta, góp phần tạo nên tinh thần sắt đá nhất định thắng suốt thời gian ta đứng trong phe xã hội chủ nghĩa đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất cho đất nước.

Tư bản chủ nghĩa cũng tin tưởng chẳng kém vào lý trí và khoa học. Cứ xem như rằng tăng trưởng kinh tế đương nhiên là có kèm theo tiến bộ mọi mặt, về tinh thần, về xã hội.

 

Đến đặt lại vấn đề...

 
Nhưng rồi những sự kiện dồn dập làm cho Lịch sử bỗng trở chứng, mất đi bộ mặt tiến triển của nó.

Hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Với huyền thoại của nó. Không còn gì che đậy cho những yếu kém về tổ chức kinh tế, xã hội. Và nghiêm trọng hơn, phơi bày những hành tung vi phạm trắng trợn nhân quyền, dày xéo tàn bạo nhân cách con người.

Tư bản chủ nghĩa khi ấy tưởng đâu là đã dứt khoát thắng trên toàn thể địa cầu. Hồ hởi tin chắc sẽ chứng minh hiệu năng của nó ở Đông Âu. Triết gia Hoa Kỳ Francis Fukuyama không ngần ngại mà cho rằng sự toàn thắng của chủ nghĩa tự do kinh tế báo hiệu “ sự chấm dứt của Lịch sử ”.

Hồ hởi để rồi thất vọng. Từ Đông qua Tây.

Chẳng những đa số dân chúng Đông Âu không tìm thấy trong tư bản chủ nghĩa con đường đưa đến hạnh phúc họ mong chờ. Mà dân chúng các nước Tây Âu đã ngao ngán lại càng thêm ngao ngán những trò bịp bợm của chủ nghĩa tư bản. Khủng hoảng, chính vì thích nghi với điều kiện khủng hoảng mà, theo số liệu của Tổng liên đoàn quốc gia nghiệp chủ Pháp (CNPF), từ những năm 80 trở lại đây tỷ số tổng lợi nhuận các doanh nghiệp Pháp tăng từ 25 lên hơn 30% giá trị gia tăng. Tổng sản lượng quốc nội (GDP) cũng không ngừng tiến triển, trong 20 năm với những đợt khủng hoảng liên tiếp, GDP của Pháp tăng 70%. Trong khi ấy thất nghiệp cũng tăng gấp bốn lần, dai dẳng chưa lối thoát. Xã hội rạn nứt.

Chuyện chẳng riêng gì ở Pháp. Hiện có 20 triệu người thất nghiệp, 50 triệu người nghèo ở Tây Âu. Đã xuất hiện những người phải chịu nạn đói ngay giữa những xã hội giàu có nhất thế giới như ở Anh. Hoa Kỳ cũng chẳng hơn gì.

Và không ngừng xuất hiện những tai hoạ mới do tiến bộ công nghiệp sinh ra. Một chuyện thời sự : nuôi bò sữa bằng bột xương trừu, xương bò, lợi ai hưởng không hay, chỉ biết đó là nguyên nhân cho bệnh “ bò điên ” (vache folle) tràn lan. Rồi dường như đã từ bò lây qua người. Bệnh chẳng những nan y không thuốc chữa chạy, mà ngăn chặn cách nào cũng chưa rõ. Điều chắc là sẽ nhiều tốn kém, công sức và tiền của. Đương nhiên sẽ về phần xã hội gánh chịu.

Ấy chỉ là thêm một ví dụ tác hại mới do lợi ích công nghiệp thiển cận mà ra. Còn ngổn ngang những vấn đề chưa giải : nguồn nước ô nhiễm, lượng nước dự trữ kiệt quệ, đất đai hoang hoá, khí quyển tổn hại, tất cả loài người trên trái đất hôm nay và ngày mai phải gánh hệ quả. Về phí tổn, về môi trường sống, về sức khoẻ ...

Niềm tin cũ lung lay từ cơ bản. Khoa học-kỹ thuật-công nghiệp, bộ ba ấy không còn cái hào quang vạn năng chẳng khác thượng đế nữa.

Trong khi đó các nhà tư tưởng hậu hiện đại đang còn bất lực, không quan niệm ra nổi một tương lai cho loài người. Những xu hướng tuyệt đối hoài nghi dấy lên. Phủ nhận ý niệm tiến bộ, cho đó chỉ là huyền thoại trong một thế giới đầy tiếng vang và phẫn nộ. Hoặc tìm cách làm sống lại huyền thoại “ con người muôn thuở ” với mãi mãi cái thân phận khiếm khuyết về đạo đức, về tinh thần, không có lấy chút khả năng cải tiến.

Và như vậy là phủ nhận khả năng thực hiện ước mơ tiến bộ, ước mơ một tương lai tươi sáng hơn. Phủ nhận niềm khát khao hy vọng của các dân tộc chậm tiến. Hy vọng đó mất đi, thì thay vào chỗ trống trải ấy sẽ là những xu hướng quay về với những giáo điều cổ truyền cực đoan. Điều ta thấy trong nhiều nước văn minh Hồi giáo.

 

Bấp bênh là hiện tại cùng tương lai

 
Tuy nhiên, những tiến bộ của tri thức trong khoa học, trong kỹ thuật là sự kiện hiển nhiên không thể chối cãi. Và đó là những bước luỹ tích, bước sau tiếp sau bước trước mỗi bước mỗi xa, rộng hơn.

Cái ảo tưởng lớn là cho rằng trí tuệ, đạo lý, quan hệ giữa người và người đương nhiên sẽ tiến bộ song hành cùng với tri thức khoa học. Ảo tưởng đó biến ý niệm tiến bộ thành ý thức hệ tiến bộ.

Cũng hiển nhiên là con người thế kỷ hai mươi ăn ở với nhau không trí tuệ hơn, không đạo lý hơn con người Đông Chu chiến quốc. Anh hùng, đạo đức chẳng kém, nhưng tàn bạo dã man cũng chẳng nhường. Có khác chăng là bạo Tần tàn sát được vài vạn con người đã là gớm ghê lắm rồi, còn ngày nay với phương tiện, tổ chức công nghiệp lạnh lùng máy móc, những cuộc tiêu diệt hàng triệu nhân mạng còn rành rành trong trí não chúng ta.

Những sự kiện xảy ra cũng cho ta ý thức rằng mỗi bước tiến là mỗi có kèm theo mặt trái, tối tăm thoái bộ của nó. Kỹ thuật áp dụng vào công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp giải thoát sức lao động con người thật, nhưng nó cũng tạo nên ô nhiễm huỷ hoại thiên nhiên, huỷ hoại môi sinh. Thoát ra được khỏi những giáo điều truyền thống, tư tưởng con người tự do hơn, nhưng cũng là mất đi những mốc chỉ đường quen thuộc trong cuộc sống, dễ rơi vào hoang mang mất hướng. Nhẹ bớt những ràng buộc cổ truyền của gia đình, của xã hội, làng xã, con người cá nhân được giải phóng, tự chủ lấy mình hơn, nhưng cũng đứng trước nguy cơ biến thành một nguyên tử bơ vơ giữa nhân loại vô tình.

Chúng ta đi giữa sương mù, trong một cuộc phiêu lưu chưa định.
 

Tiến bộ với những bước cụ thể

 
Không còn cơ sở cho ý thức hệ tiến bộ. Cho một quan niệm siêu hình cho một tiến bộ siêu nghiệm (transcendant). Chúng ta cũng không thể chấp nhận thái độ phi lý như nhà Nho xưa, quay về quá khứ đi tìm tương lai. Quả là sự kiện lịch sử mấy năm gần đây buộc chúng ta phải xét lại quan niệm lịch sử.

Điều học được trong những năm ấy là không trông mong gì được vào lời tiên tri của Lịch sử. Vì vậy mà chẳng phải ngẫu nhiên mà có những trí thức trở về với diễn giải của Merleau-Ponty khẳng định đặc điểm quan niệm lịch sử của Marx là “ chấp nhận rằng vừa có một lô gích của Lịch sử và cũng có một tuỳ tiện của Lịch sử, rằng không có cái gì là tuyệt đối ngẫu nhiên, nhưng cũng không có cái gì là tuyệt đối nhất thiết. ”. Cách nhìn đó lại không xa lạ gì với quan điểm của truyền thống Á Đông chúng ta. Lão giáo, và nhất là nhà Phật nhìn lịch sử như là một tiến trình ; chưa ngã ngũ quay về đâu, nhưng hướng của dòng tiến trình ấy không phải là không có những nguyên nhân, những điều kiện cụ thể. Trong đó có hành động của mỗi con người chúng ta.

Nhìn như thế thì cá nhân chúng ta biết là phù du như bướm bướm nhưng vỗ cánh cũng là quạt cho hướng tiến trình lịch sử. Lịch sử không nói gì, nhưng chính những con bướm phù du ấy làm nên lịch sử. Có thể là tệ hại, nhưng cũng có thể là xuất sắc. Ấy cũng là có phần trách nhiệm của mỗi người chúng ta.

Tiến bộ siêu nghiệm chỉ là một huyền thoại. Nhưng chẳng vì thế mà chúng ta không thể quan niệm những tiến bộ cụ thể. Cùng là một từ tiến bộ, nhưng ý nghĩa có khác nhau. Siêu nghiệm nhìn về tuyệt đối, cụ thể là tương đối. Như có ăn là một tiến bộ so với đói kém. Như được tự do là tiến bộ so với nô lệ, với trói buộc. Trẻ con được học hành thay vì chịu dốt nát, luật pháp công minh thay cho luật của rừng rú, bất công được sửa đổi không để mỗi ngày mỗi nặng nề hơn, dân chủ thay cho độc tài, vân vân... Mặc tình mà bổ sung cho bản danh sách này.

Dù là tương đối, có được bước tiến bộ cũng phải hàm ba yếu tố : trước hết ta phải chọn lựa những chân trời mục tiêu mà ta cho là tốt hơn, hay hơn một số chân trời khác. Thứ đến là quyết định những con đường đưa đến chân trời đã chọn lưa. Được gọi là có tiến bộ khi có thực sự bước tới trên đường đến mục tiêu. Như vậy có nghĩa là phải có yếu tố thứ ba : tiêu chuẩn và phương tiện ước lượng, kiểm tra những bước tiến đến gần mục tiêu này hay mục tiêu khác. Không thấy đâu là chân trời cuối cùng, không một đường thênh thang thẳng tắp, không giải thoát, chẳng chiến thắng tối hậu.

Nhưng chẳng vì thế mà phải từ bỏ đề án thực hiện một chút công bằng, một chút hoà ái giữa người và người trên một mảnh đất hạn hẹp, trong một khoảng thời gian giới hạn. Đúng là hoạt động cho một cái gì bấp bênh chưa định thật, nhưng Pascal đã chẳng có một câu lý thú : “ Khi mà ta hoạt động cho ngày mai và cho cái còn chưa định, khi ấy ta hành động có suy nghĩ ” đó sao ?

 

Với điều kiện ...

 
Những lựa chọn, những quyết định ấy bấp bênh như đánh cuộc với tương lai thật, nhưng chúng có cơ sở suy luận theo lý trí và tình cảm. Nghĩ cho cùng đó là hành động chính trị, đúng với một trong những ý nghĩa cao đẹp của từ chính trị.

Hành động chính trị, phát minh khoa học, sáng chế kỹ thuật, sáng tạo nghệ thuật, yêu, những cái ấy có chung một đặc điểm : chúng tạo ra một tình thế thật sự mới, mở ra những khả năng không ngờ.

Và nếu yêu là ngày lại ngày nuôi dưỡng mối tình thì hành động chính trị cũng phải không ngừng bồi đắp vào hướng chọn lựa. Yêu nhất định không thể uỷ người khác yêu thay thì cũng không thể từ nhiệm hành động chính trị mặc tình cho những kẻ khác, chuyên gia, chánh trị gia suy nghĩ, chọn lựa, quyết định, mà mình không có quyền tham dự ý kiến.

Tuy nhiên chỗ khác xa giữa tình yêu và chính trị là cái không gian của chúng. Thế giới của tình yêu có thể khoanh gọn trong vòng tay ôm tay, mắt đắm mắt. Và nó là một không gian riêng tư, chỉ của hai ta. Không một ai nào khác.

Không gian cho hoạt động chính trị, trái lại, là một không gian công cộng. Để thảo luận những vấn đề chung đặt ra cho xã hội. Những người tham gia gác qua việc riêng tư để bàn tính việc chung. Đó là những công dân.

Họ khác nhau ở vị trí trong xã hội, ở thế đứng, cách đặt, cách nhìn vấn đề. Quyền lợi cũng khác nhau. Vì thế mà tranh cãi, bàn bạc, thương thảo tìm cách nhìn vấn đề toàn diện hơn, tổng hợp hơn, đi đến giải pháp thoả đáng nhất cho tất cả mọi người. Có không gian công cộng mới có tập thể cùng chia xẻ hoài bão chung, ước mơ chung, dự án chung.

Chuyện oái oăm là xã hội Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân vẫn giành cho mình được một không gian công cộng. Để mà dựng lên nổi phong trào, như các phong trào duy tân, chống thuế, v.v... Để mà phổ biến, tranh luận về tư tưởng. Tuyên ngôn cộng sản được in công khai làm tám kỳ trên mặt báo Tiếng chuông rè (La cloche fêlée) năm 1926.

Phải chăng vì thế mà khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ người dân ta hiên ngang tư thế công dân giành lại độc lập. Phải chăng cũng vì thế khi ấy dân tộc ta có được dự án rạng rỡ cho tương lai, có được một thế hệ chính trị gia đau cái đau người dân, khổ cái khổ người dân. Cùng nhịp tim, yêu sách, đòi hỏi với người dân. Nhạy bén và sáng suốt chọn lựa những giải pháp phù hợp với nguyện vọng quyền lợi của dân tộc.

Ngày nay xã hội Việt Nam đang chuyển biến. Đi về đâu, đương nhiên là chuyện can hệ đến mọi công dân. Và như đã nói ở đoạn trên bước tiến nào cũng có mặt thoái bộ tối tăm của nó. Những tác động phản diện này, chuyên gia chúi đầu vào hồ sơ, người của bộ máy ngồi sau bàn giấy thường không nghĩ ra nổi. Nhạy cảm nhất vẫn những người chịu cái đau thiệt hại bản thân, nghĩa là người công dân. Qua họ mà xã hội phản ứng, tiếp nhận cái hay, từ bỏ điều hại.

Nhưng kích thước công dân bị vạt đi mất (xem số 56, tr.29-31), không gian công cộng eo hẹp. Ngay đến ý kiến của thủ tướng đương nhiệm về quản lý kinh tế, quản lý đời sống, người dân còn phải lén lút truyền tay đọc, chẳng hề thấy thảo luận công khai. Nói chi đến ý kiến của công dân.

So với thời Cách mạng tháng Tám dự án tương lai dân tộc mù mờ, tầm vóc chính trị gia loắt chắt. Phải chăng cũng vì không gian công cộng quắt queo ?

 
bùi mộng hùng

(10.96)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss