Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 58 / Đọc sách : L'école française en Indochine

Đọc sách : L'école française en Indochine

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:53, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:53
Mà sự kiện – phần lớn khơi ra từ tư liệu của Văn khố quốc gia hải ngoại (Pháp) (Archives nationales d'Outre-mer, Aix en Provence CAOM) – sao mà phong phú, phức tạp. Chẳng đơn điệu như các sơ đồ do thành kiến phác hoạ ra.

 

Nhà trường
thời Pháp thuộc

 
Nguyên Thắng


Đọc sách : L'école française en Indochine
Trịnh Văn Thảo, Karthala, Paris 1995, 321 tr.

 

Chính sách nhà trường suốt tám thập kỷ (1862-1945) thực dân Pháp đô hộ nước ta là một yếu tố có tác động sâu xa vào xã hội và văn hoá của dân tộc.

Ngày hôm nay hai dân tộc Pháp Việt có thể bình đẳng đối thoại với nhau. Trịnh Văn Thảo cho rằng chính là lúc nên đem cái nhìn thanh thản của nhà khoa học góp phần vào cuộc đối thoại này, trong một vấn đề cho tới nay bên này, bên kia đã đề cập với ít nhiều thiên kiến. Hoặc phủ nhận sạch trơn hoặc lý tưởng hoá để tâng bốc ca tụng.

Mà sự kiện – phần lớn khơi ra từ tư liệu của Văn khố quốc gia hải ngoại (Pháp) (Archives nationales d'Outre-mer, Aix en Provence CAOM) – sao mà phong phú, phức tạp. Chẳng đơn điệu như các sơ đồ do thành kiến phác hoạ ra.

   

Cuộc tranh chấp ngang ngửa không ngờ

 
Ở Việt Nam, không như ở nhiều thuộc địa khác, học đường Pháp vấp phải sức cạnh tranh của hệ thống giáo dục cổ truyền. Đã bám rễ trong lòng người, có mặt khắp nơi đến tận làng tận xóm. Mà chính sách nhà trường của chính quyền thuộc địa lại lúng ta lúng túng. Từ quan niệm, mục đích giáo dục, đến đội ngũ giáo viên, tư liệu giảng dạy.

Và thắng thế chưa hẳn đã nghiêng ngay về phía nắm toàn quyền chính trị và hành chính trong tay. Suốt trong một thời gian dài chưa chắc mèo nào thắng mỉu nào.

Sức sống trường dạy chữ Nho mạnh mẽ một cách không ngờ. Ngay trước thế chiến thứ nhất, vào năm 1913, ở Trung và ở Bắc còn có đến 15 000 trường, số học trò là 200 000 người với 10 000 sĩ tử chuẩn bị thi hương.

Trong khi một thập kỷ sau, vào năm 1924, cộng lại tổng số học sinh các trường của chính quyền thực dân vẫn chưa đạt tới con số 200 000 đó (tr.33). Và sinh viên trường Đại học Hà nội chỉ tròm trèm khoảng nghìn người.

Sau hai mươi năm thi hành Qui định chung về học chính (Règlement général de lẺInstruction publique) một cách có hệ thống với mục tiêu ngấm ngầm dứt tuyệt nền giáo dục truyền thống, cuộc điều tra về nạn mù chữ ở Thanh Hoá vào năm 1938 còn cho thấy tương quan sức nặng giữa nền giáo dục chữ Nho cổ truyền và nền giáo dục mới dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ : tại những làng không có trường tiểu học như Thọ Lộc, Nam Thôn và Ninh Thôn chỉ có 3% đàn ông vào lứa tuổi 30 biết đọc chữ quốc ngữ, trái lại vào lứa 40 nghĩa là lứa học trường cổ truyền 48% biết đọc chữ Nho (tr.38).

Ấy thế, bản sắc văn hoá và truyền thống giáo dục chẳng một sớm một chiều mà mai một đi được.

 

Chia xé ý thức hệ, mâu thuẫn nội tại...

 
 Chính sách học đường của thực dân Pháp chẳng bao giờ được nhất quán. Dạy những gì ? Để làm gì ? Cho những ai ? Ba câu hỏi gây giằng co giữa những ý thức hệ trái nghịch nhau. Thêm vào còn các áp lực khách quan : cách nào chống lại phong trào Đông du, làm sao đem văn hoá Pháp ngăn chặn sức thu hút đối với thanh niên của một Nhật Bản chói lọi sau trận đánh bại quân đội châu Âu của Nga hoàng. Mà không gieo rắc vào đầu óc người bản xứ những ý niệm tự do bình đẳng ? Còn khủng hoảng kinh tế 1930, thất nghiệp và thất nghiệp, dạy học rồi để tạo ra một lớp người bất mãn ?

Chỉ có một sự kiện được mọi phe đồng ý, đó là sự thất bại hoàn toàn của chính sách nhà trường trong thời các đề đốc nắm toàn quyền, nhằm đồng hoá một cách cực đoan người Nam kỳ. Tinh hoa xã hội trốn lánh trường thực dân. Thầy giáo vô học lại vô hạnh, dạy ra một mớ người bập bõm chữ Tây bồi, ra luồn vào cúi trong những chức vụ tay sai hạ cấp.

Vì vậy có một xu hướng – tiêu biểu là giám đốc học chính Bắc kỳ Dumoutier, một người thông thạo chữ Hán am hiểu văn minh Á châu trân trọng Khổng giáo, rồi tiếp theo là giám đốc học chính Đông Dương Henri Gourdon – chủ trương thoả hiệp văn hoá. Thay vì tiếp tục hao tốn xây dựng trường học kém cả lượng lẫn chất so với trường truyền thống, nên giữ các trường đó làm cơ sở. Chỉ cần hiện đại hoá giáo dục bằng cách đưa vào chương trình học thi các môn toán pháp, vật lý, chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Đồng thời buộc công chức người Pháp học tiếng bản xứ ; trong giai đoạn giao thời thì lập trường thông ngôn đào tạo lớp người trung gian giữa quan chức cai trị người Pháp và người dân.

Đối lại, có xu hướng liên hiệp trong đồng hoá. Động cơ là ý thức hệ phát huy sự nghiệp giáo hoá của nước cộng hoà Pháp “ phải reo rắc khắp thế giới ảnh hưởng của mình và mỗi khi có thể được phải đem ngôn ngữ, phong tục, lá cờ, binh khí, thiên tài của mình tới mọi nơi ” (tr. 86) Xu hướng này chủ trương tái tạo trường học mẫu quốc ở thuộc địa. “ Chinh phục vật chất là vô nghĩa nếu không có chinh phục tinh thần đi kèm theo và người bản xứ chỉ được Pháp hoá từ trong tâm hồn họ khi họ đồng suy tư đồng ngôn ngữ với chúng ta. ” (tr. 102). Vậy chỉ nên dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Nhà Nho đương nhiên phải bị loại.

Xu hướng này không thuần nhất. Có người chịu chấp nhận thể hiện chủ trương tới nơi tới chốn không cần biết đến hệ quả tốt hay xấu cho Pháp. Kẻ khác lên tiếng báo động ngay. Học thuật trong cái ý nghĩa trọn vẹn của nó là một quả bom nổ chậm : “ Giáo dục cao đẳng, khoa học hay văn chương triển khai quá xa (...) sẽ phá hoại hành động lãnh đạo của chúng ta và đưa cái lúc chúng ta phải trả lại Đông Dương cho người Đông Dương đến gần kề ” (tr.102). Ấy là còn chưa kể những người thuộc tổ chức Tam điểm (franc-maçon) chỉ muốn phát triển trường học đứng ngoài tôn giáo, nghi ngại trường do các dòng tu mở ra.

Trái với hai xu hướng trên, luận điểm thực dân thật giản đơn : người bản xứ hèn kém cả về thể chất lẫn tâm thần là điều hiển nhiên, cũng như Đông phương thấp kém so với Tây phương, và tất cả, nhà nho, quan lại, triều đình Huế, Trung quốc, tất cả đều là kẻ thù của Pháp.

Một ý thức hệ, nhưng đi vào cụ thể thì lại sinh ra hai chủ trương trái ngược nhau. Một đòi dạy ít chừng nào tốt chừng đó, đồng hoá là nguy hiểm, nó chất chứa mầm mống phiến loạn. Chỉ cần dạy người bản xứ ít tiếng Tây bồi đủ để sai bảo là được. Chủ trương thứ hai đòi chỉ dạy tiếng Pháp mà thôi, có thế mới Pháp hoá người bản xứ. Triệt để chống chữ nho, chữ quốc ngữ không đừng được mới tạm dung thứ.

Ý thức hệ là một chuyện, áp dụng trong thực tế phải thể theo những đòi hỏi khác. Gần trong một phần tư thế kỷ, xu hướng thoả hiệp văn hoá thắng thế. Cho đến khi phong trào Duy tân và Đông du nổi lên, toàn quyền Paul Beau (1902-1908) phải phát triển trường pháp-việt, mở trường Đại học Hà Nội : “ Chắc chắn là sự sáng lập trường này thật sự gây tiếng vang trong giới bản xứ đã bị tác động bởi uy tín các trường đại học Nhật Bản và Trung Quốc, thậm chí bị chúng thu hút, cụ thể là đã có vài sinh viên đi Nhật... ” (tr.51).

Kế nghiệp Paul Beau, toàn quyền Klobukowsky (1908-1911) cho rằng nhà Nho là thủ phạm dựt giây các phong trào chống thuế, quyết triệt hạ nho học, đổi học đường theo mẫu trường Pháp. Xu hướng này được định chế hoá vào năm 1917 với Tổng qui định học chính do toàn quyền Albert Sarraut ký.

Trong bất cứ trường hợp nào, nhà trường thời Pháp thuộc chỉ phản ánh cái thế quân bình không thể đạt được giữa ý muốn tạo một đội ngũ cán bộ trung và cao cấp có giá trị cho bộ máy hành chính và kinh tế ở Đông Dương và ý chí kềm giữ người bản xứ trong địa vị thấp hèn, giữa yêu cầu kinh tế đòi hỏi phải thăng cấp cho thanh niên và yêu cầu chính trị bắt phải kềm hãm tham vọng của người bản xứ trong những giới hạn mà thực dân có thể chấp nhận được.

 

Những con số...

 
Số liệu là con dao hai lưỡi. Có thể cho ta một cảm tưởng chính xác nào đó, mà thật thì chúng không đạt được. Trịnh Văn Thảo ý thức rõ rệt giới hạn này và sử dụng số liệu với những dè dặt cần thiết. Trong điều kiện đó số liệu có thể là những mốc để so sánh.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tỷ số trẻ con đến trường ở tỉnh Bến Tre, một tỉnh hiếu học nhất Nam Kỳ là 3,5 0/ 00 (tr. 122), lương thầy giáo làng ở Gò Công chỉ tròm trèm tương đương với lương culi (tr.125).

Sau khi toàn bộ hệ thống học đường đã được thiết lập theo Qui định chung về học chính năm 1917, những năm từ 1918 đến 1922, trường pháp việt cấp I (tiểu học) ở làng xã yếu kém. Nam Kỳ trội hơn vì ở Trung, ở Bắc còn giữ hệ trường cổ truyền. Chỉ sau khi bãi bỏ thi hương vào năm 1919, trường pháp việt mới được bắt đầu phát triển ở hai miền này. Số học sinh trường cấp II (bốn năm đầu trung học) không tới 2000 người. Còn cấp III (trung học chuẩn bị thi tú tài) chỉ có tại hai trường Albert Sarraut ở Hà Nội và Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, với 86 học sinh cho toàn thể Đông Dương.

Mười năm sau, 1931-32, số học sinh cấp I là 320 000 người, đông gấp đôi so với năm 1921 (162 210 người). Học sinh cấp II tăng gấp ba, 1 814 người năm 1921, 4 894 người năm 1931. Có ba trường cấp II ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn dành cho con gái, số học trò 105 năm 1921, đến 1931 là 343.

Số liệu cho thấy sự gạn lọc gắt gao. Có 31 778 học sinh đỗ tiểu học, nhưng đến đỗ tú tài chỉ còn 78 người.

Và cũng cho thấy trường công không đáp ứng đủ nhu cầu học tập. Các trường tư thục pháp việt thu nhận 14 868 học sinh năm 1921, năm 1931 con số là 35 637 trong đó có 13 065 học trò gái. Đã có một số đáng kể trí thức bản xứ, 1 857 người, làm nghề gõ đầu trẻ để sinh sống.

Sĩ số trường Đại học Hà Nội khoảng 500 sinh viên, không tăng trong thập kỷ 1921 đến 1931, trong khi đó học sinh cấp I và cấp II tăng gấp ba. Con số phản ánh sự dè dặt trong chính sách đại học trước khủng hoảng kinh tế 1930.

Vào thập kỷ sau, năm 1941-42, học sinh cấp I là 616 975 người, tăng gấp đôi so với 1931. Số học sinh Trung Kỳ tăng gấp ba (52 284 năm 1931, 150 000 năm 1941) bắt kịp Nam Kỳ (131 985 năm 1931, 156 954 năm 1941). Trong khi học sinh Bắc Kỳ tăng 2,5 lần trong mười năm (108 425 năm 1931, 241 122 năm 1941). Nhưng cấp II không phát triển tương xứng với sự đột phá của cấp I : con số 4 783 học sinh không đông hơn hồi 1931. Trong khi đó cấp III có 587 học sinh. Đại học mở thêm Trường cao đẳng khoa học. Số sinh viên được gần 1000, trong đó có người Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc. Có một số sinh viên Pháp ghi tên học vì đường giao thông với Âu châu bị chiến tranh mà tắc nghẽn.

   

Con người, sách giáo khoa...

 
Một chương dành để phân tích về những người thầy, trong đó có những cá nhân đã để dấu ấn sâu đậm, học trò sau này trở thành những nhà trí thức lỗi lạc của Việt Nam, như Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn... mãi mãi vẫn ghi nhớ.

Chương về sách giáo khoa, phân tích Quốc văn giáo khoa thư đi đến kết luận ý thức hệ bảo thủ của khổng giáo chiếm vị trí bá chủ. Giá trị là quân sư phụ cho đàn ông, tam tòng cho phụ nữ. Chân trời thu hẹp trong gia đình, làng xóm của một xã hội nông nghiệp. Giá trị hiện đại mờ nhạt.

 

Một công trình nghiên cứu lý thú. Không tham vọng dứt khoát giải quyết vấn đề. Cái hay là nó khơi lên những câu hỏi chưa giải đáp. Chương trình dạy học thì bảo thủ. Số người được học bảo rằng lớn, thì cũng ừ là lớn. Mà cho là nhỏ thì cũng không hẳn là sai. Nghĩ cho cùng vấn đề chính không ở những con số đó. Mà ở chỗ tại sao mà nhà trường ấy lại ảnh hưởng vào đời sống xã hội, vào văn học, văn hoá của ta sâu đậm đến thế.

Chúng ta thao thức chờ đợi những công trình nghiên cứu đi sâu vào nội dung những gì xã hội ta hấp thụ, biến cái xa lạ thành văn hoá của mình, tìm hiểu xã hội ta tiếp thu cách nào, với những phương thức nào. Đem lại cho chúng ta những suy luận dựa trên sự kiện cụ thể thay vào những suy tưởng còn thiếu căn cứ hiện nay.
 

Nguyên Thắng

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss