Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 150 - 04.2005 / Trở lại Việt Nam

Trở lại Việt Nam

- Bissell - Nguyễn Lộc — published 21/03/2007 23:04, cập nhật lần cuối 22/03/2007 10:33
Nhân dịp tác giả Tom Bissell cho xuất bản cuốn The Father of All Things – A Marine, His Son, and the Legacy of Vietnam, Pantheon, March 6 2007, dịch giả Nguyễn Lộc đã gửi cho chúng tôi bản dịch mới và đầy đủ của trích đoạn đã đăng trong tạp chí Harper's, 12.2004, để thay thế cho bản cũ đã đăng trên Diễn Đàn bộ giấy số 150. Tom Bissell còn là tác giả tập kí sự Chasing the Sea và tuyển tập truyện ngắn God Lives in St. Petersburg, nxb Pantheon, 2005.


Thương Tích Chiến Tranh


Một ông bố và con trai
trở lại Việt Nam

bia
    

Tom Bissell


tom bisee

Tom Bissell

Khởi thuỷ là cuộc chiến. Khi nhìn lại quãng đời niên thiếu của mình, nhiều con cái của cựu chiến binh Việt Nam cảm nhận được về điều này, một cách khá phù hợp qua tín niệm đượm màu kinh thánh: Khởi thuỷ là cuộc chiến. Trong quá khứ của lớp cha chú chúng tôi, cuộc chiến thù lù ra đó, một ngôi sao đang tắt có sức huỷ diệt hết mọi thứ xáp gần lại với nó. Ðối với những đứa con trong tuổi đang khôn lớn của nhiều cựu chiến binh, cái xa vời của cuộc chiến hầu như không thể nào ước định được, vì nó xảy ra trước-bạn, trước khi bạn có thể nắm bắt được cái tai ương về chính chỗ đứng của bạn trong dòng thời gian, trước khi bạn nhận thức được rằng, hiện thực của bản thân bạn - phòng ngủ của bạn, các đồ chơi và các sách truyện bằng tranh của bạn - thì không hề mắc mớ gì với cái thực tế của cha bạn. Song, xa vời là thế đấy, hệ quả của cuộc chiến lại mật thiết đến độ ta khó có bề lẩn thoát được nó. Trong mọi bữa ăn, Việt Nam ngồi cùng bàn – vô hình – với gia đình chúng tôi.

Mẹ tôi, li dị cha tôi khi tôi mới lên ba, được ông bố đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến, đeo lon con ó, của bà giới thiệu để hai người biết nhau, rốt cục đã không kham nổi những đêm ác mộng, những ngày mộng dữ, mù tịt không biết mình sẽ phải thật sự sống với ông chồng nào trong từng mỗi khoảnh khắc của đời mình. Mẹ tôi xuất thân từ gia đình có truyền thống dài lâu của những người lính đầy huy chương. Bà hiểu cái đám đàn ông từng kinh qua chiến trận. Ðó là chuyện họ đã từng làm. Người ta cần phải được chấp nhận trong cam chịu bất kì bóng tối nào chiến tranh còn để váng vất lại trong tâm khảm của những kẻ sống sót – và chiến tranh làm chuyện ấy, nó hiển nhiên là đã làm chuyện ấy; bà hiểu thế. Nhưng người anh hùng của chiến trận, đã cùng bà thành thân, lại chỉ có thể cam chịu trong vật vã. Ông ấy đã không trở về từ Normandy mà từ một xứ sở, trong suốt những năm tháng ban đầu của cuộc hôn nhân hai người, đã trở nên ngầm đồng nghĩa với thất bại và man rợ. Chiến tranh, đúng lẽ ra, rồi cũng phải chấm dứt. Thế nhưng, người chiến binh anh hùng của bà thì vẫn mãi còn lâm trận.

Thuở bé, tôi từng kinh hoàng với những đêm cha tôi, say be bét, lẻn vào phòng tôi, đánh thức tôi dậy, và suốt hàng giờ mỗi bận, cố gắng giải thích cho tôi, đứa con trai mười tuổi của ông, tại sao các quyết định của ông – những quyết định mà ông tự ôn lại cho mình không chút nương tay, những quyết định đã khiến những người bạn thân của ông phải bỏ mạng – lại là những quyết định duy nhất mà ông đã có thể làm. Những đêm khác, ông lại da diết nhớ những người đàn bà khác nhau ông từng theo đuổi ở Việt Nam, mà số người ấy có thể nhiều đến mức dị thường, mang đến trí tưởng tượng còn non nớt của tôi những hình ảnh kì cục, trong đó tôi là một đứa bé trai Á châu. Với đám bạn học, tôi kể nhiều chuyện chi li về cha tôi. Ông đã một mình đánh bật nguyên cả cái đồn của bọn “ gooner ” như thế nào. Lần ông lạc đường, chống chiếc bè xuôi dòng sông và sống sót sau khi bị rơi xuống thác. Lần ông bị thương và được một anh lính da đen gan dạ kéo ông tới chỗ an toàn ra sao. Vài chuyện là thật, hầu hết thì không. Cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt với ông, và bây giờ nó vẫn sống trong tôi.

Nhiều khi, có cảm tưởng như cha con tôi nói với nhau toàn chuyện Việt Nam; nhiều khi lại cứ như chúng tôi không hề nói với nhau về Việt Nam. Cha tôi được huấn luyện sĩ quan ở Quantico, cùng với nhà văn Philip Caputo, mà ông vẫn còn thân thiết, và cũng là người rốt cục đã trở thành người dìu dắt tôi về văn chương. Cha tôi còn xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm của Phil, quyển A Rumor of War, thường được xem như một trong những hồi kí hay nhất về cuộc xung đột và là cuốn sách về Việt Nam đầu tiên trở thành một bestseller quan trọng. Trong A Rumor of War, lúc được tin về cái chết của người bạn của ông và cha tôi, Walter Levy, chỉ sống sót vỏn vẹn hai tuần ở Việt Nam, Phil nhớ lại một tối ở Georgetown khi ông, Levy, và vài người khác đi đến một cái bar “để nhậu và ngắm gái và vờ như tụi tôi vẫn còn là dân thường”. Kế đó là: “ Chúng tôi ngồi xuống và rót đầy li, cả bọn đều cười, có thể về một điều gì Jack Bissel nói. Bissel có mặt tối đó không ? Hắn phải có mặt ở đó thôi, vì cả bọn chúng tôi cười dữ lắm và Bissel thì cũng lúc nào cũng rất là tếu ”. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu đọc câu ấy và tim tôi se thắt ra sao. Đấy là người đàn ông mà tôi chưa từng được gặp, dù chỉ trong thóang qua, người mà cuộc đời vẫn chưa hằn vết của quá nhiều tối ám, người đàn ông tôi đã không gặp được trong bóng tối xanh xao lúc 2 giờ sáng, vừa uống rượu vang vừa xem phim Gettysburg hoặc Platoon lần thứ bốn mươi. Trong A Rumor of War tôi nhìn thấy một người đàn ông còn bình thường mà cha tôi đã vẫn có thể là, một người đàn ông với một nỗi buồn vừa phải.

Lúc trẻ, tôi hay ngắm cái chiến thương bội tinh " purple heart " (ông gọi nó, " cái huy chương ngu ngốc ") lồng trong khung kính của ông, cạnh đó là bức ảnh cha tôi thời đang thụ huấn ở Quantico. Chữ BISSELL in stencil ngang ngực trái của ông. Vòm cây xanh thân thuộc của Virginia sừng sững sau ông. Ông trông na ná một Harrison Ford trẻ trung và đang mỉm cười, súng trong tay, mắt ông dịu dàng một cách vô tư lự. Tôi muốn tìm lại người đàn ông ấy. Tôi tin rằng tôi sẽ tìm ra ông ở Việt Nam, nơi ông đã được hình thành và đã bị phá hỏng, đã bị giết và đã phục sinh. Khi, qua điện thoại, tôi báo với cha tôi rằng, tôi đã có vé máy bay, chúng tôi có thể lên đường trong vài tháng tới, ông im lặng, im lặng như tôi vẫn từng nghe thấy nơi ông.

Ông nói, " Trời ! "

   

*

   
Sau mấy tiếng đồng hồ lái xe, xuôi ven biển, men theo những con đường được chăm sóc tử tế đến không ngờ, xuyên qua những quãng đường quê Việt Nam khiến ta cảm thấy như những đường hầm xanh um. Miệng cha tôi phát ra những tiếng khoái trá khi ông cắm cúi trên tờ Viet Nam News ông vớ lấy ở phi trường thành phố Hồ Chí Minh, nơi chúng tôi ghé qua vài tiếng trước khi lên đường ra Huế, ở miền trung Việt Nam.

Tôi hỏi: “ Bài báo hay chứ ? ”

Ông ngẩng đầu, láo liên như một con chim, rồi ông ngó qua tôi. “ Bố thích thú cuộc trao đổi văn hóa này ”. Sau khi đã thuộc lòng nội dung tờ Viet Nam News, ông phang tới tấp cho Hiền, người thông dịch của chúng tôi, với những câu hỏi đại loại như, “ Đó có phải là con chim câu không vậy ? ”, “ Mấy người trồng trà đấy à ? ”, “ Mía đấy phải không ? ”, “ Người Việt Nam có dùng nhiều năng lượng mặt trời không ? ”

“ Bố cảm thấy sao ? ” Tôi hỏi ông, sau khi Hiền đã giảng cho ông về tác động tổng quát của việc xuất khẩu gạo đối với nền kinh tế Việt Nam.

“ Tuyệt vời, ” ông bảo tôi, “ Siêu, thiệt là quá đã “

“ Bố có thật sẵn sàng để nhìn lại vài nơi thân thuộc ngày xưa của bố không đấy ? ”

Ông nheo mắt chăm chăm nhìn tôi, miệng ông méo mó một cách xúc động, hệt cái kiểu mà những lúc về sau này tôi ngày càng thường bắt gặp hơn trong các tấm ảnh chụp chính mình. “ Lâu rồi mà. Bố sẽ không sao đâu ”.

Chúng tôi băng qua cái ngổn ngang thôn ổ của nhiều làng. Tôi nhìn thấy những nguời đàn bà đội nón lá nhà nông, những chiếc thúng đầy lúa, tất thảy những cái khuôn sáo về cảnh trí vẫn gắn liền với Cuộc chiến tranh Việt nam. Có điều, đây không phải là những người đàn bà VC, và sẽ không có G.I. bám theo, thọc lưỡi lê vào các thúng gạo, tìm kiếm vũ khí giấu ở trong. Khuôn sáo chẳng mang một nghĩa lí gì, mà đây phải đâu là khuôn sáo, chúng chính là những tất yếu của cuộc sống người Việt. Tôi đã minh thị được rằng, khuôn sáo cho ta khá nhiều thông tin, nhưng chúng không định nghĩa được sự việc là bao, và đột nhiên nhận thấy cách chúng ta dùng tên gọi Cuộc chiến tranh Việt Nam nó có vẻ kì kì sao ấy, một câu không có tính từ mà càng nghĩ tôi càng thấy dị hợm. Nó nhằm vơ lấy cả một dân tộc và ném dân tộc ấy vào cuộc xung đột triền miên.

Sau một lúc, tôi hỏi: " Mình đang ở đâu ? "

Hiền nói : " Sắp tới đèo Hải Vân rồi ", và chỉ về phía trước nơi con đường lúc nhúc những xe đò đang ngoằn ngoèo bò lên rặng Trường Sơn. Bên trái chúng tôi, bức tường thành cây thông lá dài và rậm đột nhiên vỡ ra, lồ lộ một vực dốc đứng. Ngoài kia bờ vực là cái bất tận xanh ngát của Biển Đông, một cõi hỗn mang với những chóp màu trắng cực kì xao động khiến cho tôi chừng như chờ được nhìn thấy khuôn mặt của đấng tạo hóa (tạm dịch Yahweh – nl) lướt ngang qua đó.

Ðến đỉnh đèo, chúng tôi phải dừng lại vì hơi kẹt xe, cha tôi ra khỏi xe để chụp ảnh. Tôi đi theo ông. Trời lạnh chừng như tuyết có thể rơi, mây sà xuống thấm đẫm. Cha tôi muốn được chụp ảnh, ông đưa máy ảnh cho tôi.

Tôi nhìn chăm chăm cái món đồ cổ lỗ ấy, một chiếc Yashica FX-7.

Ông tự hào tuyên bố : " Lần đầu tới Việt Nam bố đã có máy ảnh này ".

" Đây là cái máy ảnh mà bố đã dùng để chụp hết thảy các phim dương bản ấy à ? " Bộ phim đèn chiếu của John C. Bissell về Việt Nam là một bộ phận quan trọng thời tuổi nhỏ của tôi ở Michigan. " Bố, máy ảnh này ba mươi tám tuổi rồi ! "

Ông nhìn tôi. " Không, bậy nào ". Ông giơ tay lên, huơ huơ một cách vu vơ. " Nó ... bao nhiêu hè ? Ba mươi hai tuổi. "

" Nó ba mươi tám tuổi rồi, bố. Suýt soát bốn mươi ".

" Không, làm gì đến, vì 1960 cộng bốn mươi năm là 2000. Bố tới đây năm 1965, vậy thì... "

" Vậy thì bây giờ là 2005 trừ đi hai ".

Cha tôi im lặng, rồi đột ngột ông tái mét : " Ôi Chúa tôi. Holy shit ".

" Cũng khó mà tin, nhỉ ? "

" Bố đâu ngờ mình già tới vậy, cho đến phút này ".

Ông sờ sờ lên mặt, vẻ lo lắng, trong khi tôi đưa ông vào tầm nhìn của ống kính.

 

*

 
Ở phía bên này đèo Hải Vân, Việt Nam càng rõ nét nhiệt đới, với rừng rậm ẩm mục dày đặc đầy màu sắc và những đồng lúa. Một màn sương đậm phủ trên mặt nước đứng yên, bình lặng và ngút ngát. Những con trâu như những con khủng long nhỏ trầm mình đến tận hông trong bùn bên cạnh, những nhà nông mặc những cái bao trông giống mấy cái “ áo mưa ”, lội trong nước ngập đến ngực tay cầm những chiếc lưới đưa lên quá đầu.

Một lúc sau, do tôi cứ khăng khăng, chúng tôi dừng lại nơi Đài tưởng niệm Mĩ Lai, ngoài thị xã Quảng Ngãi vài dặm. Sơn Mĩ là một tiểu khu được phân ra làm nhiều xã, với Mĩ Lai là xã nổi tiếng hơn cả. Năm 1968, trong một khu vực ở Mĩ Lai, những tội ác chiến tranh đầy tai tiếng của Mĩ đối với những người dân làng Việt Nam đã xảy ra : Đâu khoảng chừng từ 150 đến 570 thường dân không vũ khí đã bị làm thịt một cách tàn bạo khiếp đảm theo nhiều cách. Cha tôi đã không muốn đến đây, vì nhiều lí do, có những lí do dễ hiểu, có những lí do hơi khó hiểu hơn. Một trong những cái "hơi khó hiểu" là mối quan hệ bè bạn mập mờ của ông với đại uý Ernest Medina, chỉ huy đại đội C, một đơn vị trong Lữ đoàn 11, Sư đoàn 23 Bộ binh, trách nhiệm phần lớn các vụ tàn sát ở Mĩ Lai.

Medina, một người Mĩ bản địa (người "da đỏ", gọi theo thói thường -- nl), bị vụ Mỹ Lai làm tiêu tùng cuộc đời binh nghiệp nhiều triển vọng của ông, cuối cùng đã quay về sống ở phía bắc bang Wisconsin, và cha tôi thỉnh thoảng vẫn gặp ông. Cha tôi vẫn cho rằng Medina là một "người tốt", ông này tuyên bố không hề ra lệnh cho những vụ việc đã xảy ra và không giải thích được việc ấy. Trên đường đến đây, cha tôi có càu nhàu là tôi không hiểu cho rằng những vụ như Mĩ Lai vẫn xảy ra luôn, chỉ có tầm cỡ là nhỏ hơn thôi. Tôi nhìn ông, kinh ngạc. Tôi hiểu ông muốn nói gì, và ông biết tôi hiểu ông muốn nói gì, nhưng phải nghe chính ông nói ra những lời hàm chứa ý dung dưỡng việc sát nhân ấy thì thật cũng quá sức.

Tôi có thể vặn lại, và tôi suýt vặn lại : Thế bố đã từng làm điều như vậy ư ? Nhưng tôi đã không hỏi, vì không nên để cho bất kì một người cha nào bị con mình hỏi câu ấy. Vì không người cha nào phải nghĩ rằng, dù chỉ trong thoáng qua, con của ông ta tin là ông có thể làm vậy. Vì tôi biết rằng cha tôi không thể làm vậy. Và tôi đã tự nhủ như thế, khi chúng tôi đi gần đến Sơn Mĩ.

tuongmylai

Một bức tượng tại Mỹ Lai,
Ảnh Wademan

Hai chiếc xe buýt chở du khách cùng trang trí với những mô-típ hình cá heo hực hỡ, đã đậu sẵn ở đây. Tôi bước đến bên một tấm biển gỗ liệt kê “Các qui định của Khu Tưởng niệm Sơn Mỹ”: “ Du khách không được phép mang chất nổ, dẫn lửa, chất phóng xạ, chất độc hay vũ khí vào nhà bảo tàng. Quí khách cũng phải trình báo và ngăn chặn những thái độ không tôn trọng đối với các di tích lịch sử ”. Khu đất được đánh dấu bằng những hàng cọ cao, gió rít, những lối đi lót đá, với hàng giậu xanh tỉa xén vuông vắn và nhóm tượng, nhóm tượng xé lòng : xác những phụ nữ bị bắn chồng chất lên nhau, những trẻ con van xin, những nắm tay bất khuất giơ cao. Đây là những trường hợp đầu tiên tôi nhìn thấy điêu khắc Cộng sản mà không bị khích động đến độ thấy phải cầm búa tạ lao vào chúng ngay tức khắc. Trong khi đó cha tôi quan sát bia mộ liệt kê tên tuổi của một số nạn nhân Sơn Mĩ.

" Con thấy thiếu cái gì không ? " ông hỏi khi tôi đến gần bên.

Một cột số ghi tuổi nạn nhân như thế này : 12, 10, 8, 6, 5, 46, 14, 45. Hầu hết là nữ. " Con không thấy đàn ông, trai tráng ".

" Ấy là vì không có trai tráng nào quanh đây. Đây là một làng VC ".

" Bố. Bố ".

" Thì chỉ là một nhận xét thôi mà. Cả vụ này có khả năng là một tác vụ trả thù. Thật ra, bố biết nó là vụ trả thù. Có thể họ bảo, “Mình sẽ dạy chúng một bài học”, rồi họ tàn sát mọi người. Đó chỉ là thứ vi phạm cỏn con đối với bất luận thứ qui định và luật lệ nào, về mặt đạo lí lẫn thành văn, quân sự lẫn dân sự ”

Chúng tôi lần bước qua bên nhà bảo tàng, tôi để ý thấy các cây cọ mang nhiều biển nhỏ đánh dấu những vết đạn còn thấy được do đám lính bắn trong cuộc tàn sát. (" Giết vài cái cây ! ", trong ngôn từ lính Mĩ ở Việt Nam, tương đương với câu " Bắn thả giàn đi ! ") "Chúa ơi", cha tôi kêu khẽ, dừng lại để lần ngón tay trên thân cây cọ nhằng nhịt những lỗ đạn bắn. Gương mặt ông chợt trông ma quái, " Năm trăm người... "

Bảo tàng đầy du khách, phần lớn là người Âu châu lớn tuổi, tất cả đều đi quanh quẩn, nhìn các trưng bày, với vẻ gì giống như một sự kinh hoàng ghê gớm phả lên trên mặt họ. Tôi nhìn bức ảnh một người đàn ông bị ném xuống giếng, bộ não bóng loáng của ông lộ ra qua lỗ thủng ở xương sọ, và cảm thấy rằng chính cái kinh hoàng kia cũng chiếm ngự trên mặt tôi. Nhiều hinh ảnh nữa: một người đàn ông gầy còm bị đạn súng máy cắt đôi; một người đàn bà với bộ não được đặt gọn gàng bên cạnh bà. Trong gian phòng kế bên là bộ ảnh sưu tra của những kẻ gây tội ác ở Mĩ Lai, những hình ảnh phóng đại khổng lồ từ các bản Xerox tồi mà mỗi điểm ảnh to bự bằng đồng xu. Hãy hài tên họ ra đây: Calley, Bernhart, Hodges, Reid, Widmer, Simpson, và Medina, tại phiên toà quân sự xử và đã tha bổng ông. (Hầu hết những người can dự trực tiếp vào vụ tàn sát ở Mĩ Lai đều đã giải ngũ khi tin về vụ này nổ ra; cánh tay của quân pháp lại rõ là ngắn, những người này không hề bị đem ra xử). Cũng có ảnh của Lawrence Colburn và Hugh Thompson và Herbert Carter. Hai người trước thuộc phi hành đoàn trực thăng đã gắng sức duy trì nhân tính của họ và đã thực thăng vận một số nhỏ thường dân thoát ra khỏi cuộc tàn sát. Người sau cùng nghe đâu đã tự bắn một phát vào chân - tổn thất duy nhất của cuộc hành quân - trong cuộc tàn sát để khỏi phải tham dự. Anh dũng bội tinh (tạm dịch “Soldier’s Medals for heroism” -- nl) của Colburn và Thompson cũng được trưng bày, tuy có phần không được dễ thấy bằng.

Tôi thấy bố tôi lẫn ra ngoài với Hiền, cả hai người xám ngoét và trông nhừ tử, và lần theo họ khi nghe phía sau tôi giọng cảm thán nặng ngữ điệu Đức, “ Tôi đã từng đến thăm Auschwitz, và bị xúc động, nhưng chỗ này thì xúc động hơn quá chừng chừng, ja ? ” Tôi quay lại. Những người mà bà người Đức này đang nói với là người Canada.

“ Xin lỗi ? ” Tôi nghe tiếng mình, hơn là tôi đang nói.

Bà ta nhìn tôi tỉnh queo. Bà đeo một chiếc dây đeo cỗ thô kệch bằng ngọc thạch mà tôi đã thấy bày bán ngoài đường. “ Xúc động hơn. Vì cuộc sống. Cuộc sống quanh đây ”. Bà ve vẫy đôi tay, những bàn tay xương xẩu dài và gầy, trong lúc mấy người Canada lặng lẽ bỏ đi.

Dù khá chắc chắn rằng, đấy là một dạng của “ thái độ không tôn trọng ”, tôi đã không trình báo về bà ta. Tôi chắng nói gì và bỏ ra ngoài. Tôi gặp Hiền và cha tôi đứng bên chiếc hào nơi vùi xác nhiều nạn nhân của cuộc tàn sát Mĩ Lai. Cạnh đấy là một bích hoạ kiểu Guernica với những chiếc trực thăng gieo chết chóc và lính Mĩ, nét mặt hung ác, phủ chụp lên trên những phụ nữ và trẻ con Việt Nam không một phương cách tự vệ.

Hiền nói : " Tại sao có một kẻ giết chóc, như Calley, trong lúc một kẻ khác, như Colburn lại cố gắng ngăn ngừa ? Khác nhau chỗ nào ? "

Cha tôi nhìn đăm đăm chiếc hào. Ông bảo Hiền : " Chỉ là... chiến tranh ". Hiền gật, nhưng tôi biết anh ta không thoả mãn với câu ấy. Tôi không thoả mãn với câu ấy. Hình như, cha tôi cũng thế. Ông nói thêm, vẻ tra vấn, " Tôi đoán, rốt cuộc lại đó là chuyện kỉ luật ". Sau khi Hiền bỏ đi, cha tôi xoa ngực ông, qua lớp áo, " Nhói tim ".

Tôi nói, " Ừ ".

“ Bố đã từng thấy TQLC Mĩ trả thù, nhưng họ chỉ giết đàn ông chứ không giết đàn bà và trẻ con. Kinh thật. Khi chúng ta đến đây chúng ta là... là những crusaders ! Chúng ta có bổn phận giúp đỡ người ta. Chúng ta có bổn phận cải thiện cuộc sống cho họ, mang lại cho họ dân chủ. Và cách chúng ta làm thì đầy đạo lí...”. Ông thở dài, xoa mồm, lắc đầu, với mọi dáng điệu đang kiếm tìm một nghĩa lí. Vụ Mĩ Lai xảy ra hai năm sau khi cha tôi rời Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam năm 1966 không phải là chiến tranh Việt Nam của năm 1968, cuộc chiến đến lúc ấy đã đốn sụm cả nút những nhân vật và thiện ý, kể cả nơi những kẻ đã hoạch định và chủ xướng cuộc chiến. Kennedy, McNamara, Johnson : đến năm 1968 họ đều đã mất ngôi vị. Tôi nghĩ tới một câu chuyện cha tôi có lần đã kể tôi nghe, vụ ông được lệnh chở một tù binh Việt cộng về Tam Kỳ bằng trực thăng. Ông mô tả tù binh ấy là "một chú nhỏ bị doạ nạt, sợ gần chết, bị trói chặt nhưng vẫn còn giẫy giụa. Và hắn ta đã chống cự và chống cự có đến 45 phút. Hắn biết mình sẽ bị ném ra khỏi trực thăng. Hắn biết thế. Nên khi đến Tam Kỳ, họ hỏi bố, " Cậu học được gì nào ? " bố nói, " Tôi học được rằng, cái thằng nhóc kia muốn giết tôi vì hắn ta nghĩ rằng tôi sẽ tống nó ra khỏi trực thăng ! ” Và goddamnit, có lúc bố suýt làm vậy thật. " Hai chúng tôi cùng cười, tàn nhẫn.

Lại thứ chuyện bốc trời. Cha tôi không thể nào ném một người bị trói ra khỏi trực thăng, dù trong tình huống nào. Nhưng tôi tưởng tượng ra ông -- tôi tưởng tượng ra chính tôi -- ở tại Mĩ Lai này, trong những phút giây đầu tiên của cái xung động kinh khiếp của ngày hôm ấy, của cái tự do độc hại của cò súng sẵn sàng trong tâm trí bạn bè, đồng chí, và tôi không ưa lắm những điều khả thể mà tôi nhìn thấy.

Cha tôi đột nhiên ngẩng nhìn quá cái hào khốn kiếp kia, sang đến cánh đồng xanh non gần đó. "Giá có Hiền ở đây." Có phải cha tôi, sau cùng, đã có được cho anh chàng một câu trả lời khá hơn rằng, tại sao có những người làm chuyện giết chóc khi kẻ khác lại nghĩ đến chuyện cứu vớt ? Thật ra, không phải vậy, ông chỉ muốn biết, ngô hay lúa mì hay là thứ gì khác đang mọc lên ở phía bên kia.

 

*

 
“ Cha anh làm gì ? ”

Một câu hỏi bọn nam thanh niên hay bị hỏi. Phụ nữ đặc biệt hay hỏi mấy gã thanh niên câu ấy, tôi cho là trong cái tinh thần của một trò bói toán phàm tục nào đấy. Mười năm nữa anh muốn thành người thế nào, anh muốn dan díu với ai ? Theo thói thường thì mỗi anh thanh niên, như Gê-su đẫm lệ của vườn Gethsemane, có hai chọn lựa trong vấn đề người cha của anh ta: khước từ hay noi theo. Trong một nghĩa nào đó, hai cha con tôi cũng không khác cho lắm. Trong lúc tôi vẫn thừa hưởng được cái tính trào lộng, lòng yêu chuộng sự trung thành của ông; và cái lưng lông lá như chó sói của ông; tôi là con của mẹ tôi trong mọi phương diện ứng phó với đời và trong xúc cảm. Chuyện tiền nong thì tôi tệ hại vô kể, mau nước mắt, và cơ bản là cảm trước khi nghĩ. Tôi có thể dự đoán về mẹ tôi vì lòng dạ bà cũng là lòng dạ tôi. Cha tôi thì vẫn còn bí hiểm hơn.

Cha tôi làm gì ? Tôi luôn trả lời như vầy: “ Cha tôi là một TQLC ” . Trả lời này thường đưa tới một cái nhăn mặt thông cảm. Nhưng sự thật thì cha tôi và tôi hợp nhau. Không phải lúc nào chúng tôi cũng hợp nhau – tôi kiên trì giữ điểm D thời học trung học, ông coi cái quyết tâm làm nhà văn của tôi (ít ra là lúc ban đầu) như một thứ mơ mộng viển vông, và rải rác trong lịch sử của chúng tôi là một mớ những chiếc Chevy tan tành và những vụ giấu cần sa bị phanh phui – nhưng cha con tôi lúc nào cũng gần nhau. Càng có tuổi, tôi càng thấy thêm được những rắc rối của nhiều người bạn mình với các ông bố của họ: những hằn học và những thất vọng, mang giữ quá lâu từ quãng đời vị thành niên, đột nhiên trồi lên ở cả hai phía. Nhưng cha tôi và tôi thì chỉ có gần nhau thêm, cho dù ngày tôi càng ít hiểu ông hơn. Cha tôi là một TQLC. Nhưng nói vậy thì chỉ miêu tả được ông một cách thô thiển. Ông không cao, nhưng do quá gầy ông có vẻ cao. Đầu ông là hình một quả trứng hoàn chỉnh, nó nói tại sao anh em tôi lại đặt hỗn danh cho ông là: Egghead (Mặc dù không có gì để giải thích các hỗn danh của hai đứa chúng tôi: Ringworm và Remus). Cái tính “vịt cồ” của ông, một kết hợp kì lạ giữa gàn dở và cương nghị, xứng với hai bàn chân to bè bè xoay ra phía ngoài một góc bốn lăm độ của ông. (Tôi thường trêu chọc ông về điểm này, cho đến khi một cô bạn gái bảo cho tôi biết là tôi đi y chang như vậy). Vậy thì cha tôi không phải là Great Santini, không phải hiệp sĩ Thập tự quân (tạm dịch một trong những nghĩa của ‘knight templar’ -- nl).

Như thời tôi còn nhỏ, trong những trận bóng rổ thường được chơi với hàng xóm ở trước sân xe nhà tôi, cha tôi ném những quả phạt đền một cách vụng về đến độ khó lòng dung thứ. “Ôm và hôn” là cách ông hay dùng để nói về việc đặt tôi vào giường ngủ. Một cách vô thức, tôi hôn cha tôi cho đến khi tôi vào cấp ba, khi vài đứa bạn chế nhạo tôi về việc này: “Mày hôn bố mày ?” Nhưng cha con tôi đụng độ nhau luôn. Tôi không nói chuyện cãi nhau. Tôi nói chuyện đánh nhau. Tôi thường đấm mạnh vào vai ông để báo là mình có mặt, trong lúc đó ông khóa trật cánh khuỷu tôi cho đến khi nào tôi hát bài hát mà trong nhiều năm tôi cứ ngỡ là do ông bày đặt ra: “ Sao lại có cảm giác này ?/ Sao lại có niềm vui này ?/Bởi vì có anh ở bên em, hỡi anh khùng điên,/ Ông Tuyệt vời ơi, đó chính là anh ”. Sự tra tấn không chỉ về mặt thể chất.

Thuở tôi còn thật bé thì cha tôi có thể bảo là ông sáng chế ra cây và tham dự Nội chiến, và cười đến chảy nước mắt khi thầy giáo tôi điện thoại đến nhà để quở trách ông. Bù lại, hai anh em tôi chỉ cần hành cái lão khốn khổ ấy, như rót thuốc xổ vào trong cà phê ông uống trước khi đi làm, nhét vào thuốc lá của ông mẩu cây thông được pha chế, để chúng nổ tung sau khi rít vài hơi. Một điếu nổ ngay trong buổi họp hội đồng quản trị nhà băng của ông, một điếu lúc ông trên đường tới nhà thờ, làm cho ông lạng xe tuốt lên lề đường. Bao giờ ông cũng trả đũa. Thời học trung học, tôi mang đào về nhà để khoe với cái lão trời thần ấy của tôi, chỉ để rồi bị cha tôi quật xuống đất và đè nghiến xuống đó, trong lúc ông chà cái pizza khắp mặt tôi, rồi gọi con chó đến liếm cho sạch. Khỏi phải nói là không có chuyện hẹn đào lần thứ hai.

Nhưng cha tôi là một TQLC. Ông có thể tàn độc. Sau một bữa tiệc tùng thời trung học làm tan hoang ngôi nhà của ông và quà Christmas của chúng tôi bị mất cắp, tôi đi tìm ông để nói rằng tôi rất hối tiếc, rằng tôi yêu ông. “ Không ” ông nói trong khi quét những mảnh kính vỡ của một khung hình, chẳng thèm ngó tới tôi. “ Bố không nghĩ con nói thật lòng ”. Chúng tôi có một con diplodocus nhồi bông to tên là Dino, nó hay được dùng tạm làm ghế dài để tựa lưng khi xem tivi, vì bố tôi là kiểu ông bố có thể nằm lăn ra sàn nhà cùng các con. Một bận, đang tựa người vào Dino trong lúc chúng tôi xem phim Sands of Iwo Jima, tôi hỏi cha tôi người ta cảm thấy thế nào khi bị thương. Ông nhìn tôi, nắm lấy bắp thịt cánh tay tôi, và bấu chặt đến độ nước mắt đột nhiên ứa ra trong mắt tôi. Tôi trả đũa bằng cách hỏi một cách trơ lì rằng, ông đã từng giết ai chưa. Tôi độ mười hay mười một, và cái nhìn chiếu tướng lạnh băng, thương tổn của tôi xoáy sâu vào mắt ông, ý chí thuần tuý là một trong những nhiệt tình không lệ thuộc vào tuổi tác. Ông phải nhìn ra chỗ khác trước.

Ông là một TQLC. Tôi gán điều này với phần lớn sự điên rồ của thời tôi khôn lớn bên ông. Ví dụ như, ông đã có lần bắn một mũi tên đang cháy vào cửa chính của người em mình. Mỗi dịp lễ 4 tháng 7, ông lại nhận bổn phận phá huỷ những thùng rác của hàng xóm bằng cách tộng vào đó pháo và một ít dầu xăng, luôn đánh mồi cái hỗn hợp đó bằng cách búng thật điệu nghệ một điếu thuốc đã hút đến tận cái đầu lọc. Một hàng xóm khác bỏ nửa lố rắn không độc vào bồn tắm chúng tôi: cha tôi đáp lại bằng cách đem mớ rắn sang nhà ông láng giềng và lặng lẽ nhét chúng dưới tấm trải giường. Có bận, trong một bữa ăn tối, Phil Caputo thuật lại một vụ, cha tôi say rượu, cướp một chiếc xe buýt chở du khách ở Key West, Florida, nhấn lút ga băng băng qua một bãi đậu xe đông người, trong khi hành khách của ông, chừng độ bảy chục ông bà lão du khách, gào thét. Chỉ về sau này tôi mới biết ra là cho mãi đến đầu những năm 1980 Phil mới về sống ở Key West – điều ấy có nghĩa: cha tôi là một tên trộm xe buýt bốn mươi tuổi.

 

*

 
Tôi vào Peace Corps sau khi xong đại học, rồi nhanh chóng văng ra. Toà dinh thự những thất vọng của cha tôi có nhiều phòng, và ngay cả giờ đây tôi cũng không tài nào đọc lại nổi những bức thư ông gửi cho tôi, lúc tôi chuẩn bị về nhà. Chúng là sự yêu thương, chúng là sự độc ác, chúng là những bức thư của một người cha rất mực yêu con trai mình, và của một người mà quá khứ quá nhiều đau xót khiến, đôi lúc, ông quên rằng, đau khổ là một bất hạnh mà một số trong chúng ta bị ép buộc phải trải nghiệm chứ không phải là điều kiện để làm người. Nhưng tôi đã làm gì với đời tôi ? Tôi đã trở thành một người viết hết sức quan tâm đến những nơi chốn của con người chịu đau khổ. Và gần đây tôi nhận ra rằng, đấy là cố gắng của tôi nhằm mô phỏng theo những gì cha tôi đã phải kinh qua.

Trong cuộc chiến ở Afghanistan, tôi kẹt ở Mazar-i-Sharif với một ngân quỹ thấp dễ sợ và một người bạn, Michael, một nhà báo Đan Mạch mà tôi đã đi theo vào cuộc chiến. Dù tôi có đủ mọi thứ chứng minh thư cần thiết, tuần biên ở biên giới Uzbek vẫn liên tục xua chúng tôi quay lại ba bận. Chúng tôi chỉ mang đủ tiền cho vài ngày, và, với một chuyến taxi từ Mazar đến biên giới đã tốn hết năm mươi đô la, chúng tôi hết phương kế. Tôi gọi cha tôi bằng một chiếc điện thoại vệ tinh mượn của một nhà báo Associated Press. Đó là đêm Christmas ở Michigan, và chỉ có ông và mẹ kế của tôi, có lẽ đang chờ em tôi hoặc tôi điện thoại về. Ông không hề biết tôi đang ở Afghanistan, vì tôi đã hứa tôi sẽ ở lại Uzbekistan. Cha tôi nhấc điện thoại sau một tiếng chuông reng, giọng ông gợn vui.

“ Bố, xin bố lắng nghe vì con không có nhiều thời gian. Con đang kẹt ở Afghanistan. Con không có tiền. Có thể con cần bố gọi vài cú điện thoại. Bố nghe con nói không ? ”

Đường dây lặng thinh trừ tiếng static yếu ớt, lạnh lẽo.

“ Bố ? ”

“ Bố nghe con ”, ông khẽ khàng.

Việc này, nghe được ông nói, làm mắt tôi cay. “ Con nghĩ, con đang bị nguy ”.

“ Chúng có làm hại con không ? ”

Trong một thoáng, từ chỗ ỉ ôi như trẻ con tôi suýt bật cười. “ Không có ai làm hại con đâu, bố. Con chỉ lo ”.

“ Con đang nói bằng mật mã phải không? Cho bố biết con đang ở đâu ”. Sự hốt hoảng của ông, được duy trì trọn vẹn xuyên suốt cuộc hành trình của nó qua mây và không gian và mớ ruột gan digital của một mặt trăng kim loại bé tí nào đó, phóng xuống và giáng vào tôi với tất cả mãnh lực của một giọng nói thật.

“ Bố, con không có bị bắt giữ, con đang...” Nhưng ông đã đi rồi. Đường dây lặng thinh, chiếc vệ tinh đã trượt vào một vùng giao thoa làm ngắt sóng nào đó. Tôi không muốn ngẫm nghĩ về tình trạng mà cha tôi phải trải qua trong suốt phần còn lại của mùa Christmas, dù rằng sau này tôi được biết ông đã rời rã, tan tác suốt dịp ấy. Và, ít ra là trong một thời gian ngắn, điều không tưởng tượng nổi đã trở thành đời sống của tôi, không phải của ông. Tôi đã là ông, và ông là tôi.

 

*

   
Cha con tôi lần xuống bãi biển đẹp trong thành phố Qui Nhơn. Đêm hôm trước chúng tôi đã nốc hàng chục lít bia Tiger, và tôi đã so sánh thể chất của mình với ông. Cha tôi chỉ nhậu một lượng nhỏ so với trước kia, nhưng ông vẫn có cái sức mà tay nghiện rượu nào cũng cần phải có nếu như kẻ ấy muốn sống một đời nhậu nhẹt. Tôi có bộ dạng và bốc mùi cứ như tôi đã qua trọn đêm trong bồn tiểu của một trại tù chuyển tiếp, trong lúc ấy cha tôi lại cứ trông và ngửi như ông vừa ngủ 15 tiếng đồng hồ trên một luống hoa diệu kỳ. Tôi chạnh nhớ nhiều lần, thời tôi lớn lên, trông thấy cha tôi phát rồ một cách đắc thắng sau một chai Johnie Walker Đỏ, chỉ mặc quần áo lót và một áo khoác ngoài mùa đông, đi ra xúc tuyết vào lúc chừng 3 giờ sáng. Chỉ vài giờ sau là ông đỏ au và huýt sáo trong khi thắt cà vạt chuẩn bị đi làm. Về thể chất, tôi không phải là bản sao của ông, và giờ đây trên bãi biển ông đang vỗ vào lưng tôi, khi tôi cho chó ăn chè trong một cái bụi rậm nào đó.

Qui Nhơn là nơi cha tôi giạt vào bờ cùng với hàng ngàn TQLC vào tháng Tư năm 1965, một tháng sau khi những người lính TQLC Mĩ đầu tiên được phái đến Đông Nam Á, qua ngã Đà Nẵng, rạch ròi với vai trò đội quân tham chiến. Các tiểu đoàn Tháng Tư được cử sang theo sự khẩn khoản của Westmoreland, chủ tâm là mang chiến tranh tới cho Việt Cộng. TQLC sẽ không còn đứng gác một cách bất lực cạnh các sân bay hay cột tháp đài phát thanh và bệnh viện, mà sẽ lùng và diệt loạn quân Việt Cộng. (Kế hoạch này thất bại. Một ước tính đã cho rằng, 90 phần trăm các vụ chạm súng xảy ra trong khuôn khổ chiến thuật lùng và diệt đều do lính bên địch phát khởi). Nhiều người mong đợi một chiến thắng nhanh chóng, vì ai cũng biết là VC và độ đội Bắc Việt Nam không thể nào chịu nổi hoả lực ưu việt của Mĩ. Nhiều người khác dọn mình cho một cuộc giao đấu gớm ghiếc dai dẳng. Cha tôi, như tất cả TQLC trẻ lúc ấy, mang niềm tin của nhóm thứ nhất.

john Bissel

John Bissell

Phải mất chừng mười lăm phút dò dẫm trên bãi biển để tìm ra nơi ông đổ bộ : một rặng cọ lưa thưa, như nhờ phép lạ nên chẳng đổi thay từ dạo 1965, giúp đỡ trí nhớ của ông về nơi chốn ấy. Chúng tôi đứng nhìn biển bất tận trong nhằng nhịt bóng những con cò và các giàn giáo của khu du lịch đang được xây dựng cách đó chừng vài ba chục thước. Tôi bắt đầu hỏi ông này nọ, nhưng thật nhẹ nhàng ông bảo, hãy để yên cho ông một lúc. Tôi biết ngay, mình có lỗi. Ông không thể nói lúc này, ông nhìn đăm đăm ra biển trong nỗi bối rối lẫn niềm hạnh ngộ. Tôi lặng im. Đây là nơi mà người đàn ông tôi gọi là cha đã được sinh ra. Cứ như ông đang nhìn vào chính bản thân ông qua tấm màn che đẫm máu của kí ức.

Lúc sau, ông nói : " Họ bảo bọn tôi, đây là một cuộc đổ bộ chiến đấu. Sẵn sàng để đón nhận điều tệ hại nhất. Những con tàu chở chúng tôi tự dìm trong nước, các tàu đổ bộ và xe lội nước lội vào bờ. Chúng tôi lên bờ, trang bị đầy mình, súng lên cò, sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi có xe tăng, xe tải, và Ontos ".

" Ontos ? "

" Xe bọc sắt sơ sài có trang bị sáu súng không giật ; Chúng bắn đủ thứ đạn. Đạn xuyên phá. Đạn chống người. Willy Peter (từ chữ white phosphorous – nl), đó là phốt-pho trắng, một trong những thứ chết người mà mình có thể bị bắn trúng. Khi đạn nổ ra, nó phun chất phốt-pho trắng, nếu bỏ nước vào, nó lại cháy bùng lên. Nó hút lấy dưỡng khí để cháy và mình phải lấy bùn để dập tắt. Loại vũ khí thật đáng yêu ".

" Bố lúc ấy bao nhiêu tuổi mà có được từng thứ ấy trong tay ? "

" Bố 23 tuổi. Một trung đội trưởng. Nhưng bố cũng là người chỉ huy đại đội, và bố có tất cả những bộ binh và quân nhu dưới quyền. Có thể bố là một trong những đại đội trưởng trẻ nhất ở Việt Nam, nếu không phải là người trẻ nhất ". Về điểm này, tôi có thể nói là ông vẫn tự hào. " Mọi người hoan hô chúng tôi. Rất vẻ vang. Nên, bố quá đỗi thất vọng khi nói chuyện với những người không có mặt ở đó. Họ đều bảo, “ Chẳng ai muốn chúng ta đến Việt Nam ”. Coi đó, nhất định là họ hồ hởi mở rộng vòng tay ra đón chào chúng tôi kia mà ".

" Đến lúc nào thì tình trạng xấu đi ? "

Ông chỉ tay về những ngọn đồi xa quá Qui Nhơn -- một miền an lạc với những tam giác xinh đẹp, gồ ghề với đá cẩm thạch lờ mờ và những những chiếc cựa sắc bằng đá trắng chìa ra, vài thác nước trắng sủi bọt đổ xuống mặt những ngọn đồi ". Coi thì đẹp đẽ vậy đó, nhưng VC ở trỏng, như chúng tôi đã phát hiện. Chỉ sau hai ngày là chúng tôi bắt đầu bị bắn. Chúng tôi thật thiếu kinh nghiệm, lúc đầu bọn mình bắn lẫn nhau. Một cậu, thật thê thảm, ngủ gục lúc canh gác và ngồi xoay người ngược hướng trong hố cá nhân. Cậu ấy thức dậy, thấy có người, và khai hoả. Giết hết cả toán hoả lực của cậu ta ".

Ở Việt Nam, đặc biệt là trong những bước khởi đầu của cuộc chiến, lính Mĩ nếm trải lối đánh trận hỗn loạn mà họ chưa hề thấy. Không có đất để chiếm, không chiến tuyến để giữ, và ít cơ hội được cái vinh quang truy đuổi kẻ địch. Các trận đánh toàn diện thì hiếm hoi, và chiến binh địch cứ hoà tan vào trong rừng chỉ để rồi lại xuất hiện, trong đầu óc của những binh sĩ Mĩ ngày càng bị kích động (và có thể hiểu được), dưới dạng những người dân được xem như hiền lành vô hại.

Lúc chúng tôi lái tiếp đến làng Bình Phước, tôi hỏi cha tôi về các khác biệt giữa loại đánh nhau mà ông được huấn luyện để đánh và loại đánh nhau mà VC đã buộc ông phải tham dự. “ Bọn VC ”, ông nói, “ không tới gần chúng tôi. Họ không có hoả lực. Và chúng tôi biết, nếu bọn họ chọn đương đầu với bọn tôi thì họ sẽ tan tành xí-quách ngay. Cho nên họ chọn đánh chúng tôi trong các cuộc tuần tiễu ”. Giờ thì ông bị kích thích rồi, và nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ xe với một sự quyết tâm lạnh lùng. Tuy Phước, ngôi làng mà chúng tôi đang đi tới, là nơi cha tôi trúng thương.

Ông chỉ con đường sắt chạy song song với con lộ ngoài kia cửa sổ, bắt chợp được một ụ cao chừng tám feet những rơm lèn chặt. “ Thấy cái kia không ? Đó là cái mà bọn tôi vẫn hay nấp đàng sau, như là một vị trí được gia cố ”. Xong ông khúc khích cười.

“ Bố đã dự bao nhiêu trận đánh ? ”

“ Một tá, hai chục. Chúng kéo dài từ mười giây cho đến hai giờ. Rồi bọn VC bỏ ngang và biến mất. Chúng tôi mất khá nhiều người do cố sức cứu lấy thương binh và thu hồi xác. Và bọn nó biết vậy. Nó biết mình sẽ làm thế. Walt Levy chết như vậy đó, biết không: gắng sức đem một người nào đó bị thương ra khỏi một mảnh ruộng ”.

“ Con cảm thấy có vẻ căng rồi đấy. Bố đang vã mồ hôi kìa ”.

“ Thiệt à ? ” Ông sờ thái dương, một vũng mồ hôi. Ông lau vội mấy ngón tay lên áo, “ Ờ, có thể có chút đỉnh ”.

“ Bây giờ thì bố nghĩ sao về Việt Cộng ? ”

Ông nhìn cái máy ảnh ông đang xoay trở trong tay. “ Lũ chúng tôi đều là lính cả. Biết không, so với chúng tôi, bọn họ cũng thiệt hại ghê gớm lắm. Những con người dũng cảm. Tận tình. Cho đất nước của họ. Chúng tôi coi như … thua cái đó ”

“ Con rất tiếc ”, tôi nói, tự thấy ngạc nhiên.

“ Ư … ừ”, ông nói.“Bố cũng vậy ”.

Tuy Phước không hẳn là một cái làng, nó là một chuỗi đảo dàn trải ra trên một cánh đồng rộng lớn bị những cơn mưa mùa dìm trong nước . Chúng tôi chạy giữa những đảo ấy, dọc theo một con đường thẳng cao trên mặt nước chỉ độ một tấc. Mỗi hòn đảo là một cái nút của Swiss Family Robinson – sống theo kiểu: một ngôi nhà đơn bạc, một hàng rào gỗ xiêu vẹo, một khoảng sân cát ẩm ướt, một chỗ neo thuyền nho nhỏ, một chiếc thuyền gỗ cột vào đó. Những túi plastic và những ruột bánh xe đạp cũ, ỉu xìu treo trên cành một cái cây với một ý nghĩa gì thì không rõ. Cha tôi nói, bốn mươi năm trước tất cả những ngôi nhà ấy đều là những chòi tranh. Hiền nhào vô nói, với chút tự hào, chính phủ đã xây dựng và hiện đại hóa làng xóm Việt Nam từ sau khi chiến tranh chấm dứt, năm 1975.

Con đường thì hẹp và đầy người đi bộ; trên kia, bầu trời trông như một bãi tha ma thênh thang xám xịt của những cụm mây chết. Nước lụt phủ bốn chung quanh, có màu nước chè ở chỗ sâu và màu xanh lục ở chỗ nông. “ Làng Việt Cộng ”, cha tôi bỗng buột miệng, nhìn quanh các hòn đảo của Tuy Phước, “ Tất thảy ! ” Cuối cùng thì chúng tôi cũng phải dừng lại, chỗ con đường quá ngập lụt để mà đi tiếp, và ra đứng bên cạnh chiếc xe. Cha tôi nghĩ rằng, có thể ông đã bị thương phía trước chỗ phải dừng xe chừng độ trăm thước. Rõ ràng là ông bị kích động và châm một điếu thuốc để giúp ông được rảnh trí.

Mỗi bên lề đường là một đám đông người Việt Nam. Họ gọi nhau qua những khoảng nước, tay vẫy miệng cười. Cứ năm ba phút lại có một kẻ dũng cảm cỡi xe gắn máy phóng vọt qua chỗ nước lụt, nước trước bánh xe anh ta liền rẽ ra như dưới chiếc gậy ông Mô-se

Tôi nhận ra, Tuy Phước không đáng là một nơi du lịch, và thiên hạ thường để chúng tôi yên. Nhưng hầu như ai cũng nhìn chúng tôi. Người dân Tuy Phước thấp và ướt át và rám nắng một cách trông không được khỏe mạnh. Phụ nữ mỉm cười, đàn ông gật đầu chào lịch sự, và trẻ con thì bổ nhào về phía chúng tôi trước khi chúng kịp nghĩ, xong lại thối lui về nấp sau chân các bà mẹ của chúng.

“ Bố có muốn kể con nghe chuyện gì đã xảy ra không ? ” Đây chủ yếu là một cách đãi bôi thôi, vì tôi đã biết chuyện xảy ra ra sao. Cha tôi bị bắn – trên lưng, mông, cánh tay và vai – lúc bắt đầu một vụ đụng độ ven đường và được một người lính da đen lôi đến nơi an toàn. Một trong những điều mà lâu nay tôi vẫn kính nể cha tôi là ông không mang hiềm khích chủng tộc – nét hiếm thấy nơi những người đàn ông vùng thôn quê Michigan. Tôi luôn liên hệ điều này với người TQLC da đen đã cứu mạng ông. Tôi cũng gán công lao, cùng một cách y hệt như vậy, cho kẻ cứu chuộc bí mật kia về sự nghiêm nhặt thời trẻ của mình trong các vấn đề về chủng tộc – tôi luôn sẵn sàng chận họng khách đến dùng cơm với bố mẹ tôi hay bạn cùng trường của tôi bất cứ khi nào cái từ “ nigger ” chìa bộ mặt khó ưa của nó ra từ trong cánh gà phía hữu.

“ Chúng tôi đang hành quân lùng-và-diệt ”, cha tôi giải thích, “ Đoàn xe chúng tôi tiến vào Tuy Phước. Xe chạy được hai mươi phút, chúng tôi gặp một mô đất to sụ chặn đứt con lộ. Rõ ràng là VC biết chúng tôi sắp đến, nên chúng tôi đều rất nghi ngại. Bố đi đầu đoàn xe và kêu công binh. Họ sẽ phá bỏ mô đất và sửa lại đường để mình có thể đi tiếp. Độ mười lăm người tới, và lúc bố quay lại để nói chuyện với trung sĩ xạ thủ của trung đội bộ binh đi đầu, thì mô đất phát nổ. Chúng lèn một mớ thép và miểng bên trong đất. Lí do duy nhất mà bố còn có mặt ở đây hôm nay là do bố quay người lại nói chuyện với trung sĩ xạ thủ.

Bố nhớ bố nói: “ Xạ thủ nè, tôi sẽ quay ngược trở lại để lấy một số khí cụ ”, con biết đấy, ba thứ cuốc xuổng ấy mà. Bom trúng mặt tay xạ thủ, còn bố thì văng lên trời. Rồi bố cố đứng lên. Không được. Người ta nằm đầy chỗ ấy. Bố nghĩ, mười lăm người bị thương. Duy nhất chỉ có tay xạ thủ là bị chết. Trung sĩ của trung đội bố vác bố xuống một cái rãnh, và họ băng bó dã chiến cho bố, xong tộng cho bố một đống morphine rồi bay trực thăng vô. Bố chẳng còn ra cái giống đếch gì cả, hoàn toàn bị sốc. Bố bị hai trăm vết thương khác nhau. Họ đếm mà. Cánh tay trái của bố lãnh phần nặng nhất. Bố tưởng đâu họ sẽ cắt bỏ nó đi. Vậy là cuộc chiến của bố chấm dứt một lúc ”.

“ Khoan đã nào ”, tôi nói. “ Con tưởng là bố bị bắn kia mà ”.

“ Không, bố không hề bị trúng đạn. Với bố, vậy là tốt thôi ”.

“ Nhưng bố đã không kể như vậy với con ”.

Ông nhìn tôi. “ Bố không nghĩ bố từng kể con nghe chuyện này ”.

“ Vậy thì tại sao con cứ nhớ là bố bị bắn, và một người lính da đen đã lôi bố tới chỗ an toàn ? ”

“ Bố chịu ”.

“ Có phải ông trung sĩ kéo bố xuống hào là da đen không ? ”

“ Bố không nghĩ vậy. Quả tình bố không nhớ ”.

Tay áo cha tôi xắn lên, và tôi đang nhìn cánh tay trái của ông. Không tin nổi, trước nay tôi chưa hề để ý đến một mớ những vết xẹo nhằng nhịt ngược xuôi trên cánh tay ông, hoặc cánh tay ấy gầy còm hơn ra sao so với cánh tay phải của ông. Tuy nhiên, tôi đã nhiều lần để ý đến những vết xẹo hồng, tươi to bằng đồng năm xu trên bắp tay trên và bả vai của ông, cái sẹo lồi hình tia sấm chớp trên cổ của ông. Thuở bé tôi vẫn hay chú mục vào các vết thương lộ liễu ấy và, đôi khi, còn sờ chúng nữa, chạm những ngón tay bé tí sinh động của tôi vào sự khác biệt như cao su trong các sớ thịt da của chúng. Nhưng, giờ đây, tôi phải thú nhận, thực sự tôi không nhớ cha tôi có kể cho tôi nghe rằng ông bị bắn, rằng một ông người da đen đã cứu mạng ông.

Tôi nhớ chính mình kể chuyện ấy, nhưng lại không nhớ được kể cho nghe chuyện ấy. Một lúc nào đó, câu chuyện xuất hiện ra trong đầu tôi, chỉ vậy. Tại sao tôi lại bày đặt ra chuyện này ? Vì nó làm cha tôi anh hùng ? Trong cơn nguy cấp của sự khôn lớn chúng ta cần những người anh hùng. Nhưng đối với tôi người cha mà tôi lớn lên bên cạnh lại không phải là anh hùng, lúc ấy thì không. Ông bị tổn thương trong đầu quá nặng, buồn khổ khôn nguôi và khủng khiếp quá. Buồn cười quá, dễ phát nổ quá, lẫn lộn quá. Các vị anh hùng thì không phức tạp. Điều này khiến họ hành động thế kia. Chủ nghĩa anh hùng năng động của người TQLC da đen trong tưởng tượng của tôi đã biến cha tôi thành một anh hùng thụ động; họ đã rúc vào nhau, dọc một con lộ ở Việt Nam qua trí tưởng của tôi, vùi trong thuốc nổ nitroglycerin, cái mồi lửa của sự dũng cảm.

Câu chuyện khiến cho vô nghĩa thành ý nghĩa. Nhưng chiến tranh thì không tạo ra nghĩa lí. Chiến tranh gây thương tổn một cách vô nghĩa cho mọi con người can dự. Một cái túi đựng xác chứa nhiều hơn là cái xác gói trong đó. Hãy lấy con số 58.000 lính Mĩ chết ở Việt Nam và nhân nó lên bốn, năm, sáu lần – và chỉ khi ấy ta mới bắt đầu nhận chân được mức tổn hại do chiến tranh gây ra. (Phóng chiếu từ số 2 triệu người Việt Nam bị giết chết và thấy ra, lần đầu, cả một lục địa của mất mát). Chiến tranh, khi cần thiết, thì không thốt nổi ra lời. Khi không cần thiết, thì không thể tha thứ được. Nó không là cái dịp cho chủ nghĩa anh hùng. Nó chỉ là cái dịp của sống còn và chết chóc. Nhìn chiến tranh bằng một cách nào khác chỉ tổ bảo đảm sự tái diễn không tránh khỏi của nó.

Tôi ngắm cha tôi, vẫn hút thuốc và nhìn ngó quanh quất. Đột nhiên trông ông già hẳn ra. Ông trông không tệ. Thật sự thì ông trông còn cường tráng hơn tôi, nhưng so với lâu nay thì trông ông già hẳn đi. Cổ ông bắt đầu yếu đi và xệ, mắt ông to hơn và ngả vàng, mớ lông như lông sói phía dưới cổ ông điểm bạc. Tôi 29 tuổi, hơn 6 tuổi so với lúc cha tôi bị thương. Có thể nào để tôi thật sự biết được cái gã thanh niên từng bị bẫy rập ném tung lên, banh xé ra chăng ? Liệu tôi có thể hiểu được người đàn ông này, vẫn còn đang bay bổng và trong một nghĩa nào đó vẫn còn bị banh xé ? Đời chúng ta, nói cho cùng, chỉ là thuộc về ta một phần. Những phần đời đổi thay nhiều nhất của chúng ta chính là những phần đã thâm nhập vào cuộc đời của những người thân yêu : cha mẹ ta, con cái ta, anh chị em ta. Khi những chuyện đời ấy đan chen vào nhau chúng lại đổi thay, nhưng chúng ta không can dự vào để mô tả và giải thích chúng. Từng chuyện, từng chuyện một của chúng ta sẽ bị lôi tuột ra khỏi chúng ta, kéo xuống các hố kí ức chung của con người. Chúng được lưu giữ, nhưng chúng bị đổi thay. Một ngày nào rồi cha tôi sẽ ra đi chỉ trừ những gì tôi còn ghi nhớ về ông và những câu chuyện ông đã kể tôi nghe Tôi đã hiểu sai về ông trong bao nhiêu điều khác ? Có bao nhiêu điều về ông mà tôi chưa từng hiểu đúng ? Còn những gì tôi chưa hề hỏi ông ? Và, nhìn ngắm ông, tôi muốn rằng ông sẽ không bao giờ ra đi.

Tôi muốn ông mãi mãi ở đây. Còn biết bao điều để chúng tôi nói với nhau.

Rồi, một người đàn ông đi một mình, chân đất, lân la đến chào. Chân tay nhẵn nhụi của ông gầy còm và nâu rám như làm bằng gỗ giá tị. Khi ông và cha tôi bắt tay và tán chuyện với nhau (qua sự giúp đỡ của Hiền), tôi nhận ra ông này thuộc vào lứa tuổi của cha tôi. Nếu có tình huống để chính ông này là kẻ từng giăng dây làm bẫy suýt lấy mạng cha tôi thì cũng chẳng phải là chuyện quá đáng Nhưng sự thân thiện rạng rỡ của ông ấy thì không chút màu mè, và dưới sự nồng nhiệt của nó, tôi thấy sự lúng túng của cha tôi mềm ra và tan biến. Trong chốc lát, cha tôi và ông ấy đã cùng cười vang với nhau về một chuyện gì đó.

Tôi lắng nghe cha tôi và người bạn Việt Nam mới quen của ông niềm nở chuyện trò quanh cái điều nhỏ nhặt là họ đã từng phải cầm lấy vũ khí đánh nhau trong thời trai trẻ : Vâng, cha tôi đã từng ở Việt Nam ; không, ông người Việt này suốt bấy lâu nay không phải chỉ sống trong miền Nam. Cuộc đàm đạo của hai người trôi vào một sự im lặng trang trọng, và họ gục gật đầu và nhìn nhau. Người đàn ông, nụ cười trên môi, chợt hỏi cha tôi duyên cớ nào đã mang ông về lại Tuy Phước, vì nơi đây quá đỗi là xa xôi, khuất nẻo. Cha tôi phải ngẫm nghĩ một lúc lâu, tìm cách trả lời, ngước nhìn lên những cụm mây xám trên đầu, một vài mảng trời xanh thoáng hiện.

Sau cùng, xoay qua Hiền, ông bảo, " Nói với ổng... nói với ông ta rằng, đã lâu lắm rồi, tôi bị thương ở nơi đây ".

Một bận, trong chuyến đi săn gà gô, một trò tôi không ưa, cha tôi bỏ rơi tôi khi tôi quyết không thèm đi thêm một bước, nếu ông không cho tôi một thanh cốm granola. Ông không chịu, tôi dừng lại, và ông cứ đi. Tôi chừng độ 12 tuổi. Đó là một ngày thu lạnh, những chiếc lá vàng cam quỷ quái bay tung tóe khắp chung quanh tôi, và, hết phút này sang phút khác, rồi phút kéo sang giờ, tôi ngồi xuống một khúc gỗ và bắt đầu tuyệt vọng. Cây cối vươn cao hơn, không khí lạnh hơn, khu rừng là một tấm gương phản chiếu hữu cơ bất tận của nỗi sợ hãi trong tôi. Tôi không nhớ mình trơ trọi thế bao lâu. Sau khi trời tối, sau khi tôi đã lật bâu áo lên và cuộn người thành một trái banh không đường tự vệ trên mặt đất rừng, cha tôi vọt ra từ những bụi rậm từ một lối khác hơn cái lối mà ông đã rời bỏ tôi và ôm lấy tôi trong vòng tay ông.

Ông đang khóc. Ông đã phải “ quay lại ”, ông nói nhanh. Không phải lạc. Cha tôi không bao giờ lạc lối. Ông là một TQLC. Ông không nói gì khác; tôi cũng không. Tôi ôm lấy ông, và ông ôm tôi, rồi ông bế tôi ra khỏi khu rừng.

 

Nguyễn Lộc chuyển ngữ


Lời người dịch:

Nhân tác giả Tom Bissell cho xuất bản tác phẩmThe Father of All Things – A Marine, His Son, and the Legacy of Vietnam, Pamtheon, March 6 2007 “, tôi có dịp đọc lại trích đoạn đăng trong tạp chí Harper’s (December 1, 2004 ) và phần trích dịch đã đăng trên Diễn Đàn (bản in, số 150). Thỉnh thoảng, tôi có thử dịch một vài văn bản Anh ngữ, chủ tâm là để ép mình đọc kĩ hơn nguyên tác; khi đọc lại bản dịch cũ tất nhiên tôi lại phát hiện nhiều lầm lỗi trong lần làm việc trước. Thêm nữa, do giới hạn số trang của báo in, bản dịch lần trước đã bỏ nhiều đoạn quan trọng, làm mất mạch văn và nhiều chi tiết đáng kể. Xin được thử lần nữa với bản dịch này và mong số lầm lỗi có ít hơn.

Nguyễn Lộc

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss