Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 77 / Nội lực ở đâu ?

Nội lực ở đâu ?

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:56, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:56
Thay đổi mau chóng quan hệ giữa nhà nước và xã hội, xây dựng một dự phóng chung cho dân tộc, đó là phương hướng ứng phó với thách thức đang đặt ra cho Việt Nam. Và cũng là cách hay nhất để tránh xảy ra tai hoạ xã hội nổi loạn chống nhà nước. Nội lực, chính là một đời sống chính trị lành mạnh.

 

Nội lực ở đâu
hay
đi tìm lại cái chính trị

 
Bùi Mộng Hùng


Từ đầu năm nay các vị lãnh đạo đảng và nhà nước thay nhau mà kêu gọi " phát huy nội lực ". Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề cập vấn đề trong cuộc gặp mặt với giới doanh nghiệp và giới khoa học - công nghệ hồi tháng giêng, rồi tổng bí thư Lê Khả Phiêu trang trọng nhấn mạnh tại cuộc toạ đàm với báo chí quốc tế ngày 5.5.98, chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh lại nhắc nhở " phát huy nội lực " là " yêu cầu bức xúc của cuộc sống " trong diễn văn bế mạc quốc hội.

Tình thế đã xoay vần cách nào để mà cả ba vị lãnh đạo tối cao phải nghiêm trọng đặt vấn đề này ?

Trong thời gian qua, đồng bào trong nước không ngớt cật lực lao động để cho kinh tế phát triển với một tốc độ cao trong nhiều năm liền ; vẫn chưa phải là phát huy được nội lực hay chăng ? Vì sao ?

Đâu là những hướng đi tìm lại nội lực, cái sức mạnh tổng hợp tiềm tàng của cả dân tộc ấy ?

Đó là các vấn đề bài báo này thử tìm hiểu, dĩ nhiên là một cách vô cùng sơ lược.
 

I. Những biến chuyển tình thế khu vực

 
Chỉ một năm thôi, kể từ ngày đồng bạt Thái Lan bị phá giá vào tháng 7.1997, mở đầu cho cuộc khủng hoảng tiền tệ và tài chính ở Á châu, nhìn lại quang cảnh đã biết bao thay đổi. Chẳng riêng gì về kinh tế. Mà tất cả mọi lĩnh vực, xã hội, chính trị, đang dao động, xáo trộn khắp trong khu vực Đông Á.

Mà nào đã hết đâu ! Giới quan sát đang phập phồng lo ngại một đợt khủng hoảng tiếp theo, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, ảnh hưởng tai hại cho các nước còn đang ngoi ngóp chưa thoát ra khỏi cơn suy thoái. Và tác động không lường được vào nền kinh tế của cả thế giới.
 

I.1. Khủng hoảng kinh tế

Chẳng một nước nào trong khu vực mà kinh tế không bị ảnh hưởng, nhẹ thì đang phát triển với tỷ suất cao phải chựng lại sụt xuống, nặng hơn thì ngưng trệ, thậm chí có nơi bị suy thoái. Năm nay dự phóng Philipin tổng sản lượng quốc nội (GDP) chỉ còn tăng 2 %, Singapore chựng lại gần con số không, Đại Hàn giảm 5 %, Thái Lan giảm 7 % và Mã Lai 5 %.

Indonexia bị nặng vào bậc nhất. Từ địa vị một quốc gia được nêu gương về phát triển kinh tế, Indonexia rơi vào khủng hoảng trầm trọng chưa từng thấy từ 30 năm nay.

Mới tháng 7. 1997 đấy thôi, Ngân hàng thế giới (World bank) vào dịp cuộc họp ở Tokyo của Nhóm tham vấn (GCI, Groupe de Consultation, gồm các chính phủ và các tổ chức quốc tế tài trợ cho Indonexia) còn nhận định là kinh tế Indonexia lành mạnh và dự đoán đến năm 2005 Indonexia sẽ lên đứng trong 20 nước phát triển kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Thế mà hiện nay đồng roupia đã mất giá 80% so với US đôla, lạm phát hàng năm tròm trèm 100 %; kinh tế suy thoái, trong ba tháng đầu năm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt xuống âm (- 12,33 %), ước lượng cho cả năm 1998 này sẽ là - 15 %. GDP / đầu người từ 1100 đôla tụt xuống còn 300 đôla. Dân Indonexia bị nạn đói, chính phủ Djakarta phải chính thức kêu gọi quốc tế cứu trợ (Le Monde 30.7.98).

Nhật bản lại sa lầy trong ngưng trệ kinh tế kéo dài và trầm trọng nhất từ sau Thế chiến thứ hai tới nay. Hệ thống ngân hàng thiếu trong suốt, cơ cấu có nét lỗi thời, số nợ xấu khổng lồ, cải tổ cho hệ ngân hàng này làm tròn chức năng thúc đẩy kinh doanh chưa thấy đến đâu lại nổ ra các vụ tham nhũng. Hết chính phủ này đổ chính phủ khác lên, chính phủ nào cũng bất lực, không đề ra được một chiến lược kinh tế có sức thuyết phục, lập lại lòng tin cho người trong cũng như ngoài nước.

Chỉ tiêu phát triển 1,9 % cho năm nay chắc chắn không đạt. Báo cáo thường niên về Nhật Bản của Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI) công bố ngày 13 tháng 8 vừa qua dự phóng năm 1998 tổng sản phẩm quốc nội giảm 1,7 %, sản lượng công nghiệp sụt 5,3 %, tiêu thụ giảm 0,9 % và thất nghiệp tăng lên 4,1 %.

Lo cho mình còn chưa xong, cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới không làm được đầu tàu kéo khu vực ra khỏi cơn khủng hoảng như thế giới hằng mong đợi.

Trung Quốc ra vẻ kẻ cả đóng vai trò một cực ổn định trong cơn chao đảo của cả khu vực. Mặc dù nhiều phen sóng gió lay chuyển thị trường chứng khoán và tiền tệ Hồng Kông nay đã thuộc về chủ quyền Trung Hoa, chính phủ cho tới hôm nay vẫn giữ vững không phá giá đồng nhân dân tệ của mình.

Tuy nhiên, kinh tế không khỏi bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng toàn Á Đông. Đầu tư vào lĩnh vực ngoài quốc doanh ậ lĩnh vực này làm ra 40 % tổng sản lượng công nghiệp, và là đầu tàu của nền kinh tế Trung Quốc ậ có dấu hiệu suy thoái ; trong năm qua chỉ tăng 8,4 % so với tốc độ đầu tư chung 17 %. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài sụt. Trong năm 1997 số vốn đăng ký đầu tư giảm gần 40 % so với năm 1996. Và còn giảm nữa trong năm 1998 với cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn, dự trù được 48 tỷ đôla cho cả năm thay vì 64 tỷ năm 97. Xuất khẩu ra các nước trong khu vực chựng lại, sáu tháng đầu năm xuất khẩu tăng 7,6 % trong khi năm 1997 là 22,6 % ; mà xuất khẩu lại chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 20 %) trong tổng sản lượng quốc nội.

Suất tăng trưởng giảm và tiếp tục giảm, năm 1997 còn 8,8 % so với 9,7 % trong năm 1996. Với tốc độ tăng trưởng sáu tháng đầu năm 1998, tính ra cả năm tỷ suất tăng là 7 %, dưới mức chỉ tiêu 8 %. Đấy là chưa tính đến hậu quả của trận lụt lớn khác thường đang làm điêu đứng gần một phần năm nhân dân Trung Quốc trong tháng 8.98 này.

Những chỉ số kinh tế hiện nay của Trung Quốc còn cao hơn các nước công nghiệp phát triển, nhưng thật ra đã xuống gần mức báo động. Tỷ suất tăng trưởng mà hạ xuống thêm chút nữa là thất nghiệp sẽ tăng vọt lên ngay, với tất cả những đe doạ hỗn loạn xã hội bùng nổ kèm theo sau. Muốn vào chi tiết hơn xin xem Trần Quốc Hùng, Châu Á sau khủng hoảng, Thời Đại, số 2, 1998.

Đồng yen Nhật có còn sụt giá nữa hay không ? Trung Quốc chịu được đến đâu, có phải phá giá đồng nhân dân tệ để tăng xuất khẩu, giữ tỷ suất tăng trưởng cao tránh dao động xã hội đột ngột hay chăng ? Liệu có tránh nổi một đợt khủng hoảng kế tiếp nếu đồng tiền Trung Quốc bị phá giá ? Các thị trường Hồng Kông, Singapore hiện nay còn gắng giữ được ổn định có trụ vững được nữa không, các nước trong khu vực chưa ra khỏi suy thoái lại rơi vào suy thoái thêm, ảnh hưởng lan ra khắp thế giới ai đã lường được ?

   

I.2. Biến động xã hội

Và, cặp kè với khủng hoảng kinh tế là biến động xã hội. Nạn thất nghiệp với hệ quả của nó là cái mà mọi nhà cầm quyền e ngại.

Hiện nay ở Trung Quốc thất nghiệp đang tăng cao. Theo thống kê chính thức, tỷ suất thất nghiệp chỉ là 3 %. Tuy nhiên, nếu tính vào đó hàng triệu công nhân đã nghỉ việc nhưng vẫn còn tên trong sổ lao động thì thất nghiệp lên tới 7,5 %. Lại trùng với thời điểm Trung Quốc cần chuyển đổi sao cho cái hệ 370 000 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cồng kềnh và tốn kém có hiệu quả kinh tế hơn. Đại hội XV Đảng cộng sản Trung Quốc đã quyết định cải cách DNNN. Chính phủ ước lượng là có thể giảm từ 15 % đến 20 % số công nhân mà sản lượng các doanh nghiệp này không sút kém ; cải tổ cho các DNNN kinh doanh có lời không thể không tinh giản biên chế, sa thải công nhân. Có điều là hiện nay Trung Quốc thiếu bảo hiểm thất nghiệp hữu hiệu, thất nghiệp mà tăng cao thêm nữa làm sao cho khỏi trở thành vấn đề xã hội lớn đe dọa tới sự ổn định chính trị ?

Chúng ta thấy ở Hàn quốc nạn thất nghiệp tăng nhanh ; tháng 6.1998 tỷ suất người thất nghiệp là 7,7 % số lao động, tháng 7 đã lên đến 8,6 % trong khi vào tháng 7.1997 tỷ số ấy chỉ là 2,5 %. Công nhân đình công, xuống đường phản đối chính sách sa thải lao động, đòi không chỉ riêng người lao động phải chịu hệ quả của suy thoái kinh tế mà các tập đoàn kinh doanh (chaebols) có trách nhiệm nặng nề trong tai hoạ này phải chia xẻ gánh vác tương xứng với trách nhiệm.

Chúng ta thấy thảm trạng xã hội ở Indonexia. Trong cuộc họp của Nhóm tham vấn GCI ở Paris vừa qua (29-30.7.98), chủ tịch Nhóm là Ngân hàng thế giới nhận định Indonexia đang bị đe doạ trầm trọng bởi nạn nghèo đói, thất nghiệp và xã hội rệu rã. Theo chính quyền Djakarta số người sống dưới mức nghèo đói – thu nhập dưới 4 đôla/ đầu người/ tháng – đã tăng gấp ba từ khi khủng hoảng nổ ra, hiện lên tới 80 triệu người trong tổng số 202 triệu dân, nghĩa là 40 % dân số ; và còn tăng nữa, dự phóng cuối năm sẽ lên tới 50 %. Thất nghiệp bùng nổ, 14 triệu người không có công ăn việc làm. Cướp bóc để có cái ăn xảy ra khắp nơi, liên tiếp.

Xã hội Nhật Bản giàu có, vững chãi biết mấy so với các nước Đông Á khác. Vậy mà kinh tế đình trệ kéo dài gieo trong xã hội một tâm trạng hoang mang, bất ổn. Số người vô gia cư không ngừng tăng từ giữa thập kỷ 90 này, người tự vẫn ngày càng nhiều ậ tăng 17 % trong năm 1997 ậ là những dấu hiệu của tâm trạng ấy. Trong thời gian kinh tế phát triển mạnh, cảm tưởng chung trong xã hội là ai cũng thấy đời sống dễ chịu, tự cho mình thuộc vào thành phần trung lưu, mọi người sàn sàn với nhau trong sự ổn định của đời sống. Kinh tế chựng lại, phân liệt xã hội trở nên rõ nét. Người người lo âu, bị sa thải thất nghiệp lúc nào không biết ; ch¤ng còn như trước đây, được nhận vào trong một doanh nghiệp là hầu như được bảo đảm có công ăn việc làm cho đến tuổi già.

Lòng người thấp thỏm lo ngại cho ngày mai. Thăm dò dân ý gần đây của hãng Dentsu cho thấy cái bi quan của dân chúng, chỉ có 30 % nghĩ rằng đời sống của họ có thể khấm khá lên trong vòng 10 năm sắp tới. Dân Nhật ý thức rằng đất nước họ đang ở vào một khúc quanh, nhưng phân vân chưa biết phải đi hướng nào (Le Monde 30.7.98). Họ mất tin tưởng nơi các nhà lãnh đạo chính trị, không đề ra được một chiến lược trong sáng rõ ràng .

  

I.3. Đảo lộn chính trị

Và dân chúng Nhật đã nói rõ họ không bằng lòng thủ tướng Hashimoto trong cuộc bầu cử thượng nghị viện ngày 12.7.98 vừa qua.

Họ không bằng lòng cái thái độ chần chừ, cái tính toán chính trị của thủ tướng và Đảng tự do dân chủ (PLD, Parti libéral démocrate) của ông, đã nghĩ rằng khôn khéo hơn cả là khoan lấy biện pháp mạnh giải quyết khủng hoảng kinh tế ; tưởng thế là không mất lòng ai, ỷ vào thói cũ của cử tri Nhật vốn chẳng quan tâm gì mấy đến chính trị, tính rằng họ sẽ lại như thường lệ bỏ thăm cho người cầm quyền đương tại chức ; như thế thì sau bầu cử, thủ tướng Hashimoto sẽ vẫn giữ được đa số, khi ấy rộng tay mà chọn lựa biện pháp, có mất lòng dân cũng không đáng ngại nữa.

Có ngờ đâu già tính lại hoá ra sai : cử tri Nhật, kể cả người trẻ, kéo nhau đi bỏ thăm rất đông tỏ ý của họ đòi hỏi lãnh đạo chính trị phải có quan niệm nhất quán và rõ ràng cho tương lai đất nước, có biện pháp dứt khoát thoát ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay. Thủ tướng Hashimoto và đảng PLD của ông thua đau. Thủ tướng phải từ chức ngày hôm sau, 13.7.98.

Lời cảnh cáo của người dân Nhật qua cuộc bầu cử 12.7 vừa qua không phải là một sự kiện riêng lẻ. Từ một năm nay chúng ta chứng kiến một hiện tượng đang liên tiếp xảy ra khắp nơi tại Đông Á : dân chúng chối bỏ các nhà cầm quyền quen thói coi thường xã hội công dân.

Những xã hội mà bấy lâu nay các nhà cầm quyền chẳng bao giờ đoái hoài đến ý kiến khi phân bố quyền hành hay chia quyền lợi chức vị, những xã hội ấy đang phá vỡ huyền thoại hằng được các chính quyền độc đoán rêu rao : truyền thống Á Đông, dân chúng ngoan ngoãn cúi đầu tuân theo kỷ luật và trật tự các vị lãnh đạo ban bố ra.

Trong năm vừa qua, xã hội Đại Hàn đã đưa lên chức vị tổng thống ông Kim Dae-jung trước đây bị chính quyền khép vào tử tội vì lập trường dứt khoát đối lập, dân chúng Indonexia đã đuổi nhà độc tài Suharto nắm quyền tổng thống trong tay suốt trên 30 năm nay. Dân chúng Hồng Kông đã dồn phiếu tín nhiệm cho các ứng cử viên dân chủ, những người mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc ghét cay ghét đắng. Dân chúng Đài Loan bất chấp pháo thuyền Trung Hoa lục địa tập trận đe dọa ngay sát hải phận, đã bỏ phiếu đặt nền móng cho một chế độ dân chủ thực sự không có trong truyền thống Trung Hoa. Và đến cả tại Bắc Kinh, chúng ta được thấy vị lãnh đạo chính trị tối cao phải chứng kiến cho tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton họp báo truyền hình trực tiếp nói về vụ Thiên An Môn.

Sự kiện đã rõ ràng : sau khủng hoảng, quan hệ xã hội với chính quyền không thể y nguyên như trước đây được nữa.

Vấn đề là chuyển đổi trong êm thắm hay trong hỗn loạn, dân chúng kéo nhau xuống đường gây sức ép, nhà cầm quyền buộc phải xuôi theo như chúng ta được thấy ở Indonexia.

  

II. Tình thế Việt Nam

  

II.1. Suy thoái kinh tế

Kinh tế Việt Nam không bị khủng hoảng đột ngột như một số nước Á Đông. Nhưng cũng phải chịu những hệ quả không tránh được của tình hình suy thoái chung cho cả khu vực. Những số liệu chính thức của chính phủ về kinh tế 5 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng giảm, lạm phát tăng, xuất khẩu sút, đầu tư kém, số lao động mất việc làm nhiều lên.

Đầu tháng 6 những con số của chính phủ công khai xác nhận mức tăng tổng sản phẩm quốc nội chỉ đạt 6,5 - 6,8 % thay vì 9 % như dự kiến, thấp hơn từ 2,3 - 2,6 % so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4 tỷ đôla, tăng 14,5 % nhưng không đạt 36,6 % theo dự kiến và thấp hơn tỷ số 31,8 % cùng thời kỳ năm 1997. Vốn đầu tư phát triển mới đạt 35 000 tỷ đồng, bằng 30 % dự kiến ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 15 % so với cùng kỳ năm trước (xem D.Đ. số 76 tháng 7.98, tr. 5).

Cuối tháng 6, thủ tướng Phan Văn Khải còn báo động rằng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong những tháng tới. Và sau đợt phá giá 5,29 % ngày 16.2.98, hôm 7.8.98 Ngân hàng trung ương lại phá giá thêm 7 % đồng bạc Việt Nam.

Hội nghị các tổ chức và chính phủ tài trợ cho Việt Nam họp tại Huế vào giữa tháng 6.1998 thúc giục chính quyền Hà Nội tăng tốc cải tổ kinh tế để đối phó với tác động của khủng hoảng châu Á. Chương trình Liên hiệp quốc vì phát triển UNDP tóm lược một số khuyến cáo chính yếu : cải thiện thông tin, tăng cường sự trong suốt, cắt giảm tài trợ khu vực quốc doanh, phá giá đồng bạc Việt Nam. Cũng trong hội nghị nói trên, thủ tướng Phan Văn Khải nhận định rằng chính phủ của ông không đánh giá thấp những hậu quả của khủng hoảng kinh tế khu vực, song sự yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam mới là nhân tố chính của sự tắc nghẽn. Và ông nêu lên các yếu tố : khả năng cạnh tranh kém của các doanh nghiệp, hệ thống tài chính và tiền tệ có nhiều khiếm khuyết, bộ máy nhà nước thiếu trong sạch và gây khó khăn phiền hà.

   

II.2. Vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam

Những chứng bệnh các thầy chẩn mạch gọi tên đều đúng cả. Có điều là các vấn đề kinh tế cấp bách, quan trọng, đòi hỏi giải pháp đúng đắn ngay, nhưng chăm chắm vào kinh tế có đủ không, hay tình thế cần tầm nhìn rộng lớn và biện pháp vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế ?

Vấn đề chỉ nặng về mặt kỹ thuật hay chăng ? Dù biết rằng kỹ thuật hiện là một vấn đề khó khăn, cái mô hình cho ta phát triển trong gần một thập kỷ nay đã mất hiệu năng, những mô hình Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan ta trông mong rút lấy tinh tuý đang gãy đổ, không chắc còn tác dụng trong tình thế mới đã khác đi nhiều so với trước khủng hoảng. Cứ cho rằng ta tìm ra được một mô hình phát triển thích nghi đi, thì có đủ hay chưa ?

Hay còn thiếu những yếu tố khác ? Yếu tố tinh thần chẳng hạn ?

Khi các vị lãnh đạo chính trị kêu gọi " phát huy nội lực " thì đã cố ý hay vô tình gợi cho ta nghĩ đến cái sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Cái sức mạnh có phần do của cải vật chất, có phần do tổ chức thích nghi, nhưng không chỉ bấy nhiêu thôi, mà phần chính là sức mạnh tinh thần. Như cái sức toàn dân đứng lên, sức mạnh của Cách mạng tháng tám phá xích xiềng thực dân đế quốc, giải phóng đất nước.

   

II.3. Một cái gì đã mất

Nói thế thì cái sức của nhân dân được cởi trói lao vào làm ăn cật lực, kinh tế phát triển vù vù trong nhiều năm liền chưa phải là " nội lực " sao ? Nó khác với sức mạnh thời cách mạng chỗ nào ?

Khác ở một điểm, nhưng là điểm cốt yếu.

Trong những năm vừa qua người dân được dễ dàng mà làm ăn, mạnh ai nấy lo cho mình, cho gia đình mình. Đất nước cứ thế mà phát triển giàu có lên, hầu như chẳng cần ai phải bận tâm đến chuyện chung, đến vận mạng của dân tộc. Như thể rằng cứ lo cho riêng mình là tất nhiên cái chung, đất nước cũng được hưởng theo.

Trái với thời cách mạng, thời mà không ai không chú tâm đến ước vọng chung : độc lập cho dân tộc. Mọi người để sức lực, tâm trí vào ước mơ ấy, nhiều người đã không ngần ngại tạm gác chuyện riêng tư qua bên để lo chuyện chung. Phải hy sinh xương máu cũng không quản ngại.

Cái khác biệt giữa hai thái độ tinh thần hiện rõ khi gặp vấn đề hóc búa đặt ra cho cả xã hội.

Vấn đề trước mắt của thời cách mạng là giành lại chủ quyền dân tộc trong tay thực dân, đế quốc. Và người ta đã được thấy không mưu mô, không sức mạnh nào chuyển nổi quyết tâm người Việt hướng tới mục tiêu ấy. Thực dân đế quốc trăm phương tráo trở thì ta tìm ra ngàn kế phá vỡ âm mưu thâm độc, đẩy lui sức mạnh ngàn cân của kẻ địch. Cái sức bền bỉ dẻo dai sáng tạo không cùng ấy, có người quan sát lấy làm lạ mà gọi là " cái cuồng nhiệt làm người Việt " (la rage d'être vietnamien), chính là " nội lực " của dân tộc. Nó cuồn cuộn không cùng vì không ai không góp phần mình cho mục tiêu chung.

Sức mạnh ấy nảy sinh mỗi khi dự phóng chung rỡ ràng trong lòng người dân. Ý thức dự phóng chung ấy, tôi gọi là ý thức chính trị. Vì nó mà mỗi người dân là một công dân, đưa vai gánh lấy phần trách nhiệm của mình cho vận mệnh dân tộc và vì thế biết mình đi về đâu, hành động vì mục tiêu gì.

Ngày nay Việt Nam đang đứng trước tình thế khủng hoảng toàn khu vực. Người người cật lực vẫn cứ không cản nổi kinh tế suy thoái, đời sống cứ khó khăn hơn. Lòng người hoang mang, bất lực. Chính vì cuộc khủng hoảng toàn khu vực đe doạ thách thức không chỉ các cá nhân riêng lẻ mà toàn thể các quốc gia, các dân tộc. Có hay không khả năng đem vốn liếng lịch sử và văn hoá của mình ra giải quyết vấn đề hiện tại trong một dự phóng sáng tạo ra tương lai, một dự phóng nhất quán trong mục tiêu mà muôn màu muôn mặt trong thực hiện.

Tìm lại dự phóng chung cho mọi tầng lớp xã hội đã bị mất đi trong những năm mạnh ai nấy lo cặm cụi kiếm sống vừa qua, tôi gọi đó là tìm lại cái chính trị. Đó là nguồn khơi dậy nội lực toàn dân.

  

III. Tìm lại ước mơ chung

 

Một dự phóng có sức thu hút được niềm tin và mong ước của toàn dân khi nào nó hoà hợp nổi hai sắc thái trái nghịch nhau : cụ thể, thiết thực để thể hiện một ước mơ. Nó là một ước mơ chung đi vào hiện thực.

Nhìn lại, ước mơ của dân Việt Nam mãnh liệt mà giản đơn vô cùng. Mãnh liệt, thì ta thấy đó, mới một phần đi vào hiện thực đã buộc hai đế quốc cường thịnh nhất hoàn cầu trả lại cho dân tộc, đất nước ta độc lập và thống nhất. Giản đơn, vì ba chữ ĐỘC LẬP, TỰ DO, HẠNH PHÚC tóm gọn cái ước mơ của toàn dân cùng nhau đứng dậy làm Cách mạng tháng tám.

HẠNH PHÚC, cái phần chủ quan mơ hồ nhất thật ra đơn giản như ước mơ của những con người của một xã hội nông nghiệp. Sống an lành, đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành, trong một xã hội đùm bọc lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, ai ai cũng được ngẩng mặt làm người.

Nếu cách mạng là một cuộc đổi đời, thì cái đời mà người dân Việt Nam quyết tâm đổi bỏ là thân phận truyền kiếp làm con giun cái kiến – trong thời kỳ thực dân đô hộ và trước đó dưới chế độ quân chủ chuyên chế – kẻ có quyền thế mặc tình giày xéo vo tròn bóp méo thế nào cũng phải cúi đầu mà cam chịu.

Đi theo cách mạng để được ngẩng mặt làm người, dân Việt Nam tin rằng cách mạng thành công thì tính chất của quan hệ giữa mình với chính quyền sẽ phải khác hẳn đi, Nhà nước con đẻ của cách mạng chỉ có thể là một chính quyền của xã hội, của mọi người.

Và họ đã giành lại độc lập, thống nhất, điều kiện tiên quyết để xây dựng TỰ DO, HẠNH PHÚC.

 

III.1. Nguyện ước chưa thành hiện thực

Một thời gian dài, khi đã độc lập thống nhất nhiều người Việt Nam nghĩ rằng có thể hướng đến lý tưởng HẠNH PHÚC bằng cách đồng nhất hoá xã hội. Giảm dần cách biệt về kinh tế - xã hội, làm tan đi cơ sở mâu thuẫn quyền lợi, xoá đi phân hoá giai cấp. Tin rằng khi mọi người trong xã hội được đồng nhất với nhau trong điều kiện kinh tế và vật chất thì ý chí và tư tưởng cũng sẽ đồng nhất mà hướng về mục tiêu chung. Nếu thể hiện được điều kiện ấy, trên lý thuyết chính quyền là từ thực thể toàn xã hội mà ra ; vì thế nó không thể là một hình thức áp bức con người như các chính quyền trong một xã hội giai cấp.

Lý tưởng ấy còn xa mới thành hiện thực thì đảng cầm quyền ở Việt Nam đã đổi hướng. Vì, chấp nhận kinh tế thị trường, dù là với định hướng xã hội chủ nghĩa, thì thực tế là đã tạm đình lại – đến bao giờ chưa biết – cái mục tiêu thể hiện nhanh chóng lý tưởng một xã hội công bằng, bình đẳng.

Và chúng ta đang thấy xã hội phân hoá mạnh, địa vị, đời sống kẻ giàu người ngèo ngày càng cách biệt.

Thực tiễn đã là một xã hội nhiều thành phần đang phân hoá nhanh mà quan hệ giữa nhà nước với xã hội không chuyển đổi để kịp thích nghi thì sao cho khỏi mâu thuẫn thêm sâu sắc ; và thực tế là xã hội đã và đang bị tước mất khả năng chủ động phát biểu và hành động trước một Nhà nước quyền lực không đối trọng. Nhiều thành phần xã hội cảm thấy sinh sống làm ăn bị chèn ép ; nhà nước không thấy nỗi khổ của nhân dân, lao động cật lực mà tương lai không biết đi về đâu. Về mặt tinh thần thì là một sự phá sản đạo đức, lời nói không đi đôi với việc làm, núp sau lưng Nhà nước có những kẻ gian manh tham nhũng làm giàu trên đầu trên cổ nhân dân.

  

III. 2. Xây dựng hạnh phúc chung

Sống an lành trong một xã hội biết đùm bọc lẫn nhau, ai ai cũng được tôn trọng như một công dân, cái ước mơ HẠNH PHÚC ấy là di sản Cách mạng để lại cho mọi công dân Việt Nam, kể cả những người không đồng ý kiến với Cách mạng. Điều kiện thiết yếu để có tư cách làm người, làm công dân cũng nằm sẵn trong di sản của quá khứ, trong đó có Cách mạng : chữ Tẳ DO, mặc dù còn mù mờ.

Và, trong cụ thể, những tự do – tư tưởng, báo chí, hiệp hội, đi lại – nếu chưa thành hiện thực thì ít nhất cũng được trang trọng ghi nhận trong hiến pháp.

Chuyển những tự do trên giấy tờ ấy thành thực tiễn, mỗi công dân có quyền và có điều kiện để cho khả năng thiên phú được nảy nở theo ý nguyện của mình, đó là một yêu cầu nhất thiết trong dự phóng xây dựng tương lai. Tự do khi ấy là tự-do-có-thực-quyền, tự-do-tham-gia vào công cuộc xây dựng hạnh phúc chung, xây dựng xã hội.

Nói thế là đã chấp nhận tính đa dạng của cá nhân. Cũng như tính đa dạng của các cộng đồng, các tầng lớp xã hội. Dù biết rằng đó là một nhân tố làm mất hoà hợp trong đời sống chung. Vì cái đa dạng ấy là nguồn gốc của sức mạnh dân tộc, của khả năng đáp ứng muôn màu muôn mặt với thách thức của thực tại. Nhất là cái thực tại không ai đoán trước được của thế giới đang biến chuyển nhanh chóng ngày nay. Và cũng vì chúng ta tin rằng tập thể chúng ta có khả năng tạo dựng nên phương cách thông hiểu và quan hệ hợp lý giữa người với người trong bình đẳng của tự do và nhân quyền.

Nếu bạn hỏi dựa trên cơ sở nào mà mạnh tin như vậy ? Thì tôi xin đáp rằng ít nhất người dân Việt cũng đã học được đôi điều trong nửa thế kỷ vừa qua :

Rằng hy sinh mục tiêu giải phóng con người cho một xã hội kiểu mẫu không tưởng là một kinh nghiệm đau đớn. Rằng thiếu pháp lý công minh, dù cho nhà cầm quyền có thiện ý cũng không khỏi sinh ra lạm quyền, áp bức. Rằng có quyền lực thì phải có giới hạn quy định rõ ràng, có cơ quan kiểm sát, có đối trọng ; chính quyền cần có quyền lực nhưng nguyên tắc hoạt động phải là phân quyền.

Đôi điều học được chẳng là bao phải không bạn ? Vâng, nhưng những kinh nghiệm mà chúng ta đã phải trả với giá cao ấy cộng với di sản Cách mạng để lại đủ để chúng ta cùng nhau phác hoạ ra một dự phóng chung. Khiêm nhượng không hứa hẹn đảo lộn toàn diện xã hội ; đủ tham vọng để không đánh rơi mất đạo lý công dân ; đủ thực tiễn để hoà hợp tiếp thu những khác biệt, những mâu thuẫn xã hội trong một nhà nước pháp quyền ; đủ trung thành và sáng tạo để chuyển lịch sử, văn hoá dân tộc thành sức mạnh đưa quá khứ vào tương lai ; đủ sáng suốt để không quên cộng đồng là cơ sở thiết yếu cho phát triển cá nhân nhưng dù sao cũng là phương tiện, con người mới là cứu cánh và không đem cứu cánh hy sinh cho phương tiện.

Một năm khủng hoảng ở Đông Á, các chính quyền trong vùng vẫn lúng túng chưa tìm ra lối thoát. Thích nghi kinh tế quốc gia với nền kinh tế toàn cầu hoá, giải quyết một cách êm thắm các xáo động xã hội do khủng hoảng kinh tế gây ra, những vấn đề tự chúng đã thật khó giải. Lại càng khó giải hơn cho các chính quyền độc đoán nắm mọi quyền hành trong tay ; thông tin bị ngăn chặn, ngôn luận bị bóp nghẹt, luật lệ phiền hà gò bó, xã hội bị nút tai bịt miệng bó tay tước mất khả năng phản ứng linh động trước những vấn đề phức tạp tình thế đang đặt ra.

Thay đổi mau chóng quan hệ giữa nhà nước và xã hội, xây dựng một dự phóng chung cho dân tộc, đó là phương hướng ứng phó với thách thức đang đặt ra cho Việt Nam. Và cũng là cách hay nhất để tránh xảy ra tai hoạ xã hội nổi loạn chống nhà nước. Nội lực, chính là một đời sống chính trị lành mạnh.

 
Bùi Mộng Hùng

(tháng 8.98)
 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss