Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 59 / Nét cộng hoà

Nét cộng hoà

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:53, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:53
Riêng Diễn Đàn dành mặt báo cho công dân. Không ủng hộ một cá nhân hay một nhóm nào trong công cuộc tranh hay giữ chính quyền của họ. Mà làm nhiệm vụ một tờ báo : thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ, có kiểm chứng, trong khả năng của ban biên tập... Và nhất là không chấp nhận trên mặt tờ báo này những im lặng, ém tin, tránh né, huý kị mà một tờ báo có khi phải cáng đáng vì lẽ dấn thân theo một đảng phái, phe nhóm chính trị.

 

Đi tìm nét cộng hoà
cho không gian công cộng

 

bùi mộng hùng

 
Nghe vẻ nghe ve nghe vè.... Thời đại nào xã hội Việt Nam cũng có cách nói nói lên tiếng nói của mình. Vè nằm thuộc truyền thống đó. Sáng tinh sương đã thấy ai đó đem dán mấy câu ngoài đình, người ra đồng kẻ đi chợ túm năm tụm ba lại đọc. Thế là thuộc nằm lòng, rồi miệng truyền tai, cứ thế mà lan đi, lan mãi.

 

Không gian công cộng trong truyền thống xưa nay

 
Đã để mấy câu vè lọt vào tai, chẳng dễ gì mà quên được. Nó có vần có điệu. Nó kể lể những chuyện mà người ta rầm rì rỉ tai nhau, về những kẻ có vai có vế trong làng trong tỉnh ai ai cũng biết. Không biết mặt thì ít nhất cũng nghe danh.

Trong cái không gian công cộng truyền thống của ta ấy vè là ngôn ngữ thích hợp vô cùng. Vùng Hà Đông có mấy câu còn lưu truyền mãi đến ngày nay :

Hoàng trùng đi, Vi trùng lại
Suy đi nghĩ lại, Vi hại hơn Hoàng

Vốn là, vào thời Pháp thuộc, vùng ấy vừa qua khỏi nạn mất mùa vì sâu “ hoàng trùng ” cắn lúa thì lại bị “ vi trùng ” dịch tả hoành hành. Hai chuyện làm người dân Hà Đông thời đó hao tâm lo lắng. Nhưng ai đó lại đem nó lồng vào một chuyện khác : thời điểm ấy tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đổi đi, Vi Văn Định đến thay.

Câu vè đem bỏ cụ Hoàng và cụ Vi vào cùng một rọ. Gieo cho cả hai vị tổng đốc tai tiếng hại dân, sánh tầy sâu bọ tàn phá mùa màng, vi trùng dịch tả giết dân. Lại còn đem gán cho họ Vi cái độc hại hơn cả họ Hoàng.

Nhưng bạn thấy không, chẳng một bằng cớ cụ thể nào được nêu ra. Chẳng biết thật là như thế, hay đơn giản chỉ vì sự đòi hỏi của vần, của bằng trắc cho câu được êm tai dễ nhớ mà tổng đốc Vi Văn Định phải chịu tiếng dữ nặng hơn quan lớn họ Hoàng...

Xin bạn yên tâm, tôi không có ý định tìm lại sự thật lịch sử trong vấn đề này. Chỉ xin, qua câu vè, được phác hoạ ra vài nét khá đặc biệt của cái không gian công cộng xưa nay ta hằng quen thuộc.

Nội dung quyết liệt phê phán rõ là không thể chối cãi. Nhưng cụ thể những gì thì lại mờ mờ tỏ tỏ. Đúng hơn, nó ăn khớp như tạc với tất cả mọi oán thù của bất cứ ai ai đã cảm nhận là cá nhân mình, gia đình, họ hàng mình bị thiệt hại, oan ức vì quyền uy của hai cụ quan lớn đầu tỉnh.

Khi vè chẳng châm chích riêng cá nhân ông tai to mặt lớn nào mà đi đả kích bộ máy chính quyền nói chung, thì cũng cứ một lối như vậy :

Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi

Chẳng phải một cô bé cụ thể nào bị cậu cai ông đội bóp vú đâu. Người không hiểu vẽ vời tán ra cho hợp với câu vè, chứ cái chuyện tí ti bóp vú thì làm gì đến nỗi phải mò lên huyện, lên tỉnh, lên kinh mà kiện với cáo ! Nhưng mà, chuyện bắt lính, bắt xâu, kiện cáo linh tinh, thì có ối người ức bộ máy hành chính thâm gan. Nhưng mà cứ phải è cổ ra mà chịu. Khác gì có đứa bóp vú vợ con mình mà phải nín thinh. Đành đem trút cái uất ức vào câu vè cho thật cay, thật độc. Nhưng lại phải ý tứ sao cho chẳng ai bắt thóp được là mình !

Vì vậy mới nói cạnh nói khoé. Nhập nhì nhập nhằng giữa hoàng trùng với Hoàng tổng đốc, vi trùng dịch tả với quan lớn họ Vi. Mới tố cáo cả bộ Binh, bộ Hộ lẫn bộ Hình đi làm một chuyện rành rành là vô lối : bóp vú con người ta !

Vì vậy mới ném đá giấu tay, ai rõ được cá nhân nào trách nhiệm lên tiếng phê phán. Chỉ là tiếng đồn, rù rì, người nghe lọt tai thấy thu thú, và như thế đã đương nhiên là đồng lõa, tán thành rồi.

Nạn nhân – chẳng biết oan hay ưng – phải mang tiếng bia miệng, trăm năm còn đó trơ trơ. Không nơi đôi co, không cách minh oan cãi lại.

Thật là tai hại cho nhà cầm quyền. Ta chẳng lấy làm lạ thấy chính quyền thời chúa Trịnh ghét cay ghét đắng cái thứ văn nôm na là cha mách qué này. Đã bao phen ra lệnh cấm. Nhưng mà, cấm thì cứ cấm, bịt sao được miệng thế gian, miệng xã hội.

Trong không gian công cộng xưa, cách nói phải nhập nhằng, mặt phải che, tay phải giấu, vì quan hệ giữa người dân với chính quyền không đơn giản chút nào.

Người dân biết đến ngóc đến ngách những thói tật của bộ máy cai trị. Vì thật ra, không hiếm người, trong đời mình chẳng ít thì nhiều, đã phục vụ cho chính quyền. Các họ trong làng, thời nào cũng tranh cho một số người của mình có được chút vai vế. Để mà cả họ được nhờ. Chỉ là hương tuần, hương lý, là nha lại thôi. Đủ để thấy bên trong của bộ máy là thế nào, tuy không đủ để hoàn toàn đồng hoá mình với bộ máy chính quyền như các quan to. Cứ chân trong chân ngoài, và càng ngoài hơn nữa khi không còn chức vụ nào. Đủ một khoảng cách để đả kích thật đau và đúng vào chỗ nhược.

Tuy nhiên phải giữ thái độ nhập nhằng đối với chính quyền. Nó không phải là mình, ghét thì có ghét. Nhưng sợ cũng rất sợ. Và vì thế phải nương nhẹ, bóng gió với nó.

Mà không thế sao được. Mối quan hệ là con dân đối với “ dân chi phụ mẫu ”. Nhà cầm quyền đương nhiên là cha mẹ dân. Quan trên bảo ban, dạy dỗ, giáo hoá dân ngu. Người dưới chỉ có mà khoanh tay cúi đầu lặng nghe. Có tức ói mật cũng cứ để bụng. Phải là người có học, là kẻ tự cho mình là sĩ phu mới dám dâng biểu lên trên. Nhưng mà phải khép nép cúi đầu. May ra được đèn trời soi xuống.

Trong cái quan hệ hàng dọc này, chỉ có trên bảo dưới nghe. Chẳng có gì để bàn bạc. Hàng ngang, dân đen với nhau, quyền ăn nói chẳng có, đem vấn đề chung ra công khai mà bàn là vạ miệng, là làm loạn. Vì vậy mà đem uất ức chung thủ thỉ tai nhau. Dằn lòng không được thì ném đá giấu tay, đâm bị thóc thọc bị gạo cho hả dạ.

Một phản ứng lành mạnh của một xã hội đầy sức sống. Nhưng nó tiêu cực, không nêu vấn đề, không mở ra chân trời mới. Bế tắc như bức tường chắn ngang giữa người bị trị với bộ máy cai trị. Như cái không gian công cộng bị tầng lớp thống trị ghì chặt, nén kín. Không lối thoát ôn hoà, chỉ có thể nổ tung.

 

Cộng hoà...

 
Và cái xã hội cổ lỗ ấy đã phải nổ tung. Dân tộc ta đã đứng lên làm Cách mạng tháng tám. Giành lại độc lập tự do. Lật đổ những quan hệ cũ kỹ. Thiết lập chế độ cộng hoà.

Từ thuở ban đầu, chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở : cán bộ là đầy tớ của dân. Nhấn mạnh quan hệ dân với chính quyền đã hoàn toàn đảo ngược. Ngược với tập tục ngàn xưa, với cái địa vị cha mẹ dân của nhà cầm quyền. Vì nói “ cộng hoà ” là “ ắt phải có ” cái điều Montesquieu khẳng định “ Mọi người đều bình đẳng trong chính thể cộng hoà ”.

Vị trí người dân đã khác. Từ con dân, ngẩng đầu mà lên làm công dân. Bình đẳng với nhau trong tự do.

Cái khác với tự do nội tâm, phóng túng chẳng tuân theo một luật lệ nào ngoài ý chí của riêng cá nhân mình, là tự do công dân đã trải qua quá trình đụng chạm với ý chí người khác – chẳng hạn về chiếm hữu sự vật – đã trao đổi quan điểm, nhìn nhận lẫn nhau và đi đến một ý chí chung. Đến sự công nhận một số điều được hưởng, được đòi hỏi, được làm. Tức là một số quyền.

“ Quyền ” gắn liền và đi đôi với “ sự công nhận của những công dân khác ”. Một thứ “ công ước ” được cụ thể hoá trong những định chế dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội. Vì vậy mà tự do công dân đúng ra phải dùng số nhiều : nó là những tự do trong những lĩnh vực cụ thể : dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội...

Trong giao ước giữa công dân, ý chí các bên liên kết với nhau và mọi bên được tự do trong một ý nghĩa mới : từ bỏ cái khả năng muốn làm gì thì làm để cùng được cái khả năng làm theo chuẩn mực mà mọi bên đã đồng ý chấp nhận.

Hành động tự do – trong nghĩa hành động theo chuẩn mực chấp thuận trong tự do – đưa vào kích thước “ lý tính thực hành ”. Nghĩa là kích thước tác động vào thế giới, tạo ra hiện thực.

Đặc điểm cái tự do đã kinh qua công ước, kinh qua luật pháp mà trở nên phổ cập là khả năng dự phóng, khả năng thể hiện của nó trở nên tầm vóc to lớn mạnh mẽ khác hẳn kích thước của khả năng cá nhân lẻ loi. Diễn trường của nó là thế giới của văn hoá, phạm vi của nó là sự nghiệp. Nó có ý chí xoay hướng lịch sử con người. Tóm lại nó muốn chuyển đổi thế gian.

Triết lý chính trị cộng hoà triển khai trong phạm vi đặt vấn đề hành động tự do có chuẩn mực. Tinh thần của nó là thể hiện tự do. Trong lý thuyết, nhà nước cộng hoà là hội điểm khớp nối các tương quan ý chí với ý chí, độc đoán với chuẩn mực, ý định với sự nghiệp. Thêm vào đó một quan hệ luôn luôn đặt ra chẳng khác một chất vấn : làm thế nào cho tự do cá nhân nhận diện ra chính mình trong quyền quyết định của toàn thể cộng đồng ?

Không có phương trình giữa quyền tối cao của nhà nước với quyền tự do cá nhân thì không có nhà nước cộng hoà.

Nhà nước mà không là thể hiện của sự cụ thể hoá ý chí công dân thì chỉ là một ý chí áp đặt ; đối với người dân chỉ là thù địch.

 

Chính trị tranh cầm quyền, chính trị quan hệ nhà nước và xã hội

 
Trong ký ức tập thể dân tộc ta Cách mạng tháng tám sáng ngời tính chất tụ hội ý chí của mọi tầng lớp nhân dân. Nó hấp dẫn với nét đẹp cộng hoà.

Nhưng chiến tranh bùng nổ. Với những đòi hỏi của một chiến cuộc kéo dài và khốc liệt chưa từng thấy.

Cuối cùng dân tộc ta chiến thắng. Độc lập, thống nhất. Nhưng sửng vửng. Dưới sự kiểm soát nặng nề của một chế độ độc đoán theo khuôn mẫu Stalin. Điêu đứng, kiệt quệ. Nếu không kịp “ đổi mới ”. Và ta đã và đang mở cửa đổi mới. Xã hội thay da đổi thịt. Đang biến chuyển theo nhịp nôn nóng của mọi người mong muốn bắt lại những năm dài lỡ dở.

Tuy nhiên ba mươi năm đấu tranh một mất một còn, ba thập kỷ tư tưởng chính trị tập trung vào sự nghiệp cướp chính quyền vẫn hằn trong óc não. Nắm được chính quyền ở trong tay phải lo giữ lấy nó. Dường như thành nếp nghĩ duy nhất của đảng cầm quyền.

Các nhóm chính trị chống đối bị hớp hồn vào trong lối đặt vấn đề tranh quyền chức.

Bẵng quên rằng phần chủ yếu của chính trị cũng và luôn luôn là quan hệ giữa nhà nước với xã hội. Một quan hệ – dù ta có ý thức hay không – vẫn đang hình thành trong động thái chuyển biến của xã hội ngày nay.

Quan hệ đó “ phân lập ” nhà nước đứng ngoài đè lên trên xã hội bị đóng khung và bị kiểm soát. Hay giải toả cho xã hội một lĩnh vực chính trị bên chức năng quyền lực hành chính của nhà nước, tạo điều kiện phát sinh cho tác động qua lại và sáp nhập với nhau giữa nhà nước và các tổ chức của công dân ?

Điều chắc là quan hệ nhà nước với xã hội đang thành hình ngoài vòng ý thức của đa số công dân.

 

Chính quyền lùng nhùng, dơi dơi chuột chuột ?

   
Mặt hiển nhiên ai ai cũng thấy được là nhiều thành phần xã hội mới đang trong quá trình cấu tạo. Giới doanh nhân chẳng hạn. Đã có tổ chức Phòng thương mại. Đã biết lên tiếng lo ngại khi diễn biến kinh tế có chiều không thuận lợi cho họ. Giá trị đồng bạc ổn định, tỷ số lạm phát xuống thấp trong mấy tháng liền. Chưa nghe tiếng nói của những ai mừng cho đồng bạc được giá so với đôla, đã thấy giới doanh nhân xuất khẩu than phiền giá trị đồng bạc đặt mức quá cao, xuất khẩu chật vật mà chẳng có lời. Yêu cầu thả lỏng cho lạm phát lên cao, luận bàn tỷ lệ thế nào là tối ưu...

Mặt nổi là đối với đòi hỏi của nhiều thành phần xã hội chính quyền ngày nay không cứng rắn như xưa. Nông dân dám đứng lên kiện chính quyền địa phương chiếm đoạt ruộng đất. Và có khi được kiện. Thương gia chợ Đồng Xuân Hà Nội bất bình chính quyền thành phố, kéo nhau đi biểu tình phản đối trước nhà tổng bí thư Đỗ Mười. Trí thức, chẳng riêng gì trí thức cấp cao, được phân phát nhà đất, được lãnh đạo lắng nghe phát biểu ý kiến. Cho đến trí thức người Việt ở nước ngoài, trung ương Đảng cộng sản họp bàn về giáo dục, cũng được trân trọng mời lên sứ quán trình bày quan điểm của mình...

Không mù quáng vì định kiến thì phải ghi nhận là trong nhiều quan hệ chính quyền ngày nay có khác với khi xưa, sự kiểm soát khắt khe trong nhiều lĩnh vực đã được nới lỏng.

Đôi khi cho cảm tưởng là thả lỏng. Đến lùng nhùng.

Thay vì là một khối chính quyền cứng rắn, cặp mắt cú vọ kiểm soát mọi mặt đời sống, ta thấy lùng nhùng những khoảng không gian, những túi, trong đó có những người tha hồ mà vung tay vô tội vạ.

Ta thấy nhiều nhà tư bản phất lên như diều. Nhưng trong đầu không khỏi nhập nhằng câu hỏi : thực tài doanh thương hay nhờ là “ thái tử ” con cháu một vị lãnh đạo cao cấp ? Hay vì có “ quan hệ ” – nếu nói theo từ thông dụng ở Trung Quốc – họ hàng, làng mạc, thời xưa đã cùng một đơn vị quân đội với vị có chức có quyền nào đó, dựa vào thế lực ấy mà làm ăn, mọi người hưởng lợi ?

Cũng thấy có luật pháp đường hoàng. Nhưng thực tế phân xử thì hầu như chỉ thấy những ngoại lệ. Không riêng gì việc cấp uỷ đảng viên có hành vi trái luật pháp, trước khi đem ra pháp đình công tố phải xin trước ý kiến của cấp đảng tương đương. Mà ngay đến các cuộc đình công chẳng hạn. Làm đúng theo luật lao động hiện hành thì biết là bao bước thủ tục trước khi được phép chính thức bãi công. Nhưng mấy năm nay năm nào cũng nổ ra nhiều cuộc đình công bột phát, trong xí nghiệp liên doanh với tư bản nước ngoài cũng như trong xí nghiệp quốc doanh. Sai nguyên tắc, trái luật ? Không nghe chính thức bắt bẻ. Mà chỉ thường thấy một số yêu cầu của các cuộc đình công ngoài luật lệ được thoả mãn.

Vậy thì chính quyền rệu rã ? Hay chỉ là chiến lược trong chuyển biến buổi giao thời. Cứng thì nhả, mềm thì xiết, miễn sao giữ lấy được những cái cốt yếu ?

Khuôn khổ hạn hẹp của bài báo không cho phép đi sâu vào phân tích vấn đề này.

Chỉ xin được nói riêng về hiện tượng “ ngoại lệ ”, xử với người này thì thế này, với người kia lại khác. Cùng là bị buộc tội chống chính quyền, người lãnh án nặng, kẻ lại nhẹ hơn.

Bề mặt thấy có gì lùng nhùng lằng nhằng khó hiểu. Nhưng trong căn bản, sự kiện là một khẳng định quyền lực tối cao và bất biến của nhà cầm quyền. Mọi việc đều tuỳ lượng bề trên. Bên trên muốn cho nhẹ thì được nhẹ muốn bắt nặng thì phải chịu nặng.

Chẳng có gì là bình đẳng. Mà đã phủ nhận bình đẳng là phủ nhận tự do. Ta chẳng lấy làm lạ thấy không gian công cộng không mấy khác thời vua quan ngày xưa, truyện tiếu lâm, vè vẫn cứ nở rộ như nấm gặp mưa.

Tuy nhiên, không bình đẳng tự do thì cũng không có công dân. Mà đã không có công dân thì đâu là cái xã hội công dân mà nhiều người thầm mong nó ngấm ngầm phát triển ? Nếu chẳng là những hình thái khẳng khiu, giới hạn trong tham vọng, trong cách đặt vấn đề và tầm vóc tổ chức. Đúng vào thời điểm mà xã hội phải đứng trước thách thức của những chuyển biến đang toàn cầu hoá.

Làm gì cho trạng thái “ xã hội thương tật ” của ta hiện nay : bước vào hiện đại mà chưa có nhà nước hiện đại, sau bề mặt chính thức là lĩnh vực bán chính thức quyền lực trên nhà nước, có thủ tục pháp lý nhưng chẳng phải là một nhà nước pháp quyền, hệ thống chính trị tiếng là một khối nhưng chỉ một khối trong độc quyền chính trị, đời sống xã hội thiếu thể chế nhưng lại đầy năng động trong các mạng lưới họ hàng, làng mạc, cúng đình lễ chùa, buôn bán phe phẩy ?

 

Đi tìm nét cộng hoà cho không gian công cộng

 
Khi mà chẳng thấy nhà nước hiện đại hoá xã hội được là bao mà dường như xã hội đang tìm cách tự hiện đại hoá lấy mình ngoài vòng tác động của nhà nước, một cách đáp ứng nhu cầu ấy phải chăng là mở ra một không gian công cộng để mọi người tìm hiểu tình hình, trao đổi thẳng thắn và bình đẳng với nhau. Như những công dân, công dân thường và công dân có trách nhiện lãnh đạo chính trị.

Chính vì vậy mà tôi tán thành lập trường của Diễn Đàn :

Xin nhường chức năng cướp, giữ chính quyền cho các chính đảng, cùng các báo chí công cụ của đảng phái phe nhóm chính trị lăm le tranh, giữ chính quyền.

Hoạt động ấy trong bản thân nó là chính đáng, một chính đảng là gì nếu chẳng là một bộ máy giành, giữ chính quyền. Tuy nhiên, thông tin trong hướng đó đã quá nhiều, nó chiếm lĩnh toàn thể mặt báo chí tiếng Việt trong và ngoài nước.

Riêng Diễn Đàn dành mặt báo cho công dân. Không ủng hộ một cá nhân hay một nhóm nào trong công cuộc tranh hay giữ chính quyền của họ. Mà làm nhiệm vụ một tờ báo : thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ, có kiểm chứng, trong khả năng của ban biên tập ; tìm hiểu, nêu câu hỏi về các vấn đề đang đặt ra cho đất nước, cho loài người ; tuy không quá đi sâu vào kỹ thuật như cung cách chuyên gia, nhưng chẳng vì vậy mà hy sinh tính chất nghiêm túc.

Và nhất là không chấp nhận trên mặt tờ báo này những im lặng, ém tin, tránh né, huý kị mà một tờ báo có khi phải cáng đáng vì lẽ dấn thân theo một đảng phái, phe nhóm chính trị.

Mục tiêu Diễn Đàn thật khiêm tốn. Tham vọng là cắm đất cho một không gian công cộng có nét mặt cộng hoà.

Không gian này mà cứ như hiện nay thì chẳng cứ gì đảng đang cầm quyền mà bất cứ một chính đảng nào khác lên chấp chính cũng ở vào tình thế một chính quyền độc đoán.

Việc làm khiêm tốn. Nhưng nó góp phần xây dựng cơ sở cho một Việt Nam dân chủ và hiện đại.

 
bùi mộng hùng

(12.1996)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss