Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 61 / Muà lãng mạn

Muà lãng mạn

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:53, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:53
Này, bạn nào có máu mê sử gia xin hãy dẹp nó qua một bên nhé ! Có thời cho truyện, có thời cho sử. Thời sử chưa đến mà tay cầm truyện hay thì hãy cứ châm một bình trà ngon, nhâm nhi thưởng thức.

 

Một mùa lãng mạn 
trong kháng chiến

   

Nguyên Thắng

Đọc Nguyên Hùng

Nguyễn Bình huyền thoại và sự thật,
nxb Văn học, Hà Nội 1995, 494 tr.

Qua bến, truyện vừa 167 tr.,
trong tập truyện ký Trên đất này ngày ấy,
Hội văn học nghệ thuật Sông Bé, 1995.

Đệ nhất cù lao,
nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh 1995, 330 tr.

     

Những năm tháng buổi đầu kháng chiến đi vào ký ức tập thể người miền Nam trong ánh hào quang huyền thoại. Với những nhân vật vào ra xuất quỷ nhập thần trước mũi bọn chó săn, cò mồi đạo quân xâm lược Pháp rải đầy đường, khắp chợ. Như thách thức, như đùa giỡn với cái chết. Những nhân vật hào hùng, thi vị, kịch tính hệt các nhân vật kiểu “ hội vườn đào anh hùng kết nghĩa ” trong tiểu thuyết chương hồi Tam quốc chí diễn nghĩa.

Do cái nhìn thiên kiến ? Hay phần nào cũng là có thật, những nét “ yêng hùng ” trong một vài con người dọc ngang nào biết trên đầu có ai, nổi lên trong những trang lịch sử buổi ban đầu này ?

Nguyên Hùng làm sống lại trong non nghìn trang sách của anh những con người ấy, những năm tháng ấy.

Từ những con người ngày nay chẳng mấy ai còn nhớ đến tên tuổi, đã âm thầm xây dựng phong trào cộng sản. Để cho, tại đồng bằng sông Cửu Long – ở cù lao Giêng, giữa sông Tiền và sông Hậu – cậu học trò trường trung học Cần Thơ Ung Văn Khiêm dấn thân vào con đường cách mạng (Đệ nhất cù lao). Hành trình đã dẫn cậu đến chức vụ bộ trưởng ngoại giao cho đến khi bị liên luỵ trong “ vụ án xét lại ”.

Qua Bến kể chuyện anh Tám Nghệ – khu trưởng khu 7 Huỳnh Văn Nghệ. Trước khi lãnh chức vụ khu trưởng khu 7, anh là chi đội trưởng chi đội 10, có vai trò then chốt trong công cuộc xây dựng chiến khu Đ nơi anh sinh thành, khu phó khu 7 mà khu trưởng đầu tiên là Nguyễn Bình.

Nguyễn Bình, huyền thoại trong huyền thoại. Bí mật dày đặc khi trung ương phái vào, với danh nghĩa đặc phái viên. Bí mật trong hành tung ra vào Chợ Lớn, Sài Gòn thành lập các đội công tác thành. Bí mật bao trùm bức điện trung ương gọi về, và cái chết âm thầm trên đường ra Bắc.

Nguyên Hùng báo cho ta rõ ngay từ đầu. Anh viết truyện : Đệ nhất cù lao là truyện dài tư liệu ; Nguyễn Bình là một tiểu thuyết chương hồi.

Lá bài đã lật ngửa, Nguyên Hùng viết truyện. Anh không phải là sử gia. Xin bạn nào có máu mê sử gia chớ quên !

Tuy nhiên điểm danh sách nhân chứng của anh thì hầu như mỗi chương hồi đều mỗi có chứng nhân. Mà chẳng phải làm chứng để cho lấy có : thường là những người thấy tận mắt, từng vào sinh ra tử trong cái giai đoạn anh kể.

Những hồi “ Huyện Đông Triều mở rộng chiến khu ”, “ Chiếm Hải Phòng, đặt đại bản doanh, Tiếp sứ giả Nguyễn Bình phẫn nộ ” có thể là ta đã được nghe qua, nhưng sao khỏi nửa tin nửa ngờ. Vì chẳng biết từ đâu nó tới : Phòng nhì của Pháp ? Tuyên truyền của chính vị đặc phái viên ? Nhân chứng giai đoạn này là thư ký của Nguyễn Bình ở chiến khu Đông Triều Vũ Đình Thiệp.

Cái lần xe đò chở mười hai người trong đó có Nguyễn Bình, Huỳnh Văn Nghệ, bị lính Nhật chặn lại xét hỏi lấy mất giấy giới thiệu Nguyễn Bình của bộ tổng tư lệnh trung ương trên đường đi họp Bưng Cầu, những lần đột nhập vào Chợ Lớn có khi ở lại cả nửa tháng “ Nhà bị vây Nguyễn Bình vẫn thoát, Trở về khu suýt chết dọc đường ”, những nhân chứng chẳng ai khác là cô liên lạc thành mà cũng là người tình, người vợ của Nguyễn Bình, Hoàng Thị Thanh, là luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, uỷ viên tài chính Nam bộ, một người bạn Nguyễn Bình tin cậy đến nhà tá túc khi bí mật vào Sài Gòn lần đầu, v.v...

Và cứ như thế Nguyên Hùng kể lại công cuộc vị đặc phái viên từ trung ương vào với hai bàn tay trắng thống nhất các sứ quân mỗi người nắm bộ đội của mình mà dọc ngang một cõi. Với phong cách một giang hồ hảo hán. Mà chẳng phải là hảo hán thì đã chẳng tập họp nổi những tay “ yêng hùng ” chọc trời quấy nước thời Pháp thuộc thành lực lượng võ trang có tổ chức, có kỷ luật chiến lược chung.

Chuyện chẳng hiển nhiên chút nào vào thời ấy : chỉ cần nhắc lại vụ một bác sĩ người Pháp đi xe hơi qua Chánh Hưng coi mạch trị bịnh cho thân chủ, bộ đội Bình Xuyên bắt lại toan cho đi mò tôm. May sao gặp được Bảy Trân – Nguyễn Văn Trân đã từng theo học Đông Phương đại học Moscou khoá 1927–30, khi ấy là ủy viên trưởng quân sự Mặt trận số 4, Chánh Hưng thuộc khu vực mặt trận này – chặn lại, quyết định thả cho người Pháp về. Bỗng thấy một anh bộ đội Bình Xuyên xách súng lại cự nự “ Bắt được Tây thì phải giết ”. Bảy Trân còn đang giải thích “ Có Tây tốt, Tây xấu. Mình chỉ đánh Tây xấu thôi ”, anh lính đã chĩa súng qua nách ông uỷ viên trưởng quân sự mà bóp cò. Súng nổ, bác sĩ Pháp ngã gục. Bảy Trân đệ đơn từ chức, lý do không thể chỉ huy được mấy tay Bình Xuyên.

Và cũng chẳng thiếu mưu mô giết ngầm quỷ quái : mạo thư của chi đội trưởng chi đội 4 Mười Trí mời Nguyễn Bình đến dùng cơm, để đón đường ám sát. Đạn xuyên qua bả vai ngay loạt súng đầu, Nguyễn Bình ngã lăn. May sao có Hứa Văn Yến – sau này làm thứ trưởng bộ xây dựng – khi ấy là đại đội trưởng đem quân chạy tới cứu nguy đúng lúc.

Có những tình tiết chưa nhiều người biết, nhưng nó khắc hoạ không khí thời buổi ban đầu cách mạng. Như cái hồi “ Giết ngựa khu trưởng nuôi đại đội, Võ Cương sợ quở lại được khen ”.

Tuy là viết truyện, Nguyên Hùng góp nhặt được những dữ kiện có tính cách thuyết phục. Chẳng hạn cho câu hỏi cựu đảng viên Việt Nam quốc dân đảng Nguyễn Bình có gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam hay không ? Nguyên Hùng đưa thời điểm tháng 2.1947, địa điểm Giồng Lức ở rìa Đồng tháp Mười, người làm lễ kết nạp là nhân chứng Vũ Huy Xứng, khi ấy ở trong Phòng tham mưu khu 7.

Tuy nhiên chớ quên là bạn đọc truyện đấy nhé ! Đã được voi thì đừng đòi tiên. Chẳng hạn như dở trò đi tìm một cái nhìn về vai trò của vị trung tướng đầu tiên Nguyễn Bình trong chiến lược trên toàn thể đất nước. Sử gia Stein Tonnesson hé cho thấy, dù rằng chỉ viết về một thời điểm ngắn ngủi : tiến trình đưa đến ngày chiến tranh Đông Dương bùng nổ : 19.12.1946. Điện của Nguyễn Bình cho Võ Nguyên Giáp ngày 28.11.46 – mật thám báo cho nhà chức trách Pháp ngày 2.12.46 – gợi ý nếu có tấn công Hà Nội thì nên phá hoại nhà máy nước, nhà máy điện, phá cầu Gia Lâm, lập chướng ngại vật trên đường phố. Nguyễn Bình nói thế nào thì ba tuần lễ sau đó sự việc sảy ra y như vậy. Pháp cũng chặn được bức điện ngày 30.11.46 của Võ Nguyên Giáp đáp lại. Nội dung : Hoàn toàn nhất trí với ý định của anh. Chúng tôi đang chuẩn bị. Khi nào tin quân đội Pháp tấn công Hà Nội được xác nhận thì tất cả các mặt trận ở Nam Bộ đồng loạt tấn công (1946 : Déclenchement de la guerre d'Indochine, L'Harmattan, Paris 1987, tr. 169, 160, 172).

Câu truyện cứ chảy như dòng nước. Người đọc phải lưu ý mới thấy khúc quanh quan trọng tháng 7.1947. Thời điểm mà xứ ủy Nam bộ, có Lê Duẩn, Phạm Hùng khi ấy là bí thư, Ung Văn Khiêm, Trần Văn Trà, quyết định thống nhất Uỷ ban Hành chánh và Uỷ ban kháng chiến Nam bộ.

Ông Bảy Trấn là người huỵch toẹt. Khui thẳng “ Lê Duẩn với tư cách uỷ viên trung ương đặc phái viên siêu lãnh đạo. Anh nêu ra vấn đề nâng cấp Nguyễn Bình làm tổng tư lịnh Nam bộ với Lê Duẩn làm chánh uỷ.

Bốc Nguyễn Bình ra khỏi chức vị có thực quyền ” (Nguyễn Văn Trấn, Viết Cho Mẹ & Quốc Hội, nxb Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, 1995, tr. 138).

Mùa kháng chiến lãng mạn dường như chấm dứt vào cái tháng 7.47 này. Một mùa thu hoạch thật lớn. Những chiến thắng La Ngà, Đồng Xoài, Bàu Cá... Với sự thống nhất của các lực lượng võ trang, lớn mạnh của kháng chiến.

Tuy nhiên lớn mạnh và thắng lợi lớn bao nhiêu lại lộ ra rõ bấy nhiêu các thiếu sót sơ hở trong tổ chức. Uỷ ban kháng chiến, Uỷ ban hành chánh dẫm chân lên nhau. Các ban công tác thành của Nguyễn Bình hoạt động qua mặt thành uỷ Sài Gòn Chợ Lớn.

Mười Cúc – Nguyễn Văn Linh – kêu trời khiếu nại.

Đã đến lúc phải sắp xếp lại. Và bắt đầu một thời khác. Thời của những con người lạnh lùng cơ căn, của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. Chấm hết cái hào hùng lãng mạn của một Nguyễn Bình khu trưởng biết thủ thỉ với tình nhân :

Em ơi có phải em đi vắng
Chiều nay anh thấy ngẩn ngơ buồn

Đá Nguyễn Bình lên rồi. Còn mưu điệu hổ ly sơn cho Bảy Viễn ra khỏi Rừng Sát về làm khu trưởng khu 7. Truyện Nguyên Hùng kể lờ mờ. Nhưng cũng Bảy Trấn nói thẳng ra chủ mưu chẳng ai khác là anh Ba Lê Duẩn. Và khẳng định chính bản thân Bảy Trấn cùng Mười Trí thừa lịnh anh Ba đi thuyết khách mời Bảy Viễn phó hội (sđd tr. 138-139).

Tôi tin chuyện ông Bảy Trấn nói là có thật. Nhưng không vì thế mà gạt bỏ thoại của Nguyên Hùng kể Tám Nghệ đơn thương độc mã đến Rừng Sát khích cho Bảy Viễn nhận lời. Vì khu 7 là khu 7, nó có độc lập của nó.

Và không khỏi có mâu thuẫn với Lê Duẩn. Bộ đội khu 7 thừa dịp Bảy Viễn về Đồng Tháp phó hội, lòn vào Rừng Sát tảo thanh tước võ khí Bình Xuyên, hạ sát chi đội trưởng chi đội 25 Tư Tỵ và chi đội trưởng chi đội 7 Tư Hoạch. Mưu kế ít ra cũng phải là do chính uỷ khu 7 Hai Trí, và khó mà tin là không có sự đồng ý của Nguyễn Bình. Còn Lê Duẩn có được biết trước hay chăng, và biết tới đâu ?

Vụ này nổ ra, Bảy Viễn bỏ kháng chiến về hàng Pháp. Lê Duẩn, Nguyễn Bình mỗi người một ý : Khu trưởng khu 7 phái bộ đội của mình đuổi theo, còn uỷ viên trung ương Lê Duẩn ra lịnh rút, cho Bảy Viễn thong thả đi về thành.

Kết luận của ông Bảy Trấn : nhị vị tướng quân (Nguyễn Bình và Hai Trí) đã thắng Lê Duẩn.

Sau đấy cuộc sống chung giữa tổng tư lịnh Nam Bộ Nguyễn Bình và chính uỷ Lê Duẩn ra sao nhỉ ? Cho đến tháng sáu 1951, có lệnh trung ương gọi Nguyễn Bình ra Bắc. Chị Thanh đêm cuối cùng không được tâm sự với chồng. Vì có “ ông khách vô duyên ” kỳ đà cản mũi giăng võng nói chuyện suốt đêm với Nguyễn Bình. Chị mãi mãi ôm mối thất vọng. Người đọc cũng ngẩn ngơ. Ông khách là ai ? Có phải chính là ông Sáu Búa Lê Đức Thọ chăng ? Không biết được. Và day dứt những câu hỏi : bức điện trung ương gọi Nguyễn Bình về vì lý do gì ; tại sao đoàn bị phục kích trên đường ra Bắc, tình cờ hay đâu đó có tiết lộ bí mật ? Nguyễn Bình bị bắn chết trong trường hợp nào ? Những câu hỏi bỏ ngỏ, trong khi những người cùng đoàn ra Bắc chuyến ấy vẫn còn đó : Võ Bá Nhạc, chánh văn phòng bộ tư lệnh Nam bộ, người lớn tuổi lớn chức nhất sau Nguyễn Bình ; trưởng đoàn Sĩ Kiếng, thiếu tướng Nguyễn Văn Sĩ khi ấy là cán bộ trung đoàn được chọn ra học khoá quân sự trung cao cấp. Cả hai đều là nhân chứng của Nguyên Hùng.

Này, bạn nào có máu mê sử gia xin hãy dẹp nó qua một bên nhé ! Có thời cho truyện, có thời cho sử. Thời sử chưa đến mà tay cầm truyện hay thì hãy cứ châm một bình trà ngon, nhâm nhi thưởng thức.

Biết đâu bạn lại chẳng như tôi, gật gù tự nhủ : “ ! Ra nhà văn Nguyên Hùng có cái lý của anh. Giọng truyện chương hồi xem ra lại hạp với những nhân vật hào hùng mà lãng mạn như Nguyễn Bình, như Huỳnh Văn Nghệ. Không khéo cái khách quan lạnh lùng của sử lại giết chết mất đi nét hào hoa của những con người anh hùng trong một thời thế dị thường. Đầy say mê và phẫn nộ, đã cuốn theo chiều gió.

Dường như vị tướng thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ có linh cảm :

Gởi lại bạn mấy vần thơ trên cát
Và giờ đây, tôi qua bến lên đường.

Hai câu thơ này đồng chí, bạn bè tưởng nhớ anh Tám Nghệ đã cho khắc trên bia trước mộ anh.


Nguyên Thắng

(1.1997)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss