Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 123 / Đọc Hồi Ký Trần Văn Khê

Đọc Hồi Ký Trần Văn Khê

- Hàn Thuỷ — published 24/06/2015 12:30, cập nhật lần cuối 25/06/2015 00:39

Đọc
Hồi Ký
Trần Văn Khê (*)


Hàn Thuỷ



Lịch sử Việt Nam hiện đại, qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt và một giai đoạn hoà bình tới nay cũng vẫn chẳng suôn sẻ gì, đã tạo nên biết bao số phận mà thực ra đều có thể viết thành trường thiên tiểu thuyết. Trong hoàn cảnh đó những con người “ vượt quá khổ ” không hiếm, và với thời gian nhiều hồi ký đã và đang ra đời, mô tả lại cho hậu thế mỗi người một số phận, một nhân cách, một sự nghiệp thật là khác nhau, có lẽ chỉ giống nhau ở chỗ độc đáo.

Bốn cuốn hồi ký của Trần văn Khê là tự sự của một chứng nhân như vậy. Không có ai như ông, suốt đời phục vụ cho âm nhạc dân tộc, âm nhạc của các dân tộc ; và với niềm đam mê, với tài nghệ, với phong cách của mình, đã thành công rực rỡ. Cũng không ai như ông, được sự kính phục và vì nể của mọi người trong mọi phía ; rõ ràng âm nhạc là thứ ngôn ngữ, là vẻ đẹp, phổ cập nhất ; và người sứ giả của nó khi đã tài ba thì thuyết phục được mọi người. Lại cũng không ai như ông, trong giai đoạn chia cắt và đấu tranh còn mất, vẫn hành xử với các đối tác ở cả hai phía một cách đương nhiên, đàng hoàng ; không giấu diếm lập trường của mình nhưng lại đầy khôn khéo và văn hoá để người khác phải chấp nhận. Đến một vị thế nào đấy trong môi trường văn hoá quốc tế thì những cảnh khó xử giữa văn hoá và chính trị là không tránh khỏi, và yên nhiên tự tại được trong những hoàn cảnh đó, để đạt được mục đích phục vụ cho âm nhạc, là một trong những bài học rất lý thú của hồi ký này.

Người viết bài điểm sách này là kẻ dốt âm nhạc nói chung, và âm nhạc dân tộc nói riêng, cùng lắm chỉ biết mình thích hay không thích một vài tác phẩm. Nhưng có lẽ hắn, cũng như rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, đã hơn một lần mang nợ nhạc sư / nhạc sĩ / người kể chuyện Trần Văn Khê, về một nét nhạc dân tộc, về giai thoại một cây đàn... mỗi buổi nghe ông nói chuyện và trình diễn là một lần thích thú, thấy mình “dân tộc” hơn trước, nhiều khi chẳng hiểu vì sao ; về nhà lại quên đi, rồi lần sau đi nghe lại thấy thích thú.

Kể ra thì với cái duyên nợ nhẹ nhàng ấy, và cái thẩm quyền còn nhẹ nhàng hơn ấy, hắn không xứng đáng để điểm bốn tập hồi ký của ông. Những người am hiểu âm nhạc dân tộc Việt Nam và âm nhạc dân tộc thế giới chắc chắn sẽ thấy được ở đây rất nhiều bài học về so sánh, về quan hệ lịch sử, giữa các dụng cụ âm nhạc ; cũng như nhiều kinh nghiệm bảo vệ, bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống. Những người viết sử văn hoá và âm nhạc Việt Nam qua hồi ký này chắc chắn có nhiều tư liệu để đánh giá đúng đắn và đầy đủ hơn đóng góp của Trần Văn Khê trong biết bao công trình âm nhạc và nghệ thuật dân tộc (của Việt Nam và thế giới) ; như khôi phục nghệ thuật múa rối nước, như làm sống lại ca trù, như hỗ trợ gầy dựng lại nền âm nhạc cổ truyền của Mông Cổ và một vài miền xa xôi khác.

Ở đây chỉ xin làm một việc rất chủ quan, nhỏ nhoi và thiên lệch. Đó là trích một vài đoạn hồi ký của ông đã gây ấn tượng cho người viết bài này, chỉ trên một khía cạnh mà có lẽ ít người được biết về ông : làm sao hành xử trên cương vị một chuyên gia quốc tế trong nhiệm vụ của mình, phải gặp gỡ và hợp tác với đủ loại người nhưng không quên và không đi ngược lại bản sắc văn hoá và cả sự dấn thân chính trị.

*

... vào ngày 6 tháng 9 tôi rời Shiraz để có mặt tại Newyork tham dự hội nghị của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO (....) Năm 1968 chiến tranh ở Việt Nam đang hồi ác liệt. Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon B. Johnson mời Ban chấp hành (...) vào toà Bạch ốc uống trà, điều này được mọi người coi là một vinh dự. Riêng tôi cảm thấy khó xử.

(tập 2, trang 188 - 189)

*

Rồi ông cũng tìm ra được tương đối dễ dàng một lý do chính đáng để không dự tiệc trà. Nhưng trường hợp sau đây thì “gay cấn” và cũng vui hơn. Khung cảnh : Bình Nhưỡng năm 1983. Trần Văn Khê tham dự Diễn Đàn Âm Nhạc Châu Á, với tư cách trưởng đoàn của UNESCO.

Mấy ngày kế tiếp, khi bàn tới buổi liên hoan bế mạc diễn đàn, Ban tổ chức nói:

- Chúng tôi cho rằng trong Diễn đàn nầy giáo sư là người xứng đáng để được cử ra hát bài ca ngợi Kim Chủ tịch, có dàn nhạc giao hưởng phụ hoạ. Xin đề nghị giáo sư nhận lời chúng tôi sẽ cử người tới, tập cho giáo sư.

Tôi không tiện từ chối chỉ nói :

Đó là vinh dự rất lớn cho tôi nhưng có mấy trở ngại. Thứ nhứt là vì tôi còn phải chủ toạ cho nhiều buổi hội thảo nữa, ngoài ra hàng ngày phải viết báo cáo gởi về cho UNESCO nên công việc của tôi rất nhiều. Thứ hai là tôi không biết tiếng Triều Tiên lại chưa bao giờ hát nhạc Triều Tiên, vì vậy trong vòng hai ba bữa không thể tập hát rành rẽ một bài được. Xin các bạn vui lòng chọn người khác.

Tôi nói vậy tưởng các bạn đồng ý, không ngờ sáng sớm bữa sau nghe tiếng gõ cửa, một người tới gặp tôi tự giới thiệu:

- Tôi là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.

Ban tổ chức chỉ định tôi tới hướng dẫn giáo sư cách hát, chỗ nào hát lớn chỗ nào hát nhỏ, tôi đem bản tổng phổ tới cho giáo sư coi.

- Nhưng tôi đâu có nhận lời ?

- Tôi chỉ biết Ban tổ chức yêu cầu tôi như vậy.

- Nhờ ông về nói lại với Ban tổ chức tôi không thể hát được. Tôi sẽ gặp Ban tổ chức để bàn sau.

Lát sau lại có tiếng gõ cửa :

- Tôi là người lĩnh xướng có nhiệm vụ tập cho giáo sư khi ca phát âm đúng giọng Triều Tiên.

- Nhưng tôi đâu có nhận lời !

- Ban tổ chức nói phải tập cho giáo sư trong vòng ba ngày để kịp ra hát.

Tôi phải tới gặp Ban tổ chức lần nữa :

- Tôi hết sức cảm động trước lòng ưu ái của các bạn nhứt định dành cho tôi vinh dự hát bài ca ngợi Kim Chủ tịch. Thế nhưng tôi có những điều khó khăn riêng, trước hết là UNESCO có chỉ thị bằng văn bản chánh thức nói rõ : trong tất cả những lời phát biểu của người đại diện cho UNESCO không được ca ngợi cũng như không chỉ trích bất cứ một chánh khách nào. Tôi là một uỷ viên Ban chấp hành nên phải tuân thủ qui định nầy. Do đó nếu tôi muốn hát bài ca ngợi Kim Chủ tịch thì phải điện về xin ý kiến của UNESCO có cho phép tôi phá lệ hay không, việc nầy rất phức tạp và không kịp thời gian. Ngoài ra gần 20 năm nay tôi chuyên tâm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam, vì vậy ngay cả nhạc mới của Việt Nam tôi cũng ít hát, nay tôi lại hát một bản nhạc mới nước ngoài, điều đó sẽ làm cho đồng bào của tôi không hiểu và không vui. Cuối cùng tôi không thể nào học thuộc lời cũng như tập hát cho đúng giọng trong thời gian ngắn như vậy được. Nếu đó là một bài ca bình thường còn tạm chấp nhận được, chớ bài hát ca ngợi một vị lãnh tụ như Kim Chủ tịch mà làm như vậy là vô phép. Tôi không dám làm chuyện thất lễ đối với một vị lãnh đạo lớn như Kim Chủ tịch.

Lý lẽ sau cùng nầy thuyết phục được Ban tổ chức...

(tập 3 ; tr. 266-268)

*

Năm 1987, Trần Văn Khê tới Trung Quốc với tư cách phó trưởng đoàn đại diện UNESCO, để tham dự hội thảo âm nhạc Châu Á - Thái Bình Dương. Ông suốt đời giữ quốc tịch Việt Nam, và mọi người còn nhớ lúc ấy tình hình Việt Nam - Trung Quốc còn căng thẳng như thế nào. Đoạn hồi ký sau đây, phảng phất hương vị của những cuộc đi sứ mấy thế kỷ trước, vì thế lại càng thêm thú vị :

Thiên Tân là một thành phố trước đây bị các nước phương Tây chiếm đóng và xây dựng nhiều khu vực thương mãi kinh tế. Tôi được mời đến nói chuyện về nhạc Việt Nam tại Nhạc viện lớn ở nơi nầy. Ông giám đốc tiếp tôi ân cần và nói :

- Hôm nay tôi rất hân hạnh tiếp đón giáo sư.

Trước khi nghe giáo sư giới thiệu âm nhạc Việt Nam, xin phép cho cô Wang (Vương), sinh viên năm thứ nhứt của chúng tôi đờn một bản để giáo sư thưởng thức.

Ông không giới thiệu rõ cô đờn loại nào hay bản gì. Khi cô biểu diễn xong ông Giám đốc yêu cầu tôi cho biết nhận xét, tôi phát biểu :

- Kính thưa ông Giám đốc, thưa các vị giáo sư, quí vị quan khách và các em sinh viên. Tôi vừa nghe biểu diễn một bài tỳ bà rất đặc sắc. Tôi muốn xin được gặp người thầy dạy cô Wang để hỏi cho biết ông dạy cách nào mà sinh viên năm thứ nhứt lại đờn thuần thục đến như vậy ? Thông thường học tỳ bà năm đầu giỏi lắm là đờn được các bản nhập môn loại văn khúc đơn giản như Dương xuân bạch tuyết hay khó hơn chút nữa là Xuân giang hoa nguyệt dạ sáng tác từ đời nhà Đường. Nếu sau hai ba năm học mà đờn được những bản đó đã là hay rồi. Nhưng qua tới vũ khúc kỹ thuật rất khó, học trò năm thứ năm thứ sáu mới tiếp thu nổi. Trong bài bản Vũ khúc thì bài Thập diện mai phục cô Wang vừa đờn là một trong những bản khó nhứt, diễn tả tích Lưu Bang với Hạng Võ đánh nhau, khi lâm trận Hạng Võ đi tới đâu cũng gặp mai phục. Bài nầy có đoạn phải đờn sao cho nghe như tiếng gươm giáo chạm vào nhau. Tôi ngồi thưởng thức nãy giờ không thể không nhớ lời thơ của cụ Nguyễn Du : Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Tôi hết sức ngạc nhiên về trình độ biểu diễn của cô. Tôi có người học trò là Cheng Shui Cheng học đờn tỳ bà đã mười mấy năm, mỗi khi muốn trình diễn bản nầy cũng phải tập dợt lại.

Ông giám đốc cười nói :

Xin lỗi giáo sư, tôi quên không nói rõ trước khi vào học năm thứ nhứt đại học ở đây cô Wang đã học đờn tỳ bà đến chín năm và là một trong những học trò giỏi nhứt của trường.

Hoá ra có lẽ các bạn Trung Quốc muốn thử xem trình độ hiểu biết của tôi về nhạc Trung Quốc đến mức nào. Nếu tôi nghe xong rồi khen qua loa rằng học năm thứ nhứt mà đờn như vậy cũng khá chắc các bạn đánh giá tôi khác rồi.

(tập 3, tr. 385-386)

*

Xuyên qua cả 4 tập hồi ký những điều người đọc ngạc nhiên nhất có lẽ là diện giao du rất rộng của ông, cộng với một trí nhớ lạ kỳ mà ngay cả một người có thói quen viết nhật ký đều đặn cũng khó mà thể hiện. Tuy nhiên đoạn trích dưới đây lại mượn trí nhớ của Trần Văn Khê nói về trí nhớ của một người khác :

Trong cả hai lần về nước trong năm 2000, tại Thành phố Hồ Chí Minh và ở Hà Nội tôi đều được dự buổi diễn vở kịch Lộ Địch của cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị. Đây là một vở bi kịch có giá trị nhân bản rất tuyệt vời phỏng theo tác phẩm Le Cid của Corneille (Pháp).

Cụ Ưng Bình sử dụng cốt chuyện của Le Cid mà sắp xếp những chi tiết sao cho phù hợp với tâm lý của người Việt lại hợp với sân khấu hát tuồng Việt Nam : lúc nào thì nói lối, lúc nào hát Nam, lúc nào hát khách, văn chương chải chuốt và lời thơ rất hay. Theo tôi đây là một kiệt tác đầu tiên đưa ra đường lối mới để phát triển nền hát tuồng cửa Việt Nam, được Nhà hát Đào Tấn ở Bình Định dàn dựng, đạo diễn là Hoà Bình, một nghệ sĩ ưu tú rất có tài trẻ đẹp mà nhứt là có tấm lòng. Giáo sư Tấn sĩ Kim Lan - dạy Triết ở trường Đại học Munchen bên Đức - là người đứng ra tài trợ cho việc dựng lại vở tuồng để trình diễn trên sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nhân dự hội nghị nầy tôi được dịp nghe dàn trống Thăng Long biểu diễn, sử dụng toàn bộ trống Việt Nam từ lớn đến nhỏ, không phải chỉ phong phú về số lượng mà cả về chất lượng. Có những trống đánh theo tiết tấu rất đơn giản trên đó lại thêu dệt thêm những tiết tấu khác phức tạp hơn, kết lại như đan giỏ và làm thành một bài rất đẹp.

Đồng thời các động tác từ cánh tay đưa lên đánh xuống đến bước tới bước lui đều phỏng theo phong cách võ Việt Nam. Theo tôi dàn trống nầy còn đi xa hơn đoàn Phù Đổng một bước, vì các cháu Phù Đổng chỉ có bốn năm người, việc biểu diễn mang tính cách gần như thi thố tài năng của từng người, trong khi đó dàn trống Thăng Long chú trọng đến sự phối hợp âm thanh, màu sắc và cả những động tác trên sân khấu.

Đặc biệt trong chuyến ra Hà Nội vào tháng 9 có cháu Bảo Ngọc làm một đoạn phim tư liệu ngắn về chân dung của tôi để phát trên Đài truyền hình VTV3.

Cháu mất hết ba buổi đưa tôi đến Văn Miếu, đến khách sạn nơi tôi ở để quay những sinh hoạt thường ngày, phỏng vấn tôi về quan điểm phát triển văn hoá, hỏi thăm đôi nét về chuyến đi Hà Nội. Đoạn phim thú vị nhứt là cảnh tôi đến thăm cụ bà Quách Thị Hồ. Hôm đó thân hữu tổ chức chúc thọ cho cả bà cụ và tôi, cụ 90 còn tôi 80 tuổi, có đủ mặt những người con, vài bạn bè và một số học trò của cụ Quách Thị Hồ. Khi tôi vừa bước vào, mọi người hỏi: - Cụ còn nhớ giáo sư Trần Văn Khê không ? Cụ không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ nhìn tôi mà cất giọng ngâm:

Vô duyên đâu dễ chăng là
Có duyên nên khiến dù xa hoá gần

Đó là hai câu thơ trong bài cụ Trúc Hiền tặng tôi năm 1976. Ngừng một chút cụ lại ngâm thêm :

Đẹp lòng gặp lại cố nhân

Rồi nắm tay tôi lập lại ba lần Cố nhân ơi ! Cố nhân ơi ? Cố nhân ơi .

Tôi cầm tay cụ mà không cầm được nước mắt, nhớ lại con người tài hoa sắc sảo trước đây, nay tuy chỉ còn da bọc xương mà vẫn giữ được hơi ngâm, còn nhận ra người quen cũ để mà ngâm lên mấy câu thơ ngày xưa chứng tỏ tâm trí còn minh mẫn.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp cụ Quách Thị Hồ.

(tập 4, tr. 401-403)

*

Hồi ký của Trần Văn Khê, ngoài việc nó là một cuốn du ký đi khắp phương trời của một nhà nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, còn là một cái nhìn đa dạng và nhân hậu về những con người hoạt động âm nhạc trong gần cả một nửa thế kỷ 20, trên thế giới, và đặc biệt ở Việt Nam. Người ta gặp lại nhiều lần những bạn thân thiết của ông từ thời hoạt động văn nghệ trong nhóm sinh viên trường thuốc tại Hà Nội, với Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Thế Lữ ... qua thời ông ở Pháp và vẫn giao hảo tốt với các nhạc sĩ cả hai miền như Phạm Duy, Nguyễn Hữu Ba... cho tới thế hệ những nghệ sĩ thời nay như Đặng Thái Sơn, Ea Sola... Cuốn hồi ký đó còn nói về một gia đình bốn đời nhạc sĩ (nếu kể cả các con ông thì phải nói năm đời) tại miền Nam. Giá trị tư liệu không nhỏ.

Trần Văn Khê nhớ tới tất cả, nhắc tới tất cả với sự trìu mến, ưu ái ; ngay khi ông phê bình một tác phong, một hành động nào đó, thì cũng rất kín đáo nhẹ nhàng.

Trí nhớ tôi vốn rất tồi, thường vẫn thán phục những ai trí nhớ tốt, hình như các nghệ sĩ lớn đều như thế. Nghiệm từ trường hợp Trần Văn Khê tôi lại tự hỏi, phải chăng vì ông không có gì cần quên ? Suốt một đời đam mê, suốt một đời chung thuỷ với âm nhạc, với thân nhân, đồng sự và bạn bè, với dân tộc Việt Nam.

Hàn Thuỷ




(*) Bốn tập khổ A5. Tập 1 không có tựa ( từ thời thơ ấu tới khi sang Pháp) 302 trang. Tập 2 : Đất khách quê người, 286 trang. Tập 3 : Bôn ba bốn biển năm châu, 500 trang. Tập 4 : Một gánh nhạc một cuộc đời, 430 trang.

Do nxb Trẻ và Cty văn hoá Phương Nam, Tp HCM, xuất bản; từ tháng giêng 2001 đến tháng 4-2002. Có bán tại hiệu sách Việt, 146 Bvd Vincent Auriol, Paris 13.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us