Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 86 - 06.1999 / Thác Sinh

Thác Sinh

- Nguyên Thắng — published 29/03/2007 00:00, cập nhật lần cuối 11/12/2012 09:38
truyện ngắn

 

THÁC SINH

 
Nguyên Thắng


LTS : Đây là truyện ngắn đầu tiên và cuối cùng của Bùi Mộng Hùng, ký tên Nguyên Thắng. Sáng tác này đăng trên Đoàn Kết số 434, (đề tháng 5.91), số báo cuối cùng do ban biên tập cũ đảm nhiệm, trước khi toàn ban biên tập "thác sinh" ra Diễn Đàn (tháng 10.91). Dưới dạng Liêu trai tân thời, viết bằng nước mắt, viết trong tiếng cười, nó là tự sự, là tâm huyết của một người đã quá vội ra đi.

 

Nguyễn sinh tên Hiệp, gốc người Hà Đông. Tiếng là dòng họ văn học nhưng thật ra nhà không có lấy tấc đất cắm dùi, đời cha lưu lạc vào sinh sống ở miền nam, vùng đất Tầm Phong Long xưa.

Sinh ăn gạo uống nước đất ấy từ thuở nhỏ, nhiễm phải cái máu yêng hùng, không sao chừa được. Đến tuổi bắt đầu hiểu biết, một hôm nằm lơ mơ đu đưa trên võng, bỗng nhiên mơ hồ cảm thấy rằng ngoài tiếng ve vang vang, ngoài hương bưởi thoang thoảng gió đưa từ vườn vào đến hiên trong, ngoài bầu trời chói chang nắng ấm, ngoài mảnh đất thân yêu thế hệ cha anh lấy máu mình thấm vào để đòi quyền được sống, là thế giới khác, của những người đang là thù địch. Càng lớn lên, sinh lại càng nhận thức thấy cái thời gian thực, thời hiện tại, thuộc về thế giới của những người kia. Giành được quyền làm chủ mảnh đất tổ tiên để lại, thì cái độc quyền làm ra hiện tại, họ vẫn nắm trong tay. Từ ấy, cũng như nhiều thanh niên đồng trang lứa, sinh rắp tâm đi tìm phương kế mang thời hiện tại về cho quê hương.

Cầy cục mãi, sinh được đi du học ở kinh đô nước Pha Lang Xa. Đất Tràng An văn vật, hội đủ mặt người năm châu bốn bể, đủ học thuật trăm nhà.

Sinh xin học phép giúp dân giúp nước, đến đâu người ta cũng cười, bảo rằng chỉ có dạy khoa học và kỹ thuật mà thôi, cứ học đi rồi muốn dùng làm gì thì dùng. Sinh nghe lời, quyết tâm theo học xem ra sao.

Cái trò càng học là càng phải chuyên sâu. Sinh chuyên một mảnh vỏ một loại siêu vi trùng. Miệt mài trên mười năm. Thành chuyên gia. Nghĩa là chỉ nói được chuyên đề, mà nói ra thì phải là chuyên gia đồng hội đồng thuyền – dưới gầm trời có được khoảng vài trăm người – mới muốn nghe và hiểu với nhau, người ngoại đạo có nghe thường cũng ù ù cạc cạc.

Sinh trong bụng phân vân, có dịp là tìm đến yết kiến các vị triết gia chuyên khoa học luận, hỏi : “ Sao lại vụn vặt như thế ? ”. Lần nào cũng được nghe trả lời : “ Khoa học mênh mông biển cả, chính vì người làm khoa học tập được đức khiêm tốn, biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, mà khoa học mới cao, mới rộng, mới tiến triển. Giữ cái thói vỗ ngực tự xưng là khoa học, nói trời nói biển không có gì kiểm chứng thì học thuật không nền không móng, có hào nhoáng cũng chỉ là cấp thời, lúc va chạm với thực tại tất đổ vỡ ngay ”. Sinh lại hỏi đến thuật giúp dân giúp nước thì lần nào cũng bị đẩy ra cửa : “ Việc ấy ngoài vòng sở học của chúng ta ”.

Gặp khi đất nước vừa được hoàn toàn độc lập thống nhất, sinh vội về, cơm ghe bè bạn ra trọ ở đế đô để xin được đem sở học góp phần xây dựng lại nước nhà. Chờ chực ít lâu, được nghe người quen trong triều bảo ngầm cho biết rằng : “ Đàn khoa học gia nuôi làm cảnh cũng là đông đủ lắm rồi, cho anh về thì mất một chỗ dành để ban thưởng cho những kẻ công lao hạng mã. Anh đã có được chút địa vị ở nước ngoài, thôi thì hãy giữ lấy chỗ ấy, cứ một hai năm về nước một lần dăm bữa nửa tháng thuyết trình vài buổi cho vui nhà vui cửa. Cứ ở lại nước ngoài vỗ tay vào tán tụng việc làm trong nước là tốt đẹp cho mọi người hơn cả ”.

Sinh trở qua Pha Lang Xa, bàng hoàng. Vốn đang theo học một võ sư người đất Phù Tang từ nhiều năm, sinh lăn vào khổ luyện thân xác. Mỗi buổi tập quì chịu cho bẻ các khớp xương, ban đầu đau toát mồ hôi đầm mình, dần dần tay chân lúc muốn cứng thì cứng như thép nguội, khi mềm thì dẻo như sợi dây mây. Lại tập di động bằng đầu gối, ngày đầu toạc cả da, máu thấm ướt ống quần, lâu dần thành chai, đi bằng đầu gối nhanh nhẹn như đi trên bàn chân. Khi ấy, đứng dậy thì thế đứng vững như bàn thạch mà chuyển động thì nhẹ nhàng như gió lướt trên ngọn cỏ. Một buổi, võ sư ngồi xếp bằng xem sinh luyện tập, nhắm mắt nghe tiếng kiếm reo trên không, vút cao mà nhỏ rứt, thoang thoảng âm điệu vui vẻ mà hoà nhã, liền mở mắt mỉm cười bảo : “ Thế là được đấy ”. Sinh hỏi : “ Quyền, kiếm, khổ luyện hơn mười năm dùng để làm gì ? ”. Thầy cười mà đáp : “ Từ xa xưa thời Tô-cư-ga-hoa tướng quân đem súng đạn dùng tràn trong trận mạc thì đã rõ rằng chỉ đùng một phát súng nổ là nhà võ sĩ lăn ra chết, công phu khổ luyện trên mười năm tan tành mây khói. Tuy nhiên người Phù Tang vẫn giữ truyền thống võ sĩ đạo, cho rằng ai tâm thành luyện võ thì có cơ biết mình. Đấy là căn bản để học làm người. Còn dùng để làm gì thì đồ đệ trong trường phái ta mỗi người phải tự tìm lấy ”.

Bạn bè từ ấy thường nghe sinh ngâm vang mấy câu thơ cổ, giọng như dại như si :

Thập niên ma nhất kiếm,
Phương nhẫn chính quang mang
Sát khí hoành ngưu đẩu
Nghiêm uy động tuyết sương
Nhập Tần ký bất khả
Quy Hán diệc vị hoàng
Hồ hải không phiêu đãng
Tráng chí thành đại cuồng.

Thân thích thấy sinh trước kia vốn cho câu “ lập thân tối hạ thị văn chương ” của người xưa là phải, vẫn xem văn thơ như cỏ rác, nay bỗng đâm ra mê sách báo. Ôm cả sách mà ngủ, khi thức dậy nhiều khi khoe gặp người đẹp trong sách. Cho là sinh nổi cuồng.

Một chiều đông tuyết đổ lất phất, sinh đi làm về, ngồi trên chuyến xe công cộng đọc tờ báo do người đồng hương sinh sống ở đất Pha Lang Xa làm ra. Bỗng nhiên nghe thỏ thẻ bên tai :

Những nhà cao những phố đầy người
Đèn sáng rực không làm ấm được tâm hồn xa xứ sở
Phòng chật hẹp giam đời rộng mở
Lòng rỗng không bên hàng hoá dư thừa...

Quay lại thì là một thiếu nữ đồng hương, tuổi độ đôi chín hai mươi, mặt nghiêng nghiêng e lệ, mà đôi mắt bồ câu láy láy về phía sinh. Sinh se sẽ đọc mấy câu thơ :

Tuyết đổ dày thêm đêm lạnh buốt
Người về phòng nhỏ, bóng cô đơn
Mở chai bia lạnh thay cơm tối
Ngồi đọc thư nhà lệ chứa chan.

Đôi môi hình múi cam của cô gái nở nụ cười, lòng sinh xao xuyến. Sinh xích lại làm quen, khi gần đến nhà, ngỏ lời mời cô gái dùng chén trà nóng cho ấm người...

Từ ấy cô gái đúng hẹn lại đến thăm sinh.

Sinh thấy thường ngày lời nói nàng văn hoa, chỉ phải đôi khi, chẳng hiểu tại sao, tự nhiên lời lập khuôn tuôn ra hàng tràng, từ ngữ lạc mất hết ý nghĩa, giọng thì như người hết hơi mà lại cố cho ra vẻ hùng hồn, làm như là diễn thuyết trước đám đông vậy. Nhân lúc thân mật, sinh mới tò mò hỏi : “ Người sinh trưởng trên đất nước này, phụ nữ ai ai cũng dầy dầy sẵn đúc một toà, riêng nàng sao lại thân gầy như hạc, xương cốt như mai ; còn văn nói ở đây thói thường phóng túng mà sao nàng thỉnh thoảng lại bật ra lối nói rập khuôn nghịch đời đến thế ?

Nàng ngả đầu, ứa lệ bùi ngùi mà rằng : “ Nào phải riêng mình em mới ra thân thể này đâu ! Tất cả chị em chúng em đều là thân phận mắc phải lời nguyền tuyệt đối tuân theo bề trên. Trên cho sống thì được sống, bảo chết thì lăn vào nước sôi lửa đỏ không chút ngại ngần, chẳng giây phút nào không chăm chắm tuân thủ phép nhà rất nghiêm. Em sinh ra ở nước ngoài mà ngay từ trong trứng nước cũng đã bị bắt luyện theo phép phản xạ có điều kiện, như Tề thiên bị gắn kim cô gặp việc là lưỡi tự nhiên cứng lại như gỗ, lời nói tự động tuôn ra. Với chàng mà thốt ra những lời ý đã mòn tình đã bạc, em hổ thẹn chín nẫu cả người thế mà phản xạ nó cứ đùng đùng kéo lên, không sao ngăn nổi ! ”.

Sinh ôm nàng vào lòng, thương xót vô hạn.

Quen nhau được ít lâu, sinh thấy nàng trò chuyện thoải mái không còn nói lối xưa, sờ vào người thấy da thịt sởn sơ hẳn ra, mới đùa rằng : “ Từ ngày nàng phải hơi ta, tình sâu, ý đẹp, mượt mà thịt da ”. Nàng đỏ mặt, phát vào vai sinh một cái, ngả người vào lòng sinh nói rằng : “ Cái anh chàng này tự kiêu vừa vừa chứ, không thì cái mũi đã to thô lố nó lại lớn phổng lên đến bằng quả cà bây giờ đấy ! Thế chị em trong nước ai nấy đang căng sức sống mới, cũng là hơi hướng của chàng đấy à ? ”. Đùa bỡn với nhau một hồi, nàng nằm dài bên sinh, lau mồ hôi lấm tấm ướt hai hàng tóc mai, thủ thỉ kể rằng : “ Trong nước đang hồi đổi mới. Lãnh đạo tối cao mới nhậm chức là Linh công, vừa rồi có lời huấn dụ chị em chúng em bảo bỏ lối tô hồng xưa, từ nay nói thẳng nói thật, viết không phải bẻ cong ngòi bút mà lách nữa. Nhờ thế chúng em dạo này được nới xiềng xích, rút bỏ phép kim cô phản xạ, được nở mày nở mặt mà nói tiếng nói của người phó thường dân ”.

Từ ấy thường đem ra bàn với sinh thuyết dân vi quý giang sơn thứ chi lãnh đạo vi khinh, sinh vô cùng lý thú, tình càng nồng đậm.

Cuối năm Canh Ngọ, sinh thấy nàng có khí hắc ám thường phảng phất trên mặt, đáy mắt ánh lo âu, hỏi lý do, thưa rằng : “ Mở rồi lại đóng là thói thường tình của triều chính, em vẫn chờ đợi có lúc này, nhưng đã nếm mùi tự do rồi nghĩ không thể khép mình theo khuôn khổ cũ nổi. Hiện nay các chị em trong nước đã bị xiềng xích trở lại, miệng bị khâu kín hết cả, riêng em ở ngoài xa muôn dặm còn được tự do nhưng tình thế này duyên nợ đôi ta không biết còn được bao lâu nữa ”. Sinh kéo nàng vào lòng an ủi : “ Tướng ở xa ngoài ngàn dặm thì không tuân lịnh vua, một số đầu mục to nhỏ ở đây cũng đã đôi lúc biết nghe ngóng tiếng nói của dân, không lẽ bây giờ lại đi nhắm mắt cúi đầu tuân theo những lệnh trái với tâm tư nguyện vọng của người xa quê trên đất này sao ? ”. Nàng vẫn không ngớt xụt xùi : “ Chàng nói như vậy là chưa biết rõ vua quan trong triều thế nào đấy thôi !

Một tối cuối xuân Tân Mùi, nàng từ đâu hốt hoảng ùa vào nhà ôm chầm lấy sinh, nức nở. Sinh hỏi dồn, qua tiếng nấc nghe câu còn câu mất hiểu được lời nàng rằng : “ Lệnh xiết kim cô, buộc em theo định hướng đã đến rồi. Trở về đường cũ, em làm sao trở về nổi nữa. Em chỉ còn cái chết mà thôi ! Lệnh thi hành thượng khẩn. Thôi thế là hết, đêm nay là đêm cuối của đôi ta ! ”. Sinh bật dậy hét to : “ Thế là thế nào, để tao cho mấy thằng ấy biết tay tao ! ”. Nàng gạt lệ, níu tay sinh ôn tồn nói : “ Chàng ơi ! vỗ kiếm trợn mắt có bao giờ giải được việc gì đâu ! Đôi ta chỉ còn có đêm nay, có thật thương em thì lóng tai mà nghe cho hết lời em dặn dò. Em nguyện nói trung thực tiếng nói của người dân, nhưng lỡ vướng phải dây oan nghiệt ràng buộc từ trước khi lọt lòng, chỉ có cái chết mới thoát ra khỏi. Hiện nay, ý dân đang ngùn ngụt ngất trời cao, em nguyện thác sinh để lại nói lên tiếng của lòng dân ta. Chàng và em, đôi ta cùng thiết tha cho tiền đồ dân tộc, cùng thiết tha với tự do, với công bằng, ắt duyên nợ còn dài. Trùng trùng duyên khởi, thế nào em cũng trở lại. Nhớ đón em. Nhớ em bao nhiêu, em sớm được thác sinh bấy nhiêu ! ”. Nói xong lại nức nở gục vào ngực sinh, hai hàng lệ nhỏ : “ Đã biết là sau khi trút cái xác này thể nào cũng thác sinh trở lại gặp chàng, nhưng bao năm tình nghĩa mặn nồng, giờ phút chia tay không khỏi đau đớn xé lòng ! ”.

Ngoài trời mưa gió ; sinh ôm nàng lên giường, thiếp đi lúc nào không biết.

Lúc bừng dậy, chỗ nàng nằm bên sinh nệm còn vết trũng, gối ướt thấm qua cả vai áo sinh, còn nàng thì đã biến đâu mất. Chỉ thấy gió lạnh luồn qua cánh cửa hé mở, thổi hạt mưa lất phất bay tới trong giường.

Sinh quặn đau tới thớ thịt chân lông, phóng xe đến địa chỉ của nàng. Dãy nhà ngất cao trên bến sông Xen, cạnh dinh thự bộ tài chánh chắn ngang như bức tường thành. Sinh lần theo hành lang quanh quất đến tận từng dưới tối đen, dãy thùng thơ xắp hàng trên bức tường xừng xững màu xám. Bật lửa lần đọc thấy tên trên một thùng sắt hoen ố, tìm hỏi, không ai biết là đâu.

Sinh đi trở lên, chỉ thấy sóng người lớp lớp tấp nập vào ra, thản nhiên. Mãi đến tầng trên cùng , vào quán gọi rượu.

Bọt rượu li ti, xa xa sông nước, miên man trôi, không dứt.

    

(Ta thấy trong chỗ giao du, từ tâm sự cho đến tình duyên của nhiều người có một vài điểm ít nhiều tương đồng với Nguyễn bèn ghi lại truyện này tặng bạn bè gần xa, chép xong nhằm một ngày cuối tháng Mạnh Hạ năm Tân Mùi. Ta vẫn biết Hiệp không phải là người làm thơ, tra cứu mới rõ là mấy vần từ miếng sinh thốt ra chính là thơ Thanh Nam, mấy câu thiếu nữ đọc thì vốn là thơ Phương Nam, còn bài thơ cổ là của Hải thượng Lãn ông trong bài tựa Y Tông Tâm Lĩnh. Phó bảng Phan Võ từng dịch là :

Mười năm mài chiếc kiếm,
Sắc bén rực hào quang !
Sát khí xông ngưu đẩu,
Hùng uy động tuyết sương.
Vào Tần đã không phải,
Về Hán còn hoang mang.
Hồ hải luống trôi dạt,
Chí mạnh hoá ngông cuồng.)

   

Nguyên Thắng 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng, tập-1
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss