Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 78 - 01.10.78 / Một sử gia

Một sử gia

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:38, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:38
Ngoài cái thú đọc lại các bài nghiên cứu đã làm sáng tỏ một số vấn đề sử học dân tộc trước đó còn là nghi vấn, riêng một việc tập hợp những bài chọn lọc trong quá trình nghiên cứu của một nhà sử học được đào tạo từ mái trường đại học sau Cách mạng tháng Tám 1945, riêng việc ấy, qua công trình của cá nhân học giả, cho ta thấy phần nào những biến chuyển trong nhận thức lịch sử và chủ đề nghiên cứu từ Cách mạng tới nay.

 

Một sử gia
trên dòng sử học

 
Nguyên Thắng

Đọc Phan Huy Lê

Tìm về cội nguồn, Tập I
nhà xuất bản Thế giới, Hà nội, 1998, 819 tr.

   

Gần đây, ta được thấy những bước đầu của một truyền thống tốt đẹp : trong nước cho ra cuốn sách tập hợp bài viết của một học giả mà một đời nghiên cứu đã để đậm dấu ấn trong bộ môn, trong học thuật, vào dịp sinh nhật lần thứ 60 của ông. Đã có tập kỷ niệm lục tuần giáo sư Hà Văn Tấn. Hôm nay lại được cầm trong tay Tìm về cội nguồn của giáo sư Phan Huy Lê.

Hơn bốn mươi năm nghiên cứu sử học tóm gọn lại trong quyển sách. Những công trình đã được in trong các tạp chí hoặc kỷ yếu khoa học, thêm một ít bài mới công bố lần đầu.

Ngoài cái thú đọc lại các bài nghiên cứu đã làm sáng tỏ một số vấn đề sử học dân tộc trước đó còn là nghi vấn, riêng một việc tập hợp những bài chọn lọc trong quá trình nghiên cứu của một nhà sử học được đào tạo từ mái trường đại học sau Cách mạng tháng Tám 1945, riêng việc ấy, qua công trình của cá nhân học giả, cho ta thấy phần nào những biến chuyển trong nhận thức lịch sử và chủ đề nghiên cứu từ Cách mạng tới nay.

Ta lại được thêm những nhận định ngắn gọn, sáng suốt và trung thực về " Nghiên cứu sử học hiện nay ở Việt Nam " (tr.360-372) viết sau 40 năm tuổi đời nghiên cứu của nhà học giả vốn là một trong số ít người đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp tiếp tục và đưa vào hiện đại truyền thống sử học lâu đời của Việt Nam. Những nhận định loại này còn nằm trong các bài Sử học Việt Nam trên đường đổi mới (tr.352-356), Tính khách quan, trung thực của khoa học lịch sử (tr. 357-359) và Lịch sử Việt Nam, một cái nhìn tổng quan (tr. 542-553).

Tập I này gồm 3 phần đầu : I. Sử liệu và tiếp cận, II. Mấy vấn đề tổng quan, III Kinh tế và xã hội trong tổng số 7 phần của toàn tác phẩm.

Nhìn qua cách chia phần quyển sách, việc đặt các chủ đề trong phần I, II, III lên trước các phần khác – Thiết chế chính trị (IV), Chống ngoại xâm (V), Nhân vật lịch sử (VI), Văn hoá và truyền thống dân tộc (VII) – ta đã thấy đâu là phong cách tiếp cận và nhận thức lịch sử của tác giả.

Theo bước Hoàng Xuân Hãn người đã mở ra một phong cách mới trong nghiên cứu và viết sử ở Việt Nam, thế hệ các sử gia thành tài trong cách mạng đã có một thời lặn lội lùng tìm văn bản, tư liệu, dấu tích lịch sử trên thực địa với quy mô mà một cá nhân đơn độc không sao làm nổi. Công việc ấy để lại những cảm xúc khó quên, cho nhà học giả và cho người thầy " ... cũng muốn qua cuốn sách này, gởi tặng... cho các thế hệ sinh viên Khoa lịch sử đã từng cùng tôi lặn lội qua nhiều miền của đất nước từ bắc chí nam để lần tìm lại những dấu tích lịch sử còn được bảo tồn trên mặt đất và trong ký ức của nhân dân với biết bao kỷ niệm vui buồn, sướng khổ mang đậm tình nghĩa thày-trò và lòng đùm bọc của nhân dân " (tr.13).

Tuy nhiên, phát hiện ra sử liệu mới, nghiên cứu văn bản học một cách nghiêm túc và có hệ thống, không phải bất cứ ai trong số những sử gia đi sau cũng có khả năng và chịu bỏ công sức làm theo được tinh thần mà Hoàng Xuân Hãn đã nêu gương. Chính vì vậy mà tôi thích thú thấy in lại công trình khảo sát văn bản học về bộ quốc sử lớn Đại Việt sử ký toàn thư : Tác giả - Văn bản - Tác phẩm (tr. 133-230), người sử dụng thì nhiều nhưng nghiên cứu cặn kẽ về văn bản hiếm thấy được như bài này, vốn Phan Huy Lê cho in ở đầu bản dịch theo bản Chính Hoà thứ 18 (1697) có kèm theo bản sao chụp mộc bản cổ nhất còn giữ được của bộ sử này (Đại Việt sử ký toàn thư, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1993).

Nhìn vào những bài sử dụng tư liệu sưu tầm trên thực địa được chọn lựa đăng trong sách, ta có cảm tưởng dường như Phan Huy Lê lý thú với thời Tây Sơn hơn là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dù rằng ông đứng ký tên cùng với Phan Đại Doãn một công trình nghiên cứu công phu về giai đoạn sử này (Khởi nghĩa Lam Sơn, nxb Khoa học xã hội, in lần thứ ba, Hà Nội, 1977). Nhưng cũng phải nói ngay rằng ông đã chọn lọc một số công trình dựa trên tư liệu mới phát hiện mà vẽ nên rõ nét một vài khái niệm, khuôn mặt trước đó là những cụm từ, tên gọi còn gần như trống rỗng nội dung. Xin bạn hãy đọc bài Tìm dấu tích phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, trận tuyến phòng thủ Ngô Thì Nhậm chủ trương tạm rút quân về để bảo toàn lấy quân lực khi quân Tôn Sĩ Nghị ào ạt kéo qua (tr. 47-69). Hay xem Đô đốc Đông và một số di vật thời Tây Sơn mới phát hiện (tr. 70- 76) để tìm lại thân thế và sự nghiệp của vị tướng cầm quân tiên phong chiến thắng trận Đống Đa, dẫn đầu đạo quân tiến trước tiên vào Thăng Long, trực tiếp đe doạ đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị. Một vị tướng mà theo chính sử chúng ta chỉ biết qua hai tên gọi mơ hồ đô đốc Long hay đô đốc Mưu.

Là người Việt ở nước ngoài, tôi hơi lấy làm tiếc không thấy nhà sử học từng nghiên cứu sâu về thời Tây Sơn chọn đăng bài Phong trào nông dân Tây Sơn và cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc cuối thế kỷ XVIII (Nghiên cứu lịch sử, số 6(183), 1978, tr. 8-27) xác định được số quân viễn chinh nhà Thanh xâm lược nước ta năm 1788 bằng cách so sánh nghiêm túc các nguồn sử liệu Việt Nam và Trung Quốc. Nó là giải đáp cho thắc mắc mà một chính trị gia gần đây đã nêu lên trên một tờ báo ngoài nước, gây nên một cuộc bàn cãi chí choé, sôi nổi nhưng thiếu hẳn sử liệu đáng tin cậy.

Tôi có cảm tưởng như Phan Huy Lê không muốn dừng lại quá lâu với những bài về các chủ đề trọng tâm trong thời kỳ chiến tranh. Ông trân trọng những thành công đạt được trong gian khổ nhưng cũng chỉ rõ ra những khuyết điểm của sử học Việt Nam trong thời kỳ này. Ông khẳng định " ... thành tựu to lớn, làm sáng tỏ nhiều nền văn hoá tiền sử và sơ sử, có nhiều tìm tòi khám phá trong nghiên cứu lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử phong trào nông dân và phong trào chống chủ nghĩa thực dân.

Nhưng nền sử học Việt Nam trong thời kỳ này cũng bộc lộ nhiều hạn chế và khuyết tật.

Lịch sử phát triển kinh tế - xã hội, lịch sử văn hoá chưa được quan tâm và lịch sử thế giới hầu như chưa được nghiên cứu. Đó là mặt hạn chế về đề tài và nội dung nghiên cứu lịch sử. " (xem bài Nghiên cứu sử học hiện nay ở Việt Nam, tr. 364).

Những ai không theo dõi nghiên cứu sử học Việt Nam trong thời chiến tranh hẳn không khỏi ngạc nhiên tự hỏi sử gia mácxít mà lại có thể không quan tâm đến lịch sử phát triển kinh tế - xã hội được chăng ?

Có chớ ! Nhưng biết bao nhiêu công sức đã trút vào giải quyết một số vấn đề đặt ra vì có một xu hướng chứng minh cho lấy được rằng lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam phải kinh qua đầy đủ tất cả các giai đoạn phát triển y theo công thức kinh điển của Marx. Ta còn thấy dư âm các cuộc thảo luận ấy trong bài Sự tồn tại của tàn dư quan hệ nô lệ trong xã hội phong kiến và vấn đề chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam trong phần II (tr. 398-397). Qua đó chúng ta cũng được thấy đức tính ôn tồn điềm đạm của nhà sử học Phan Huy Lê trong biện luận để " bổ sung thêm vào nhận định cho rằng nước ta không trải qua một thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ ". Và ông cũng xác định rằng " Theo tôi và nhiều nhà sử học Việt Nam, thế kỷ X đến XV là thời kỳ hình thành và xác lập chế độ phong kiến Việt Nam. Nhưng đây là một loại hình chế độ phong kiến khác với phương Tây và có nhiều nét gần gụi với chế độ phong kiến của nhiều nước phương Đông " (tr. 410, trong bài Sự phát triển của các hình thái kinh tế-xã hội trong lịch sử Việt Nam).

Dường như Phan Huy Lê có ý dành chỗ xứng đáng cho phần nghiên cứu về sử kinh tế - xã hội. Và tôi cho là ông có lý. Lĩnh vực này mờ nhạt trong sử quan, trong cách viết sử của các sử gia trước đây, kể cả Hoàng Xuân Hãn. Hướng nghiên cứu này lại vừa được thêm luồng sinh khí mới với sự cộng tác của sử gia Nhật, Hoà Lan, v.v... những nơi còn lưu trữ sử liệu về các thương cảng quốc tế của Việt Nam xưa. Nhờ vậy ta được thích thú với các bài Hội An : lịch sử và hiện trạng (tr. 786-804), Phố Hiến : những vấn đề khoa học đang đặt ra (tr. 805- 819).

Phan Huy Lê dường như còn có biệt nhãn với những công trình vận dụng phương pháp thống kê, định lượng, kỹ thuật vi tính để khai thác và xử lý tư liệu điạ bạ cổ thế kỷ XIX. Ngoài các bài về địa bạ Hà Nội trong sách này chúng ta còn có trong Hệ thống tư liệu địa bạ Việt Nam do Phan Huy Lê chủ biên những tác phẩm : 1, Địa bạ Hà Đông, Hà Nội 1995, 630 tr ; 2, Địa bạ Thái Bình, nxb Thế Giới, Hà Nội, 1997, 520 tr. và sẽ tiếp tục in các quyển tiếp theo.

Nhìn lại, mới có tập I trong tay mà đã thấy đồ sộ. Tiếc là không có bản liệt kê đầy đủ thư mục Phan Huy Lê để tham khảo. Chắc rằng là để dành lại cho tập II.

Quay về tương lai, riêng một bài Châu bản triều Nguyễn và châu bản năm Minh Mệnh 6-7 (tr. 301-351) đủ làm choáng ngợp. Một ví dụ cỏn con, dùng châu bản để so sánh những biến chuyển của giá gạo mỗi nửa tháng trong cả nước và giữa các vùng Bắc, Trung, Nam trong hai năm 1825, 26 (tr.331-332), đủ hé cho thấy bao nhiêu hứa hẹn kho sử liệu ấy dành cho công cuộc tìm hiểu vào chi tiết đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam thế kỷ thứ XIX. Nhưng từ đó mà chúng ta cũng bao nhiêu thấm thía với mối bận tâm của nhà sử học đã vào tuổi lục tuần : " Điều chúng tôi quan tâm nhiều nhất là phải nhanh chóng nâng cao phương pháp luận sử học, xây dựng một hệ thống phương pháp hiện đại phù hợp với đối tượng và cách tiếp cận của lịch sử Việt Nam " (tr. 366).

Chúng ta biết từ mái trường đại học sau Cách mạng đã có được Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn,... những sử gia xứng đáng với tên gọi đó.

Nhưng không khỏi khắc khoải tự hỏi, còn những thế hệ sau đó thì sao ?

 
Nguyên Thắng

(9.1998)

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss