Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 82 / Đọc sách Đình Việt Nam

Đọc sách Đình Việt Nam

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:56, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:56
Điều lý thú với Hà Văn Tấn là anh luôn luôn ngắn gọn nhưng đầy đủ ; cái gãy gọn khúc chiết của người nắm vững vấn đề, biết đâu là những điểm đã được dứt khoát giải quyết, và vấn đề nào còn bỏ ngỏ.
   

Đọc sách

Đình Việt Nam,
Community Hall in Vietnam

 
Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự

Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh 1998, 436 tr.

 
Nguyên Thắng

   

Nghĩ tới đời sống làng xã Việt Nam, chúng ta liên tưởng ngay đến đình, đến chùa, hai hình ảnh song song như hai câu đối trong ngôi nhà cổ truyền.

Chính vì vậy mà sau khi đã được hưởng cái thú đọc bài viết súc tích của Hà Văn Tấn về chùa chiền nước ta, được thưởng thức những nét thanh tịnh nhiều cảnh chùa cùng không khí tưng bừng ngày lễ chùa trong quyển Chùa Việt Nam (nhà xuất bản Khoa học xã hội 1993), thì vui chi bằng khi được mắt thấy vế thứ hai của câu đối hằng mong đợi từ bấy lâu nay, quyển Đình Việt Nam cũng đồng các tác giả nói trên.

Diễn Đàn (số 30, 1.5.1994) đã có bài điểm sách Chùa Việt Nam, tất nhiên phải giới thiệu với bạn đọc quyển Đình Việt Nam mới in xong gần đây.

Điều lý thú với Hà Văn Tấn là anh luôn luôn ngắn gọn nhưng đầy đủ ; cái gãy gọn khúc chiết của người nắm vững vấn đề, biết đâu là những điểm đã được dứt khoát giải quyết, và vấn đề nào còn bỏ ngỏ.

Đình xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ ? Chính là một câu hỏi chưa có lời giải đáp chắc chắn.

Chẳng phải là anh không có ý kiến chính xác. Hiện nay những ngôi đình xưa nhất đều thuộc thời Mạc, thế kỷ XVI. Nhưng trong sử liệu, rõ ràng đình đã có từ trước. Một trong những tư liệu quan trọng về vấn đề này là Hồng Đức thiện chính thư cho thấy tục bầu hậu ở đình đã có trước đời Lê Thánh Tông, thế kỷ XV (tr. 15-16).

Ngược thời gian đi lên nữa thì thấy rằng từ “ đình” đã xuất hiện ở Việt Nam thời Trần, và sớm hơn nữa, trong Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội thế kỷ thứ III. Nhưng đình này là gì ? Trạm nghỉ chân hay đình làng trong nghĩa ta hiểu ngày nay, chưa có bằng cớ để nghiêng về nghĩa này hay nghĩa nọ.

Còn giả thuyết đình vốn là hành cung của vua rồi sau mới trở thành đình làng thì Hà Văn Tấn cho rằng không có mấy cơ sở. Tấm hoành phi sơn son thếp vàng ghi bốn chữ “ Thánh cung vạn tuế ” ở một số đình không nhất thiết phải để ca tụng nhà vua mà cũng có thể hiểu là dành cho các vị thánh thần thờ tại đình làng. Vả lại, các đình có biển mang những chữ này đều có niên đại muộn, hầu hết thuộc đời Nguyễn (tr.19).

Nhà rông của người Thượng và đình có những điểm khác nhau thật, nhưng cùng chung một điểm tương đồng quan trọng : cả hai đều là nơi cộng cảm của các thành viên công xã. Vết tích nhà sàn còn thấy rõ ở đình cũng nói lên nguồn gốc cổ xưa của nó. Do đó, mặc dù còn thiếu chứng cứ, Hà Văn Tấn tin rằng đình – ngôi nhà chung của làng xã đã xuất hiện từ lâu đời, nếu không phải là thời tiền sử thì cũng là thời sơ sử của dân tộc. Tất nhiên, thời đó chưa được gọi là đình một từ vay mượn của Trung Hoa (tr. 20).

Chúng ta được hai tác giả Đình Việt Nam, qua văn từ và hình ảnh, đưa đi khắp từ Bắc chí Nam thăm tất cả là 62 ngôi đình. Một cái nhìn cụ thể, vào chi tiết, nhưng không chìm đắm trong chi tiết. Hà Văn Tấn đã khai quang cho ta một cái nhìn tổng quát sáng sủa, rành mạch. Nhưng chẳng vì vậy mà không dành bất ngờ cho người đọc, con mắt sử gia bao quát cả không gian lẫn thời gian của anh biết điềm chỉ cho chúng ta những điểm lạ, thường bị thành kiến che lấp, bỏ qua.

Kiến trúc đình rất phong phú. Tính đa dạng các kiểu đình biểu hiện rõ nét tính địa phương với tác động của các kiến trúc tôn giáo khác như đền, chùa cũng như kiến trúc dân dụng.

Ở miền Bắc Việt Nam còn giữ được những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Dựa vào những kiến trúc hiện biết, có thể nghĩ rằng đến thế kỷ XVI đình chỉ có một toà nhà, thường là ba gian hai chái, trên một mặt bằng hình chữ nhật chiều dài có thể trên 20m và chiều rộng trên 10m, nhưng không dài quá 30m và rộng quá 16m. Các gian được chia ra bởi các vì liên kết bốn hàng cột : hai hàng cột cái lớn và hai hàng cột quân nhỏ hơn.

Kiểu phổ biến ở các ngôi đình thế kỷ XVI là vì chồng rường. Trong kiểu này, hai cột cái được nối với nhau bằng một thanh xà lớn gọi là câu đầu, câu đầu chỉ kê trên đầu các cột cái, chứ không gắn với cột bằng mộng. ở tất cả các cột cái đều có những thanh gỗ ngắn gọi là đầu dư vươn ra đỡ lấy câu đầu. Phía trên các câu đầu có các khối gỗ vuông phía dưới hơi thót gọi là đấu, và đặt trên các đấu là những thanh xà ngắn dần cho đến xà nóc, những thanh xà này gọi là con rường. Các con rường kê trên câu đầu tạo với nóc ra một khoảng tam giác gọi là vì nóc. Còn cột cái được nối với cột quân bằng một thanh xà gọi là xà nách. Một đầu xà nách ăn mộng vào cột cái, đầu phía kia kê lên cột quân mà không có mộng liên kết. Bên trên xà nách cũng có con rường chồng lên nhau. Xà nách ngắn, nên con rường cũng ngắn và số đấu cũng ít.

Các rường dùng để đỡ các hoành, những thanh gỗ dài chạy dọc theo mái, nối các vì kèo với nhau, mà dân gian gọi là đòn tay. Hoành trên cùng gọi là thượng lương.

Hệ thống xà lớn, xà nách, con rường, hoành là phần liên kết phía trên bộ khung gỗ toà đình. Hệ dầm sàn thực hiện chức năng liên kết phía dưới. Dầm dọc nối các cột trong một vì, dầm ngang nối các loại cột của các vì khác nhau. Ván sàn lót trên các dầm này. Tất cả các gian, trừ gian giữa, đều có sàn.

Từ thế kỷ XVII, kiến trúc đình làng có thay đổi. Cuối thế kỷ này đã gặp những ngôi đình có hậu cung dựng sau đình, làm cho mặt bằng có hình chuôi vồ hay chữ “ đinh” (). Phần lớn các đình được mở rộng hơn. Người ta thêm vào bốn hàng cột đình thế kỷ XVI hai hàng cột hiên ở ngoài hàng cột quân để nâng mái. Ngôi đình có sáu hàng cột. Cột quân được liên kết với cột hiên bằng một thanh gỗ dài gọi là kẻ hiên, nối liền hàng cột bằng mộng.

Sang thế kỷ XVIII, kiến trúc đình càng đa dạng hơn. Ngoài hình thức chuôi vồ, đình có thêm một hay hai toà nhà song song với đại đình. Toà nhà sau đại đình là hậu cung. Toà trước đại đình gọi là nhà “ tiền tế ”. Loại mặt bằng hình chữ “ công ” () nối hậu cung với đại đình cũng là phổ biến.

Thế kỷ XIX, có những trường hợp đình gồm bốn ngôi nhà vuông góc với nhau thành hình chữ “ khẩu ” (). ở nhiều đình, trước nhà tiền tế còn dựng thêm hai ngôi nhà dọc đối diện nhau gọi là tả vu và hữu vu để sửa soạn cỗ bàn.

Từ phía nam Hoành Sơn đến vùng Quảng Nam, theo tài liệu lưu truyền thì đình đã được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, ngày nay phần lớn các ngôi đình miền Trung thuộc vào thời các chúa Nguyễn hay vua Nguyễn.

Kiến trúc đình làng thích nghi với việc phòng chống bão to và lụt lớn. Vùng Bình Trị Thiên có kiểu nhà rọinhà rường. Nhà rọi trong mỗi vì có ba cột chôn xuống đất. Cột giữa nhô cao đến đỉnh nóc, tạo ra kiểu vì kèo chữ thập ( ) chống đỡ nóc mái, đảm bảo một kết cấu vững chắc trước bão tố. Nhà rường thì trong một vì có bốn cột tì trên đá tảng, tạo nên kiểu vì kèo chồng, có cái “ trếnh ” nối lưng chừng hai cột cái ở độ cao quá đầu người, vừa làm cho khung nhà chắc, vừa làm dầm gác ván chống lụt, lại có “ con xuyên” nối giữa hai kèo trên, làm cho vì nóc kết cấu vững vàng hơn (tr. 32).

Đình miền Nam thường là một quần thể gồm nhiều nhà vuông có bốn cột cái gọi là tứ trụ. Nhà vuông là một loại hình kiến trúc tôn giáo đặc trưng cho Nam Bộ. Qua khỏi cổng, giữa sân đình có một bệ xây gạch gọi là đàn xã tắc. Sau đàn xã tắc là tấm bình phong cũng xây bằng gạch trên đó thường có vẽ hay đắp nổi hình hổ. Sau bình phong là nhà võ ca, một kiến trúc đặc biệt ở các đình Nam Bộ làm chỗ tập kết người và nghi trượng phục vụ cúng tế, đồng thời là nơi diễn tuồng vào dịp lễ hội ở đình. Sau nhà võ ca là chánh điện hay chánh tẩm, khu vực chính của đình, là nơi thờ cúng.

Điêu khắc trang trí đình làng cũng có những nét riêng dọc theo chiều dài của đất nước.

Đình miền Bắc được trang trí điêu khắc phong phú ngay từ thế kỷ XVI, nhưng điêu khắc đình làng phát triển lên đến đỉnh cao vào thế kỷ XVII. Điêu khắc gắn liền và hài hoà với kiến trúc. Do yêu cầu của kỹ thuật làm mộng, làm chốt trong kiến trúc nên bắt buộc phải dư thừa ra ngoài những khối gỗ cục mịch, nặng nề. Nghệ nhân biến nhưng khối dư thừa ấy thành hình chạm khắc đẹp đến nỗi đôi khi người xem có cảm tưởng nghệ nhân cố tình tạo ra những khối dư thừa để trang trí (xem những trang về điêu khắc đình làng trích đăng trong số này). Sang thế kỷ XVIII, nhìn chung phong trào dựng đình suy giảm và kéo theo sự đi xuống của điêu khắc đình làng, tuy ở nhiều ngôi đình trình độ nghệ thuật điêu khắc vẫn còn cao.

Suốt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, điêu khắc đình làng mang đậm tính chất nghệ thuật dân gian. Nghệ nhân đưa vào đình những hình ảnh gần gũi với cuộc sống và những giấc mơ của họ : Hà Văn Tấn, khác với lối nhận định phổ biến, cho khuynh hướng huyền thoại đứng ngang hàng với khuynh hướng hiện thực trong tinh thần điêu khắc đình làng (tr. 44).

Đình miền Trung phát triển hình thức trang trí đắp nổi vôi vữa và gắn mảnh sành sứ lên phần ngoài của kiến trúc. Thường thì ở nóc mái và các đường gờ mái được trang trí hình tứ linh : long, lân, quy, phượng.

Đình miền Nam cũng có lối trang trí đắp nổi mặt ngoài gần giống đình miền Trung, nhưng bốn cột đình ở chánh điện thường được trang trí hình rồng, nên gọi là “ long trụ ”. Long trụ đình Thiện Mỹ, Trà Ôn, Vĩnh Long chạm liền long, lân, quy, phượng là tác phẩm điêu khắc độc đáo và tài hoa.

Đình làng thờ thành hoàng. Thành hoàng là một từ có nguồn gốc Trung Quốc nguyên dùng để chỉ vị thần của thành trì, từ trung ương đến địa phương. ở Việt Nam cũng có những vị thành hoàng theo nghĩa ấy, năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long phong Tô Lịch làm Quốc đô Thăng Long thành hoàng đại vương. Nhưng thành hoàng được thờ ở các đình làng là thần của làng phản ánh tư duy tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam, không giống loại thành hoàng Trung Quốc chút nào.

Tư duy ấy là một hệ thống pha lẫn nhiều yếu tố tín ngưỡng sơ khai của cư dân nông nghiệp (như tín ngưỡng phồn thực, thờ thần mẹ và các thần sức mạnh tự nhiên...) với các yếu tố thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người anh hùng (người bảo vệ công xã, người mở đất hay anh hùng văn hoá...), và có phần không lớn lắm ảnh hưởng của Đạo giáo và Phật. Hà Văn Tấn hóm hỉnh nhận xét “ hệ thống không hệ thống đó lại là sức mạnh tinh thần cố kết cộng đồng làng xã ” (tr.55).

Các yếu tố pha trộn với nhau, khó mà phân biệt. Chẳng hạn, làng Nối (Văn Nhuế), xã Văn Phú, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên trước đây thờ một bộ chày cối bằng đá trong nội cung, rõ là biểu hiện bộ phận sinh dục ; tên thành hoàng là Phạm Thị Lương, một cô giá đánh giặc hy sinh, được phong là Lương Lang công chúa. Nhưng ta có thể nhận thấy rằng Lương hay Lang là cách phiên âm kín đáo của từ “ nường ” trong “ nõ nường ” tiếng cổ chỉ các bộ phận sinh dục. Vậy thì thần phả thật tới đâu và tới đâu là “ lý lịch ” làng làm ra cho vị thần của mình được vua ban sắc phong thành hoàng ?

Trong lễ hội cũng vậy, không thể tách rời tín ngưỡng với vui chơi giải trí. Thực tế khác với ý nghĩ của những ai muốn chia tín ngưỡng về riêng phần lễ, còn hội thì mang thuần tính thể thao, giải trí. Vì rằng trong những cái người ta gọi là trò chơi như đua thuyền, kéo co ở các hội làng đều đậm ý nghĩa tín ngưỡng, cầu may, cầu mùa. Trong hội làng Chấp (xã Hữu Chấp, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có trò kéo co, trai chưa vợ giá chưa chồng chia hai phe nam nữ, nam đứng phía tây, nữ đứng phía đông. Khi trống lệnh điểm, hai bên cố sức kéo, người ta tưởng là bên nam sẽ thắng, nhưng bao giờ bên nữ cũng thắng. Như vậy trò chơi chỉ có tính cách tượng trưng ; bên nữ, bên phương đông thắng thì làng mới được mùa. ở hội làng Tích Sơn dân làng cũng tin rằng trong trò kéo co năm nào mà phe bên đông thắng thì năm ấy được mùa, và, phe đứng phía tây nhiều khi phải vờ thua cho làng được may mắn.

Chương về hội lễ phong phú thì có phong phú, nhưng ta không khỏi thòm thèm ; phần lớn nhắc lại thời trước cách mạng xa xôi. Những câu kết cho ta biết rằng “ ngày nay, nhiều lễ hội đình vẫn còn được duy trì, thậm chí có phần phát triển ”. Sách cũng có một tấm ảnh họp trong đình rất đẹp. Chính vì đồng ý với tác giả trong nhận định cuối cùng “ tìm hiểu ngôi đình không phải chỉ là để hiểu biết về làng xã truyền thống, về bản sắc văn hoá Việt Nam, mà còn để nhận thức sâu sắc hơn cách sống và cách nghĩ của con người nông dân trên con đường đổi mới hiện tại ” mà tôi thòm thèm mong được biết rõ hơn nữa hội lễ đình làng ngày nay như thế nào ?

Nhưng sao lại oái oăm mà đi đòi hỏi một nhà khảo cổ làm công việc của nhà xã hội học nhỉ ? Tại sao không an lành mà ngồi hưởng cái thú được đọc anh để rồi cảm ơn anh đã cho chúng ta một quyển sách quý, đẹp, tóm thâu các vấn đề về đình làng Việt Nam, lại là một quyển sách song ngữ, bản dịch tiếng Anh của Keith Weller Taylor, giáo sư chủ nhiệm khoa Châu Á trường đại học Cornell, Hoa Kỳ.

 

Nguyên Thắng

(1.1999)

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss