Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 125 / Đọc Tìm về bản sắc... ( I )

Đọc Tìm về bản sắc... ( I )

- Lê Thành Khôi — published 03/12/2010 00:00, cập nhật lần cuối 03/12/2012 13:56


đọc quyển
T
ìm về bản sắc văn hoá Việt Nam
của TRẦN NGỌC THÊM


LÊ THÀNH KHÔI


Cuốn Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam của ông Trần Ngọc Thêm (TNT) ra mắt độc giả năm 1996 đã thu hút được sự chú trọng của dư luận và được bằng khen của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo. Xuất bản lần 3 năm 2001, sách dày gần 700 trang. Lướt qua 6 chương, danh sách 436 tài liệu tham khảo và bảng chỉ dẫn, cảm tưởng đầu tiên là đây là một công trình nghiên cứu có hệ thống, công phu. Đọc kĩ hơn, tôi thấy thỉnh thoảng có vài sai lầm và một số lập luận phải bàn sâu. Vậy, như tác giả đã gợi ý trong lời nói đầu, tôi xin đóng góp vài lời sau đây. Bài này chỉ liên quan đến Chương I của sách : Cơ sở lí luận cho cách nhìn hệ thống - loại hình về văn hoá Việt Nam (Cái nhìn hệ thống - loại hình là phụ đề của quyển sách). Những chương sau sẽ được bàn tiếp.

Trước hết tôi muốn nói là tôi hoàn toàn đồng ý với hai quan điểm phương pháp của tác giả : một là cái nhìn hệ thống, hai là cái nhìn “ độc lập ”, không lấy Trung Hoa hay Âu Tây làm trung tâm nhưng không phủ định ảnh hưởng của họ. Từ lâu tôi đã đi đến kết luận rằng Trung Hoa đã nhận được nhiều đóng góp của Đông Nam Á (các văn hoá ở miền Nam sông Dương Tử), nhưng vì người Hán đã chiếm lãnh thổ ngày nay của Trung Quốc và, vì có chữ viết, đã viết lịch sử theo cách nhìn của họ (coi các dân tộc khác là man di) nên thế giới thường tưởng rằng văn hoá Trung Hoa hoàn toàn do người Hán lập ra. Mới gần đây thôi các nhà sử học và khảo cổ học mới nhận có sự đóng góp của nhiều văn hoá trong sự hình thành của văn hoá Trung Hoa, như trong 2 quyển sách xuất bản năm 1999 : Yang Xiaoneng, ed., The Golden Age of Chinese Archaeology (Washington) và M. Loewe and E.L. Shangh-nessy, eds, The Cambridge History of Ancient China : From the origins of Civilization to 221 B.C. (Cambridge University Press).

Trung Hoa, trong giai đoạn từ đồ đá giữa đến đồ đá mới (7000-2000 trước C.N.), nông nghiệp đã nhô lên với hai loại cốc chính : kê ở miền sông Hoàng Hà và lúa ở miền sông Dương Tử. Những vết tích sớm nhất của lúa gạo đã tìm thấy trong một động ở Hồ Nam, vào khoảng 12 000 năm trước C.N., kê thì muộn hơn một tị ở miền trung sông Hoàng Hà. Trong mỗi miền trồng trọt có 3 vùng văn hoá chính, từ Tây sang Đông, ở miền Bắc : Yangshao, Dawenkou và Hongshan ; ở miền Nam : Daxi, Liangzhu và Dapenkeng. Mỗi văn hoá có đặc trưng của mình trong hình dạng và trong trang trí của đồ gốm, đồ tạo bằng đất nung (và ngọc ở Hongshan và Liangzhu). Giữa các văn hoá có sự trao đổi, bằng chứng là một số hoa văn như là rồng rắn và mặt nạ súc vật.

Ưu điểm thứ nhì của TNT là cái nhìn hệ thống, từ môn học gốc của ông là ngôn ngữ học : ngôn ngữ là một hệ thống. Nhưng nó có thể trở thành nhược điểm nếu không thấy tất cả sự phức tạp của một hệ thống khác, hệ thống xã hội : ngôn ngữ ít mâu thuẫn, xã hội nhiều mâu thuẫn. TNT viết rằng ông nhìn một cách tổng hợp, biện chứng. Nhưng chữ biện chứng ở đây dùng với nghĩa “ trung cổ ” của nó nghĩa là dùng mọi cách để thuyết phục đối phương chứ không với nghĩa “ triết ” của nó từ Héraclite, Hegel và Marx ở Âu Châu, từ hơn 2000 năm ở Á Châu với Kinh Dịch. Theo phép lí luận này phải coi 4 quy luật của sự vật : vận động không ngừng, tương tác, mâu thuẫn, chuyển từ lượng sang phẩm. Yếu tố quan trọng là sự mâu thuẫn. Hegel đã viết trong Lôgic : “ Mâu thuẫn là gốc của mọi vận động... chỉ trong mức độ nó có mâu thuẫn thì một sự việc mới có thể thay đổi, hành động...”. Nếu không có mâu thuẫn trong xã hội thì cũng không có lịch sử. Nếu tôi không nhầm thì TNT không dùng chữ mâu thuẫn. Và vì không nhìn thấy mâu thuẫn nên nhiều khi TNT có những khái quát quá đơn giản. Tôi sẽ trở lại vấn đề này.

Một nhược điểm khác cũng đưa đến kết quả ấy là kiến thức có hạn của tác giả về lịch sử hoàn cầu để so sánh đúng đắn các văn hoá xưa và nay. Chắc tác giả không có nhiều tài liệu để tham khảo và nhiều khi tài liệu lại quá xưa. Sử học và nhất là khảo cổ học đi rất nhanh. Một bài viết cách đây 30 năm khó mà còn giá trị bây giờ (tôi nghĩ đến bài của N. Cheboksarov và W. Solheim dẫn ở tr 33-34 và 69-74). Và thỉnh thoảng người đọc có cảm tưởng rằng vì không đủ bằng chứng khoa học mà tác giả đưa ra ý kiến của một học giả có danh tiếng để bênh vực lời của mình. Nhưng, dù có danh tiếng đến đâu, ý kiến của một học giả mà không có chứng minh thư tịch hay khảo cổ, chỉ là một ý kiến hay một giả thuyết chứ không phải là một bằng chứng khoa học. Chẳng hạn, ở ta, tôi thấy nhiều người (kể cả TNT tr. 49) dẫn Karl Marx để chứng minh “ công xã nguyên thuỷ ”. Nhưng chẳng ai biết công xã nguyên thuỷ là gì ! Và cũng chẳng ai biết được vì không có gì chứng minh dù là thư tịch (chữ viết mới xuất hiện 3100 năm tr. C.N.) hay khảo cổ. Có khi TNT dẫn một tác giả không phải là một người nghiên cứu mà chỉ là một người phổ biến thôi (W. Durant).

Tiện đây tôi muốn nói về “ 4000 năm văn hiến ” của Việt Nam (tr.27). 4000 năm nghĩa từ - 2000 đến bây giờ. Nếu tính có 18 vua Hùng trị vì từ - 2000 đến - 258 (lúc mất nước cho An Dương Vương) nghĩa là trong 1742 năm có 18 vua, mỗi vua trị vì gần 100 năm : ai tin được ? Theo Việt sử lược thì nước Văn Lang ra đời vào thời Trang Vương nhà Chu (696-681). Như thế còn có thể tin được vì mỗi vua Hùng trị vì hơn 20 năm. Tất cả các truyện về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân đều là huyền thoại tổ tiên ta bịa ra (cũng như người Hán bịa ra Tam Hoàng) để có một “ lịch sử ” gần xưa bằng Trung Hoa. Nhưng huyền thoại vẫn có thể phân tích và hiểu theo góc dân tộc học. Và một huyền sử hay một giả thuyết có thể thành sự thực một khi đã được khảo cổ học chứng minh. Ta có thể lấy thí dụ nhà Hạ mà trước kia nhiều người coi là hoang đường. Nhà Hạ đã thành (một phần) sự thật trước nhà Thương từ khi đào được địa điểm Erliton ở Hà Nam. Cacbon 14 cho biết văn hoá Erliton có từ - 2000 đến - 1600 (nhà Thương : từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 11 trước C.N.) (1).

Một điểm khác làm tôi ngạc nhiên là TNT (và nhiều nhà dân tộc học ở Việt Nam) nhầm mẫu hệ (matrilinéarité) và mẫu quyền (matriarcat) (tr 54). Mẫu hệ nghĩa là con cái nhận tên và của cải của... giòng mẹ (mẹ, anh em mẹ....). Mẫu quyền là đàn bà cầm quyền trong xã hội. Hai sự việc khác nhau. Rất ít xã hội có mẫu quyền. Tôi đi công tác ở Phi Châu gặp nhiều tộc mẫu hệ, nhưng ở đâu cũng là đàn ông cầm quyền. Ở Vân Nam, người Naxi mà nhiều người gọi là theo mẫu quyền sự thật chỉ theo mẫu hệ. Đàn bà tự do chọn đàn ông làm bạn, tiếp họ ban đêm, trước sáng họ đi. Con chỉ biết mẹ không biết bố. Trong gia đình quyền chia giữa mẹ và bác. Người bác có nhiều quyền hơn (2). Dù sao, địa vị của người đàn bà trong một xã hội mẫu hệ cao hơn là trong một xã hội phụ hệ.

Nay tôi đến hai vấn đề chính cho cơ sở lí luận của TNT ở Chương I : khái niệm văn hoá và loại hình văn hoá.

Về khái niệm văn hoá, ai cũng biết có hàng trăm định nghĩa. TNT định nghĩa văn hoá là “ một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình ” (tr.25)

Định nghĩa này gần định nghĩa của Hồ Chí Minh mà TNT dẫn ở trang 4, nhưng rất xa câu sau của Edouard Herriot mà ông dẫn sau : “ Văn hoá là cái tồn tại khi ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả ”. Tôi thấy định nghĩa này, đúng về cá nhân chứ không đúng về xã hội, không những thiển cận mà còn có tính cách giai cấp : “ tất cả ” là gì đối với một người nhà quê và một người trí thức ? ai học được “ tất cả ” ?

Tôi định nghĩa văn hoá là “ một tổng thể các sáng tạo vật chất và không vật chất của một cộng đồng người trong quá trình quan hệ với thiên nhiên và với những cộng đồng người khác, những sáng tạo mà có với họ hay với phần đông của họ một ý nghĩa riêng xuất phát từ lịch sử đã qua hay hiện hành của họ mà các cộng đồng khác không chia sẻ ” (Lê Thành Khôi, Culture et Développement, Revue Tiers Monde, no97, janvier-mars 1984, tr.15).

Định nghĩa này nhấn mạnh vào ý nghĩa của văn hoá. Một yếu tố cùng một gốc có thể có một ý nghĩa khác từ nước này sang nước khác, từ tộc này sang tộc khác : đạo Phật ở Tây Tạng khác đạo Phật ở Trung Hoa, đạo Phật ở Trung Hoa khác đạo Phật ở Việt Nam, ở Nhật Bản, v.v. Văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng chứ không phải của “ con người ” : “ con người ” là ai ? có thể tách rời xã hội được không ?

Trong một xã hội có giai cấp, các “ giá trị ” không cùng một nghĩa cho mọi người. Giáo dục mới nhìn có thể coi là một giá trị phổ thông. Nhưng giáo dục cũng là một dụng cụ chính trị cho giai cấp thống trị nhằm thiết lập hệ tư tưởng của mình. Đó chính là nghĩa chữ “ giáo ” trong nho giáo : vua “ giáo ” dân nhưng dân không “ giáo ” được vua ! Trái lại giai cấp bị trị có thể dùng giáo dục để chống lại. Cố nhiên nội dung sẽ khác. Sự kiện này rất rõ ràng ở Âu Tây trong thế kỉ 19. Giai cấp công nhân đã mở những lớp phổ thông, dạy lẫn nhau, những đại học bình dân, để chống lại giai cấp tư sản.

Cho nên tôi không đồng ý với TNT khi ông viết : “ Văn hoá thường xuyên làm tăng độ ổn định của xã hội... văn hoá chỉ chứa cái đẹp ” (tr.21), “ không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi của môi trường nhằm tự bảo vệ để tồn tại và phát triển..., là động lực cho sự phát triển ” (tr.23), “ thường xuyên tự điều chỉnh ” (tr.24).

Rõ ràng TNT không nắm được quy luật mâu thuẫn của biện chứng pháp, cái quy luật mâu thuẫn là động cơ của lịch sử. Văn hoá không phải “ chỉ chứa cái đẹp ”, không phải thường xuyên “ tự hoàn thiện ”, “ tự điều chỉnh ”, “ là động lực cho sự phát triển ”.

Nếu thật như thế thì làm sao giảng nghĩa được sự suy đồi của Trung Hoa và Việt Nam ở thế kỉ 19 ? Chính vì văn hoá của hai nước này không biết “ tự hoàn thiện ” mà đã bị Âu Tây xâm lăng, biến thành bán thuộc địa và thuộc địa. Trong khi đó thì Nhật Bản với một nền văn hoá không khác mấy (ở đây Tống Nho cũng là tư tưởng thống trị) đã biết thay đổi thích nghi mà giữ được độc lập của mình. Tại sao có hai hình trạng khác nhau ? Ta không được quên rằng văn hoá bao giờ cũng hành động theo cách hiểu của mỗi xã hội và nhất là của giai cấp thống trị trong xã hội đó. Ở Trung Hoa và Việt Nam, giai cấp thống trị là quan lại nhà nho chọn lọc qua thi cử : nho giáo là chủ nghĩa pháp hoá quyền lực của họ. Ở Nhật thì khác : giai cấp thống trị là võ sĩ cha truyền con nối : nho giáo đối với họ chỉ là một dụng cụ chính trị. Thời thế thay đổi họ có thể tìm mọt dụng cụ thích hợp hơn. Một đằng khác là võ sĩ thì luôn luôn phải để ý đến quan hệ lực lượng. Võ sĩ Nhật đã thấy ngay sức mạnh của Âu Mĩ và biết mình không địch được : thà rằng mở cửa và giữ độc lập còn hơn là đóng cửa và mất nước. Cuối cùng người Nhật có một truyền thống tiếp nhận những thành tựu của nước ngoài : từ thế kỉ 6 đã tiếp thu nho giáo, đạo giáo, phật giáo, chữ viết, từ Trung Hoa qua Triều Tiên ; từ thế kỉ 16 tiếp thu tây học, làm súng theo kiểu Âu, đến thế kỉ 19 tiếp thu khoa học, kĩ thuật, văn học của Âu Mĩ. Trung Hoa thì kiêu căng, vẫn coi mình là trung tâm của thiên hạ, Âu Mĩ là man di. Còn Việt Nam thì chỉ biết có “ thiên triều ”. Thật sự ở hai nước có một vài người thức thời nhưng họ không có quyền hành.

Vẫn trong chiều hướng đó, tôi không tin như TNT rằng “ mỗi dân tộc đều cố gắng tận dụng các thành tựu của các dân tộc, quốc gia lân bang để làm giàu thêm cho nền văn hoá của mình ” (tr.29). Lịch sử cho thấy nhiều văn hoá không tiếp thu những thành tựu bên ngoài vì cớ này hay cớ khác, vì muốn “ giữ bản sắc của mình ”. Ở Trung Hoa từ thế kỉ 17 các thày tu dòng Tên (Jésuites) đã mang đến nhiều kiến thức toán, thiên văn và địa lí học tiến bộ hơn những kiến thức của người Hán, nhưng không ra khỏi triều đình nhà Thanh.

Một thí dụ còn điển hình hơn là văn hoá Hồi đã tiếp nhận giấy của Trung Hoa nhưng không tiếp nhận nghề in. Năm 751 ở Trung Á cạnh sông Talas quân Ả rập thắng quân nhà Đường đã học của người Hán nghề làm giấy và từ đó đã truyền cho châu Âu. Nhưng họ không học nghề in (xuất hiện ở Trung Hoa vào thế kỉ 9) tuy buôn bán với Trung Hoa và biết Trung Hoa biết in. Tại sao vậy ? Bởi vì đối với người Hồi sách Coran là lời nói của chúa Allah, nếu in ra thì sẽ mất giá trị thiêng liêng. Cho nên đến năm 1726 mới có một nhà in của người Hồi ở Thổ Nhĩ Kì, nhưng chỉ in những sách khoa học, kĩ thuật, ngôn ngữ và lịch sử, không được in sách về đạo và pháp luật (luật Hồi theo đạo). Chính vì không chịu in sách mà văn hoá Hồi, rực rỡ trong mấy thế kỉ, dần dần suy.

Về loại hình văn hoá, TNT bắt đầu từ sự hình thành các chủng người trên thế giới (tr.33). Nhưng các tài liệu tham khảo viết từ 30 năm nay bây giờ đã lạc hậu ! Bây giờ ai cũng nhận là loại người xưa nhất là Australo-pithecusHomo habilis đều xuất hiện ở Phi Châu (mà chỉ thấy ở Phi Châu thôi) cách đây từ 7 triệu đến 4 triệu năm. Còn homo sapiens sapiens (người hiện nay) thì xuất hiện cách đây 40 000 năm ở Tây Á (Palestin, Syria) với nông nghiệp, du mục, đồ gốm và đá mài. Khoảng 3100 năm trước C.N. thì chữ viết ra đời gần như cùng một lúc ở Lưỡng Hà (Mésopotamie) và Ai Cập. Ở Trung Hoa thì chữ viết ra đời chậm hơn, vào khoảng 1500 năm tr. C.N. Ở đâu người cũng bắt đầu sống bằng hái lượm, săn bắn, câu cá. Trừ một vài khu địa lí không thuận tiện cho sự trồng trọt, thường thường nông nghiệp xuất hiện cùng với du mục, ở miền Lưỡng Hà cũng như ở lưu vực sông Hoàng Hà hay sông Vị (không có sách mới nào nói người Hán đến từ Trung Á). Cố nhiên sự quan trọng của nông nghiệp hay du mục tuỳ theo địa lí và khí hậu ở mỗi nơi. Cho nên tôi không tin rằng du mục một đằng, nông nghiệp đằng khác đã đưa đến hai loại hình văn hoá khác biệt, một bên trọng động vì phải “ thường xuyên di chuyển ” (phương Tây) một bên trọng tĩnh vì phải “ lo dựng một cuộc sống ổn định lâu dài ” (phương Đông). Không thể giải nghĩa hai hay ba nghìn năm văn hoá bằng tâm lí được.

Đứng về phương diện phương pháp luận, để giảng nghĩa một sự khác biệt giữa hai văn hoá, cái “ gốc ” không quan trọng bằng những sự kiện kinh tế, xã hội, chính trị “ đương thời ”. Mà trong 2000 năm nông nghiệp là nghề chính của đại đa số nhân dân trên thế giới.

Nếu ta coi lịch sử thế giới từ 2000 năm nay, mỗi xã hội có thời “ tĩnh ” và thời “ động ”. TNT viết rằng “ chính vì động cho nên văn hoá phương Tây đã chuyển biến rất nhanh ” (tr.38). Sự thật mà ông quên là Âu Tây đã “ tĩnh ” trong 1000 năm từ sự sụp đổ của La Mã (thế kỉ 5) đến thời Phục Hưng (thế kỉ 15) từ đó mới tiến nhanh. Tinh thần chinh phục thiên nhiên mới nẩy nở từ đó chứ không phải “ luôn ” như ông viết (tr.39). Mà nếu nó nẩy nở chính vì có một giai cấp tư bản (tài chính và thương mại) đã xuất hiện với một chủ nghĩa mới : chinh phục thiên nhiên để giành lợi. Lợi lộc là một động cơ rất lớn. Trước kia, thời Trung Cổ “ tĩnh ” vì sự thống trị của đạo Ki-tô coi việc cần của con người là sửa soạn cho thế giới “ bên kia ” chứ không phải là hưởng thụ “ bên này ”.

Ở phương Đông cho đến thế kỉ 15, văn hoá Trung Hoa tiến nhanh hơn văn hoá Âu rồi sau đó suy dần cho đến nửa thế kỉ 20. Văn hoá Ả-rập thì “ tĩnh ” rồi “ động ”. Động cơ ở đây không phải là sự mưu cầu lợi nhuận như ở Âu Tây mà là một đạo mới, đạo Hồi, nảy nở ở thế kỉ 7. Chỉ trong hơn một thế kỉ, người Ả-rập đã lập một đế quốc rộng lớn từ miền tây Địa Trung Hải (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) đến Trung Á và Sind (ở Ấn Độ). Đối với họ, chiến thắng chính là dấu hiệu biểu lộ chân lí của đạo mới. Điều lí thú, đi trái ngược hẳn lí thuyết của TNT là dù “ tĩnh ” hay “ động ” nghề chính của người Ả-rập là du mục.

Những thí dụ trên đây và nhiều thí dụ khác cho thấy sự phân chia hai loại hình văn hoá theo gốc du mục hay nông nghiệp không có cơ sở khoa học.

Còn nhiều khẳng định của TNT cũng như thế, trái với sự thật lịch sử :

“ Tất cả những cuộc chiến tranh xâm lược đều do những dân tộc thuộc loại hình văn hoá động gây ra cho những dân tộc thuộc loại hình văn hoá trọng tĩnh (hoặc tĩnh hơn) ” (tr.47). Sự thật có rất nhiều chiến tranh xâm lược do một nước “ tĩnh ” mạnh gây cho một nước cũng “ tĩnh ” nhưng yếu hơn (hay bị coi là yếu), chẳng hạn Nhật Bản đối với Triều Tiên, Việt Nam đối với Chiêm Thành hay Campuchia, chưa kể người Hán đã thôn tính bao nhiêu dân tộc, gần đây nhất là Tây Tạng.

“ Phương Tây coi trọng cá nhân ” (tr 35 và 48). Nói thế là không đếm xỉa gì đến bao nhiêu thế kỉ nô lệ ở Âu Châu tuy chính TNT đã dẫn Aristote viết rằng “ nô bộc là hạng người sinh ra để làm công cụ cho lớp thống trị và phụ nữ là để sản xuất và nuôi con ” (tr.51). Tôi thì thấy rằng địa vị phụ nữ ở Việt Nam cao hơn ở Pháp cho đến thế kỉ 20.

“ Trọng tĩnh là dân chủ, trọng động thì quân chủ ” (tr.48). Thật lạ. Nhìn qua lịch sử thế giới từ 4-5000 năm tới nay gần như hầu hết các xã hội đều theo chế độ quân chủ cho tới thế kỉ 19 hay 20. Mà bây giờ có bao nhiêu chế độ gọi là “ cộng hoà ” mà thật sự là “ quân chủ ” lối mới, nghĩa là có một người độc tài cầm quyền. Và ở đâu cũng trọng nam hơn nữ vì sức lao động và sức chiến đấu cao hơn (cố nhiên địa vị người đàn bà có khác tuỳ theo nước).

“ Quy luật chung là chiến tranh thường đi từ vùng du mục hơn đến vùng nông nghiệp hơn, ngược lại văn hoá lại thường đi từ vùng nông nghiệp hơn đến vùng du mục hơn ” (tr 52) : quy luật thật là chiến tranh là một dụng cụ chính trị của kẻ mạnh hơn (hay nghĩ là mình mạnh hơn) gây ra cho kẻ yếu hơn (hay bị coi là yếu hơn). Giữa các nước Tây lẫn nhau, giữa các nước Đông lẫn nhau : La Mã xâm lăng Ai Cập và Ba Tư nhưng Ba Tư trước đó đã xâm lăng Hi Lạp, v.v.

Còn văn hoá thì cũng đi nhiều đường từ Đông sang Tây (không nên quên rằng đạo Ki-tô sinh ở Á Châu), từ Tây sang Đông (văn hoá công nghiệp và kĩ thuật), từ Bắc xuống Nam (Khổng giáo), từ Nam lên Bắc (Đạo giáo sinh ở miền Nam sông Dương Tử), từ một trung tâm nào đó lan rộng toàn thế giới (các tôn giáo lớn, khoa học hiện đại).

Về toạ độ và tiến trình của văn hoá Việt Nam, tôi đã dẫn ở trên những phát minh khảo cổ gần đây và sự công nhận của giới khảo cổ học về sự đóng góp của các văn hoá không Hán cho nền văn hoá Trung Hoa. TNT dẫn một bài của Solheim viết từ 1971 trong đó Solheim đưa ra một số giả thuyết về tiền sử Đông Nam Á châu. Bây giờ những giả thuyết đó đã bị bác bỏ. Không ai phủ nhận rằng bước đầu của văn minh loài người đã xuất phát ở Tây Á như tôi đã dẫn ở trên. Ở Đông Á, văn hoá đồng của Đông Sơn xuất hiện chậm hơn văn hoá đồng của người Hán, 1 thiên niên kỉ chậm hơn. Đối với những tượng và mặt nạ bằng đồng không Hán tìm thấy ở Tứ Xuyên hay Giang Tây cũng chậm hơn từ 500 đến 700 năm (xem Yang Xiaoneng, sđd). Bây giờ không thể viết như Hà Thúc Cần (dẫn tr. 83) hay Hà Văn Tấn (dẫn tr. 85) rằng văn hoá Đông Sơn đã ảnh hưởng Vân Nam, Quảng Tây và cả đất Sở.

Năm 2001 tôi đi chơi Vân Nam được dịp xem bảo tàng Côn Minh, ở đó có trưng bày nhiều cổ vật bằng đồng của văn hoá Điền (tên hồ cạnh Côn Minh) tìm thấy ở những mộ vua chúa khoảng 600 đến 300 tr. C.N. Có đồ giống đồ Đông Sơn (một số trống và chuông, có hoa văn chim, mặt trời, hình tròn ở giữa có điểm, ếch tượng trưng khả năng phồn thực, v.v.), có đồ khác (thạp đựng ốc tiền). Đây là một vương quốc giàu, ở một giai đoạn tổ chức xã hội cao hơn Đông Sơn còn ở tình trạng bộ lạc, buôn bán với người Hán, Ấn Độ, Tây Tạng, Miến Điện. Tôi nghĩ rằng Điền và Đông Sơn cùng thuộc về một loại văn hoá đồ đồng lan rộng từ miền Nam sông Dương Tử cho tới các hải đảo (trống đồng cũng có ở Phi Luật Tân, Java, Lào, Cao Mên v.v.), khác văn hoá đồ đồng của người Hán thời Thương và Tây Chu, nhưng chịu ảnh hưởng của họ qua sự trao đổi hàng hoá (ảnh hưởng này rõ rệt ở các gương đồng, đồ nữ trang bằng ngọc tìm thấy ở Điền v.v.). Ở đây tôi cũng muốn nói là tôi không đồng ý với Hà Văn Tấn khi Tấn viết rằng “ có một hệ thống chữ Việt cổ thời các vua Hùng ” (dẫn tr.94-96) : 20 chữ – nếu đúng là chữ viết – không đủ để thành một “ hệ thống ”. Một “ hệ thống” dùng đúng nghĩa của nó phải có vài nghìn chữ đủ để tả cảnh vật, diễn đạt tính tình và ý niệm. Ở Trung Hoa cuối thời nhà Thương (thế kỉ 11 tr. C.N.) người Hán đã có 5000 chữ.

Cuối cùng có một điểm cần xét lại. Trang 90, TNT (cũng như nhiều người khác) viết rằng nhà Lí “ xây Văn Miếu năm 1070, lập Quốc Tử Giám năm 1076 ”. A. Poliakov đã nghiên cứu vấn đề này, năm 1990 ở Hà Nội có đưa cho tôi bài viết của ông, Etudes Vietnamiennes đăng ở số 3, septembre 1991, tr 27-36 : “ Sur la date de construction du Van Mieu ”.Theo Poliakov, chỉ có Ngô Sĩ Liên mới biên sự kiện này, không thấy ghi ở các sử trước (Lê Văn Hưu, Việt sử lược v.v.). Thời đó Phật giáo là quốc giáo, chưa có nhiều nhà nho để dạy học và tổ chức thi cử. Ngô Sĩ Liên viết rằng thái tử Lí đến học ở Văn Miếu sau khi Văn Miếu được xây dựng, nhưng lúc bấy giờ mới có 4 tuổi ! Chỉ đến thế kỉ 13 nho giáo mới bắt đầu phát triển.


Lê Thành Khôi

(còn tiếp)




(1) Xem Zou Heng, The Bronze Age of China, trong Yang Xiaoneng, sách đã dẫn, tr. 527.

(2) Cai Hua, Une société sans père ni mari, Les Na de Chine, Paris, Presses Universitaires de France, 1997. Cai Hua đã đến sống với người Na để nghiên cứu xã hội của họ.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss