Hội nghị Kyoto
Khí
hậu nổi nóng,
hội nghị Kyoto và chúng ta
bùi mộng hùng
Quả đất
nóng dần lên
tầng ôzôn có
vấn đề gì đó
(Nguyễn Duy)
Hội
nghị Kyoto về
biến chuyển khí hậu địa cầu, với 159 quốc gia
tham dự đã họp suốt 10 ngày đầu tháng
12.97 vừa qua.
Lại một hội nghị quốc tế, lại chuyện ô nhiễm môi trường ! Rùm beng lên rồi đến đâu, được gì là cụ thể ? Có thể đó là những cảm nghĩ ban đầu của bạn.
Tuy nhiên, chúng ta nên cùng nhau nhìn lại. Vì rằng vấn đề khí hậu địa cầu nóng dần lên do lượng khí sinh hoạt của loài người thải ra tới mức quá tải là một ô nhiễm hóc búa, xưa nay chưa từng thấy. Và, Việt Nam lại lọt vào khu vực phải gánh chịu tai ương nặng nề nếu không kịp thời ngăn chặn ô nhiễm này.
Vì sao trọng hệ khác thường ?
Trước hết là vì
các loại khí loài người thải ra làm
cho trái đất nóng dần lên – khí
cacbon dioxit C02 là thành phần chủ yếu – tác
động kéo dài cả thế kỷ. Để giải quyết
cần một tầm nhìn vượt xa thói thường trong
dự tính kinh tế và chính trị.
Chúng ta lại không có sẵn trong tay phương cách loại trừ khí C02, muốn giảm nồng lượng khí nguy hại chỉ có cách là chuyển hướng hoàn toàn chính sách và kỹ thuật năng lượng hiện hành. Nghĩa là từ bỏ sử dụng than đá, dầu khí hay khí đốt, thay vào đó bằng các loại năng lượng tái sinh được.
Tức là phải loại bỏ toàn thể cấu trúc đang làm cơ sở cho cả nền công nghiệp và kinh tế thế giới hiện nay.
Dĩ nhiên là các giới công nghiệp nước giàu e ngại gánh vác việc chuyển hướng nặng nề phí tổn này. Các nước nghèo đang lận đận trên đường phát triển cũng lo lắng chẳng kém, vì lý do khác : phát triển phải có năng lượng, không dùng năng lượng rẻ tiền và sẵn có thì lấy gì mà phát triển lên ?
Ta thấy đó, vấn đề đặt ra rộng lớn, phạm đến toàn bộ cơ cấu công nghiệp và kinh tế của mọi quốc gia, giàu cũng như nghèo. Không như nhiều loại ô nhiễm môi trường khác, chỉ đòi hỏi một số giới hạn công nghiệp phải thích nghi, chuyển đổi kỹ thuật. Chẳng hạn trong vụ lỗ hổng ozon đó là các công nghiệp sản xuất, sử dụng loại khí chlorofluorocacbon.
Thiên hạ chia ba
Vì thế mà
trong hai năm rưỡi nay, cả tám cuộc thương thuyết
chuẩn bị cho hội nghị Kyoto đều căng thẳng, gay cấn.
Mỗi quốc gia, mỗi tình huống, ai ai cũng đắn đo
lợi hại.
Nhìn chung có ba loại lập trường.
Các nước Tây Âu chủ trương các quốc gia công nghiệp hoá rút giảm đáng kể lượng CO2, chỉ tiêu 15 %. Hoãn cho các nước đang phát triển, khoan buộc họ phải có ngay kế hoạch giảm lượng khí nguy hại.
Thật ra thì đã từ khá lâu các nước trong Liên hiệp Âu châu đã loại bỏ dần công nghiệp thải CO2 : 70 % năng lượng điện của Pháp là do nguyên tử lực ; các mỏ than đá đã ngưng dần hoạt động từ nhiều năm ở Pháp cũng như ở Anh. Đức đã dẹp các công nghiệp ô nhiễm môi trường từ 1990 khi thống nhất Đông với Tây Đức. Đối với Anh, Đức, Pháp, tiêu chuẩn giảm 15 % lượng CO2 không phải là quá khó khăn.
Đối với Hoa Kỳ, quốc gia thải khí CO2 nhiều bậc nhất trên thế giới, thì còn phải nặng tốn kém mới giảm được lượng khí này. Chủ trương là làm từ từ. Bản thân nước Mỹ sẽ ổn định thải CO2 ở mức năm 1990. Kể như là không tăng nhưng cũng chẳng giảm. Nhưng đòi các nước đang phát triển phải giảm lượng CO2 đáng kể. Thêm đề nghị quốc gia hay xí nghiệp thải CO2 dưới mức quy định có quyền bán lại phần dùng không hết cho một nước khác, một xí nghiệp khác. Một loại thị trường mua bán quyền ô nhiễm.
Các nước đang phát triển trong Nhóm 77 quốc gia (G77), trong đó có Ấn Độ, các nước ở châu Phi, ở Nam Mỹ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á thì cho rằng trách nhiệm lớn trong vụ ô nhiễm này về phần các nước giàu, vậy thì các quốc gia này phải gánh vác phần chính trong công cuộc phòng chống. Các nước nghèo sẽ không chấp nhận giải pháp kìm hãm sức phát triển của họ.
Lập trường chính thức là vậy, nhưng đây là những lập trường trong thế quân bình không ổn định giữa ba thế lực : công luận, lobby nghiệp chủ, nghiên cứu khoa học.
Công luận ở đây dùng theo nghĩa ý kiến của công dân, ý thức vấn đề và tác động vào đường hướng giải quyết nó. Đa số dân các nước phát triển đòi hỏi làm sạch môi trường, sớm chừng nào triệt để chừng nào tốt chừng nấy. Nhưng cũng có những công dân khác không muốn, vì làm thế chạm đến quyền lợi của họ. Từ đó mà có những nhóm áp lực chính trị, những lobby. Lobby nghiệp chủ muốn rằng xưa nay làm như thế nào thì cứ thế mà làm, ít ra cũng là vài năm, lâu chừng nào hay chừng nấy.
Tuy nhiên, đòi hỏi làm mạnh, làm ngay hay bảo rằng cứ khoan khoan đừng làm gì là hay hơn cả, lập trường nào cũng phải có cơ sở lập luận. Mà cơ sở ấy muốn cho vững chắc phải dựa vào nghiên cứu khoa học.
Hội nghị Kyoto càng gần, ngày phải quyết định đã kề, các phe dồn sức lực cho lập luận của mình. Riêng lobby nghiệp chủ ở Hoa Kỳ chỉ trong vòng 2 tháng đã chẳng ngại tung ra 13 triệu đôla để thuyết phục dư luận rằng giảm khí CO2 là tốn kém mà chẳng có gì là cần thiết (Kilaparti Ramakrishna, Nature, vol 390, 20.11.97, tr. 227). Hạ tuần tháng 11, nghĩa là giờ chót trước ngày khai mạc hội nghị Kyoto, các “ cao thủ võ lâm ” tung ra trong Nature, tạp chí khoa học thuộc loại có uy tín nhất trên thế giới, những tài liệu “ bửu bối ” khả dĩ dùng làm lập luận búa tạ trong các cuộc thảo luận.
Nhưng muốn hiểu đầu
đuôi xuôi ngọn chúng ta phải biết rõ
hơn thế nào là hiện tượng nhà kính,
trọng tâm vấn đề đặt vào đâu, diễn
biến của cuộc thảo luận ra sao ?
Hiệu ứng nhà kính, sinh hoạt của con người và hiện tượng tự nhiên này
Chắc thế nào
cũng đã có lần, mùa hè, xe bạn đậu
một thời gian dài, kính đóng kín
giữa cơn nắng chang chang. Mở cửa ra, bên trong nóng
chẳng khác lò lửa, nệm ghế nóng bỏng.
Nhiệt độ cao hơn ngoài trời, cao hơn nhiều.
Ấy đấy, bản thân bạn đã thể nghiệm thế nào là “ hiệu ứng nhà kính ”, tiếng Pháp gọi là effet de serre.
Địa cầu, cũng như chiếc xe hơi của bạn, hấp thụ năng lượng mặt trời rồi phản chiếu lên không một phần năng lượng ấy dưới các dạng bức xạ, đối lưu và bốc hơi. Một lớp hơi nước và khí ở trên trời, tương tự như kính của chiếc xe, chặn một phần năng lượng phản chiếu lại, không cho nó tan biến mất ngay vào hư không. Ấy cũng là tác dụng nhà kính, nhưng ở mức độ cả trái đất. Và nó sưởi ấm địa cầu.
Không có hiệu ứng nhà kính tự nhiên này thì trái đất đã là một hành tinh lạnh, nhiệt độ trung bình dưới không độ, khoảng -18°C.
Khí CO2 và mêthan CH4 là những thành phần đáng kể trong lớp khí đóng vai trò nhà kính bao quanh trái đất. Bấy lâu nay lớp khí này ở trong một trạng thái khá ổn định.
Thời đại sản xuất công nghiệp, ngay cả nông nghiệp và chăn nuôi sử dụng phương tiện sản xuất đại trà cũng đã tăng lượng mêthan thải vào không trung. Và, nhất là một thế kỷ phát triển công nghiệp, con người không ngừng đốt than đá, đốt dầu khí tạo ra năng lượng để sản xuất công nghiệp, cho xe cộ chạy, để sưởi ấm mùa đông. Và phun CO2 ra mù mịt. Mỗi ngày mỗi tăng. Sơ sơ hiện nay tính ra khoảng gần 7 tỷ tấn cacbon một năm.
Số lượng lớn quá chừng, ngang tầm những con số ta quen thấy trong thiên văn học. Nhưng, ít ra là trong suy tư của những kẻ lạc quan, thiên nhiên cũng chẳng là vô cùng hay sao ! Bảy tỷ tấn cacbon thải ra thì sẵn có rừng đó, có biển đó, vốn là những “ giếng hút cácbon ” dường như không đáy, vẫn điều hoà nồng độ cacbon trong khí quyển từ xưa tới nay.
Tính kỹ lại, thì trong số 7 tỷ tấn cacbon con người thải ra mỗi năm, ước lượng các đại dương hút tiêu đi được ít nhất là 2 tỷ, rừng hút thêm 1 tỷ...
Vì vậy, những kẻ thực tiễn thì đặt câu hỏi thiên nhiên có chịu nổi mãi không ? Những tỷ tấn không tiêu đi được ấy, cứ chồng chất hết năm này đến năm khác, lớp khí bao quanh địa cầu dày hơn lên. Hiệu ứng nhà kính có vì vậy mà tăng thêm, quả đất có theo đó mà nóng lên không ?
Từ nửa tin nửa ngờ đến phải xem như là có thật
Câu hỏi hóc
búa. Khí hậu toàn địa cầu, xưa nay vốn
là chuyện của trời đất. Mà trái đất
nóng hay lạnh nào phải chỉ là chuyện của
lớp mây, lớp khí. Vấn đề vượt ra ngoài
cả bầu trời nói riêng. Vì khí hậu
tuỳ thuộc vào các tác động phức tạp
qua lại giữa bầu trời với đại dương mênh mông.
Tuy khoa dự đoán khí hậu còn non trẻ, nhưng có thể nói rằng ngày nay khoa khí hậu học đã nắm bắt được các quy luật vật lý của khí hậu địa cầu, phương thức chúng vận hành trong hệ đại dương – khí quyển. Đủ để mô hình hoá. Dữ kiện và thông số cũng được thu thập thường xuyên khắp nơi trên trái đất nhờ các vệ tinh, nhờ mạng lưới trạm khí tượng, nhờ các chiến dịch đo lường trên toàn thế giới như cuộc Thực nghiệm tuần hoàn đại dương toàn cầu (World Ocean Circulation Experiment). Cũng phải nói thêm rằng với tất cả những bước tiến ấy, mô hình dự đoán hiệu ứng nhà kính trên khí hậu chỉ đạt xác suất khoảng 50 %.
Mà khí hậu thì năm nay thế này, năm sau lại là thế khác, nóng, lạnh không chừng, biên độ thời tiết dao động rất lớn. Trong tình huống đó, vấn đề đặt ra là phải xác định được trái đất có đang nóng dần lên hay không ? Và, cái nóng này là do sinh hoạt loài người gây nên thật, chớ chẳng phải là biến chuyển theo những chu kỳ thiên nhiên địa cầu đã trải mấy phen, hết thời kỳ băng giá lại chuyển sang nóng ấm hơn.
Giải đáp nằm trong tiến trình biến chuyển nhiệt độ trung bình địa cầu hàng năm. Cần biết rằng về nhiệt độ trung bình, thời kỳ băng giá so với ngày nay chỉ thấp hơn 5°C. Khốn một nỗi, cái nhiệt độ trung bình này con người mới đo chính xác được hơn một trăm năm nay. Chưa đủ dài lâu, chẳng dễ dứt khoát xác nhận địa cầu đang nóng lên với gia tốc cao hơn là xu hướng thiên nhiên.
Vấn đề đặt ra cho cả thế giới, Liên hiệp quốc thành lập Tập đoàn liên chính phủ về chuyển biến khí hậu, TĐLCPVCBKH (Groupement intergouvernemental sur l'évolution du climat) một tổ chức tụ hội tròm trèm bốn ngàn chuyên gia khắp thế giới, thuộc nhiều ngành khoa học.
Báo cáo đầu tiên của TĐLCPHVCBKH năm 1990 dè dặt ghi nhận khí hậu nóng lên, “ tương tự với khả năng biến chuyển tự nhiên ”.
Nhưng, dấu hiệu ngày càng nhiều. Kể từ một trăm năm nay những năm nóng nhất dồn cả vào trong thập kỷ vừa qua, lượng tuyết bao phủ bắc bán cầu giảm đáng kể, hạn hán tăng ở các vùng á nhiệt đới, nhiều địa phương bị sa mạc hoá, v.v... Chưa đủ để xác minh dứt khoát, nhưng không thể xem nhẹ sự hội tụ của các dấu hiệu này. Trong báo cáo năm 1995 TĐLCHVCBKH “ gợi ý con người có tác động nhận thấy được vào khí hậu ”.
Vấn đề khí hậu nóng lên đã chuyển một bước trong thảo luận. Không còn luận điệu cho rằng đặt vấn đề khí hậu nóng lên do hiệu ứng nhà kính là chuyện viển vông của một số nhà khoa học “ trông gà hoá quốc ” nữa.
Dù chưa đủ bằng chứng để dứt khoát kết luận, có đồng thuận cho rằng phải thận trọng, mà thận trọng là phải xem như rằng hiện tượng có thật, gần bên.
Trọng tâm thảo luận từ bàn cãi “ có thật hay không ” chuyển qua vấn đề phải làm gì đây, chừng nào bắt tay vào việc, cụ thể là những gì ?
Đây chẳng phải lần đầu tiên khí hậu đổi thay trong lịch sử địa cầu. Nhưng lần đầu tiên có khả năng là con người gây ra, do khí thải vào không trung từ các hoạt động công nghiệp, giao thông, nông nghiệp. Với một nhịp độ biến đổi nhanh, thay vì thời gian dài hàng ngàn năm như đã thấy trong các chu kỳ tự nhiên, trong vòng một trăm năm nay nhiệt độ trung bình trên địa cầu tăng lên hơn 0,5°C.
Những tác động trọng hệ
Các
mô hình khí hậu – ngày càng
thêm chính xác và đáng tin cậy
như đã nói ở đoạn trên – dự đoán
cứ nhịp độ này thì trong vòng một thể
kỷ nữa nhiệt độ địa cầu sẽ tăng thêm từ 1°
đến 5°C. Ở mức độ thấp, tăng khoảng 1°C, tác
động của thay đổi khí hậu còn ở trong tầm
khả năng con người chế ngự được. Nhưng nếu lên
tới mức cao của dự đoán, khi ấy chưa biết là
sẽ như thế nào.
Chỉ biết rằng khí hậu nóng lên sẽ tác động hệ trọng vào các hệ sinh thái. Các vùng, các chủng thực vật chuyển di về phía bắc cực và nam cực từ 150 đến 500 km, có vùng ngày nay cây cối tốt tươi biến thành sa mạc, có vùng hiện khí hậu khắc nghiệt lại trở nên thuận lợi cho nghề nông. Chế độ mưa nắng bị xáo trộn ở các khu vực á nhiệt đới ; bão tố, ngập lụt thất thường, kiểu như trận bão Linda tháng vừa qua ở Việt Nam ; hạn hán và thiếu nước, vụ cháy rừng quy mô chưa từng thấy ở Inđônêxia mùa hè vừa qua là một triệu chứng báo hiệu. Khí hậu nóng lên, các bệnh nhiệt đới, sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả có cơ lan tràn. Mực nước biển dâng cao lên đến một thước, nước mặn tràn vào vùng ven biển ; sẽ ra sao đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam ?
Loài người phải đương đầu với những áp lực, những nguy cơ mới. Càng nghèo càng đông dân cư bao nhiêu, càng chịu áp lực nặng nề bấy nhiêu.
Quần hùng đại chiến
Không mấy ai còn
cho viễn tượng ấy là chuyện không tưởng nữa.
Có sự đồng thuận phải giảm lượng khí CO2.
Nhưng hành động là chạm vào kinh tế, vào xã hội. Và ô nhiễm, như đã nói ở đoạn trên, kéo dài hàng thế kỷ, phải tính đến yếu tố thời gian.
Tức tốc làm ngay hay hãy cứ chờ đấy ? Đó là câu hỏi trọng tâm của hôm nay.
Có lập luận cho rằng bắt tay từ bây giờ vào công cuộc chuyển đổi kỹ thuật năng lượng sẽ phải trả giá đắt về kinh tế và xã hội : kinh tế yếu đi, thất nghiệp tăng lên. Trái lại, hãy cứ hoãn chờ cho kỹ thuật sử dụng năng lượng tăng hiệu năng, tiến thêm một bực nữa ; đợi đến khi ấy mới đổi thay thì nhẹ hơn được mọi giá phải trả về kinh tế, xã hội, mà kết quả lại khả quan hơn... Và, một “ bửu bối ” thuận lợi cho lập luận này được tung ra giờ chót trước hội nghị Kyoto (xem Wigley T M L, Nature, vol 390, 267-270, 1997 và lời bàn của Kilaparti Ramakrishna, đ.d.)
Kinh tế là kích thước không thể tránh né trong giải quyết vấn đề. Thay vì chỉ giới hạn trong khí hậu, có một mô hình kết hợp các lĩnh vực kinh tế và môi trường (năng lượng-công nghiệp, môi trường mặt đất, khí quyển-đại dương), các tác giả mô hình này vạch ra rằng đến năm 2010, nếu mà CO2 thải ra quá cao, thì còn rất ít khả năng cứu vãn (xem Kilaparti Ramakrishna đ.d.).
Trong bối cảnh ấy, công trình của Hà Dương Minh thuộc Trung tâm quốc tế nghiên cứu về môi trường và phát triển (Centre International de Recherche sur l'Environnement et le Développement) đem dữ kiện mới vào cuộc thảo luận (Nature, vol 390, 20.11.97, tr. 270-273). Cái mới là tính đến sức ì của các hệ kinh tế gây ra tác dụng nhà kính. Có ý chí quyết định đổi thay đó, nhưng chẳng phải một ngày một buổi mà đổi ngay được. Phải mất thời gian mới chuyển được cấu trúc hạ tầng, đổi được thói quen người sử dụng.
Đem yếu tố “ sức ì
” vào mô hình tính toán, Hà
Dương Minh và cộng tác viên đi đến kết
luận là trì hoãn giảm lượng thải CO2
sẽ
phải trả giá đắt về kinh tế. Cách tối ưu
hoá chi phí là chia sẻ gánh nặng giữa
các thế hệ. Phải tức tốc tác động ngay để
giảm lượng CO2
thải vào khí quyển.
Và thoả hiệp tại hội nghị
Đưa lý luận đến
điểm tột cùng của nó là tinh thần của
nhà khoa học, thoả hiệp những quan điểm, quyền
lợi trái ngược nhau là nghệ thuật của nhà
ngoại giao.
Hội nghị Kyoto kết thúc với một nghị định thư. Trong đó có điều kiện bắt buộc các nước công nghiệp hoá giảm lượng khí có hiệu ứng nhà kính. Trung bình là 5,2 %. Phải đạt vào thời điểm từ năm 2008 đến năm 2012.
Mười lăm nước trong Liên hiệp Âu châu cam kết giảm phần họ 8 %, Hoa kỳ giảm 7 % và Nhật Bản 6 %. Các nước đang phát triển được miễn không buộc phải theo.
Những chỉ tiêu giảm 6 %, 8 % thật quá khiêm tốn, so với 50 % con số theo giám định khoa học phải đạt mới tránh khỏi cơ nguy,.
Tuy nhiên, chẳng nên vì đó chúng ta xem nhẹ kết quả khiêm tốn của hội nghị Kyoto. Đó là một bước chuyển đổi. Từ phung phí năng lượng sang tiết kiệm, hợp lý hoá, tối ưu hoá sử dụng năng lượng.
Kyoto cũng đánh dấu một bước khác : con người tác động và khí hậu, nhìn nhận rằng mình có trách nhiệm với khí hậu địa cầu. Trách nhiệm ấy có giá của nó. Là một giá trị tinh thần, nhưng cũng là cái giá phải trả cho thị trường kinh tế.
Nó cũng nhắc nhở mỗi người trong chúng ta rằng ý nghĩa công dân chỉ được đầy đủ khi nó trọn vẹn ở cả hai mức độ. Mức độ quốc gia và mức độ thế giới.
Với tất cả quyền lực và nghĩa vụ của người công dân.
bùi mộng hùng
(12. 1997)
Lượng C02 do chất đốt hoá thạch | ||
(tỷ tấn cacbon) | ||
1996 | Tỷ số thay đổi (%) 1990 - 1996 |
|
Bắc Mỹ | 1,75 | +8,2 |
Nam Mỹ | 0,33 | +13,2 |
Liên hiệp Âu châu | 0,96 | +0,8 |
Cộng đồng các quốc gia độc lập và Đông Âu |
0,90 | -31,0 |
Trung Đông | 0,25 | +41,0 |
Phi châu | 0,22 | +19,0 |
Á châu/ Thái Bình Dương | 2,00 | +31,0 |
|
|
|
Thế giới | 6,51 | +6,4 |
Số liệu theo Hội đồng năng
lượng thế giới
(World Energy Council)
Các thao tác trên Tài liệu