Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 137 / Chế độ dân chủ và vấn đề tôn giáo

Chế độ dân chủ và vấn đề tôn giáo

- Nguyễn Quang — published 11/12/2009 16:33, cập nhật lần cuối 11/12/2009 16:33
Tuần vừa qua tại châu Âu và đặc biệt ở Thuỵ Sĩ có cuộc bàn luận bàn rất sôi nổi, trên việc các "Khiếu bái lâu" (Lầu gọi lễ, Minaret, sản phẩm kiến trúc tôn giáo của đạo Hồi) bị cấm xây dựng tại Thuỵ Sĩ qua cuộc bầu cử trực tiếp ngày 28/11/2009, với 57% phiếu chống. Về vấn đề văn hoá - chính trị phức tạp này giữa châu Âu và Hồi giáo, xin mời bạn đọc đọc lại bài của Nguyễn Quang trong số Diễn Đàn 137, tháng 02.2003.


Khi chiếc khăn trùm Hồi giáo làm náo động nước Pháp



Chế độ dân chủ
và vấn đề tôn giáo



NGUYỄN QUANG



Đời sống chính trị nước Pháp đương náo loạn vì hai chữ : voilelaïcité. Voile đây không phải là cái « voan » bình thường của phụ nữ mà là chiếc khăn trùm kín tóc tai cổ gáy của một số nữ sinh Hồi giáo. Laïcité là danh từ mà các từ điển Pháp-Việt thường dịch là tính (hoặc sự) thế tục, ở đây nói tới những nguyên tắc tổ chức một Nhà nước « phi tôn giáo » (chữ này thường dùng trong các từ điển Pháp-Hán), theo đó, Nhà nước tách bạch với các giáo hội và tôn giáo. Cuộc tranh luận nổ ra gần đúng 100 năm sau đạo luật 1905 về « sự phân li giữa Nhà nước và các Giáo hội », khi báo cáo của uỷ ban Stasi được công bố, xoáy quanh dự án luật nhằm bổ sung đạo luật 1905 nói trên. Nếu chỉ đơn thuần là một cuộc tranh luận chính trị và những cuộc biểu tình của công dân (tán thành hay phản đối dự luật), thì chẳng có gì để nói : đó là những biểu hiện bình thường của đời sống dân chủ. Nhưng lần này, đường « phân thuỷ » tách biệt phe « ủng hộ » và phe « chống » lại chạy xuyên suốt các tổ chức chính trị, công đoàn, hội đoàn, tình trạng ông nói gà bà hiểu vịt xảy ra như cơm bữa, những khái niệm như « toàn thống » (fondamen-talistes), « toàn thủ » (intégristes), « ố Hồi » (islamophobes), « thế tục » (laïcards), trong cửa miệng những người tranh luận, bị nhoà nghĩa, thậm chí đảo nghĩa.

Thêm vào đó, nước ngoài lại đổ dầu vô lửa trong cuộc tranh luận nội bộ này. Trong các nước Hồi giáo và tại một số nước di dân, tín đồ đạo Hồi tụ tập trước các lãnh sự quán Pháp để phản đối một đạo luật mà họ đánh giá (đúng hoặc sai) là chống Islam. Đáng ngạc nhiên hơn là những nước như Hoa Kì và Vương quốc Anh cùng biểu lộ sự quan ngại trước cái gọi là « vi phạm quyền tự do tôn giáo », thông qua phát biểu của những nhân vật thẩm quyền như T. MacTaggard, phụ trách chính sách các cộng đồng thuộc Bộ nội vụ Anh, hay John V. Hanford, đại sứ lưu động Mĩ đặc trách về tự do cúng bái. Và cuối cùng, điều này không làm ai ngạc nhiên, cả Giáo hoàng cũng xía vào, tố cáo « chủ nghĩa thế tục » Pháp.


Khăn trùm lược sử


Để giải toả các ngộ nhận, trước tiên cũng cần trở lại nguồn gốc và trung tâm điểm của cuộc tranh luận. Như đã nói ở trên, nó bắt nguồn từ đề nghị do uỷ ban Stasi đưa ra (sau 6 tháng làm việc và thẩm vấn 200 nhân vật) là ra luật cấm mang những biểu tượng tôn giáo hay chính trị ở trường học, nhằm chấn hưng tính thế tục đã bị suy giảm nghiêm trọng. Dự án luật mà chính phủ Pháp soạn thảo tập trung vào một điều khoản, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ áp dụng ngay vào dịp tựu trường tháng 9-2004 : « Trong các trường công tiểu học, trung học cấp I và cấp II, cấm không được mang những dấu hiệu hay mặc trang phục mang biểu lộ tôn giáo ».

Trước tiên, xin gạt qua một bên những luận điểm tuyên truyền hoặc nguỵ biện theo đó đạo luật này vi phạm quyền tự do tư tưởng hay tín ngưỡng (!). Bởi vì tự do không phải là một khái niệm không bờ bến _ nếu thế không phải là tự do mà là loạn _ dự luật này chỉ quy định một điều cụ thể là : trong một không gian công cộng nhất định (nhà trường) và trong một thời gian nhất định (giờ học), mọi người phải « tạm gác » một số quyền tự do cá nhân. Đó là những quyền tự do gì ? tại sao phải « tạm gác » ? Cái nút của vấn đề là ở đó. Bởi vì tuy dự án luật nói chung chung về những dấu hiệu tôn giáo (và bản báo cáo Stasi còn nêu thí dụ : chữ thập lớn của thập tự quân, mũ kippa đội trên chóp đầu của tín đồ Do Thái giáo), nhưng phải sòng phẳng mà thừa nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, nó nhắm trước tiên vào cái khăn trùm của nữ tín đồ Hồi giáo. Khởi đầu, khi xảy ra vụ khăn trùm ở trường học (xem khung kèm theo bài), nhiều nhà giáo và quản lí các trường ngây thơ tưởng rằng đây chỉ là một chuyện thời trang vặt vãnh, như cái mốt đi giầy basket không buộc dây, mũ cát-két bóng chày đội xoay ngược lưỡi trai ra sau gáy. Hãy cứ cho là như thế đi, thì thử hỏi có ai muốn bảo vệ quyền tự do ăn mặc một cách tuyệt đối ? Chẳng lẽ có thể mặc vỏn vẹn cái quần tắm hay áo tắm để đi học sao ? Quyền tự do cá nhân phải tính đến các quy ước xã hội (chẳng hạn vào nhà thờ phải bỏ mũ nón, vào giáo đường Islam phải cởi giầy dép) và trong một xã hội dân chủ, thì khi cần thiết, Nhà nước pháp quyền phải đặt ra những quy định (chẳng hạn ở nơi công cộng thì cấm ở truồng, nhưng có những bãi tắm dành riêng cho những người khoả thân vì muốn gần gũi thiên nhiên).

Nhưng rõ ràng là vụ khăn trùm này có một kích thước khác. Trong những trường hợp tranh chấp không đi tới thoả thuận (con số rất nhỏ (*) nhưng lại được báo đài nói tới nhiều), sự ương ngạnh của các gia đình (có những nữ sinh chưa tới tuổi 15, khó mà tin rằng các cô này hành động một cách tự chủ), sự ủng hộ rất tích cực của một số hội đoàn, sách lược kiện tụng một cách có hệ thống, và cung cách lèo lái các phương tiện truyền thông (1), tóm lại là việc tận dụng cái khăn trùm chứng tỏ đây không phải chỉ là một bái vật trang phục, mà là một biểu trưng mạnh mẽ (hiển hiện, nếu không nói là lộ liễu, phô trương) cho một cộng đồng và cho một tôn giáo. Chúng tôi nhấn mạnh chữ (chứ không phải hay), vì bất luận người ta có thể nghĩ ra sao về « chủ nghĩa cộng đồng », nếu một nữ sinh mặc bộ áo sari Ấn Độ, áo xường xám Trung Hoa, hay áo dài Việt Nam đến trường, chắc chắn không gây ra luận chiến như vụ trùm khăn Hồi giáo. Vì vậy, cần phải đào sâu vấn đề và tìm hiểu ý nghĩa chiếc khăn trùm. Các nhà thần học Hồi giáo khẳng định chắc nịch rằng đây là một điều răn tôn giáo. Nhưng trường học « thế tục » đã chẳng dạy chúng ta không nên chấp nhận những khẳng định quyền uy mà không kiểm tra bằng tinh thần phê phán (2) đó sao ? Giáo luật của Islam bắt nguồn từ hai văn kiện chủ yếu : Qur'an (là Kinh thánh của đạo Hồi, được coi là là những lời mà Allah đã mặc khải cho tiên tri Muhammad vào thế kỉ thứ 7) và sách Sunna (theo truyền thống Hadith, là lời kể của những chứng nhân về lời nói và việc làm của Muhammad, những lời kể này bắt đầu được sưu tầm từ thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ thứ 10 mới xong). Đối với người ngoại đạo, đem những điều răn dạy viết từ thế kỉ thứ 7 (mà chưa chắc đã là những tài liệu xác thực) để áp đặt vào cuộc sống ở thế kỉ 21, thì quả là kì dị. Nhưng chúng ta hãy đặt mình vào chỗ một tín đồ. Điều đầu tiên cần nhấn mạnh có lẽ là : sự thận trọng tối thiểu đòi hỏi phải gạt ra một bên các lời trong sách Hadith, vì nhiều lẽ : số lượng (từ 40 000 tới 300 000 câu), nội dung hết sức tối tăm và mâu thuẫn nhau, tính chất bịa đặt (do sưu tầm trong một khoảng thời gian dài) khiến cho khó có thể coi Hadith là mặc khải. Vậy thì nguồn chính thống duy nhất là bộ Qur'an, mà trong cả bộ kinh dày như vậy chỉ có vỏn vẹn hai đoạn nói tới khăn trùm trong Sûrah thứ XXIV (Ánh Sáng) và Sûrah thứ XXXIII (Liên Quân). Xin trích nguyên văn :

« Hãy bảo những người phụ nữ có đức tin nên hạ thấp cái nhìn (của họ) xuống và che phủ phần kín đáo (của cơ thể) của họ và chớ phơi bày nhan sắc ra ngoài ngoại trừ bộ phận nào lộ ra ngoài tự nhiên (như hai bàn tay, cặp mắt vv...) ; và họ nên kéo khăn choàng phủ lên ngực ; và chớ phô bày nhan sắc ngoại trừ đối với chồng, hoặc đối với cha ruột, hoặc cha chồng, hoặc con trai ruột, hoặc con trai của chồng, hoặc con trai của anh em ruột, hoặc con trai của chị em ruột, hoặc những người đàn bà (giúp việc), hoặc những người nô lệ thuộc quyền sở hữu của họ, hoặc những đàn ông phục dịch nhưng đã hết tình dục, hoặc những đứa bé không quen với các phần kín đáo của đàn bà » (XXIV, 31, bản Việt ngữ của Hassan A. Karim (California), in lại tại Việt Nam, 2000).

« Hỡi Nabi (Muhammad) ! Hãy bảo các bà vợ của Ngươi và các đứa con gái của Ngươi và các bà vợ của các tín đồ phủ áo choàng (Jalabib) che kín thân mình của họ. Làm thế để dễ nhận biết họ và vì thế, họ sẽ không bị xúc phạm » (XXXIII, 59, sách đã dẫn).

Trong bài kinh Sûrah trên, tất cả các nhà giảng kinh có thẩm quyền đều giải thích hai chữ « nhan sắc » chỉ bộ ngực, và cái khăn choàng nói trong kinh là bất cứ mảnh vải nào dùng làm cái yếm che ngực. Nghĩa là không mảy may dính dáng gì tới cái khăn trùm hiện nay đang che kín tóc tai cổ gáy của một số phụ nữ tín đồ. Hàm ý của Tiên tri là phụ nữ phải kín đáo, có lẽ vì ông nghĩ tới phong tục của một số bộ tộc Trung Đông thời đó : trước khi ra trận, phụ nữ phô trương bộ ngực ra để kích thích ba quân.

Bài Sûrah thứ nhì cũng cần đặt trong bối cảnh của nó : đoạn tiếp theo câu trích dẫn nói trên có nói tới « bọn đạo đức giả » (là cái tên kinh Qur'an dùng để gọi nhưng người dân của thành Madinah), và thánh Muhammad cho vợ con và phụ nữ tín đồ choàng khăn ngực để dễ nhận diện và để cho dân Madinah không dám xúc phạm. Tóm lại, cái khăn choàng ngực của kinh Qur'an (có mục đích để nhận diện) hoàn toàn không dính dấp gì tới cái khăn trùm kín ngày nay mà mục địch là để đàn ông không nhìn thấy đàn bà.

Điều tàng ẩn trong phân tích sơ lược (3) ở trên là sự « kì thị giới tính » mà người ta vẫn cho là đặc trưng của Islam, và cái khăn trùm là biểu tượng cụ thể, rốt cuộc không nằm trong kinh Qur'an, mà xuất phát từ sự bình giải của các giáo sĩ (đều là đực rựa) coi thường phụ nữ, và từ các bộ sách Hadith, một cái mỏ vô tận các giai thoại, tình huống mà các giáo chủ imam tha hồ trích dẫn và thêu dệt để biện minh bất cứ điều gì, ngược xuôi đều được (4). Cũng phải nhấn mạnh : việc kì thị phụ nữ không phải do những người cuồng tín Islam bày ra. Sự hạ thấp phụ nữ là đặc trưng của tất cả các xã hội phụ quyền, với những biến tướng thô bạo ở khu vực Tiểu Á và Phi Châu (tục xẻo âm vật, tục khâu vòng, nạn đa thê, nạn cưỡng hôn...). Cái khăn trùm thực ra có từ một tín ngưỡng rất xưa của dân tộc Semit (đặc biệt ở vùng Lưỡng Hà) coi bộ tóc là « bản sao » của bộ lông mu, do đó phải che kín (điều răn này được ghi trong luật Hammourabi). Đó là nói sự hạ thấp phụ nữ về mặt hình thể. Còn sự hạ thấp phụ nữ cả về mặt siêu hình là sáng tạo của cả ba tôn giáo mặc khải (Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo), còn gọi là các Tôn giáo của Thánh Kinh, đạo trước truyền cho đạo sau một cuốn sách thánh : Kinh Torah của đạo Do Thái là một bộ phận của Cựu ước (tức là phần thứ nhất của Thánh kinh Kitô), còn kinh Qur'an thì bổ sung kinh Torah, và đạo Hồi coi các tiên tri của đạo Do Thái và đạo Kitô là những tiên tri của Islam. Đọc lại các sách thánh của ba tôn giáo này, chúng ta càng thấy rõ sự kì thị phụ nữ là một trong những giá trị chung của các xã hội phụ quyền : phụ nữ bị coi là nguồn gốc của sự cám dỗ, của tội lỗi. Đó cũng là tín điều cơ bản mà cả ba tôn giáo độc thần cùng chia sẻ. Trước các giáo sĩ imam của đạo Hồi, các rabbi của Do Thái giáo cũng đã từng khuếch đại kinh thánh. Huyền thoại Eva và con rắn cám dỗ được coi là cái tội tổ tông của người phụ nữ. Các nhà bình giảng kinh Talmud còn liệt kê ra 9 tai ương mà người đàn bà phải gánh chịu sau khi sa đoạ : phải chảy máu khi có kinh và khi mất trinh ; phải mang nặng đẻ đau (2 tội) ; phải nuôi dạy con cái ; đầu tóc phải che kín như chịu tang ; phải xuyên lỗ tai như tên nô lệ suốt đời phục vụ ông chủ ; không đáng tin cậy để ra làm chứng nhân ; và cuối cùng là phải chết. Kinh Torah chỉ nói bóng gió tới khăn choàng trong hai câu chuyện : cuộc gặp của Rebecca với Isaac, và mưu mẹo của Thamar (goá chồng) muốn có con với Juda, bố chồng (Sáng Thế, XXIV và XXXVIII), hai câu chuyện này lại mang ý nghĩa trái nghịch nhau về cái khăn choàng : Rebecca choàng khăn vì e lệ, còn cái khăn trùm đầu của Thamar là dấu hiệu của... gái điếm. Điều này không ngăn cản những tín đồ Do Thái giáo chính thống buộc phụ nữ có chồng phải che tóc bằng cách choàng khăn hoặc cạo trọc đầu và mang tóc giả. Kinh Tân ước cũng chuyên chở những thành kiến khinh miệt phụ nữ như kinh Cựu ước, nhưng trong một bối cảnh của đạo Do Thái mềm mỏng hơn trước, Jesus muốn mang lại một thông điệp không quá khắt khe, như thấy trong câu chuyện người đàn bà bán dâm và câu chuyện người đàn bà ngoại tình. Nhưng các tông đồ của Jesus vẫn bám giữ, thậm chí còn tăng cường sự đô hộ người phụ nữ, đặc biệt là Paul (Phao-lồ), « kiến trúc sư » của giáo hội Kitô, đồng thời là « nhà sáng chế » ra cái khăn choàng. Thư của Phao-lồ gửi « tín hữu Cô-rin-tô » nói không úp mở : « Phàm người nữ nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà lại để đầu trần, thì làm nhục kẻ làm đầu mình, vì người ấy như thể trọc đầu vậy. Người nữ mà để đầu trần, thì cứ cắt tóc đi ! Nhưng nếu cắt tóc hay trọc đầu là một điều xấu hổ đối với người nữ, thì hãy che đầu lại » (Kinh Thánh trọn bộ, bản của Toà Tổng giám mục TP Hồ Chí Minh, in lại tại Mĩ, Hội Thánh Kinh Việt Nam Lê Bảo Tịnh, 1999, 1 Cr 11,5-6). Cũng trong thư ấy, Phao-lồ còn đi xa hơn để « biện minh » cho sự lệ thuộc phụ nữ : « Người nam không được che đầu, bởi vì là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa ; còn người nữ là vinh quang của người nam. Cũng chẳng phải người nam được dựng nên nhờ người nữ, nhưng người nữ vì người nam. Bởi thế, người nữ phải mang trên đầu một dấu hiệu phục tùng, vì có các thiên thần » (sđd, 1 Cr 11, 7-10). Và để kết luận, trong thư gửi Ti-mô-thê, Phao-lồ nhấn mạnh phụ nữ phải phục tùng, không thể tự giải phóng bằng con đường tri thức : « Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng, vì A-đam được tạo dựng trước, rồi mới đến E-và » (sđd, 1 Tm 2, 11-13).

Qua những đoạn trích dẫn Kinh Thánh trên đây, chúng ta thấy khăn trùm không phải do Islam sáng tạo ra, cũng không phải là độc quyền của Islam ; cũng rõ đây không phải là một giáo lệnh, mà chỉ là sự tiếp tục, thậm chí nghiêm ngặt hoá những tập tục của các xã hội phụ quyền được « biện minh » bởi cách cường điệu hoá, nếu không nói là thao túng, thánh kinh. Chúng cũng chứng tỏ : đối với những phần tử toàn thủ của ba tôn giáo độc thần này, dấu hiệu y phục phân biệt này có ý nghĩa cơ bản và sâu đậm là sự phục tùng và nô dịch của phụ nữ. Điều đó, những người đầu tiên đã hiểu thấu cụ thể và minh bạch hơn mọi người, chính là những nữ thanh niên và phụ nữ gốc Arap (beurettes) khi họ nêu cao khẩu hiệu « ni putes, ni soumises » (cô gái nào không trùm khăn thì bị coi là « điếm », mà trùm khăn là phục tùng : đó là lôgic của chủ nghĩa toàn thủ). Chính vì vậy mà họ hô hào « không làm điếm, chẳng phục tùng » (5).


Nhà nước thế tục


Biên niên sử tóm tắt

 
1882 Đạo luật Jules Ferry thành lập trường công, miễn phí và thế tục ; giáo dục cưỡng bách từ 6 đến 13 tuổi.

1905 Đạo luật Aristide Briand tách biệt Nhà nước với các Giáo hội : « Nhà nước Cộng hoà bảo đảm quyền tự do ý thức. Nhà nước bảo hộ quyền tự do tôn giáo. Nhà nước không thừa nhận, trả lương hay trợ cấp cho tôn giáo nào » (ngoại lệ : tỉnh Alsace-Moselle).

1936-37 (Thông tri Jean Zay) Cấm chỉ mọi hình thức tuyên truyền chính trị hay tôn giáo, cấm lôi kéo vào đạo tại trường học.

1946 Hiến pháp Đệ tứ Cộng hoà : « Pháp là một nước cộng hoà không thể chia cắt, thế tục, dân chủ và xã hội ».

1989 Vụ khăn trùm đầu tiên xảy ra ở Creil. Bộ trưởng giáo dục Lionel Jospin hỏi ý kiến Hội đồng Nhà nước. Cơ quan này nhắc lại nguyên tắc trung lập của nhà trường và người giảng dạy, nhưng không cấm và cũng không cho phép mang những dấu hiệu tôn giáo. Chỉ nói là dung thứ những dấu hiệu « không lộ liễu », không cho phép trốn tránh một số môn học (thể dục) hay một số chương trình giảng dạy. Năm 1992, ý kiến này được xác định trở lại.

1994 Xảy ra thêm một số vụ khăn trùm. Thông tri của Bộ trưởng giáo dục Bayrou cấm chỉ « mọi biểu tượng lộ liễu tự chúng có yếu tố lôi kéo hoặc kì thị »

2003 Tiếp tục xảy ra những vụ trùm khăn. Tháng 7, tổng thống Chirac thành lập một uỷ ban « suy nghĩ về việc áp dụng nguyên tắc thế tục trong chính thể cộng hoà » do ông Bernard Stasi chủ toạ. Tháng 12, uỷ ban này nộp báo cáo, đề nghị nghiêm cấm « các dấu hiệu tôn giáo và chính trị ở trường học ».

Trong cuộc tranh luận hiện nay tại Pháp, vấn đề thế tục có lẽ còn quan trọng hơn cả câu chuyện khăn trùm. Sự thắc mắc, thậm chí phản đối, của nhiều nước phương Tây đối với dự án luật cho thấy cần thiết phải làm sáng tỏ thực chất vấn đề. Bản thân người viết bài này đã làm một thử nghiệm : hỏi nhiều người Pháp thế nào là laïcité, thì không ai đưa ra được một định nghĩa thoả đáng. Nhiều người đinh ninh rằng nền cộng hoà, ngay từ đầu, đã là một chính thể thế tục. Thực ra, các nhà cách mạng 1789 muốn tạo dựng một « tôn giáo dân sự », tôn sùng một Đấng Tối Cao. Sự ngộ nhận này có lẽ xuất phát từ thực tế lịch sử này : cuộc đấu tranh cho các lí tưởng cộng hoà gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại giáo quyền là hậu thuẫn của chế độ quân chủ và muốn nắm giữ quyền kiểm soát xã hội Pháp. Chính thể cộng hoà thế tục (tách biệt khỏi giáo hội) thực ra chỉ bắt đầu với các đạo luật 1882 và 1905 (xem khung đi kèm bài này). Hiến pháp tuyên bố long trọng rằng nước Pháp là « một nền cộng hoà thống nhất không thể chia cắt, thế tục, dân chủ và xã hội » từ không biết bao giờ đấy, nhưng phải đợi đến báo cáo Stasi, khái niệm laïcité mới được hiển ngôn một cách chính thức. Theo nhà sử học Jean Baubérot (cũng là thành viên uỷ ban Stasi), « đường chu vi của tính thế tục là một tam giác » (6) : cạnh thứ nhất của tam giác là tự do lương tri và tín ngưỡng ; cạnh thứ nhì là sự bình đẳng giữa các tôn giáo và niềm tin (trong đó có cả chủ nghĩa bất khả tri và chủ nghĩa vô thần) ; và cạnh thứ ba là sự bảo đảm không để cho tôn giáo chế ngự Nhà nước và xã hội công dân. Cố nhiên, mỗi người tham gia cuộc tranh luận hiện nay, tuỳ tín ngưỡng của mình, nhìn cạnh này lớn hơn hai cạnh kia. Chẳng hạn những người đứng đầu UIOF (hội đoàn xu hướng toàn thống, chiếm đa số trong Hội đồng Hồi giáo Pháp) chỉ thấy khía cạnh thứ nhất, họ đồng hoá thế tục với tự do tín ngưỡng, còn nhà thần học Hồi giáo Tariq Ramadan thì khẳng định rằng « đạo luật 1905 không công nhận một tôn giáo đặc biệt nào, nhưng đòi hỏi Nhà nước phải tôn trọng mọi tôn giáo ». Ngược lại, những người mà Giáo hoàng gọi là « thế tục chủ nghĩa » nhấn mạnh tới khía cạnh thứ ba, vì « tính thế tục phân biệt rõ một bên là sự tự do biểu lộ tinh thần và tín ngưỡng trong không gian công cộng (là điều chính đáng và tối thiết cho đời sống dân chủ) và bên kia là sự chiếm đoạt không gian công cộng (là điều bất chính) » (báo cáo Stasi). Trong một bản điều trần thống thiết bảo vệ quan niệm nhà trường thế tục, Philippe Guittet (7) coi đó là « nhà trường giải phóng và khai phóng, đào tạo tư duy tự lập và khuyến khích xây dựng ý thức phê phán (...). Nhờ tinh thần phê phán này mà người ta hiểu được rằng mọi ý tưởng không giá trị như nhau, rằng không thể đánh đồng nhân phẩm với kì thị chủng tộc, nam nữ bình đẳng với nam trọng nữ khinh (...) Do đó, nhà trường không thể có sự ngự trị của một hệ tư tưởng hay một tôn giáo nào ; nó mâu thuẫn với mọi sự biểu lộ vô độ về tôn giáo hay chính trị ». Đương nhiên, quan niệm về sự trung lập tích cực của Nhà nước cho phép, thậm chí đòi hỏi Nhà nước phải định lệ về việc đội khăn trùm ở trường học. Uỷ ban Stasi coi như đi vào hướng đó khi họ khẳng định : « Trong khi bảo đảm quyền tự do phát biểu của mọi người, trong khi mang lại cho mỗi người một nền giáo dục nhằm đào tạo sự tự chủ và tự do phán đoán, Nhà nước ghi nhận tính thế tục là một thành tố của các quyền con người ».

Cá nhân người viết bài này muốn đi xa hơn nữa, coi tính thế tục là thành tố của khế ước dân chủ nữa. Để trình bày rõ hơn quan điểm này, xin được mở một dấu ngoặc. Mọi người còn nhớ bài diễn văn tuyệt vời của Lincoln sau chiến thắng Gettysburg (1863), ít nhất là câu nói nổi tiếng trong bài diễn văn, định nghĩa dân chủ là « chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ». Bối cảnh của đoạn câu này là nói lên sự biết ơn của quốc gia đối với những chiến sĩ đã bỏ mình nơi trận địa, vì nhờ những hi sinh đó, « chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân mãi mãi sẽ không bị tiêu vong trên mặt đất này ». Từ lâu, câu nói này vẫn làm chúng tôi thắc mắc (và chắc các cô cậu học sinh Mĩ ngày ngày đến viếng đài tưởng niệm, ngẩng đầu há hốc miệng nhìn lên tượng tổng thống Lincoln cũng chẳng giải đáp thắc mắc này được) : cuộc chiến tranh ấy, chính người Mĩ cũng gọi là Civil War, là nội chiến, nguyên nhân của nó có đủ thứ, đạo lý có (chế độ nô lệ), kinh tế có (miền Bắc công nghiệp, miền Nam nông nghiệp), nhưng làm gì có nguyên nhân triết lí chính trị (dân chủ / phản dân chủ) ; lãnh đạo hai bên đều là những đại biểu dân cử, bên nào thắng đi nữa thì nền dân chủ cũng không phải là kẻ thua cuộc... Thế thì ý Lincoln muốn nói gì ? Có lẽ ý nghĩa của câu nói nằm trong sự đối lập giữa hai danh từ « dân chủ » và « li khai ». Trong khế ước dân chủ (như Lincoln định nghĩa chẳng hạn), thì chính nghĩa bắt nguồn từ nhân dân, chỉ từ nhân dân mà thôi. Vì vậy, trong một chính thể dân chủ đại nghị, nghĩa là nhân dân uỷ quyền cho các dân biểu, thì luật lệ do đa số biểu quyết, thiểu số phải phục tùng, tất nhiên chế độ bảo đảm quyền phản đối luật lệ, nhưng phải phản đối trong khuôn khổ các định chế (chế độ luân phiên, đa số mới có thể thay đổi luật lệ...). Trong cuộc nội chiến Mĩ, sự li khai của các bang miền Nam có nghĩa là thiểu số đơn phương xé bỏ hiến ước, và nếu « loạn quân » giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh, khế ước dân chủ cũng tiêu tùng (8).

Theo lôgic nói trên, tính thế tục không chỉ đơn thuần là sự tách bạch giữa các Giáo hội và Nhà nước, không chỉ đơn thuần là một sự phân quyền. Nó trở thành một nguyên lí cơ bản, thiết lập sự phân biệt minh bạch giữa cái công cộng và cái thiêng liêng, vì trong một chính thể dân chủ, cộng đồng các công dân (nền Cộng hoà) ở trên, cao hơn các cộng đồng tín đồ, và rộng hơn, các cộng đồng tinh thần hay cộng đồng sắc tộc. Khẳng định của những người toàn thủ (intégristes) của mọi tôn giáo về « tính siêu việt của Luật Thượng Đế » như vậy là đi ngược lại nguyên lí cơ bản. Các nhà nghiên cứu thường gọi ba tôn giáo độc thần là « đạo A-bra-ham », vì Do Thái, Kitô và Hồi giáo đều bắt nguồn từ truyền thuyết Abraham (9) là người mà Thượng Đế muốn thử thách lòng tin, truyền Abraham phải đem con trai ra tế, cố nhiên vào giây phút chót, thiên thần đã ngăn chặn cánh tay cầm con dao tẩy rửa, nhưng câu chuyện này thể hiện rất rõ vấn đề tuân phục luật trời một cách tuyệt đối. Ở đây có thể thấy rõ khác biệt giữa hai xu hướng « toàn thống » (fondamentalistes) và « toàn thủ » (intégristes) : phe toàn thống muốn trở lại các nền tảng của tín ngưỡng, nghĩa làm áp dụng theo từng câu từng chữ (nghĩa là một cách cổ lỗ và lạc hậu) của Kinh Thánh, nhưng họ không nhất thiết muốn áp đặt niềm tin ấy lên người khác (ít nhất một cách có hệ thống), còn phe toàn thủ nuôi dưỡng một « dự án chính trị nhằm bắt buộc toàn xã hội, từ cá nhân đến Nhà nước, phải chấp nhận những giá trị không dẫn xuất từ một khế ước dân chủ, mà bắt nguồn từ một nhãn quan nghiêm ngặt và đạo đức của tôn giáo » (10). Muốn thấy rõ thế nào là một chế độ « toàn thủ », chỉ việc nhìn vào các nước theo luật Charia (Hồi giáo) như Arabia Saudi, số phận người phụ nữ ở đây cũng chẳng hơn gì số phận phụ nữ Afghan dưới thời Taliban (11) ; và ngay cả ở những nước như Ai Cập, đã tiến hành cách mạng thế tục, nhưng Islam vẫn được coi là quốc giáo, các quyền tự do công cộng dần dần mai một ; cuối cùng là những nước vừa trải qua cách mạng Hồi giáo, như Iran, tại đây chế độ chuyên chế của các mollah đã thay thế nền độc tài thế tục. Đáng chú ý ở Iran, những người toàn thủ đã khéo léo dùng sự cứng rắn về tôn giáo làm công cụ để chống lại các giá trị của phương Tây. Ở Cận Đông và Trung Đông, tục trùm khăn (trùm kín mít, nhà nhà trùm khăn, người người trùm khăn) đã tái hiện ngay từ nửa sau thế kỉ 20, phần nào như một biểu tượng tín ngưỡng, nhưng quan trọng hơn, như một biểu tượng chính trị, như để thách thức chính quyền thực dân. Trong những năm lưu vong ở Pháp, giáo chủ Khomeyni đã khôn khéo khai thác tinh thần dân tộc của phụ nữ Iran : « Phụ nữ hoàn toàn không khác gì nam giới (...). Phụ nữ không bắt buộc phải trùm tchador, mà có thể dùng bất cứ mảnh vải nào làm khăn choàng ». Chỉ một tháng sau khi lên nắm chính quyền (tháng 3-1979), Khomeyni bèn đổi khẩu hiệu : « trùm khăn hay là đập vào đầu » (12).

Trở lại sự đối lập toàn thủ / thế tục, ta thấy rõ nơi nào « chỉ Thượng Đế mới có quyền tuyệt đối định ra các chuẩn tắc » (lời của Hani Ramadan (12)), tôn giáo chiếm ngự không gian chính trị và công cộng, ở đó không còn chỗ cho cá nhân, dù là cá nhân người theo đạo hay người ngoại đạo ; ngược lại, lí tưởng thế tục không bắt buộc ai phải từ bỏ tín ngưỡng của mình trong cuộc sống riêng tư. Như vậy rõ đâu là khoan hoà, đâu là cố chấp, bất dung. Điều đó, tưởng đã rõ... từ thời Voltaire.

Sở dĩ cho đến đây chúng tôi phải tập trung nói tới chủ nghĩa toàn thủ Hồi giáo, không phải vì chỉ có nó mới toàn thủ, nhưng vì nó « biểu lộ » hiển nhiên : tại các nước Hồi giáo, nó ngự trị độc quyền, không có đối trọng ; còn ở các nước dân chủ (thì không may) nó lại bị đồng nhất với luồng người nhập cư, và, kể từ biến cố 11.9, với hiểm hoạ khủng bố. Cần nhắc lại là ngoài Hồi giáo, trong hai đạo Do Thái và Kitô, cũng có xu hướng toàn thủ, ở các nước dân chủ, chúng hoạt động ít hiển hiện hơn, và gặp phải những đối trọng về mặt định chế. Trong cuốn sách xuất bản năm 1991 (14), Gilles Kepel đã báo động về hiện tượng « Thượng Đế phục thù », tức là cuộc « tái chiếm » tôn giáo của các lực lượng toàn thủ đồng thời trong cả ba đạo Do Thái, Kitô và Islam bắt đầu từ cuối thập niên 70, là thời kì mà ba tôn giáo độc thần đã trải qua một cuộc triệt để hoá chính trị vào những thời điểm rất gần nhau. Lược kê : 1977, các đảng tôn giáo ở Israel trỗi lên, làm tê liệt luật chơi dân chủ dựa vào tỉ lệ đơn thuần (số ghế đại biểu ở Quốc hội tỉ lệ với số phiếu cử tri, không hạn định nhiều ít) ; 1978, Vatican tân phong giáo hoàng Gioan-Phaolồ II, một hồng y bảo thủ và truyền thống, bắt đầu một triều đại kéo dài hơn một phần tư thế kỉ ; 1979, cách mạng Hồi giáo ở Iran, đồng thời chính thức xuất hiện phái hữu tôn giáo ở Mĩ, bao gồm những liên minh lớn như Moral Majority nắm giữ phái hữu của Đảng cộng hoà... Cuộc điều tra « xuyên ngang » của C. Fourest và F. Venner (15) xác nhận luận điểm của Gilles Kepel, nó cho thấy những « làn đạn đan chéo » của các lực lượng toàn thủ hướng về quan niệm thế tục đều nhắm bắn một mục tiêu chung : sự rạn nứt đang diễn ra không phải là « sự đối đầu tôn giáo » theo kiểu Samuel Huntington, mà là sự đối đầu giữa lí tưởng thần quyền và lí tưởng dân chủ. G. Kepel đưa ra một cách phân tích hữu hiệu khi ông phân biệt « cuộc tái chiếm từ bên trên » (những nhân vật toàn thủ giành lấy những vị trí chính quyền ở trên đỉnh của hệ thống chính trị) và « cuộc tái chiếm từ bên dưới » (truyền đạo trên thực địa), hai sách lược này bổ sung cho nhau. Thí dụ điển hình của cuộc tái chiến « bên trên » là cuộc lên ngôi tổng thống của George W. Bush, với khúc ngoặt « thánh chiến » của chính trị Mĩ. Điển hình « trung gian » là Israel : các đảng tôn giáo biến chính trường làm con tin, các phần tử chính thống cực đoan được hưởng những ưu quyền quá mức (thí dụ : không phải đi quân dịch), các lực lượng toàn thủ công khai hô hào lật đổ Nhà nước dân chủ, thay thế nó bằng Halakha (giáo luật Do Thái, tương đương với giáo luật Charia của đạo Hồi) (vũ khí chiến thuật của họ là dân số, xem (10), tr. 309). Trong các nước dân chủ, cuộc « tái chiếm từ bên dưới » cho thấy một hiện tượng đáng chú ý : các phần tử toàn thủ (thuộc mọi tôn giáo) tận dụng các phương tiện hợp pháp (biểu tình, vận động hành lang chính quyền...) để định hướng đời sống chính trị và xã hội. Mục tiêu giống nhau (chống lại sự thế tục hoá), nhưng kết quả đạt được ở từng nước tỉ lệ nghịch với mức độ thế tục của xã hội (xem (10), tr 225-255). Chỉ cần lấy một thí dụ : so sánh tác động của phong trào « vì sự sống » (chống phá thai) ở Pháp và ở Mĩ là thấy rõ vai trò của tính thế tục trong đời sống công cộng.

Cả vấn đề là hiện nay tính thế tục ấy bị ba mũi giáp công. Báo cáo chính thức của Uỷ ban Stati tố cáo « những nhóm cực đoan đang hoạt động ở nước ta, nhằm đo lường sức đề kháng của chính thể cộng hoà, thúc giục những thanh niên chối bỏ nước Pháp và những giá trị của nó ». Cuộc tiến công này đã vượt ra khỏi khuôn viên học đường mà đột nhập một số lãnh vực khác của đời sống công cộng. Chẳng mấy lúc nữa, phải chăng người ta sẽ chứng kiến (thực ra việc này đã xảy ra ở một vài nơi rồi) cảnh một số học sinh ăn trưa trong những căng tin riêng biệt, hoặc tới giờ thì ra khỏi lớp học để cầu nguyện ; những trợ tá xã hội trùm đầu từ chối không bắt tay đàn ông ; nữ bệnh nhân trùm khăn không chịu để nam bác sĩ khám bệnh (hoặc ngược lại) ; những bị cáo theo đạo Hồi giáo bác bỏ thẩm phán gốc Do Thái (hoặc ngược lại)... Nhượng bộ về nguyên tắc thế tục có nguy cơ dẫn tới nhượng bộ cả chủ nghĩa cộng đồng. Đã chứng kiến cảnh những giáo phái làm vương làm tướng, nhớ lại những cuộc bạo loạn chủng tộc ở các biệt khu Watts, ở Los Angeles, Birmingham, tới cuộc nội chiến ở Ulster (bắc Ireland), nhìn thấy mốt mặc áo thun in chình ình những hàng chữ « Super Jew », « Proper-ty of Islam » hay mang chữ thập to đỏ của Thập tự chinh..., người ta khó mà nghe lọt tai « bài học » mà các chế độ dân chủ cộng đồng như Hoa Kì hay Vương quốc Anh muốn giảng dạy cho chế độ dân chủ thế tục như nước Pháp.

Có thể đạo luật sắp tới cũng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề dẫn tới việc soạn thảo và thông qua nó, bởi vì các bên tranh luận đã lao vào cuộc đấu khẩu xem thế nào là « dấu hiệu », thế nào là « hiển hiện ». Rất có thể là nó sẽ che lấp những vấn đề xã hội thực chất của công cuộc hội nhập đang bế tắc : bình đẳng cơ may, bình đẳng nam nữ... Song đòi phải giải quyết những vấn đề trọng đại ấy trước rồi mới có thể khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc thế tục, tuyên bố vừa chống đạo luật vừa chống khăn trùm, theo ý chúng tôi, là một sự trốn tránh trách nhiệm, hoặc một mưu chước khôn khéo đấy nhưng « hơi bị » lộ liễu. Còn ngại rằng như vậy cộng đồng Hồi giáo dễ bị lên án, điều đó không phải không có cơ sở, song nó càng thúc đẩy phải đấu tranh chống tư tưởng bài ngoại và chủ nghĩa chủng tộc, đồng thời yêu cầu bản thân Islam phải tự cập nhật hoá. Như Adonis, đại thi hào Arap đương đại, đã nói rất đúng : « Những tín đồ Hồi giáo nằng nặc đòi trùm khăn phải biết rằng đòi hỏi như thế có nghĩa là họ không tôn trọng tâm tình của tất cả những người đang sống chung với họ trong cùng một quốc gia, là họ không chấp nhận các giá trị của những người ấy, là họ xúc phạm cả những gì đã làm nên nền tảng của cả một xã hội, là họ bất chấp cả những luật lệ mà người ta đã phải kiên trì đấu tranh để giành lấy và bảo vệ, là họ từ khước nền dân chủ cộng hoà trong những nước đã tiếp nhận họ (...) Tóm lại, tôi xin nói thẳng rằng lối giảng giải kinh kệ cưỡng bức người phụ nữ Islam phải trùm khăn trong một nước thế tục, tách bạch tín ngưỡng và chính trị, khẳng định sự bình đẳng quyền lợi và nhiệm vụ giữa nữ giới và nam giới, cái lối đó thể hiện một não trạng không phải chỉ muốn trùm kín đầu tóc phụ nữ, mà thật sự còn muốn trùm kín cả nam giới, cả xã hội, đời sống chung của mọi người, và trùm kín cả lí trí nữa » (15).

NGUYỄN QUANG



(*)  Theo Bộ giáo dục Pháp, trung bình mỗi năm có 1250 vụ tranh chấp, trong đó có 20 trường hợp « không thể hoà giải ».

(1)  Thí dụ như vụ báo đài làm ồn ào chung quanh hai chị em họ Lévy, ông bố tự xưng « Do Thái vô thần » là trạng sư của phong trào MRAP.

(2)  Tinh thần phê phán hình như không phải là món ăn tinh thần của nhà truyền giáo toàn thống Tariq Ramadan (xem bài Những cạm bẫy của chủ nghĩa cộng đồng, báo Libération, 14.01.04).

(3)  Xem bài Le voile comme doxa của Leïla Babès, MSR, juillet-septembre 2002.

(4)  Ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, người ta xào xáo mắm muối Lenin toàn tập cùng một kiểu như vậy.

(5)  Lời một cô beurette : « Tóm lại, con gái phải trùm khăn vì bọn đàn ông có cái củ c. sao ? »

(6)  Jean Baubérot : Plaidoyer pour une laïcité pacificatrice, đàm thoại với tuần báo Télérama, 03.12.2003.

(7)  Philippe Guittet, Sous les foulards, l'intégrisme, nhật báo Libération, 26.06.2003.

(8)  Xin lấy một thí dụ vui vui : giả sử các fan của ca sĩ Florent Pagny (bị ra toà vì trốn thuế), quán triệt tinh thần bài ca « tự do tư duy », quyết định thành lập Liên minh những người đơn phương không chịu đóng thuế. Tất nhiên sở thuế không thể khoanh tay làm ngơ, trừ phi muốn Nhà nước khánh tận.

(9)  Bob Dylan, trong bài ca Highway 61, đã diễn giải sự tích này theo lối riêng của mình : « Thượng đế bảo Abraham : 'Ngươi hãy giết con ngươi cho ta'. Abe : 'Chi vậy ?'. Thượng đế phán : 'Ngươi nghe rõ rồi, còn làm bộ'. Abe : 'Người đùa con'. Thượng đế trả lời : 'Đùa thì sao, nhưng lần sau, trông thấy Ta, ngươi khôn hồn hãy cao chạy xa bay' » (phỏng dịch).

(10) Caroline Fourest & Fiammetta Venner : Tirs croisés / La laïcité à l'épreuve des intégrismes juif, chrétien et musulman, Calman-Lévy, 2003, 425p.

(11) thể đọc Số phận buồn thảm của phụ nữ ở Ara Saudi (báo cáo của tổ chức Amnesty International, 2002).

(12) Có thể đọc tập sách nhỏ của Chadortt Djavann, Bas les voiles !, Gallimard, 2003, 48 trang, trong đó cô kể trong suốt 10 năm đã bị cưỡng bức trùm tchador (24g/24g).

(13) Hani Ramadan là anh của Tariq Ramadan.Một người là toàn thủ, một người toàn thống, cả hai đều tự nhận là môn sinh của ông ngoại là Hassan al-Banna, người sáng lập tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

(14) Gilles Kepel : La revanche de Dieu : chrétiens, juifs et musulmans à la reconquête du monde, Seuil, 199, 282 tr.

(15) Adonis (bút hiệu của Ali Ahmad Saïd), Le foulard islamique est un voile sur la vie, trích theo Courrier International số 663, 11.01.03.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss