Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 133 / apres l'empire

apres l'empire

- Nguyễn Quang — published 27/11/2008 14:45, cập nhật lần cuối 27/11/2012 19:07


Đọc Emmanuel TODD (1)

Après l'Empire

 

Nguyễn Quang

 

Hai năm sau biến cố 11-9, sáu tháng sau cuộc xâm chiếm Irak, dịp kỉ niệm 2 năm ngày Tháp Đôi bị đánh sập cho thấy rõ nhận thức của thế giới về nước Mĩ đã thay đổi triệt để tới mức nào. Ở đây không cần nói tới Thế giới (Châu Á, Châu Mĩ Latinh... ) là vùng đất đã nếm mùi gót sắt Hoa Kì (2), mà chỉ nói tới các nước đồng minh và chư hầu cố hữu của Hoa Kì (trên châu lục Âu-Á) là những nước đang kinh ngạc nhận thấy “ nền cộng hoà đế vương ” (cụm từ của Raymond Aron) bỗng trở thành nhân tố bất ổn số 1, trở thành tác nhân gây chiến chủ yếu trên thế giới. Một nước Mĩ sôvanh và hung hãn, kiêu căng và quân phiệt. Một nước Mĩ đáng sợ, càng đáng sợ hơn nữa vì chẳng thấy lực cản nào có thể ngăn chận được mưu đồ bá chủ của nó, chống lại cái “ pax americana ” bất chấp mọi chuẩn tắc công pháp quốc tế. Trong bối cảnh nước Mĩ thì lên cơn cuồng nộ, thế giới thì lo lắng như vậy, cuốn sách nhỏ của Emmanuel Todd (viết và xuất bản ngay trước khi bùng nổ chiến tranh Irak) quả là một tác phẩm phạm huý, phạm thượng. Bản thân cái tựa đề cuốn sách đã là một sự khiêu khích đối với nếp suy nghĩ thời thượng : Sau đế chế - Sự suy sút (sụp) của hệ thống Mĩ. Tại sao lại “ sau đế chế ” ? Tại vì trong thế kỉ XX có thể đã có một đế chế Mĩ, nhưng sang thế kỉ XXI nó sẽ không còn nữa : “ Thế giới quá mênh mông, quá đa dạng và quá năng động để có thể chấp nhận một cường quốc duy nhất đứng bá chủ. Xem xét các thế lực dân số và văn hoá, công nghiệp và tiền tệ, tư tưởng và quân sự, sẽ thấy cương vị nước Mĩ ngày nay có vẻ đời đời bền vững không thể tiếp tục dài lâu ” (trích phần nhập đề). Còn “ suy sút ”, thậm chí “ suy sụp ” (hai nghĩa của chữ “ décomposition ”), vì sao ? Bởi vì cho dù Mĩ là “ một quốc gia vĩ đại với sức mạnh một thời không ai dám đọ sức, sự suy tàn của Mĩ là một xu thế không thể đảo ngược (...). Bởi vì Mĩ không còn sức để kiềm chế các tác nhân kinh tế và chiến lược chủ yếu là Âu Châu, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc nữa, nên trong ván bài chót để giành lấy vai trò bá chủ hoàn cầu, Mĩ sẽ thua cuộc. Nó sẽ về lại vị trí của một đại cường trong các đại cường ” (sđd).

Nói Mĩ “ suy tàn ” có vẻ “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi ”. Nhưng người nói ra điều ấy không phải là bất cứ ai : Emmanuel Todd là một nhà dân số học ; phân tích các số liệu thống kê về tỉ lệ tử vong của trẻ em, Todd hầu như là nhà quan sát duy nhất đã tiên liệu sự suy vong của chế độ Liên Xô. Lời tiên tri ấy được đưa ra ngay từ năm 1976 (3) khi mà “ chủ nghĩa xã hội hiện thực ” tưởng như sẽ trường tồn vĩnh cửu. Lần này, E. Todd lại phân tích số liệu và tiên đoán sự suy sụt của hệ thống Mĩ. Không những thế, ông còn đưa ra cả một “ mô hình lí giải tường tận hành xử quốc tế của Hoa Kì ” vì, quả thật, “ hành trình chiến lược lung tung và hung hãn của 'siêu cường đơn độc' chỉ có thể [thuần lí hoá] bằng cách lột trần những mâu thuẫn chưa giải quyết hoặc không thể giải quyết, và từ đó nảy sinh những cảm nhận về khiếm khuyết, những mối lo sợ ” (tr. 16).

Thế kỉ Mĩ

Không thể chối cãi, thế kỉ XX là thế kỉ của nước Mĩ. Ưu thế của Hoa Kì thực ra đã bắt đầu từ thế kỉ XIX, khi nước Mĩ bề ngoài thì cô lập (về quân sự và ngoại giao) nhưng bên trong thì “ kinh tế tăng trưởng nhờ hai dòng chảy liên tục và cần thiết là tư bản và lao động đến từ châu Âu. Vốn đầu tư của châu Âu và khối người nhập cư có chữ nghĩa đã thực sự là động cơ kinh tế của lịch sử Mĩ. [Cho nên] đến cuối thế kỉ XIX, Mĩ có một nền kinh tế không những giàu mạnh nhất thế giới, mà còn là nền kinh tế tự túc cao độ, tự sản xuất được nhiều nguyên liệu và cán cân thương mại thì xuất siêu dư dả ” (tr.23). Hoa Kì xuất hiện trên trường quốc tế kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, khi châu Âu lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt (4), song phải đợi đến Chiến tranh Thế giới lần thứ nhì, Hoa Kì mới giành được vị trí tương xứng với thế lực của mình : vị trí của một đại cường quốc về kinh tế, quân sự và tư tưởng. “ Năm 1945, GDP của Hoa Kì chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của thế giới, do đó sự chế ngự của Hoa Kì là hệ luận đương nhiên và tức thời. Hẳn là vào năm 1950, chế độ cộng sản đã chiếm lĩnh vị trí trung tâm của châu lục Âu-Á, nối liền một dải từ Đông Đức đến Bắc Hàn, nhưng Hoa Kì, với quân lực trên vùng trời và trên đại dương, đã nắm quyền kiểm soát chiến lược trên phần còn lại của trái đất, với [trợ lực của] hai nước bảo hộ là Đức và Nhật, nguồn bổ sung quan trọng về mặt kinh tế, với sự tôn sùng của vô số đồng minh và chư hầu ” (tr. 24 và 77). Song bá quyền không đồng nghĩa với đế chế, và nếu bá quyền của Mĩ trong các thập niên 1950-90 trên toàn bộ thế giới không cộng sản “ cũng gần như đáng gọi là đế chế ” (chữ dùng của tác giả) là vì còn có một kích thước ý thức hệ, có phần áp đặt, nhưng quan trọng hơn nữa, có phần tự nguyện : trong nửa sau của thế kỉ XX, trong phần thế giới nằm dưới sự kiểm soát về quân sự và chính trị của Mĩ, nền “ cộng hoà đế vương ” đã xác định những luật chơi phù hợp với thiên hướng tư tưởng của mình, và phải thừa nhận rằng, ít nhất trong giai đoạn đầu, Mĩ đã thực hiện phần nào lời hứa mang lại thịnh vượng cho phe mình theo các nguyên tắc liberal (kinh tế tư bản chủ nghĩa, chính trị dân chủ). “ Sẽ thậm vô lí nếu cho rằng sự tồn tại của hệ thống (Mĩ) này là một nhân tố tiêu cực : bằng chứng là nhịp độ tăng trưởng kinh tế những năm 1950-75. Kế hoạch Marshall đã cung cấp cho châu Âu những phương tiện để tái thiết và đồng thời cho Hoa Kì những phương tiện để tránh khỏi một cuộc khủng hoảng kiểu 1929. Đó là điển hình của một đường lối chính trị và chính sách kinh tế khôn ngoan (...). Phải nói tới mặt tích cực của chủ nghĩa đế quốc trong thời kì này ”, ít nhất đối với thế giới Tây phương (tr.84). Bên cạnh thế thượng phong về ý thức hệ, nhất thiết không thể quên tác động tâm lí và văn hoá, cái mà Joseph Nye đã nâng thành lí luận về « soft power » : nước Mĩ thống trị không chỉ bằng sức mạnh, mà còn (và có lẽ nhất là) bằng hào quang của những giá trị, của những định chế và của nền văn hoá Mĩ. Phản ứng của thế giới sau biến cố 11-9, E. Todd nhận xét, đã kiểm chứng lí thuyết ấy một cách « tuyệt vời » : “ Lúc đó, một cuộc khủng hoảng tâm linh thực thụ đã lột trần kiến trúc não trạng của cả hành tinh, trong đó nước Mĩ, siêu cường duy nhất mà chính đáng, hiện ra trong vô thức như hòn đá tảng của toà nhà. [Sự mảnh mai dễ vỡ của nó đột nhiên lộ rõ], mọi người, thân Mĩ hay chống Mĩ, bỗng như trở thành những trẻ thơ bị hẫng hụt vì bỗng thiếu vắng một uy quyền mà chúng cần có để tuân phục hay kháng cự. Tóm lại, cuộc thảm sát 11-9 đã biểu lộ tính chất tự nguyện trong thân phận lệ thuộc của chúng ta ” (tr. 12).

Phải thừa nhận rằng trong hậu bán thế kỉ XX, uy quyền đế chế của Hoa Kì đã ngự trị trên phần đất không cộng sản của thế giới, và đối với các nước đồng minh hay chư hầu, nền bá chủ ấy đã có vai trò « tích cực về toàn cục ». Khi bức tường Berlin sụp đổ, người ta đã ao ước một giấc mơ : “ tất cả (hay hầu hết) các quốc gia thừa nhận tính chính đáng [vai trò « cường quốc phúc thần » / « benign power »] của nước Mĩ, dẫn tới sự đăng quang của một « đế chế của điều Thiện », các nước bị trị chấp nhận một quyền lực trung tâm, còn người Mĩ thống trị thì tâm phục khái niệm công lí ” (tr.13). Ấy thế mà chính trong thập niên cuối cùng của thế kỉ XX (đối với nhiều nhà sử học, thế kỉ XXI đã bắt đầu với thập niên này) người ta lại thấy xuất hiện, hay tái hiện, một thứ chủ nghĩa đơn phương thô bạo nhất của Hoa Kì : bác bỏ Hiệp ước Ottawa cấm chỉ các loại mìn chống cá nhân, từ chối (và phá đám) Hiệp ước Roma thiết lập Toà án Hình sự Quốc tế, từ chối Thoả thuận Kyoto về sự nhả khí cacbon... Sau 11-9, cuộc đấu tranh chống tổ chức khủng bố Al Queda lẽ ra đã có thể hợp thức hoá tính chính đáng của Hoa Kì nếu Washington biết tiến hành một cách khiêm tốn và biết điều, thì ngược lại đã bị biến thành một cuộc thánh chiến chống lại « Trục của cái Ác », định chế hoá trạng thái chiến tranh thường trực trên quy mô toàn cầu. Một nhà quan sát lão luyện như Eric J. Hobsbawm còn phải lúng túng thừa nhận : “ Sự phô trương sức mạnh đột ngột, phi thường, thô bạo và thù hằn này là một điều khó hiểu vì nó không tương ứng với chính sách đế chế đã triển khai từ thời kì chiến tranh lạnh và đã kinh qua nhiều thử thách, nó lại càng không phù hợp gì với lợi ích kinh tế của Hoa Kì. Đối với những nhà quan sát nhìn từ bên ngoài, chính sách mới đây của Washington quả là rồ dại tới mức thật khó nắm bắt được cứu cánh thực sự của nó (5).

Những người chống Mĩ một cách có hệ thống cố nhiên có sẵn cách « lí giải » của họ : “ Nước Mĩ bản chất là xấu xa, nó là hiện thân dưới dạng thức quốc gia của chủ nghĩa tư bản độc hại (...). Trước ngày hiểm hoạ Liên Xô tiêu tan cũng như sau ngày đó, nước Mĩ vẫn là nước Mĩ, vẫn quân phiệt, đàn áp, mà ngoài mặt thì vẫn liberal, ở Irak ngày nay cũng như ở Việt Nam cách đây một phần tư thế kỉ ” (tr. 15). Một cách lí giải hơi bị cũn cỡn, được Emmanuel Todd mỉa mai ví von với cái đồng hồ gãy lò xo, kim giờ kim phút bất động nên mỗi ngày hai lần chỉ giờ đúng.

Đế chế và đế chế

Nếu ta chấp nhận định đề là nước Mĩ có chiều kích đế quốc, thì phải đi tới tận cùng của tiên đề ấy để giải thích ứng xử chiến lược của Mĩ, lí giải được sự hung hãn thoạt trông thiếu nhất quán của nó. Vẫn biết lịch sử không bao giờ lặp lại (tuy đôi khi lịch sử cũng cà lăm, nói lắp), song ta có thể suy ra nhiều điều bổ ích khi so sánh với vài ba đế chế trong quá vãng. Gần nhất về thời gian là đế quốc Anh, nhưng ví dụ này không thích hợp vì đặc điểm thuộc địa của nó. Điển hình mà các nhà sử học thường tham chiếu là hai đế chế cổ đại : Athens và Roma. Người thân Mĩ thì ưa so sánh với Athens, người chống Mĩ thì chọn Roma (tại sao thì dưới đây sẽ rõ).

Nguyên thuỷ Athens thời cổ Hi Lạp là một thành phố thương nhân và nghệ nhân, « nơi sinh của bi kịch, triết học và chế độ dân chủ » (tr. 15). Do sự bành trướng của Ba Tư, Athens phải lao vào binh nghiệp, cùng với Sparta, đứng đầu một liên minh các thành phố Hi Lạp. “ Sau khi đánh bại Ba Tư lần thứ nhất, Sparta, một thành phố nằm trong đất liền, rút khỏi liên minh, còn Athens, mạnh về hải quân, tiếp tục tổ chức liên minh Delos của các thành phố kháng chiến. Các thành phố mạnh thì cung cấp tàu thuyền, các thành phố yếu đóng góp tiền bạc. Đó là sự hình thành một vùng ảnh hưởng của thành phố Athens dưới chế độ dân chủ ” (tr. 76). Mấy dòng vừa trích dẫn cũng đủ để ta hiểu tại sao người ta lấy điển hình Athens để mô tả vị trí lãnh đạo của Mĩ trong thế kỉ XX. Nhưng cũng nên đọc tiếp cổ sử Hi Lạp. Chẳng bao lâu, phần đông các thành viên của liên minh Delos không muốn đảm trách nghĩa vụ quân sự (cung cấp tàu thuyền và thuỷ quân) mà chỉ nộp triều cống (pharos) cho Athens. Thế là Athens dùng kho tàng chung ở đảo Delos để xây dựng cung điện Acropole, và để khống chế những thành phố khó bảo. Đó cũng là một bài học còn giữ nguyên ý nghĩa thời sự. Cuối cùng, Sparta miễn cưỡng trở thành lực lượng bảo vệ tự do cho các thành phố Hi Lạp và đã đáng bại Athens. “ Khổ một nỗi, những cứ liệu lịch sử còn tồn tại không cho phép chúng ta phân tích một cách chính xác xem vị trí đế quốc đã mang lại cho Athens những mối lợi kinh tế nào, và tác động của chúng vào cấu trúc xã hội của Athens ra sao ” (tr. 76).

Quá trình hình thành của đế quốc Roma lại khác hẳn. “ Lịch sử đế quốc Roma chủ yếu là mở rộng lãnh thổ. Hình như cái gene của thành phố này là bành trướng bằng vũ lực. Còn lại _ nội trị, kinh tế, nghệ thuật _ đều là thứ yếu ” (tr.75). Trong vòng 100 năm sau khi đánh thắng Carthage, Roma bành trướng nhanh chóng về phương đông, làm chủ toàn bộ khu vực Địa Trung Hải, chiếm đoạt một kho tài nguyên đối với thời đại ấy là vô tận về đất đai, tiền của, nô lệ. So với Athens, ta có nhiều cứ liệu về Roma trên bình diện kinh tế và xã hội. Nhờ đó, khi cần thiết, có thể “ đo được những biến dạng trong cấu trúc xã hội dưới tác động của sự tích luỹ tài nguyên của không gian chiếm lĩnh bằng quân sự vào trung tâm chính trị ” (tr.77). Song trước tiên, cần điều chỉnh quan niệm một đế quốc Roma đơn thuần là chiến trận và chiếm đoạt. Roma còn là đường sá, cầu cống, đường dẫn nước, là các bộ luật Roma, là nền hoà bình « pax romana »... Và, điều này có thể làm người ta ngạc nhiên, Roma còn là một quan niệm về « thế giới đại đồng », ít nhất một nhận thức đồng nhất về nhân loại và các dân tộc. Ở đây không nói đạo lí mà nói thực tiễn. Chính nhờ quan niệm thế giới phổ quát mà Roma đã có thể phát triển tiềm lực quân sự của mình bằng cách vươn ra khỏi cơ sở dân tộc và văn hoá ban đầu, sáp nhập những dân tộc mà nó chinh phục và tinh hoa các nền văn hoá của họ thành một hạt nhân trung tâm. Bằng chứng là sự Hi Lạp hoá tầng lớp thượng lưu của Roma (sau khi chiếm đoạt Hi Lạp, người Roma đã biết thừa nhận tính ưu việt của triết học và nghệ thuật của nước này), hay là Chỉ dụ của Caracalla cho phép nhập tịch công dân Roma mọi người dân tự do sống tại các nước thuộc đế quốc (ở Athens, chỉ là công dân nếu cả cha lẫn mẹ là công dân).

Không cần đi xa hơn cũng có thể nhận thấy rằng đối chiếu mô hình Mĩ với cổ sử Hi-La (những tương đồng và những dị biệt) cho phép ta rút ra nhiều bài học. So sánh với Athens hay Roma, ta đều thấy nổi bật hai đặc trưng, gắn bó hữu cơ với nhau, về sự hình thành và tuổi thọ của các đế chế :

* Đế chế ra đời nhờ cưỡng chế quân sự (không nhất thiết là xâm chiếm), qua đó nước bị chiếm phải cống nạp chính quyền trung ương. Trong một phần dưới, ta sẽ xét xem sơ đồ này áp dụng thế nào đối với cái gọi là đế chế Mĩ, nhưng ngay ở đây, có thể khẳng định nó bộc lộ « nguồn gốc chính trị và quân sự của khối thống trị kinh tế. Nhãn quan chính trị về kinh tế này cho phép ta điều chỉnh (theo nghĩa quang học) lối giảng kinh (vulgate) đang được phổ biến hiện nay, theo đó, toàn cầu hoá là một hiện tượng phi chính trị, [trong khi] sự cấu thành của một nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá không thể nào được lí giải nếu không xét tới kích thước chính trị - quân sự của toàn bộ hệ thống » (tr. 78).

* Để bảo đảm sự trường tồn của nó, chính quyền trung ương cần tới một hệ tư tưởng có tính phổ quát (universaliste). Động lực của chính quyền dẫn tới sự phát triển một thứ chủ nghĩa bình quân phổ quát (tất nhiên dưới chế độ độc tài), tạo ra một không gian chính trị trong đó kẻ thống trị và kẻ bị trị, về lí thuyết, đều có trách nhiệm.

Theo chẩn đoán của E. Todd, « xét theo hai tiêu chuẩn ấy, thì Hoa Kì còn xa mới thoả mãn từng tiêu chuẩn một, cho nên có thể tiên liệu một cách chắc chắn rằng, khoảng năm 2050, sẽ không còn đế chế Mĩ. Hoa Kì thiếu vắng hai « công cụ đế chế » cụ thể : quyền năng cưỡng chế quân sự và kinh tế của Hoa Kì không đủ để duy trì mức độ khai thác hành tinh hiện nay ; hệ tư tưởng phổ quát của Hoa Kì đang suy tàn, không cho phép nó đối xử một cách bình đẳng với mọi người và mọi dân tộc để có thể bảo đảm hoà bình và phúc lợi cho họ đồng thời bóc lột họ » (tr. 90) [còn tiếp]

NGUYỄN QUANG

 

(1) Emmanuel TODD, Après l'Empire, Essai sur la décomposition du système américain, Gallimard, 2002, 233 trang.

(2) Có cần phải nhắc lại : 11-9 còn là ngày kỉ niệm một sự kiện xảy ra cách đây tròn 30 năm, cuộc đảo chính ở Chile, lật đổ chế độ dân chủ của tổng thống Allende ?

(3) Emmanuel TODD, La Chute finale, Essai sur la décomposition de la sphère soviétique, Robert Laffont, 1976.

Có thể tham khảo E. J. Hobsbawm, L'Âge des Extrêmes, xem loạt bài trên Diễn Đàn các số từ 105 đến 109 (2001).

(5) E. J. Hobsbawm, Où va l'Empire américain ?, Le Monde Diplomatique, juin 2003.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss