Ta đây trâu đấy
Ta đây trâu đấy...
Nguyên Thắng
Ta
và trâu,
trâu và ta, tuy hai mà một, tuy một mà
hai, quyện với nhau. Thủ thỉ giữa ta với mình, “
Trâu ơi ta bảo trâu này ” ! Mộc mạc mà
đằm thắm cái lòng tin cậy lẫn nhau nó
gắn bó những kẻ chẳng một cái gì trong
cuộc sống hàng ngày, ngọt ngào đắng cay
cực nhọc, chẳng chia sẻ cùng nhau. Chẳng nói
mà đã hiểu nhau rồi :
“ Ta đây trâu đấy ai mà quản công ”...
Vận mệnh ta với mình xoắn xuýt vào nhau từ thuở nào nhỉ ? Thăm thẳm thời gian qua, trí nhớ nhạt nhoà rồi. Chẳng còn biết là tự đời nào.
Muốn tìm lại, phải đi ngược thời gian, đào xới dấu vết chôn kín trong lòng đất. Và lòng đất đã trao lại cho khảo cổ học những chứng cớ vật chất xa xưa của mối gắn bó giữa trâu với ta. Ít nhất cũng trên ba nghìn năm về trước. Khoảng giữa thời đại đồng thau, đã đậm tình đậm nghĩa, đủ cho ta tơ tưởng mà tạc mình thành tượng : tượng trâu tìm thấy ở Đồng Đậu (Vĩnh Phú), Tiên Hội, Đông Tràng (Đông Anh, Hà Nội)...
Vào cái thời đại Hùng Vương ấy, có một bộ lạc ở đồng bằng Văn Giang (Hải Hưng) mang tên bộ lạc “ Trâu ”. Thế thì suy ra ít nhất cũng có một bộ lạc Việt xem trâu là thuỷ tổ tôtem.
Thời ấy ta cũng đã biết trồng lúa nước, chẳng biết trâu đã dùng để kéo cày chưa hay được lùa xuống ruộng giẫm lún đất cho dễ cấy như cung cách của đồng bào Mường trước đây còn làm ?
Chỉ biết rằng huyền thoại của ta trân trọng con trâu trong quan hệ tam giác người - lúa nước - trâu.
Trên đứt vị trí con bò. Trong điều kiện bình thường thì trâu đã trội hơn rồi, tục ngữ ta thường nói “ trâu gầy cũng tầy bò giống ”, “ trâu he cũng bằng bò khoẻ ”. Nhưng gặp đồng chiêm đất trũng nước sâu thì nhất định phải là trâu mới được. Kinh nghiệm nhà nông dặn dò :
Đồng
chiêm xin chớ nuôi bò
Mùa đông
tháng giá bò dò làm sao
Ấy đấy ! Trâu nào phải là con vật tầm thường. Nó là người nhà trời bị tội đoạ xuống trần gian giúp loài người trồng lúa nước...
Sự tích con trâu của ta kể rằng hồi xửa hồi xưa, Trời muốn đem hạt lúa cho loài người, mới sai thần Kim Quang cầm mười hạt lúa và một nắm hạt cỏ xuống trần. Trước khi đi còn dặn dò :
– Nhà ngươi xuống trần nhớ gieo lúa trước. Còn thừa đất chỗ nào thì mới gieo cỏ chỗ đó.
Thần Kim Quang đầu đội mũ có hai quai vòng lên, phụng mạng xuống hạ giới. Thuận tay ngài gieo luôn cả nắm hạt cầm bên phải. Không nhớ rằng đó là hạt cỏ.
Cỏ mọc tràn lan. Lúc đó thần hốt hoảng vội gieo mười hạt lúa. Nhưng quá trễ mất rồi, lúa bị cỏ lấn, mọc lên muốn không nổi.
Vì lỗi lầm ấy, Trời đày thần Kim Quang xuống trần làm con trâu, hai sừng cong cong như mũ của thần, suốt đời ăn cỏ, phải chịu cho loài người sai bảo để trồng lúa.
Đấy, trâu đi vào với vận mệnh dân tộc từ xửa từ xưa.
Còn trong đời sống cá nhân, biết bao người thuở nhỏ đã từng nghễu nghện trên lưng trâu.
Chẳng hoàn toàn “ Ai bảo chăn trâu là khổ ! Chăn trâu sướng lắm chớ ! ” đâu. Các cụ soạn Quốc Văn giáo khoa thư thi vị hoá đấy thôi. Cái cảnh thảnh thơi thơ mộng chỉ là một ước mơ xa vời, chẳng khác nào cái thời đại hoàng kim Nghiêu Thuấn lý tưởng
Bao giờ đồng ruộng
thảnh thơi
Nằm trâu thổi sáo
vui đời Thuấn Nghiêu
Ca dao của ta còn đấy, nói rằng trẻ con có thày dạy học là một sự ưu đãi, không phải ai ai cũng được hưởng đâu :
Con cậu, cậu nuôi
thày cho
Cháu cậu cậu bắt
chăn bò chăn trâu
Tuy nhiên, chung đụng với trâu từ tổ tông đến con cháu, từ thuở bé đến lớn khôn, trâu đã nhập tâm con người Việt ta.
Thường hay suy bụng ta ra bụng... trâu. Thèm được phè phỡn ăn bữa giỗ mỗi năm chỉ có một lần, ta gán ngay cho anh trâu cũng chẳng khác gì, mong đến cái ngày hái đỗ xong được cho vào ruộng ăn thả giàn :
Trâu bò được
ngày phá đỗ
Con cháu được
ngày giỗ ông
Giống nhau, tụ họp lại với nhau, thì tán ra “ Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa ”.
Ganh tị thì nói văn hoa
Trâu buộc thì
ghét trâu ăn
Quan võ thì
ghét quan văn dài quần
Tiếng thơm, tiếng xấu một đời người để lại, ta ví von
Trâu kia chết dể
bộ da
Người chết để tiếng
xấu xa muôn đời
Trong cuộc sống, có nhiều tình huống ta nghĩ ngay đến anh bạn trâu “ Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu ”, đến cách sống thành đàn bao bọc lẫn nhau của anh “ Sẩy đàn thì tan nghé ”. Nghĩ đến thói lợi dụng của bác nhà nông, ta có ngay câu
Mượn trâu cứ bắt
cày thêm
Cày đi cày
lại cho mềm trâu ra
Và từ đó liên tưởng đến những cuộc cày khác
– Của chua ai thấy
chẳng thèm
Em cho chị mượn chồng
em vài ngày
– Chồng em nào
phải trâu cày
Mà cho chị mượn
cả ngày lẫn đêm...
Trâu ám ảnh trí não tâm tình ta chẳng những vì anh là người bạn trong đời sống hàng ngày mà còn là một ước mơ. Cái ước mơ đền bù cho lao lực hiện tiền “ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu ” của nhà nông là cảnh
Trên đồng cạn
dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy
con trâu đi bừa
Giản đơn có vậy thôi, nhưng chưa dễ gì đạt tới ngay được. Và đó là điều kiện tiên quyết cho nhà nông ta khấm khá lên : “ Con trâu là đầu cơ nghiệp ” !
Một cái cơ nghiệp mà thước đo cũng là trâu. Mười trâu là một sản nghiệp hi hữu. Có khoe của cải khác đời mới huênh hoang ăn nói
Chê em tao khó,
lấy ai cho giàu
Nhà tao chín
đụn mười trâu
Lại thêm ao cá
bắc cầu rửa chân
Và ta cũng thấy phú ông gạ gẫm chàng Bờm ta
Thằng Bờm có cái
quạt mo
Phú ông xin
đổi ba bò chín trâu
Mười trâu ! đó chỉ là chuyện nói thánh nói tướng một bước tới trời thôi. Trong đời sống hàng ngày, một trâu đã là lớn, lớn lắm rồi. Ta chả nói “ Lộn con toán bán con trâu ” đó sao ? Mà có ai hứa một trâu thì hãy nghi ngờ
Chưa được khấn bà
một trâu
Được rồi thì
có trâu đâu cho bà...
Vì vậy cho nên ăn trộm trâu là một hành vi phạm pháp trọng đại chỉ kém làm loạn một bước, cái bước mà kẻ trộm trâu sẽ vượt qua một ngày nào đó “ Bé ăn trộm gà, cả ăn trộm trâu, lâu lâu làm giặc ”.
Nhà nông ta quý trâu là thế, cho nên trong hội hè nghi lễ có tính cách tôn giáo, dường như ta có tính toán dè sẻn cho sinh mạng trâu.
Đồng bào dân tộc thiểu số có lễ “ đâm trâu ”, giết trâu nhiều chừng nào, bộ sừng và đầu trâu sâu tại cột trước nhà chất cao bao nhiêu, là chứng tỏ thế lực lớn chừng ấy.
Người Kinh ta có khác. Chọi gà thì đâu đâu cũng thấy, nhưng chọi trâu hiếm hơn nhiều. Mà những nơi có tục lệ ấy cũng không bắt buộc phải thường kỳ hàng năm. Một năm, hai năm một lần cũng nên, năm nào làng được mùa có của ăn của để mới tổ chức chọi trâu. Hội vui vì là ngày hội lớn nhưng cũng vui vì làng xóm được khá giả
Dù ai buôn đâu
bán đâu
Mồng mười tháng
tám trọi trâu thì về
Dù ai buôn bán
trăm nghề
Mồng mười tháng
tám thì về chọi trâu
Còn mổ trâu thì cũng phải là chuyện tế lễ khác thường, tụ tập chẳng những người họ người làng mà còn cả người hàng tổng, như khi đỗ ông nghè
Rước vinh quy về nhà
tế tổ
Ngả trâu bò
làm lễ tế vua
Họ hàng ăn uống
say sưa
Hàng tổng hàng
xã mừng cho ông nghè
Tế cỗ thái lao thì phải có đủ trâu, dê và lợn. Tuy nhiên thái lao chỉ đem ra dùng trong những dịp tế lễ quan trọng, ở thái miếu thờ tổ tiên vị hoàng đế đương trị vì chẳng hạn. Còn tế thần sông thần núi chỉ sửa lễ thiếu lao có dê, lợn là đủ.
Đời nhà Lê đôi khi ban thưởng cho người này người kia cỗ thái lao. Hải thượng lãn ông khi vào kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán được chúa Trịnh ban cho cỗ ấy. Theo lời ông kể lại trong Thượng kinh ký sự thì tiếng là cỗ đấy nhưng chẳng có vật trâu, giết lợn gì cả mà thực tế là tiền kho xuất ra trao tặng cho ông.
Chẳng phải ta không có ăn thịt trâu. Nhưng không tơ tưởng đến nó như thịt bò đến có thể đẻ ra câu
Thứ nhất thịt bò tái, thứ hai gái đương tơ
Thịt trâu cũng phải có gia vị của nó. Tuy rằng không kể chung với các loại gia cầm gia súc thông dụng
Con gà cục tác
lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua
hành cho tôi
Con chó khóc
đứng khóc ngồi
Mẹ ơi mẹ hỡi cho tôi
đồng giềng...
ta cũng sẵn câu khẳng định “ Ăn thịt trâu không tỏi như ăn gỏi không rau mơ ”. Và khi con trâu tật bệnh không phương cứu chữa thì bác nhà nông không khỏi đắng cay cho chuyện đời
Trâu lành
không ai mừng cả
Trâu ngã lắm
kẻ cầm dao
Và ngán ngẩm cho những kẻ xoăn xoe chia phần đánh chén thịt trâu, trong bọc đã thủ sẵn bửu bối “ Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng ” !
Trâu là bạn ngày ngày sống bên ta, vốn vì anh là một công cụ hàng đầu. “ Cấy cày vốn việc nông gia ”, trong việc nông gia này con trâu là vô cùng trọng hệ. Tậu trâu phải đắn đo cân nhắc, không thể nhẹ dạ nhắm mắt mà quyết định được :
Tậu trâu, lấy vợ,
làm nhà
Trong ba việc ấy thật
là khó thay
Việc trong nhà người vợ đảm đương, ngoài đồng là công chuyện của anh nhà nông. Nhưng nào chỉ có một thân một mình mà nên chuyện đâu ! Phải có con trâu. Chẳng may mà rơi phải trâu tồi thì khác nào bị bó tay buộc chân :
Thứ nhất vợ dại
trong nhà
Thứ hai trâu chậm,
thứ ba rựa cùn
Nhưng đi tậu trâu không thể cả tin nơi anh chàng lái trâu được :
Thực thà cũng thể
lái trâu
Yêu nhau cũng thể
nàng dâu mẹ chồng
Vì thế mà phải truyền nhau kinh nghiệm chọn trâu.
Có những nơi trâu nổi tiếng “ Lúa đồng Ngâu, trâu Yên Mỹ ”, “ Gà làng Trò, trâu bò làng Hệ ”.
Nhưng nào chỉ có những nơi ấy. Đâu đâu cũng có trâu tốt. Vần đề là biết cách nhìn ra con trâu khoẻ. Ta không có ngưu kinh dạy cách coi tướng trâu như Trung Quốc, nhưng cô đọng kinh nghiệm chọn trâu trong những câu tục ngữ : “ Trâu cổ cò, bò cổ giải ”, “ Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu chẳng tậu thì sao ”...
Con trâu tốt, đầu dài mà thanh thoát, gân guốc, không nục thịt ; mắt tròn to, cổ cong như cổ cò – trái lại bò nên chọn cổ to ngắn như cổ ba ba – lưng ngắn, chân nhẹ nhàng tròn trịa, giàng chân trước cao hơn giàng chân sau ...
Tậu trâu cũng có mùa của nó, thuận theo nhịp mùa vụ của nhà nông :
Tháng
Tư đi tậu trâu bò
Để ta sắp sửa làm
mùa tháng Năm
Cũng vì vậy mà tuy rằng con trâu cái là một vốn liếng sinh lợi đáng kể “ Muốn giàu nuôi trâu cái, muốn lụn bại nuôi bồ câu ”, nhưng chẳng may mà trâu hay vợ lại đi “ bể bầu ” trái thời vụ thì lúng túng to ! Đến thành tục ngữ “ Trâu đẻ tháng sáu, vợ đẻ tháng mười ”.
Lý do là ở đồng bằng sông Hồng mùa cày bừa vào tháng năm, tháng sáu âm lịch. Trâu bụng mang dạ chửa ỳ ạch rồi lại lấy bấy sinh đẻ vào đúng khi ấy thì quả là một tai hoạ.
Và tháng mười là tháng mà nhà nông trông đợi gặt hái sau năm sáu tháng lao động cật lực :
Bao giờ
cho đến tháng Mười
Ta đem liềm hái
ra ngoài ruộng ta
Vợ mà lại đi nằm cữ đúng ngay tháng ấy thì lấy ai đem liềm đem hái ra ngoài ruộng ta nhỉ ?
Người Việt đã thuần hoá trâu rừng thành trâu nhà. Ngược lại, trâu lậm vào tâm tư con người dân ta tự khi nào chẳng biết.
Nhưng còn xã hội, trâu có phần nào nhào nặn nên hình thái xã hội ta không nhỉ ?
Một bài báo chủ yếu để mua vui cho bạn đọc dịp Tết năm trâu sao dám giải đáp cho câu hỏi này. Chỉ xin được gợi lên một vài sự kiện.
Trong lịch sử, khi nước Việt ta đã giành lại được quyền tự chủ, tình thế vừa đủ ổn định để nghĩ đến xây dựng thể chế quốc gia cho xứng đáng với tên gọi của nó thì đã thấy xuất hiện ngay những quy chế liên hệ đến trâu.
Nhất là một khi nhà nước có chính sách khuyến nông nhất quán. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), kỷ nhà Lý, chép năm 1117 đời vua Nhân tông có chiếu cấm giết trâu “ ... kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm kẻ phục dịch trong quân, vợ xử 80 trượng, đồ đi làm việc ở nhà chăn tằm và bồi thường trâu ; láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng ”.
Chiếu này ban ra là thể theo ý hoàng thái hậu, bà giải thích : “ Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước ”. Vậy, cấm giết trâu ý cốt là để ngăn tệ nạn trộm trâu, bảo vệ công cụ sản xuất cho nhà nông. Ý nghĩa có khác với quy định trước đó của vua Thái tông vào năm 1042 phạt nặng tội ăn trộm trâu, nhưng là nhằm trâu công của nhà nước.
Hoàng thái hậu không là ai khác cô thôn nữ xưa kia đứng dựa gốc lan, không theo các cô khác kéo nhau đi xem xa giá vua Thánh tông đi qua, khi nhà vua đi cầu tự vì đã bốn mươi rồi mà chưa có con nối nghiệp. Nhà vua lấy làm lạ, đón về cung phong làm Ỷ Lan phu nhân.
Phu nhân sinh được con trai, sau lên ngôi là Nhân tông. Thái hậu ý niệm chính sách khuyến nông rõ rệt. Bảo vệ trâu là một. Mấy năm trước đó đã thấy bà có chính sách gia đình, tăng gia dân số, tuyệt đai đa số thời ấy là nông dân : ĐVSKTT chép, năm 1103 “ Thái hậu phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở đem gả cho những người goá vợ. ”
Xin được nhắc nhở rằng khu vực lúa nước, trâu cày vượt xa ngoài lãnh thổ Việt Nam, trải rộng khắp Đông Nam Á, gồm cả vùng Nam Trung Quốc. Và đương nhiên không riêng gì dân tộc ta mới tự đồng nhất hoá đem sánh thân phận mình với con trâu thân thương.
Đời nhà Đường, lúc nhân dân Trung Quốc kiệt lực mở sông đào núi thì trâu người, người trâu đứt hơi thở, khát khô cổ, rơi nước mắt thành những câu thơ Lý Bạch
Trâu Ngô thở
khò khè
Kéo thuyền chao ơi
khổ
Nước đục nào
dám uống
Trong bầu như bùn
khô
Hát khúc Đô
hộ ca
Ruột thắt, mưa lệ đổ
(Ngô ngưu suyễn
nguyệt thì, Tha thuyền nhất hà khổ, Thuỷ trọc
bất khả ẩm, Hồ tương bán thành thổ, Nhất
xướng Đô hộ ca, Tâm thôi lệ như vũ, Đinh
Đô hộ ca, Nguyễn Nam Trân dịch)
*
Thân thương biết mấy là trâu với mình, là mình với trâu. Từ bao đời, con trâu đi trước cái cày theo sau, đôi ta kiên nhẫn vỡ đất. Sức lực và mồ hôi ngày lại ngày tạo ra một giải văn minh lúa nước trải từ Đông sang Nam châu Á.
Nhưng nào ai mãi mãi cam chịu thân phận làm trâu ?
Vào năm trâu cuối cùng của thế kỷ hai mươi, còn ba năm ngắn ngủi đã đúng năm 2000, lấp loé hy vọng dân tộc ta từ bỏ được cái thân trâu truyền kiếp nó gắn bó với ta.
Tuy trong đáy lòng không khỏi vương vấn chút băn khoăn chẳng rõ không làm trâu nữa thì ta làm giống gì đây, xin thành tâm chắp tay cầu chúc cho ta thoát thai con trâu, hanh thông mà thẳng tiến vào thế kỷ XXI.
bùi mộng hùng
(1.1997)
Các thao tác trên Tài liệu