Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 105 / Tiền đồ đất nước và trách nhiệm trí thức

Tiền đồ đất nước và trách nhiệm trí thức

- Lê Hồng Hà — published 10/09/2016 15:50, cập nhật lần cuối 23/11/2016 11:24

Tiền đồ phát triển của đất nước
và trách nhiệm
của giới trí thức Việt Nam (*)


Lê Hồng Hà



Ngày 16-2-2001 công an vô cớ bất thần vào nhà lục soát, lấy đi các tài liệu của ông Lê Hồng Hà (Lê Văn Quý), một cựu đảng viên cao cấp trong Ban bảo vệ đảng bị khai trừ vì hỗ trợ việc đòi đảng CSVN phục hồi cho những người bị trù dập oan ức trong vụ án được gọi là xét lại-chống đảng” trong thập niên 60. Ông cũng đã từng bị kêu án 2 năm tù vì tội” đã tiết lộ tài liệu mật của Nhà nước” (lá thư của ông Võ Văn Kiệt gởi Bộ chính trị) cùng với ông Hà Sĩ Phu hồi năm 1995. Năm 1997, chính quyền phải thả tự do cho ông ra trước thời hạn.

Bài viết dưới đây của ông bắt đầu được lưu truyền từ năm 1995 đến nay, gần tới ngày họp đại hội, nó vẫn tiếp tục được chuyền tay ở trong nước, một phần vì chính sách bưng bít của đảng cầm quyền, phần khác vì những vấn đề đặt ra trong bài vẫn giữ nguyên tính thời sự.


Đi tìm con đường phát triển và lý luận phát triển cho đất nước luôn luôn là nhiệm vụ đặt ra đối với nhân dân và giới trí thức nước ta. Việc tham khảo sách vở, kinh nghiệm của nước ngoài là rất quan trọng nhưng không được dựa vào việc sao chép, trích lục từ các sách vở, kinh nghiệm ở nước ngoài. Nó chỉ có thể là kết quả, là sản phẩm của việc phân tích tổng hợp những bài học thành công và thất bại đã diễn ra trong hàng chục, hàng trăm năm vừa qua của dân tộc ta.

Trong một thời gian dài trước đây, phần lớn các nhà khoa học mới chú trọng nghiên cứu lĩnh vực đấu tranh giải phóng dân tộc của lịch sử, nhưng chưa chú ý đi sâu nghiên cứu mặt phát triển của xã hội trong các giai đoạn lịch sử. Do đó, đã có nhiều nhận định sâu sắc về quy luật đấu tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc, nhưng còn về nội dung, phương hướng của cuộc đấu tranh phát triển xã hội trong các giai đoạn lịch sử của nước ta còn quá ít bài nghiên cứu, nhất là vào thời kỳ hiện đại, kể từ thế kỷ 19 cho tới nay.


I. Nhìn lại sự vận động của xã hội Việt Nam trong thế kỷ 20


Muốn suy nghĩ về tiền đồ phát triển tới đây của nước ta, thì phải đánh giá được, lý giải được quá trình chuyển động của đất nước Việt Nam trong lịch sử nhất là trong thế kỷ 20, đặc biệt là nửa sau của thế kỷ, gắn liền với sự chuyển động vũ bão của thế giới.

1. Trong nửa đầu thế kỷ, sau khi thực dân Pháp đặt được ách đô hộ ở nước ta – đây là một thảm hoạ đối với dân tộc ta, thực dân Pháp đã lần lượt thực hiện các kế hoạch khai thác Đông Dương, nhằm thực hiện mưu đồ bóc đoạt tài nguyên nước ta. nhưng đây cũng là thời kỳ mà xã hội Việt Nam tiếp xúc với nền kinh tế - văn hoá của Tây Phương. Và dù đã bị bóc lột thậm tệ, các tầng lớp nhân dân ta đã tiếp thu phần có ích, vươn lên tiếp nhận văn hoá Pháp, xông vào kinh doanh sản xuất và xuất nhập khẩu trong nền kinh tế thị trường có mở cửa một phần với bên ngoài và qua đó hình thành bước đầu thành phần kinh tế công nghiệp và thương nghiệp hiện đại với các nhà tư sản dân tộc, hình thành nền văn thơ mới, giáo dục mới, với các nhà văn, nhà thơ mới, những lớp trí thức mới v.v... Điều đó chứng tỏ sức sống của dân tộc Việt Nam dù còn bị đô hộ, dù bị bóc lột, nhưng một khi đã tiếp xúc với nền văn minh công nghiệp (dù chỉ là ở trình độ thấp) thì xã hội Việt Nam vẫn có khả năng tiếp thu, thâu hoá và thúc đẩy xã hội Việt Nam thoát khỏi trạng thái một xã hội nông nghiệp, khép kín, tự cấp tự túc. Tuy có những sự phát triển, nhưng việc giành lại độc lập phải chờ đến khi có Đảng Cộng sản với một chính sách đoàn kết rộng rãi và trên quan điểm vũ trang lâu dài mới từng bước giải quyết được trọn vẹn. Trong mấy chục năm chiến tranh, các vùng tạm bị chiếm (1945 - 1954), và cả miền Nam (1955 - 1975) do vẫn giữ mối quan hệ với bên ngoài, và mở rộng nền kinh tế thị trường nên vẫn có những sự phát triển nhất định về kinh tế, văn hoá, xã hội. Điều này lâu nay thường bị bỏ qua, ít được quan tâm nghiên cứu.

2. Ở miền Bắc (1955 - 1975) nhân dân đã đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình mác-xít : kinh tế kế hoạch hoá chỉ huy tập trung, chế độ công hữu, nguyên tắc phân phối theo lao động, chuyên chính vô sản v.v... Trong suốt 20 năm do chỗ phải phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, nên mô hình chủ nghĩa xã hội đó đã phát huy tác dụng tích cực động viên mọi lực lượng để đạt một mục tiêu cao nhất là chiến thắng. Khối lượng ngoại viện to lớn, những tổn thất do chiến tranh gây ra đã làm cho chúng ta chậm phát hiện mặt kìm hãm sự phát triển kinh tế của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ.

3. Chỉ sau chiến thắng to lớn giải phóng cả nước (1975) khi ngoại viện (xét cả viện trợ của Mỹ và của Trung Quốc) bị giảm mạnh đột ngột, khi ta đưa kinh nghiệm cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của miền Bắc vào miền Nam, và nhất là khi chính sách đối ngoại có phạm sai lầm đưa đất nước ở vào thế cô lập trên thế giới thì toàn bộ những nhược điểm, những tác động tiêu cực của mô hình CNXH mác-xít đã bộc lộ ra một cách đầy đủ và toàn bộ đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng kéo dài (1978 - 1988).

Sự đổi mới bắt đầu từ những sáng kiến của quần chúng đã nhanh chóng mở rộng từ một vài địa phương lan ra toàn quốc, từ nông thôn chuyển vào thành thị, từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương nghiệp, dịch vụ, từ cơ sở lên tới trung ương. Và qua đó đã hình thành một đường lối đổi mới tương đối hoàn chỉnh trong Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986) với những đặc trưng chủ yếu : thừa nhận nền kinh tế thị trường, với nhiều thành phần kinh tế, mở cửa với bên ngoài, phát triển quan hệ đối ngoại đa phương, mở rộng nền dân chủ nhân dân v.v...

4. Quan sát lịch sử phát triển của nước ta và nhiều nước khác, có thể rút ra kết luận: mỗi đất nước, mỗi dân tộc, để có thể tồn tại và phát triển, đều phải xử lý ba mối quan hệ :

* Quan hệ giữa nhân dân với đất đai, môi trường, thiên nhiên của nước mình... Nghĩa là phải làm thế nào bảo vệ và bồi dưỡng được môi trường sống, chăm sóc và bồi dưỡng đất đai, sử dụng hợp lý các tài nguyên.

* Quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các tôn giáo, giữa các dân tộc, giữa nhân dân các vùng trong nội bộ đất nước. Nghĩa là chúng ta chủ trương một đường lối đoàn kết, hoà hợp, hiệp thương để cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước hay chủ trương phân biệt đối xử, đấu tranh quyết liệt giữa bộ phận này chống lại bộ phận kia.

* Quan hệ giữa nước ta với các nước khác trên thế giới. Nghĩa là tìm ra cách xử lý tối ưu để đem lại lợi ích lớn nhất cho dân tộc mình, cho nhân dân mình, không để bị lệ thuộc bởi lợi ích hẹp hòi của một tầng lớp nào, hoặc một hệ tư tưởng nào.

5. Cho tới nay, các học thuyết đang thịnh hành chưa đáp ứng được toàn diện các yêu cầu nói trên, và do nhiều nguyên nhân còn bị nhiều sự hạn chế về mặt lịch sử và hệ tư tưởng.

Vì vậy nhân dân ta, qua giới trí thức của mình, phải đi tìm con đường phát triển của mình, phải vượt lên các học thuyết hiện có để xây dựng một lý luận phát triển mới đáp ứng toàn diện các nội dung yêu cầu nói trên cho đất nước.

Đây là một công việc cực kỳ trọng đại, mà mỗi người tham gia – dù có thông minh đến đâu – cũng chỉ có thể đóng góp khoảng một phần triệu của lý luận phát triển mới đó mà thôi.

Công việc trọng đại đó đòi hỏi phải có sự chung sức chung lòng thật sự chân thành, khiêm tốn, của giới trí thức Việt Nam, tránh thái độ kiêu ngạo, bè phái, học phiệt, trong sinh hoạt lý luận, học thuật. Ở đây phải tôn trọng quyền được phạm sai lầm của các nhà khoa học khi đi vào một con đường mới, chưa khai phá.

6. Điều đáng buồn cho đất nước là cho tới nay, một số nhà lý luận “giáo điều” vẫn giữ nguyên sự “cuồng tín” đối với các học thuyết ngoại nhập và tệ hại hơn nữa, họ dùng mọi thủ đoạn để trù dập, đàn áp, mọi ý kiến khác với họ. Họ lợi dụng các báo chí của Đảng để tuỳ tiện phê phán, lên án các quan điểm khác mình, “bịt miệng đối phương”, nhưng họ không còn nhân cách để tự thấy sự trơ tráo, đáng sỉ nhục của họ. Vì trình độ học vấn của họ quá thấp, họ lo sợ sự bùng nổ trí thức chân chính của dân tộc đóng góp cho đất nước, và kết cục là, đi ngược lại lợi ích của đất nước, bóp nghẹt trí tuệ của dân tộc.


II. Đặc trưng con đường phát triển tiến lên của xã hội Việt Nam


Từ sự phát triển của xã hội nước ta trong thế kỷ 20 qua hàng loạt những bài học thành công và thất bại, đặc biệt qua những thành tựu của công cuộc đổi mới có thể nêu lên những nét đặc trưng nhất của con đường phát triển của đất nước ta :

1. Phải xác định đúng đắn mục tiêu phản ánh được khát vọng sâu xa của toàn dân, và có khả năng động viên đoàn kết được toàn dân đi vào xây dựng và phát triển đất nước : “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đặt mục tiêu sai lầm có thể gây nên sự chia rẽ trong cộng đồng dân tộc và làm yếu sức tiến lên của cả dân tộc.

2. Phải từ bỏ con đường kế hoạch hoá tập trung phủ nhận kinh tế thị trường, phải thừa nhận kinh tế thị trường, phải nhận thức kinh tế thị trường là con đường duy nhất bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.

3. Không nên vội vã công hữu hoá, mà phải chấp nhận một chế độ sở hữu đa dạng, một nền kinh tế nhiều thành phần, đảm bảo chế độ tư hữu thực sự, nhằm phục vụ đắc lực cho sự tăng trưởng kinh tế.

4. Phải thực hiện đường lối đoàn kết, hoà hợp các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo để thúc đẩy xã hội phát triển, đồng thời bảo vệ tổ quốc.

5. Phải thực hiện một chính sách mở cửa, phát triển quan hệ đối ngoại đa phương, lấy lợi ích của dân tộc, của đất nước làm căn cứ, tránh lấy hệ tư tưởng chi phối chính sách đối ngoại.

6. Phải xây dựng một nhà nước pháp quyền do dân, vì dân, của dân, mở rộng dân chủ, tôn trọng quyền con người, kết hợp một cách tối ưu giữa cá nhân với cộng đồng, phê phán các khuynh hướng cực đoan của chủ nghĩa cá nhân, cũng như của chủ nghĩa tập thể.

7. Phải thừa kế và phát huy truyền thống hoà hợp, khoan dung về tư tưởng của dân tộc, tránh thái độ cực đoan, hẹp hòi, bài tha. Nền tảng tư tưởng của chúng ta sẽ là chủ nghĩa cộng đồng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Việc tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, các học thuyết của bên ngoài kể cả đạo Nho, Kinh Dịch, đạo Phật, đạo Lão, và chủ nghĩa Mác, các lý thuyết kinh tế, xã hội của phương Tây, là rất quan trọng, nhưng việc tham khảo đó chỉ nhằm giúp chúng ta về mặt phương pháp luận để ta tìm hiểu ta, và tự ta đi tìm con đường phát triển của đất nước. Con đường đó sẽ không thể bắt chước bất cứ mô hình của nước nào khác (hoặc Trung Quốc, Liên Xô như đã có lúc đặt ra trước đây, v.v...).

Và chúng ta sẽ không tự hạn chế bởi một học thuyết ngoại lai nào, chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những khái niệm của mình, không tự hạn chế trong các khái niệm đã có (như chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản nhà nước, chuyên chính vô sản, v.v...), không cứ loay hoay trong những công thức đấu tranh hai con đường tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, “ định hướng xã hội chủ nghĩa ”, “ thời kỳ quá độ ”, v.v...


III. Trạng thái đặc thù hiện nay của xã hội Việt Nam


1. Hiện nay, xã hội Việt Nam đang tiến lên trong một trạng thái đặc thù : các tầng lớp nhân dân cố gắng hoà nhập vào thế giới, tìm mọi cách làm giàu để phát triển đất nước, thực hiện khẩu hiệu “ dân giàu, nước mạnh ”. Trong khi đó, các cấp lãnh đạo thì do dự vừa muốn thúc đẩy đổi mới, lại vừa e sợ rụt rè không dám tiến lên... Xét chung lại, dân muốn tiến lên, xã hội đòi tiến lên, nhưng lãnh đạo thì lại vừa tiến vừa e ngại.

Xu thế chung là dân từng bước đẩy lên, lãnh đạo từng bước lùi dần, phải tiếp nhận sáng kiến của dân, nhưng đồng thời lại muốn hãm lại.

2. Đặc trưng của tầng lớp lãnh đạo là gì ? Vừa thực dụng trong đời sống thực tế, lại vừa giáo điều, bảo thủ trong lời nói, văn bản. Trong đời sống thực, một số khá đông cán bộ cốt cán, đương chức ở tất cả các cấp (từ trung ương tới cơ sở) ra sức lợi dụng cương vị công tác của mình để xoay xở cho cá nhân, cho vợ con, cho gia đình mình, chuẩn bị vốn liếng, để khi rời bỏ vị trí, thì đã có cơ sở vững chắc. Chính vì vậy mà tình trạng hối lộ, tham nhũng, làm ăn bằng cách đánh cắp tài sản của Nhà nước, lợi dụng chức vụ ngày càng phát triển một cách tràn lan, phổ biến, không tài nào ngăn chặn nổi. Đó là xu thế vận động thực của nhiều quan chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước hiện nay.

Nhưng để che đậy các hành động xấu xa đó, vừa để ổn định tâm lý, vừa để lừa mị dân chúng, để giữ được chức vị (đồng nghĩa với giữ được các đặc quyền đặc lợi hiện nay), thì họ lại càng phải nói to, nhấn mạnh những từ ngữ “ cách mạng ”: nào là “ phải kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa ”, “ phải kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin ”, “ phải kiên quyết chống mọi kẻ thù đang xuyên tạc và phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin ”, “ phải nêu cao đạo đức Hồ Chí Minh, chống chủ nghĩa cá nhân ” v.v... Những khẩu hiệu đó thực ra đã không còn nội dung và sức sống nữa.

3. Chúng ta không phủ nhận là trong Đảng còn có nhiều người vẫn một lòng thực tâm vì dân vì nước. nhưng đại bộ phận những người này đã về nghỉ, và cũng chẳng có quyền thế gì và do đó chẳng có tác dụng gì nữa. Trong số đương chức, cũng có không ít người thực tâm vì dân vì nước, nhưng vì họ chỉ là số ít, họ bị “ vô hiệu hoá ”, họ cảm thấy “ bất lực ” và họ đang đi vào con đường tự lừa dối mình.

Trong đời sống xã hội, “ lời nói không đi đôi với việc làm ”, “ học không đi đôi với hành ”, thói “ đạo đức giả ” đã trở thành lối sống phổ biến.

4. Vì sao lại nảy sinh hình thái đặc thù của sự phát triển xã hội Việt Nam như trên ? Vì sao trong lãnh đạo lại xuất hiện một trạng thái vừa muốn tiến lên, lại vừa muốn kìm hãm ?

* “ Dân muốn tiến lên, muốn làm giàu, muốn đất nước giàu mạnh ” là khát vọng cháy bỏng của mọi người. Nhưng trước đây do chiến tranh, do cơ chế bao cấp quan liêu kìm hãm, dân chưa có điều kiện thực hiện khát vọng của mình. Nay chiến tranh đã kết thúc, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước XHCN cũng bị khủng hoảng và bị sụp đổ, thì người dân phải và có thể đi tìm con đường tiến lên. Đó là một xu thế mạnh mẽ không thể đảo ngược được.

* Lãnh đạo có trạng thái do dự, ngoài nguyên nhân lợi ích của tầng lớp, còn là vì không đi kịp với thời thế, không kịp thời xây dựng lý luận phát triển cho đất nước trong một tình hình mới của thế giới và của nước ta.

Do trình độ hạn chế, do bị cầm tù bởi những nguyên lý kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin mà bản thân họ cũng chưa hề nghiên cứu một cách sâu sắc và hệ thống, họ không đủ sức phân tích tình hình xã hội, họ đâm ra hoang mang, hốt hoảng cố ra vẻ “ kiên định cách mạng ”, “ kiên định lập trường vô sản ”, “ kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin ”. Họ nói lấy được, họ tuỳ tiện in sách, in báo, thẳng tay đàn áp những người có ý kiến khác mình (mà họ gắn cho đủ loại nhãn hiệu nào là xét lại, cơ hội, nào là chống đối, nào là phụ hoạ với đế quốc Mỹ, v.v...) và thu hẹp sinh hoạt trí tuệ trong Đảng, và trong xã hội. Họ bóp nghẹt quyền dân chủ, quyền tự do tư tưởng của các công dân với nhãn hiệu phải kiên trì chuyên chính vô sản (?). Họ không tiếp nhận nổi và không khái quát nổi trí tuệ của dân tộc vì họ tự giam mình trong những giáo lý lỗi thời, họ ngày càng thoát ly quần chúng, thoát ly thực tiễn, thoát ly dân tộc. Họ không thấy rằng chính họ đang làm nghèo sinh hoạt tinh thần, làm thui chột trí tuệ của dân tộc, của tầng lớp trí thức.

5. Do đó, việc khái quát những kinh nghiệm thực tế, việc tổng hợp những ý kiến trong giới trí thức (đang thực tâm trăn trở cho lợi ích của dân tộc) với một thái độ khiêm tốn, khoan dung, hoà hợp, dân chủ, để đi tìm cho đất nước con đường phát triển tối ưu, xây dựng một lý luận phát triển để đẩy nhanh bước tiến lên của xã hội, khắc phục bệnh sùng ngoại, bảo thủ, cố chấp, hẹp hòi, xơ cứng đang chi phối giới lãnh đạo trận địa lý luận, trở thành nhiệm vụ then chốt của giới trí thức Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên trong giai đoạn hiện nay. Trách nhiệm đó của giới trí thức là do nhu cầu phát triển khách quan của bản thân xã hội đặt ra, chứ không phải do ai đó tự đặt ra một cách chủ quan.


IV. Đi tìm con đường phát triển của xã hội Việt Nam,
xây dựng một lý luận phát triển cho đất nước


1. Vậy mục tiêu của nhân dân ta là gì ? Mục tiêu đó, về tổng quát đã được Bác Hồ nêu lên một cách rõ ràng trong di chúc : “ Điều mong muốn cuối cùng của tôi là : Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới ”.

Điều kỳ lạ nhất cần phải nêu lên là khi thấy có những kiến nghị “ cần phải giương cao mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh ” nhưng cần phải tạm hoãn nhãn hiệu “ chủ nghĩa xã hội ”, thì giới lý luận “ giáo điều ” dẫy nẩy lên như “ đỉa phải vôi ”, họ lên án kiến nghị đó nào là “ sự phản bội lại những lý tưởng cao đẹp của những người cộng sản ” (?), là “ chống lại quy luật phát triển tất yếu của lịch sử đã được chủ nghĩa Mác phát hiện ” (?), nào là “ đi ngược lại khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam ” (?), nào là “ chống lại điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ” (?), v.v... Họ lợi dụng các báo, đài, các hội nghị để phê phán, đả kích các kiến nghị đó, nhưng họ đều lờ tít đi không dám nói gì đến Di chúc của Bác Hồ. Họ vẫn tự xưng là tuân theo lời dạy của Bác Hồ, nhưng chính trên vấn đề tạm hoãn khẩu hiệu chủ nghĩa xã hội chính những nhà lý luận chính thống hiện nay đang chống lại tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ đang lên án Hồ Chí Minh. Họ ở vào trạng thái “ gà mắc tóc ”, “ tiến thoái lưỡng nan ”.

2. Cái mà nhân dân ta mong muốn xây dựng sẽ là một chế độ xã hội ngày càng tiến bộ hơn so với xã hội hiện nay, và sẽ ngày càng tiến lên. Nội dung của chế độ xã hội đó có thể được biểu hiện trên các lĩnh vực cơ bản sau đây :

* Có sự tăng trưởng kinh tế liên tục và ổn định.

* Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện tính theo đầu người : dinh dưỡng, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, tuổi thọ.

* Chính sách xã hội với phụ nữ, người già, người tàn tật, mồ côi, cô đơn, v.v... được cải thiện từng bước.

* Quan hệ xã hội văn minh

* Môi trường được bảo vệ

* Nền dân chủ ngày càng tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hoá, tư tưởng.

3. Nếu như trước đây, trong lịch sử xã hội Việt Nam chưa hề có các chế độ nô lệ, chế độ phong kiến phương Tây (lãnh chúa, lãnh địa, nông nô), chế độ tư bản chủ nghĩa như đã được các sách kinh điển nêu lên, thì tới đây chế độ xã hội ở Việt Nam cũng sẽ không phải là cái mô hình chủ nghĩa xã hội như đã được phác hoạ trong các sách kinh điển, hoặc như đã được xây dựng ở Liên Xô và các nước Đông Âu mấy chục năm trước đây (mà nay đã sụp đổ tan tành). Nó cũng sẽ không phải là cái mô hình chủ nghĩa tư bản của các nước Âu Mỹ mà một số người đang la lối khi nêu lên nguy cơ của diễn biến hoà bình đối với nước ta.

Nó sẽ phản ánh đúng những khát vọng của nhân dân, phù hợp với những truyền thống của dân tộc, thích hợp với những điều kiện cụ thể của đất nước.

4. Ở đây nhân dân ta đang tìm tòi mò mẫm con đường phát triển của mình, tìm tòi xây dựng một chế độ xã hội mới ở Việt Nam chưa từng được nói trong bất cứ sách vở nào. Chúng ta không tự hạn chế trong những khái niệm về “ chủ nghĩa xã hội ”, “ chủ nghĩa tư bản ”, về “ thời kỳ quá độ ” đã nêu trong các sách kinh điển. Cái gì có ích trong học thuyết Mác hoặc trong các học thuyết khác trên thế giới, chúng ta đều cố gắng lựa chọn, phân tích và sử dụng... Do đó chúng ta phải chủ động sáng tạo, phải vươn lên, phải vượt qua chứ không làm nô lệ hoặc sùng tín bất cứ một học thuyết ngoại nhập nào.

Cái hướng dẫn chúng ta là : Mục tiêu thiết thực trước mắt của nhân dân ta trong từng thời gian ngắn là nhằm giành được những tiến bộ thực tế so với trước đó nhưng lại có khả năng thực hiện được và cứ như vậy liên tục tiến lên không ngừng.

Vì vậy con đường tư duy Việt Nam sẽ là con đường độc lập mà không lệ thuộc, dũng cảm nhưng khiêm tốn, thận trọng và tự tin, cởi mở mà không khép kín, khoan dung mà không biệt phái.

Vấn đề đặt ra, đối với nhân dân ta, không phải là việc vận dụng một học thuyết ngoại nhập nào mà là xây dựng một lý luận phát triển cho đất nước Việt Nam, trong đó ta có thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những nhân tố đúng đắn thích hợp trong học thuyết Mác và các học thuyết khác. Cái cần chống không phải là bệnh giáo điều và các bệnh cơ hội chủ nghĩa, mà là chống bệnh sùng tín các học thuyết ngoại nhập, lấy nó làm chuẩn để phê phán công kích mọi tư duy khác mình.

Đó chính là truyền thống, cách tư duy vốn có của dân tộc, và cũng chính là cốt lõi của phong cách tư duy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Lê Hồng Hà


(*) Bài đã đăng trên Diễn Đàn (báo giấy) số 105, tháng 3.2001

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss