Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 127 / Đọc Địa đàng ở Phương Đông

Đọc Địa đàng ở Phương Đông

- Zidol — published 18/11/2008 20:08, cập nhật lần cuối 18/11/2008 23:05
Diễn Đàn vừa giới thiệu trong mục "Thấy trên mạng" bài viết của Đỗ Kiên Cường trên báo Tia Sáng, về cuốn sách "Địa đàng ở Phương Đông" của S. Oppenheimer. Nhân dịp này, chúng tôi xin đăng lại bài điểm cuốn sách này của Nguyễn Quang Trọng, đã đăng trên Diễn Đàn (báo giấy) số 127, tháng 3.2003.

Giới thiệu sách


Địa Đàng ở Phương Đông
của Stephen Oppenheimer


Nguyễn Quang Trọng


Địa Đàng ở Phương Đông (1) là một quyển sách có bề dày đáng kể : 560 trang kiểu chữ nhỏ. Tựa sách khiến người ta nghĩ đến một truyện thần thoại hay tác phẩm nổi tiếng của John Steinbeck. Đọc xong mới biết cuốn sách kết tinh một công trình nghiên cứu dài hơi, nghiêm túc, của một nhà khoa học. Và đem lại nhiều phát giác mới mẻ, đặc biệt quan trọng cho các dân tộc Đông Nam Á.

Về tác giả, nhà nghiên cứu Oppenheimer

Stephen Oppenheimer tốt nghiệp bác sĩ tại đại học Oxford (Anh) năm 1971. Năm sau ông sang vùng Viễn Đông hành nghề bác sĩ nhi khoa tại nhiều bịnh viện trong vùng (Nepal, New Guinea, Malaysia, Hongkong, Brunei), mà độc đáo nhất là “ bác sĩ bay ” (flying-doctor) ở Sarawak (đảo Kalimantan). Ông nghiên cứu về sinh học di truyền bệnh sốt rét ở New Guinea, có kết quả quan trọng công bố trên tờ báo khoa học hàng đầu thế giới (Nature, 1997) về đột biến gene đã đưa đến gene kháng sốt rét... Năm 1997, ông trở về Oxford tham khảo tài liệu thư viện và viết cuốn sách “ 200 000 chữ ” về liên hệ văn hóa kỹ thuật giữa Đông và Tây vào thời tiền sử. Cuốn sách này do một số nhà xuất bản ở Anh, Đức và Ý đặt Oppenheimer viết dựa vào những công trình nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm bản thân của ông, một người Âu đã sống và tìm hiểu vùng Viễn Đông và Tây Nam Thái Bình Dương.

Khi nghiên cứu về di tố chống sốt rét của các nhóm dân New Guinea, Oppenheimer nhận thấy những bộ lạc nói tiếng khác nhau và có chung các huyền thoại cổ tích truyền khẩu thì có cùng di tố. Từ đó, ông say mê tìm hiểu sâu về cổ tích, tiền sử, ngôn ngữ, tập quán của toàn thể dân Á châu. Trong nhiều năm, ông bỏ thì giờ đi khắp Đông Nam Á lục địa (kể cả Việt Nam) và các đảo Thái Bình Dương nghiên cứu thêm về nhân học. ông lặn lội nơi thâm sâu cùng cốc, tìm đến những bộ lạc bán khai còn giữ ngôn ngữ, tập quán hay cổ tích truyền khẩu từ xưa...

Tại đại học Hongkong từ 1990 đến 1994, ông nghiên cứu về những đường thiên di đưa người nói tiếng Nam Đảo đi chiếm lĩnh các hải đảo trên một vùng biển rộng lớn, trải từ Madagascar ở bờ tây Ấn Độ Dương đến đảo Hawaii và đảo Phục Sinh (Iles de Pâques) phía đông Thái Bình Dương.

Từ những kiến thức đa dạng này, ông có một số ý kiến mới về sự hình thành của hai nhóm dân chính của Đông Nam Á, là dân nói tiếng Nam Á (Austroasian) và dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesian). Trở về giảng dạy tại đại học Oxford sau khi rời Hongkong, ông không ngừng tìm hiểu về hai giống dân Nam Á - Nam Đảo mà ông đã từng chung sống trong hai mươi năm.

Địa Đàng ở Phương Đông

Tổng hợp các tài liệu và kết quả nghiên cứu của chính mình, bao gồm nhiều bộ môn như khảo cổ, y khoa, ngôn ngữ, nhân chủng, xã hội học, Oppenheimer đưa ra một thuyết mới về nguồn gốc một số dân tộc và văn minh Á châu. Theo thuyết này, “ cái nôi ” nền văn minh nhân loại (Homo sapiens sapiens) nằm ở Đông Nam Á. Nhưng người ta không thể khai quật các di tích khảo cổ vì ngày nay những vùng đất chứa dấu vết nền văn minh này đã nằm sâu dưới biển. đó là vùng thềm Sunda và thềm Nam Hải (tức Biển Đông hay thềm vịnh Hạ Long ).

Oppenheimer chia cuốn sách làm hai phần. Phần một, rất khoa học, về nguồn gốc của các giống dân Đông Nam Á từ cuối thời cựu thạch khí (thời đồ đá cũ). Phần hai gồm các huyền thoại và chuyện truyền khẩu các tộc người sống rải rác khắp Đông Nam Á lục địa và trên hằng hà sa số hải đảo vùng biển Thái Bình rộng lớn.

Trong phần thứ nhất : các tựa Đá, Xương, Di tố (gene) và Âm (Tiếng), gồm các chương từ 1 đến 7 được xếp thành nhóm theo ngành khoa học chuyên môn : Địa chất, Khảo cổ, Di truyền học và Ngôn ngữ học.

Hai chương đầu chứng minh Đại Hồng Thủy có thật vì vết tích địa chất để lại trên nhiều vùng gần biển và sự thiếu vắng di vật chứng minh dấu vết văn hóa nằm giữa các tầng có di tích văn hóa xưa nhất tìm thấy trong các hố khảo cổ. Các hiện tượng gây ra Đại Hồng Thủy vào thời băng giá cuối cùng được phân tích trong chương 1. Vào khoảng 20 000 năm trước đây, nước biển dâng cao 120 m so với mức nước biển cũ, trong vòng hơn 15000 năm, nhưng mực dâng không đều đặn. Cho đến khoảng 8000 năm trước đây, khí hậu nóng lên làm chảy dần lớp băng đá dày đến 1,6 km nằm trên vùng đông bắc Canada Laurentide, nước băng tan ứ đọng trong hồ Baltic, gây sức ép làm bật tung nút chặn thiên nhiên. Nước hồ tuôn ra eo biển Hudson, lôi theo những tảng băng chưa tan. Hiện tượng tương tự đã xảy ra tại nhiều nơi trên vùng lục địa gần cực địa cầu như vùng eo Bering-Alaska, cũng vào khoảng thời gian ấy. Mực nước biển dâng cao bất ngờ (25 m) gây đại hồng thuỷ. Thêm vào đó, trọng lượng mất đi của những lớp băng tan khiến vỏ trái đất càng thêm sôi động, di chuyển, sinh ra động đất, núi lửa và sóng thần, tăng thêm cường độ Đại Hồng Thủy, gây kinh hoàng cho các nhóm dân sống ven biển.

Trong chương 2, tác giả tổng hợp các tài liệu khảo cổ và nhân học vùng vịnh Á rập và Đông Nam Á (từ nam Nhật Bản, qua Hongkong, xuống đến Tân Guinea) chứng minh rằng khi lục địa Sunda bị chìm ngập, có sự tràn lan ra vùng ngoại vi lục địa Sunda các di vật khảo cổ và ống phun tên (blow pipe) vốn là một phát minh của cổ dân nói tiếng Nam Đảo sống tại bắc Borneo. Riêng cổ dân vùng thềm Nam Hải thì rút lên chỗ đất cao phía lục địa bây giờ và lập một số làng vào thời tân thạch khí (đồ đá mới) trên đảo Hải Nam và cửa Châu Giang ; đồ gốm tô màu hay khắc vạch của họ được tìm thấy tại nhiều nơi dọc biển nam Trung Hoa, cũng như đồ gốm văn thừng sau đó (đồ gốm bên ngoài có in dấu chày bện thừng đập lên gốm lúc còn ướt) đào được khắp vùng có cư dân Bách Việt. Liên hệ văn hoá giữa Đông Á với cổ vương quốc Ur (vùng Lưỡng Hà) được chứng minh qua các hiện vật khảo cổ nằm dưới lớp cát lắng trong hố khảo cổ ở Ur (nghĩa là trước lúc vùng bị nước biển ngập) : đồ gốm khắc vạch, đĩa gốm xoi lỗ, chì lưới bằng đất nung, hạt chuỗi vỏ sò, rìu tứ giác, lưỡi cày bằng đá, và đá quí, toàn là loại đồ của cổ dân Đông Nam Á. Và nhất là qua một hình nhân nhỏ bằng đất nung tượng trưng một phụ nữ có những dấu vết mà tác giả cho là dấu xâm mình, một tập tục của dân nói tiếng Nam Đảo.

Trong chương 3, trước khi đưa quan điểm của mình, tác giả trình bày thuyết Bellwood về sự di dân vùng Đông Nam Á vào thời đồ đá và thêm vào đó một số dữ kiện khảo cổ. Ông đả phá từng điểm một thuyết Bellwood về nguồn gốc người nói tiếng Nam Đảo (từ nam Trung Hoa qua Đài Loan), và nguyên do đưa đến thiên di và hậu quả của thiên di. Trong chương này có tiểu đoạn “ người Chăm đến từ đâu ”, với tiểu tựa viết bằng tiếng Pháp, “ D’où les Cham ? ”, trong cuốn sách hoàn toàn bằng Anh ngữ này. Tiểu đoạn ấy nói về tổ tiên gốc Nam Đảo của người Chăm tại Trung Việt. Ông dựa vào kết quả khảo cổ ở Trung Việt để chứng minh sự kiện người Nam Đảo bành trướng từ Đài Loan xuống các đảo Đông Nam Thái Bình Dương vào thiên kỷ II trước Công nguyên của Bellwood/Blust là không đúng. Bởi vì tổ tiên người Chăm không thể đến Sa Huỳnh sớm như thế được. Ngược lại, kết quả khảo cổ tại Tân Guinea chứng minh đã có lưu thông vật liệu (đá lửa đen, và cây trái như trầu cau) cùng với dân Nam Đảo theo đường hàng hải ngay sau khi Sunda bị ngập đi từ Đông Nam Á (bao gồm phần Sunda bị chìm) đến các đảo xa trước khá lâu niên đại Bellwood nêu ra. Và ông kết luận : khi nước biển dâng, người Nam Đảo di tản đến Ấn Độ, Tây Á, châu Đại Dương đem theo các yếu tố văn hoá, kỹ thuật của vùng bị ngập, và chắc chắn đã kích thích cuộc “ cách mạng ” thời đá mới. Theo ông, có thể cư dân Đông Nam Á đã đầu tiên khám phá ra hợp kim đồng thau (cư dân Ban Chiang tại Thái Lan, nơi giàu thiếc, kim loại cần cho hợp kim) và truyền bằng đường hàng hải đến Lưỡng Hà, nơi hiếm thiếc.

Chương 4 bàn về ngôn ngữ (cổ) Á châu, đặc biệt những ngôn ngữ Đông Nam Á. Trong ngôn ngữ học cũng như trong di truyền học, tính đa dạng được xem là biểu hiện sự cổ xưa : một vùng có cư dân (thuộc nhiều nhóm / bộ lạc) nói nhiều dạng khác của cùng một thứ tiếng được xem như là vùng có gốc xưa của thứ tiếng đó. Các bộ lạc thổ dân trên lãnh thổ nhỏ Đài Loan nói nhiều thứ tiếng rất khác nhau nhưng thuộc cùng nhóm (hay nhánh, phylum) tiếng Nam Đảo. Vì thế Đài Loan được xem là nơi xuất phát của cư dân nói tiếng Nam Đảo đi về các đảo nam Thái Bình Dương.

Đa số các nhà ngôn ngữ học xem vùng chân núi Himalaya, nơi hội tụ các sông lớn của Đông Nam Á, là cái nôi các ngôn ngữ Á Đông. Từ đó các ngôn ngữ chính truyền đi bốn phương : đó là các nhóm tiếng Hoa-Tạng, Nam Á, Nam Đảo và Thái- Kadai. Nhưng theo Oppenheimer, ba nhóm tiếng sau (mà nhiều người xem là cùng một gốc, gọi là austric) không lan truyền xuôi theo các giòng sông như Blust chủ trương, mà chúng phát xuất từ một ngôn ngữ gốc austric tại cổ lục địa Sunda, trước khi vùng này bị ngập. Khi trốn lụt, do địa hình của Đông Nam Á lục địa, họ chỉ có thể đi ngược giòng các con sông về phía bắc, nơi không bị ngập.

Tác giả đào sâu trong chương kế tiếp nơi bắt nguồn tiếng Nam Đảo, và hướng lan truyền thành các nhánh khác nhau. Trừ miền Trung Việt Nam và một vài nơi thuộc nam bán đảo Mã Lai, tất cả các dân nói tiếng Nam Đảo đếu sống trên hải đảo. Theo tác giả, tiếng Nam Đảo phát xuất từ tây bắc đảo Borneo, nhánh tiếng Tây Nam Đảo phát triển về phía bắc, ngược lên Phi Luật Tân, miền Trung Việt Nam và Đài Loan, và phát triển về hướng tây (tây Indonesia, Mã Lai, Mã Đảo...). Phía nam, nhánh Mã Lai- Polynesian lan xuống tận các đảo đông nam Thái Bình Dương. Đài Loan không thể là nơi xuất phát nhánh Mã Lai- Polynesian, vì không thổ dân Đài Loan nào nói tiếng thuộc nhánh cuối cùng này. Cuối chương, tác giả đặt thuyết về lịch và hướng lan truyền của nhánh Mã Lai- Polynesian như sau : trước “ chuyến tàu tốc hành ” ( tên đặt cho thuyết của Bellwood) đưa người Nam Đảo từ phía bắc xuống các đảo Đông Nam Thái Bình Dương trong khoảng thời gian ngắn (3500 năm trước), đã có “ chuyến tàu chậm” đưa người nói tiếng Nam Đảo đến các đảo vùng Melanesia. Theo ông, “ chuyến tàu ” này xưa hơn nhiều (vì khởi hành lúc Sunda bị ngập) và đã dừng khá lâu tại mỗi đảo, cho người lên xuống, sống chung chạ với cổ dân bản xứ, trao đổi đồ đạc, kỹ thuật, phong tục, ngôn ngữ và di tố (lai giống).

Hai chương 6 và 7 phân tích liên hệ gốc gác qua di tố. Tác giả đưa các kết quả mới của ngành di truyền học vào việc định hướng thiên di các dân tộc nói tiếng Nam Á và Nam Đảo. Di tố đuợc nghiên cứu nhiều nhất là di tố mtDNA (trong mitochondries) truyền qua người mẹ ; di tố này cho biết liên hệ “ mẹ con ” giữa các nhóm dân. Di tố “ chromosome Y ” cho biết đường đi (và lai giống) của cha. Ông còn thêm vào nghiên cứu riêng về khuyết tật di truyền đưa đến hồng huyết cầu đặc biệt ; gọi là khuyết tật nhưng chính ra nhờ đó mà dân Đông Nam Á, (đa số sống trong vùng ẩm ướt đầm lầy) chống được hậu quả chết người của bệnh sốt rét. Về hệ tộc, người Đông Dương nằm rất gần gốc của dân Đông Nam Á, nhưng theo tác giả, một số sắc dân (như Orang Asli) sống ở cực nam bán đảo Mã Lai, nơi có cả người nói tiếng Nam Á lẫn người nói tiếng Nam Đảo, có gene gốc cho cả hai nhóm này. Tổ tiên của họ có lẽ đã sống đâu đó trên lục địa Sunda, khi bị lụt đã di tản đến cực nam bán đảo Mã Lai, trên rìa cao của lục địa này.

Phần thứ hai sách nghiên cứu các huyền thoại, cổ tích truyền khẩu của các dân tộc Đông Nam Á. Huyền thoại các vùng trải từ Viễn Đông đến Âu Châu, ngang qua rừng núi nam Hi Mã Lạp Sơn, được tác giả so sánh tìm những điểm tương đồng và liên hệ đến đường thiên di cổ dân Đông Nam Á suy ra trong phần một. Tác giả áp dụng lý luận ngữ học (hay di truyền học) sắp xếp theo thứ tự trước sau trong thời gìan : vùng nào có nhiều dạng nhất của một huyền thoại sẽ là vùng gốc. Các huyền thoại được tác giả đề cập đến là huyền thoại chung của nhiều sắc dân sống tại những vùng khác nhau (kể cả những vùng núi non xa biển), như chuyện về Đại Hồng Thuỷ, về rồng biển, mà theo Oppenheimer đó là cá sấu khổng lồ sống ở cửa biển (*). Cũng như những huyền thoại về trời (cha) đất (mẹ) và sự nảy sinh vũ trụ, về con vật (như rắn) lột da thành trường sinh bất tử, về cây đời, về hai anh em đánh nhau. Chẳng hạn như tích Kulabob của các bộ lạc trên những hòn đảo nam Thái bình Dương. Oppenheimer xem tích Kulabob của thổ dân tại Tân Guinea là huyền thoại gốc của các huyền thoại tương tự của tất cả dân có liên hệ huyết thống với dân Nam Đảo. Dù tác giả không nói đến, nhưng tích Trầu Cau của dân Việt Nam, theo tôi, cũng là một dạng của tích Kulabob, nói về hai anh em cùng yêu/tranh chấp một cô gái. Oppenheimer sưu tập rất nhiều huyền thoại dưới thiên hình vạn trạng, khó có thể tóm tắt, tôi xin được miễn nêu ra ở đây.

***


DL

Lục địa SUNDA (vùng gạch chéo) trước khi chìm ngập

Các vết tích địa chất học thật sự chứng minh rằng nhiệt độ trái đất tăng dần từ hơn 12000 năm trước, làm tan một phần các băng sơn của thời băng giá khiến mức nước biển dâng cao thình lình cách đây 8000 năm. Từ sự kiện này, Oppenheimer suy ra rằng những người sống trên lục địa Sunda có văn minh cao phải di tản đi khắp nơi, đem nền văn minh ấy truyền đến khắp nơi trên thế giới. Trước đây, tuy biết rằng thềm lục địa Đông Nam Á ngày nay cạn và rộng lớn, trải từ tây Ấn độ đến nam Việt Nam về phía đông, xuống tận các đảo lớn của Indonesia về phía nam, nhưng không ai dám khẳng định như thế về mặt văn hoá và lịch sử, vì không hội đủ bằng chứng. Oppenheimer dựa vào các tài liệu khảo cổ cũ, thêm vào những số liệu mới về di truyền học, nhiều dữ kiện về ngôn ngữ và nhân chủng phương đông để chứng minh rằng đã có những dân tộc cổ Đông Á sống trên vùng thềm lục địa Sunda. Những dân tộc này đã biết trồng trọt, đánh cá, đã thuần hoá chó, lợn, có kinh nghiệm đi biển, nên họ di tản dễ dàng khi nơi họ sống bị biển ngập.

Theo Oppenheimer, khi nước biển dâng, tại vùng bị ngập, một số dân rút lên đất cao, một số khác cất nhà sàn ven bờ, số còn lại dùng thuyền vượt biển tìm đất mới. Trong số thứ ba này, một nhóm di dân đến vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) đóng góp văn minh vào lịch sử Trung Đông, góp phần đẩy vùng này trở thành nơi tiến bộ bậc nhất trên địa cầu vào những thiên kỷ trước Công nguyên. Trường ca Gilgamesh tại đấy có nhiều điểm giống huyền thoại chung của hầu hết các dân tộc Đông Nam Á về trận Đại Hồng Thuỷ. Tích Đại Hồng Thuỷ cũng như truyện Cain và Abel trong Kinh Cựu ước Thiên Chúa giáo có thể đã lấy từ hai tích cổ phổ quát tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đóng góp quan trọng nhất của nhà nghiên cứu này, theo ý tôi, có lẽ là việc phân tích nguồn gốc cùng hướng thiên di những sắc dân Đông Nam Á, đặc biệt là dân nói tiếng Nam Đảo (nhóm tiếng nói phong phú nhất thế giới). Trong số những nhóm nói tiếng Nam Đảo, phải kể đến người Chăm (Chàm) và một số sắc dân sống tại miền Trung Việt Nam. Phân tích này đưa đến thuyết di dân thời tiền sử ngược lại với thuyết về sự bành trướng của sắc dân nói tiếng Nam Đảo của Bellwood (nhà khảo cổ) và của Blust (nhà ngôn ngữ) vốn được nhiều người chấp nhận nhất.

Địa đàng ở phương Đông đem một cái nhìn mới về nguồn gốc xưa và văn minh cao của người Đông Nam Á, đặc biệt của người nói tiếng Nam Đảo sống trên lục địa Sunda trước khi biến thành đáy biển bây giờ. Điểm độc đáo của tác giả là đã kết hợp nhiều bộ môn, cổ điển và hiện đại, khoa học chính xác với khoa học nhân văn.

Dựa trên các dữ kiện đa ngành và với lập luận mạch lạc, tác giả đã đưa ra một thuyết giá trị có tính thuyết phục độc giả, kể cả những độc giả khoa học trong các ngành liên quan đến tiền sử Á Châu. Trước Oppenheimer, nhiều nhà khảo cổ nổi tiếng như Solheim II (Mỹ), Highham (Tân Tây Lan) và Beecham (Hong Kong), khi nói đến sự ra đời sớm của thương mại đường biển, nghề trồng trọt, làm gốm, đúc đồ đồng thau... tại Đông Nam Á cũng đã chứng minh các thuyết của Heine-Geldern và của Movius là không đúng vì các thuyết này cho rằng dân Á châu thời tiền sử kém cỏi hơn dân Âu châu và Cận Đông nhưng lập luận của họ xem ra không vững chắc có lẽ một phần vì lúc đó họ không đủ dữ kiện bằng Oppenheimer. Việc phân tích, tổng hợp các huyền thoại trong một vùng mà văn hoá không văn tự giữ một vai trò đặc biệt quan trọng là một việc đáng đề cao, dù sự định “ tuổi ” ( thứ tự trước sau) qua truyền thuyết khó thể chính xác như những phương pháp khác.

Nhưng cũng như mọi giả thuyết khác, những khám phá tương lai sẽ cho thấy thuyết này sai hay đúng. Mặt khác, mọi thuyết thường đặt căn bản trên dữ kiện ; nếu dữ kiện không đúng, thì giả thuyết khó có thể đúng. Tác giả muốn chứng minh văn minh phương tây (văn minh Lưỡng Hà, Ai Cập vùng đông Địa Trung Hải) có nguồn gốc Đông Nam Á nhưng có ba dữ kiện đặt lại vấn đề.

Điểm đầu tiên : theo kết quả khảo cổ, vùng Cận Đông được xem là vùng sớm có người hiện đại H. sapiens sống từ rất lâu (trên 100 000 năm) họ lập nên làng xã gần 10 000 năm nay, và phát minh ra canh nông (lúa mạch, lúa mì), chăn nuôi (dê, cừu, bò...) trong vùng trải từ Thổ Nhĩ Kì đến Israel, Iran. Oppenheimer sẽ thuyết phục hơn nếu ông đưa ra những bằng chứng khác. Vị trí “ cái nôi của nghề trồng lúa ” cũng cần xét lại. để chứng minh cây lúa đã được cư dân cổ Đông Nam Á trồng từ rất lâu, tác giả dùng kết quả khảo cổ Thái Lan, theo đó lúa được trồng ở nam Thái Lan 9 nghìn năm trước. Kết quả này chưa được xác quyết (ngay theo lời tác giả), và bằng chứng xem ra chưa đủ tính thuyết phục. Các cuộc khai quật khảo cổ gần đây tại nhiều địa điểm nam lưu vực Trường Giang bên Tàu cho thấy lúa hoang được thuần hóa và trồng trước thời điểm này rất nhiều (2). Tác giả cũng cho rằng lúa được trồng ở Việt Nam từ năm nghìn năm trước, thế nhưng dấu vết xưa nhất của việc thu hoạch lúa gạo, như dấu gạo cháy thuộc địa điểm đồng đậu (tiền - Đông Sơn) tìm được tại bắc Việt Nam, cho thấy cư dân tại Việt Nam ăn cơm (gạo) khoảng chỉ hơn ba bốn ngàn năm trước (3) và có thể đó là lúa trồng (liềm đá tìm thấy ở di tích Phùng Nguyên). Điểm cuối cùng về nguồn gốc đồng thau. Niên đại cổ vật đồng thau tại Thái Lan lúc đầu xem như xưa hơn đồ đồng thau Lưỡng Hà, nhưng các nhà khảo cổ ngày nay, khi thẩm định lại, cho là niên đại sau Lưỡng Hà này không đúng (4). Ở tây Á châu (Iran, Thổ Nhĩ Kì), người ta đã sử dụng kim loại đồng nguyên chất từ không gian vũ trụ rơi xuống trái đất từ thiên kỷ thứ VII-IX trước tây lịch, và kỹ thuật luyện đồng thau đã được các vương quốc cổ vùng này ghi lại từ bốn ngàn năm trước.

Eden in the East là một kho tài liệu lớn về tiền sử và gốc gác, huyền thoại các dân tộc Đông Nam Á. Nhiều đồ thị, bản đồ đính kèm hướng dẫn, giúp độc giả theo dõi dễ dàng các giả thuyết và lập luận phức tạp. Thuyết của Oppenheimer đề cao văn minh dân Đông Nam Á cổ, nên rất “ quyến rũ ” các dân tộc Đông Nam Á ngày nay. Đây là một cuốn sách rất quý, đáng đọc. Vấn đề sẽ đặt ra khi các giả thuyết ấy, vì một lí do nào đó, lại được trình bày như một sự thật, khiến độc giả nào không đọc tài liệu gốc sẽ tin tưởng điều đó. Dần dà một sự kiện có thể sai lại được phổ biến như chuyện hiển nhiên “ đinh đóng cột ” (5) nhất là khi điều đó góp phần đề cao nguồn gốc, khiến người ta được thoả mãn tự ái dân tộc, quên đi thực tại trước mắt.


Nguyễn Quang Trọng


(*) Điểm này cũng phù hợp với phân tích của nhiều tác giả Việt Nam khi luận về gốc mô típ rồng của Việt Nam qua cổ vật Đông sơn.

(1) Stephen Oppenheimer, Eden in the East. Weidenfeld & Ni-cholson, London, 1999 (hard cover), ISBN : 0297818163 ; Phoenix house (paperback) ; L’Eden a Oriente, Modadori, 2000, Milano.

(2) Tài liệu mới về kết quả khảo cổ về nguồn gốc cây lúa tại lưu vực Trường Giang đưa ra trên mạng internet, như http://www.carleton.ca/~bgordon/Rice/papers/ ; Ví dụ : Jane Libby, INTERDISCIPLINARY STUDIES BEARING ON THE ORIGIN OF RICE AGRICULTURE, hoặc : Zhang P Q, Discussion of Chinese domesticated rice - 10 000 year-old rice at Xianrendong, Jiangxi province, bài báo cáo tại International Symposium on Agricultural Archeology, China, 1998. Điều này không có nghĩa tổ tiên người Hán phát minh ra nghề trồng lúa. Dữ kiện khảo cổ và di truyền cho thấy là cư dân cổ vùng nam Trung Hoa không phải là người Hán mà là người vốn gần với người Việt cổ.

(3) Khảo cổ học Việt Nam, I. Thời đồ đá, và II. Thời đại kim khí Việt Nam, Hà Văn Tấn Ed, Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội (1998).

(4) Dictionnaire de la Préhistoire, Leroi-Gourhan A. chủ biên, Presse Universitaire de France, Paris, (1994)

(5) Nhân xem Lê Thành Khôi, Đọc sách Trần Ngọc Thêm, phần về năm xây Văn Miếu, Diễn Đàn Forum, số 125, tháng 1-2003, tr. 16. Tôi xem lại Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (mộc bản khắc năm 1697, Ngô Đức Thọ dịch, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993) thấy những điểm vô lí đúng như Lê Thành Khôi đã nêu ra. Ngô Sĩ Liên ghi : “ Tháng 8 (năm 1070), vua (Lý Thánh Tông) làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Từ phối, vẽ tượng Thất Thập Nhị Hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây ”. Xem những trang trước và sau, thấy ngay là Hoàng thái tử lúc đó mới bốn tuổi, mà vua cha là người rất sùng đạo Phật, lẽ nào lại cho lập Văn Miếu thờ Khổng Tử và môn đệ, cho con vào học ở đấy thay vì học ở chùa như tiên đế nhà Lý ? Thái tử lên làm vua (Nhân Tông) chỉ thấy chịu ảnh hưởng Phật giáo. Thế mà việc lập Văn Miếu vào thế kỷ 11 vẫn còn được chép lại trong sách sử ngày nay và trong các sách hướng dẫn du lịch ngoại quốc.

Tạ Chí Đại Trường nhận xét như sau về việc các tác giả đi sau lập lại người đi trước (Văn học tháng 1&2, 2003, tr. 53) : “ Sử sách chỉ có một quyển, truyền thuyết chỉ có một dòng, hệ thống diễn giải chỉ có một nếp ” và về khuynh hướng lấy một vài dữ kiện ngành khảo cổ để đẩy xa hơn nữa sự đề cao dân tộc : “ Sử gia khoa học ngày nay lại đem mê tín mới, về trống đồng để chứng minh bốn ngàn năm văn hiến từ Hùng Vương.... Nghe như sự tán rộng từ lời sử quan về việc truyền đời “ dòng mối ức vạn năm, với trời không cùng (tột) ” cộng thêm với mớ bùa chú khảo cổ học mà thôi ”. Eden in the East không phải là thánh kinh, và có lẽ khoa học gia Oppenheimer cũng không cần thuyết của mình trở thành tín điều.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us