Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 65 / Anh Viện – 2

Anh Viện – 2

- Nguyễn Ngọc Giao — published 13/05/2012 23:17, cập nhật lần cuối 13/05/2012 23:56


Anh Viện


Nguyễn Ngọc Giao
(tiếp theo kỳ trước)



1943. Chưa đầy bốn tháng hoạt động ở các trại công chiến binh, " một hôm tôi bỗng rùng mình, nổi cơn sốt rồi khạc ra đờm : 'bệnh tái phát rồi'. Tôi trở lại sana (...) Bệnh tình lần này khá khiêm trọng, bác sĩ đề nghị làm phẫu thuật nhưng sức quá yếu, không chắc gì chịu được một vụ mổ xẻ. Bác sĩ bảo tôi nằm yên một năm không nói năng gì để lấy lại sức. Một năm trời tôi nằm yên không nói một lời, y tá lặng lẽ ra vào chăm sóc. Rồi lên bàn mổ nhiều lần ", anh Viện kể lại như vậy trong một tập hồi ký chưa công bố.

Yên lặng là một phương pháp điều trị bệnh lao (cure de silence) của thời ấy (gần 20 năm sau vẫn còn áp dụng, hạn chế vào khoảng hai, ba giờ trưa). Nhưng yên lặng trong suốt một năm trời là một kỷ lục đã biến Nguyễn Khắc Viện thành một huyền thoại sống trên cao nguyên Saint-Hilaire-du-Touvet, như lời kể của bác sĩ S. Tomkiewiecz trong buổi lễ tưởng niệm tối 18-6 vừa qua tại trụ sở UNESCO ở Paris. Ông Tomkiwiecz còn tìm thấy ở đó một cuộc trở về nguồn, tìm tòi triết học và đạo lý phương Đông, song song với việc vận dụng khoa học phương Tây. Có điều chắc chắc là chính tại St-Hilaire, anh đã học yoga và luyện khí công để tìm ra phương pháp thở bụng đã nói ở trên, cũng như đã học chữ nho, để đọc kinh điển Hán văn và tập thư pháp.

Về mặt chính trị, nhũng năm ở viện dưỡng lao cũng là thời gian tìm đường và tập dượt. Trái với hình ảnh Nguyễn Khắc Viện cộng sản mà nhiều người có sẵn như một định kiến, hành trình chính trị trong thập niên 40 của anh cũng khá gập ghềnh. Khởi điểm là một sự mù tịt hầu như tuyệt đối về chính trị, ngoại trừ lòng yêu nước thương nòi của một gia đình khoa bảng gia giáo (xem DĐ số trước). Hè 43 còn sang Berlin xem tận mắt nước Đức quốc xã. Sang năm 44 còn viết một bài báo đăng trên một tờ báo sinh viên, khẳng định lập trường quốc gia, với xu hướng sẵn sàng xây dựng một chế độ độc tài hay ít nhất một chế độ mạnh để đưa nước nhà tiến lên. 45-47, có quan hệ khá thân thiết với nhóm trôtkit Việt Nam lúc đó có ảnh hưởng lớn trong hàng ngũ công chiến binh. Phải tới năm 1949, Nguyễn Khắc Viện mới tham gia Đảng Cộng sản Pháp và hoạt động trong chi bộ cộng sản Pháp ở Saint-Hilaire. Theo lời kể của ông Hoàng Khoa Khôi, khi quyết định như vậy, anh đã gửi thư cho nhóm trôtkit để nói : từ nay các anh muốn biết lập trường của tôi, chỉ cần đọc báo Humanité. Những năm tiếp theo đó được đánh dấu bằng những cuộc luận chiến khá nảy lửa giũa anh Viện (cùng những đồng chí Việt Nam trong ĐCS Pháp) và anh em trôtkit, đặc biệt chung quanh vấn đề Nam Tư và việc đánh giá Tito, cũng như nhận định về Staline, Trotsky, Mao. Nảy lửa, không khoan nhượng về lập trường, song quan hệ cá nhân vẫn giữ được tình người. Được như vậy, có lẽ nhờ hai yếu tố. Một là, tập tục của các nhóm trôtkit có một ưu điểm lớn (so với các đảng cộng sản đệ tam) là vẫn giữ quan hệ cá nhân bình thường, duy trì tình bạn với những người rời bỏ tổ chức. Hai là, vẫn theo chứng từ của anh Khôi, ở thời điểm ấy, anh Viện thành thực nghĩ rằng Trotsky đã phản bội cách mạng, song vẫn đánh giá anh em trôtkit Việt Nam là những người có lòng yêu nước và có tinh thần cách mạng. Phải chăng đây cũng là một nét thầy đồ Nghệ Tĩnh, xa lạ với lối cư xử cạn tàu ráo máng.

Nhưng ta hãy quay trở lại cao nguyên St-Hilaire, vì ở đây là một cái nút quyết định trong cuộc đời Nguyễn Khắc Viện. Tại St-Hilaire, ngoài viện dưỡng lao dành cho sinh viên và trí thức (khoảng 300 bệnh nhân), còn có viện dưỡng lao của công nhân mỏ và công nhân luyện kim. Tổng cộng bệnh nhân, nhân viên bệnh viện, dân làng khoảng ba ngàn người, họp thành một tiểu xã hội với đầy đủ thành phần. Sinh hoạt văn hoá phong phú : nhiều nhà khoa học, văn hoá (trong đó có Albert Camus) được mời lên núi thuyết trình. Đấu tranh chính trị sôi nổi, thậm chí gay gắt giữa hai lực lượng chính trị áp đảo chính trường Pháp thời đó là đảng MRP (phái hữu Thiên chúa giáo) và đảng cộng sản (tham gia chính quyền từ 1944 đến 1947). Nguyễn Khắc Viện tham gia cuộc sống văn hoá, chính trị ở đây, và tất nhiên trở thành nhân vật quy chiếu trong vấn đề chiến tranh Đông Dương. Tại đây, anh đã kết bạn với rất nhiều người Pháp, sinh viên có, công nhân có. Chính những người bạn thân này sẽ cưu mang anh trong thập niên 50 khi anh hoạt động bí mật ở vùng Paris. Cũng chính họ, trong thập niên 60, khi anh trở về Hà Nội, sẽ góp tiền mua sách gửi về cho anh, bình quân hàng năm 300 cuốn.

Những năm sanatorium quả là thời kỳ tu dưỡng và tập dượt về khoa học, văn hoá, chính trị của Nguyễn Khắc Viện. Tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa (năm 41), anh đã có thiên hướng về nhi khoa và tâm lý nhi đồng, nên năm 1948, đã soạn cuốn Lòng con trẻ, có lẽ là tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt về tâm lý trẻ em. Sách gửi về Việt Bắc năm 1949, nhưng mãi đến năm... 1992, mới được nhà xuất bản Phụ Nữ công bố. Tôi nêu điểm này để hiểu tại sao, sau khi nghỉ hưu (năm 1984), anh đã trở về với mối tình đầu, và tập trung sức lực mười năm cuối đời cho khoa tâm lý học trẻ em. Cũng tại đây, anh đã có dịp tranh luận với Albert Camus về đạo Khổng, như anh đã nhắc lại trong bài Khổng giáo và chủ nghĩa Marx ở Việt Nam (đăng lần đầu trên tạp chí La Pensée, in lại trong Expériences vietnamiennes, Bàn về đạo Nho). Và cũng tại đây, anh đã ngồi xe lăn phản bác một chính khách MRP lên núi quảng cáo cho giải pháp Bảo Đại (đuối lý, phe hữu viết thư đòi đuổi tên Việt Minh sách động ra khỏi sana, nhưng thất bại vì dấy lên một phong trào phản đối từ sinh viên, công nhân, cũng như bác sĩ và nhân viên y tế).

1951 . Sau 7 lần lên bàn mổ, với dung tích thở 1 lít (dung tích trung bình của người thường : 4 lít), Nguyễn Khắc Viện quyết định xuống núi. Tất nhiên, các bác sĩ đều khuyên can, và tin chắc anh sẽ phải trở lại, rất sớm. Song lần này, anh tin rằng đã tìm ra bí quyết để giành lấy sự sống, với cái giá phải trả là liên tục luyện thở, tập dưỡng sinh, dè sẻn sức lực, tiết kiệm từng hơi thở và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, anh cũng tập dượt thêm một thời gian bằng cách không trở lại Paris ngay, mà lưu lại một năm ở dưới chân núi, là thành phố Grenoble.

Cuối năm 1952, anh về Paris. Chiến tranh Đông Dương tiếp tục, ác liệt Nhưng tình hình đã khác hẳn thời kỳ đầu, khi mà chính quyền thực dân chắc mẩm sẽ dẹp loạn sau một thời gian ngắn. Phong trào chống chiến tranh Đông Dương lên mạnh, không chỉ thu hẹp vào Đảng cộng sản (lúc đó còn khá mạnh). Ngay trong nội bộ giới cầm quyền, đã có sự phân hoá, xu hướng đi tìm giải pháp thương lượng với Việt Minh đã manh nha. Cụm từ la sale guerre (cuộc chiến tranh bẩn thỉu) đã xuất hiện và trở thành phổ biến : điều đáng chú ý là cụm từ này không xuất phát từ ĐCS hay phong trào hoà bình, mà nó đã ra đời dưới ngòi bút của Hubert Beuve-Méry, trong một bài xã luận đăng trên báo Le Monde (những ai chỉ biết Le Monde trong cuộc chiến tranh Mỹ-Việt thập niên 60 có thể không biết rằng cuối thập niên 40, nhật báo này đã ủng hộ chính sách chiến tranh ở Đông Dương). Cuốn sách của Philippe Devillers ra đời lúc đó, tuy đã tạo ra một huyền thoại về Leclerc và Sainteny chủ hoà không hoàn toàn đúng với sự thật lịch sử (xem cuốn sách của Stein Tonnesson), song đã có một tác dụng không nhỏ vào việc phát triển xu thế thương lượng. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh lạnh vẫn nóng hơn bao giờ (chiến tranh Triều Tiên diễn ra khốc liệt, chủ nghĩa McCarthy và chủ nghĩa Stalin hoành hành ở hai bên bức màn sắt) và giấc mộng đế chế vẫn bám chặt đầu óc một bộ phận lớn của giai tầng chính trị Pháp (xin nhớ cuộc chiến tranh Algérie bùng nổ sau Điện Biên Phủ, và sẽ kéo dài 8 năm, ngang với chiến tranh Đông Dương).

Phong trào Việt kiều ủng hộ chính phủ kháng chiến cũng phát triển theo đà phong trào hoà bình Pháp. Ngoài nòng cốt là các bác lính thợ nay đã trở thành những công nhân thực thụ (ở Renault và các xí nghiệp lớn nhỏ), một số ra mở quán ăn, trở thành tiểu thương, và những trí thức quen biết như Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo (về chiến khu năm 52), Phan Nhuận..., nay có thêm sức sống mới là những học sinh sinh viên (phần đông qua Pháp sau khi phong trào Trần Văn Ơn bị đàn áp). Trong khi lực lượng ủng hộ lá bài Bảo Đại vẫn lèo tèo, sự lớn mạnh của phong trào Việt kiều trở thành một thách thức đối với nhà cầm quyền Pháp, và người lãnh đạo phong trào (Phạm Huy Thông), một cái gai.

Một buổi sáng tinh khôi tháng 12-52, cảnh sát khám nhà một số anh em Việt kiều. Hơn 10 người, trong đó có Phạm Huy Thông, bị giải về giam ở Sài Gòn. Nhưng bắt hụt một số khác, trong đó có Nguyễn Khắc Viện. Anh kể lại trong tập hồi ký : « Hồi ấy tôi ở ngoại ô Paris, trong một gia đình công nhân Pháp, ông bà Lephay, với một cậu con trai làm thợ cắt kính, một cô con gái làm thợ may. Vì quen cậu con trai ở bệnh viện, nên lúc ra viện, gia đình ấy mời tôi về ở với họ, bà mẹ bảo tôi : chỉ cần thêm một bát đĩa thôi, chẳng tốn kém gì. Hai ông bà không phải là đảng viên, nhưng làm công nhân từ 14-15 tuổi nên đã trải qua nhiều vụ đình công biểu tình (...) ông bà không rõ tôi làm gì cụ thể, nhưng cũng hiểu tôi là một người Việt Nam yêu nước, đồng thời là một đảng viên ; vì đã kinh qua thời Đức chiếm, nên ông bà cũng không hỏi tôi nhiều hơn. Tuy ở đấy, nhưng cũng có ý đề phòng, nên tôi vẫn có nơi khác trú chân, nhiều đêm không ngủ nhà. Đúng hôm cảnh sát đến, thì tôi đi vắng. Cảnh sát vào lục nhà, không tìm được tài liệu gì, sau dẫn bà Lephay đi khắp các đường phố Paris, hỏi cho kỳ được là tôi trốn ở đâu. Sau này bà Lephay kể lại : " Cảnh sát dẫn tôi đi ba ngày liền. Trong một tháng sau, mỗi lần tôi lên xe buýt về Paris lại một thằng lẽo đẽo đi theo, xem thử tôi đi những nơi đâu ". Trong hai năm trời, tôi không gặp lại gia đình ấy, có lúc cũng muốn ghé thăm vài phút, nhưng nguyên tắc hoạt động bí mật là tuyệt đối (...). Vấn đề đầu tiên là tìm được nơi ở an toàn, anh em bảo nên dựa vào mạng lưới của Đảng cộng sản Pháp, tôi bảo không cần. Mạng lưới quen biết của tôi xây dựng trong 10 năm ở sana, nay ở Paris không phải ít người, trí thức có, công nhân có, đảng viên có, ngoài đảng có, tôi biết là họ sẵn sàng giúp và sẽ không bao giờ phản tôi. »

Chính trong thời gian này, anh đã thuộc lòng các tuyến đường và các trạm métro (xe điện ngầm) của Paris, mấy chục năm sau, ngồi ở Hà Nội, có thể chỉ dẫn đi từ bất cứ nơi nào tới bất kỳ phố nào, đổi tuyến ở trạm gì, ngồi toa nào cho gần cửa correspondance hay lối ra nhất ! Thay thế Phạm Huy Thông lãnh đạo phong trào, anh làm song song công việc Việt kiều và công tác ngoại giao, tiếp xúc với chính giới Pháp từ tả sang hữu (trong việc này, anh được sự trợ giúp tận tình và hiệu quả của ông Nguyễn Văn Chỉ, là chồng giáo sư Françoise Baccot mà bạn đọc quen biết với bút danh Françoise Corrèze). Những năm 1953-55 hoạt động bí mật ấy một mặt anh bị bộ nội vụ Pháp truy lùng, mặt khác được bộ ngoại giao nể nang, coi anh là đầu mối để liên hệ thương lượng với đối phương. Cuộc truy lùng mãi tới năm 56 mới (tạm) chấm dứt, khi phái đoàn y tế của bác sĩ Hồ Đắc Di sang Pháp (phái đoàn đầu tiên của Việt nam Dân chủ Cộng hoà đến Pháp, sau khi tổng đại diện Trần Ngọc Danh bị trục xuất). Louis Puiseux và Henri Van Regemorter, hai người bạn thân, kể lại : Nguyễn Khắc Viện đi xe đạp tới nhà hàng Maxim's dự cuộc chiêu đãi khoa trưởng y khoa Hồ Đắc Di ! Hình như người đầu tiên tới bắt tay anh ở ngay cổng vào là ông Lecurieux, thanh tra mật thám, mà bà con Việt Nam ở Pháp (có người học cùng với ông ta ở Lycée Albert Sanaut, Hà Nội) vẫn quen gọi bằng các tên Việt Nam (dịch sát từ tiếng Pháp) : ông Tò Mò. Nói đến xe đạp và Nguyễn Khắc Viện, có lẽ cũng nên mở ngoặc để kể thêm một giai thoại khác, xảy ra ở một thời điểm sau đó hơn một thập niên, tại Hà Nội. Theo một người thân, có lần anh hẹn gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng, và đạp xe tới Phủ Chủ tịch. Tới nơi thì được người trực (dám là người đồng hương khu IV lắm) mời về, không phải vì đi xe đạp, mà vì anh mặc... quần soóc.

Sau năm 1956, nhà cầm quyền Pháp đã cấp thẻ cư trú hợp lệ cho anh Viện, và để hội Liên hiệp Việt kiều thành lập. Hoạt động đến năm 1959 thì LHVK bị cấm. Đó là thời điểm mà chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh quốc sách chống Cộng, nhưng dẹp đi hai màn cải lương bài phong đả thực. Về phía chính phủ De Gaulle, với chuyến đi thăm Sài Gòn của bộ trưởng Pinay (cha đẻ của đồng Franc mới) cũng muốn cải thiện quan hệ với ông Diệm, ít nhất để bảo vệ quyền lợi kinh tế của Pháp còn nhiều ở miền Nam. Mặt khác, chính sách của tướng De Gaulle, từ năm 1962 sau khi phải trả độc lập cho Algérie) là cân bằng hoá phần nào quan hệ với miền Bắc. Theo ông De Quirielle, người được cử sang làm tổng đại diện Pháp ở Hà Nội, thì tướng De Gaulle đã dùng hình ảnh " không nên thoá mạ tương lai ". Bước đầu, Pháp nhận mở ở Paris một phái đoàn đại diện... thương mại của VNDCCH, đứng đầu là một nhà ngoại giao xa lạ với nghề buôn, ông Mai Văn Bộ. Song đổi lại, Paris muốn làm xẹp bớt phản ứng của Sài Gòn bằng một cử chỉ nhân nhượng. Trong khi đó, tương lai có vẻ tới gần thêm một bước với diễn biến tình hình ở miền Nam : tháng giêng năm 1963, chưa xảy ra cuộc đàn áp ở Huế, làm bùng nổ phong trào Phật giáo, nhưng đã diễn ra trận Ấp Bắc, làm rúng động bộ máy quân sự mà Hoa Kỳ đã dày công xây dựng (xem cuốn sách của Neil Sheehan, A Bright Shining Lie, Random House 1988 ; bản tiếng Pháp L'Innoncence perdue, Seuil, 1990). Tương lai, trong nhãn quan của lão tướng De Gaulle, cũng là tiếp nối quá khứ : Pháp chuẩn bị lá bài ở miền Nam, cụ thể là với cựu thủ tướng Trần Văn Hữu. Cần thiết phải tập hợp chung quanh ông Hữu một nhóm trí thức trông được. Mà uy tín của Nguyễn Khắc Viện thì quá lớn. Một công đôi ba việc : trục xuất Nguyễn Khắc Viện vừa hạn chế hiệu năng đáng gờm của một cặp bài trùng Mai Văn Bộ & Nguyễn Khắc Viện, vừa dọn đường cho nỗ lực vận động chính trị tương lai của Pháp, vừa làm nguôi phản ứng của Sài Gòn trước việc Paris tiếp nhận đại diện của Bắc Việt Cộng Sản.

tho

Nhưng chẳng nên thoá mạ tương lai. Việc trục xuất bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không công bố. Về phía chính phủ miền Bắc, công bố hay phản đối cũng không có lợi. Coi như nhà nước đón về nước một nhà trí thức tên tuổi, năm ấy đúng 50 tuổi, nhưng sức khoẻ yếu kém sau nhiều năm trọng bệnh. Thật sự, Ở Hà Nội, hầu như ai cũng nghĩ nên xếp anh Viện vào một cương vị, hay đúng hơn, một danh vị nào đó, song người ta chờ đợi rằng anh sẽ chẳng sống được thêm mấy năm tháng, với khí hậu miền Bắc và nhất là trong điều kiện vật chất thời đó.


Nguyễn Ngọc Giao
(còn tiếp 1 kỳ)


Nội dung liên quan
Rich document Anh Viện – 1
Rich document Anh Viện – 3

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us