Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 69 / Dòng văn Nguyễn Huy

Dòng văn Nguyễn Huy

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:55, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:55
Thật đáng trân trọng những ai bền gan tiếp tục cái công việc lặn lội nghiên cứu bạc bẽo này. Vì, chính nhờ có tư liệu phát hiện đột xuất mà chuyện còn trong vòng giả thuyết, còn là " tương truyền ", trở thành sự kiện lịch sử dựa trên cứ liệu vũng chắc.

 

Tác gia cuối cùng của
dòng văn Nguyễn Huy

 

Nguyên Thắng

 
Nhân đọc :

NGUYỄN HUY HỔ với
MAI ĐÌNH MỘNG KÝ

Lại Văn Hùng phiên âm/ lịch chú, giới thiệu

Nhà xuất bản Hội nhà văn,
Hà Nội 1997, 226 tr.

 
Quyển sách dáng vẻ khiêm tốn. Tuy vậy mà trong tôi khấp khởi tò mò, mừng mà lo. Cách nay đã nửa thế kỷ, Hoàng Xuân Hãn nhận định " Thiên mộng-ký này là một áng văn-chương tuyệt-diệu, không lời nào non, vần nào ép "... " Một áng văn hay như vậy mà bị mai-một trong gần trăm rưởi năm, kể cũng hơi lạ ! Chúng ta há không nên sửa lại sự bất công ấy hay sao ? "

Và chúng ta đã có được Nguyễn Huy Hổ, Mai Đình Mộng Ký, Hoàng Xuân Hãn biên tập và trích dẫn, Nghiêm Toản chú thích, nhà xuất bản Sông Nhị, Hà Nội 1951. Những câu ở đoạn trên trích từ Lời dẫn của quyển sách này.

Ngày nay một nhà nghiên cứu, dường như còn trẻ – chuyện đáng mừng – lại bước theo con đường ấy. Anh chàng này đóng góp thêm được những gì đây ? Về Mai Đình Mộng Ký ? Về tác gia Nguyễn Huy Hổ (178 3 - 184 1) ?

Hoàng Xuân Hãn cho biết Huy Hổ thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt gốc làng Trung Lưu tỉnh Hà Tĩnh : ông là con thứ tác giả truyện Hoa Tiên Nguyễn Huy Tự, cháu nội công bộ thượng thư thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Đài thuộc dòng họ Nguyễn, Tiên Điền. Bà là con gái tham tụng Nguyễn Khản, cháu nội đại tư đồ Nguyễn Nghiễm, tức là cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột. Nhưng, những gì chúng ta được biết về cuộc đời và sự nghiệp của ông còn rất sơ lược.

Mới liếc ngang qua quyển sách, chỉ riêng mấy chuyện, cho in lại nguyên bản Nôm Mai Đình Mộng Ký mới tìm được, sao chụp bằng hình màu các tư liệu lịch sử mới phát hiện, đã là đáng khuyên một điểm son.

Có trong tay một bản văn phẩm xưa phải nhân nó lên, cần thiết là nhường nào ta thấm thía ngay từ Lời đầu quyển sách : ba bản Nôm chép tay Hoàng Xuân Hãn dùng để soạn quyển Mai Đình Mộng Ký của ông đã thất lạc không tìm lại được rồi Bản in Sông Nhị năm 1951 thì không có bản chữ Nôm kèm theo.

Trong cái thời buổi mà sách in trong cũng như ngoài nước mắc phải thói xem nhẹ chính tả chữ Việt, chữ Hán thì lược bỏ, ta nên trân trọng những điểm lẽ ra phải là chuyện thường : chuẩn về chính tả và có chua chữ Hán mỗi khi cần. Phải là con mắt chuyên gia nhặt sạn Nguyễn Hữu Thành mới soi thấy hai hạt cát trên 200 trang sách của Lại Văn Hùng, trong chú thích số 185 trang 120, Mẫu đơn đình, " Mẫu " viết ra chữ " Mục ", và chú thích 188 cùng trang, chữ " Liễu " trong Liễu trì lầm thành chữ " Lang ".

Người đọc chú ý một chút thấy ra tất cả nỗi khó nhọc để có thêm được phần chữ Hán này : trong bản in còn dấu vết anh em trong nước đã phải cắt rồi dán, tất cả làm bằng tay. Phải chi bạn bè nước ngoài giúp cho chương trình vi tính tự động để anh em khỏi phải làm thủ công cái việc tẳn mẳn và mất thì giờ này.

Biết rằng hình thức có tầm quan trọng của nó, nhưng chủ yếu vẫn phải là nội dung. Đóng góp của tác phẩm xuất phát từ những tư liệu lịch sử liên quan đến đề tài mới tìm ra (xem phần III).

Hoàng Xuân Hãn dè dặt khi ghi " Còn truyền rằng chính ông (Nguyễn Huy Hổ) lấy kiểu đất lăng vua Minh-mệnh. ", chú thích đó là theo lời người dòng dõi họ Nguyễn, Trường Lưu.

Nay đã tìm ra tờ sắc năm Minh Mệnh 21 (1840) để khẳng định được rằng vào khoảng hơn một năm trước khi ông mất (1841), Nguyễn Huy Hổ được bổ làm Linh đài lang ở Khâm thiên giám, hàm chánh thất phẩm, chủ yếu do việc tìm đất.

Một chức vụ khiêm nhường. Nhưng chính những cái chẳng-lấy-gì-làm-đáng-kể ấy cho ta thấu hiểu nỗi lòng thổ lộ trong giấc mơ Mai Đình. Nỗi lòng của thiếu niên con cháu cựu thần nhà Lê, tài hoa văn học, sinh phải buổi giao thời nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Nghiệp nhà theo không được, chí hướng đành gác bên, sống nhờ nghề thuốc lý số thiên văn, nghề của nhà Nho bất đắc chí.

Còn cách trốn vào mơ vào mộng. Nhưng cái mộng Mai Đình này chẳng đi tới được cho đến cùng. Gặp người đẹp... rồi bỗng bừng tỉnh ! Chẳng được chung sống mối tình, chẳng có hay đúng hơn là chẳng dám nghĩ đến chuyện chỉ hồng se duyên. Phũ phàng khác chi thực tại thế hệ Huy Hổ đang sống.

Cái thực tại mà Chung Sơn cư sĩ Nguyễn Huy Vinh (1769 - 1818) người anh cùng cha khác mẹ – mẹ là chị ruột thân mẫu Nguyễn Huy Hổ, chính trên đường đi thăm ông anh này mà Huy Hổ có giấc mộng – đã thổn thức lòng tự nhủ lòng trong bài Hữu cảm thuộc tập Chung Sơn di cảo cũng là mới được phát hiện :

Nhớ tiên nhân ta xưa
Mà xấu hổ không biết nói cùng ai
Văn chương xuyên núi Đẩu
Mực thước rừng Hàn thành khuôn mẫu
Nước Việt xứng đại khôi
Thiên triều khen tuấn kiệt
...
Thế sự như sóng đánh thuyền
Chảy xiết biết neo vào đâu ?
Ta cũng đành cúi ngửa
...

(tác tích ngã tiên nhân, Quý tàm dữ thuỳ ngữ, Văn chương xuyến đẩu sơn, Hàn mặc thành cơ trữ, Ngã Việt xứng đại khôi, Thiên triều tiêu tuấn dự...Thế sự ba thượng chu, Duyên hồi đắc an trú, Ngã diệc nhậm đê ngang...)

    

Phát hiện ra tư liệu mới là nỗi vui đột xuất của nhà nghiên cứu. Cái duyên ấy thường chẳng phải do hú hoạ trên trời rơi xuống, mà là công khó kiên nhẫn mày mò trên thực địa. Những công khó ấy, trong hiện tình đất nước thường thì chẳng được đền bù – dù là tinh thần hay vật chất – cho xứng đáng.

Thật đáng trân trọng những ai bền gan tiếp tục cái công việc lặn lội nghiên cứu bạc bẽo này. Vì, chính nhờ có tư liệu phát hiện đột xuất mà chuyện còn trong vòng giả thuyết, còn là " tương truyền ", trở thành sự kiện lịch sử dựa trên cứ liệu vũng chắc.

Chính sự vững chắc, nghiêm chỉnh trong lý luận, trong tư liệu là một điều mà học phong ngày nay của chúng ta, trong cũng như ngoài nước, thường thiếu nghiêm trọng. Cho đến nỗi, mỗi khi cầm lên tay một bài báo hay một quyển sách có tham vọng là một công trình nghiên cứu, lòng không khỏi khắc khoải lo ngại gặp phải những chuyện chép đi chép lại của nhau đã đến thành nhàm chán cũ rích hoặc rơi vào những luận điệu có vẻ hào nhoáng bóng bẩy nhưng nhẹ thếch như lời ba hoa bàn suông.

Vì thiếu cơ sở cứ liệu xác đáng, vững chắc...

Nguyễn Huy Hổ với Mai Đình Mộng Ký của Lại Văn Hùng không mắc phải những tật nói trên. Tuy khiêm nhường nhưng nó là một quyển sách không thể thiếu trong các tủ sách đại học.

Nó cần thiết cho sinh viên, cho nhà nghiên cứu. Cho những ai muốn đào sâu các vấn đề lý thú mà Hoàng Xuân Hãn khơi lên khi ông phát hiện sự liên lạc giữa Hoa tiên, Đoạn Trường Tân Thanh và Mai Đình Mộng Ký trong bài Nguồn gốc văn Kiều đăng trong Thanh Nghị các số 29, 30, 31 và 32, 2 - 3, 1943. Để đi đến nhận định " ... Nguyễn Du lúc thiếu thời, rất hay giao-du với văn sĩ Trường Lưu : ảnh hưởng của sự giao-du ấy rất lớn. Nay ta đọc Mai-đình mộng ký ta thấy cách dùng chữ đến cách đặt câu đều giống như trong Hoa-tiên và Kiều, ta phải xem ba áng văn ấy là của một phái, một nhà, truyền từ người nọ đến người kia, của Hồng-sơn văn phái " (Mai Đình Mộng Ký, nxb Sông Nhị, tr.15).

Các hội thảo nhân 200 năm mất của Nguyễn Huy Tự (30.1.1991) và 250 năm sinh của ông (2.4.1994) đã đào sâu xới thêm vấn đề. Ý kiến phát biểu trong hai cuộc hội thảo đã được Nguyễn Huệ Chi tóm thâu và thảo luận trong bài Nguyễn Huy Tự Truyện Hoa tiên trong vùng văn hoá Trường Lưu và trong dòng truyện Nôm thế kỷ XVIII (Tạp chí Văn học, số 7, 1994, Diễn Đàn số 45, 1.95).

Và ta thấy hiện ra dòng văn Trường Lưu. Một dòng văn mà hầu hết các thế hệ tác giả đều có sáng tác lục bát. Từ Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) với Vịnh sứ Yên đài tổng ca, Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) với Thác lời người con gái phường vải, Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) với truyện Hoa Tiên rồi Nguyễn Huy Hổ với Mai Đình mộng ký.

Dòng văn này lại không thể tách rời với quá trình xây dựng và hình thành trung tâm học vấn tại Trường Lưu, một làng thuộc tỉnh Hà Tĩnh, mà chẳng mấy xa xưa gì cho lắm vào thế kỷ thứ XI, XII thời Đại Việt đấy thôi hãy còn là vùng đất mới.

Với trung tâm văn học Trường Lưu nổi lên hàng loạt vấn đề lý thú cho lịch sử văn hoá đất nước ta. Vấn đề ánh xạ của trung tâm trong vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Vấn đề những ảnh hưởng và trao đổi văn hoá của nó trong và ngoài nước : kinh đô Thăng Long, Trung Hoa...

Chồi văn hoá Trường Lưu nảy nở cũng là công lao người khởi đầu vun xới cho nó Nguyễn Huy Oánh nhìn xa thấy rộng. Ông đã không ngại xây dựng tại quê nhà một trường đại học theo chuẩn mực của văn hoá kinh đô Thăng Long. Có cơ sở in ấn bề thế. Có thư viện Phúc Giang chứa hàng vạn cuốn sách.

Với ông Trường Lưu trở nên một trung tâm văn hoá hoạt động đa dạng : là nơi đào tạo kẻ sĩ, nơi qua lại xướng họa giữa những tao nhân mặc khách, nơi tổ chức hội hè trang nhã quy tụ những nhân vật trong cả nước. Và là lò tôi luyện cho văn hoá dân gian làng xã hoà với văn hoá bác học, nảy ra một hình thái văn học vượt luỹ tre làng xã đạt đến tầm vóc cả nước. Đó chẳng là một nét riêng tiềm tàng trong truyện Nôm hay sao ?

Những vấn đề lịch sử lý thú mà cũng là những bài học cho chúng ta ngày nay.

 
Nguyên Thắng

Paris tháng 11. 97

  

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss