1963
40 năm sau, nhìn lại
1963
Nguyễn Ngọc Giao
Lịch sử Việt Nam hiện đại có những cái mốc quan trọng. 1945, “ chín năm làm một Điện Biên ” 1954, chín năm sau là 1963... Rồi lịch sử như tăng tốc 1968, 1972-73 theo nhịp nhiệm kì tổng thống Mĩ, trước khi đi trước chặn đầu cuộc bầu cử năm 1976 bằng cái mốc 1975.
Trong những cái mốc lớn ấy, 1963 có một vị trí đặc biệt. Trước hết vì những sự kiền dồn dập, phức tạp đã diễn ra.
Thật vậy, nhắc tới tình hình cách đây 40 năm đúng, chắc chắn mọi người nghĩ ngay tới phong trào đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm, mà biểu hiện nổi bật trong kí ức là phong trào Phật tử, với hình ảnh không thể nào quên : thượng toạ Quảng Đức an toạ ở ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (Sài Gòn) trước khi châm lửa tự thiêu. Dư luận thế giới còn bàng hoàng, chưa kịp nhận thức được hết ý nghĩa của hành động siêu phàm ấy, đã kinh ngạc và ghê tởm khi nghe Bà Nhu muốn thay trò “ dóc mía ” bằng trò “ nướng chả ”, để rồi chuyển sang phẫn nộ trước cuộc đàn áp đẫm máu đêm 20.8. Và tiếp theo là cuộc thay ngựa giữa dòng ngày 1.11 với cái chết thê thảm của hai anh em Diệm - Nhu, cái chết đã được báo trước trong bức điện mật ngày 24.8 của Nhà Trắng gửi đại sứ Henry Cabot Lodge.
Kích thước Shakespeare của vở bi kịch lịch sử, ba tuần sau, đạt tới cực điểm mới trong cái chết của John F. Kennedy. Tiếp theo, như mọi người đều biết : cuộc “ cách mạng ” tháng 11.63 mau chóng hiện nguyên hình trong cái đèn cù của các cuộc đảo chính liên tiếp ; cuộc “ chiến tranh đặc biệt ” mà Kennedy đã liên tục tăng cường (từ dưới 10 000, số cố vấn quân sự Mĩ ở miền Nam cuối năm 1963 đã lên tới 20 000), tới Johnson, đã leo thang thành “ chiến tranh cục bộ ”...
40 năm đã trôi qua, những đam mê cuồng nộ có thể sâu lắng, nhường chỗ cho cái nhìn tỉnh táo, và những trải nghiệm chủ quan lại có thể làm sống động những hiểu biết khách quan mới. Và những những hiểu biết khách quan đang được tích luỹ qua nghiên cứu của các nhà sử học trên thế giới trong thời gian qua, khi họ phỏng vấn các chứng nhân, đối chiếu nhân chứng với các tư liệu mà các kho văn khố quốc gia, cơ quan và cá nhân đang lần lượt được mở ra ở Washington, Paris, Moskva, Warszawa... hoặc hé mở ở Hà Nội, Bắc Kinh...
Đọc qua một số các công trình nghiên cứu được công bố, có thể thấy những sự kiện nhắc lại ở trên là phần nổi, quan trọng, nhưng chỉ là một bộ phận của một chuỗi dài những sử kiện quan trọng dồn dập xảy ra trong năm 1963 ở Việt Nam và liên quan đến Việt Nam.
Xin đơn cử vài thí dụ để minh chứng :
- ngày nay, các tài liệu nội bộ của Mỹ đã xác nhận tầm quan trọng của trận Ấp Bắc : ngày 2.1.1963, tại một ấp nhỏ cách Mỹ Tho 20 km, một đơn vị du kích của Mặt trận dân tộc giải phóng đã đánh bại một lực lượng đông gấp 5 lần của quân đội Việt Nam cộng hoà, với ưu thế tuyệt đối áp đảo về cơ động (trực thăng, xe cơ giới), hoả lực và vũ khí, với sự chỉ huy thực sự của đại tá John Paul Vann và sự chỉ đạo sâu sát của cả tướng Paul Harkins. Đầu năm 1963, khi trận này xảy ra, hai bên đều tuyên truyền thắng lợi, hai nhà báo Mỹ sau này trở nên những tên tuổi của báo chí Mỹ (N. Sheehan và D. Halberstam) nêu rõ ngay đây là thất bại nặng nề chính quyền Diệm và của chiến lược “ CI ” (chống nổi dậy) của chính quyền Kennedy, song phải nói lúc đó dư luận vẫn bán tin bán nghi. Ngày nay, rõ ràng trận Ấp Bắc đã mở đầu cho sự phá sản của “ chiến tranh đặc biệt ” và “ quốc sách ấp chiến lược ”.
- Nói rộng hơn, các hồ sơ lưu trữ của Nhà Trắng và Bộ ngoại giao Mỹ được công bố trong 20 năm qua (sau Hồ sơ Lầu năm góc bị phanh phui năm 1971) cho thấy : lực lượng quân sự của MTDTGP (chủ yếu là lực lượng tại chỗ) năm 63 tăng gấp đôi so với năm 61, rạn nứt bắt đầu hiện ra trong bộ máy chính quyền và quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam, giữa Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm (một dự thảo kế hoạch thay thế Diệm được soạn thảo từ tháng 4.63, trước cuộc đàn áp Phật tử tháng 5 ở Huế), mâu thuẫn gay gắt giữa báo chí Mỹ và bộ máy chính trị - quân sự Mỹ ở Việt Nam.
- Từ tháng 7.62, ông Lê Duẩn, trong một lá “ thư vào Nam ” (gửi ông Nguyễn Văn Linh) đã nhấn mạnh khả năng Mỹ thừa nhận thất bại của “ chiến tranh đặc biệt ” và chấp nhận “ chính phủ liên hiệp ” ; sang năm 1963, De Gaulle đưa ra đề nghị “ trung lập hoá miền Nam Việt Nam ” và bước đầu chuẩn bị lực lượng (ở Pháp cũng như ở Sài Gòn). Tại Sài Gòn, khi đã quá muộn, tập đoàn Diệm-Nhu mới tìm cách liên lạc với Hà Nội (thông qua Maneli, đại sứ Ba Lan ở Uỷ hội Quốc tế), không rõ với thực tâm tìm kiếm một giải pháp “ giữa người Việt với người Việt ” hay chỉ nhằm hù Mỹ.
- Lịch sử đã diễn ra như thế nào, mọi người đều rõ : tại Washington, tuy những tiếng nói đòi “ rút đi trong danh dự ” bắt đầu cất lên ở Quốc hội Mỹ, những hoài nghi do dự đã lộ ra trong nội bộ, nhưng chính quyền Johnson chọn con đường leo thang (mà thực sự Kennedy đã khởi xướng) ; tại Hà Nội, năm 1963 kết thúc bằng Hội nghị Trung ương lần thứ 9 của Đảng Lao động Việt Nam (mà một báo cáo mật của CIA thừa nhận sự độc lập đối với Bắc Kinh và Moskva) : để đương đầu với sức mạnh ghê gớm của Hoa Kỳ, ĐLĐVN về đối ngoại, chọn lựa con đường “ trung tuyến ” giữa Liên Xô và Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ tối đa của hai nước “ anh em ” đang và sẽ trở thành kẻ thù của nhau, song về đối nội, não trạng và thực tiễn của ĐLĐ hai thập niên sau đó, mang nặng dấu ấn của chủ nghĩa Mao (tuy không bao giờ đạt tới mức “ cách mạng văn hoá ”).
- Những dữ kiện quốc tế và quốc nội, ngày nay nhìn lại, hầu như đã tất yếu quy định tiến trình của cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ cuối năm 1963. Nhưng mặt khác, người ta không thể không đặt ra những câu hỏi bắt đầu bằng chữ “ nếu ”. Nếu xu hướng sớm thấy thất bại mạnh hơn ở Nhà Trắng, nếu ý đồ mong muốn “ chính phủ liên hiệp ” của phía Việt Nam có thể được thông báo một cách “ hiển ngôn ” cho phía Mỹ (một điều hơi không tưởng nếu ta nhớ tới cuộc tranh chấp Xô-Trung)...
Không ai có thể viết lại, càng không thể làm lại, lịch sử bằng những chữ nếu. Song xem xét các giả thiết là một cách soi sáng các dữ kiện lịch sử và hiểu rõ quá khứ. Điểm lại những hiểu biết hôm nay về năm bản lề 1963, có lẽ chỉ cần nhấn mạnh một điều : nếu kho lưu trữ ở VN chưa được mở ra cho các nhà nghiên cứu, và ngày nào chưa thực sự có nghiên cứu lịch sử hiện đại ở Việt Nam, thì lịch sử Việt Nam hiện đại vẫn còn là độc quyền của sử gia nước ngoài và “ ký ức quốc gia ” của dân tộc ta còn đắm chìm trong cõi u minh.
Nguyễn Ngọc Giao
NGUỒN : Diễn Đàn số 127, tháng 3-2003
Các thao tác trên Tài liệu