Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 87 / Tưởng Niệm

Tưởng Niệm

- Bạn bè và thân hữu BMH — published 24/05/2009 01:00, cập nhật lần cuối 24/05/2009 22:10

 

Tưởng niệm Bùi Mộng Hùng
1932-1999

 
Tôn trọng ý muốn của người quá cố, cuộc hoả táng bác sĩ Bùi Mộng Hùng, giám đốc nghiên cứu Viện INSERM, thành viên ban chủ biên Diễn Đàn đã diễn ra trong vòng thân mật ngày 28.5.1999 tại nghĩa trang Les Ulis.

Chiều 5.6, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đồng môn đã họp mặt tại Le Vésinet (ngoại ô phía tây Paris), cùng nhau gợi lại những kỷ niệm về nhà giải phẫu, nhà khoa học, võ sư, con người Phật tử, nhà báo, người cha... đã qua đời.

Võ sư Noro, giáo sư Daniel Laurent, bác sĩ Tôn Thất Hối, bác sĩ Phạm Gia Biểu, giáo sư Cao Huy Thuần, giáo sư Hà Dương Tường và Bùi Bạch Ngọc, Bùi Bạch Nga đã lần lượt phát biểu. Xen kẽ với các bài phát biểu, một số bạn hữu đã trích đọc những bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp của Bùi Mộng Hùng, những bức thư và điện gửi từ Việt Nam và các nước chia buồn với gia đình và báo Diễn đàn. Dưới trời mưa tầm tã, cuộc họp mặt đã diễn ra trong không khí xúc động, trang nghiêm và thân ái.

Chúng tôi được biết tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai Trường đại học y khoa và các bệnh viện Hữu Nghị Việt-đức (Phủ Doãn cũ), Chợ Rẫy đã tổ chức một phút im lặng để tưởng nhớ người quá cố.

Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng tiếp một số thư và điện của bạn bè xa gần.
   

*

 
Chúng tôi hết sức đau lòng được biết tin anh Bùi Mộng Hùng đã qua đời ngày 24.05 vừa qua. Đây thật là một tổn thất cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, một mất mát cho những anh chị em của phong trào chúng ta tại Pháp, tại Đức và cũng để lại thương tiếc và xúc động trong lòng những người sống ở trong nước đã có dịp gặp gỡ anh Hùng.

Chúng tôi có tên dưới đây là những người đang ở nhiều phương trời khác nhau, tiếp xúc và làm quen với Anh trong những thời điểm khác nhau, người từ 30 năm trước, kẻ mới chục năm sau này. Thế nhưng điểm chung trong những lần gặp gỡ với Anh là, nó luôn luôn xảy ra trong một khung cảnh sôi nổi của đất nước, của phong trào, lồng nhau trong những ước mơ cao đẹp về một xã hội của những người muốn sống cho ra người.

Cũng vì điểm chung nhất đó, và cũng vì gặp gỡ Anh trong những thời điểm khác nhau của ba mươi năm qua, trong những bước thăng trầm của đất nước và phong trào, trong dòng nước chảy mau của lịch sử đó mà con người Anh bỗng trở nên rõ nét và nhất quán đối với chúng tôi. đó là một con người yêu quê cha đất tổ một cách thắm thiết, với một trái tim chân thành, với một đầu óc dũng lược. đó là một người mà nhân cách dũng cảm đáng làm chúng ta ngắm nhìn và khâm phục, nhất là trong thời đại này của đất nước.

Bên cạnh cái nhân cách đó của một bậc trượng phu, Anh còn nhiều đức hạnh khác làm cho chúng ta phải ngạc nhiên tại sao chúng lại qui tụ nơi một con người : một đạo tâm hiếm có, một tầm nhìn bao quát, một ngòi bút sắc sảo, một chuyên gia cao cấp, một tay võ thuật cao cường. Và cuối cùng nhưng đáng quí nhất, một con người xứng đáng với gia đình và bè bạn.

Phải chăng vì qui tụ những tinh anh khó kiếm đó mà đời Anh tương đối vắn số. Nhưng nếu bây giờ Anh Hùng còn nghe thấy được, chắc anh cũng đồng ý với câu nói : “ Cuộc đời như một cuốn sách, không nhất thiết phải dài, nhưng phải hay ”. Cuộc đời anh Bùi Mộng Hùng thật là hay.

Trong số chúng tôi, anh Bùi Văn Nam Sơn đang ở trong nước, tiếc rằng không thể sang kịp để khóc tiễn Anh, xin kính dâng mấy lời tưởng nhớ Anh :

Mạc mạc nam thiên huyền viễn mộng
Du du khách địa tích hùng tâm

và :

Nhớ nước thương dân, ngọn bút ngát hương mùi chính khí
Yêu đời mến đạo, tờ hoa rạng tỏ tấm truân thành

Chúng tôi kính xin lễ bái trước anh linh anh Bùi Mộng Hùng, kính chúc Anh sớm thiêu thoát, kính chia buồn cùng chị Hùng và toàn thể tang quyến.

Bùi Văn Nam Sơn, Lê Hiếu Đằng,
Nguyễn Phương Danh, Nguyên Hạo (Việt Nam),
Nguyễn Tường Bách, Lê Văn Cát, Tô đình Hải,
Trần đại Lộc, Phạm Như Phúc, Lê Chiến Thắng,
Đỗ Thị Vinh (Cộng hoà Liên bang Đức)

 
*

 
Trong suốt hai, ba năm trời không khi nào tôi bỏ dở lớp Hán Nôm của thầy Tạ Trọng Hiệp từ 5 đến 7 giờ chiều thứ sáu ở Trường đại học Jussieu. Trong mấy khoá liền, lớp học vẫn có bao người ấy : Tây có, Ta có, già có trẻ có. Học giỏi như Anh Hùng, học dở như... tôi cũng có. Còn nhớ mỗi lần được thầy Hiệp gọi lên bảng là một lần xấu hổ. Có lẽ đó là lý do khiến tôi bớt nghiêm khắc trước học sinh khi nhớ đến nụ cười bao dung của ông thầy dạy tiếng Nôm.

Bây giờ, gần mười lăm năm sau, tôi mới thấm hiểu sợi dây ràng buộc mình với lớp học : tình bạn giữa đồng môn, lòng kính mến đối với ông thầy họ Tạ, anh trưởng tràng họ Bùi và ngôi sao sáng của lớp Tây học như tôi trên đất Pháp, tôi muốn nói Bác Hãn.

Vài năm sau, lúc được mời về Paris giảng triết tại trường Collège International de Philosophie ở Trường Bách khoa cũ, tôi gặp lại cố nhân. Thời buổi ấy mà nói về quan hệ giữa Nho giáo và chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam thì không khác gì đi bán hoa cuối mùa. Có anh đoán nổi sự có mặt của bộ ba Giao, Hiệp, Hùng đã mang lại cho mình niềm vui tới chừng nào ! Cũng như lúc ốm bệnh nằm nhà thương lại nhận được nụ cười tươi, lời an uỷ vàng ngọc của anh bác sĩ trưởng tràng : Tất cả chỉ qui vào nếp sống và cách sống thôi, đó Thảo.

Có người nói tình bạn Việt Nam trong thời chiến không khỏi bị tiêu hao, tổn thất như xương máu con người. Gặp, quen và biết được những người Việt kiều như bác Hãn, bác Khanh, bác sĩ Lê Văn Hùng, anh Tạ Trọng Hiệp, anh Bùi Mộng Hùng... đối với tôi quả là một hạnh phúc lớn. Qua họ, tôi tin chắc rằng dù nghèo khổ đến đâu, người dân Việt vẫn giữ được cái chất đẹp tuyệt vời của nó.

Trịnh Văn Thảo

Aix-en-Provence, tháng sáu 1999

 
*

    

Tôi được biết anh Bùi Mộng Hùng qua báo Diễn Đàn, nhưng chưa lần nào được gặp mặt. Lần đầu tiên được biết chân dung anh qua số báo 86/6.1999, và có lẽ là lần cuối cùng...

Văn bút và nhân sinh quan của anh Bùi Mộng Hùng rất trong, rất thiền. Tôi đã được lãnh hội nhiều trong đó.

Ngô Văn Tuấn và các thành viên, ban biên tập

của Hội phát triển Việt Nam, Vietnam Revue, Hà Lan

 

*

 

Tôi rất xúc động khi được tin anh Bùi Mộng Hùng đã qua đời. Tuy rằng chưa quen biết các anh, nhưng với tôi, Diễn Đàn là một người Bạn lớn. Tôi vẫn mong một ngày nào đó, khi thu xếp được thời gian, sẽ sang Pháp và đến thăm các anh để có dịp trực tiếp nói chuyện với từng người trong Ban Biên Tập, làm quen thực sự với tác giả của các bài viết, các công trình biên tập và biên soạn mà tôi hằng quí trọng. Nhưng với anh Hùng, ước mong ấy của tôi không bao giờ còn có thể thành hiện thực. Tuy rằng muộn mằn, xin phép được gửi tới các anh và gia đình anh Hùng lời chia buồn của một người bạn.

Thiên Nam, 

Warszawa, Ba Lan

 
*

 

Tôi bắt đầu quen biết anh Hùng khi làm ngoại trú ở bệnh viện Bình Dân khoảng 56-57. Như đa số sinh viên di cư hồi đấy, ai cũng nghi kỵ anh : một phần vì nghe có dính líu gì với Phong trào Hoà bình của Giáo sư Phạm Huy Thông (1), một phần vì tác phong kiểu “ công nhân ” của anh, luôn luôn bận quần short xanh, di chuyển bằng một cái xe đạp cũ rích. Nhất là khi biết anh nói giọng Nam nhưng nguồn gốc là “ Bắc Kỳ ”. đối với một số sinh viên di cư cực đoan hồi đó, “ Bắc Kỳ cũ ” đều là cộng sản. Sinh viên Nam chính cống được đánh giá nhẹ là thân cộng ngoài miệng ; ghét di cư vì ngạc nhiên một cách ngây thơ là nước nhà đã được độc lập mà lại bỏ vô nam [...]

Tôi thua anh Hùng hai năm : sau một thời gian làm ngoại trú ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi tiếp tục làm ngoại trú rồi nội trú ở bệnh viện Bình Dân cho tới khi đi Pháp. Trong thời gian dài ở bệnh viện Bình Dân, tôi mới có dịp biết anh nhiều hơn và những nghi kỵ biến mất lần lần. để hiểu thêm về anh Hùng, cũng nên nhắc lại tình trạng Trường y khoa hồi đó. Khi đại học Hà Nội di cư vào Nam, trường y khoa chia làm 2 phái. Phái Nam là bệnh viện Chợ Rẫy tượng trưng bởi Giáo sư Trần Quang đệ. Phái Bắc di cư đóng đô ở bệnh viện Bình Dân mà người chủ trì là Giáo sư Nguyễn Hữu cùng toàn thể bác sĩ, y tá, y công từ nhà thương Phủ Doãn vô. Giáo sư Trần Quang đệ được đào tạo hoàn toàn ở Paris lại mang cái titre cực kỳ danh tiếng hồi đó là Ancien Interne des Hôpitaux de Paris, quen toàn những ông thầy danh tiếng ở Paris, cao lớn như Tây, nói tiếng Tây như Tây, sinh viên người Nam ai cũng kính nể, kêu một điều là Monsieur le Professeur hai điều là Ông Thầy. Trái hẳn với Giáo sư Nguyễn Hữu người nhỏ bé, vui vẻ, luôn luôn pha trò, coi sinh viên trong thế hệ tôi như đàn em, cách xưng hô cũng khác. Một bên là Kính Ông Thầy, một bên là Thưa Anh (2). ông Hữu cũng như ông Phạm Biểu Tâm và giáo sư Tôn Thất Tùng đều là học trò ông Huard, được đào tạo ở Hà Nội, chỉ một thời gian đi Pháp để thi thạc sĩ. Không khí làm việc với ông Hữu thật cởi mở trong tình anh cả dìu dắt đàn em tuy phải rất chịu khó vì ngoài bệnh viện, ông còn giữ Cơ thể học viện. Giữa hai thái cực như vậy, không ai nghĩ là anh Hùng lại có thể gần như trong suốt thời gian học y khoa sống giữa đám di cư ở bệnh viện Bình Dân và trở thành học trò tâm đầu nhất của Giáo sư Nguyễn Hữu. đó cũng là một cá tính đáng quí của anh, từ trong sự học hành làm việc và ngay cả trong hôn nhân luôn luôn kiếm được cách dung hoà hai thái cực, chế ngự được thành kiến, biến đổi môi trường cho hợp với mình.

Cái đức tính thứ hai của anh Hùng là đam mê làm việc. Khi làm nội trú giải phẫu, phải gác đêm nhiều. Mổ xẻ phần nhiều hết buổi sáng, buổi chiều anh lại phụ giúp gs Hữu ở Cơ thể Học viện nghiên cứu thí nghiệm trên mấy macchabées, mổ chó, ghép chó... đêm thì học, tối còn dành cho những đam mê khác như đánh võ...

Chuyện anh Hùng qua được Pháp cũng không phải là dễ. Hồi ông Diệm, để đào tạo cán bộ giáo huấn tương lai cho trường y khoa, có định cho một só bác sĩ có titres, sau thi tuyển được giải ngũ hay miễn ngũ (vì đa số sinh viên sau năm thứ 5 bị trưng dụng vào quân y) để đi ngoại quốc học. Anh Hùng ngay khi học hết năm thứ 6, vì không muốn bị trưng dụng, đã tự đúp lại năm thứ 6. Khi được trúng tuyển ngành giáo huấn về giải phẫu tim phổi, vì “ thành tích xấu ” (đã tham gia Phong trào Hoà bình) nên mặc dầu có sự hỗ trợ của các thầy học như Gs. Phạm Biểu Tâm, Gs. Nguyễn Hữu... đã rất vất vả và phải cầy cục một thời gian khá lâu mới đi được Pháp. ở Pháp, sau khi đậu chứng chỉ chuyên khoa giải phẫu, không màng tới chuyện làm tư, anh tiếp tục làm trong ngành nghiên cứu ghép tim. Có thể nói, trong thời kỳ còn phôi thai của kỹ thuật đó, sự nghiên cứu của anh Hùng đã đóng góp một phần không nhỏ.

Phong Uyên, 

Paris, tháng 6.99

 
*

 

Tôi biết tin anh Hùng mất hơi chậm, bất ngờ và xao xuyến làm sao.

Khi học ở Paris hồi 1983-1987, mỗi dịp năm mới hay mấy festival mùa xuân ở Lyon hay Marseille, lưu học sinh chúng tôi thường tham gia cùng các anh chị. Ấn tượng về anh Hùng trong những lần gặp chung ngắn ngủi ấy, là ấn tượng về một tính cách hảo hán Nam bộ, giản dị và thuyết phục.

Sau này đọc những bài viết của anh Hùng, tôi vẫn thường ngạc nhiên sao anh biết nhiều về Việt nam đến vậy. Anh Hùng – như một số anh chị ở Pháp tôi biết và mến mộ – luôn tha thiết một tấm lòng về quê hương lại có dịp hiểu nhiều những điều bên ngoài, cho tôi học hỏi được rất nhiều.

Có những người mất đi để lại sự thương tiếc thật nhiều, cả trong những người chưa nhiều quen biết.

Hồ Tú Bảo, 

Kanazawa, Nhật Bản

 

*

   

Nhận được Diễn đàn tháng sáu ngày hôm qua, giật mình trước sự bất thường của trang chính. Biết chú Bùi Mộng Hùng, tác giả của những bài viết về giáo dục và Phật học, mà Nghĩa Hà đặc biệt thích, qua đời, rất buồn. Lại được hay người mới thác còn là Nguyên Thắng, người viết những bài điểm sách công phu ít lâu nay thu hút sự chú ý của Nghĩa Hà, thêm một lần buồn nữa. Một sự ra đi như thế với những người bạn đọc như Nghĩa Hà đã là hai lần mất mát. Xin được chia buồn cùng Diễn đàn trước sự mất lớn này. Cũng xin được qua Diễn đàn gửi tới cô Bùi Mộng Hùng và gia đình lời thành kính tiếc thương người vừa khuất.

Vẫn tin rằng từ ấy, một thác sẽ nhiều sinh.

Đỗ Quang Nghĩa & Lê Minh Hà, 

Limburg, Đức

   

*

   

Sáng thứ bảy 12-6 vừa nhận được Diễn đàn thì được tin buồn này. Tôi đã từng có dịp nghe đến tên Bùi Mộng Hùng qua các hoạt động của Hội y học từ thời Hội người Việt Nam tại Pháp của hai thập niên 70-90. độc giả của Diễn đàn từ nhiều năm nay, tôi rất thích đọc các bài viết của Anh Hùng ; bài viết đề cập đến nhiều đề tài khác nhau với các suy nghĩ phân tách rất sâu sắc ; nhất là các bài liên hệ đến triết lý Phật giáo. Các vấn đề Anh nêu ra có thể làm nền tảng cho những người Việt ở nước ngoài mà còn nhiều gắn bó và tha thiết với quê hương đất nước. Nội dung của Diễn đàn số 86 là một dịp cho tôi biết nhiều hơn con người Bùi Mộng Hùng qua các hoạt động tích cực nằm trong diện phục vụ cho cộng đồng, một thày dạy võ về tinh thần (spirituel), về nhà viết báo Bùi Mộng Hùng. Một người mà tôi rất ngưỡng mộ dù là chưa bao giơ được gặp mặt. Xin nhờ ban biên tập Diễn đàn gửi lời chia buồn đến gia đình Anh Hùng. Đây là một mất mát lớn đối với Diễn đàn và nhiều độc giả.

Lê Cao Huy,

Sainte Clotilde, Ile de la Réunion

   

*

   

Tuy cũng nhiều dịp tiêp xuc (*) với Bùi Mộng Hùng, trong thời gian tính có hơn ba, bốn thập niên, qua bao nhiêu biến động chánh trị, xã hội, tư duy, quả tình tôi không dè Hùng vốn gốc Bắc Kì (3) ; bởi trong phong cách, trong cử chỉ, trong ngôn ngữ, trong dang voc, trong giọng nói, Hùng không còn hằn dấu tích gì có thể coi là Bắc Kì. Hùng đã bị/được Nam Kì hoá toàn bộ : Hùng ăn nói đặc Nam Kì, Hùng cư xử đặc Nam Kì, Hùng phản ứng đặc Nam Kì, Hùng vồn vã đặc Nam Kì, Hùng ăn uống đặc Nam Kì. Hùng là Nam Kì đặc.

Vậy mà lần cuối cùng gặp mặt Hùng, mới mấy tháng trước đây, tôi đã có dịp khiến cho Hùng, vốn là con người sành sỏi đầy đủ khía cạnh, đột ngột sững sờ. Sững sờ, khi nghe tôi chẳng chút ngại ngùng, huỵch toẹt dùng thẳng cụm từ “ đế quốc Bắc Kì ” để phát biểu nhận xét của mình về những điều chướng tai gai mắt hằng nghe thấy và chứng kiến giữa cái xã hội lộn sòng hiện hữu : thí dụ, toàn thể phát ngôn viên Đài Truyền hình Việt Nam thảy đều gốc Bắc Kì, ngôn ngữ miền Nam và ngôn ngữ miền Trung coi như là thổ ngữ, địa phương, và nhiều hơn nữa.

Đối chiếu lịch trình vừa qua, khi đặt chưn trở về Paris hôm trước, mới hay rằng, vào đúng ngày giờ Hùng trút hơi thở cuối cùng, tôi đương lênh đênh trên dòng sông Hương, đi đò nghe ca Huế về đêm, núi Ngự vây quanh. Thưởng thức những nhạc điệu khi thì linh hoạt, rộn rã, khi thì ai oán u buồn. Những giọng hát, những lời ca, những phím đờn đặc Huế, những ca sĩ và những nhạc sĩ Huế, nghĩa là những món đặc sản nghệ thuật Huế dành riêng cho thính giác, thị giác và cả trái tim, hệt như mè xửng, bún bò, cơm hến là những món ăn Huế dành riêng cho giới ẩm thực sành điệu.

Tôi dám chắc rằng, ngoái nhìn ngược thời gian và cả ngay bây giờ ở chốn Tuyền đài, hay được tin nầy, Hùng sẽ không khỏi lấy làm phấn chấn trong lòng và vô ngần mãn nguyện. Hùng sẽ cảm nhận rằng tôi đã mặc nhiên tiễn đưa Hùng bằng những nhạc điệu và ca khúc đặc thù và muôn thuở. Và con người nghệ sĩ chịu chơi của Hùng có lẽ còn hứng khởi hơn ta tưởng.

Nghĩ cho cùng, Hùng thật tình không là thánh nhơn như nhiều người đã hết lời ca tụng, tôn sùng (4). Bởi thánh nhơn đâu có sống như con người ; thánh nhơn đâu có nhậu nhẹt, đâu có say sưa, đâu có ham muốn, đâu có ghet thương, đâu có hờn giận, đâu có ăn chơi. Mà Hùng thì trong cả máu thịt, trong cả tâm linh đầy dẫy bao nhiêu là hỉ, nộ, ái, ố, suôt hêt cuộc đời, và đôi khi cũng chẳng thiếu những sai lầm lớn nhỏ.

Nhưng giữa thánh nhơn trong sạch và con người dấn thân không ngừng lặn ngụp trong vòng tục luỵ và hành khât trên đường thế đồ, chưa chắc ai đã hơn ai.

Trần Mai Lan,

Paris, 8.6.99

 
*

 

Chị Vân yêu quý,

Thế là Anh Bùi Mộng Hùng đã đi xa, thật là đột ngột. Anh cũng chọn vào tháng Năm, tháng mà 17 năm trước Thày Tùng, người mà anh rất yêu quý cũng chọn tháng này để ra đi.

Nhớ làm sao những năm tháng đầu tiên quen biết nhau trong những đợt thực tập y khoa Việt Cộng sang Tây du học còn đi xa lửa, đưa đón đóng thùng ở sân ga Paris ! Nhớ làm sao những lần cùng các anh chị đi chơi miền quê xứ Pháp với những tình cảm thật là tươi sáng ! Nhớ làm sao những kỳ anh về nước dự lễ quốc khánh còn phait mượn tụi này xe đạp để đi lại trong Hà Nội ! Nhớ làm sao những lần em sang Pháp gần đây, mặc dầu yếu mệt, lần nào anh cũng đến gặp trong tình cảm sâu đậm. Nhớ làm sao những lần đàm đạo với anh về y học, y tế Việt Nam và về giáo dục đại học.

Hình ảnh của anh luôn luôn sống rất sâu đậm trong tâm trí của tụi này.

Chị Vân ơi,

Thế là cả chị cũng như tụi này đều mất anh Hùng ai cũng buồn đau nhưng chị là người mất mát lớn nhất, đớn đau lớn nhất. Trong phút giây đau đớn này, không nói được gì nhiều cả, Chị Vân ạ. Chỉ biết tụi này rất yêu quý anh Bùi Mộng Hùng. Nhờ chị thắp dùm nén nhang cho anh để chứng tỏ tụi này luôn ở bên các anh các chị.

Tôn Thất Bách,

Hà Nội, 28.5.99


*


(1) Theo chúng tôi biết, đây là lời đồn không căn cứ (DĐ)

(2) Đây là cách nhìn phổ biến trong một giới sinh viên y khoa di cư (chú thích của toà soạn)

(*) Chúng tôi tôn trọng chính tả của tác giả (xem chú thích của toà soạn trong một số trước).

(3) Nguyễn Ngọc Giao, Anh Hùng, Diễn Đàn số 86/6-1999, tr. 13.

(4) Diễn Đàn, số 86/6-1999, tr. 13–20. Người đánh máy đọc lại những trang ấy, chẳng thấy bài nào có ý “ tôn sùng ” cả, “ thánh nhơn ” lại càng không. Không hiểu tại sao anh TML lại nổi... sùng lên thế.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: bmh-ban
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss