Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 62 / Tư bản với ô dù...

Tư bản với ô dù...

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:54, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:54
... xin được không tìm giải đáp trong những cách đặt vấn đề quá đơn giản, luẩn quẩn kiến bò miệng chén. Kiểu như liệu Đảng cộng sản Việt Nam có tự chuyển đổi được để từ tư bản bước đầu hiện nay tiến lên tư bản công nghiệp hay chăng ?

   

Phát triển tư bản
dưới ô dù định hướng
xã hội chủ nghĩa

   

bùi mộng hùng

   
Tư bản ! Thế là bắt buộc phải nói rõ hiểu tư bản trong tình thế nước ta ngày nay là thế nào. Nếu tư bản là chấp nhận quyền tư hữu tài sản, quyền tư hữu phương tiện sản xuất, là xem sức lao động như một hàng hoá, là mở rộng thương mãi trong nội địa và với thị trường thế giới thì dù rằng quyền tư hữu đất đai chưa được trọn vẹn ý nghĩa của nó, không thể chối cãi rằng Việt Nam đã là tư bản.

Nhưng nếu hiểu theo tư bản công nghiệp trong nghĩa tư bản tư nhân chiếm tỷ trọng lớn, doanh nghiệp tổ chức hợp lý, hệ thống tiền tệ hoàn chỉnh, luật pháp thương mãi đầy đủ và được tôn trọng, kế toán trong suốt và phù hợp với hệ thống quốc tế thì dù chính quyền có cố gắng dồi phấn thoa son đến đâu cho ra vẻ, cũng phải nói rằng chưa...

Cái bước đi qua tư bản công nghiệp này đang đặt ra gay gắt. Không riêng cho chính quyền. Mà cho cả đất nước. Phát triển kinh tế là điều kiện thiết yếu cho mọi tiến bộ xã hội, văn hoá, chính trị... kể cả để thể hiện công bằng xã hội một cách khác hơn là hạt muối cắn ra làm hai.

Giữ tốc độ phát triển cho được gần như hiện nay trong một thời gian dài là một vấn đề sống còn của chúng ta. Muốn thế, phải kinh qua một điều kiện tất yếu : Việt Nam là nơi đáng tin cậy để đầu tư dưới con mắt của các nhà tư bản trong và ngoài nước. Nghĩa là ít nhất cũng phải bảo đảm được quan hệ giao dịch theo thông lệ tư bản quốc tế.

Một vấn đề ngổn ngang trăm mối.

Vì vậy xin được không tìm giải đáp trong những cách đặt vấn đề quá đơn giản, luẩn quẩn kiến bò miệng chén. Kiểu như liệu Đảng cộng sản Việt Nam có tự chuyển đổi được để từ tư bản bước đầu hiện nay tiến lên tư bản công nghiệp hay chăng ?

Vì lẽ giản đơn là chuyển biến của xã hội luôn luôn do tương tác giữa các tác nhân xã hội. Dù muốn dù không, nhà cầm quyền chỉ là một trong những tác nhân đó. Kể cả khi nắm độc quyền chính trị.

Kết quả tổng hợp luôn luôn vượt ra ngoài ý định riêng của mỗi tác nhân. Cho đó là tác nhân chính quyền toàn trị. Mà chính quyền ngày nay ở nước ta độc quyền thì có, toàn trị thì muốn cũng chẳng được nào.

Một lẽ khác là chúng ta chứng kiến nhãn tiền Đảng cộng sản Việt Nam “ đổi mới ”. Đảng đã đủ khôn ngoan để, trong thực tế, biết thuận chiều theo những con người vật lộn cho sống còn của bản thân họ, do đó tạo nên sức sống động của xã hội. Để lèo lái theo con đường tư bản, hiểu theo những tiêu chuẩn nêu ở đoạn trên. Không xuôi theo cái xu hướng mà xã hội cho là thiết thân đến sống còn thì tránh sao cho khỏi quyền lực tuột ra ngoài tay ?

Chẳng phải đâu đó ta không còn thấy vung lên từ ngữ đao to búa lớn của ý thức hệ. Nhưng hành động thực tiễn là chuyện khác. Thực tế ta thấy trong hành động Đảng cộng sản Việt Nam đã đi cái bước khó nhất, cái bước đầu. Và trong bước đầu tư bản hoá này Đảng đã không kèn không trống trút tuột lý tưởng cùng nguyên tắc cộng sản. Cốt sao giữ được chính quyền còn ở trong tay.

Chức năng của từ ngữ ý thức hệ nằm ở nơi khác. Nó là võ khí tranh quyền nội bộ giữa các cá nhân, các phe phái. Nó tạo nên cảm tưởng tính liên tục giữa đảng lãnh đạo thắng lợi công cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước với đảng hiện nay đang cầm quyền. Tôn tạo cho nó cái chính nghĩa đang dần mòn tiêu hao vì chính quyền không được dấu ấn nhân dân tín nhiệm qua tuyển cử tự do.

Tuy nhiên từ ngữ không bao giờ là vô thưởng vô phạt. Nó có tầm quan trọng của nó. Sẽ bàn đến sau.

Vấn đề là muốn chuyển đổi từ tư bản sơ khai hiện nay qua tư bản công nghiệp, xã hội cùng nhà nước Việt Nam phải vượt qua hai trở ngại lớn, tầm quan trọng của chúng vượt xa từ ngữ.

Một là đổi “ cũ ” qua “ mới ”. Cũ ở đây hiểu theo nghĩa cung cách nghĩ và làm xưa nay của ta. Mới là những gì cần thiết để Việt Nam tạo niềm tin cho giới tư bản quốc tế, hoà mình vào tư bản thế giới ngày nay.

Hai là vấn đề tích lũy tư bản. Mà vấn đề thiết yếu này lại liên hệ mật thiết với cung cách nghĩ và làm của ta hiện nay.

  

Vật vã cũ, mới

 
Điều oái oăm là ở nước ta cái quyết định đi theo con đường tư bản là do nhà nước – nghĩa là Đảng cộng sản – chủ xướng. Với định hướng xã hội chủ nghĩa, dĩ nhiên. Lá nho có quan trọng của lá nho. Tuy nhiên, nó chẳng cản trở gì cái dòng thác được xả cảng đang xuôi chảy theo hướng tư bản chủ nghĩa.

Và nó chảy theo những khuôn xã hội đã thành hình dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Những khuôn này phần nào là kế thừa của xã hội cổ truyền, phần nào là cái mới nảy sinh trong tình huống xã hội chủ nghĩa của ta, không bàn sâu trong khuôn khổ hạn hẹp bài báo này.

Những khuôn này tiềm tàng trong lối suy nghĩ, trong cung cách quan hệ, ẩn sau hình thái tổ chức. Một điểm đáng nói là xã hội chủ nghĩa nước ta không hề đặt lại vấn đề đạo lý cổ truyền. Vẫn xem nặng tình nghĩa họ hàng, làng xóm, yêu thương nhau trong kính trên, nhường dưới. Tuy rằng nó có mở rộng cái khung đoàn kết – xưa kia thường quá hạn hẹp trong họ trong làng – ra một khuôn khổ lớn hơn, nước-quốc gia hơn là làng-nước, đảng từ trung ương tới cơ sở trải khắp quốc gia song song với họ hàng, làng xóm. Còn tinh thần đoàn kết quốc tế, trong một thời gian dài Việt Nam thường nhân đó mà thu vào những gì có lợi cho mình. Đưa ra thì hầu như chỉ là những cử chỉ tượng trưng.

Trong thế đứng chia xé giữa tình nghĩa trong nhóm hạn hẹp gần gũi và bổn phận đoàn kết rộng lớn cả nước, với các cấp trên, con người trong xã hội chủ nghĩa nước ta giữ một cung cách phục tùng. Phục tùng ngoài mặt. Cúc cung tuân theo cấp trên, hý hoáy biên biên chép chép khi nghe chỉ thị. Và báo cáo luôn luôn là hoàn thành kế hoạch – ít nhất cũng là về cơ bản. Thực tế, cái phần diễn giải tuỳ tiện mà làm theo ý riêng của cá nhân mình nhiều hay ít thì còn tuỳ...

Phản ánh của cái thế một vai hai gánh – tình nghĩa nhóm nhỏ và đoàn kết quốc gia – là cái óc địa phương chủ nghĩa không ngừng bị lên án, từ chiến tranh qua hoà bình. Cán bộ địa phương phải luôn luôn lèo lái giữa yêu cầu của cấp trên và quyền lợi địa phương mình trách nhiệm, giữa thực thể trung ương và quyền lợi thiết thân cục bộ. Trong khuôn khổ ấy, quan hệ theo định chế là phụ thuộc.

Quan hệ cá nhân mới đáng kể. Đương nhiên là quan hệ họ hàng, làng xóm. Và các mối quen biết, bạn bè thắt nối trong đời cán bộ của mỗi người. Cùng khoá học, cùng cơ quan, cùng hàng ngũ quân đội, v.v... Chuyện bánh ít đi bánh quy lại trong quan hệ cá nhân với cá nhân đóng vai trò quyết định trong đời sống công cộng. Định chế, luật lệ có đấy. Nhưng cốt là để làm cảnh.

Khi xã hội chuyển qua con đường tư bản của “ kinh tế thị trường ”, nó đương nhiên bê theo nguyên xi các quan hệ nặng tính chất cá nhân này.

Cung cách tư bản quốc tế, trái lại, đặt nặng tính pháp lý, tính khế ước trong mọi quan hệ. Tư bản vẫn có mafia-grandes écoles, 100 gia đình..., nhưng quan hệ cá nhân được công khai hoá trong khuôn khổ pháp luật, chính vì thế mặt mạnh được phát huy và mặt yếu bị hạn chế. Điều cơ bản mà doanh nghiệp trông chờ nơi nhà nước là luật pháp doanh thương rành mạch, được áp dụng một cách vô tư nghiêm túc. Xí nghiệp với xí nghiệp là quan hệ hợp đồng giữa hai thực thể pháp lý. Quan hệ cá nhân giữa tổng giám đốc xí nghiệp với quan chức chính quyền, với các tổng giám đốc những xí nghiệp đối tác là một chuyện khác, bên lề.

Giới tư bản quốc tế sẽ gặp thấy ở nước ta những tiêu điểm, những thông lệ quen thuộc với họ nếu cái hệ thống quan hệ tư túi phổ biến trong xã hội hiện nay được thay bằng những quan hệ hợp đồng nghiêm chỉnh.

Việc đó, các dàn cảnh đầy kịch tính – tuyên án tử hình vài người mắc tội tham nhũng như trong vụ Tamexco vừa qua – không có chút tác dụng nào. Những cố gắng hiện nay để soạn thảo các bộ luật cũng chưa hẳn là thuyết phục.

Chủ yếu phải là sự chuyển đổi nhận thức và quan niệm về luật pháp, về khế ước của nhà nước, của cả xã hội.

Điều thực tiễn để đánh giá cụ thể sự thay đổi trong chiều hướng ấy là những biện pháp dẹp bỏ tính cách hoàn toàn lệ thuộc hiện nay của ngành hành pháp đối với chính quyền.

Chỉ một việc – không có gì bảo đảm cho tính chất vô tư của toà án khi chẳng may mà một nhà tư bản phải tranh chấp với một xí nghiệp quốc doanh, với bộ máy hành chính – riêng việc ấy đã là một cái gì căn bản không ổn đối với người đầu tư.

  

Tham nhũng và tích lũy tư bản

 
Tham nhũng ! Một từ nặng hai mặt, pháp lý và đạo lý. Khi đạo lý và pháp lý ăn khớp với nhau, thì phải trái phân minh. Nếu nói tham nhũng là biến của công ra của tư, là hối mãi quyền thế để thu lợi riêng, dĩ nhiên là cả đạo lý lẫn pháp lý đều nhất tề mà lên án. Điểm quan trọng nằm ở giới hạn đâu là công và đâu là tư. Nó thành vấn đề khi ranh giới không rõ rệt trong hai khái niệm này.

Cái “ công ” trong đạo lý của ta, nôm na gọi là của “ chung ”, khi thì chỉ cả quốc gia, khi lại khu biệt vào một phạm vi nhỏ, “ ruộng công ” thuộc về làng. Còn nói đến cái lợi “ chung ” thì nhiều khi thu vào những nhóm nhỏ, rất nhỏ : họ hàng, làng xóm, những người học cùng trường, làm cùng sở, hay một thời chia ngọt sẻ bùi với nhau trong một trung đội... Đạo lý của ta trân trọng tình nghĩa lo cho cái lợi “ chung ” giữa thành viên các nhóm cỏn con này.

Thời đấu tranh cho độc lập dân tộc thống nhất đất nước, cái “ chung ” lớn sáng ngời, ta còn thấy có cọ sát giữa cái “ chung lớn ” với cái “ chung cục bộ ” như đã nói ở trên.

Đến khi mọi từng lớp nhân dân được nhà nước khuyến khích “ làm kinh tế ”, xí nghiệp ăn nên làm ra là đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, thì cái “ chung ” nghiêng hẳn về quan niệm thu hẹp, một xí nghiệp, một cơ quan.

Trong tình hình đó, nếu các thành viên – từ giám đốc tới công nhân viên – đồng lòng vặt lông “ xí nghiệp của chung ” chia cho nhau để mà sinh sống thì không hẳn là trái đạo lý thường tình của ta. Trường hợp một số cơ quan, xí nghiệp bắt tay với nhau làm ăn sinh lợi, có của để bên, chiết ra một phần giúp đỡ các đồng chí cũ gặp cảnh khốn khó, túng quẫn lúc tuổi già hưu trí thì đạo lý của ta nhất định là vỗ tay. Càng vỗ tay nhiệt liệt hơn khi không thấy người trách nhiệm tư túi riêng cho mình. Bỏ qua khía cạnh biển thủ của công.

Ấy đấy, của chung theo đạo lý của ta không phải lúc nào cũng trùng hợp với khái niệm công của quốc gia.

Còn vấn đề tinh thần pháp lý.

Thời gian theo kinh tế xã hội chủ nghĩa, xí nghiệp quốc doanh trực thuộc bộ, các lĩnh vực hành chính và kinh tế đan xen với nhau. Xí nghiệp ngửa tay đợi rót xuống nào là vốn, là công cụ sản xuất, là nguyên liệu... Không sử dụng quan hệ cá nhân để cho nhanh chóng có chữ ký, có dấu đỏ thì xí nghiệp chết cứng. Bánh ít đi bánh quy lại khi ấy là giúp nhau dịch vụ, hiện vật, là giúp thuận lợi công ăn việc làm cho người thân của nhau. Những trao đổi giữa thanh thiên bạch nhật, thói thường chấp nhận. Pháp lý nín thinh.

Bước qua thời “ kinh tế thị trường ”, công, tư, hành chính, kinh tế tiếp tục mà chồng chéo vào nhau. Các công ty quốc doanh có nhiều tự do trong hoạt động hơn xưa, nhưng muốn đứng vững thì quan hệ cá nhân với những nhà cầm cân nảy mực trong các cơ quan chủ quản, với ngân hàng nhà nước, chẳng bớt đi chút nào cái phần quan trọng của nó. Có điều rằng bánh ít đi bánh quy lại ngày nay, ngoài những khoản cũ còn thêm khoản tiền, những số tiền khổng lồ đối với kinh tế nước ta. Trong vụ Tamexco ta thấy toà án buộc tội giám đốc Phạm Huy Phước gây thiệt hại hơn 26 triệu đôla, riêng khoản tiền trà nước biếu xén một số quan chức đã là 174 000 đôla.

Bên cạnh quốc doanh nay còn có thêm xí nghiệp tư doanh. Tiếng thế, nhưng những mối liên hệ của nó với các công ty quốc doanh, với một số cán bộ của huyện, của tỉnh... là thế nào. Không thấy ai nhìn vào chi tiết. Kể cả pháp lý.

Ta thấy những trường hợp cán bộ cao cấp làm tư vấn cho công ty tư doanh ; chuyện thường tình, được chấp nhận. Chẳng thấy đâu là thắc mắc cho cái khả năng người công chức phạm tội tiết lộ cho xí nghiệp mình tư vấn những điểm mật của các quyết định hành chính.

Mập mờ công và tư trong khái niệm. Mập mờ lĩnh vực kinh doanh với hành chính, với chính trị. Đảng có xí nghiệp kinh doanh cho đảng, quân đội có xí nghiệp của quân đội, dựa vào thế thần mà hưởng những mối lợi kếch xù. Kiểm sát thì lỏng lẻo, vô trách nhiệm. Khi tham ô nổ ra vô phương che đậy, như trong vụ án Tamexco, không ai khác là Viện kiểm sát đề nghị cho các cơ quan chủ quản thuộc các hệ tổ chức của Đảng và của nhà nước khỏi phải chịu trách nhiệm trước pháp lý. Cho chúng được xử lý với các hình thức rất ư là tư túi : “ kỷ luật đảng ”, “ kỷ luật hành chính ”...

Mập mờ khái niệm công với tư, mập mờ trong trách nhiệm của các cơ quan, mập mờ giữa nhà nước và Đảng cộng sản. Những mập mờ ấy được thể hiện cụ thể trong tổ chức, trong cấu trúc. Sì-căng-đan tham nhũng chỉ là phần nổi của tảng băng sơn. Phần chìm trải dài từ quan niệm đạo lý, pháp lý đến tổ chức, cấu trúc kinh tế, hành chính... Vấn đề lớn của nhà cầm quyền, của cả xã hội.

Câu hỏi thiết thân là tham nhũng ấy trong thực tiễn có nguy hại cho tích lũy tư bản, có cản trở Việt Nam bước đi lên tư bản công nghiệp hay không ?

Điều nên nói ngay, tham nhũng chẳng phải là bệnh tất yếu của Á châu : Singapore được đánh giá là nơi ít tham nhũng nhất trên thế giới. Và cũng chẳng phải bệnh riêng cho những nước trước kia thuộc phe xã hội chủ nghĩa.

Tham nhũng quả đã là một tai hoạ cho sự phát triển tư bản của nhiều nước Phi châu, trong chừng mực nó chỉ là hình thức ăn hại, tiêu hao phung phí của cải cùng các khoản trợ cấp, vay mượn nước ngoài, làm cho các quốc gia ấy ngày càng lún sâu vào lệ thuộc. Tuy nhiên, tham nhũng không cản trở phát triển tư bản khi nó đi đôi với một quan niệm kinh tế sản xuất. Như ở Nhật Bản, ở Triều Tiên. Và nó đã chẳng cản trở các quốc gia ấy trở thành những con rồng Á châu.

Điểm khác biệt này dường như chẳng tuỳ thuộc bao nhiêu vào đạo lý, vào văn hoá. Mà chủ yếu vào lịch sử tổng quát của các chế độ tích lũy trong thời gian, vào sự khôn khéo trong chiến lược kinh tế vĩ mô của tổng thể bao gồm tất cả các tác nhân, công và tư.
 

Những ma quái từ lá nho sinh ra

 
Ta đang chứng kiến nhãn tiền tư bản phát triển trong kinh tế thị trường sau cái lá nho “ Định hướng xã hội chủ nghĩa ”. Tuy nhiên cái từ ngữ lộn sòng này nó có hệ quả của nó.

Lộn sòng vì chủ yếu nó che đậy sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam đã bỏ rơi dự phóng chuyển đổi xã hội mà đảng nêu cao cho dân tộc đeo đuổi suốt trên nửa thế kỷ.

Thay vào đó chỉ có chiến thuật phát triển kinh tế. Chiến thuật, chẳng phải chiến lược. Trong nghĩa chỉ lèo lái phản ứng trước mắt theo thời cuộc chớ không hành động có cơ sở, có chủ động phân tích các lợi thế, chuẩn bị các hướng tiến thủ để cho không vì hoàn cảnh mà mất hút chủ hướng.

Lý tưởng, mục tiêu dài hạn đã không còn, chỉ còn tham vọng làm giàu – làm giàu cho những ai, để làm gì, vấn đề cũng không đặt ra – chỉ lèo lái theo cái lợi trông thấy. Không đến nỗi tai hại trong ngắn hạn. Không có chiến lược còn hơn là đeo đuổi chiến lược sai lầm. Cách làm này đã đưa chế độ thoát cơn hiểm nghèo sụp đổ theo hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Nhưng, cái lá bùa bịt miệng mọi thảo luận về một cuộc đổi hướng nghiêm trọng cho đất nước, cho dân tộc, nó cũng giết từ trong trứng nước cuộc thảo luận đến nơi đến chốn về chiến lược kinh tế, về xây dựng cấu trúc cho kinh tế, cho xã hội. Lá bùa dán đó, một số vấn đề thành cấm kỵ tabou.

Chẳng hạn như vấn đề kinh tế tư doanh, tầm quan trọng, vị trí và tương quan của nó với quốc doanh trong một chiến lược kinh tế ? Chỉ thấy im như hến.

Tuy nhiên, không bàn đến không có nghĩa là cấu trúc kinh tế không đang thành hình. Từ ngày bước vào “ kinh tế thị trường ” tỷ trọng khu vực quốc doanh không ngừng tăng so với khu vực tư doanh. Năm 1986, khu vực quốc doanh là 38 % tổng sản lượng quốc nội GDP, năm 1995 tỷ lệ chiếm 42 %. Tốc độ gia tăng bình quân quốc doanh là 10,5 % mỗi năm từ 1990 đến 1995, trong khi khu vực ngoài quốc doanh chỉ tăng trưởng 6,1 %/năm trong thời gian trên. Riêng trong công nghiệp, từ ngày đổi mới, tỷ trọng của quốc doanh từ 64 % năm 1986 đã lên 75% năm 1995. Nếu không tính đến công nghiệp dầu khí thì phần công nghiệp quốc doanh vẫn còn tăng từ 64 % lên 67 % (Việt Vũ, Colloque L'Economie vietnamienne en transition : les facteurs de la réussite, Hội thảo Kinh tế Việt Nam trong chuyển tiếp : những yếu tố thành công, Paris 28-29.5.96). Ngấm ngầm, tư bản nhà nước một mình một chợ mặc tình mà thao túng.

Hướng đi kinh tế đã là thế, đương nhiên là trong xã hội cũng đang hình thành một tầng lớp người tóm thu thế lực kinh tế, tài chính trong tay. Xu hướng kinh tế quốc doanh càng tập trung vào các tổng công ty quy mô lớn bao nhiêu thì cái nhóm người nắm đòn bẩy kinh tế và xã hội này càng thu hẹp, thế lực của họ càng gớm ghê bấy nhiêu.

Chính trị, kinh tế chồng chéo với nhau : đang hội tụ những điều kiện cần có để tất cả thế lực tài chính-kinh tế-chính trị ngấm ngầm tập trung. Vào tay tài phiệt.

Từ ngữ lộn sòng từ ban đầu tiếp tục trút bỏ ý nghĩa chính xác của ngôn từ. Một ví dụ : Nhà nước từ nhiệm, phó mặc từng mảng giáo dục cho tư nhân hoành hành, chẳng thấy đâu là tiêu chí, pháp chế điều chỉnh. Sự tình ấy được chính thức gọi bằng cụm từ tranh tối tranh sáng : “ xã hội hoá ” !

Tình trạng ấy kéo dài, nó ảnh hưởng đến đời sống chính trị hàng ngày. Vì lẽ chính trị cũng cần phải có một mức độ “ chính danh ” tối thiểu, mèo đen thì gọi mèo đen, mèo trắng phải nói là nó trắng. Ngôn từ mà quá mức đánh lận con đen, thì tiêu tan hết lòng tín nhiệm của người dân. Họ thờ ơ, mặc kệ cho các nhà chính trị nói gì thì cứ việc nói, làm gì thì cứ việc làm, chẳng hơi đâu mà tin.

Người dân chẳng màng đến quyền của công dân của mình, lời lẽ chính khách là thứ ngôn từ nhập nhằng : một môi trường đặc biệt thuận lợi cho độc tài mị dân...

  

Hụt hẫng của đạo lý

 
Trong tiềm thức chung, xã hội Việt Nam vẫn gắn bó với hệ tư tưởng cổ truyền của một xã hội nông thôn, của phương thức sản xuất chủ yếu dựa vào sự khai thác một gia sản ruộng đất bởi một cộng đồng gia đình. Nhưng, cái xã hội ấy lại đang sống thực tế của một phương thức sản xuất mà nền tảng là tự do mua bán sức lao động của con người cá nhân – với một quy mô xưa nay chưa từng thấy ở nước ta.

Vị trí của con người cá nhân đã đổi từ căn bản. Tự do hơn. Nhưng cũng bấp bênh khắc khoải vô cùng so với không khí yên bình trong cái cộng đồng nho nhỏ một gia đình, cha con anh em dâu rể vợ chồng dựa vào nhau cấy cầy một mảnh đất mà chung sống. Tự do phát triển khả năng cá nhân hơn, nhưng bất trắc cũng chồng chất so với thời sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực của ta, thân phân tuyệt đại đa số đã an bài, trong san bằng bình quân theo mức thấp nhất.

Tình người còn đó. Nhưng các hình thái tương thân tương trợ trong xã hội chủ nghĩa hiện thực đã tan hoang. Và cách thức lá lành đùm lá rách cổ truyền cũng bỗng hầu như bất lực. Lòng người hoang mang.

Đâm ra nghi ngờ từ đạo lý cổ truyền nghi ngờ đi. Vì đạo lý ấy hụt hẫng. Bất lực khi con người phải lâm hoạn nạn. Và nó thường khi vô tích sự trong tình thế mới, đòi hỏi nơi con người cá nhân những tư thế, những phản xạ, những nếp suy nghĩ, những kiến thức, những hành tung khác. Đôi khi trái nghịch với những nề nếp quen thuộc từ xa xưa.

Nghĩ lại, thì đương nhiên là đạo lý, cung cách tương thân tương trợ cổ truyền phải hụt hẫng. Vì một số khái niệm căn bản của chúng vốn là đứng trên quy mô bé nhỏ của những cộng đồng con con. Xưa kia, ốm đau thì trông vào gia đình, hưởng tuổi già thì dựa vào con cháu. Thế là đủ.

Nay thì con người cá nhân phải côi đơn mà dấn thân vào một thị trường lao động, tầm vóc ít nhất cũng là quốc gia. Nếu không nói là quốc tế.

Đoàn kết tương trợ giữa cá nhân với cá nhân, giữa các thế hệ, muốn mà hữu hiệu bắt buộc phải đặt vào khuôn khổ rộng lớn hơn là gia đình. Quy mô ít nhất cũng phải gồm toàn thể lao động trong cả quốc gia. Mới hòng đủ sức giúp nhau khi ốm đau, khi mất việc. Mới mong tránh cho một số lão ông lão bà, suốt đời cật lực lao công cho xã hội, cái cảnh về già không nơi nương tựa.

Đây chỉ là một ví dụ cụ thể. Để cho thấy những quan niệm, những cách làm – vốn rất hay cho các cộng đồng cổ truyền cỏn con – mất hiệu lực trong tình thế hiện nay. Ta cần tiếp thu khái niệm mới, điều chỉnh khái niệm cũ về đạo lý, về cung cách tương thân tương trợ, về phương thức tổ chức. Cho phù hợp với thực tiễn.
 

Nghĩa là cần thảo luận. Nhưng thảo luận bị bùa ếm. Và bị ếm theo, mọi tìm hiểu hệ quả của đổi thay cơ bản trong xã hội. Nghèo nàn tranh luận đưa đến cái nhìn, cách đặt vấn đề lệch lạc. Chẳng hạn như đổ riệt mọi tội lỗi lên đầu văn hoá đồi trụy ngoại lai.

Mà, cái nhìn, cách đặt vấn đề tuy rằng chỉ là bước đầu, nó cũng là một bước quyết định. Đặt sai thì lần mãi cũng chẳng đâu tới đâu, quanh đi quẩn lại như kiến bò miệng chén. Đặt đúng là mở trúng cửa để giải quyết vấn đề, để thấy đâu là các nút mắc trọng điểm mà tháo gỡ.

Khuôn khổ bài báo bắt buộc phải chấm phá vài nét, thiếu sót minh chứng. Biết vậy, chúng tôi vẫn không ngần ngại đề nghị một cách nhìn. Không chú tâm vào riêng một khía cạnh : chính trị hoặc kinh tế chẳng hạn. Mà một cách nhìn toàn diện hơn, trong sự đan chéo giữa chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá với nhau tạo ra cái bước mà xã hội ta đang đi.

Nhìn đã là hành động. Mà hành động của người công dân cần thiết hơn bao giờ hết. Vì đang hình thành một loại tư bản nhà nước lăm le nắm độc quyền cả tài chính, kinh tế lẫn chính trị. Nhưng tầm nhìn lại không xa hơn cái lợi vơ vét trước mắt của một số người có quyền thế. Nó đang bỏ bê tương lai của đất nước, dân tộc. Mà cũng chẳng biết nghĩ đến phát triển bền lâu cho chính bản thân nó. Nó đã và còn đang bỏ rơi những mảng cần thiết cho phát triển : giáo dục, sức khoẻ, văn hoá... Bất cập trong các lĩnh vực này lộ rõ ngay từ vấn đề đầu tiên : mới là đòi hỏi của phát triển ở mức độ sơ khai hiện nay mà đã thiếu từ người thợ có đào tạo tay nghề cho đường hoàng thiếu đi, vậy mà ngân sách chi cho giáo dục năm 1997 vẫn như các năm trước tròm trèm 11% ngân sách quốc gia, khoảng 770 triệu đôla. Cứ dài dài mà tiếp tục sút kém so với các nước xung quanh, Hàn quốc 22,4%, Malaysia 18,8%, Thái Lan 20%... Ngân sách y tế 250 triệu đôla, chia ra mỗi đầu người được 3,2 đôla. Bằng 3,5% ngân sách quốc gia, còn thấp hơn tỷ lệ 4% năm 1990.

Công dân ý thức, công dân hành động. Đó là điều kiện để giữ được tình người trong xã hội. Không để cho nó hoàn toàn bị chi phối bởi luật của dã thú.

Vì dù muốn dù không vẫn còn đó xã hội. Nghĩa là vẫn còn đó những mối quan hệ gắn bó với nhau những con người cùng chia sẻ một di sản văn hoá chung, cùng chung gánh một tình thế thừa hưởng của thế hệ đi trước. Những con người ngày nay có một tự do, tự do bán sức lao động của mình. Nhưng chưa được thấy đâu là những tự do căn bản.

Nghĩ cho cùng, cái tình thế ấy nó đang là như thế nào cũng có phần trách nhiệm của những con người đang sống trong đó. Và, dù muốn dù không, hành động có ý thức hay vô ý thức của những con người cá nhân đó cũng đang là động cơ chuyển biến cái xã hội của chung ấy.

 
bùi mộng hùng

(3.1997)

  

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us