Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 155 / ông Võ Văn Kiệt tổng kết 20 năm đổi mới

ông Võ Văn Kiệt tổng kết 20 năm đổi mới

- P.Q. — published 11/06/2008 18:46, cập nhật lần cuối 11/06/2008 18:46
Trong khuôn khổ chuẩn bị Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam (dự trù họp vào tháng 6-2006), các cơ quan trung ương soạn ra những tài liệu, chẳng hạn như Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới, và tham khảo ý kiến cán bộ và đảng viên lão thành. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu bản đóng góp ý kiến của ông Võ Văn Kiệt, nguyên thủ tướng, nguyên uỷ viên Bộ chính trị.

Chuẩn bị Đại hội X của ĐCSVN



Ý kiến của ông Võ Văn Kiệt
về “ tổng kết lý luận và thực tiễn
hai mươi năm đổi mới ”



P.Q.



Trong khuôn khổ chuẩn bị Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam (dự trù họp vào tháng 6-2006), các cơ quan trung ương soạn ra những tài liệu, chẳng hạn như Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới, và tham khảo ý kiến cán bộ và đảng viên lão thành. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu bản đóng góp ý kiến của ông Võ Văn Kiệt, nguyên thủ tướng, nguyên uỷ viên Bộ chính trị. Bài viết này dài gần 16 000 chữ (khoảng 13 trang báo Diễn Đàn), do đó chúng tôi sẽ tóm tắt những ý chính và trích dẫn những đoạn quan trọng. Bạn đọc cần tham khảo, có thể xem mục Hồ sơ & Tài liệu trên trang internet của chúng tôi : www.diendan.org.

Với tư cách một người hoạt động cách mạng “ suốt 65 năm qua ”, mấy năm gần đây chỉ “ rời nhiệm sở ” chứ “ không rời trách nhiệm của người đảng viên đối với sự nghiệp của Đảng và của nhân dân ta ”, ông Kiệt muốn trao đổi ý kiến với các đồng chí của mình với “ một thái độ trung thực và có trách nhiệm, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật ”.

Bài viết gồm 2 phần : (I) góp ý kiến về “ tổng kết lí luận ”, (II) về “ nội dung kinh tế ” của bản tống kết.

Trong phần (I), tác giả nhấn mạnh yêu cầu tiên quyết của một văn kiện như vậy “ không chỉ đơn giản là nói như thế nào để mọi người vừa lòng, mà là vạch đường chỉ lối, tìm ra giải pháp tối ưu ”, tránh lặp lại những “ khái niệm và thuật ngữ như một thói quen từ nhiều thập kỷ trước ” như “ chủ nghĩa Mác-Lênin ”, “ tư tưởng Hồ Chí Minh ”, “ giai cấp công nhân ”... mà tránh né xác định nội dung. Ông nói huỵch toẹt : “ Giai cấp công nhân trong thực tế không biết và không có quyền được biết đội tiên phong của mình đang làm gì ”.

Một trong những công thức trở đi trở lại là “ tránh chệch hướng ” : “ Đây cũng là một khái niệm thường xuyên được sử dụng, song nội dung của nó thì lại được vận dụng rất tuỳ tiện, thậm chí thô thiển và thô bạo khi dựa vào một nội dung có phần mơ hồ, thiếu xác định để thực thi thói quen độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tuỳ tiện quy kết. Vấn đề thực ra có thể là rất cụ thể và sòng phẳng : Trên chặng đường trước mắt, thế nào là hướng và thế nào là chệch ? 

“ Kinh nghiệm lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều trường hợp, một giải pháp từng bị coi là chệch hướng trong một thời gian dài, nhưng sau này lại thấy là đúng. Nhiều giải pháp coi là đúng hướng, thì lại vấp phải ách tắc, thất bại. Thí dụ : Khi tiến hành cải tạo tư sản, những người muốn chủ trương duy trì kinh tế nhiều thành phần đều đã từng bị coi là đi chệch hướng. Việc xoá bỏ thành phần kinh tế tư nhân lúc đó được coi là đúng hướng. Khi tiến hành hợp tác hoá, ai muốn duy trì thích đáng kinh tế nông dân cá thể cũng bị coi là chệch hướng. Làm ăn tập thể, đưa các hợp tác xã lên cấp cao (một cách gò ép), đi vào kế hoạch Nhà nước tập trung, thu mua theo giá Nhà nước và theo chỉ tiêu của Nhà nước đã từng được coi là con đường duy nhất đúng hướng. Sau một thời gian dài, phải trả giá rất nhiều, sự đúng hướng đó đi vào ngõ cụt đến mức không có khả năng đi tiếp theo cái “ đúng hướng” đó nữa, thì mới tỉnh ngộ ra và mới thừa nhận rằng những điều tưởng là đúng hướng lại là chệch, và cái tưởng là chệch lại là đúng, mà hiện nay chúng ta đang đi theo. Vậy thì trong số những cái đang được gọi là đúng hướng và chệch hướng mà chúng ta dự kiến trước mắt, có những căn cứ khoa học nào để xác định, hay vẫn chỉ là những vũ đoán duy ý chí và tuỳ tiện. ”.

Gắn liền với cụm từ “ tránh chệch hướng ” là công thức văn bia về nguy cơ “ diễn biến hoà binh ”. Tác giả không nói thẳng đây chỉ là thứ hàng dỏm của Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra cách đây 20 năm, nay chỉ còn ĐCSVN là 'tưởng thật', ông viết : “ Tình hình thế giới thay đổi rất nhiều. Những nước phương Tây điều chỉnh chủ trương, chính sách và biện pháp của nó hàng tháng, hàng năm. Không nên dùng một khái niệm chung chung, trừu tượng như thế để lượng định những nguy cơ từ phía các nước phương Tây (...). Tôi nghĩ, chúng ta phải thật tỉnh táo nhìn nhận lại vấn đề này, nhất là khi chúng ta đã dõng dạc tuyên bố với thế giới : Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, muốn là đối tác đáng tin cậy của tất cả mọi người. Đây sẽ là một vấn đề rất gay cấn trong tranh luận, song không thể lảng tránh việc đặt lên bàn nghị sự để bàn luận cho ráo riết, ra bắp ra khoai ”.

Một công thức khác, được nhắc lại “ như một thói quen để làm hài lòng những tư duy đường mòn bảo thủ, vừa muốn giữ lại cái cũ làm chỗ dựa, vừa bất lực trong việc giúp cho nền kinh tế được phát triển tối ưu ”, là : “ Một mặt nói rằng xoá mọi sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế, đồng thời luôn luôn quy định kinh tế nhà nước phải là chủ đạo. Nếu đã quy định trước cái gì là chủ đạo, thì sao có thể nói được rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng ? Kinh tế nhà nước hiện nay rất yếu kém, nhiều khuyết tật. Một nền kinh tế nhiều thành phần, mà thành phần nhiều khuyết tật nhất, kém hiệu quả nhất lại là chủ đạo. Vậy thì nền kinh tế đó sẽ phát triển như thế nào và đi vào cuộc đua với thế giới này như thế nào ? 


Cốt lõi : phương pháp tư tưởng


Quan trọng nhất trong phần (I) này có lẽ là những ý kiến về “ phương pháp tư tưởng ”. Tác giả nêu rõ căn bệnh trầm kha của ĐCSVN, nguyên nhân của những sai lầm nghiêm trọng xuyên suốt lịch sừ đảng, gây ra bao tác hại cho dân tộc :

“ Trong nhiều giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, phương pháp tư duy “ tả khuynh”, chủ quan, duy ý chí đã từng giữ vai trò chủ đạo. Chỉ khi nào phương pháp tư duy đó vấp phải những khó khăn, thất bại thì nó mới tạm thời rút lui, để luồng tư duy khách quan, giàu trí tuệ đóng vai trò chỉ đạo, sửa chữa sai lầm và khắc phục hậu quả. Đó chính là những giai đoạn chúng ta đạt được những thành công rực rỡ trong đấu tranh cách mạng cũng như trong phát triển kinh tế ”.

Để minh chứng luận đề quan trọng này, tác giả điểm lại :.

* Thời kỳ mới thành lập Đảng, xu hướng “ tả khuynh” đã là một động cơ của Xô Viết Nghệ Tĩnh và dẫn tới thất bại, lực lượng Đảng bị tổn thất nghiêm trọng. Từ sau đó, Nguyễn Ái Quốc định hướng cho Đảng, đến khi có thắng lợi của Mặt trận Dân chủ Đông Dương để phục hồi sức mạnh của Đảng. Từ đó, Đảng lại phát triển ”.

* “ Đến Nam Kỳ khởi nghĩa, lại một xu hướng manh động, “ tả khuynh” đã dẫn tới thất bại nghiêm trọng và lực lượng của Đảng bị tổn thất rất nặng nề ”.

* “ Bác Hồ về Pác Bó, cũng vừa là lúc có chủ trương khởi nghĩa non, Bác đã kịp thời ngăn chặn lại. Bác điều chỉnh lại đường lối, chủ trương, xây dựng mặt trận Việt Minh, sử dụng mọi lực lượng để phát triển phong trào cách mạng, mở các lớp học, phát triển phong trào tới mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng vùng giải phóng, không manh động, không nhấn mạnh nội dung giai cấp. Từ đó phong trào cách mạng phát triển rất mạnh và dẫn tới Cách mạng tháng Tám thành công ”.

* “ Trong kháng chiến chống Pháp, với chủ trương đại đoàn kết do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng, Đảng ta đã huy động được sức mạnh toàn dân, không những kháng chiến thắng lợi mà kiến quốc cũng thành công. Cứ nhìn vào thành phần Chính phủ kháng chiến do Bác Hồ đứng đầu cũng thấy rõ được tầm nhìn xa trông rộng của người lãnh tụ nhân dân. Có thể nói, mãi về sau nay, tuy sự nghiệp cách mạng ngày càng tiến triển thuận lợi, nhưng chưa bao giờ sự tập hợp và phát huy lực lượng nhân sĩ, trí thức lại được rộng rãi và giàu sức thuyết phục như cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm. Kế tục được bài học của Bác Hồ, trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, Xứ uỷ Nam Bộ và sau đó là Trung ương cục do đồng chí Lê Duẩn đứng đầu đã biết cách tập hợp lực lượng, phát huy được vai trò của các tầng lớp nhân sĩ trí thức ngoài Đảng đi kháng chiến cùng các tầng lớp nhân dân khác, gây được tiếng vang, góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến. Thế nhưng, bài học lớn đó rồi không được tiếp tục mở rộng ra trong quá trình phát triển của các giai đoạn sau ”.

“ Từ 1951 trở đi, xu hướng “ tả khuynh” lại có chiều phát triển mạnh do sự tác động của các chuyên gia Trung Quốc. Kết quả là chỉnh đốn tổ chức và cải cách ruộng đất đã làm cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề. Chính từ bài học cay đắng đó, cùng với việc xử lý kỷ luật một số cán bộ cao cấp của Đảng, xu hướng “ tả khuynh” lại tạm thời lắng xuống. Hội nghị lần thứ 11 của Trung ương khoá II tháng 12 năm 1956 của Đảng đã phê phán thẳng thắn xu hướng “ tả khuynh” này ”.

* “ Từ đó, kinh tế dần dần phục hồi, nội bộ Đảng được củng cố, những vết thương của sai lầm dần dần được hàn gắn. Chính đây là thời kỳ kinh tế miền Bắc phát triển tốt nhất. Nhưng sau đó không bao lâu, xu hướng “ tả khuynh” trỗi dậy đẩy tới những cuộc cải tạo ồ ạt đối với công thương nghiệp và nông nghiệp. Kết quả thế nào thì chúng ta đều biết. Khắc phục cho được hậu quả của đường lối “ tả khuynh”, giáo điều đó khó khăn như thế nào thì cũng đã là bài học cho tất cả chúng ta ”.

* “ Sau khi giải phóng miền Nam, đã từng có nhiều bộ óc suy nghĩ về việc duy trì một nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế mở, hợp tác quốc tế, sử dụng thị trường. Nhưng sau đó không lâu, với Đại hội IV, xu hướng “ tả khuynh”, chủ quan duy ý chí lại thắng thế để đưa ra những quyết định về đường lối và chủ trương sai. Cải tạo công thương nghiệp ồ ạt, cải tạo nông nghiệp vội vã, cải tạo sĩ quan của chính quyền cũ kéo dài quá lâu, đưa dân đi kinh tế mới bằng biện pháp cưỡng bức.... Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng và ách tắc, gây những thiệt hại rất lớn cho kinh tế kể từ 1977 trở đi. Thật là đau đớn khi nghĩ lại, sự nghiệp giải phóng dân tộc được hoàn thành trọn vẹn, thành phố Sài Gòn và nhiều thành phố khác ở miền Nam vẫn còn nguyên kết cấu hạ tầng và tiềm năng về kinh tế hàng hoá, thế nhưng hàng vạn người phải bỏ nước ra đi. Hiện tượng “ di tản”, “ thuyền nhân” cần được nhìn nhận như là những vết thương trên cơ thể đất nước, để lại những di chứng trong tâm hồn của không ít đồng bào ta ”.

“ Khi nền kinh tế và đời sống của nhân dân đã đi đến cùng cực thì những quan điểm giáo điều, “ tả khuynh” mới bộc lộ rõ tính bất lực của nó. Đến lúc đó thì những tư duy khách quan, trí tuệ, tỉnh táo hơn đã cứu vớt từng mảng của nền kinh tế. Đó chính là những cuộc phá rào ở các cơ sở và phá rào trong cả đường lối, chính sách ở trung ương ”.

“ Nhưng từ 1983, sau khi chỉ mới “ hé” cửa, bung ra được một chút, xu hướng giáo điều “ tả khuynh” lại muốn gò lại nền kinh tế, với nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Trung ương khoá V, lập lại kỷ cương trong phân phối lưu thông, hàng loạt MEX đã bị dẹp bỏ, tình trạng ngăn sông cấm chợ lại xuất hiện, cơ chế kế hoạch hoá quan liêu bao cấp lại có xu hướng phục hồi ”.

* “ Đến Đại hội VI, những khuyết tật của xu hướng bảo thủ duy ý chí đã được phê phán một cách gay gắt không kém gì Hội nghị lần thứ 11 của Trung ương năm 1956. Và nhờ đó, kinh tế lần lượt đạt được những bước tháo gỡ rất căn bản. Phải nói rằng, Đại hội VI của Đảng đánh dấu một bước phát triển đột phá trong tư duy lý luận của Đảng, mở đầu bằng đổi mới tư duy kinh tế. Nhờ bước đột phá về tư duy lý luận do dám nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn nói lên sự thật, dũng cảm phân tích phê phán những sai lầm, nhất là bệnh giáo điều “ tả khuynh”, đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng và kéo dài ”.

“ Nhưng từ sau 1989, sau khi thu được những thắng lợi rất lớn về kinh tế, từ sự sụp đổ của Đông Âu và sau đó là sự sụp đổ của Liên Xô thì xu hướng giáo điều “ tả khuynh” lại phục hồi. Thay vì từ sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô mà rút ra bài học cho bản thân mình, nhằm đưa tới quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp Đổi Mới mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, triệt để hơn nhằm khắc phục những khuyết tật của mô hình kế hoạch hoá tập trung quan liêu và bao cấp dẫn đến sự suy kiệt của nền kinh tế vốn chứa đựng những tiềm năng có thể phục hồi và vươn lên sau 1975, mở rộng dân chủ để tạo ra sự đồng thuận xã hội mới làm động lực cho sự phát triển, lại tự thoả mãn với chính mình trong những luận điểm có phần tự mãn chủ quan là Đảng ta vững vàng về lập trường quan điểm nên mới giữ được thành tựu như đã có (không như Đông Âu và Liên Xô). Dưới cái vỏ bọc của lập trường, quan điểm đó, khuynh hướng “ tả” đã dẫn đến sự co lại, kìm hãm tiến trình Đổi Mới mà Đại Hội VI đã khởi động. Hiện tượng chững lại đó trong một số lĩnh vực do được dẫn dắt bởi quan điểm nói trên đã khiến cho chúng ta không tận dụng được đúng mức những thời cơ để bứt lên, cải thiện tình hình kinh tế, thúc đẩy các hoạt động khác của đất nước. Đã xuất hiện quan điểm lo ngại Việt Nam tham gia vào ASEAN, bảo lưu ý kiến không tham gia năm 1995. Không ít những người tự coi là lập trường, quan điểm vững gây không ít cản trở cho sự phát triển bằng những lời phát biểu như : “ coi chừng chệch hướng ”, “ đổi mới nhưng không đổi màu ”, “ hoà nhập mà không hoà tan ” .... Hậu quả vô hình, không đo lường được đó còn kéo dài, chỉ phối cho đến nay khiến cho lợi thế cạnh tranh bị sút giảm, nhịp độ tăng trưởng chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển của đất nước ; khoảng cách tụt hậu ngay trong khu vực ASEAN rộng thêm ”.


Quyền uy của thiểu số tả khuynh bảo thủ


Câu hỏi đặt ra là sức nặng hiện nay của xu hướng tả khuynh bảo thủ trong giới quyền lực của ĐCSVN ra sao ? Ông Võ Văn Kiệt cho rằng : “ Hiện nay xu hướng bảo thủ trì trệ xét về số lượng thì không nhiều và tự nó khó có thể là một nguy cơ. Đối trọng với xu hướng đó, những bộ óc có xu hướng đổi mới đúng đắn, muốn bứt phá khỏi những gánh nặng cũ, là một lực lượng không nhỏ ”. Thế thì tại sao có tình trạng này : “ Đọc các văn bản, thấy toát lên một điều là những người viết có ý bứt phá nhưng vẫn bị ám ảnh rất mạnh bởi quyền uy, do đó phải cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người. Vì thế nhiều ý tưởng nêu ra còn mang nặng tính thoả hiệp, nửa vời ” ?

Quyền uy nói đây là quyền uy của những lãnh đạo đã về hưu [người ta có gọi tên khá dễ dàng : trước đây là những ông cố vấn Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, nay là Đỗ Mười, Lê Đức Anh...] nhưng vẫn tiếp tục tác oai lên những người đã được chỉ định lên nắm quyền lực. Tác giả phân tích : “ Quyền lực khác với quyền uy. Về nguyên tắc thì những đồng chí chính thức được Đảng và nhân dân giao phó trọng trách điều hành và quyết định những vấn đề lớn thuộc về vận mệnh quốc gia là những người được trao quyền lực và đang nắm quyền lực. Nhưng quyền uy thì không nhất thiết là thuộc người đang nắm giữ cương vị điều hành ”. Ông nói (nói thực hay ngoại giao ?) : “ hiện nay không còn tình trạng nể nang, né tránh của quyền lực trước quyền uy ” song “ quyền uy [vẫn còn] tác động không nhỏ đến quyền lực ”.

Tác giả không nói tới những quan hệ vây cánh là điểm mạnh của nguyên tổng bí thư Đỗ Mười và nguyên chủ tịch Lê Đức Anh, ông nhấn mạnh đến một khuyết tật về tư tưởng của bộ máy ĐCSVN : “ Có một nghịch lý tai hại thường diễn ra : nếu bị quy là tả thì cùng lắm cũng chỉ bị phê bình, thậm chí không hề bị phê bình, chỉ cần lẳng lặng sữa chữa là xong. Rất nhiều đồng chí trong Đảng ta đã mắc những sai lầm “tả khuynh” nghiêm trọng, nhưng không bị kỷ luật, vẫn giữ được quyền uy bởi được đánh giá “kiên định lập trường cách mạng”. Ngược lại, những việc gì mạnh dạn đổi mới, không bằng lòng với cải cách đã đạt được, thì lại rất dễ bị chụp mũ là mất lập trường, chệch hướng, xa rời chủ nghĩa xã hội, ăn phải bả của tư bản. Ai bị quy kết như vậy thường khó chống đỡ hơn, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh mệnh chính trị. Do đó, xu hướng chung của đại đa số hiện nay là : một mặt thì tuy đã nhận thức được con đường phải đi, mặt khác lại lo ngại những quy kết chệch hướng. Đó là lý do làm cho khuynh hướng bảo thủ tuy không nhiều, nhưng sức hù doạ còn có ảnh hưởng. Bộ phận đổi mới, cải cách tuy chiếm một tỷ trọng lớn và ngày càng đông hơn, nhưng không đủ sức thu hút được đại đa số trước những sự hù doạ chệch hướng, mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội ”.

“ Bởi vậy, theo tôi điều quyết định là phải có một cơ chế đảm bảo cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương có tính chất độc lập cao hơn nữa trong việc lựa chọn, phân tích và quyết định các vấn đề. Sự tham khảo các ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng còn đủ minh mẫn, sáng suốt, các chuyên gia có trí tuệ, trung thực là rất cần thiết. Kể cả những ý kiến mà các đồng chí đang ở cương vị lãnh đạo không đồng ý cũng đều là những gợi ý góp phần để cân nhắc cho có căn cứ hơn. Nhưng tuyệt đối không vì sự nể nang, không để cho bất cứ một quyền uy nào ngăn chặn sự lựa chọn của các đồng chí. Đó chính là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Chúng ta sẽ lựa chọn như thế nào đây, giữa một bên là lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, lợi ích của Đảng và một bên là nể nang và thoả mãn những ý kiến riêng của một thiểu số, mà ở đó lợi ích rất có thể chỉ là lợi ích của quyền uy, sự lo sợ chỉ là sự lo sợ mất quyền uy, ẩn náu sau những sự hù doạ mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội.

“ Trong sự lựa chọn này, sự can đảm, sự dũng cảm, thẳng thắn và kiên định là rất cần thiết.

Trong phần II của bài viết, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đề cập tới lãnh vực kinh tế. Trước khi đưa ra những đề nghị và gợi ý, ông phân tích 10 « vấn đề và thách đố » trong tình trạng kinh tế hiện nay của Việt Nam : sự phát triển kinh tế của chúng ta vẫn tiếp tục lệ thuộc một chiều và quá mức vào thế giới bên ngoài ; lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay rất kém ; vẫn chưa có được những mũi nhọn về kinh tế trên thị trường thế giới ; cho đến nay tất cả nền công nghiệp của Việt Nam vẫn chỉ là công đoạn 2 của nền công nghiệp thế giới, chưa có nổi một hệ thống công nghệ đầu nguồn ; nông nghiệp đang vấp phải những vấn đề về quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ đất đai chứa đựng tiềm tàng những khả năng bùng nổ rối loạn ; đầu tư của nước ngoài hầu hết là ở cỡ nhỏ và trung bình ; hệ thống ngân hàng tài chính và tiền tệ là nơi chứa đựng những bệnh tật nặng nề nhất ; trong công cuộc đổi mới đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội và văn hoá nhức nhối và bức xúc (như nạn tham nhũng, nhưng không kém quan trọng là tình trạng không còn những nhà kinh doanh đầy lý tưởng như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô, Kha Vạn Cân .... cuộc cải tạo công thương nghiệp đã bóp chết những lý tưởng đó) ; cả bộ máy quản lý, bộ máy hoạch định chiến lược và bộ máy tham mưu vẫn rất già cỗi về mặt cơ chế và về phương pháp tư duy nếu không nói là “nhũn não” (trong đó vấn đề quan hệ giữa chính trị với khoa học. Các nhà nghiên cứu của ta hiện nay vẫn bị ám ảnh bởi thân phận không mấy tốt đẹp trước đây của những người có tư duy độc lập. Cách đối xử của lãnh đạo đối với khoa học vẫn chưa khắc phục hết tình trạng đặt hàng, viết theo những ý kiến chỉ đạo trước) ; và cuối cùng nguyên nhân của các nguyên nhân kể trên chính là bản lĩnh của đội ngũ lãnh đạo từ cấp trung ương đến địa phương.

Còn sớm để đánh giá tiếng vang của bài viết mới được phổ biến này, và càng quá sớm để định vị nó trong cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSVN gần một năm trước Đại hội X. Chỉ xin nêu ra một thông tin nhỏ : tháng 4.2005, Ban tư tưởng văn hoá trung ương (mà ông Nguyễn Khoa Điềm chủ trì) đã « bóc » bài phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt của tuần báo Quốc Tế ; tuy không được đăng, bài báo vẫn được phổ biến rộng rãi, đồng thời ông Kiệt đã viết thư khá nghiêm khắc phê bình ông Điềm, cuối cùng báo Quốc Tế và nhiều báo khác đã « được » đăng. Tiếp đó, các lực lượng bảo thủ trong quân đội đã đăng vài báo phê phán quan điểm của ông Kiệt (mà không chỉ đích danh). Song, từ tháng năm đến nay, những bài viết của ông đã được nhiều báo (kể cả tờ Nhân Dân) đăng tải tương đối dễ dàng hơn.

P.Q.

(Diễn Đàn số 155 10.2005)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss