Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 126 / Đọc Tìm về bản sắc... (II)

Đọc Tìm về bản sắc... (II)

- Lê Thành Khôi — published 03/12/2010 00:00, cập nhật lần cuối 03/12/2012 13:57


đọc quyển
T
ìm về bản sắc văn hoá Việt Nam
của TRẦN NGỌC THÊM 


(tiếp theo)


LÊ THÀNH KHÔI


Chương 2 (*) tìm hiểu những giá trị văn hoá nhận thức, nghĩa là những triết lí giải thích bản chất của vũ trụ, cấu trúc không gian và thời gian. Theo Trần Ngọc Thêm (TNT), âm dương ngũ hành có nguồn gốc ở phương Nam, bát quái thì nguồn gốc phương Bắc, tuy người Hán (TNT dùng chữ “ Hoa tộc ” không đúng) “ đã có công rất lớn trong việc tổng hợp tri thức rồi hệ thống hoá và phát triển chúng ” (tr.98).

Lập luận của TNT không thuyết phục tôi vì những lẽ sau này :

Lẽ thứ nhất rất đơn giản là không thể khái niệm hoá nếu không có chữ viết. Một vật cụ thể ai cũng nhận được không cần phải nghĩ xa xôi. Từ thượng cổ ở đâu cũng biết phân biệt nam nữ ngày đêm vì đó là tự nhiên thôi (trời sáng trời tối). Ngày đêm, sáng tối đưa đến đen trắng : ngôn ngữ nào cũng có tối thiểu là 2 màu đen và trắng (TNT dẫn khảo sát của Berlin và Kay, tr. 135). Đó cũng là nghĩa đầu của âm và dương : âm ( , chữ giản thể) là sườn núi tối (mặt trăng), dương(, chữ giản thể) là sườn núi sáng (mặt trời). Nếu nói “ gốc ” thì âm dương là nhận thức của mọi người chứ không phải của riêng Đông Nam Á hay Tây Bắc Á.

Trừu tượng hoá âm dương để thành một triết lí thì phải có chữ viết. Chữ viết không những có chức năng truyền thông rộng hơn là tiếng nói, mà còn cho phép trữ kiến thức, tăng thêm nó, phổ biến nó, và nhất là phát triển tư tưởng phê bình và khoa học. Tôi không nói là một xã hội truyền khẩu không biết phê bình. Nhưng họ chỉ biết phê bình cái gì họ nghe và thấy. Nghe một nhà hùng biện có thể bị lôi kéo mất óc phê bình. Chữ viết cho phép đọc từng dòng từng chữ, đọc đi đọc lại, có thời giờ ngẫm nghĩ suy luận, đối chiếu nhiều ý kiến. Và chữ viết cho phép trừu tượng hoá, mở đầu cho khoa học. Không có chữ viết không có khoa học, đó là một sự thật không ai chối cãi. Nhất là toán học, một dụng cụ chủ yếu của khoa học. Ta có thể làm vài tính thường trong óc. Nhưng tính phức tạp thì không được, phải viết trên giấy. Triết lí cũng vậy (chưa nói đến triết học). Triết lí cần chữ viết để trừu tượng hoá quan niệm thông thường, để dựng một hệ thống có quy củ, để xem xét, phê bình, sửa đổi.

Người Việt dù có 20 chữ hay 200 chữ cũng không đủ để trừu tượng hoá âm dương thành triết lí. Người Hán thì có thể vì có chữ từ thế kỉ 16, đến thế kỉ 11 trước C.N. đã có 5000 chữ. Chữ “ văn ” trong văn hoá hay văn minh không có nghĩa là “ đẹp ” như TNT viết tr.27, mà nghĩa là “ chữ viết ”.

Đi đôi với sự xuất hiện của chữ viết là sự xuất hiện của một loại người lấy chữ làm nghề. Đó là loại sĩ, có người thì làm việc cho triều đình (soạn và giữ các văn kiện, bói toán, làm cố vấn cho nhà vua), có người thì dạy học, suy nghĩ, viết sách. Chỉ có nhóm này mới có thời giờ và tri thức để xây dựng một hệ thống tư tưởng triết lí. Mà nhóm này chỉ có ở người Hán.

Ở Việt Nam cũng như ở tất cả miền Nam sông Dương Tử không nơi nào có những điều kiện ấy, nhất là đủ chữ và người để nghiên cứu triết lí. Có “gốc” không đủ để đi đến một quan niệm và cũng không đủ để đi đến một khái niệm. Nhất là khi “gốc” là của toàn thế giới ! Trừu tượng hoá “ nữ ” = “ tối ”, “ nam ” = “ sáng ” không phải văn hoá nào cũng làm (hay làm được).

Và nói như TNT rằng ngũ hành và bát quái là sản phẩm của hai dân tộc khác nhau vì có sách chỉ nói đến bát quái không nói đến ngũ hành, hay vì trong ngũ hành và bát quái cùng một số hiện tượng (đất, nước, lửa) có những tên khác nhau, do đó phải xuất phát từ hai kiểu tư duy khác nhau, thì đó là chuyện thường trong văn học. Ở một trình độ nào đó trong một nước, về một vấn đề có nhiều ý nghĩ khác nhau, cùng một chữ có nhiều cách hiểu. Trong một nước Pháp có bao nhiêu sách khác nhau nói về tư tưởng của Marx ! Khổng giáo và Phật giáo cũng thế. Ở Tây Tạng có 4 phái đều được coi là chính phái của Phật giáo !

Nói về nước Việt ta thì phải công nhận ta không có óc triết học (người Nhật Bản cũng thế). Ngoại trừ mấy thiền sư thời Lí-Trần, ta không có một nhà triết học nào cả. Lê Quý Đôn mà nhiều người gọi là một nhà triết học sự thật chỉ là một người sưu tập.

Một lẽ cuối cùng mà TNT không nhận thấy là một mâu thuẫn lớn giữa tín ngưỡng cổ của người Hán và người Việt. TNT viết (tr.99) : “ đất được đồng nhất với mẹ, trời được đồng nhất với cha ” (trong quan niệm của người nông nghiệp). Sự thật người Việt cổ coi trời là mẹ chứ không phải là cha, như trong câu :

Ông Trăng mà lấy Bà Trời

Chính TNT cũng nói đến Bà Trời trong Chương 4, §13,2, nhưng khi viết Chương 2 thì quên đi !

Chắc rằng ta nói Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước, v.v., vì lúc bấy giờ ta còn ở chế độ mẫu hệ trong khi người Hán đã sang chế độ phụ hệ. Sau này bị Hán xâm chiếm và ảnh hưởng, ta mới sang chế độ phụ hệ và gọi Trời là Ông. Ở thời Thượng cổ ta gọi Trăng là Ông trong khi người Hán thì coi là âm (nữ) đối với mặt trời (dương).

Tất cả những lí lẽ trên đây đưa đến kết luận là triết lí âm dương ngũ hành là gốc Hán chứ không phải là gốc Việt.

Từ Chương 3 đến Chương 6, TNT lần lượt phân tích văn hoá Việt Nam : tổ chức cộng đồng (đời sống tập thể và cá nhân) ; ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Ở đây cơ sở lập luận vững hơn là ở hai chương đầu : TNT hiểu biết văn hoá Việt Nam nhiều hơn là văn hoá nước ngoài và lịch sử thế giới. Tuy nhiên vẫn có nhiều câu không đúng khi so sánh Việt Nam với Trung Quốc hay “ phương Tây ” và nhất là về phương diện phương pháp luận.

Trong Chương 3 : “ Văn hoá tổ chức cộng đồng : đời sống tập thể ”, khác với lời viết của TNT (tr.180), dòng họ rất quan trọng ở Tây Âu thời La Mã và phong kiến. “ Cá nhân ” xuất hiện từ thời Phục Hưng (thế kỉ 15), gia đình hạt nhân thì với chủ nghĩa tư bản và công nghiệp. Ở người slav dòng họ (zadruga) quan trọng cho tới thế kỉ 19. Trung Hoa cũng coi trọng gia tộc không kém Việt Nam, nhưng đó là gia tộc phía đàn ông, trong khi Việt Nam coi trọng cả hai dòng (nội và ngoại) tuy “ nội ” vẫn được trọng hơn “ ngoại ”.

Tôi không chắc là “ ở Việt Nam làng và họ nhiều khi đồng nhất với nhau ”. Nhiều tác giả thấy rằng phần đông các làng, nhất là ở trong Nam, gồm nhiều họ, dù rằng có một họ đã sáng lập. Ta có câu “ láng giềng gần hơn họ xa ”. Tiếc rằng không có thống kê về vấn đề này.

Ở tr. 181, về Tây Nguyên, nói về sự điều hành trong nhà dài của người phụ nữ chủ nhà chỉ đúng ở chế độ mẫu hệ thôi. Ngược lại, tr. 186, không phải chỉ ở phương Nam mới trọng tuổi già. Tuổi già được trọng ở mọi nơi không có chữ viết hay ít dùng chữ viết dù xã hội là du mục hay nông nghiệp, bởi lí do đơn giản là kinh nghiệm đến với tuổi tác. Khi mà chữ viết và học thức lan rộng, tuổi già không được trọng nữa vì người trẻ có thể biết nhiều hơn người già.

Tr. 190-1, tôi không biết tính tự trị có phải là một đặc trưng cơ bản của nông thôn Việt Nam không. Lần đầu tiên nói đến xã là về thời Khúc Hạo (907-917). Sử viết là Khúc Hạo chia cả nước thành lộ, phủ, châu, giáp, xã : mỗi xã có một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng. Đến thời Lí, khu vực hành chính gồm có lộ, phủ, huyện, hương, giáp. Đời Trần có xã quan. Lê Thánh-tông lại đổi thành xã trưởng. Xã trưởng do dân chọn nhưng nhà nước bổ nhiệm. Cho đến 1732 nhà nước Lê Trịnh suy mới thôi kiểm tra và lúc bấy giờ làng mới hoàn toàn tự trị. Nhưng tự trị không có nghĩa là dân chủ.

Dân chủ là gì ? TNT không định nghĩa chữ ấy, chỉ kết hợp dân chủ và bình đẳng (tr.195). Nhưng có bình đẳng đâu ! Chính TNT cũng viết rằng có dân chính cư và dân ngụ cư, dân chính cư chia làm 5 hạng : chức sắc, chức dịch, lão, đinh, trẻ con. Hai hạng trên và một phần hạng thứ ba mới là quan viên. Thế thì có bình đẳng đâu ! Nếu là dân chủ theo nghĩa bây giờ thì ai là tráng đinh cũng phải có quyền bầu người lãnh đạo. Cho nên nói đúng hơn đây là một tập đoàn trị (oligarchie).

Theo TNT, tính cộng đồng và tính tự trị đưa đến hậu quả tốt và hậu quả xấu : óc ích kỉ, bè phái, v.v. ở đây tôi thấy chủ quan quá. TNT chứng minh bằng một số ca dao hoàn toàn trái ngược. Ở đâu mà chả có người xấu người tốt ? Trong mức độ nào ? Đó là vấn đề. Bây giờ tâm lí xã hội học đã đưa ra một số biện pháp để biết rõ hơn (tôi không nói là với kết quả hoàn toàn khoa học, tôi chỉ nói là khách quan hơn, lúc mà mình làm đúng quy tắc) tỉ số những người nghĩ thế này thế khác.

Ở mục 11 : “ Cách tổ chức quốc gia ”, có nhiều câu đặt vấn đề (ngoài những điểm mà tôi đã phê bình). Tôi chỉ nêu vài ví dụ không bàn dài dòng :

Tr. 200 : “ đơn vị trung gian giữa làng và nước không quan trọng... thể hiện ở chỗ tên gọi... luôn thay đổi ” : chứng minh này không đủ và có thể chỉ bắt trước Trung Hoa (các tên đều lấy từ Trung Hoa).

Tr. 201 : “ ở phương Tây, lãnh địa là trụ cột ổn định của quốc gia ” : hoàn toàn sai ! Trái lại, các nhà vua luôn luôn ráng sức làm giảm bớt quyền lực của lãnh chúa để củng cố quốc gia. Vào thời kì phát triển tư bản đã hết lãnh địa và phong kiến từ lâu, nhà nước thống nhất chứ không phải là liên bang. Ở Đức có nhiều vương quốc, Phổ (Prusse) thống nhất thành một Đế quốc liên bang chứ không phải là một liên bang thực sự. Liên bang thật sự ở Âu Châu thế kỉ 19 chỉ có ở Thuỵ Sĩ do hoàn cảnh riêng của nước này.

“ Ở Việt Nam... các làng phải tập hợp nhau lại thành ‘nước’”. Không đúng. ở đây cũng như ở Trung Hoa hay Âu Châu, một sức mạnh ngoài làng (một anh hùng, một tướng mạnh) đã tập hợp các làng, các vùng thành nước.

Tr. 202 : “ Ở phương Tây ranh giới quốc gia rất mờ ”. Lại sai. Chính ở đây đã xuất hiện hộ chiếu. Từ khi có Cộng đồng Âu Châu, nghĩa là từ vài chục năm nay, những người trong Cộng đồng mới đi lại dễ dàng, những người ở ngoài vẫn phải xin thị thực.

“Giới tư sản các nước liên minh chặt chẽ với nhau” : phải thêm là để hợp tác và cũng là để cạnh tranh. Còn công nhân thì “tinh thần quốc tế vô sản” bây giờ không còn nữa !

Tr. 206 và sau, TNT đối lập Trung Hoa với Việt Nam cho là ta vì có gốc nông nghiệp nên có một truyền thống dân chủ hơn Trung Hoa là gốc du mục. Tôi thì thấy ở đâu cũng có vua tốt vua xấu. Vua ta đã theo Trung Hoa tự coi mình là thiên tử, mặc áo vàng, đặt quan chế theo kiểu Hán. Không phải chỉ vua ta mới “ coi dân như con cháu mình ”, người Hán cũng có câu “ quan là phụ mẫu ” của dân. Quan hệ huyết thống (vua anh - vua em, vua chị - vua em, vua cha - vua con) hay pháp lí (vua Lê - chúa Trịnh) không thể gọi là “ lãnh đạo tập thể ” được (2 người không phải là “ tập thể ” nhất là khi cùng dòng họ). Chế độ vua cha - vua con có thấy ở một số nước mà không gọi được là dân chủ (Nhật Bản chẳng hạn). Còn chế độ kiểu Vua Lê - Chúa Trịnh thì cũng thấy ở Nhật và nhiều nước trong đó có Pháp “ gốc du mục ”.

Tr. 213 : “ Truyền thống dân chủ nông nghiệp còn thể hiện trong việc tuyển chọn người vào bộ máy quan lại ”. Không thể nói thế được vì ta chỉ bắt chước Trung Hoa là nước đầu tiên có việc này, một nước mà theo TNT có gốc vừa du mục vừa nông nghiệp. ở Triều Tiên “ gốc nông nghiệp ”, chỉ là quý phái mới được đi thi (thường dân không được). ở Nhật cũng là một nước nông nghiệp, giai cấp thống trị là võ sĩ cha truyền con nối hay được người trên chọn, cho tới đầu thế kỉ 20.

Tr. 216-7 : TNT viết rằng “ truyền thống thương nghiệp Việt Nam là gian dối ”, tôi thấy rất là chủ quan. Một hai tục ngữ ca dao không là chứng minh được. Còn nói ở phương Tây xã hội trọng vọng và kính nể nhà doanh nghiệp hay thương nhân thì chỉ đúng từ thời Phục Hưng thôi, thời Trung Cổ họ bị khinh vì sự thống trị của đạo Ki-tô y như là với Khổng giáo ở Đông Á. Ở hai nơi giai cấp thương nhân đã nảy nở không phải nhờ tôn giáo mà mặc dù tôn giáo chống (tới một trình độ nào tiền mạnh hơn đạo).

Tr. 243 : Về lễ nam giao và lễ tịch điền, TNT lập luận rằng vì “ tục thờ mặt trời có nguồn gốc ở phương Nam thì làm sao lễ tế Trời và Đất lại bắt nguồn từ phương Bắc được ? ”. Người ta có thể trả lời rằng chữ và quan niệm “ thiên địa nhân ” và “ thiên tử ” xuất phát ở người Hán. Vua tế trời vì tự coi là con trời (thiên tử) có mệnh của trời trị vì thiên hạ (là đất dưới trời) nhiệm vụ đầu tiên là phát triển nông nghiệp. Có rất nhiều dân tộc thờ mặt trời : Amaterasu là nữ thần mặt trời ở Nhật Bản. Người Turc và người Mông Cổ (du mục) cũng thờ Trời nhưng là một thần Nam.

Trang 245 : “ Rồng xuất phát từ Nam Á và từ đó đã đi vào văn hoá Trung Hoa ” ? Khảo cổ thì có bằng chứng khác. Ở Trung Hoa, người ta đã đào được một số đồ bằng ngọc hình rồng thuộc văn hoá Hongshan (4700-2920 tr. C.N.) tỉnh Liao-ning và Nội Mông Cổ. Hình rồng cũng có ở văn hoá Yangshao (5000-3000) và Taosi Longshan (2500-2000 tr.C.N.). Bên cạnh hình rồng có hình rắn trên đồ đất nung 1. ở Việt Nam không (chưa ?) tìm được hình rồng nào xưa như thế. Người Hán chẳng cần phải qua sông Dương Tử để biết rồng !

Tr. 272-3, chú thích 14 : Nước Sở thế kỉ 4-3 tr. C.N. dân Việt nhưng vua và quý tộc là Hán. Khuất Nguyên là người Hán không được vua nghe nên tự vẫn chứ không phải “bất bình với sự cai trị của vua nhà Hán” : nhà Hán lập nghiệp năm 206 tr. C.N., nghĩa là 70 năm sau khi Khuất Nguyên mất.

Tr. 288-9 : “Văn hoá gốc du mục trọng dương... thiên về văn xuôi”. Sự thực phức tạp hơn nhiều. Có nơi bắt đầu bằng thơ, như ở Hi Lạp với Homère (Iliade, Odyssée) hay ở Pháp với Chanson de Roland, có nơi bắt đầu bằng vừa thơ vừa văn xuôi như ở La Mã với Lucrèce và Cicéron, v.v. Văn xuôi bắt đầu thịnh hành từ thế kỉ 18, nghĩa là khá xa với “ gốc ”.

Tr. 410 : Ngọ Môn có thể được dịch bằng Porte du Midi và Midi cũng có nghĩa là hướng Nam (Chú thích của DĐ : TNT chê dịch như vậy là sai vì ông tưởng Midi chỉ có nghĩa là giờ ngọ).

Tr. 457 : Tượng Phật ở chùa Phật Tích trước đây Bezacier cho là tượng Adiđà, bây giờ Trần Lâm Biền và Chu Quang Trứ cho là tượng Phật Thích Ca, tôi nghĩ đúng hơn.

Tr. 467 : Quan Âm là Phật Bà không những ở Việt Nam mà cả ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản tuy rằng họ không “ thiên về nữ tính ”.

Tr. 482 và sau : TNT viết rằng Nho giáo “ ra đời và nuôi dưỡng bởi hai dòng sữa : truyền thống văn hoá du mục phương Bắc và truyền thống văn hoá nông nghiệp phương Nam ”. Trên đây tôi đã đưa ra nhiều chứng minh đối lập với thuyết “ hai văn hoá ” ấy. Ở đây chỉ cần nói rằng nhiều dân tộc du mục nhỏ ở phương Đông (chẳng hạn ở Trung Á) không có “ tham vọng bình thiên hạ ” còn “ trọng sức mạnh ” thì cũng thấy ở nước nông nghiệp (Nhật Bản chẳng hạn). Hay là nông nghiệp “ phương Bắc ” khác nông nghiệp “ phương Nam ” ? Nhật Bản khác Việt Nam vì có một chế độ phong kiến rất giống phong kiến Âu Châu. Do đó họ trọng sức mạnh, không trọng phụ nữ. Nhưng đó là kết quả của chế độ xã hội chứ không phải của nông nghiệp. Người ta cũng có thể lí luận như thế đối với “ lối sống trọng tình ” hay “ tinh thần dân chủ ”, hai ý niệm rất chủ quan, hay cho người làm văn viết truyện nhưng người khoa học thì nên tránh. Tôi không nói là không có người sống trọng tình hay không có tinh thần dân chủ. Tôi chỉ phê bình sự khẳng định khái quát là nông nghiệp đưa ra lối sống trọng tình và tinh thần dân chủ.

Tr. 579 “ Hoa tộc (đúng hơn phải nói Hán tộc) đã thu từ phương Nam... cái rìu, cái nỏ, nghề nấu thuỷ tinh, phần nào nghề luyện kim đồng” : không đúng. Trung Hoa cũng có rìu (một vật ở đâu cũng thấy từ thời Thượng cổ : paleolithique = đá cũ, neolithique = đá mới), có nỏ (một lợi khí đã giúp Tần thống nhất Trung Hoa), biết luyện kim đồng trước người Việt (Đông Sơn sớm nhất là thế kỉ 6-5 tr. C.N., nhà Thương có đồ đồng từ thế kỉ 16-15 tr. C.N.). Còn nghề nấu thuỷ tinh, tôi không biết TNT dựa vào tài liệu nào mà nói người Việt biết nghề ấy. Theo tất cả các sách khảo cổ mà tôi biết, thuỷ tinh được phát minh ở Ai Cập và Mêzopôtami trước -1500, lan ra Tây Á vào thế kỉ thứ 6 tr. C.N., nghề thổi thuỷ tinh xuất hiện ở thế kỉ 1 ở đấy.

Để kết luận, tôi thấy quyển sách của ông Thêm có hai phần. Phần có giá trị là khi tác giả phân tích văn hoá Việt Nam. Có những trang rất lí thú về đời sống cá nhân, văn hoá ứng xử với môi trường : ăn uống, mặc, ở và đi lại, tuy có khi người đọc có thể không đồng ý về điểm này hay điểm khác. Phần yếu của quyển sách là khi tác giả khái quát mà không có chứng minh khoa học, đặt cơ sở lí luận trên sự phân chia hai loại hình văn hoá, trọng tĩnh và trọng động, theo nguồn gốc nông nghiệp hay du mục của nó. Lịch sử thế giới không chứng minh lí luận đó : phần lớn các văn hoá khi xuất hiện ở phương Đông cũng như ở phương Tây đều phối hợp nông nghiệp và du mục (tuy với trình độ khác nhau). Chỉ trong một số trường hợp vì hoàn cảnh địa lí khí hậu ta thấy chỉ có nông nghiệp (các đồng bằng Đông Nam Á Châu) hay chỉ có du mục (Trung Á, Trung Phi, bán đảo Ả rập v.v.). Đứng về phương diện phương pháp luận, để giảng nghĩa một sự kiện lịch sử xã hội, “gốc” không quan trọng bằng các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, đương thời. Gốc là một khái niệm khái quát quá, lờ mờ quá, nhất là một gốc du mục hay nông nghiệp đưa ra nhiều xã hội khác nhau. Nhiều ý niệm khác tác giả dùng cũng không ở trong phạm trù khoa học : tính âm, tính dương, tính tĩnh, tính động, của một văn hoá là gì ? Chữ tính hàm ý không thay đổi, hay không thay đổi trong một thời gian lâu, và có ở tất cả mọi người, dù là nam hay nữ, ở địa vị này hay địa vị nọ, ở đẳng cấp, giai cấp này hay đẳng cấp, giai cấp nọ. Sự thật thì cái gì cũng thay đổi, chậm hay nhanh. Có khi vì muốn đề cao văn hoá nước mình, tác giả đã quên nhiều sự kiện lịch sử. TNT cho rằng hai truyền thống quan trọng của Việt Nam là “ dân chủ ” và “ trọng tình ” (tr. 498) : “ vua nông nghiệp... coi dân như con cháu mình ” (tr. 206 : có bao nhiêu ông vua như thế ?) ; “ các cuộc chiến tranh mà người Việt Nam từng phải thực hiện đều mang tính tự vệ (cả) với người Chiêm Thành ” (tr.498). Năm 1471 Lê Thánh-tông đánh Chiêm Thành để “ tự vệ ” hay để mở mang bờ cõi ? Sau khi chiếm thủ đô Chăm, Lê Thánh-tông đã giết hơn 40 000 người và bắt hơn 30 000 người về để làm gia nô hay điền binh (Đại Việt sử kí toàn thư). Đó có phải là một hành động “ trọng tình ” không ? Tôi thì gọi nó là dã man, lấy làm hổ thẹn, chỉ biết... tạ lỗi với người Chăm. Gần đây cải cách ruộng đất có “ trọng tình ” không ? Và bây giờ các chủ nhân xí nghiệp “ gốc nông nghiệp ” đối xử với công nhân “ trọng tình ” hay “ bóc lột ” như người mác-xít vẫn nói ? Nói chung các văn hoá “gốc nông nghiệp” bây giờ “ trọng tình ” hay “ trọng tiền ” hơn ?

Ông Trần Ngọc Thêm còn nhiều thời giờ để đọc sách, nghiên cứu và suy nghĩ về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới và phương pháp luận. Với khả năng của ông, tôi tin rằng ông sẽ vượt các khuyết điểm hiện giờ và đóng góp nhiều cho nền khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà.


Lê Thành Khôi




(*) Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, nxb Thành phố Hồ Chí Minh, in lần thứ ba, 2001,690 trang. Phần đầu của bài phê bình này đăng trên Diễn Đàn số 125 (1.2003).

1 Xem Yang Xiaoneng, ed. , The golden age of Chenese Archaelology, Washington, 1799, tr. 83, 84, 109-110.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us