Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 85 / Kinh tế khựng lại...

Kinh tế khựng lại...

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:57, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:57
Và đó là nhược điểm lớn của nhà cầm quyền hiện nay. Thiếu hào quang giải phóng đất nước, không lý tưởng, điểm tựa duy nhất cho quyền lực của họ có vẻ nào chính đáng là phát triển kinh tế.

 

Phát triển kinh tế
khựng lại :
những vấn đề...

   

bùi mộng hùng

   

Suốt từ 1990 cho đến 1997 kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trung bình tăng 8% một năm. Đang trên đà tốc độ cao, tăng trưởng bị chựng lại trong năm 1998, GDP chỉ lên 5,8% so với 1997.

Con số chính thức ấy có nhỉnh hơn số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), ước tính GDP của Việt Nam tăng khoảng 3,5 - 4,5 % trong năm 1998. Khác biệt là do cách tính toán tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và dịch vụ cùng mức độ ảnh hưởng của sự giảm sút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Chúng ta không đi đôi co khác biệt đó. Vì rằng dù sao cũng phải nhìn nhận phát triển kinh tế Việt Nam năm 1998 là đáng kể so với các nước trong khu vực đang lặn hụp trong cơn suy thoái kinh tế : GDP của năm nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippin) giảm 7%, Nhật giảm 2 %, chỉ có Trung Quốc giữ được tốc độ tăng trưởng 7 %.

Một việc làm có ý nghĩa hơn là thử nhận định nguyên nhân làm cho phát triển kinh tế phải khựng lại, và đâu là những vấn đề khúc mắc cần tháo gỡ để thoát ra khủng hoảng.

   

Những nguyên nhân

 
1. Hiển nhiên, một nguyên nhân là khủng hoảng kinh tế khu vực Đông Á, trầm trọng và kéo dài.

Trong giai đoạn vừa qua đầu tư nước ngoài (FDI) là một nguồn quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Hai phần ba vốn FID đó đến từ các nước Đông Á, khủng hoảng kinh tế khu vực đã làm cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm khoảng 60 % trong năm 1998.

Chiến lược phát triển lấy xuất khẩu làm động lực chính kéo kinh tế đi lên. Xuất khẩu tăng trưởng hàng năm 25 %, chiếm hai phần năm GDP. Một phần lớn – 70 % – hàng xuất của Việt Nam bán ra cho các nước châu Á. Đang bị suy thoái kinh tế, sức nhập các nước trong khu vực đã giảm sút. Lại thêm tỷ suất hối đoái tiền tệ các nước này hạ thấp rất nhiều so với đồng đôla, mặc dù đồng Việt Nam đã giảm 17 % sau ba lần phá giá, trong thực tế giá hối đoái vẫn còn cao khoảng 10 % so với thời kỳ trước khủng hoảng. Sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam một phần vì thế mà suy yếu. Năm 1998 luồng xuất khẩu từ trong nước sang khu vực Đông Á giảm 20 %. Hàng hoá nhập lậu từ các nước láng giềng đang tăng vọt và lấn chiếm thị trường của hàng nội địa.

Nói chung, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á lên đầu tư nước ngoài và xuất khẩu ở Việt Nam, theo ước lượng của Ngân hàng thế giới, là tương đương với 3 tỉ USD, bằng 12 % GDP (DĐ số 82, 2.99, tr. 2-3).
 

2. Nguyên nhân thứ hai làm cho phát triển khựng lại phải tìm trong trong cấu trúc nội tại của nền kinh tế Việt Nam, đã bắt đầu trì trệ, đuối hơi từ trước cuộc bùng nổ khủng hoảng tài chính Đông Á vào tháng 6 năm 1997.

Khủng hoảng chỉ làm nổi bật và trầm trọng thêm những mặt yếu kém của một mô hình, gặp thuận lợi đã phát triển với tốc độ cao, nhưng thiếu cân bằng, tạo ra hố phân cách mỗi ngày mỗi sâu hơn trong kinh tế và xã hội.

2.1. Thiếu cân bằng trong sử dụng vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế và hiệu quả tạo công ăn việc làm thấp. Khu vực quốc doanh tuy nhà nước không còn bao cấp qua ngân sách như xưa nữa nhưng vẫn được ưu tiên vay vốn, bóp nghẹt sức phát triển các khu vực khác. Doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 50 % tín dụng của hệ thống ngân hàng nhưng chỉ tạo ra không được tới 10 % công ăn việc làm. Và, theo báo cáo năm 1998 của bộ tài chính, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của 6000 doanh nghiệp quốc doanh ngày càng giảm : 5,7 % năm 1995, 4 % năm 1996, 3 % năm 1997. Số xí nghiệp làm ăn có lãi vào khoảng 25 %, số thua lỗ chiếm 28 %. Nếu các doanh nghiệp này phải tính đủ mọi chi phí, kể cả khoản dự phòng và tổn thất (công nợ khó đòi, hàng hoá mất phẩm chất, tài sản mất mát...) thì tỉ lệ bị lỗ lên đến trên dưới 50 % (Thời báo kinh tế Sài Gòn 19.3 và 2.4.98, DĐ số 74, 5.98, tr. 7).

2.2. Cũng chính vì trọng tâm đặt cả vào doanh nghiệp nhà nước mà nông thôn hầu như bị bỏ rơi trong giai đoạn vừa qua. Hố cách biệt sẵn có giữa thành thị và nông thôn đang sâu thêm.

Nông nghiệp tạo ra hơn một phần tư GDP, nhưng chỉ nhận được 7,5 % đầu tư của nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân không thể phát triển ở nông thôn tạo ra của cải và công ăn việc làm ngoài nông nghiệp vì thiếu vốn trầm trọng. Trong khu vực tư nhân, không tới 15 % doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với hệ thống tín dụng, và 70 % nhìn nhận rằng họ muốn vay vốn mà không vay được (Tuổi Trẻ 13.12.98, DĐ số 82, 2.99, tr. 3).

Đời sống nông thôn bế tắc, tìm công ăn việc làm khó khăn, thu nhập quá thấp.

Theo ông Nguyễn Trọng Phu, giám đốc Trung tâm thông tin về việc làm của bộ Lao động thì năm 1998 có khoảng 10 triệu trên 28 triệu người trong tuổi lao động ở nông thôn chỉ đủ công việc làm cho 72 % thì giờ lao động của họ.

Điều tra của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết thu nhập bình quân người nông dân là khoảng 100 000 đồng/ một tháng. Mỗi năm có hàng trăm nghìn người từ nông thôn di dân lên Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội : ra thành phố kiếm ăn thì được hàng tháng khoảng 471 000 đồng (AP 12.10.98, DĐ số 79, 11.98). Có tiền dành dụm gởi về cho gia đình, góp phần nhất định vào việc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn (Đại Đoàn Kết 3.1.98).

Không nên quên là 80 % dân số nước ta sống ở nông thôn. Kinh tế có phát triển nhưng xã hội Việt Nam còn nghèo, mà nông thôn thì rất nghèo. Năm 1993, theo định nghĩa của WB, 50 % người dân ta sống trong cảnh nghèo khó. Số liệu sơ bộ của cuộc khảo sát mức sống ở Việt Nam 1997-1998 cho thấy tỉ trọng người nghèo khó ngày nay giảm xuống còn 30-35 %. Đó là một điểm son cho cuộc phát triển đất nước trong mấy năm qua, nhưng 30 % người nghèo vẫn còn là một tỉ số quá cao. Và nên nhớ 90 % người nghèo này sống ở nông thôn.

2.3. Tỷ trọng người nghèo làm cho thị trường nội địa Việt Nam không tương xứng chút nào với một quốc gia trên 70 triệu dân. Bao nhiêu năm dồn vốn liếng, công sức cho xuất khẩu, đột nhiên luồng ngoại thương bị sa sút, thị trường nội địa không tìm ra sức tiêu thụ để bù vào hụt hẫng vì hàng hoá không bán được ra nước ngoài.

Một giải pháp về lâu dài cho bế tắc hiện tại là củng cố và phát triển thị trường nội địa, với biện pháp trọng tâm đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ ở nông thôn, nghĩa là cho 80 % xã hội Việt Nam.
 

3. Khủng hoảng kinh tế ở Đông Á và ở Việt Nam còn kéo dài, chưa đoán chắc được cho đến bao giờ. Chỉ biết rằng động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho trước mắt và cho lâu dài để lộ những dấu hiệu đáng lo ngại :

– xuất khẩu không tăng,

– sức đầu tư trong nước giảm từ 27 % GDP xuống còn 20 %,

– năm 1977 khả năng tạo việc làm bắt đầu sụt, nhất là trong nông nghiệp (-6,2 %) và công nghiệp (-5,6 %), không còn tăng cùng nhịp với dân số lao động như trước,

– ngân sách nhà nước từ tỉ suất 24 % GDP năm 1977 sụt xuống 21 %, đầu tư cho khả năng phát triển về lâu dài của dân tộc là ngân sách cho giáo dục và y tế bị cắt giảm (Thời báo kinh tế Sài Gòn 7.1.99, DĐ số 82, 2.99, tr. 3).

Ngân hàng thế giới dự đoán năm 1999 kinh tế Việt Nam, trong điều kiện đẩy mạnh cải cách và tình hình khu vực không xấu đi cũng không phát triển hơn được mức năm 1998, và không loại trừ khả năng tăng trưởng chỉ đạt 0 - 3 %.

Cải thiện hiệu năng và sức cạnh tranh kinh tế là công việc cấp bách để tăng trưởng đang đuối hơi hồi sức lại. Công cuộc chỉnh đốn nền kinh tế này dĩ nhiên cần có bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định. Và, tìm lại được sức tăng trưởng thì phát triển cần phải hướng theo một phương thức vững bền, quân bằng và công bằng hơn trong giai đoạn trước đây.

 

Cải thiện hiệu năng và sức cạnh tranh kinh tế

 
Đây là tiền đề tất yếu cho tăng trưởng và cũng là điều kiện khách quan để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
 

1. Biện pháp chính là chuyển hướng sử dụng vốn đầu tư vào những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả kinh tế và tạo ra công ăn việc làm : cải tổ khu vực quốc doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Hai vấn đề này đã đặt ra từ lâu, nhưng gặp khủng hoảng trở thành cấp bách.

Cần phải nói ngay rằng việc nhà nước đầu tư vốn kinh doanh tự nó không có gì trở ngại cho sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Đối với một quốc gia nghèo, tư bản bản địa èo uột không tầm vóc thì nhà nước dồn vốn để chủ động phát triển những khu vực thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân là việc cần làm và nên làm.

Tất cả vấn đề là xí nghiệp nhà nước có phải thực sự đương đầu với qui luật thị trường hay chăng ? Vì rằng có chịu sự điều tiết khắt khe của thị trường tự do thì mới có sàng lọc chọn lựa những doanh nghiệp lành mạnh, mới có loại trừ không nương tay mọi cung cách làm ăn yếu kém lạc hậu.

Doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam được ưu đãi về vốn, về cơ chế về chính sách... Phải chăng chính vì được nhà nước bao che nhiều mặt mà kết quả đi ngược lại ý đồ của chính quyền, cho thành lập vào những năm 1990-91 một loạt tổng công ty, ước mong chúng trở thành những tập đoàn kinh tế mạnh có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế ?

Thủ tướng Phạm Văn Khải trong hội nghị về mô hình tổng công ty nhà nước họp tại Hà Nội đầu tháng 3. 99 vừa qua thừa nhận những chuyện hiển nhiên trước mắt mọi người :

- Doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam làm ăn thiếu hiệu quả kinh tế : “ Cả vốn cố định lẫn vốn lưu động đều sinh lời rất thấp, năng suất lao động chỉ bằng 1/200 so với Nhật Bản và thấp hơn hàng chục lần so với các nước trong khu vực. (...) Hiện nay giá đường của ta cao hơn các nước, giá xi-măng cũng cao hơn, giá thép cũng cao hơn... Tôi thấy rất ít sản phẩm thuộc lợi thế của chúng ta có thể cạnh tranh được.

– Thế độc quyền của công ty nhà nước kìm hãm sức phát triển của cả nền kinh tế quốc dân : “ Ngành điện trước đây dân tình kêu rất dữ, gần đây quốc hội có ý kiến, hội đồng nhân dân có ý kiến, cửa quyền có bớt đi, nhưng vẫn một mình một chợ. Bưu chính viễn thông cũng một mình một chợ, người nước ngoài kêu, dân trong nước cũng kêu giá cước cao quá... ” Và thủ tướng khẳng định : “ Độc quyền sẽ làm cho những nhân tố tích cực, những người làm ăn giỏi không ngóc đầu dậy được.

Những lời lẽ nghe như tiếng kêu báo động của người cầm đầu chính phủ thấy nhà nước yếu thế trước những trở lực nội tại sau một năm đương đầu với thực tế nhằm thể hiện chủ trương kinh tế nêu ra lúc lên chấp chính.

Khi lên nắm quyền thủ tướng, ông Phan Văn Khải chủ trương tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế, không phân biệt đối xử các doanh nghiệp thuộc thành phần khác nhau, cải cách khu vực quốc doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn... (Tuổi Trẻ chủ nhật 5.10.97, DĐ số 68, 11. 97, tr. 5)

Những chủ trương đúng đắn. Cả vấn đề là thực hiện và thực hiện với nhịp độ nào. Mọi con mắt – trong và ngoài nước – đổ dồn vào đấy mà đánh giá ý chí chính trị của chính quyền. Chờ xem thực hiện cụ thể ra sao mà nhận định đảng cầm quyền có hay không quyết tâm cải cách kinh tế. Và theo đó mà người đầu tư yên tâm bỏ vốn ra làm ăn kinh doanh hay giữ vốn làm chuyện khác. Cái yếu tố tâm lý chủ quan thay đổi không chừng chẳng khác gì thời tiết nắng mưa này, ngày nay trong kinh tế không còn ai dám coi nhẹ nữa.

Tới nay các giới đầu tư vẫn chờ tín hiệu có sức thuyết phục của nhà cầm quyền. Kiên trì chờ đợi chẳng phải là đức tính của giới đầu tư thế giới, chân trước chân sau sẵn sàng rút vốn bỏ rơi nơi ít lợi để chuyển qua bất cứ nơi nào trên thế giới có triển vọng lợi nhuận cao ; và họ chưa hết phân vân nghi ngờ khả năng khu vực Á Đông khôi phục lại được sức tăng trưởng của thời trước khủng hoảng.
 

2. Cải tổ khu vực quốc doanh của Việt Nam là một vấn đề tế nhị khó khăn thật, tuy nhiên so với Trung Quốc thì tương đối còn nhiều thuận lợi hơn. Trong những năm qua số lượng doanh nghiệp được xếp lại đã giảm từ 12 300 trước 1990 xuống 5 790 vào năm 1997. Trong toàn khu vực quốc doanh số công nhân viên từ 2,7 triệu người hiện còn 1,7 người.

Ý định của chính phủ là thực hiện cổ phần hoá và xử lý các doanh nghiệp thua lỗ để từ đây đến năm 2000 giảm tối thiểu 1 000 doanh nghiệp. Nếu có quyết tâm thực hiện thì mục tiêu đề ra cũng không phải là cao. Nhưng – tuy số lao động mất việc chưa thấm vào đâu so với Trung Quốc – cũng không dễ tránh tác động về mặt xã hội mà cái giá phải trả tuỳ thuộc không ít vào hiệu năng các chương trình phụ trợ : xếp đặt lại công ăn việc làm cho người mất việc, đào tạo nghiệp vụ để họ đổi nghề, cấp vốn cho họ mở doanh nghiệp tư nhân, v.v...

Trong những năm trước đây, cải cách doanh nghiệp nhà nước đã đưa được khoảng một triệu lao động ra ngoài khu vực quốc doanh. Nhưng đó là vào thời kỳ sức tăng trưởng đang mạnh, và phát triển kinh tế gia đình đã thu hút được một số lớn lao động. Hiện nay tăng trưởng đình trệ, kinh tế gia đình lộ dấu hiệu giảm sút từ trước khủng hoảng mà chưa có được hình thức doanh nghiệp khác tiếp sức. Chính vì thế, phát triển một khu vực doanh nghiệp tư nhân phong phú song song với phát triển nông thôn là những vế cần được đẩy mạnh để hỗ trợ cho cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nếu không, thì chỉ riêng tác động xã hội đã có thể làm nhà cầm quyền chùn bước cải tổ quốc doanh với những ảnh hưởng dây chuyền tai hại cho cả nền kinh tế quốc dân.

  

Phát triển doanh nghiệp tư nhân và phát triển nông thôn

 

1. Khu vực tư nhân trong năm 1997 có 21 360 doanh nghiệp hoạt động, 99 % thuộc cỡ vừa và nhỏ, vốn dưới 5 tỉ đồng và nhân công không tới 200 người. Số mới thành lập mỗi năm mỗi giảm, 6370 năm 1993, 4319 năm 1994, 2228 năm 1997. Một khu vực nhỏ hẹp, èo uột, bẹp dí dưới cơ chế và chính sách. Thành lập một doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi không biết bao nhiêu là công sức, tiền bạc. Thủ tục nhiêu khê chậm chạp, phải xin đủ 20 loại giấy tờ khác nhau, bình quân mất một thời gian là 6 tháng. Và tốn kém 10 triệu đồng chi phí (Tuổi Trẻ 2.4.98, DĐ số 74, 5.98, tr. 7). Cái nạn quan liêu sách nhiễu, thủ tục hành chính phiền phức thì đến cả nhà đầu tư nước ngoài được ưu đãi hơn người trong nước cũng phải ngao ngán đến ngần ngại bỏ vốn vào Việt Nam.

Những trở ngại làm cho khu vực doanh nghiệp tư nhân không ngóc đầu dậy nổi : thủ tục hành chính rườm rà ; thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước đã vậy còn được biệt đãi vay vốn ngân hàng, sử dụng mặt bằng đất đai ; pháp lý không rõ ràng thay đổi bất thường... những trở ngại ấy nằm trong tay chính quyền. Nhà nước có tỏ quyết tâm tháo gỡ, doanh nhân mới bớt e ngại, thôi không theo phương châm “ ba không ” loan truyền trong giới : không làm lớn, không làm lâu dài, không làm công khai.
 

2. Doanh nghiệp tư nhân có phát triển rộng ra nông thôn thì mới thực sự thành một nhân tố mạnh thúc đẩy tăng trưởng. Và tạo ra công ăn việc làm ngoài nông nghiệp, giúp cho nông thôn sung túc lên, trở nên một thị trường nội địa đáng kể.

 Tuy nhiên phải có cơ sở hạ tầng : đường giao thông thuận tiện, đủ điện với giá phải chăng thì nông thôn mới phát triển, doanh nghiệp mới bám rễ được.

Viện trợ quốc tế đã giúp Việt Nam sửa sang lại các trục quốc lộ lớn. Nhưng còn thiếu một mạng lưới đường giao thông tốt đến tận làng xã xa xôi. Nông thôn cũng chưa có mạng đường dây phân phát điện hiệu năng, điện không bị thất thoát quá nhiều như hiện nay.

Mở hệ đường xá nối thôn quê vào quốc lộ, tạo dựng hệ phân phối điện kinh tế đến mọi nhà ở nông thôn là hai công trình đáng được đầu tư với ngân sách xứng đáng : đó là đầu tư cho phát triển trước mắt và lâu dài và khởi đầu tạo thêm việc làm ở nông thôn.

Ngoài những điều kiện nói trên, doanh nghiệp muốn phát triển được ở nông thôn còn cần phương tiện viễn thông hiện đại, nhân sự có trình độ, người nông dân có mãi lực đáng kể.

Phương tiện viễn thông ngày nay bù đắp được những bất lợi vì xí nghiệp toạ lạc xa đô thị. Dĩ nhiên là phải đặt hệ thống điện thoại, khá dày, vận hành tốt, giá cả phải chăng. Và không ngần ngại đưa dần mạng lưới internet vào nông thôn. Đó là một phương tiện để ra khỏi hiện trạng kinh tế Việt Nam – theo UNDP “ là một trong những nền kinh tế trên thế giới đang thiếu đói thông tin nhất ”.

Chính vì phải dùng kỹ thuật hiện đại mà đào tạo nhân sự là điểm quan trọng. Bằng cách đưa dạy nghề về nông thôn, kể cả nghề quản trị, điều hành xí nghiệp nhỏ và vừa. Vấn đề là dạy thực dụng, có hiệu năng, giá cả phải chăng với túi tiền người ở thôn quê. Xin đừng quên cái hố phân cách thành thị và nông thôn rất sâu, đối với thu nhập ở nông thôn thì số tiền phải đóng góp cho con đi học tiểu học đã là một chi phí lớn gấp bội so với người thành thị.

Nhân đây xin mở dấu ngoặc, theo quỹ nhi đồng liên hiệp quốc UNICEF 43 % trẻ em Việt Nam không hoàn thành tiểu học (DĐ số 80, 12.98, tr. 10) . Đó là con số đáng buồn cho nền giáo dục và đáng lo cho sức phát triển về lâu về dài của dân tộc. Vì rằng nếu ngừng ở trình độ học vấn ấy thì không dễ gì mà đào tạo nên tay nghề hội nhập được vào một nền kinh tế hiện đại.
 

3. Điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là có thị trường. Luồng ngoại thương giữa các nước á Đông hiện đang đình trệ, nhưng có dự đoán ngay cả khi khu vực tìm lại được phát triển, trao đổi hàng hoá trong vùng cũng sẽ khó mà đạt được mức độ như trước khủng hoảng. Vì vậy công cuộc xây dựng một thị trường nội địa có tầm vóc là phần quan trọng trong chiến lược phát triển, bổ sung cho hướng mở thêm thị trường xuất khẩu ở Âu châu và Mỹ châu.

Thị trường nội địa tuỳ thuộc vào sức mua của dân chúng. 70 % người dân Việt Nam làm nghề nông, thu nhập của họ khấm khá lên thì thị trường nội địa sẽ khởi sắc ngay.

Trong những năm qua người nông dân đã đưa nước ta từ tình trạng thiếu ăn phải nhập lương thực lên hàng thứ ba về xuất khẩu gạo trên thế giới. Nhưng riêng họ thì sức mua cứ sa sút : nông phẩm không ngừng mất giá đối với các mặt hàng khác. So với 1990 thì tới 1997 lúa gạo mất 10 % đối với các loại hàng hoá không phải lương thực, 34 % đối với dịch vụ. Nhiều khi được mùa, thu nhập nhà nông đã không tăng mà lại giảm.

Thật ra họ là những kẻ bị chẹn cổ ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu...) thường là những sản phẩm công nghiệp, luôn luôn họ phải mua với giá đắt. Lợi tức bán sản phẩm ra bị hớt trên tay chiếm đoạt gần hết : theo Chương trình vì phát triển của Liên hiệp quốc PNUD, người nông dân Việt Nam chỉ hưởng được 16 % lợi nhuận do hoạt động sản xuất gạo của họ sinh ra. Phần còn lại về những người khác, công ty quốc doanh thu mua lấy 44 %, người bán buôn 16 %, người bán lẻ 9 %, người xuất khẩu 15 % (DĐ số 71, 2.9, tr. 7).

Chỉ cần để cho nông dân hưởng được phần xứng đáng với công khó của họ, tức thì thu nhập của họ tăng ngay.

Xét theo số liệu của UNDP ở trên thì việc chính phủ chấm dứt độc quyền xuất khẩu gạo của quốc doanh, cấp giấy phép xuất khẩu gạo cho bốn công ty tư nhân đầu năm 1999 là một bước trong hướng đúng đắn. Tuy nhiên không giải quyết gì tình trạng bóc lột nông dân. Và dù tước bỏ cả độc quyền thu mua của quốc doanh cũng chưa đủ : nông dân chỉ là những nhà sản xuất nhỏ, lẻ loi, công ty mua bán - nhà nước, tư nhân chẳng khác gì nhau – muốn buộc sao cũng đành chịu vậy.

Một cách để nông dân đối phó với sức ép của các công ty là cho họ được tự do hiệp hội - dĩ nhiên với tinh thần khác hẳn hợp tác xã thời nào – đứng ra thương thuyết giá mua đầu vào, giá bán sản phẩm làm ra. Như vậy nhà nông mới có cơ đương đầu được với các công ty thương mãi, mới không bị bóc lột mất phần lớn của cải họ lao lực làm ra.

Nông dân khấm khá lên được, thị trường nội địa khởi sắc lên theo. Nhờ đó cách biệt giữa thành thị và nông thôn có cơ giảm bớt, có điều kiện thuận lợi để tăng chất lượng giáo dục và y tế ở thôn quê hiện quá yếu kém.

 

Điều kiện môi trường thiết yếu cho công cuộc cải thiện kinh tế

 
Kinh tế vĩ mô ổn định, hệ thống ngân hàng và tài chính có hiệu năng và vững mạnh, cơ quan hành chính làm việc hiệu quả nhanh chóng, đó là những điều kiện môi trường thuận lợi cho việc cải cách kinh tế.
 

1. ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam có thể bị khủng hoảng khu vực đe doạ.

Khả năng trả nợ nước ngoài là một khâu bấp bênh. Cuối 1997 tổng số nợ ấy là 5,7 tỷ US đôla, bằng 23 % GDP. Chưa kể nợ Liên Xô cũ 10 tỷ rouble nay chuyển cho Liên bang Nga, nếu tính một rouble là 1 đôla, cả vốn lần lời cộng lại lên tới 16 tỷ đôla, nhưng tính theo tỷ giá hối đoái hiện nay thì chỉ là 1,6 triệu, số nợ này còn trong vòng thương thuyết.

Gánh nợ đối với các ngân hàng tư nhân quốc tế đã được giảm nhẹ sau thoả ước Việt Nam ký với Uỷ ban tư vấn ngân hàng về Việt Nam (Bank Advisory Committee of Viet Nam, thường được gọi là Câu lạc bộ Luân Đôn). Món nợ này, 851 triệu đôla gồm cả vốn lẫn lời, được xoá đi một nửa, phần còn lại trả bằng “ cổ phiếu Brady ” giá trị 30 năm.

Cho tới nay nợ nước ngoài còn chống đỡ được, miễn sao kiểm soát nghiêm ngặt không cho nợ nước ngoài tăng lên bất ngờ, như vụ phải thanh toán món nợ 200 triệu đôla tín dụng thư đã quá hạn trong năm 1988.

Cán cân vãng lai xuất nhập thường thâm hụt, Việt Nam vẫn bù đắp được bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA). Nếu FDI giảm sút quá nhiều vì một lẽ gì đó, chẳng hạn như tình hình khu vực xấu đi, thì cán cân thanh toán có nguy cơ khủng hoảng. Mất ổn định kinh tế vĩ mô vì thế mà không thể loại trừ.
 

2. Hệ ngân hàng Việt Nam vốn đã có nhiều mặt yếu kém trở ngại cho phát triển kinh tế, lại chịu tác động của khủng hoảng khu vực gây khó khăn cả bản thân nhà băng lẫn khách hàng. Nợ khó trả tăng nhanh, cuối 1997 lên hơn 12 % số nợ đến kỳ hạn phải trả. Tỷ suất nợ và tồn khoản đến cuối 1997 là 112 %, tương đương với mức độ ở các ngân hàng trong khu vực gặp khó khăn thanh toán khi khủng hoảng sảy ra.

Nhược điểm lớn của hệ ngân hàng Việt Nam là liên hệ hữu cơ với doanh nghiệp quốc doanh, tài chính yếu ớt và khả năng vận động tiết kiệm của nhân dân quá giới hạn.

Cần cải tổ sâu rộng : cải tạo ngân hàng cổ phần, chấm dứt tình trạng ngân hàng thương mãi dành vốn cho doanh nghiệp nhà nước vay, thiết lập qui tắc giám sát và khả năng kiểm soát ngân hàng, gia tăng tính trong suốt của hoạt động tài chính ngân hàng, gia tăng khả năng nghiệp vụ và bớt tính quan liêu cửa quyền của nhân viên mọi cấp...

Cải tạo ngân hàng liên quan mật thiết với cải tổ doanh nghiệp nhà nước. Có chuyển đổi khu vực quốc doanh thì mới chặn đứng được tình trạng vốn thất thoát vì làm ăn lỗ lã, mới thu hồi được một phần nợ khó trả, mới giải phóng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp - nhà nước và tư nhân - làm ăn ra lợi, đầu tư vào nông thôn ...
 

3. Cải tạo ngân hàng cũng như phục hồi tăng trưởng kinh tế đều liên hệ chặt chẽ với công cuộc cải thiện bộ máy hành chính mọi cấp.

Trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 7. 98, bộ trưởng văn phòng chính phủ Lại Văn Cử cho biết thủ tướng Phan Văn Khải không hài lòng về sự yếu kém của bộ máy nhà nước đã làm cho đường lối, chính sách của chính phủ không đến được với dân và các nhà doanh nghiệp : “ Càng đi xuống càng bất cập, một số người thi hành vừa không đạt yêu cầu về năng lực, vừa kém về phẩm chất, tiêu cực nhũng nhiễu (...) ” (Tuổi Trẻ 4 và 7.7.98, DĐ số 77, 9.98, tr. 6).

Chính bộ máy hành chính thiếu nghiệp vụ, quan liêu nhũng lạm cùng thủ tục phiền toái, luật lệ không trong suốt rõ ràng, thông tin bưng bít là những yếu tố làm cho Việt Nam đứng đội bảng 58 nước trong một cuộc khảo sát toàn diện về sức cạnh tranh một số quốc gia trên thế giới gần đây.

   

Thay lời kết

   

Con đường vượt qua khủng hoảng kinh tế đầy trắc trở chông gai. Tuy nhiên Việt Nam có hướng thoát ra giai đoạn khó khăn này và từ đó xây dựng một nền kinh tế quân bình hơn vững chắc hơn, một xã hội công bằng và bình đẳng hơn ngày nay. Nhưng phải kinh qua cải cách sâu rộng, từ cấu trúc kinh tế qua hệ ngân hàng đến bộ máy hành chính.

Nhiều chủ bài để thực hiện cải cách đưa đất nước qua khủng hoảng nằm trong tay đảng cầm quyền. Tuy nhiên, công cuộc cải tổ đụng chạm đến quyền lợi không ít những kẻ có quyền có thế.

Những nhà cầm quyền hiện nay thuộc thế hệ đi sau, không còn hào quang của những người trực tiếp lãnh đạo giành độc lập thống nhất đất nước. Họ cũng không đề ra được một lý tưởng kết hợp văn hoá truyền thống với tri thức hiện đại cho tương lai dân tộc. Chẳng phải vì Việt Nam không có trí thức. Chỉ vì chính quyền khai thác tri thức kỹ thuật thì có, nhưng cấm đoán ngặt nghèo công dân đem tâm tư về đất nước dân tộc của họ ra thảo luận tự do và công khai.

Và đó là nhược điểm lớn của nhà cầm quyền hiện nay. Thiếu hào quang giải phóng đất nước, không lý tưởng, điểm tựa duy nhất cho quyền lực của họ có vẻ nào chính đáng là phát triển kinh tế.

Tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua nhất định phần lớn là công lao của người dân Việt, một phần nhờ vào tình thế thuận lợi. Bao nhiêu là về tác động của chính quyền xin dành cho sử gia phán xét. Chỉ biết rằng nhà cầm quyền hiện nay buộc phải bám vào phát triển kinh tế mà giữ lấy quyền bính. Dân làm ăn được thì họ tạm yên, đời sống khó khăn bao nhiêu thì quyền thế của họ lung lay theo bấy nhiêu.

Chính vì vậy, mặc cho bụng một số người có quyền có thế chẳng muốn gì hơn là cứ giữ không thay đổi tình trạng ngày nay, chính thể dù muốn dù không cũng phải cải thiện một số mặt không sao để y như hiện trạng được nữa.

   

bùi mộng hùng

( Paris, 4.1999)

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss