Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 65 / Tìm bản gốc truyện Kiều

Tìm bản gốc truyện Kiều

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:54, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:54
Lúc sinh thời, những lần chuyện trò về công cuộc đi tìm bản gốc truyện Kiều, giáo sư Hoàng Xuân Hãn thường nói : " Đây là công trình của cả đời tôi. " Đem cả đời người đi tìm một bóng ma. Để làm gì ?


Công trình đi tìm
bản gốc truyện Kiều của
cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn

 
Nguyên Thắng

 
Một bóng ma ám ảnh nhiều học giả

 
Bản gốc truyện Kiều ? Nó là một bóng ma. Đã tự lâu rồi.

Tương truyền rằng Phạm Quý Thích (1759-?) cho khắc in bản đầu tiên. Nhà danh nho này trên đường từ Bắc vào kinh triều kiến vua Gia Long có trong tay một bản thảo truyện Kiều. Ông đọc nó thích thú. Thành thi. Hai câu thơ cuối còn nằm trong lòng nhiều người :

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân thanh đáo để vị thuỳ thương

Cũng chính Phạm Quý Thích dịch ra nôm :

Cho hay những kẻ tài tình lắm
Trời bắt làm gương để thế gian

Bài Đề từ quyển Kiều, Đoạn trường tân thanh này ông cho khắc cùng với bản Kim Vân Kiều tân truyện, in ở phố Hàng gai, Thăng Long. Các bản về sau căn cứ vào bản đó được gọi là bản Phường.

Bản Kiều in đầu tiên này đã thất lạc. Rất sớm.

Bài tổng thuyết đầu tập Thanh tâm tài tử (tức truyện Kiều) vua Minh Mạng viết vào năm 1830 có những câu : " Bản Hoa đường đã vắng, vách cũ tiêu điều. (Trộm nghĩ) phải tìm lại các sách của họ còn để lại để truyền cho những người cùng chí hướng văn chương " (Hoa đường dĩ viễn, phá bích tiêu điều. Sở đương mịch kỳ di biên, cáo chư đồng chí...). Phạm Quý Thích người làng Hoa đường, bản Hoa đường chính là tên gọi bản ông cho khắc in. Vậy, năm 1830 là đã phải đến nhà họ Phạm mới tìm ra để mà in lại.

Năm 1871, vua Tự Đức trong bài tổng từ nói về truyện Kiều lại viết : " ...Bản của Hoa đường không còn lưu truyền. Nay nhân nơi đài các được nhàn rỗi, không nỡ để cho câu chuyện hay phải lạnh lùng theo mây khói. Nhân tình cờ được toàn bộ trong bồ sách, truyền cho theo đó khắc in lại " (... Hoa đường bình bản vô lưu truyền. Thích kim đài các thừa nhàn hạ. Bất nhẫn giai thoại không hàn yên. Ngẫu ư cổ lộc đắc toàn giản. Truyền thần tả chiếu tượng trùng thuyên). (theo Truyện Kiều, nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1 972, tr. 85-86).

Chắc rằng bản ông Đào Nguyên Phổ tìm ra năm 1895 mang về biếu Kiều Oánh Mậu năm 1898 là bản in ở Kinh này.

Từ 1871 về sau chẳng còn một ai được mắt trông thấy bản Kiều Phạm Quý Thích nữa. Tam sao thất bản. Nó đã thành một bóng ma.

Lúc sinh thời, những lần chuyện trò về công cuộc đi tìm bản gốc truyện Kiều, giáo sư Hoàng Xuân Hãn thường nói : " Đây là công trình của cả đời tôi. "

Đem cả đời người đi tìm một bóng ma. Để làm gì ? Phải chăng đã có bản Kiều lưu truyền rộng rãi bấy lâu nay, ai ai cũng thích thú đó sao ?

Quả là thế thật. Có điều chẳng phải một bản, mà lại nhan nhản những bản Kiều. Chữ nôm và chữ quốc ngữ.

Và đó là vấn đề. Không một ai thật vừa lòng. Dù rằng đã có những bản hiệu đính công phu :

– Bản Đoạn trường tân thanh, Kiều Oánh Mậu cho khắc in bằng chữ nôm vào năm 1902 dựa trên bản Kinh do Đào Nguyên Phổ tìm được nói trên. Trong điều 5 bài " Thập tắc " ở đầu sách, họ Kiều nói " ... chỗ sai lầm khó thông hiểu được thì tra xét kỹ càng, tham khảo đính chính, rồi nhân vần mà thay đổi cho hợp với câu văn ". Một cách hiệu đính không khỏi có phần nhận xét chủ quan.

– Bản Truyện Thuý Kiều bằng chữ quốc ngữ do Bùi Kỷ Trần Trọng Kim hiệu khảo và chú giải in năm 1925, nhà Vĩnh Hưng Long xuất bản. Lần in thứ hai 1927 có ghi " Chữa lại rất kỹ và rất đúng với bản nôm cổ ". Bản nôm cổ là bản nào, lại không thấy nói rõ. Một yếu kém trong phương pháp hiệu đính.

– Bản quốc ngữ Vương Thúy-Kiều chú giải tân truyện của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nhà xuất bản Tân dân, Hà Nội, 1941. Một bản khá phổ biến, bình luận và chú thích gọn gàng dễ hiểu, nhưng về phương pháp cũng có những nhược điểm của các bản trên.

Chiến tranh vừa tạm yên, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân căn cứ vào một số bản nôm cổ và những bản quốc ngữ có giá trị để hiệu đính và khảo dị một bản Truyện Kiều xuất bản năm 1965. Tiếp sau đó, năm 1972 lại có Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang chấp bút biên soạn, nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. Cũng như quyển 1965 nói trên, đây là một bản được soạn thảo rất công phu. Nó có tham vọng đem lại " phương pháp hiệu đính " chặt chẽ hơn, có " tính hệ thống " hơn các bản có trước đó (Lời nói đầu, Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang, tr.X).

Gần đây nhất có Truyện Kiều, Vũ ngọc Khánh chú giải, Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin 1995, Truyện Kiều khảo đính và chú giải của Nguyễn Quảng Tuân, nhà xuất bản Khoa học xã hội 1995, tái bản trong tập hai của bộ Toàn tập Nguyễn Du, Mai Quốc Liên chủ biên, nhà xuất bản Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, 1996.

Mục tiêu của các công trình hiệu đính – nói ra hay không nói ra – phần lớn chẳng xa gì mấy so với nhóm Nguyễn Thạch Giang : " 1. Tổng kết và tiếp thu được những thành tựu trong các công trình hiệu đính truyện Kiều đã xuất bản...; 2. Cung cấp cho bạn đọc một bản Kiều mà đông đảo quần chúng hiện nay chấp nhận được, nghĩa là một bản Kiều quen thuộc với mọi người... 3. Trong phần khảo dị, tính toán làm sao mà cung cấp được cho bạn đọc các bản Kiều quan trọng cần thiết cho việc nghiên cứu..." (Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang, tr. 111).

Cung cấp một bản Kiều quen thuộc với mọi người, một bản Kiều y như bản Kiều mà nhân dân ta, các bà mẹ chúng ta đã ngâm đã thuộc... Một mục tiêu hoàn toàn đáng trân trọng.

Tuy nhiên khi đã nhắm tới mục tiêu này, không ít thì nhiều, các tác giả có lúc phải xem nhẹ yêu cầu vô cùng hệ trọng : " Hiệu đính truyện Kiều là một công tác văn bản học, cho nên trước hết nó đòi hỏi trong mọi vấn đề tính hệ thống – hệ thống trong cái chung và trong cả từng cái riêng rất cụ thể của từng vấn đề. Và, cả hệ thống này phải chịu sự quy định chặt chẽ của thực trạng văn bản với yêu cầu duy nhất là khôi phục lại diện mạo thực của văn bản " (Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang, Lời nói đầu, tr. X-XI)

Đúng quá ? vấn đề là thuần tuý văn bản học. Yêu cầu duy nhất là khôi phục lại diện mạo thực của văn bản : bản gốc truyện Kiều của chính Nguyễn Du sáng tác ra. Được thế mới yên tâm khi nghiên cứu về Nguyễn Du, về Kiều. Nếu không, người nghiên cứu trung thực với chính mình tránh sao cho khỏi câu hỏi day dứt : luận về phong cách, phương pháp sử dụng ngôn từ của Nguyễn Du thật đây hay là nói tào lao về những hoa hoè hoa sói người đời sau thêm thắt vào ? Cho dù rằng đó là những lời hay, những lẽ đẹp ?

Vấn đề cũng đặt ra cho công cuộc nghiên cứu tiếng Việt nói chung và tiếng Việt trong các tác phẩm văn học cổ.

Hẳn nhóm Nguyễn Thạch Giang ý thức rõ rệt điểm này cho nên trong trang XI nói trên có câu chú thích " Chúng tôi đang chuẩn bị tiến hành biên soạn một tập sách nghiên cứu về văn bản truyện Kiều theo những yêu cầu văn bản học thuần tuý,... "

Một lời chú thích như hứa như hẹn, đượm ý tiếc nuối đã phải đáp ứng yêu cầu thực tế trước mắt khi ấy về truyện Kiều. Nhưng, không thấy sau đó nhóm này thực hiện được lời hẹn...

Tuy nhiên, đã là một học giả chân chính thì bỏ qua sao được hướng tìm tòi căn bản này ! Năm 1979 nhà xuất bản Văn học, Hà nội cho ra bản Kiều, văn bản cơ sở và chú giải của nhà học giả Đào Duy Anh.

Vấn đề của cụ Đào : "... chúng ta phải làm thế nào để tìm được một văn bản Truyện Kiều, nếu không có thể là đúng với nguyên bản của Nguyễn Du thì cũng là không xa lắm đối với nguyên bản. " (tr.26)

Và ông đề ra phương pháp. Điểm đầu là " Dựa vào những bản nôm xưa, đặc biệt là bản Kim Vân Kiều tân truyện của Liễu Văn Đường in năm l871 là bản xưa nhất theo hiện tình tư liệu. " (tr.26)

Lấy bản xưa nhất làm bản trục ! Chọn hướng tìm tòi văn bản học thuần tuý, cung cách có hơi khác với khi mục tiêu là đi tìm một bản Kiều quen thuộc với mọi người. Khác từ trong cách chọn bản trục khác đi. Muốn có bản Kiều quen thuộc thì lựa một bản được phổ biến rộng, đã được hiệu đính tốt làm căn cứ, như bản Kiều Oánh Mậu (1902). Dù biết rõ rằng đó là một bản khá xa bản gốc đã mất, ít nhất là trong thời gian.
 

Phương pháp Hoàng Xuân Hãn

 
Học giả Hoàng Xuân Hãn nhất quán với chính mình : đi tìm nguyên lời của Nguyễn Du sáng tác ra Truyện Kiều. Suốt đời. Kiên trì. Với phương pháp nghiêm ngặt.

Công trình về Kiều của ông được quan niệm khác với cách làm từ xưa tới nay. Đáp lời phỏng vấn của Thuỵ Khuê, ông có giải thích : " ... công việc của tôi không phải để chú thích Kiều như phần lớn họ làm từ trước đến giờ, nghĩa là người ta nghĩ đến chuyện giảng Kiều hơn là nghiên cứu Kiều.

" Nghiên cứu của mình trước đây là giảng nghĩa, tức là công việc của một thầy giáo tiểu học, trung học, cũng như đại học. Ở trình độ nào thì cũng thầy ấy giảng, giảng một ngày một sâu lên, nhưng cũng là giảng học cả. Vậy nghiên cứu Kiều là nghĩa thế nào ? Mình ở thế kỷ này, cách lúc cụ Nguyễn Du viết dã gần 200 năm, thì vấn đề nghiên cứu cốt thiết nhất là bản Kiều hiện bây giờ mình đọc, có phải là lời của cụ Nguyễn Du viết ra như thế cả không ? " (Hợp Lưu số 29, tháng 6&7 năm 1996).

Nhà học giả Hoàng Xuân Hãn đã hoàn thành công trình nghiên cứu về Kiều của ông. Tiếc thay khi mất đi ông chưa kịp viết bài tựa. Trong tập di cảo chỉ thấy mấy hàng dường như ông phác thảo cho bài này.

Thế là chúng ta không bao giờ được đọc chính tác giả trình bày phương pháp của mình. Tuy nhiên nó tiềm tàng trong công trình. Đọc qua là nhận ngay ra những nét lớn phương pháp nghiên cứu của ông. Vả lại ông có nói qua những điểm chính khi đáp lời phỏng vấn của Thuỵ Khuê (đ. d.). Nó tương tự với phương pháp ông dùng để hiệu chú cuốn Bích câu kỳ ngộ (Nhà xuất bản Đại học, Huế 1964), đã được anh Tạ Trọng Hiệp – tiếc thay nay cũng đã theo thầy vĩnh viễn ra đi ‏– kịp thời phân tích sâu sắc trong bài Đọc cuốn hiệu chú Bích câu kỳ ngộ của ông Hoàng Xuân Hãn (mới được in lại trong Hợp Lưu số 34, tháng 4&5 năm 1997).

Có điều, bản Kiều hoàn thành ba mươi năm sau Bích câu. Ba mươi năm nhà học giả không ngừng nghiền ngẫm nghiên cứu, về văn bản, về chữ nôm, về sử học... Cái nhìn đã sành sỏi lại thêm điêu luyện, tri thức đã uyên bác lại càng sâu rộng thêm.

Cái uyên bác sành sỏi đã cho phép ông giải đáp dứt khoát một số vấn đề nan giải, cho ông nhìn ra ngọc trong đá sạn.

 
1. Vấn đề Nguyễn Du viết truyện Kiều khi nào là một. Cho tới nay nhiều người ngả theo Đại Nam chính biên liệt truyện và gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, chép rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều sau khi đi sứ nhà Thanh (1813) về. Vấn đề được ông Đào Duy Anh đặt lại trong bài Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh vào lúc nào ? đăng trong tạp chí Đại Việt số 96, 20.5.43. Nhưng chưa ai giải quyết dứt điểm được.

Ai ai cũng biết rằng trong bản Đoạn Trường Tân Thanh của Kiều Oánh Mậu có lời phê bình của Vũ Trinh và Nguyễn Thành, hai nhà nho cùng chí hướng với Nguyễn Du, không cộng tác với Tây Sơn.

Riêng học giả Hoàng Xuân Hãn xác định được hai ông này phê bình Kiều vào thời gian nào và từ đó suy ra thời điểm Nguyễn Du viết truyện Kiều : Vũ Trinh sống lâu, mắc tội đời Gia Long (1802-1819) vì là thầy học của con Nguyễn Văn Thành, bị đầy vào Quảng Nam, mãi đến đời Minh Mạng (1820-1840) mới được thả về. Trái lại, Nguyễn Thành được Gia Long vời ra cho làm tri phủ Yên Trường rồi bị chết trong một trận giặc vào năm 1807.

" Vì có sự phê bình của các ông ấy thì biết rằng truyện Kiều được viết đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long. Tôi chắc cũng không phải đời Gia Long, bởi vì đời Gia Long, cụ Nguyễn Du đã bị gọi ra làm quan (...). Lúc đã ra làm quan rồi thì không có thì giờ ngồi viết Kiều " (phỏng vấn của Thuỵ Khuê)

 
2. Lại cái nhìn sành sỏi uyên bác trong việc xác định bản xua nhất trong hiện tình tư liệu. Một công việc mà ông cũng như ông Đào Duy Anh cho là việc đầu tiên trong phương pháp nghiên cứu.

Hàng chục năm trời, ông ra công tìm mua một bản Kiều cũ, ít ra cũng xuất bản từ đời Tự Đức (l848-1883), nhưng tuyệt nhiên không thấy. Mãi đến những năm cuối thế chiến thứ hai, khan giấy, người ta đem bán giấy cũ ở dọc đường Hà Nội, ông mua được bản Kiều Thịnh Mỹ Đường 1879 và sau đó lại được tham khảo ở nhà cụ Hoàng Huấn Trung bản Thịnh Văn Đường 1882. " ... Hai lần tình cờ được tao ngộ với điều sở nguyện. (...) Có lẽ sách là linh vật đã tìm gặp kẻ trọng sách chăng ? " Xúc động của nhà học giả còn đó trong Bài ký mua được tập sách, ông viết kỷ niệm cái may được gặp sách quý.

Sau đó ông lại tìm ra được bản Liễu Văn Đường 1871 của trường Đông phương sinh ngữ Paris. Giới học giả nhất trí cho đây là bản có niên đại in ấn xưa nhất. Và như vậy, tư liệu còn lại hiện nay không có bản in nào xa hơn cuối đời Tự Đức.

Nhưng con mắt học giả Hoàng Xuân Hãn tìm ra bằng cớ khẳng định có một văn bản cổ hơn 1871 hàng mấy chục năm. Từ một bản in ít ai lưu tâm vì thường cho là do người dốt chép lại : bản Duy Minh Thị in bên Trung quốc, lưu truyền ở trong Nam.

Bản ông có trong tay in đời Tự Đức năm 1872. Tuy nhiên, xét văn bản "... chỉ có chữ huý đời Gia Long, không huý đời Minh Mạng, thì biết rằng bản viết người ta theo đó để mà sao lại; chắc chắn đầu đời Gia Long " ... " Bản ấy có nhiều sai lầm, nhưng qua cái sai lầm một cách giản dị mà mình lại chữa được một cách chắc chắn. Còn những bản khác, người ta sửa lại mà sửa một cách khôn ngoan, thì không thể đoán được, hoặc là có thể đoán được nhưng mà khó đoán lắm " ... " Sự thực bản ấy là quý nhất " (phỏng vấn của Thuỵ Khuê). Ông dùng nó làm bản trục.

 
3. Ông đem so sánh tám bản Kiều xưa chia ra làm ba hạng : 1) hạng lưu truyền trong Nam gồm bản Duy Minh Thị 1872, bản Trương Vĩnh Ký, phiên âm quốc ngữ 1875 ; 2) hạng ở Trung với các bản Kiều Oánh Mậu 1902, bản Phạm Kim Chi, quốc ngữ 1917 và bản Huế chữ nôm ; 3) hạng ở Bắc gồm các bản Liễu Văn Đường 1871, Thịnh Mỹ Đường 1879, Thịnh Văn Đường 1882.

 
4. Từ đó ông đi tìm cách lập lại " lời Nguyễn Du chứ không phải là nguyên bản, bởi vì nguyên bản không tìm ra được nữa " (phỏng vấn của Thuỵ Khuê).

Dựa theo một số tiêu chuẩn :

a) So với nguyên truyện của Trung Quốc. Nghiền ngẫm văn Kiều, học giả Hoàng Xuân Hãn nhận thấy có những lời, những chữ, những tiểu từ trong Kiều gần với bản truyện Tàu : Nguyễn Du rung cảm với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nó gợi ý những đổi thay xảy ra cho gia đình cụ, trong xã hội loạn lạc đương thời. Cụ kể lại chuyện cho chính mình bằng tiếng Việt, bên cạnh cụ có nguyên truyện Tàu. Nhiều khi chi tiết nguyên truyện thế nào thì cụ viết ra y như thế, các bản nôm sau này bỏ đi vì tập tục từ đời Gia Long đã đổi thay. Vậy bản còn giữ chi tiết truyện Tàu là bản gần với lời Nguyễn Du hơn cả.

Chính vì đó là một điểm trong phương pháp của ông mà học giả Hoàng Xuân Hãn yêu cầu in nguyên truyện Tàu ông dịch ra đối chiếu với các đoạn tương đương của truyện Kiều. Nhân đó người đọc lại có dịp tự mình nhận thấy tài hoa sáng tạo của Nguyễn Du.

b) Theo những liên hệ với con người Nguyễn Du, với làng nước, bạn bè. Trong tôi còn nghe vẳng tiếng Bác Hãn bình hai câu

Trải qua một cuộc bể dâu (3)
Những điều trông thấy đã đau đớn lòng (4)

" Sau này có bản chữa lại đau đớn lòng. Thực ra là đã đau đớn lòng. Hai câu ấy cụ nói rằng : trải qua một cuộc bể dâu, một chứ không phải hai hay nhiều cuộc bể dâu đâu nhé ! Những điều cụ trông thấy đã đau đớn lòng. Trong truyện Tàu , không có chuyện bể dâu gì cả.

Vậy cuộc bể dâu ấy là gì ? Tức là Tây Sơn phá Trịnh với Lê ; và cụ, tức là cái họ của cụ, không biết bao nhiêu người làm quan, thượng thư đầu triều hay là đương còn trẻ, văn học rất nổi tiếng, trong họ của cụ có hàng chục người như thế. Một cuộc bể dâu mà Tây Sơn đánh đổ Lê Trịnh là làm đổ hết cả họ về mọi mặt ở Tiên Điền. Cho nên những điều trông thấy đấy làm cụ đau đớn lòng. "

c) Nguyễn Du gốc người Nghệ, cụ viết ra nhiều tiếng quen dùng ở Nghệ nhưng nơi khác ít dùng, bị chữa đi trong các bản nôm về sau. Như chữ trong câu :

Cũng dư nước mắt khóc người đời sơ (106)
Rằng : " Hồng nhan tự thủa xưa (l07) ...

Chú thích trong di cảo : tiếng Nghệ nói đời sơ, tức là đời xưa. Đây chắc tác giả dùng âm để tránh trùng vận (2 chữ vần liền mà trùng). Bản Kiều Oánh Mậu muốn tránh trùng vận, đã chữa đời sơ ra cổ sơ (hai chữ âm Hán).

d) Theo thi pháp của Nguyễn Du, mà học giả đã nghiền ngẫm thấm nhuần. Bảng chỉ vần Kiều là một trong những phương tiện thấu đáo thi pháp. Nó sẽ được in với cùng với tập di cảo về Kiều. Một ví dụ sử dụng : chọn chữ thêu thay vì chữ đào trong câu 157.

Một nền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều (156)
Nước non cách mấy buồng thêu (157 )

Các bản xưa đều dùng chữ buồng đào. Bản Duy Minh Thị viết thêu (1), học giả Hoàng Xuân Hãn cho buồng đào là lầm ," Nguyễn Du rất ít ghép vần ao với iêu ".
 

5. Có bản nôm cổ rồi, phải đọc như thế nào ?

Từ lâu học giả Hoàng Xuân Hãn đã tôi luyện phương pháp cho chính mình. Trong lời nói đầu Thi Văn Việt Nam, 1951, ông viết : " Tôi đã kê các tiếng cổ thành tự vị, rồi vin vào cách viết nôm ý trong câu, mà đoán âm với nghĩa... Tôi đã tìm được nghĩa bằng quy nạp, nghĩa là bằng cách nhận xét rồi mới suy đoán, chứ không phải lấy lí tưởng mà đoán bừa ". Với phương pháp tương tự, ông theo tự dạng nôm cổ suy ra quy luật chuyển đổi của ngữ âm ngữ tiếng Việt, chẳng hạn như âm tr là từ âm bl, tl, 1, âm gi từ âm ch.

Nhờ đó, ông chữa lại được những chỗ phiên âm sai từ lâu nay. Chúng ta ai chẳng thuộc câu

Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà (176)

Học giả Hoàng xuân Hãn đọc là

Giọt sương treo nặng cành xuân la đà

Và chú thích : " Các bản đều viết chữ nôm (2) với âm tố liêu (3) phải đọc treo, chứ không được đọc gieo (4) (viết với chữ chiêu (5)). Trong bản nôm Duy Minh Thị, ta thấy viết chữ (2) trong các vế 398 ' Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên ', 467 ' Hiên sau treo sẵn cầm trăng ', vân vân, và viết chữ (4) trong các vế 198 ' Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng ', 579 ' Gieo thoi trước chẳng giữ giàng ', vân vân. Vả chăng hình ảnh " giọt sương treo nặng " trên cành non làm nó " la đà " là rất đúng và đẹp. Đây là một thí dụ chữ nôm viết đúng mà phiên âm sai, làm mất thi tứ của tác giả. "
  

Hội Văn hoá giáo dục
CAM TUYỀN

Một trong những công trình chưa công bố mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã bỏ nhiều công sức từ nhiều năm để thực hiện là đi tới một bản Kiều gần với nguyên tác nhất của thi hào Nguyễn Du. Công trình Kiều tầm nguyên đã được gởi về nước và sẽ được xuất bản trong bộ Toàn tập Nguyễn Du do giáo sư Nguyễn Huệ Chi chủ biên.

Tác phẩm này đòi hỏi ấn loát công phu. Để bảo đảm ngân sách in ấn, và nếu có thể, để giá bán sách không quá cao đối với túi tiền của những người cần có một bản Kiều trung thành nhất, Hội Cam Tuyền kêu gọi hội viên và bằng hữu đóng góp tài chính dưới hình thức đặt mua trước và ủng hộ.

Địa chỉ liên lạc :

Hội Văn hoá Giáo dục Cam Tuyền
c/o Nghiêm Xuân Hải, 38 rue de Lozère, 91400 ORSAY

Học giả Hoàng Xuân Hãn đã thành công đến mức nào trong công cuộc đi tìm cách lập lại lời Nguyễn Du ?

Cầm tập di cảo tôi bỗng nhớ đến công trình khảo cổ học tạo ra hình ảo (image virtuelle) các kiến trúc xung quanh kim tự tháp Saqquarah ở Ai Cập.

Hình ảo. Nhưng tạo dựng với các dữ kiện xác lập do công trình nghiên cứu có phương pháp, có hệ thống của ba thế hệ khảo cổ học nối tiếp nhau. Ảo, nhưng phương pháp thể hiện hình ảnh là do sự cộng tác giữa các ngành khảo cổ, kiến trúc, tin học tạo hình, v.v...

Vì thế mà nó là một toà công trình. Vững chãi làm cơ sở cho bước tiến thêm. Khi khai quật, phát hiện được dữ kiện mới. Khi sáng tạo ra được phương pháp mới.

Toà công trình nghiên cứu Kiều của học giả Hoàng Xuân Hãn cũng có cái gì tương tự như vậy. Nó đứng đó, vững bền trên cơ sở nghiên cứu nghiêm túc của một đời học giả.

Nó thách thức kẻ hậu sinh. Phát hiện những bản Kiều cổ hơn, hay may mắn hơn nữa, tìm ra bản gốc. Chúng có thể cho thấy chỗ học giả sai lầm, nhưng chính vì nhà học giả làm việc có phương pháp mà những sai lầm là những bài học quý cho kẻ đi sau. Chúng cũng có thể xác định cái đúng của nhà nghiên cứu. Chuyện đã xảy ra trước đây với bản hiệu đính Bích câu của Hoàng xuân Hãn. Và cái đúng cũng lại là nhũng bài học sáng giá.

Nó thách thức hậu sinh tìm phương pháp mới. Vì nói phương pháp là nói khả năng, nhưng cũng nói giới hạn. Tìm ra phương pháp mới soi sáng những khía cạnh còn trong bóng tối của truyện Kiều Nguyễn Du, của văn học cổ Việt Nam.

Cách đây nửa thế kỷ, học giả Hoàng Xuân Hãn làm Danh từ Khoa học. Lý do : " Chỉ vì thiếu tiếng nói ra nên sự tiến-bộ của ta chậm chạp, cách lý-luận của ta mập mờ. " (Tựa, 1942). Ngôn ngữ khoa học dân tộc là chìa khoá của lý luận minh bạch, là điều kiện tất yếu để cho cả dân tộc tiến nhanh.

Ngày nay tiếng Việt được vận dụng trong các ngành khoa học. Như ông từng ước mong và tiên đoán. Ta có một số nhà khoa học nghiêm túc. Tuy nhiên cũng có những xu hướng xem nhẹ nghiên cứu minh chứng. Trực giác có thể là sáng láng, nhưng quá nhẹ công phu tìm tòi mà qua cầu gió bay hàng chục năm viết lách ba hoa.

Học giả Hoàng Xuân Hãn mất đi nhưng toà công trình nghiên cứu Kiều còn đó. Nhắc nhở rằng tinh thần khoa học cũng là tìm tòi có phương pháp, không biết mệt mỏi.

Kẻ viết những hàng này không theo đòi văn học cũng chẳng theo sử học, là một kẻ " ngoại đạo ", không xứng đáng làm học trò học giả Hoàng Xuân Hãn. Chỉ vì đôi chút duyên nợ mà được cầm trên tay tập di cảo về Kiều, cho nên xin thắp nén hương lòng cầu cho tập này mau được in thành sách. Ai ai cũng có thể tìm đọc dễ dàng.

 
Nguyên Thắng

(Paris 6.97)

kieu-hxh

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss