Trao đổi với Nguyễn Dư
Trao đổi ý kiến với Nguyễn Dư
Nói
chuyện Lê Lai,
mà Lê Lai nào
?
Nguyên
Thắng
Nghề đọc sách
cũng lắm công phu. Anh bạn Nguyễn Dư kể ra đã
không ít công phu lần giở sách xưa.
Khêu ra một sự kiện có ghi chép rành
rành trong bộ chính sử Đại
Việt sử ký
toàn thư (từ đây gọi là Toàn thư) :
Năm 1427 “ Giết tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết ”. Mà Toàn Thư lại chẳng có ghi chép gì về chuyện Lê Lai liều mình chết thay Lê Lợi trong những năm đầu khởi nghĩa (1418 - 1419) bị quân Minh vây khổn ở núi Chí Linh. Vậy, không phải là quân Minh, mà chính Lê Lợi giết Lê Lai, vào năm 1427. Nghi án lịch sử tày đình mà không một ai thấy trước anh ?
Và anh đề nghị một kịch bản để lý giải chuyện này. Phải nói ngay rằng anh trích dẫn tư liệu lịch sử cẩn thận để dựng nên kịch bản. Thế mới lý thú.
Vậy, ta phải tin Nguyễn Dư về chuyện Lê Lai ?
Xin khoan nói chuyện tin hay không tin. Trước hết chúng ta bình tâm đọc lại sử. Bắt đầu bằng những tư liệu quan trọng anh Dư sử dụng : Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi, đồng chí từ buổi ban sơ với Lê Lợi, Lê Lai, tên có trong danh sách 19 người hội thề Lũng Nhai ; Lịch triều hiến chương loại chí (từ đây gọi là Lịch triều) của Phan Huy Chú, một nhà bách khoa, một sử gia nghiêm túc và Toàn thư nói trên.
Có một Lê Lai nhân vật quan trọng trong những ngày đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Lê Lai này đứng hàng thứ hai ngay sau Lê Lợi trong danh sách những người hội thề ở Lũng Nhai ; gia đình ông là gia đình hào trưởng, phụ đạo thôn Dựng Tú (Thanh Hoá).
Khi quân Minh vây chặt núi Chí Linh, chuyện Lê Lai giả xưng là Bình Định vương Lê Lợi để lừa giặc, xông vào trận, bị bắt sống tại trận tiền, Lê Lợi nhân đó trốn thoát, được Nguyễn Trãi kể khá chi tiết trong Lam Sơn thực lục ; Phan Huy Chú chép trong Lịch triều. Anh bạn Nguyễn Dư không phủ nhận chuyện này.
Nhưng anh cho là sau khi bị bắt sống, Lê Lai không hề bị quân Minh giết chết mà chỉ giam giữ ở Tây Đô. Đó là điểm khởi đầu cho kịch bản của anh, dựa vào câu của Nguyễn Trãi “ Giặc liền vây và bắt trói đem vào trong thành xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng ”.
Anh diễn dịch “ xử bằng cực hình ” ra tra tấn dã man. Và từ đó không ngần ngại mà phủ nhận nghĩa từ ngữ “ vì nước bỏ mình ” của Phan Huy Chú là “ chết vì nước ”. Cho rằng phải hiểu nó là “ vì việc nước mà bỏ chuyện riêng tư của mình ”.
Anh quên đi rằng các nhà viết sử như Nguyễn Trãi, như Phan Huy Chú cân nhắc từng chữ trước khi viết ra. Không thể tuỳ tiện mà diễn dịch ra sao cũng được.
Trước hết là từ “ cực hình ”. Luật pháp xưa có “ hình ” và có “ luật ”. Hình là các hình phạt được quy định trong văn bản gọi là “ hình thư ”. Có năm loại (ngũ hình) : xuy hình là đánh bằng roi, trượng hình là đánh bằng gậy, đồ hình là đày làm khổ dịch, lưu hình là đày phát vãng và tử hình là giết chết. Tử hình có ba bực : một là giảo (thắt cổ) và trảm (chém đầu) ; hai là khiêu (chém bêu đầu), ba là lăng trì nghĩa là chặt tay chân, xẻo thịt, làm cho chết dần.
Ngoài lăng trì còn khiêu liệt nghĩa là phân thây xé xác, hai loại hình phạt dùng từ thời xa xưa, nhưng ngoài pháp luật, để xử những tội quy là ác nghịch cực nặng. Đến đời Nguyên, lăng trì mới được ghi vào hình thư, còn khiêu liệt vẫn để ngoài. (Muốn biết rõ thêm vấn đề xin bạn xem phần Ngũ hình trong Hình luật chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tập II, tr. 305 - 306).
Vậy, phải hiểu “ xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng ” là giết chết bằng những hình phạt không có ghi trong hình thư, ác độc có lẽ còn hơn là lăng trì.
Vậy, từ ngữ “ bỏ mình vì nước ”, trong trường hợp Lê Lai này phải hiểu là “ chết vì nước ”. Bị bắt sống ở trận tiền và bị giết sau đó hai việc không có gì là mâu thẫn với nhau. Còn một nơi khác chép Lê Lai “ bỏ mình vì nước ” mà khung cảnh từ ngữ buộc ta phải hiểu là chết vì nước. Đó là truyện Lê Niệm (Lịch triều hiến chương loại chí, nhân vật chí, s.đ.d. Tập I, tr. 332 - 333) :
“ Ông (Lê Niệm) người thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hoá), cháu Lê Lai. Cha ông là Lê Lâm theo vua đi đánh giặc Ngô có công, sau đi đánh Ai Lao làm tiên phong trúng chông sắt chết được tặng thiếu uý. ”
Khi Lạng Sơn vương Nghi Dân giết Lê Nhân Tông (1459) mà chiếm ngôi vua, Lê Niệm đang làm xa kỵ vệ coi tất cả việc quân, ông cùng các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, bàn mưu đem cấm binh giết đảng nghịch, bỏ Nghi Dân đón Lê Thánh Tông lên ngôi. Vì công đó ông được phong Suy trung bảo chính công thần, làm nhập nội tư mã tham dự triều chính. Bài chế văn trong dịp ấy có câu : “ (...) Huống chi một nhà trung nghĩa, thương ông ngươi, cha ngươi vì nước bỏ mình (...) ”. Chế văn là lời của vua, đây là Lê Thánh Tông. Cha Lê Niệm bị chết trận, đặt song song Lê Lâm (cha) với Lê Lai (ông) thì chỉ có thể hiểu “ vì nước bỏ mình ” là cả hai đều “ chết vì nước ”. Đồng thời chế văn này cũng khẳng định rằng các vua triều Lê nối tiếp nhau đời đời ghi nhận công đức Lê Lai hy sinh chết thay Lê Lợi.
Ấy là chưa kể đến các tư liệu khác mà bạn Nguyễn Dư không nhắc tới. Theo lời dặn của Lê Lợi con cháu nhà Lê sau này bao giờ cũng làm giỗ Lê Lai vào ngày hôm trước ngày giỗ của Lê Lợi (22 tháng 8 âm lịch), vì vậy trong dân gian có câu “ Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi ”. Các bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Việt sử Thông giám Cương mục đều chép việc Lê Lai hy sinh. Và còn gia phả họ Lê Lai mới tìm ra sau này.
Thế là, phải gượng ép ngữ nghĩa và bỏ rơi không kể đến nhiều tư liệu quan trọng thì mới dựng được lên việc Lê Lai người thôn Dựng Tú bị giặc bắt trong những năm đầu khởi nghĩa Lam Sơn nhưng không bị quân Minh giết hại.
Kịch bản đến đó nào đã hết đâu, còn phải cho Lê Lai trở về với nghĩa quân Lam Sơn trước năm 1427. Và bạn Nguyễn Dư lại vội dẫn Lam Sơn thực lục để cho là nghĩa quân hạ thành Tây Đô vào năm 1425, giải thoát cho Lê Lai bị giam cầm ở đó.
Chuyện hoàn toàn trái ngược với lịch sử. Vì theo mọi tư liệu, kể từ Lam Sơn thực lục kể đi, quân Minh giữ được thành Tây Đô cho mãi đến sau khi Liễu Thăng bị giết. Và phải đến 1427, khi Vương Thông rút quân về Trung quốc thì quân ta mở vây cho quân Minh thủ thành Tây Đô theo toàn quân về nước.
Vậy sao bạn Nguyễn Dư lại diễn giải như vậy. Xem lại, bạn Dư trích dẫn đúng. Nhưng phải chăng vì chăm chắm cho Lê Lai được về với nghĩa quân bạn đã hiểu sai Nguyễn Trãi đi ? Mà sai rất xa.
Tháng 5 năm 1425, nghĩa quân thắng trận, bạn vội hiểu là thành Tây Đô đã bị hạ. Nhưng nào có phải thế thật đâu. Mới bị bổ vây thôi ! Quân Minh bị đánh vỡ khi ấy là quân ngoài thành, chúng rút vào thành đóng cửa chống giữ. Vì thế mà quân ta “ không mảy may xâm phạm nhân dân ở gần thành giặc ” nào phải là nhân dân trong thành ?
Bạn chưa tin, xin lật tới vài trang nữa, Nguyễn Trãi ghi rõ : Năm Bính ngọ (1426), “ Trong một thời gian ngắn mấy thành (Điêu Diêu, Thị Cầu, Xương Giang, Khâu Ôn) đều vỡ. chỉ có Đông Đô, Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh là 4 thành chưa hạ được mà thôi ” (Lam Sơn thực lục, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1976, tr.64).
Chẳng phải sức nghĩa quân khi ấy không hạ nổi một thành Tây Đô. Nhưng chiến lược của Lê Lợi xem “ Đánh thành là hạ sách ; ta đánh vào thành vững hàng tháng hàng năm không hạ nổi (làm cho) quân ta sức mệt khí nản. Nếu viện binh của giặc lại đến thì trước mặt, sau lưng đều bị giặc đánh, đó là con đường nguy ! Sao bằng nuôi dưỡng sức quân giữ lấy nhuệ khí để đợi viện binh của giặc. Viện binh bị phá thì thành tất phải hàng. Làm một việc mà được cả hai, đó mới là kế vạn toàn vậy ” (Toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tập III, Kỷ nhà Lê, q.10, tr.42-43).
Phá viện binh giặc, chiến lược ấy buộc phải tiêu diệt nhanh chóng những thành còn bị quân Minh chiếm đóng trên đường viện quân từ Trung Quốc kéo qua, ta thấy các thành Tam Giang trên đường Vân Nam vào đất ta, Khâu Ôn, Xương Giang, Thị Cầu, Điêu Diêu trên đường Quảng Tây đi Đông Đô bị hạ. Nói là nhanh chóng, nhưng thành Xương Giang bị công kích 9 tháng trường, chỉ phá vỡ được có 10 ngày trước khi quân Liễu Thăng kéo tới biên giới. Còn các thành Đông Đô, Tây Đô, Cổ lộng, Chí Linh, không nằm trên đường chiến lược, là những ốc đảo chơ vơ giữa những vùng rộng lớn nghĩa quân làm chủ thì chỉ bị bao vây thôi.
Quả nhiên Liễu Thăng bị giết, viện binh bị phá, quân Minh giữ các thành còn lại không hy vọng vào đâu được nữa. Và năm Đinh Mùi (1427), “ Ngày 16 tháng chạp, tướng giặc Vương Thông, Mã Anh, Lý An, Trần Trí, nội quan Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Đặc Khiêm cùng bọn chỉ huy giữ thành Tây Đô là Hà Trung, giữ thành Chí Linh là Cao Tường đưa hết số nguỵ quan lớn nhỏ cùng những nhà dân nước ta bị bắt hiếp vào thành trả lại cho ta và xin được đem quân về Bắc ” (Lam Sơn thực lục, đ.d. tr. 68).
Toàn Thư cũng chép ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (1427) Lê Lợi “ sai đồng tri Nguyễn Mãn và đội trung Nguyễn Lôi mang thư đến thành Tây Đô và Cổ Lộng bảo bỏ vây, vì cớ hai thành chưa hạ được ” (Toàn thư, s.đ.d., Tập III, tr. 48).
Có một Lê Lai hy sinh chịu chết trong những năm mới khởi nghĩa, và từ buổi ban đầu đến khi quân ta giải vây cho tướng Hà Trung đem quân Minh về nước, nghĩa quân không hề chiếm thành Tây Đô. Nhiều sử liệu xác minh cho hai sự kiện ấy.
Tuy nhiên, chuyện có một Lê Lai bị Lê Lợi sai đem giết đi vẫn còn nguyên đó. Lý giải làm sao ?
Tiềm ẩn đằng sau lý luận của ông bạn Nguyển Dư là giả thuyết chỉ có một Lê Lai duy nhất, và vì vậy phải moi bằng cớ, uốn dữ kiện chứng minh cho được là Lê Lai còn sống đến 1427. Bạn không nghĩ tới khả năng có nhiều Lê Lai.
Có chăng một Lê Lai người thôn Dựng Tú bị quân Minh giết khoảng những năm 1418 - 1419 và một Lê Lai khác bị Lê Lợi giết năm 1427 ?
Lam Sơn thực lục tục biên chép cả việc Lê Lai hy sinh cứu Lê Lợi và việc Lê Lai bị giết năm 1427. Vậy là mặc nhiên nhận có hai Lê Lai. Có một bản Lam Sơn thực lục tục biên được sao năm 1942 chép Nguyễn Thận người sách Mục Sơn, sau được ban họ Lê tên là Lai. Một tấm bia Phan Huy Lê tìm thấy ở Mục Sơn năm 1962 do con cháu họ Lê soạn năm Tự Đức thứ 3 (1850) chép thuỷ tổ táng ở nơi ấy vốn họ Nguyễn người Khoái Châu huý là Lai, tự là An được ban họ Lê ; theo văn bia này thì Lê Lai này chết năm 1437 “ đã lấy thân thay (Lê) Thái Tổ trong cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại ”. Mặt sau bia có sắc phong thần cho Lê Văn An đề năm Cảnh Hưng 40 (1779) được con cháu khắc vào năm 1851. So lại chức tước được phong ghi ở mặt trước tấm bia thì Lê Lai này chính là Lê Văn An. Lại thêm một Lê Lai nữa cứu mạng Lê Lợi nhưng không bị chết, đặt ra câu hỏi Lê Lợi được cứu mạng mấy lần ?
Mới loanh quanh vùng Thanh Hoá mà đã gặp Lê Lai người Dựng Tú, Lê Lai - Nguyễn Thận người Mục Sơn và Lê Lai - Lê Văn An táng ở Mục Sơn. Thêm tài liệu ở Đăng Cao, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh cho biết Nguyễn Bá Lai tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, có công được ban quốc tính cũng gọi là Lê Lai.
Dường như thời đầu nhà Lê khi nói đến Lê Lai thì phải nói rõ là Lê Lai nào.
Nguyên Thắng (23.4.98)
Xin nhắc các bạn lưu tâm đến thời khởi nghĩa Lam sơn rằng nhiều vấn đề lịch sử lý thú trong đó có vấn đề đặt ra quanh chuyện Lê Lai đã được hai nhà sử học Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn phân tích trong Khởi nghĩa Lam Sơn (in lần thứ ba, có sửa chữa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977 ; riêng về Lê Lai xin xem tr.153 - 158).
Các thao tác trên Tài liệu