Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 66 / Văn hoá và thời sự

Văn hoá và thời sự

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:55, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:55
...cái mà ta gọi là văn hoá ấy cấu trúc thế nào. Nó có chuyển đổi chăng, những gì làm nó chuyển đổi. Dĩ nhiên là sơ lược, rất sơ lược... Trao đổi kinh tế, giao lưu văn hoá với Tây phương là yếu tố chủ yếu trong xu hướng mở rộng đón nhận cái mới. Có chăng nguy cơ bị đồng hoá ? ... Vấn đề thời sự của chúng ta là không chấp nhận tình huống vừa thoát khỏi kiếp nô lệ ngoại bang lại đâm đầu vào làm tôi tớ cho một thiểu số người đồng hương.

 

Văn hoá và thời sự

 

bùi mộng hùng

 
Bốn nghìn năm văn hiến. Nó ở trong ta, ta chia sẻ nó với tất cả những ai mang trong mình cái hiện tại của quá khứ ấy. Một sức nặng. Những khi cái vốn liếng tích lũy tự ngàn xưa là túi khôn quyết định thành quả hiện tiền cho ta, ta mừng vui. Ta tự hào vì nó. Nhưng cũng biết bao phen ta bực bội cái sức ỳ mấy ngàn năm nặng nề, đè trên quá khứ, hiện tại và tương lai.

Làm sao đây để cái sức mạnh trong ta ấy đưa chúng ta đến những mục tiêu mong muốn ? Có thể được không nhỉ ?

Đã đặt câu hỏi như vậy thì không sao tránh khỏi phải đi tìm hiểu cái mà ta gọi là văn hoá ấy cấu trúc thế nào. Nó có chuyển đổi chăng, những gì làm nó chuyển đổi. Dĩ nhiên là sơ lược, rất sơ lược trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo.
 

Những phức tạp về thời gian

 
Chúng ta sống theo nhịp của thời sự. Không ngừng xô đẩy, xua đuổi nhau. Xáo động kinh tế, đổi thay thời thượng, thời thượng tư tưởng, thời thượng nghệ thuật, khủng hoảng chính trị, cách mạng bùng lên, cách mạng xẹp xuống, chiến tranh nổ ra, hoà bình trở lại, hội nghị thượng đỉnh, đại hội toàn quốc, vân vân và vân vân ...

Tuy nhiên, bối cảnh của cuốn phim thời sự đời sống chúng ta là những hiện hữu không thể chối cãi : Cái không gian chúng ta sống, cái hình thái xã hội nó nhào nắn cả cuộc sống chúng ta, vừa sinh ra là ai ai cũng đã bị ảnh hưởng, các nề nếp đạo lý chúng ta tuân theo dù là ta ý thức hay không ý thức, những niềm tin của chúng ta, triết lý hay tôn giáo v.v..., tóm lại những diện của nền văn hoá. Chẳng khác chi những luồng nước ngầm mà thời sự chỉ là những gợn sóng nhấp nhô trên mặt.

Những thực thể ấy có một nhịp sống chậm, rất chậm so với đời người của chúng ta. Chẳng ai trong chúng ta được phú cho một cuộc sống dài, đủ để được thấy những chuyển đổi của các thực thể ấy cho đến tận cùng.

Thế là chúng ta phải chấp nhận rằng chẳng có một thời gian thuần nhất. Có thời gian bọt bèo của thời sự, thời gian kéo dài của thời đại, thời gian dường như im lìm bất biến của một nền văn hoá.

Đặt vấn đề như chúng ta đã đặt, đúng là : Chỉ được thiên nhiên phú cho cái thời gian phù du đời một con người mà lại tham vọng tác động vào thời gian của nền văn hoá – dài vô tận so với đời con vờ của mỗi cá nhân. Chẳng những vậy, còn mong tác động ngược lại vào thời sự ngày mai trước mắt của chúng ta.

Ấy cũng là cái vô nghĩa của thân phận con người. Nhưng chúng ta chấp nhận. Vì chúng ta muốn làm người. Và vì cũng chẳng ai ngoài những con người cá nhân chúng ta làm nên lịch sử, nên văn hoá của chúng ta.
 

Những phức tạp trong cấu trúc văn hoá

 
Hai chữ văn hoá không khỏi gợi lên trong chúng ta một ý niệm thuần nhất.

Nhưng, chỉ nhìn kỹ một chút, là thấy hiện ra những lớp khác nhau. Chẳng khác những lớp đất trầm tích, theo thời gian mà lắng đọng.

Có những lớp từ ngoài tới, đã nhập vào tư tưởng, vào nếp sống của người Việt tự xa xưa : Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo. Mới hơn nhiều, từ khoảng một thế kỷ nay là những nếp văn hoá Tây phương. Chúng cũng đã đi vào nếp sống hàng ngày của chúng ta.

Và, có trước tất cả, từ khởi thuỷ, là cái nền bản địa, cái vốn ban đầu của ngôn ngữ, những thói quen, những tín ngưỡng nguyên thuỷ như tin thờ các sức mạnh thiên nhiên mà ta quen gọi là “ Mẹ ” là Mẫu. Cái vốn địa phương Đông Nam Á ấy, thoạt nghe dường như là một cái gì xa xôi. Nhưng ngẫm mà xem, nó gần ta, rất gần và sinh động lắm. Gặp dịp là nổi dậy lên ngay. Người Việt sống xa đất nước đem nó theo trong mình. Tại Pháp, chỉ đi quanh một vòng ngoại ô Paris, các vùng Ermont, Sarcelles, đủ thấy sống động tới đâu thói tục thờ “ mẫu ” lên đồng trong các giới Việt Nam.

Vậy, so sánh các lớp văn hoá với lớp trầm tích là một cách nhìn rất gợi hình. Nhưng sai. Vì nó là một hình ảnh tĩnh. Quên rằng trong căn bản là sô sát không ngừng. Tạm yên trong thế quân bình không ổn định, với những vay mượn, nhân nhượng, đắp điếm trá hình. Nhưng, gặp yếu tố mới là chuyển sang trạng thái khác. Ta thấy, khi tinh thần khí thế cách mạng dậy lên như cồn đề cao duy vật chủ nghĩa, đồng bóng, thờ cúng tưởng đâu là đã chết tiệt hết cả rồi. Có ngờ đâu, mới được chút cởi mở là chúng ầm ầm trở lại. Các bà lại vui vẻ mở hội, cúng lễ, lên đồng như thuở nào. Các cô các cậu thanh niên thắp hương xì xụp lạy bái, thì thầm khấn lễ, cầu xin cho thi đỗ, cho làm ăn phát tài, trúng mối. Còn một số vị cứng rắn duy vật những năm trước kia, ngày nay về già thành ra như thế nào thì chỉ là rì rào lời đồn, chưa có nghiên cứu nghiêm chỉnh, xin được miễn bàn.

Chuyện thường tình nếu ta nhìn với nhãn quan lịch sử.

 

Có nhiều văn hoá cùng chung sống trong một nền văn hoá

 
Phật giáo bước vào đất Giao Chỉ không làm gì khác hơn là nâng lên bậc Phật Bà các bà Mây, bà Mưa, bà Sấm, bà Chớp. Dân dã gọi nôm na là các bà Dâu, bà Đậu, bà Dàn, bà Tướng, thờ trong hệ các chùa Tứ Pháp ở đồng bằng sông Hồng gồm bốn chùa Pháp Vân (Mây Pháp), Pháp Vũ (Mưa Pháp), Pháp Lôi (Sấm Pháp), tượng các bà tạc to hơn tượng Phật. Chắc rằng khởi thuỷ chẳng phải người ta đặt tượng Tứ Pháp vào chùa thờ Phật, mà đã đặt bàn thờ Phật vào các đền thờ các bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Chùa cổ nhất trong hệ các chùa Tứ Pháp là chùa Dâu tên chữ là Diên ßng Tự ở Thuận Thành, Hà Bắc, thành lập vào buổi đầu công nguyên khoảng thế kỷ thứ III khi Luy Lâu còn là trung tâm đô hội. Thời nhà Lý, triều đại đầu tiên có ý chí rõ rệt xây dựng nền văn hoá xứng đáng với đất nước Đại Việt, vào những năm 1073, 1169 các vua Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông đã cầu đảo tại chùa hoặc rước tượng về chùa Báo Thiên Thăng Long để cầu mưa.

Ở vùng Mỹ Văn tỉnh Hải Hưng, gặp khi hạn hán, tượng Pháp Vân ở chùa Thái Lạc được rước ra khỏi chùa cùng với các tượng Pháp Lôi, Pháp Vũ ở các chùa gần đó đến chùa Ún thờ bà Pháp Điện để cầu mưa. Tượng các bà đặt trên giá gỗ, trai làng phù giá, ở trần đóng khố vải điều, khiêng đi. Một người cầm cờ lệnh đi trước, hô lớn :

Ba Bà trẩy hội chùa Un
Mưa gió đùn đùn... thiên hạ dễ làm ăn... này...

Trong các chùa miền Bắc, thường có thờ Mẫu, bàn thờ đặt ở vị trí thứ yếu. Nhưng mới gần đây, vào một số chùa, ta thấy bàn thờ Phật bị đẩy xa tít tắp trong tận cùng. Chính điện để dành thờ Mẫu. Vị nữ thần bản địa trở lại vị trí chính, Phật đứng vai khách như thời nào, khi mới bước chân đến Giao Chỉ.

Cho đến thế kỷ XIV đời Trần, ta thấy kẻ sĩ học theo đạo Khổng còn nặng tâm lý lép vế của người yếu thế. Trương Hán Siêu, than vãn trong bia chùa Khai Nghiêm đề năm 1339 “ ... những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa. Bọn áo thâm, áo vàng (các sư sãi) tụ tập ở đấy, không cày cấy mà ăn, không dệt mà mặc ; những người thất phu thất phụ thường bỏ cửa nhà, làng xóm lũ lượt quy theo.

Than ôi ! các bậc thánh hiền ngày càng xa cách, chính đạo ngày càng lu mờ ; những kẻ làm thày, làm tướng đã không có bậc Chu công, Thiệu công để dẫn đầu việc giáo hoá, các xóm thôn châu huyện lại không có trường để dạy dỗ nghĩa hiếu thảo hoà thân, như thế thì người ta tránh sao khỏi hoang mang, ngoảnh nhìn rồi bỏ đi theo đường khác.

Nhưng chẳng lâu gì, chỉ hơn một trăm năm sau đó, tới triều đại Lê Thánh Tông (1460 - 1469) Nho gia hầu như nắm được toàn thể bộ máy cai trị, đem quan niệm của mình về trật tự xã hội, về giáo dục, tóm lại ý thức hệ nhà Nho áp dụng cho cả nước.

Nhưng phải nói là một trăm năm với bao đổi thay. Về chính trị, nhà Trần sụp đổ, nhà Hồ để mất nước, nhà Minh đô hộ, Lê Lợi khởi nghĩa giành độc lập đánh đuổi quân Minh lập nên nhà Lê... Và cũng những chuyển đổi lớn trong xã hội, đặc biệt là sự tan rã chế độ điền trang của vương tôn, công chúa nhà Trần. Tan biến mất một giai tầng nắm quyền lực chính trị và kinh tế. Mà cũng là những thí chủ trung thành của nhà chùa, rộng tay cúng ruộng đất, của cải, nô tỳ để cầu phúc. Ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, uy thế của Phật giáo trong xã hội yếu hẳn sau khi chế độ điền trang suy sụp.

Chẳng phải quyền lực khi không mà rơi vào tay nhà Nho. Trong sử sách còn dư âm những tranh chấp với những giới khác có quyền thế trong triều nhưng không cùng ý thức hệ : các võ biền công thần nhà Lê như Lê Sát, Lê Ngân và các tay chân hầu cận nhà vua, bọn hoạn quan.

Ta được thấy một hồi gay cấn phe phái nhà nho đấu tranh, phủ nhận khả năng làm văn hoá của những kẻ không cùng ý thức hệ với mình. Năm 1437, Lương Đăng dâng lên vua Lê Thái Tôn kiến nghị về lễ nhạc trong triều. Nguyễn Trãi, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến và Nguyễn Liễu tâu rằng : “... Phải là bậc tài thức như Chu công rồi sau mới không thể chê trách được việc đặt lễ, chế nhạc. Nay nhà vua để cho hạng bầy tôi hèn mọn ở trong cung chuyên việc xếp lễ đặt nhạc, như vậy chẳng tủi nhục cho nhà nước lắm sao ? ...

Lương Đăng tâu : “ Thần là kẻ vô học, không biết chế độ thời xưa ra sao. Những việc bây giờ làm đó chỉ là biết thế nào làm thế ấy mà thôi.

Nguyễn Liễu tâu : “ Từ xưa đến nay chưa bao giờ hoạn quan lại tự chuyên làm nát thiên hạ như vậy. ”

Bỗng một hoạn quan tên là Đinh Thắng từ trong nội đi ra, mắng lớn lên rằng : “ Hoạn quan làm gì mà nát thiên hạ ? Nếu nát thiên hạ thì phải chém đầu mày !

Nguyễn Liễu bị đem giao cho hình quan xét xử. Kết quả, bị kết tội chém đầu. Nhưng rồi được giáng xuống tội thích chữ vào mặt, đày đi nơi xa. Và, cuối 1437 hay đầu 38, Nguyễn Trãi xin về Côn Sơn hưu trí.

Ta được thấy đấy một cuộc đấu tranh đến mất mạng. Và, cũng như trong bất cứ đấu tranh nào, có những bước lùi và bước tiến. Nguyễn Trãi trở lại triều chính năm 1439. Giáo dục được tổ chức lại theo quan niệm của giới nhà Nho, thi cử tuân theo lề lối chính quy từ 1442, năm Nguyễn Trãi là chủ khảo khoa thi lấy Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên. Nhưng cũng chỉ mấy tháng sau đó, ngày 19 tháng 9 năm ấy, Nguyễn Trãi cùng toàn gia bị chết oan khốc trong cái án Lệ chi viên.

Chúng ta thấy qua sự kiện lịch sử kể trên, ý thức hệ – nghĩa là những hình ảnh để giải thích thế giới quanh ta, những bậc thang giá trị, cái phần bao trùm tất cả sản phẩm văn hoá – luôn luôn liên hệ đến quyền lực. Qua đó ta cũng thấy trong một xã hội đã phát triển, không có một ý thức hệ, không có một văn hoá mà có nhiều ý thức hệ, nhiều văn hoá cùng chung sống, cạnh tranh với nhau. Và cũng không thể chối cãi rằng đấu tranh ý thức hệ, không ít thì nhiều, có liên quan với đấu tranh giai cấp.

Suốt trong nhiều thế kỷ, ý thức hệ chính thống của ta là ý thức hệ bác học nhà nho với trật tự xã hội sĩ, nông, công, thương của nó. Sự thống trị ấy không ngăn cản sức sống của văn hoá bình dân. Có thể nó bị coi khinh nôm na là cha mách qué, nhưng nó sinh động bên cạnh văn hoá thông thái của nhà nho. Anh nhà nông hứng chí lên có thể bất cứ lúc nào rung đùi đảo lộn trật tự xã hội chính thống, ít nhất là trong lời nói “ Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ ”.

Tuy nhiên, liên hệ một giai cấp với một văn hoá là một cái nhìn quá máy móc, không sát với thực tế. Phân ly đối lập hai văn hoá hay hoà hợp chúng với nhau, con đường trong hiện thực không vạch theo tầng lớp xã hội mà nằm trong thái độ, hành vi của mỗi con người cá nhân.

Xin lại đưa Nguyễn Trãi ra làm bằng, lấy một bài thơ chữ nôm của ông, bài số 148 trong Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1976) :

Ở bầu thì dáng ắt nên tròn
Xấu tốt đều thì rắp khuôn
Lân cận nhà giàu no bữa cám
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn
Chơi cùng đứa dại nên bầy dại
Kết mấy người khôn học nết khôn
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp
Đen gần mực đỏ gần son.

Bảy câu thơ thì bốn đã theo những câu là tục ngữ ngày nay. Câu 1 : Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, câu 2 và 3 : Ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm, ở gần kẻ trộm ốm lưng bị đòn, câu 7 : Gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Không có bằng chứng để khẳng định rằng vào thế kỷ 15 những câu này đã là tục ngữ rồi. Nhưng, cứ cho rằng mãi về sau chúng mới đi vào cửa miệng dân gian, bài thơ này và rất nhiều câu trong các bài khác là bằng chứng yếu tố bình dân trong con người Nguyễn Trãi. Cũng chẳng mấy gì khó khăn để tìm các ví dụ tương tự nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du hay Nguyễn Khuyến.

Tuy nhiên, bo bo trong quan niệm đấu tranh giai cấp có chăng là quá thu hẹp chân trời quan sát văn hoá, bỏ sót chẳng thấy ra những mặt không lọt vào khuôn lý thuyết. Trong văn hoá của chúng ta, trong văn hoá của một Nguyễn Trãi, một Nguyễn Du chẳng có gì sáng tạo và to đẹp hơn là một mớ kinh điển bác học vật lộn với những hồi ức “ dân gian ” hay sao ?

Nếu văn hoá là hiện tại của quá khứ, thì những hình thái không ngừng trào lên tự xa xưa cấu tạo phức tạp. Chẳng bao giờ là một lớp văn hoá giản đơn, thuần Khổng, thuần Phật, thuần bác học hoặc thuần dân gian, mà là những “ thành hệ văn hoá ” bao gồm những cống hiến nguồn gốc khác nhau. Chính đó là cái vô cùng phong phú của văn hoá.

 

Những phức tạp trong chuyển biến văn hoá

 
Văn hoá của một dân tộc là một kho tàng hình thái. Hình thái tư duy, hình thái nghệ thuật, cung cách xử thế mà các thế hệ nối tiếp nhau rút tỉa ra mà dùng để ứng xử với tình huống cụ thể thời thế đặt ra cho mình.

Các sản phẩm văn hoá ấy dĩ nhiên mang những nét chung, nhìn vào là có thể nhận ra phả hệ của chúng. Tuy nhiên có thời đại phong phú văn hoá, có thời đại nghèo nàn, và mỗi thời mỗi có đặc tính riêng. Sự vận hành sáng tạo này liên quan mật thiết với những chuyển biến của cấu trúc hạ tầng .

Đương nhiên là với kinh tế. Văn hoá Đại Việt thời Lý, Trần có rực rực rỡ được chăng nếu không có sự kiện lúa chiêm ? Như tên gọi, lúa này gốc ở Chiêm Thành. Đến khoảng thế kỷ XI, XII nó trở nên phổ biến trong các khu vực cư dân sống nghề lúa nước ở phía Bắc Chiêm Thành. Giống lúa lạ này cho phép họ làm thêm một vụ ngoài vụ mùa. Sản xuất lúa gạo tức thời nhân hai, dân số phát triển, dân giàu nước mạnh. Có sức người sức của để mà xây cất chùa chiền, dinh thự. Có đủ ăn đủ mặc để mà xướng hoạ văn thơ, thưởng thức hội hoạ, điêu khắc, ca nhạc.

Vào những thế kỷ ấy, nảy nở nền văn hoá Đại Việt tại vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã. Và đó cũng là thời mà lưu vực sông Dương Tử sống nghề lúa nước trù phú hẳn lên. Trở thành trung tâm văn hoá lớn của Trung Quốc, vượt qua lưu vực sông Hoàng Hà, trung tâm nguyên thuỷ văn hoá Trung Hoa sống vào lúa mì và kê.

Một yếu tố quyết định khác trong văn hoá là ý thức hệ. Ý thức hệ chuyển theo các cấu trúc vật chất. Nhưng nó không chỉ đơn thuần phản ánh những đổi thay này. Mà, qua một tiến trình đa định, ý thức hệ lại ảnh hưởng trở lại sâu sắc đến cấu trúc vật chất.

Chuyển đổi của một nền văn hoá chẳng phải là một tiến trình giản đơn mà là tác động qua lại của những chuyển biến các cấu trúc tầng tầng, lớp lớp. Từ bình diện môi sinh chuyển qua các bình diện dân số, phương thức sản xuất, trao đổi hàng hoá, bình diện phân chia quyền lực và bộ phận quyết định, bình diện thái độ tinh thần và ứng xử tập thể cùng nhãn quan nhìn thế giới và sự vật đứng sau các thái độ và cung cách ứng xử tập thể ấy. Mỗi tầng lớp theo nhịp độ chuyển đổi theo riêng của nó.

Một vài bình diện, như quan hệ chính trị có thể chuyển biến nhanh chóng. Nhưng nói chung, nhịp độ chuyển đổi ý thức hệ, thay bậc thang giá trị là chậm, rất chậm.

Tuy nhiên, cái dòng sống êm ắng của văn hoá có thể bị xô đẩy. Bởi hiện tượng giao lưu văn hoá chẳng hạn. Ta thấy tác động lúa của Chiêm Thành vào đời sống văn hoá ở các đồng bằng sông Mã, sông Hồng, sông Dương Tử. Nhưng luôn luôn các nền văn hoá có phản ứng tự phòng vệ. Vay mượn, nhưng có chọn lọc. Mỗi văn hoá có cung cách chọn lựa riêng của mình.

   

Văn hoá, thời sự trong thời hậu cách mạng

 
Chúng ta sống trong một thời kỳ hậu cách mạng. Trên cả thế giới từ khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ kéo theo tâm lý lạnh nhạt nghi ngờ mọi ý thức hệ cách mạng. Và riêng ở Việt Nam, sau ba mươi năm dốc máu xương sức lực làm cách mạng giành được độc lập, thống nhất.

Hậu cách mạng không có nghĩa rằng chẳng còn gì để chuyển đổi, trong đời sống, trong xã hội. Mà cốt để nói lên cái tâm lý trái ngược với thời kỳ cách mạng. Thời cách mạng, cảm tưởng là cái gì cũng có thể đổi thay ngay được. Kể cả trật tự xã hội. Xô đổ nó nằm trong tầm tay. Ngày mai, ngày kia là đổi thay, đổi thay tất cả. Thời gian tâm lý là một thời gian dồn dập, đầy đợi chờ.

Hậu cách mạng, ngược lại. Cảm giác cái trật tự ta sống trong đó, mãi mãi không lay chuyển. Thời gian tâm lý ngưng đọng, dài lê thê, cứ như rằng chuyện long trời lở đất đã qua rồi, chẳng còn gì đáng kể sảy ra nữa...

Sau ba lần oai hùng đánh đuổi quân Nguyên phải chăng là chuyện lớn đã làm xong, nhân dân đời Trần chẳng còn gì để nói ngoài chuyện kể đi kể lại những ngày vinh quang đã qua

Lính bạc đầu còn đó
Chuyện Nguyên Phong kể hoài

(Bạch đầu quân sĩ tại, Vãng vãng thuyết Nguyên Phong. Thơ Xuân nhật yết Chiêu lăng của Trần Nhân Tông, Trần Lê Văn dịch).

Trong thực tế, sau chiến thắng vinh quang là những năm khó khăn, đói kém, xáo động xã hội kéo dài. Phải chăng chiến tranh đã thúc đẩy những rạn nứt, những bất công trong xã hội đương thời biểu lộ ra mau chóng, đưa đến sự sụp đổ liên tiếp của hai triều đại Trần, rồi Hồ. Mà đồng thời là một quá trình chuyển biến và điều chỉnh của xã hội. Chế độ điền trang suy sụp cùng với sự tan biến của tầng lớp vương hầu trang chủ nắm cả quyền lực chính trị lẫn kinh tế như đã nói trên.

Những xáo động phải đến đời Lê mới đi vào ổn định. Với một bộ mặt xã hội khác xưa. Quan hệ đã khác giữa người dân với lãnh đạo. Đi từ quan hệ nô tỳ, còn nhận rõ được trong lời lẽ Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo : “ Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo ; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước ; lộc ít thì ta cấp lương. đi thuỷ thì ta cho thuyền ; đi bộ thì ta cho ngựa.... ” Dũng tướng, nghĩa sĩ, như Dã Tượng, như Yết Kiêu đều là những gia nô. Để đến thế lực độc lập của người dân mà Nguyễn Trãi đã nhận ra “ Lật thuyền mới rõ dân như nước ” (Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ, trong bài Quan hải, Đào Duy Anh dịch). Lấy đó làm tinh thần chủ đạo cho chiến lược giành lại độc lập đất nước.

Bình tâm mà nhìn lại, thời đại ngày nay chẳng phải là thời im ắng vô sự của ngày lịch sử đã tới điểm tận cùng.

Đang hội tụ những yếu tố chuyển đổi mạnh xã hội và văn hoá. Kỹ thuật mới, đặc biệt là kỹ thuật thông tin đang làm rung chuyển nền móng kinh tế xáo động xã hội và nảy nở những nét văn hoá mới. Trên toàn thế giới. Trong các xã hội công nghiệp phát triển dĩ nhiên, và ảnh hưởng dây chuyền đến mọi xã hội, dù là chậm tiến nhất.

Riêng ở nước ta, cái xã hội bị kìm hãm từ lâu đời, hết triều đại bảo thủ đến ách đô hộ của thực dân rồi chiến tranh kéo dài giành độc lập thống nhất, tiếp theo những năm kinh tế trì trệ, cái xã hội ấy mang đầy mầm mống đổi thay.

Một là sự thay đổi vị trí cá nhân con người, nay là công dân một nước độc lập. Với một thay đổi căn bản từ khi mà nhà cầm quyền chấp nhận sức lao động là hàng hoá, chấp nhận kinh tế thị trường. Chấp nhận cho ngày càng nhiều những con người năng nổ nhất thoát ra khỏi một xã hội nông nghiệp mà bảo thủ là phản xạ cố hữu. Những hàng rào ngăn cách trong xã hội trở nên trống trải dễ vượt qua. Những cản trở giao lưu từ vùng này sang vùng khác đang trong chiều hướng bị san bằng, bất kể những thế lực tìm cách kìm hãm tự do lưu thông của sức lao động, một nguyên tắc căn bản trong kinh tế thị trường.

Đang hình thành một xã hội công nghiệp hoá khao khát đón nhận cái mới. Cái khát khao biểu hiện trong đòi hỏi đổi thay giáo dục, từ tinh thần đến nội dung. Một sự kiện chẳng những trong giới trẻ, học ngày học đêm, học ngoại ngữ, học kỹ thuật mới từ ngoài tới. Mà cả trong nhận định của những nhà chức trách. Giáo dục là một động cơ chuyển đổi văn hoá và xã hội.

Trao đổi kinh tế, giao lưu văn hoá với Tây phương là yếu tố chủ yếu trong xu hướng mở rộng đón nhận cái mới. Có chăng nguy cơ bị đồng hoá ? Những toà nhà cao tầng xi măng cốt sắt, những phố xá xa lộ đầy ô tô, những phi trường khổng lồ, thành thị phố xá phình ra quá cỡ là phần nổi của sự xâm nhập một lối sống đang toàn cầu hoá ?

Điều đáng nói là chẳng một văn hoá nào không có cơ chế tự bảo vệ. Trao đổi là phương thức mọi nền văn hoá chuyển biến và tự làm cho phong phú thêm. Từ ngày hiện tượng toàn cầu hoá rõ nét thì cũng có phản ứng của nhiều địa phương làm sống động lại những nét văn hoá riêng biệt của mình. Mỗi văn hoá có những chọn lọc riêng của nó.

Muốn chọn lọc phải biết rõ những gì mình giữ lại, những gì mình bỏ qua. Chính vì vậy mà vấn đề đặt ra cho tập thể và cho mỗi cá nhân. Vai trò của tập thể là làm sao thành viên biết rõ văn hoá cổ truyền của mình, mọi nét, mọi mặt của nó. Và biết rõ người. Chẳng phải ở mức độ ăn cắp vặt một vài kỹ thuật ta cho là tiên tiến, mà cho đủ phương tiện tìm hiểu sâu rộng về văn hoá người. Có vậy mỗi cá nhân mới tuỳ theo sở thích và khả năng lựa chọn phát huy hài hoà những nét văn hoá cổ truyền với văn hoá từ ngoài tới, tạo nên cái mới.

Đó chính là làm ra thời sự. Văn hoá là quá khứ trong hiện tại. Nhưng nếu hiện tại chỉ đơn thuần nhắc đi nhắc lại cái đã qua thì chẳng có gì đáng nói. Vấn đề của thời sự là xác định một hành động phá vỡ hiện tại, đem quá khứ đi vào tương lai. Tương lai là cung cách mỗi người chúng ta chuyển thành hiện thực một nghi vấn còn trong vận hành. Tạo nên một hình thái sống còn mới.

Cách mạng dân tộc ta chủ yếu chỉ mới giành được lại những điều kiện thiết yếu để ta làm chủ lấy hiện tại và tương lai. Vấn đề chuyển đổi cái xã hội đầy bất công tự bao năm xưa để lại cho được nhân ái hơn, công bằng hơn, đến nay mới đang thật sự đặt ra.

Với viễn tượng phát triển kinh tế, chúng ta có thể tạo nên nếp sống mới. Đây là lần đầu từ bao lâu nay, cơ hội nâng mức sống mọi người dân Việt lên cao hơn là mức tối thiểu ở trong tầm tay của ta. Tuy nhiên, đó là điều không hiển nhiên chút nào. Vì khả năng 90 % nhân dân nai lưng ra làm cho 10 % có quyền có chức phởn phơ ngồi hưởng là có thực. Nó đang lởn vởn đe dọa.

Vấn đề thời sự của chúng ta là không chấp nhận tình huống vừa thoát khỏi kiếp nô lệ ngoại bang lại đâm đầu vào làm tôi tớ cho một thiểu số người đồng hương.

Xã hội chúng ta đang đang chuyển biến trong chiều hướng tự do con người cá nhân. Nương theo hướng đó, chúng ta cùng nhau tạo nên một nền văn hoá có chất lượng cho đại đa số. Một văn hoá đem tinh thần độc lập, tự do, tinh thần trách nhiệm làm chủ vận mạng của mỗi người, của tập thể vào định chế, vào nếp sống. Gạt bỏ mọi mưu toan kìm giữ người dân chúng ta trong vị trí vị thành niên, vị trí cố hữu của thần dân.

Chúng ta xây dựng một nền văn hoá của công dân.

 

bùi mộng hùng

(8.1997)

 

Nhận nợ : kẻ viết bài này nợ khá nhiều Georges Duby, đặc biệt là hai tiểu phẩm Problèmes et méthodes en histoire culturelle (Vấn đề và phương pháp trong lịch sử văn hoá) và L'histoire des systèmes de valeurs (Lịch sử các hệ giá trị) in lại trong Mâle Moyen Âge (Trung cổ đầy nam tính) Flammarion, collection Champs, Paris 1990. Và Fernand Braudel, Grammaire des civilisations (Văn phạm các nền văn minh) cùng nhà xuất bản, collection Champs, Paris 1993.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss