Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 83 / Nông dân đâu rồi ?

Nông dân đâu rồi ?

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:56, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:56
Tôi mong được nghe người cày ruộng làng Đình Bảng nói ra những suy nghĩ của anh về vấn đề chia ruộng ... Tôi mong được nghe người nông dân đồng bằng sông Cửu Long, những người xưa nay vốn không biết truyền thống ruộng công là gì, nghĩ thế nào về chế độ sở hữu ruộng đất.

   
Người nông dân bị thủ tiêu đâu mất rồi

 
bùi mộng hùng

 
Quốc hội cả gan không gật theo ý kiến trung ương Đảng đã quyết định. Chuyện hi hữu, người dân được thấy lần đầu trong đời mình. Nội bấy nhiêu đủ để ta lưu tâm. Và trân trọng.

Chuyện lại xẩy ra vì một vấn đề đúng lý ra phải thiết thân đến mọi công dân : đạo luật đất đai qui định điều lệ căn bản cho nhà cửa, ruộng đất. Rõ ràng là chuyện của mọi người. Nhất là chuyện của nhà nông. Và, nếu tôi không lầm thì nông dân vẫn chiếm 70 % dân số nước ta chứ có phải ít oi gì đâu.

Thế sao, trong tôi cứ dửng dưng. Như thiếu một cái gì. Như là húp bát phở " không người lái ", thứ phở thời kinh tế khó khăn lấy đậu phụ thay cho thịt vậy.

Thiếu gì nhỉ ? Chúng ta được nghe nhiều vị đại biểu quốc hội phát biểu chứ có ít đâu. Nào là lập luận của một vị chủ tịch hợp tác xã tỉnh Quảng Nam, nào là ý kiến của chủ tịch hội hoá học Hà Nội, đề nghị của một chủ tịch hợp tác xã ở Thái Bình. Lại thêm nhận định của phó chủ tịch quốc hội, giọng lên lớp chất vấn quốc hội của bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị, v. v... và v. v... Thảo luận thẳng thừng chứ phải vừa đâu ? Không tin bạn đọc lại những trang 8 - 9, DĐ số 81 , 1.99 mà xem. Chẳng thiếu lời ăn tiếng nói của các vị tai to mặt lớn. Chỉ vắng bặt, là cái tiếng nói của anh nông dân. Cái anh chàng chân lấm tay bùn đổ mồ hôi sót con mắt làm ra hạt gạo chúng ta ăn ấy mà bạn.

Người tôi mong được nghe là nông dân một làng nằm sâu trong đồng bằng sông Hồng, nghe anh nghĩ thế nào về chế độ sở hữu ruộng đất, nói gì về việc chia lại ruộng, đánh giá thế nào cái phương thức điều hoà ruộng cày có từ thời công xã nguyên thuỷ ấy trong đời sống ngày nay của chính làng anh.

Tôi mong được nghe người cày ruộng làng Đình Bảng nói ra những suy nghĩ của anh về vấn đề chia ruộng. Nêu tên làng này, vì Đình Bảng cùng một số làng ven đô thị ngày nay giàu có hẳn lên, đa số làng xã khác không thể sánh được.

Đình Bảng chỉ kêu gọi người làng là đủ có hàng triệu đôla vốn đi buôn hàng sang các nước Đông Âu. Tuy nhiên, Đình Bảng vẫn chia ruộng. Nhưng mà, làm mảnh ruộng con con được chia ấy thì chỉ có mà chết đói. Ở Đình Bảng, nhà nông thực thụ – người đi cày sản suất ra lúa ra gạo trên ruộng của anh cộng thêm những phần ruộng người khác được chia trao lại cho anh làm – là người thuộc vào hạng nghèo nhất. Anh này nghĩ những gì về các vấn đề nêu lên lại quốc hội ?

Tôi mong được nghe người nông dân đồng bằng sông Cửu Long, những người xưa nay vốn không biết truyền thống ruộng công là gì, nghĩ thế nào về chế độ sở hữu ruộng đất.

Tôi cũng muốn được nghe chủ nhân trang trại lớn. Ruộng đất tập trung trong những điều kiện nào ? Tuy rằng giữa người đem vốn riêng hay vốn vay mượn khai thác ruộng đất trên một cơ sở rộng lớn và người nhờ thế lực của kẻ có quyền thế biến đất công thành trang trại tư, hai trường hợp không cùng ý nghĩa chút nào, vấn đề không quan trọng bằng câu hỏi cách thức, phương tiện sản xuất là gì ?

Vì rằng không phải cứ tập trung ruộng đất thì đương nhiên sẽ là một phương thức kinh tế tiến bộ. Chúng ta đã qua kinh nghiệm đau thương tập thể hoá ruộng đất một cách giáo điều máy móc. Ngược lại, tập trung tư hữu cũng có thể sinh ra những hình thức thụt lùi, cả về kinh tế lẫn xã hội, một thứ điền chủ tư sản mới bóc lột tá điền trá hình, lạc hậu như thời trước cách mạng và chẳng đem lại mới mẻ lợi ích gì cho nền kinh tế của ta hiện nay.

Sản xuất nông thôn của ta quả thật quá manh mún. Tập trung sản xuất, dãn lao động nông nghiệp qua ngành khác là xu hướng không thể tránh.

Vấn đề là những phương thức tập trung nào vừa phù hợp với tiềm năng tài chính, kỹ thuật, văn hoá của ta vừa có khả năng đem lại lợi ích cho kinh tế, xã hội ta ngày nay ?

Vấn đề là người bỏ nghề nông sẽ đi đâu, làm gì ? Những chương trình kèm theo, xắp xếp lại công ăn việc làm của họ được tài trợ là bao nhiêu, lo cho được bao nhiêu người, lịch trình diễn biến ra sao ?

Những câu hỏi không thể trả lời chung chung. Mà phải cụ thể, dựa trên cơ sở nghiên cứu nghiêm túc.

Bản báo cáo sơ bộ Về cuộc khảo sát xã hội học tại Thái Bình cuối tháng sáu, đầu tháng bảy năm 1977 ký tên Tương Lai cho thấy các nhà khoa học của ta lắm khi nhận định hiện trạng xã hội khá sít sao đấy chứ, phải không bạn ? (xin xem D.Đ số 77, tháng 9.98, tr. 16-19) Nếu có gì đáng tiếc là tiếc không có nghiên cứu, làm giải pháp trước khi nông dân Thái Bình chịu hết nổi ; lúc tức nước vỡ bờ rồi, khi ấy nhà cầm quyền mới quáng quàng cho đi nghiên cứu thực địa...

Vì vậy tôi mong biết bao được nghe nói về những nghiên cứu nghiêm túc làm cơ sở cho cuộc thảo luận luật đất đai. Mong chẳng kém gì cái mong được nghe ý kiến của những người trong cuộc, của nông dân. Không phải một nhà nông điển hình không tưởng nào đó, mà là những nhà nông bằng xương bằng thịt, với tất cả những cách biệt do hoàn cảnh địa lý văn hoá, phương thức sản xuất khác biệt nhau.

Nhưng mà, nghiên cứu thực trạng làm cơ sở cho cuộc thảo luận chẳng thấy đâu là tăm hơi. Anh nông dân bị thủ tiêu lúc nào cũng chẳng biết ! Chúng ta đi vào siêu thực với cuộc tranh cãi giữa một thứ ý thức hệ đậm nét công xã nguyên thuỷ – khả kính thật đấy, nhưng chẳng biết ngày nay còn được bao nhiêu tác dụng – và một thứ chủ nghĩa thị trường bập bẹ, nhắm mắt làm theo ý thức hệ mới học được, còn hệ quả ra sao thì bỏ mặc cho tới đâu hay tới đó.

Các nhà chính trị mọi màu sắc ơi ! Cho tôi van xin các ngài. Ngày nào các ngài còn nói thay, nghĩ thay người dân trong cuộc thì người dân chúng tôi còn bị đứng làm người ngoại cuộc mà nhìn vận mệnh chúng tôi nằm trên con tàu Việt Nam đi như không lái giữa sóng gió thời đại.

 
bùi mộng hùng

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss