Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 71 - 02.1998 / Khủng hoảng châu Á

Khủng hoảng châu Á

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:34, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:34
Khủng hoảng tài chính. Không thể chối cãi. Nhưng phải chăng đó chỉ mặt nổi, biểu lộ sự kiện mô hình kinh tế của rồng, cọp kinh tế Á Đông đã đến lúc hết thời ?

 

Từ khủng hoảng
tài chính Á Đông
vài suy tư về ta

  

bùi mộng hùng

 

Cơn lốc khủng hoảng

 
Năm con trâu 1997, mở màn một cuộc khủng hoảng không đoán trước. Khủng hoảng trầm trọng, kéo dài. Hậu quả chưa lường hết được.

Khởi đầu ở Thái Lan, nền kinh tế vừa rung rinh vì bong bóng đầu cơ nhà đất bụp nổ, hệ thống ngân hàng siểng niểng, lộ những yếu kém trầm trọng. Sức cạnh tranh lại đang sa sút ; nợ nước ngoài đến nghẹt thở, mỗi ngày mỗi phải vay ngắn hạn ngoại tệ nhiều hơn lên để trang trải các món nợ đáo hạn. Thấy rằng đồng bạt không sao tránh khỏi mất giá, đầu cơ bắt đầu công kích tiền Thái từ tháng giêng, tháng hai.

Đến cuối tháng 6, chính quyền Thái Lan hết phương chống đỡ cho đồng tiền của mình. Mồng 2 tháng 7, tuyên bố thả nổi đồng bạt, kêu gọi sự “ cứu trợ kỹ thuật ” của Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI). Tức khắc tiền Thái Lan mất giá 20 % so với đồng US đôla.

Đầu cơ ào ra tấn công đồng tiền các nước trong vùng, Philipin, Mã Lai, Nam Dương. Ngân hàng Philipin tung ngoại tệ dự trữ ra can thiệp đồng thời nâng lãi suất từng ngày lên tới 24 %. Nhưng rồi cũng không kham nổi ; 11. 7 chính phủ Philipin cầu cứu FMI. 14 tháng 7, Quỹ tiền tệ thế giới đưa chương trình cứu trợ 1,1 tỷ đôla.

11 tháng 8, FMI công bố chương trình cứu cấp Thái Lan, cho vay 17,5 tỷ đô la. Không đủ để lấy lại lòng tin của giới đầu tư. Tiền tệ các nước trong khu vực tiếp tục mất giá.

13 tháng 8 Inđônêxia thả trôi đồng rupi. Đầu tháng 9, đồng peso Philipin, đồng ringgit Mã Lai tuột xuống mức thấp lịch sử chưa từng thấy. 8 tháng 10, Inđônêxia cầu cứu FMI.

Từ 20 đến 23 tháng 10, thị trường chứng khoán Hồng Kông bị công kích dữ dội, thị giá chứng khoán mất 25 %. Nhà cầm quyền tiền tệ phải nâng lãi suất vọt lên, tỷ suất lãi từng ngày có lúc tới 30 %, để tỏ ý chí bảo vệ đồng tiền của mình với bất cứ giá nào.

Khủng hoảng lan qua Hàn quốc, quốc gia mới gia nhập OCDE (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) câu lạc bộ của những nước giàu có nhất hoàn cầu. Cường quốc kinh tế thứ nhì ở Á châu, thứ 11 trên thế giới, không đủ sức trang trải nợ đáo hạn. Đầu tháng 12 phải chấp nhận chương trình cấp cứu 57 tỷ đôla của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Hàn quốc quị xuống, thế giới rung chuyển với trận bão tài chính Đông Nam Á.

 

Vòng luẩn quẩn quái đản

 
Cơn lốc khủng hoảng đánh tan hào quang bao quanh rồng, cọp Á Đông. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguồn cơn. Dĩ nhiên là rất sơ lược.

Các rồng, cọp kinh tế Á Đông trong mấy năm gần đây kinh tế phát triển tốc độ cao nhờ vào xuất khẩu. Vốn đầu tư nước ngoài là mạch máu thiết yếu cho cuộc phát triển gia tốc này. Suốt nhiều năm, giới đầu tư quốc tế rót vốn vào các nước Á Đông. Họ yên tâm vì hối suất với đồng US đôla được cố định, lãi suất cao hơn ở Hoa Kỳ. Từng tỷ từng tỷ đôla nối đuôi nhau mà tuôn vào. Những số tiền khổng lồ ấy có đáp ứng nhu cầu thật sự hay chăng, vấn đề không đặt ra.

Và, hệ thống ngân hàng Thái Lan cũng như Inđônêxia, Mã Lai, Philipin sống trong một thị trường tín dụng tăng nhanh, mỗi năm từ 20 đến 30 %, nhanh hơn tỷ số phát triển công nghiệp và thương mãi, cao hơn tỷ số phát triển tiết kiệm bản xứ. Luồng vốn nước ngoài trở nên nguồn tài chính ngày càng quan trọng.

Trong những năm ấy, phát triển tín dụng lại là do đầu tư nhà đất kéo lên. Thủ tục ước lượng độ rủi ro rất sơ lược, dựa vào thế chấp tài sản là chính mà định giá thường quá cao. Chưa kể đến những món cho vay vì quan hệ bè phái, vì người có quyền có thế gởi gắm. Tổng số nợ lên đến 150 % tổng sản lượng quốc nội (GDP) ở Thái Lan, 170 % ở Mã Lai. Hệ thống tài chính, ngân hàng bấp bênh.

Tuy nhiên, xuất khẩu còn mạnh, còn nguồn ngoại tệ vào, còn có được lợi nhuận tương lai để trám vào chỗ nợ phải trả trước mắt, thì còn đà chạy tới.

Đùng một cái, trong hai năm 1995 - 96 đồng US đôla lên giá, tiền Á Đông lên theo vì mối quan hệ hối suất cố định, hàng xuất trở nên cao giá khó bán, xuất khẩu chựng lại.

Cái vòng luẩn quẩn xuống dốc bắt đầu. Bán ra không được, thiếu ngoại tệ, nợ đến kỳ phải có tiền để trả, không thể không đi vơ ngoại tệ. Tỷ suất hối đoái cố định mất rồi, muốn hút tiền nước ngoài chỉ còn cách nâng lãi suất. Cứ thế, nợ lãi nợ vốn chồng lên nhau, xí nghiệp không sức trả, ngân hàng bị cuốn theo...

Thấy nguy cơ vỡ nợ đến nơi, các nhà đầu tư bán chạy cổ phiếu, bán đổ bán tháo tiền tệ địa phương, cốt sao rút vốn chạy, đi đầu tư nơi khác. Thị giá chứng khoán cứ thế mà tuột xuống mức tận cùng. Xí nghiệp, ngân hàng nối đuôi nhau mà phá sản...

Khủng hoảng tài chính. Không thể chối cãi. Nhưng phải chăng đó chỉ mặt nổi, biểu lộ sự kiện mô hình kinh tế của rồng, cọp kinh tế Á Đông đã đến lúc hết thời ?

 

Bàn chân đất sét của người khổng lồ

 
Cuối 1994, đầu 95, Mễ Tây Cơ rơi vào nguy cơ vỡ nợ, thế giới lo ngại. Nhưng rồi chương trình cứu trợ của FMI với 50 tỷ US đôla kéo lại được lòng tin của giới đầu tư. Và, khá mau Mễ Tây Cơ vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính.

Phen này, khi FMI công bố chương trình cấp cứu Thái Lan với trên 17 tỷ đôla hồi đầu tháng 8, dư luận chờ đợi là khủng hoảng phải ngừng. Như đã được thấy ở Mễ Tây Cơ.

Nhưng cứ thấy giới đầu tư tiếp tục rút chạy ; Thái Lan, Inđônêxia, rồi đến Hàn quốc... Mặc dù, nhìn lại chương trình cứu trợ của FMI trong khu vực, Thái Lan 17 tỷ, Inđônêxia 30 tỷ, Hàn quốc 55 tỷ, cộng chung lại thì đã gấp đôi con số 50 tỷ cho Mễ Tây Cơ...

Lý do là giới đầu tư quốc tế lo ngại. Một trong những lý do chính là họ đã mất lòng tin vào mô hình kinh tế Á Đông.

Đã đến lúc mô hình này mất hiệu nghiệm ?

Một số tập đoàn xí nghiệp khổng lồ (chaebol) Hàn quốc bị phá sản liên tiếp. Hanbo, tiếp theo là Sammi rồi Jinro, rồi Kia. Khi ấy mới vỡ lẽ ra rằng sau lưng cuộc phát triển vượt bực của kinh tế Hàn quốc là cái vực thẳm nợ nần. Trung bình các tập đoàn nợ bằng ba đến năm lần số vốn tự có.

Chẳng phải nền công nghiệp Hàn quốc xây dựng trên cát đâu. Với sản lượng 43 triệu tấn sắt thép Hàn quốc sắp qua mặt Đức lên đứng hàng thứ năm trên thế giới, và công nghiệp đóng tàu đã chẳng chịu nhường Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong cấu trúc kinh tế tiềm tàng những điểm yếu đáng ngại bắt nguồn từ cung cách phát triển.

Các tập đoàn lao tới trước mà phát triển.Trút lợi nhuận vào đầu tư, vơ vét thêm vốn nước ngoài. Cốt sao mở rộng tầm vóc chiếm lĩnh thêm thị trường mới. Tập đoàn Hyundai chẳng hạn, vừa nhắm tới địa vị số một trên thế giới về sản xuất xe hơi vừa đầu tư 6 tỷ đôla vào công nghiệp sắt thép.

Chính cung cách phát triển này đã làm nên phép lạ rồng Hàn quốc. Nhưng phải nói rằng thể hiện được là có sự kết cấu giữa chính quyền – ngân hàng – xí nghiệp.

Chính quyền độc đoán, nắm ngân hàng làm máy bơm tài chính cho tập đoàn xí nghiệp. Chủ nhân ông các tập đoàn này là những nhóm gia đình cha truyền con nối liên đới với chính quyền. Mô hình đã huy động được sức người, sức của, vốn trong và ngoài nước để phát triển kinh tế, mạnh và nhanh.

Mạnh là đấy. Và yếu cũng ở đấy.

Các chaebol cứ việc lao vào phát triển. Vốn, tiền, cần đến đã có chính quyền thúc ngân hàng cho vay. Trong điều kiện ấy hiệu suất đầu tư không phải là vấn đề hàng đầu, vì vậy mà tương đối thấp. Chiến lược cốt nhằm phát triển rộng về lượng. Cứ vay để mà phát triển, chẳng nghĩ đến dự trữ phòng khi bất trắc. Đem lợi nhuận ngày mai mà trả nợ hôm nay.

Bộ máy đang chạy ngon lành bỗng trục trặc. Doanh nghiệp Hàn quốc đuối sức cạnh tranh trong thị trường toàn cầu hoá, mức lương tăng nhanh trong mấy năm qua lại gặp phải đồng yen xuống giá, hàng cao cấp Hàn quốc không tranh nổi với hàng tương đương của Nhật, trong khi thị trường các mặt hàng ít giá trị thêm vào lại bị các nước mới tấn lên lấn chiếm. Xuất khẩu sút đi, phát triển chựng lại.

Tầm vóc các tập đoàn cồng kềnh, phản ứng nhanh không nổi, hiệu suất đầu tư thấp, khả năng sản xuất lại dư thừa vì chiến lược phát triển về lượng. Hong Ki-seik, chuyên gia kinh tế Viện phát triển Hàn quốc nhận định “ Các chaebol hầu như không còn làm ra lãi nữa... ”. Nợ chồng chất thêm lên.

Tuy vậy, ngân hàng cứ nhắm mắt cho vay. Vì áp lực chính quyền, và cũng vì hối lộ hậu hĩ ; trường hợp tập đoàn Hanbo phá sản hồi tháng giêng 1997 với số nợ 6 tỷ đôla cho thấy sự thông đồng giữa chính quyền, ngân hàng và tập đoàn. Với nhũng lạm đi kèm theo.

Trước khi khủng hoảng xảy ra, giới ngân hàng tin rằng chính quyền không để cho một chaebol nào phải phá sản. Nhưng rồi không đủ sức, chính quyền buộc phải phó mặc cho các tập đoàn xoay trở với qui luật thị trường.

Một loạt chaebol sụp đổ, hệ thống ngân hàng chới với trước số nợ khổng lồ. Năm 1995, tổng số nợ các xí nghiệp lên tới 323 tỷ đôla bằng 70 % tổng sản lượng trong nước (GDP). Ngân hàng không còn sức chi trả, tổng số tiền cho vay không đòi lại được ước là 20 tỷ đôla, bằng 17 % dư nợ.

Nhìn lại, vai trò giám hộ của chính quyền trong mô hình kinh tế rồng Á Đông có phần tích cực cho phát triển kinh tế.

Cũng lại chính vì sự giám hộ ấy mà cả hệ thống doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng đều tiềm tàng những điểm yếu tai hại. Tập đoàn doanh nghiệp có thể là vĩ đại nhưng bàn chân là đất sét, hiệu suất đầu tư thấp, không vốn dự phòng, quị gục ngay khi vấp bước trong thị trường toàn cầu hoá. Hệ thống ngân hàng èo uột vì bao lâu gò bó trong vai trò phân phát tín dụng theo ý muốn của chính quyền...

Doanh nghiệp yếu, ngân hàng yếu, chính quyền lúng túng như gà mắc tóc trước cuộc khủng hoảng, phần nào chính vì liên hệ nhùng nhằng với doanh nghiệp, với ngân hàng.

Jwa Sung-hee chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế của Liên đoàn công nghiệp Hàn quốc, tổ chức tụ hội chủ nhân 400 doanh nghiệp hàng đầu, đề quyết rằng mô hình kinh tế kết cấu chính quyền – xí nghiệp – ngân hàng “ đã đưa đất nước đến bên bờ phá sản ”.

 

Khủng hoảng của một mô hình ?

 
Cái mô hình ấy là phổ biến trong các rồng, cọp Đông Nam Á hiện đang lâm vào khủng hoảng, nhiều nước gần như phá sản, không thể tự mình cứu lấy mình. Phải vay tiền Quỹ tiền tệ thế giới.

Ai phải trả đây ?

Hôm sau ngày Hàn quốc cúi đầu chấp nhận chương trình cứu trợ của Quỹ tiền tệ thế giới, hàng nghìn người xuống đường ở Seoul tay cầm tấm bảng ghi ba chữ IMF. Ba chữ đầu của International Monetary Fund – Quỹ tiền tệ quốc tế bằng tiếng Anh – thêm ghi chú bằng mực đỏ rằng “ I'M Fired ”, tôi bị đuổi việc.

Người phải trả giá đắt trước tiên là người lao động. Năm 1998, Hàn quốc dự tính có thêm 1, 5 triệu người thất nghiệp, Thái Lan thêm 1 triệu, Inđônêxia thêm 2 triệu người mất việc từ ngày khủng hoảng tới nay và ước lượng 1998 có thêm 3 triệu người. Sau người lao động là người dân. Thắt lưng buộc bụng góp trả cái món nợ khổng lồ chẳng phải mình gây nên.

Phát triển chựng lại, đời sống đắt đỏ lên, nạn thất nghiệp gia tăng, có nguy cơ xáo động xã hội...

Công nhân Hàn quốc biểu tình phản đối xí nghiệp thải người. Viện cớ không có lý gì mà họ là kẻ phải chịu thiệt vì cái lối quản lý phiêu lưu của các chaebol. Ở Inđônêxia, quần chúng cướp phá cửa hàng vì giá cả tăng quá mau...

Vấn đề chính trị, vấn đề xã hội đi liền kề với nhau. Dân Hàn quốc bầu Kim Đae-jung – kẻ đối lập từng bị chính quyền kết án tử hình – lên làm tổng thống. Ở Inđônêxia tổng thống Suharto lại ra ứng cử. Chắc là ông sẽ lại đắc cử. Nhưng điều đó không ngăn cản thời kỳ hậu-Suharto đã bắt đầu.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ và tài chính Á Đông này nặng những kích thước kinh tế, xã hội, chính trị. Không mặt nào sẽ tiếp tục như cũ được nữa. Một giai đoạn đã qua. Đau đớn, nhưng bổ ích, nếu đây là những khủng hoảng trong lớn khôn của cả khu vực.

 

Nhìn lại Việt Nam

 
1. Ta có khác... Kinh tế Việt Nam cũng như Trung Quốc không bị cuộc khủng hoảng tiền tệ-tài chính quất thẳng vào mặt như nhiều nước trong khu vực.

Hệ tài chính hai nước tương đối khép, thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ bằng 15 % GDP, Việt Nam thì hoàn toàn chưa có thị trường chứng khoán. Vốn đầu tư nước ngoài ở trong dạng đầu tư trực tiếp, không thể giờ trước giờ sau rút chạy ồ ạt như tín dụng trong thị trường chứng khoán như ta thấy ở các nước khác.

Nhưng nguy cơ đe doạ. Cho xuất khẩu, cho đầu tư nước ngoài, hai đòn bẩy chính cho phát triển kinh tế của ta. Phát triển chắc chắn phải chựng lại.

Vũ Quang Việt đã góp ý làm gì để kinh tế Việt Nam không bị khủng hoảng trong bối cảnh kinh tế Đông Nam Á (D. Đ. số 70, 1.98, tr. 11- 14). Bài này bàn về một vài khía cạnh khác.

2. Kinh tế có dấu hiệu đuối hơi... Trong năm 1977 tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức thấp nhất từ ba năm nay, 12,8 % trong chín tháng đầu năm, cao lắm thì chỉ được 13,5 % trong cả năm, sụt so với tỷ số 14,1 % năm 1996 và không thể đạt 14 % như dự kiến. Tiêu dùng chững lại, hàng hoá ứ đọng. Theo Ngân hàng thế giới, đầu tư nước ngoài thực hiện năm 1996 với 1,8 tỷ đôla sụt 18 % so năm trước. 1997 có khá hơn 1996 một chút nhưng còn thấp so với 1995.

Những dấu hiệu kinh tế Việt Nam đã có bước ngoặt ngay trước cuộc khủng hoảng (Hải Vân, D.Đ. số 68, 11.97, tr. 9). Đó là gì nếu không là triệu chứng mô hình kinh tế hiện hành đã đuối hơi.

Chính là lúc cần suy gẫm một vài bài học nóng hổi từ cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực .

 

Vấn đề sức cạnh tranh của doanh nghiệp

 
Một vấn đề hàng đầu của kinh tế Việt Nam. Andrew Steer, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định “ Vấn đề mấu chốt là làm thế nào để các xí nghiệp quốc doanh năng động hơn, hiệu quả hơn, có đầu óc kinh doanh hơn trong cạnh tranh thị trường khốc liệt. ” (Tuổi Trẻ 22.11.97).

Đúng quá. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cho thấy những điểm yếu kém ấy chủ yếu không ở chỗ là vốn của nhà nước hay là vốn tư nhân. Mà bắt nguồn tại mối liên hệ “ đặc biệt ” với chính quyền. Có thể là qua đảng cầm quyền, qua phe nhóm chính trị hay qua vợ con tổng thống, đâu đâu kết quả cũng tương tự : doanh nghiệp được ưu thế về vốn, về công nghệ, và những ưu đãi của nhà nước. Vì vậy mà cung cách trong đầu tư, xây dựng cấu trúc doanh nghiệp có khác với khi phải thực sự sống với qui luật thị trường.

Trong cuộc làm việc của chính phủ với lãnh đạo Thành Phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế xã hội năm 1997 và kế hoạch 1998, bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Trần Xuân Giá nhận định TPHCM “ đã chọn một cơ cấu đầu tư không phù hợp. Một ví dụ : Thành Phố chọn mũi nhọn xuất khẩu là gạo, cà phê hàng may mặc ” (Tuổi Trẻ 30.10.97).

Không phù hợp ? Tuỳ quan điểm mà thôi.

Nếu biết, thu mua lúa gạo quốc doanh dựa vào mạng lưới “ hàng sáo ” tư nhân, xay xát lúa chủ yếu cũng do các cơ sở tư nhân thực hiện. Có thể nói tư nhân dọn sẵn mọi thứ, cung ứng gạo đến tận mạn tàu và quốc doanh chỉ việc xuất khẩu bằng hạn ngạch được nhà nước phân. Đến chia phần lợi nhuận thì quốc doanh chiếm lấy cho mình 44 %, cơ sở xay sát được 16 %, tiểu thương 9 %, nông dân 16 % (FEER, 18.12.97), thì ta chỉ có thể cúi đầu “ kính phục ” TPHCM vô cùng chí lý trong chọn lựa mũi nhọn cho mình.

Và ta hiểu tại sao nông dân làm ra lúa gạo mỗi năm mỗi nhiều hơn mà cứ nghèo dài dài. Phương tiện bảo quản, xay xát cứ mãi lạc hậu. Và mãi không làm ra được nhiều gạo cao cấp để xuất khẩu cho được giá.

Muốn doanh nghiệp đầu tư, phát triển phù hợp với lợi ích của đất nước, của quần chúng nhân dân, việc đầu tiên là đặt lại mối quan hệ của nó với chính quyền.

 

Vấn đề thị trường nội địa

 
Đặt trọng tâm vào xuất khẩu để phát triển. Không thể chối cãi đó là hướng đúng đắn cho đất nước ta.

Tuy nhiên, không nên vì vậy mà xem nhẹ cái thị trường nội địa Việt Nam trên bảy mươi triệu con người. Doanh nhân nước ngoài đang gắm ghé nó. Vũ Quang Việt (đ.d) trong một cái nhìn tổng quát cho thấy xí nghiệp liên doanh với nước ngoài nhắm vào thị trường nội địa hơn là xuất khẩu.

Nhìn ví dụ cụ thể, hai tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng Coca Cola và Procter ă Gamble, liên doanh của họ với ta đều lỗ trầm trọng. Ngẫm lại, lỗ là lỗ về phía đối tác Việt Nam, không đủ sức góp thêm vốn vào liên doanh hoặc mua lại phần hùn của đối tác nước ngoài. Chẳng còn lối nào khác là bán cổ phần của mình cho đối tác để chuyển thành công ty 100 % vốn nước ngoài. Mặc tình mà họ tung hoành trong thị trường nội địa đã bắt đầu quen với các thương hiệu Coca Cola, Fanta, Sprite của Coca, dầu gội đầu Pantene, Rejoice, bột giặt Ariel, Tide, xà bông Camay của PăG...

Nghĩ đến thị trường nội địa không chỉ là lo phát triển doanh nghiệp cung ứng thị trường ấy. Sức mua của người dân quan trọng không kém. Vậy là phải xét các chính sách giúp người dân ăn nên làm ra và chính sách thuế khoá hiện đang rút rỉa quá đáng mãi lực của nhân dân.

Lê Văn Cường có lưu ý dùng chiến lược tăng trưởng dựa chủ yếu trên xuất khẩu không phải là không nguy hiểm (D.Đ. số 69, 12.97, tr. 11-12). Vấn đề không phải là đối lập thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Mà tìm những hỗ tương, bổ sung của hai khu vực trong một cuộc phát triển hài hoà kinh tế và xã hội.

Khủng hoảng Á Đông là một kho kinh nghiệm quý.

 
bùi mộng hùng

(1.1998)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss