Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 75 / Vẫn Lê Lai

Vẫn Lê Lai

- Nguyễn Dư - Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:56, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:56
Cuộc đối thoại về Lê Lai tiếp tục giữa Nguyễn Dư và Nguyên Thắng

 

Vẫn chuyện ông Lê Lai

 
Nguyễn Dư

 
Diễn Đàn số vừa qua (số 74, 5.1998) có đăng bài Ai giết Lê Lai ? của tôi và bài trao đổi ý kiến Nói chuyện Lê Lai, mà Lê Lai nào ? của Nguyên Thắng. Trong tinh thần thảo luận nghiêm túc, yêu cầu Diễn Đàn cho tôi được trao đổi ý kiến với Nguyên Thắng. Xin cảm ơn Diễn Đàn.
 

*

 
Nguyên Thắng không đồng ý với tôi, bác bỏ “ kịch bản ” của tôi trên ba điểm chính :

1) Cực hình của quân Minh dành cho Lê Lai, theo Nguyên Thắng, có nghĩa là “ giết chết bằng những hình phạt không có ghi trong Hình thư, ác độc có lẽ còn hơn lăng trì ”.

2) Nguyên Thắng cho rằng tôi đã “ vội hiểu là thành Tây đô bị hạ (năm 1425) ”, đó là “ chuyện hoàn toàn trái ngược với lịch sử ”. Tôi đã “ hiểu sai Nguyễn Trãi, mà sai rất xa ”.

3) Có nhiều Lê Lai. “ Khi nói đến Lê Lai thì phải nói rõ là Lê Lai nào ”.

Chắc chỉ còn phép độn thổ mới cứu tôi được. Sách vở, tư liệu dẫn ra cả đấy, phen này hết chối cãi nhé ! Thú thực là tôi... rịn mồ hôi lạnh ! Tự ti mặc cảm.

Thế là cờ đã vào thế hiểm !

Sau một đêm trằn trọc, sau một ngày “ bình tâm đọc lại sử ”, tôi xin trao đổi ý kiến với Nguyên Thắng trên ba điểm được nêu ra.

 

a) Quân Minh có giết Lê Lai không ?

 
Các hình phạt ngày xưa được ghi trong Hình Thư, được Nguyên Thắng kể rõ ràng. Không có gì cần nói thêm. Có chăng là ở chỗ Lê Lai bị “ xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng ”, nghĩa là không có trong Hình Thư.

Nguyên Thắng kết luận là Lê Lai bị “ giết chết bằng những hình phạt không có ghi trong hình thư, ác độc có lẽ còn hơn là lăng trì ”.

Có thể lắm. Nguyên Thắng có 50 % lí để nói như vậy. Nhưng tôi không loại trừ 50 % lí còn lại để đưa ra khả năng ngược lại, nghĩa là cực hình không nhất thiết phải là giết chết. Chính Nguyên Thắng đã kể ra một trường hợp : có một ông Lê Lai “ đã lấy thân thay (Lê) Thái Tổ trong cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại ”. Ông này có chết đâu. Chúng ta sẽ trở lại chuyện mấy ông Lê Lai ở phần sau.

Năm 1427, Lê Lễ và Lê Xí cầm quân ra trận, bị quân Minh “ bắt được đem về thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất bị giết. Xí về sau nhân ban đêm mưa gió, dùng mẹo đánh lừa kẻ canh giữ thoát về được, vào ra mắt vua ở dinh Bồ Đề. Vua kêu lên rằng : “ Sống lại ”. (Toàn Thư, tr. 33).

Rất có thể Lê Xí cũng bị cực hình nhưng không bị giết chết.

Còn tôi, tôi dựa vào đâu để cho rằng Lê Lai không bị quân Minh giết ? Tôi dựa vào lời ... Nguyễn Trãi : “ khác hẳn các hình phạt thường dùng ”. Ai kể cho Nguyễn Trãi biết điều này ? Chắc chắn là tác giả của những hình phạt này giữ “ bí mật quân sự ”. Khả năng do chính nạn nhân kể lại chiếm ít nhất cũng là 50 %. Ngày xưa cũng như ngày nay, thỉnh thoảng người ta lại được biết những “ tội ác chưa từng thấy ” do những nạn nhân sống sót kể lại.

Thường thường, sử sách xưa viết rõ các hình phạt mà nạn nhân phải chịu hoặc nói rõ bị đánh, bị phạt, bị hành hạ đến chết. Hơn ai hết, các ông con trời ngày xưa quan niệm rằng hạ nhục ai, hành hạ cho “ chết đi sống lại ” có khi còn độc ác hơn là giết chết.

Lê Lai bị xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng, không cho phép ta khẳng định là ông bị tử hình.

Tôi vẫn nghĩ rằng quân Minh dùng những cực hình, tôi diễn dịch theo ngôn ngữ ngày nay là “ tra tấn dã man ”, để hành hạ Lê Lai, nhưng chúng không giết ông. Tôi còn cho rằng quân Minh muốn khai thác Lê Lai giữ ông làm con tin. Và sau này Lê Lai đã kể lại những cực hình này. Biết đâu trong lúc kể, Lê Lai lại chả quá lời, nói ra những lời ngạo mạn ?

Dĩ nhiên về điểm này, tôi rất đồng ý với Nguyên Thắng là “ không thể tuỳ tiện mà diễn dịch ra sao cũng được ”.

 

b) Tình hình thành Tây đô năm 1425

 
Tôi đưa giả thuyết Lê Lai được giải cứu khỏi thành Tây Đô năm 1425. Tôi dựa vào 3 đoạn viết của Nguyễn Trãi và Ngô Sĩ Liên.

Năm 1425, tháng 5, “ vua bèn chia hai nghìn tinh binh, hai thớt voi, sai bọn cháu ngoại là Lê Lễ, Lê Sát, Lê Bị, Lư Triện, Lê Nhân Chú suốt ngày đi ra đánh úp thành Tây đô. Giặc đóng cửa chống giữ. Quân ta đánh vỡ, bắt được đảng giặc rất nhiều, chém hơn năm trăm đầu. Phàm nhân dân ở gần thành giặc, mảy may không xâm phạm.

“ Bấy giờ nhân dân (...) chưa đầy ba ngày, bộ ngũ sắp xong hết, liền vây thành Tây đô ”. (Lam sơn thực lục)

Năm 1425, tháng 5, “ Bấy giờ quân giặc đến cứu thành Nghệ An, vua đoán là các thành Tây đô đều ít quân yếu sức, lại chọn lấy hai nghìn quân tinh nhuệ, và hai con voi, sai bọn Lê Lễ, Lê Sát, Lê Nhân Chú và Lê Triện, Lê Bí đi gấp đường tắt đánh úp thành Tây đô, chém được hơn 500 thủ cấp, bắt sống được rất nhiều. Người Minh đóng cửa giữ thành chống giữ. Dân cư ngoài thành, bọn Lê Triện đều phủ dụ được cả. Bấy giờ người Thanh Hoá tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc. Bèn vây lấy thành ” (Toàn Thư)

(...) Chu Kiệt bỏ cũi, Hoàng Thành phơi thây
Đất Nghệ An chiếm lại, Tây đô thu nhanh về tay
Gạo nước đón rước
Người theo đầy đường... (Phú núi Chí linh)

Theo Lam Sơn thưc lục, ta được biết rằng nghĩa quân suốt ngày đi ra đánh úp thành Tây đô. Giặc Minh đóng cửa chống giữ. Nghĩa quân đánh vỡ. Chém và bắt được nhiều giặc. Sau đó vây thành.

Theo Toàn Thư thì nghĩa quân đi đường tắt đánh úp thành Tây đô, giết và bắt sống được nhiều giặc Minh. Quân Minh đóng cửa thành chống giữ. Dân quân Lam Sơn bèn vây lấy thành.

Cũng theo Nguyễn Trãi thì đã có lúc “ Tây đô thu nhanh về tay ”.

Tôi dựa vào sự kiện “ đánh úp thành Tây đô ”, “ đánh vỡ ” và “ thu nhanh về tay ” để nghĩ rằng nghĩa quân đã đột nhập vào bên trong thành Tây đô và tôi đưa ra giả thuyết là Lê Lai được giải cứu trong dịp này.

Mục đích của Lê Lợi là đánh úp thành Tây đô. Nghĩa quân đánh vỡ được. Sau đó (vì một lý do nào đó ?) nghĩa quân rút lui khỏi thành. Nhân dân ngoài thành mới “ gạo nước đón rước, người theo đầy đường ”. Lê Triện ra lệnh “ phàm nhân dân gần thành giặc, mảy may không xâm phạm ”. Dân quân cùng vây thành.

Nguyên Thắng viết rằng “ quân Minh bị đánh vỡ khi ấy là quân ngoài thành ”. Không thấy Nguyễn Trãi và Ngô Sĩ Liên nói điều này.

Hai chữ “ đánh vỡ ” của Nguyễn Trãi có nghĩa gì ? Nguyên Thắng trích dẫn một đoạn văn cũng của Nguyễn Trãi : năm Bính Ngọ (1426), “ Trong một thời gian ngắn, mấy thành (Điêu Diêu, Thị Cầu, Xương Giang, Khâu Ôn) đều vỡ. Chỉ có Đông đô, Tây đô, Cổ Lộng, Chí Linh là bốn thành chưa hạ được mà thôi ”. Bốn thành bị “ vỡ ” ở đây là bốn thành bị nghĩa quân đột nhập đánh thắng bắt hàng.

Cùng người viết (Nguyễn Trãi), cùng văn phong, văn cảnh (đánh thành), chắc là chữ vỡ có cùng một nghĩa. Trong trận đánh úp thành Tây đô, giặc đóng cửa chống giữ. Quân ta đánh vỡ, bắt được đảng giặc rất nhiều, chém hơn năm trăm đầu. Tôi nghĩ rằng nghĩa quân đã có lúc đánh vỡ quân Minh phòng thủ thành Tây đô, đã “ thu nhanh về tay ” và nhân dịp này đã giải cứu được Lê Lai.

Cần nói thêm tí xíu là tôi không hề viết, không hề “ vội hiểu là thành Tây đô bị hạ ”. Sử rành rành ra đó, đọc đi đọc lại cả chục lần (hay hơn), tôi chưa dám bạo gan đến cỡ cho nghĩa quân hạ thành Tây đô năm 1425. Tôi viết “ nghĩa quân Lam Sơn chiếm thu Nghệ An, Tây đô năm 1425 ”. Tôi thận trọng dùng lại chữ chiếm và chữ thu của Nguyễn Trãi.

Nguyên Thắng thuyết giảng khá dài về chiến lược vây thành của Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Đúng 100 %. Nhưng đó là chuyện xảy ra sau trận đánh úp thành Tây đô.

Thứ tự các câu viết của Nguyễn Trãi thật là quan trọng. “ Suốt ngày đi ra đánh úp thành Tây đô. Giặc đóng cửa chống giữ. Quân ta đánh vỡ... ”. Nguyễn Trãi viết rất rõ, rõ hơn Ngô Sĩ Liên.

Hy vọng rằng tôi không “ hiểu sai Nguyễn Trãi, mà sai rất xa ”.

 

c) Có nhiều ông Lê Lai

 
Ông Lê Lai tôi nói tới trong bài là Lê Lai theo Lê Lợi từ ngày đầu và ông tư mã Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427.

Sử ghi rằng sau khi lên ngôi vua (1428), Lê Lợi phong thưởng các công thần, ban họ vua, quốc tính cho một số người (trong đó có Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi v.v...)

Các ông Nguyễn Thận, Lê Văn An, Nguyễn Bá Lai, được ban họ Lê, được ban quốc tính, sớm nhất cũng là từ năm 1428 trở về sau. Như vậy thì ba ông Lê Lai không phải, không dính dáng gì tới hai ông Lê Lai tôi nói tới. Trừ phi có sự nhầm lẫn của đời sau (chẳng hạn như năm 1427 nhầm thành 1437 ?).

Lê Lai người Dựng Tú tên thật là Lê Lai. Tư mã Lê Lai bị giết năm 1427 cũng có tên thật là Lê Lai (vì năm 1427 chưa có chuyện ban họ Lê). Nếu là hai người khác nhau thì sự trùng tên thật là hi hữu.

Thêm một chi tiết khác. Năm 1427 “ gia phong thị trung Tư Tề là tư đồ, đại tư mã Lê Nhân Chú là tư không, thiếu úy Lê Vấn, Lê Sát là tư mã, thượng tướng Lê Bôi làm thiếu úy, và răn rằng : “ Chức tước đã cao, khuya sớm chớ lười, không được lãng chí mà bỏ việc ” (Toàn thư).

Ông Lê Lai bị giết có chức tư mã là một chức lớn. Các nhà sử học thử tìm chức tước của ba ông Lê Lai - Nguyễn Thận, Lê Văn An, Nguyễn Bá Lai, xem có tìm ra được điều gì bổ ích hay không ?

Nguyên Thắng trách tôi “ phải gượng ép ngữ nghĩa và bỏ rơi không kể đến nhiều tư liệu quan trọng thì mới dựng lên việc Lê Lai (...) không bị quân Minh giết hại ”. Tôi “ phải moi bằng cớ, uốn dữ kiện chứng minh cho được là Lê Lai còn sống đến 1427 ”.

Nguyên Thắng trách đúng... một phần. Đã mang thân Việt kiều, lại còn làm Việt kiều tỉnh lẻ, tôi có ít tư liệu lắm, thua xa Việt kiều Paris, nhất là thua xa một trời một vực so với các vị ở trong nước có đầy đủ thư viện, sách báo, sử ta, sử tàu. Nhưng điểm yếu kém này vẫn không cho phép tôi “ dựng ” chuyện. Điểm yếu kém thứ nhì của tôi là tin Nguyễn Trãi và Ngô Sĩ Liên hơn các tác giả của mấy trăm năm về sau.

Tôi dựa vào ba văn bản xưa nhất, nghĩa là ít sai lầm nhất, thử lần mò tìm hiểu một trang sử Việt Nam.

Cũng may cho tôi, mấy tư liệu Nguyên Thắng đưa ra về lai lịch ba ông Lê Lai được phong quốc tính, họ vua, xem ra cũng không cần thiết cho cuộc thảo luận ở đây.

Suy đi nghĩ lại, tôi thấy vẫn có lí do để bảo vệ “ kịch bản ” của mình.

Xin chấm dứt bằng câu mở đầu của Nguyên Thắng : “ Nghề đọc sách cũng lắm công phu ” !

*

Viết thêm cho bạn bè

 
Tôi nghĩ đến các bạn học của tôi. Đám bạn học tiểu học ở Hà Nội, trung học ở Tân Định, Bà Chiểu Sài Gòn. Chúng tôi được học sử qua cuốn sách được nha học chính, bộ Giáo dục công nhận, cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Tôi còn nhớ chập chờn cả hình vẽ trong cuốn sách tập học lớp ba hay lớp nhì hồi đó : ông Lê Lai mặc áo bào bị hai tên Minh giữ hai tay, tên thứ ba cầm giáo đâm ông. Bài học được mang tựa là Lê Lai liều mình cứu chúa.

Rốt cuộc chỉ có Trần Trọng Kim đứng một mình. Ông viết rằng Lê Lai bị quân Minh “ bắt được giết đi, rồi rút quân về Tây đô ”. Lê Lai bị giết ở chiến trường như hình vẽ minh hoạ.

Nhưng chúng ta được biết Nguyễn Trãi không kể chuyện Lê Lai bị quân Minh giết, Ngô Sĩ Liên không kể chuyện Lê Lai bị bắt. Trần Trọng Kim kể đầy đủ. Tôi đoán là Trần Trọng Kim đã dựa vào bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (gọi tắt là Cương mục) của nhà Nguyễn được khắc in năm 1884.

Dương Quảng Hàm, tác giả một cuốn sách khác cũng được bộ giáo dục công nhận (Việt Nam văn học sử yếu, 1941, Nxb Xuân Thu, Hoa Kỳ, in lại) nhận xét về bộ sử của nhà Nguyễn như sau (tr. 376) :

Cách chép : Bộ này chép theo phép biên niên và phép cương mục. Lại có những lời cẩn án là lời phê bình những điều đã chép ở sử cũ mà các nhà san định bộ Cương mục cho là sai lầm (...).

Giá trị : Bộ này thu thập được nhiều tài liệu ở sử cũ và sách cũ để bổ những chỗ khuyết ở bộ Đại Việt sử ký. Nhưng một đôi khi cũng làm sai sự thực đã ghi ở sử cũ và vẫn theo phép biên niên khiến cách chép việc thành ra gián đoạn không được quán thông nhất trí ”.

 

Tình cờ đọc Đại Việt sử ký mới giật mình, mới vội tra tìm trong Lam Sơn thực lục, văn thơ Nguyễn Trãi, hy vọng may ra có hiểu thêm gì chăng ?

Chắc chắn là có rất nhiều người đã đọc và biết “ nghi án lịch sử tày đình ” này. Ít ra là những người dịch Toàn thư và 2400 người có may mắn có bản dịch trong tay (bộ Đại Việt sử ký toàn thư tôi có được in 2 400 cuốn). Tôi chỉ là một trong những người may mắn này, nhưng cũng phải hơn 10 năm sau mới tình cờ đọc được một câu nói về tư mã Lê Lai bị giết.

Tôi viết, hay gọi là “ dựng lên kịch bản ” cũng chả sao, trước hết để tặng đám bạn tôi, một lũ được học cùng một bài bản. Nếu có lặp lại những điều có người nói rồi thì tôi xin lỗi đã làm nhàm tai bạn đọc (biết rồi, khổ lắm, nói mãi). Nếu có ý nào mới (đúng hay sai) thì xin gọi là gợi ý hay góp ý.

 
Nguyễn Dư

(12.5.98)
 

Lời bàn của Nguyên Thắng

 
Đã có lời nhắc bạn Nguyễn Dư đọc Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn, bộ sử ghi chép một số dữ kiện không tìm được ở nơi khác. Chắc rằng bạn không sẵn quyển này sẵn dưới tay, nếu có đọc qua thì đã tan đi cái phần bạn còn nửa tin nửa ngờ trên những điểm chính của vấn đề thảo luận.

a) Cái chết và tử thi của Lê Lai : Theo truyền thống Trung quốc từ Tả Khâu Minh, Tư Mã Thiên, lối viết sử xưa của ta lời văn cô đọng, mà từ dùng chính xác. Khi Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn đã hạ bút sử gia viết “ xử cực hình ” thì người chịu hình không còn để mà về kể chuyện lại nữa đâu !

Xin trích dẫn Lê Quí Đôn kể về cái chết của Lê Lai :

Ông bèn dẫn hai con voi và 500 quân kéo thẳng tới trại giặc khiêu chiến. Giặc dốc hết quân ra đánh, ông cưỡi ngựa tốt, xông thẳng vào giữa trận hô to lên rằng : “ Chúa Lam Sơn chính là ta đây ”, rồi đánh giết được rất nhiều quân giặc. Khi đã kiệt sức, ông bị địch bắt, xử cực hình. (...)

Vua cảm động vì lòng trung nghĩa của ông, trước hết sai người ngầm tìm di hài ông, đem về mai táng ở Lam Sơn. ” (Lê Quý Đôn Toàn tập, tập III, Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1978, Truyện Lê Lai, tr. 157)

b) ít nhất là có hai Lê Lai : Lê Quí Đôn đã ghi về Lê Lai người thôn Dựng Tú : “ Năm Bính Thân (1416) vua cùng 18 vị tướng thân cận của nhà vua liên danh hội thề, nguyện cùng sống chết có nhau, ông (Lê Lai) cũng có dự trong số đó, ông được trao chức tổng quản phủ Đô tổng quản, tước Quan nội hầu ” (s.đ đ. tr.156).

Và, sau khi việc chôn cất xong ghi : “ Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), phong ông là công thần hạng nhất, tặng là Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần, hàm thiếu uý, thuỵ là Toàn Nghĩa. Tháng 12 năm sau, nhà vua sai Nguyễn Trãi (viết) hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để vào hòm vàng, lại gia phong cho ông hàm thái úy. Năm Thái Hoà thứ nhất (1443) ban tặng là Bình Chương quân quốc trọng sự, ban cho túi kim ngư, ấn vàng, tước huyện thượng hầu (s.đ.d., tr. 157).

Lê Quí Đôn cũng ghi sự việc năm 1427 “ Viên tư mã là Lê Lai, cậy có chiến công, thường thốt ra những lời khinh nhờn. Vua sai xử tử và tịch thu gia sản ” (s. đ. d. tr. 56)

Như vậy, Lê Quí Đôn đương nhiên xem là có hai Lê Lai. Trùng tên, trùng họ, nhưng khác năm chết, khác chức tước.

Lời văn ông trang trọng khi chép việc của đệ nhất công thần Lê Lai người Dựng Tú. Đến tư mã là Lê Lai bị tội xử tử năm 1427 thì giọng văn khác đi, lạnh như tiền.

Sử không nói rõ khi nào ghi tên họ được ban quốc tính, khi nào không. Lam Sơn thực lục chép năm 1425 đi đánh úp Tây đô có các tướng Lê Lễ, Lê Bị, hai người này nguyên tên là Đinh Lễ và Bùi Bị ; Toàn thư ghi Lê Lễ, Lê Xí bị giặc Minh bắt năm 1427, Lê Lễ chính là Đinh Lễ này, còn Lê Xí là Nguyễn Xí. Lê Bí bị bắt năm 1427 sau được quân Minh lấy lễ đưa về nguyên tên là Đỗ Bí, v.v...

c) Tây đô năm 1425 : Lam sơn thực lục chép : “... Lê Lễ, Lê Sát, Lê Bị, Lê Triện, Lê Nhân Chú suốt ngày đi ra đánh úp thành Tây đô. Giặc đóng cửa chống giữ. Quân ta đánh vỡ, bắt được đảng giặc rất nhiều, chém hơn năm trăm đầu. Phàm nhân dân ở gần thành giặc, mảy may không xâm phạm.

Quân ta đánh vỡ cái gì ?

“ Đánh vỡ ” đi ngay sau câu “ Giặc đóng cửa (thành) chống giữ. ”. Thuận nhất là hiểu “ thành ” bị vỡ.

Có điều hiểu như vậy thì lại trái đi với lô gíc nội tại của Lam Sơn thực lục đã chép ngay sau đó “ Chưa đầy ba ngày, bộ ngũ sắp xong hết, liền vây thành Tây đô ”.

Cũng như trái với Toàn Thư ghi rằng : “ ... bọn Lê Lễ, Lê Sát, Lê Nhân Chú và Lê Triện, Lê Bí đi gấp đường tắt đánh úp thành Tây đô, chém được hơn 500 thủ cấp, bắt sống được rất nhiều. Người Minh đóng cửa giữ thành chống giữ. Dân cư ngoài thành, bọn Lê Triện đều phủ dụ được cả. Bấy giờ người Thanh Hoá tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc. Bèn vây lấy thành ”.

Đại Việt thông sử cũng chép tương tự như Toàn Thư.

Vì vậy tôi hiểu đây là đồn trại bảo vệ thành bị “ vỡ ”. Nghĩa quân chém được 500 thủ cấp, bắt nhiều tù binh, quân Minh rút vào thành Tây đô cố thủ. Nghĩa quân chiêu dụ dân chúng, chiêu mộ lính mới, thu thập lương thực, vây thành.

Bạn Nguyễn Dư cho là “ thành bị vỡ ”. Có dịp giải cứu lấy được Lê Lai, nhưng sau đó phải cho nghĩa quân rút ngay ra ngoài thành“ vì một lý do nào đó ” rồi lại kéo trở lại vây thành.

Tôi trân trọng ghi nhận lối hiểu của bạn Nguyễn Dư. Chỉ xin mạn phép không tin theo thôi. Một khi sách đã in ra và đi vào công chúng, hiểu theo ý riêng của mình là quyền của độc giả. Đó cũng là một trong những cái thú của người đọc sách.

 
Nguyên Thắng


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss