Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 86 - 06.1999 / Đi đâu vội mấy

Đi đâu vội mấy

- Cao Huy Thuần — published 24/05/2009 01:39, cập nhật lần cuối 24/05/2009 22:12
Trong mơ ước làm việc của anh, của tôi, của bạn bè, chúng ta chỉ mới là những chàng trẻ dậy thì, những nụ non vừa hé. Chặt cây, ai nỡ chặt vào mùa xuân, khi nhựa đang chảy. Hãy chờ mùa thu, hãy chờ mùa đông... Sao anh vội đi ? Giấy bút, chữ nghĩa, máu huyết của anh đang nở như cành lê trắng điểm, gần xa yến oanh nô nức dẫm gót hài trên cỏ mùa xuân, sao anh vội đi ? Đi đâu vội mấy anh ơi !

 

ĐI ĐÂU VỘI MẤY...

 
Cao Huy Thuần

   
Anh Hùng thân mến, cho đến bây giờ, và chắc còn lâu nữa, tôi vẫn còn bàng hoàng chưa nghĩ được là anh đã đi rồi, đi biệt rồi. Vẫn cứ có cảm giác rằng anh đi đâu đó, chắc chắn là đi xa, nhưng không đi mất. Cả chục năm nay anh chưa về Việt Nam, không chừng anh về bên đó mà giấu anh em chăng ? Anh nói giọng Nam dẻo quẹo như kẹo mạch nha, nhưng ai cũng biết anh là gốc Bắc. Hay là anh đang về thăm quan họ Bắc Ninh ? Tôi tưởng như anh đang đi giữa hai đồng lúa, có tiếng hát ghẹo văng vẳng theo sau :

Hỡi anh đi đàng cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài lời
Đi đâu vội mấy anh ơi...

Anh đang đi nơi chốn xa xôi như thế, vậy mà thoắt một cái, tôi lại thấy anh ngồi trước mặt tôi, trước mặt bạn bè, oang oang cái giọng hảo hán của anh : “ Các cô này hay thật, ghẹo người ta giữa trưa đứng bóng, vậy mà còn vờ vĩnh ôm mặt thở than ”.

Thế đấy, anh đi rồi, nhưng anh vẫn cứ còn đấy ; anh còn đấy, nhưng anh đã đi rồi. Trong cái cảm giác hoang mang, ngơ ngẩn này, làm sao tôi khỏi vẩn vơ trong đầu câu hỏi đi đâu của các cô thôn nữ Bắc Ninh ? Anh đi đâu ?

Anh để lại trong tôi hai hình ảnh rất đậm : hình ảnh ông thầy võ, và hình ảnh ông thầy thiền. Trên ba mươi năm nay, tôi chưa bao giờ thấy anh bận áo lạnh mùa đông. Rét buốt cóng xương, anh vẫn thế, vẫn chiếc blouson ngắn sơ sài. Mùa thu cũng vậy, mùa đông cũng vậy. Chẳng ai biết anh là ông trí thức. Lúc nào cũng bình dị, sơ sài. Lẹp xẹp. Có lần lên xe buýt đông nghẹt, tôi thấy anh ngồi tuốt đàng sau, lùi xùi như người thợ đi làm về, rồi tôi thấy anh đứng dậy, nhường chỗ cho một phụ nữ, tự nhiên, đơn giản. Nhường chỗ cho phụ nữ thì ai cũng thường làm, nhưng có người làm mà không bình dị. Nơi anh, nhường mà không thấy nhường. Chuyện vặt thôi, nhưng đó là ông thầy võ, đó là ông thầy thiền của tôi.

Ông thầy võ mùa đông không cần áo lạnh đó, tôi chứng kiến tài nghệ của ông một lần. Một sáng chủ nhật, chúng tôi tập võ, anh đứng vô ý thế nào mà bị một em bé tám tuổi đá một cú trúng ngay giữa bụng. Mặt anh nhợt nhạt, anh vận khí liên hồi để khỏi ngất xỉu. Tôi vừa chứng kiến tài nghệ của anh một lần thứ hai. Lần này, anh luyện tập rất công phu, đứng tấn rất kỹ, nhưng ông thần bệnh cao tay hơn, đá một cú song phi, vừa trúng đầu, vừa trúng tim. Anh hết dậy.

Còn lại ông thầy thiền. Nhiều lần tôi nghe anh dạy cách thở, nhưng chưa bao giờ tôi học thở với anh. Bây giờ tôi không biết anh đang thở nơi đâu, nhưng chắc chắn là khi bạn bè nói chuyện với nhau, tôi sẽ nghe anh thở với chúng tôi.

Anh Hùng thân mến, trong cảm giác bàng hoàng, ngơ ngẩn của nửa mất nửa còn này, anh đừng trách tôi đưa vào thiền của anh một chút siêu hình. Thiền, là đánh vào trực giác. Mà nếu anh từ khước một chút siêu hình, anh không đến với trực giác được đâu. Anh còn lạ gì chuyện Trang Tử gõ vào bồn mà hát khi vợ chết. Chuyện đó không làm tôi nhớ anh bằng chuyện này. Hai thầy trò đến dự lễ tang. Đèn nến đang thắp lên trang nghiêm, bỗng trò vỗ tay vào quan tài hỏi thầy : “ Thế này là chết hay sống ? ” Thầy trả lời : “ Ta không biết ”. Trò doạ : “ Nếu thầy không trả lời, tôi sẽ cho thầy một đấm ”. Thầy vẫn nhẹ nhàng : “ Đánh thì ta chịu, nhưng thế này là chết hay sống thì ta không trả lời được ”. Trò đấm một thoi vào mặt thầy. Bình thản về lại chùa, thầy bình thản nói với trò rằng thầy bị cú đấm đau lắm, nhưng chẳng hề chi, có điều là luật chùa không cho phép trò đánh thầy như vậy. Trò bị đuổi, tìm đến chùa khác, thầy khác, danh tiếng hơn. Đem chuyện hỏi thầy mới. Thầy nói : “ Thì thầy của nhà ngươi đã cắt nghĩa rõ ràng rồi ! Cắt nghĩa như thế là đúng. Ta đây, ta cũng chẳng quả quyết được “ chết hay sống ”. Chẳng ai trả lời minh bạch được.”

Cho nên tôi lại thấy anh đi giữa hai đồng lúa, câu hát ghẹo văng vẳng theo sau. Đi đâu vội mấy anh ơi... Anh là ông thầy thiền chính hiệu : với anh, chỉ có “ ở đây và bây giờ ” ; kiếp trước kiếp sau, anh không màng tới. Tôi đồng tình đồng dạ với anh từ thuở ban sơ, nhưng bây giờ, bâng khuâng thế này, anh có cho tôi một thoi vào mặt, tôi vẫn phải nói với anh rằng : không ai biết được. Trong cái “ ở đây và bây giờ ” đó của anh đã có cái ở trước và cũng có cái ở sau. Anh đang đi như thế, lẽ nào đã không có anh ở đàng sau ? Vết chân của anh còn đấy, sao anh từ chối, bảo rằng không có gì ở đàng sau cả ? Anh chưa đến đàng trước, nhưng anh đang đi, trong đầu anh đã biết anh đến đó, chẳng lẽ không có anh ở đàng trước ? Hè này, tôi sẽ về Việt Nam, tôi chưa đi, nhưng mẹ tôi đang nhìn mấy buồng chuối trong vườn và nghĩ : nó về thì chuối vừa chín. Thế mà anh dám bảo là không có tôi ở đàng trước, không có tôi đang ăn chuối trong vườn sao ?

Lúc nhỏ, ở nhà quê, có giống chim mà tôi rất quen, tên gọi là chim khách. Bụi tre đang lim dim ngủ trong nắng bỗng lao xao một đôi chim khách ở đâu bay về, huyên náo : “ khách ! khách ! ” Thế là y như có khách đến nhà, mà thường thường là khách từ xa. Lúc nhỏ, tôi tin chim khách lắm. Bây giờ lại càng tin hơn. Chẳng tại sao cả, chỉ vì chuyện ấy đẹp, nên thơ. Chưa biết ai đến thăm, thế mới hay. Nhưng chắc chắn có người đến thăm. Người đó đang đi đến nhà tôi, đang để vết chân lại ở đàng sau, thế mà người đó vừa chưa đến, lại vừa đã “ khách khách ” đến rồi. Cái đã, cái đang và cái sẽ trộn với nhau làm một, trong một tiếng chim kêu.

Có điều là thế này, và chính vì vậy mà anh với tôi gần nhau : đừng để cái đã và cái sẽ làm phiền cái đang. Đi thì cứ đi, tự nhiên mà đi, đừng vướng hệ luỵ sau trước gì cả, như quả bóng tròn, tự nó lăn, nó lăn chỗ nào cũng được, nó lăn như thế là vì nó tự do, nó tự do như thế là vì nó tròn, không vướng góc cạnh. Tôi nghĩ anh đang đi như thế giữa hai đồng lúa thơm, đi với bước chân rất tròn, đi như lướt trên gió, đi như ông sư đi dạo giữa núi đồi. Anh nhớ câu hỏi của chú tiểu và câu trả lời của ông sư không ? Chú tiểu hỏi : “ Thầy đi đâu vậy ? ”. Sư trả lời : “ Ta đi dạo trong núi ”. Tiểu hỏi : “ Thầy đi bằng đường nào ? ” Trả lời : “ Ta theo hương hoa mà đi, chân theo cỏ non mà bước ”. Giả Đảo đời Đường có bài thơ nổi tiếng gần gần như vậy. Có người khách dừng chân dưới gốc tùng hỏi chú tiểu đồng xem thầy của chú có nhà không. Chú chỉ tay lên núi : “ Thầy tôi đi hái thuốc trong núi kia, quanh quất đâu đấy thôi, nhưng mây che kín núi, không biết thầy tôi ở chốn nào ”.

Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ

Anh Hùng thân mến, tháng năm nắng mới, hoa lá thoảng hương. Hương lúa, hương trong vườn, hương bờ dậu, hương giữa đường thơm, anh đi trong hương hoa, hoa đồng cỏ nội, văng vẳng tiếng hát bay theo chân anh. Anh đi như thế, như thế anh đi...

Chỉ tiếc một điều thôi, anh Hùng ơi, là anh đi vội quá.

Đi đâu vội mấy anh ơi

Vội mấy... Nó như cái điệp khúc : vội mấy anh ơi... vội mấy anh ơi... Anh vội quá, làm tôi choáng váng. Anh vừa mới nói chuyện với tôi hôm qua, chúng ta vừa mới bàn ngang tán dọc trên mấy lời bàn của ông nhà nho Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư về hình luật triều Lý. Tôi vừa mới sống cái say sưa của anh khi anh chia sẻ với tôi một trực giác về lịch sử Lý Trần. Lâu lắm rồi, tôi có đọc ở đâu đó một chiếu của vua Lý về việc chặt cây. Tôi nhờ anh đọc lại mấy bộ sử tìm giùm tôi năm tháng. ở cuối thế kỷ 20 này, thiên hạ mới nhao nhao báo động môi trường, chính trị trên thế giới, sau khi nhuộm màu đen, tô màu đỏ, mới bắt đầu hưng phấn vẫy vùng màu lục của lá cây, luật pháp mới bắt đầu chuông trống tuyên cáo quyền của thiên nhiên, cây cỏ. Anh là khoa học gia, mổ tim như mổ gà. Nhưng anh say mê săn bắn trong lĩnh vực của chúng tôi, nào văn, nào sử, nào kinh tế, nào chính trị, nào giáo dục, nào Phật học nữa, với một tay súng cừ khôi làm anh em khiếp vía. Đoành ! Đoành ! Chỗ nào cũng có tiếng súng của anh. Tôi lợi dụng tài nghệ của anh lôi anh vào chuyện chặt cây của tôi, vào màu lục của thời đại. Mấy tháng trước đây, anh mệt nặng, tôi nghe anh thều thào trong điện thoại : cho tôi chút thì giờ, tôi sẽ tìm cây cối cho anh. Hôm qua, mới hôm qua, mới hôm qua đấy thôi, anh gọi điện thoại cho tôi, giọng sảng khoái, bảo tôi lấy giấy bút. Chép : năm 1126 vua xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây. Tôi đắc thắng, tuyên dương tính cách vĩ đại của sự kiện đó. Tôi nói : chỉ cần nhìn qua một điều luật nhỏ bé đó thôi, anh trực giác được văn minh của một triều đại. Mùa xuân ! Mùa sống lại ! Từ rừng núi chon von đến một nụ lộc non mới nhú trong vườn, nhìn đâu cũng bừng bừng sức sống. Anh cứ thử đặt một thanh sắt trên nụ cây mận đang nẩy mầm trong vườn mà xem : nó đâm thủng thanh sắt của anh đấy. Anh đặt tai vào thân cây sồi mà nghe : nhựa cây chảy rần rần trong gân máu của anh. Ngắt một nụ non vứt đi, tôi đã thấy như mùa xuân bị cắt một gân máu, huống hồ chặt cây, chặt rừng, chặt sự sống ! Một triều đại biết yêu sự sống như vậy chắc chắn phải ghét sự chết, ghét sự khổ, ghét làm nhân dân chết, ghét làm nhân dân khổ, ghét áp bức, ghét tù ngục.

Không phải bỗng dưng tôi nổi hứng la cà với anh trong chuyện chặt cây. Văn minh Lý Trần lạ lắm, đã mấy ai chịu khó tìm hiểu với một tia chớp mới lạ trong đầu. Đó là thuở dựng nước, là lúc phải định nghĩa cái chữ ta. Mà cái chữ ta nào cũng vậy, làm sao định nghĩa được nó nếu không biết ta khác ai, ta chống ai, ta không phải là ai, ta không muốn là ai. “ Ai ” đó càng đe doạ, càng chực làm mất ta, làm biến ta thành họ, ta lại càng biết ta, bởi vì ta phải sinh tồn, bởi vì ta đang dựng nước, xây nền móng văn hoá, thổi cá tính vào linh hồn. Tôi rủ rê anh : thiếu gì người viết lách về năm 2000, viết về năm 1000 mới là cái mới, mới là hiện đại !

Thế là vui quá. Thế là bao nhiêu dự tính. Dự tính với tôi, dự tính với bạn bè. Sức làm việc của anh khoẻ như nhựa mùa xuân. Trí nhớ của anh mơn mởn như nụ xanh mới nở. Sao anh vội đi vậy ? Chúng ta thường nói với nhau : tuổi về hưu là tuổi xuân xanh nhất trong đời, bởi vì chỉ lúc đó ta mới hiến trọn vẹn xuân thì cho bao nhiêu điều mơ ước. Sao anh vội đi ?

Trong mơ ước làm việc của anh, của tôi, của bạn bè, chúng ta chỉ mới là những chàng trẻ dậy thì, những nụ non vừa hé. Chặt cây, ai nỡ chặt vào mùa xuân, khi nhựa đang chảy. Hãy chờ mùa thu, hãy chờ mùa đông... Sao anh vội đi ? Giấy bút, chữ nghĩa, máu huyết của anh đang nở như cành lê trắng điểm, gần xa yến oanh nô nức dẫm gót hài trên cỏ mùa xuân, sao anh vội đi ? Đi đâu vội mấy anh ơi !

 

Cao Huy Thuần 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: bmh-ban
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss