Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 158 - 01.2006 / Harold Pinter – Diễn Từ Nobel (2005)

Harold Pinter – Diễn Từ Nobel (2005)

- Harold Pinter — published 25/12/2008 01:00, cập nhật lần cuối 27/12/2008 06:05
...cho dù phải vượt qua những trở ngại khổng lồ hiện nay, nghĩa vụ trọng yếu của tất cả chúng ta, với tư cách công dân, là sự quyết tâm không nao núng, không chệch hướng và dũng mãnh của tri thức nhằm định nghĩa sự thật chân chính của đời sống chúng ta và xã hội./ Nhà viết kịch nổi tiếng Harold Pinter vừa qua đời ngày 24.12.2008, hưởng thọ 78 tuổi. Diễn Đàn online xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch diễn từ Nobel của ông, đã đăng trên Diễn Đàn (báo giấy) số 158, tháng 1.2006.

Số 158 - tháng 01. 2006


Harold Pinter – Diễn Từ Nobel (2005) (*)



Nghệ Thuật,
Sự Thật & Chính Trị






Năm 1958, tôi viết như sau :

Không có sự phân biệt rạch ròi giữa cái gì là thật và cái gì là ảo, cũng như giữa điều đúng và điều sai. Một sự việc không nhất thiết phải hoặc đúng hoặc sai ; nó có thể vừa đúng vừa sai ”.

Tôi tin rằng khẳng định này vẫn còn ý nghĩa và vẫn thực sự thích hợp cho việc thăm dò hiện thực bằng nghệ thuật. Vậy, là nhà văn, tôi ủng hộ cách nhìn ấy, nhưng là công dân thì tôi không thể. Khi là công dân, tôi phải hỏi : Cái gì đúng ? Cái gì sai ?

Sự thật trong kịch nghệ thì muôn đời lẩn khuất. Ta sẽ không bao giờ thực sự tìm thấy nó, nhưng không thể không đi tìm nó. Cuộc truy tìm, rõ ràng đó là điều thôi thúc ta hành động. Truy tìm là việc ta phải làm. Rất nhiều khi bạn va phải sự thật trong khoảng tối mù, có lúc húc thẳng vào nó, có lúc chỉ thoáng thấy một hình ảnh, một bóng dáng, có cái gì có vẻ liên hệ đến nó, nhưng rồi bạn vẫn không nhận ra là mình đã gặp nó. Nhưng chân lý đích thực là chẳng bao giờ tìm thấy trong kịch nghệ cái gì là sự thật duy nhất. Có nhiều sự thật. Những sự thật này thách thức lẫn nhau, xua đuổi nhau , phản chiếu nhau, quay lưng lại với nhau, trêu chọc nhau, và mù tối về nhau. Đôi lúc bạn cảm thấy như đã nắm được sự thật của một thời điểm, vậy mà nó lại trôi tuột qua kẽ tay và mất hút.

Người ta thường hỏi tôi, các vở kịch của tôi nảy sinh thế nào. Chẳng biết nói sao. Tôi cũng không thể tóm tắt các vở kịch của mình, trừ phi bảo rằng nó xảy ra như thế đó. Nhân vật nói như vầy. Nhân vật làm những điều như vầy.

Hầu hết các vở kịch được thai nghén từ một câu, một chữ hay một hình ảnh. Có được một chữ nào đó rồi thì thường hay có một hình ảnh đi liền theo sau. Đây là hai ví dụ về hai dòng chữ từ đâu đó hiện về trong đầu tôi, kéo theo sau một hình ảnh, và theo sau đó là tôi.

Hai vở kịch là The Homecoming (**)Old Times. Dòng đầu tiên của The Homecoming là ‘Anh để cái kéo ở đâu rồi ?’ Dòng đầu của Old Times làSẫm’.

Trong cả hai trường hợp tôi không còn có thêm thông tin nào khác.

Trong trường hợp đầu, ai đó rõ ràng đang tìm cái kéo và vặn hỏi một ai khác, mà anh ta ngờ chắc đã ăn cắp cái kéo, xem cái kéo ở đâu. Nhưng có cái gì đó bảo tôi rằng người bị hỏi thì hoàn toàn không để ý gì đến cái kéo, và cũng chẳng đếm xỉa gì đến cả cái anh chàng đang hỏi kia.

'Sẫm', tôi thấy như là để chỉ màu tóc của ai đó, tóc một phụ nữ, và là câu trả lời cho một câu hỏi. Trong mỗi trường hợp, tôi cảm thấy bị thôi thúc phải biết tiếp câu chuyện. Như được nhìn tận mắt, một sự kiện rất từ từ hiện ra, từ khoảng tối ra ánh sáng.

Tôi luôn bắt đầu một vở kịch bằng cách gọi các nhân vật là A, B và C.

Trong vở kịch sau này trở thành vở The Homecoming, tôi nhìn thấy một người đàn ông đi vào một gian phòng trống trải, và đặt câu hỏi cho một người đàn ông trẻ hơn, đang ngồi đọc báo cá ngựa trên một cái ghế dài xấu xí. Tôi ngờ ngợ rằng, A là ông bố và B là con ông ta, nhưng không có gì chứng minh. Song, một chốc sau đó, điều này được xác nhận, khi B (sau này là Lenny) nói với A (sau là Max), ‘Bố, mình nói sang chuyện khác được chứ ? Cho con hỏi một câu. Món ăn tối vừa rồi mình dùng, gọi là gì nhỉ ? Sao bố không mua một con chó ? Bố chỉ giỏi nấu cho chó. Thiệt đó. Bố tưởng mình nấu cho một bầy chó ư’. Vì B gọi A bằng ‘bố’ như thế, nên tôi thấy mình có giả định rằng họ là cha con thì cũng hợp lí thôi. A rõ ràng là đầu bếp và món ông ấy nấu chừng như cũng không được coi trọng cho lắm. Như thế thì có phải là không có bà mẹ ? Tôi không rõ. Nhưng, như lúc đó tôi đã tự nhủ, mọi bắt đầu của chúng ta không hề biết gì về những kết cục.

‘Sẫm’. Một khung cửa sổ lớn. Trời đêm, Một người đàn ông, A (sau là Deelay), và một người đàn bà, B (sau là Kate), ngồi trước những li rượu. ‘Béo hay gầy ?’ người đàn ông hỏi. Họ nói về ai thế ? Nhưng rồi tôi nhìn thấy, đứng bên cửa sổ, một người đàn bà, C (sau đó thành Anna), dưới quầng sáng khác, quay lưng về phía họ, tóc sẫm.

Khoảnh khắc ấy thật lạ kì, cái thời điểm sáng tạo các nhân vật cho tới lúc đó chưa hề hiện hữu. Những gì tiếp theo thì thất thường, bất định, mang cả tính ảo giác, mặc dù đôi lúc như một dòng thác không sao ngăn nổi. Tác giả ở một vị trí kì cục. Phần nào đó, hắn không được các nhân vật niềm nở chào đón. Nhân vật cưỡng lại tác giả, sống với nhân vật thật là vất vả, không cách gì định nghĩa được nhân vật. Tất nhiên là ta không thể sai khiến họ. Có thể nói, ta với họ cùng chơi một trò chơi bất tận, mèo với chuột, bịt-mắt-bắt-dê, trốn tìm. Nhưng rốt cuộc ta nhận ra là mình có trong tay những con người bằng xương bằng thịt, những con người với ý chí và độ nhạy cảm riêng, hình thành từ những bộ phận mà ta không thể nào thay đổi, lèo lái hay bóp méo.

Thế nên ngôn ngữ trong nghệ thuật vẫn là một sự trao đổi cực kì mập mờ, một bãi cát lầy, một tấm bạt nhảy, một mặt hồ đóng băng có thể làm bạn, người tác giả, sụp chân bất cứ lúc nào.

Nhưng, như tôi đã nói, cuộc truy tìm sự thật không bao giờ ngừng được. Không thể đình chỉ nó, không thể hoãn nó lại. Cần phải đối mặt nó, ngay tại chỗ, liền tại trận.

Kịch chính trị lại đặt ra một nhóm những vấn đề hoàn toàn khác. Bằng mọi giá, phải tránh việc rao giảng. Tính khách quan là cốt yếu. Nhân vật phải được để cho thở không khí riêng của họ. Tác giả không thể đóng khung hay gò bó họ để thỏa khẩu vị, ý đồ hay thiên kiến riêng của mình. Tác giả phải sẵn sàng tiếp cận nhân vật từ nhiều góc cạnh, từ cả một loạt phối cảnh không bị hạn chế. Đôi khi, có thể đặt nhân vật vào thế bất ngờ, nhưng dù sao vẫn phải cho họ tự do đi theo bất kì hướng nào họ muốn. Không phải lúc nào kết quả cũng đạt. Và dĩ nhiên là châm biếm chính trị sẽ không tuân theo bất kì lời chỉ giáo nào vừa nêu, mà thực ra nó còn làm hoàn toàn ngược lại, đúng với chức năng thật sự của nó.

Trong vở The Birthday Party tôi nghĩ rằng mình đã để cho một loạt chọn lựa tung hoành giữa một rừng những khả dĩ, trước khi cuối cùng tôi tập trung vào một hành vi khuất phục.

Vở Mountain Language lại không vờ vĩnh với các thao tác kiểu ấy. Nó một mạch tàn bạo, ngắn ngủi và đáng ghét. Nhưng vẫn dành cho mấy người lính trong đó đôi chút vui thú. Đôi khi ta quên rằng những kẻ tra tấn người rất mau chán. Họ cần tí cười để tiếp tục hưng phấn. Dĩ nhiên, điều này được xác minh qua các vụ việc ở Abu Ghraib, Baghdad. Mountain Language chỉ dài có 20 phút, nhưng nó có thể kéo hết giờ này sang giờ khác, cứ như thế như thế, cùng một đoạn mẫu ấy lập đi lập lại, trở tới trở lui, hết giờ nọ sang giờ kia.

Mặt khác, vở Ashes to Ashes đối với tôi lại giống như xảy ra dưới nước. Một người đàn bà chết đuối, tay bà ta chới với giữa các lượn sóng, chìm mất tăm, với tìm tay của ai khác, nhưng chẳng tìm được ai, cả trên lẫn dưới mặt nước, chỉ tìm thấy những chiếc bóng, ánh phản chiếu, trôi dạt; người đàn bà một hình tượng lạc lõng trong một cảnh trí chết chìm, một người đàn bà không thể thoát khỏi cái tử phận chừng như chỉ thuộc về những kẻ khác.

Nhưng khi họ chết, bà ta cũng phải chết.

Ngôn ngữ chính trị, qua cách dùng của chính trị gia, không hề bén mảng đến vùng đất này vì, theo các chứng cứ ta có, điều quan trọng đối với đa số các chính khách không là sự thật mà là quyền lực và việc duy trì quyền lực ấy. Để duy trì được quyền lực thì thiết yếu dân chúng phải đắm chìm trong ngu tối, phải sống mà không biết gì về sự thật, ngay cả sự thật về chính cuộc đời họ. Cho nên, chung quanh chúng ta là một tấm mành khổng lồ dệt bằng gian trá, dùng cho chúng ta bú mớm.

Như mọi người ở đây đều biết, lý do đưa ra để biện minh cho việc xâm lăng Iraq là, Saddam Hussein có một mớ vũ khí sát hại hàng loạt thật nguy hiểm, vài thứ trong đó có thể khai hoả sau 45 phút, mang theo sức tàn phá kinh hoàng. Chúng ta được đoan chắc đó là sự thật. Đó không phải sự thật. Người ta bảo rằng Iraq có quan hệ với Al Quaeda và cùng chịu trách nhiệm trong biến cố thảm khốc ở New York hôm 11 tháng 9 năm 2001. Chúng ta được đoan chắc đó là sự thật. Đó không phải sự thật. Người ta bảo rằng Iraq đe dọa an ninh thế giới. Chúng ta được đoan chắc đó là sự thật. Đó không phải sự thật.

Sự thật là một điều hoàn toàn khác. Sự thật liên quan đến cách Hoa Kì hiểu vai trò của họ trên thế giới và cách họ chọn lựa để thể hiện vai trò ấy.

Nhưng trước khi tôi quay trở lại với hiện tại, tôi muốn nhìn lại quá khứ gần đây, ý tôi muốn đề cập đến chính sách ngoại giao của Hoa Kì từ sau Thế chiến Thứ hai. Tôi tin rằng chúng ta bắt buộc phải tra vấn giai đoạn này, mặc dù có giới hạn, trong chừng mực mà thời gian ở đây cho phép.

Ai cũng biết những gì đã xảy ra ở Liên Xô và khắp Đông Âu trong giai đoạn hậu chiến : hung ác có hệ thống, tàn bạo rộng khắp, mọi tư tưởng độc lập bị loại trừ thẳng tay. Tất cả đều đã được ghi thành hồ sơ và kiểm chứng đầy đủ.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là tội ác của Hoa Kì trong cùng giai đoạn ấy lại chỉ được nhận thức một cách hời hợt, nói chi đến việc lập hồ sơ, nói chi đến thừa nhận, lại còn nói chi đến chuyện chỉ đích danh đó là tội ác. Tôi tin rằng điều này cần được xử lý, và sự thật ấy can hệ đáng kể đến tình trạng hiện nay của thế giới. Dù bị kềm chế phần nào, do sự hiện hữu của Liên Xô, hành động của Hoa Kì trên khắp thế giới cho thấy rõ Hoa Kì đã tự cho mình toàn quyền muốn làm gì thì làm.

Trực tiếp xâm lược một quốc gia có chủ quyền thực ra không phải là phương pháp ưu tiên đối với Mỹ. Về cơ bản, nước này vẫn thích hơn cái mà nó gọi là "xung đột cường độ thấp". Xung đột cường độ thấp có nghĩa là hàng nghìn người chết, nhưng thủng thẳng hơn là khi ta dội bom ào xuống đầu họ. Có nghĩa là ta nhiễm trùng vào trái tim của một đất nước, là ta cấy vô đó một khối u ác tính rồi canh chừng cho vùng hoại tử lan rộng. Khi dân chúng đã bị khắc chế -- hay đánh chết -- như nhau cả thôi -- và bạn bè ta, giới quân sự và các đại công ti, đã an vị thoải mái trong quyền lực, ta sẽ ra trước ống kính và tuyên bố dân chủ đã thắng. Đấy là bài bản quen thuộc của chính sách ngoại giao Hoa Kì, trong những năm tôi vừa đề cập.

Bi kịch của Nicaragua là một trường hợp nhiều ý nghĩa. Tôi chọn đưa ra đây như một thí dụ hùng hồn về quan điểm của Mĩ đối với vai trò của chính nó trên thế giới, từ trước đến nay.

Tôi có mặt trong một buổi họp tại Sứ quán Hoa Kì ở London, vào cuối thập niên 1980.

Quốc hội Hoa Kì đang chuẩn bị quyết định liệu có cho thêm tiền cho phiến quân Contras trong chiến dịch chúng chống lại Nhà nước Nicaragua. Tôi là thành viên một phái đoàn phát biểu đại diện cho Nicaragua, nhưng thành viên quan trọng hơn cả của đoàn là Linh mục John Metcalf. Đứng đầu bên phía Hoa Kì là Raymond Seitz (bấy giờ là nhân vật số hai sau đại sứ, sau đó ông ta là đại sứ). LM Metcalf nói: “ Thưa ông, tôi phụ trách một giáo xứ ở miền bắc Nicaragua. Giáo dân của tôi xây một trường học, trung tâm y tế, và trung tâm văn hóa. Chúng tôi sống trong yên bình. Mấy tháng trước, một lực lượng Contra tấn công giáo xứ. Họ tàn phá tất cả : trường học, trung tâm y tế, trung tâm văn hóa. Họ cưỡng dâm các y tá và cô giáo, giết các bác sĩ, một cách vô cùng tàn bạo. Họ hành xử như lũ man rợ. Xin ông vui lòng đòi hỏi chính phủ Hoa Kì rút lại việc hỗ trợ cho những hành vi khủng bố khủng khiếp này ”.

Raymond Seitz vẫn được tiếng tốt là người biết phải quấy, có trách nhiệm và khá lịch lãm. Ông ta rất được nể trọng trong giới ngoại giao. Ông ta lắng nghe, tư lự, đoạn nói, giọng hơi trầm xuống : “ Thưa cha, để tôi nói đôi điều. Trong chiến tranh, người dân vô tội luôn chịu khổ ”. Tất cả sững sờ im lặng. Chúng tôi nhìn xoáy vào ông ta. Ông ta không nao núng.

Quả vậy, người dân vô tội luôn chịu khổ.

Sau cùng, ai đó nói : “ Nhưng, ở đây ‘người dân vô tội’ lại là nạn nhân của một trong nhiều chuyện dã man ghê tởm được chính phủ của ông tài trợ. Nếu Quốc hội Mỹ cho bọn Contras thêm tiền thì những chuyện dã man như vầy sẽ tiếp diễn. Không phải vậy hay sao ? Chính phủ của ông, như thế có phải là đã can tội yểm trợ cho những hành động sát nhân và huỷ hoại đối với các công dân một quốc gia có chủ quyền ?

Seitz vẫn điềm nhiên. Ông ta nói : “ Tôi không đồng ý rằng những sự kiện vừa được trình bày là đủ để hỗ trợ cho những gì quí vị nói ”.

Khi chúng tôi rời Sứ quán Mĩ, một trợ lí phía Hoa Kỳ bảo tôi rằng ông ta thích thú các vở kịch của tôi. Tôi không đáp.

Có lẽ tôi cần nhắc quí vị, lúc ấy tổng thống Reagan đã tuyên bố như sau : “ Nhóm Contras về mặt đạo lý là tương đương với các Nhà Lập Quốc của chúng ta ”.

Hoa Kì hỗ trợ cho chế độ độc tài tàn bạo Somoza ở Nicaragua trong hơn 40 năm. Năm 1979, nhân dân Nicaragua, dưới sự lãnh đạo của nhóm Sandinistas, lật đổ chế độ này trong một cuộc cách mạng phi thường của quần chúng.

Những người Sandanistas không phải toàn hảo gì. Họ cũng kiêu ngạo không kém ai và triết lí chính trị của họ cũng hàm chứa lắm yếu tố mâu thuẫn. Nhưng họ thông minh, biết lí lẽ và văn minh. Họ chọn con đường xây dựng một xã hội ổn định, tử tế và đa nguyên. Bãi bỏ án tử hình. Hàng trăm nghìn nông dân cùng khốn được vực lên từ chỗ chết. Hơn 100 000 gia đình được cấp đất đai. Hai nghìn trường học được xây dựng. Một phong trào dạy chữ rất hay đã làm giảm nạn mù chữ xuống còn dưới một phần bảy. Họ thiết lập một nền giáo dục miễn phí và một nền y tế miễn phí. Tử suất sơ sinh giảm một phần ba. Bệnh sốt tê liệt (Polio) bị xóa sổ.

Hoa Kì kết án các thành tựu này là một âm mưu Mác-xít/Lê-nin-nít. Dưới mắt chính phủ Hoa Kì, đó là một điển hình nguy hiểm đang hình thành. Nếu Nicaragua được tự do thiết lập các tiêu chuẩn căn bản về công lí xã hội và kinh tế, tự do nâng cao các tiêu chuẩn về y tế và giáo dục và xây dựng đoàn kết xã hội và lòng tự trọng dân tộc, các quốc gia láng giềng tất sẽ đặt ra những câu hỏi tương tự và làm những điều tương tự. Cùng lúc, dĩ nhiên còn có sự quyết liệt chống đối lại nguyên trạng ở El Salvador.

Tôi có nhắc ở trên đến 'tấm mành dệt bằng gian trá' chung quanh chúng ta. Tổng thống Reagan thường mô tả Nicaragua như một 'nhà ngục toàn trị'. Giới truyền thông nói chung, và tất nhiên chính phủ Anh, đều coi đấy là một phán đoán chính xác và công bằng. Nhưng, thực tế là không có gì cho thấy đã có các đội ám sát dưới thời chính phủ Sandanista. Không có gì cho thấy đã có tra tấn. Không có gì cho thấy quân đội đã có hành vi tàn bạo một cách qui mô và chính thức. Không có linh mục nào bị ám sát ở Nicaragua. Sự thực là có ba linh mục trong chính phủ, hai linh mục dòng Tên và một nhà truyền giáo Maryknoll. Những nhà ngục toàn trị thì thực ra ở ngay bên cạnh đấy, ở El Salvador và Guatemala. Hoa Kì đã triệt hạ một chính phủ được bầu cử dân chủ ở Guatemala, năm 1954, và người ta ước tính có hơn 200 000 nạn nhân của các chế độ độc tài quân sự nối tiếp nhau.

Một tiểu đoàn của trung đoàn Alcatl, từng được huấn luyện tại Fort Benning, Georgia, USA, đã sát hại thật ác độc sáu tu sĩ dòng Tên kiệt xuất của thế giới, ở Central American University, San Salvador, năm 1989. Tổng giám mục vô cùng dũng cảm Romero bị ám sát trong lúc đang làm lễ. Người ta phỏng đoán có 75 000 người đã chết. Tại sao họ bị giết ? Họ bị giết vì họ tin rằng có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn và con người phải đạt cho được cuộc sống ấy. Niềm tin đó tức khắc mệnh danh họ là cộng sản. Họ chết vì họ dám thách thức nguyên trạng, cái mặt bằng bất tận của nghèo khó, bệnh tật, tha hóa và áp bức, vốn gắn chặt với họ từ thuở chào đời.

Rốt cục Hoa Kì đã triệt hạ được chính phủ Sandanista. Cũng mất đến vài năm và một sự chống trả đáng kể, nhưng biện pháp trừng phạt kinh tế kiên trì và 30 000 mạng người cuối cùng rồi cũng làm suy sụp tinh thần của người dân Nicaragua. Họ kiệt sức và lại trầm luân trong nghèo khó. Các sòng bạc lại dời trở về Nicaragua. Y tế và giáo dục miễn phí chấm dứt. Các đại doanh nghiệp quay lại, ào ạt khí thế. ‘Dân chủ’ đã thắng.

Nhưng, ‘chính sách’ này không hề giới hạn ở Trung Mĩ. Nó được thực hiện trên toàn thế giới. Nó không bao giờ cáo chung. Và cứ như là nó chưa hề xảy ra.

Hoa Kì hỗ trợ, và trong nhiều trường hợp tạo dựng ra, tất thảy các chế độ độc tài quân sự hữu khuynh trên thế giới từ sau Thế chiến thứ hai. Tôi nói đến Indonesia, Greece, Uruguay, Brazil, Paraguay, Haiti, Turkey, Philippines, Guatemala, El Salvador, và, dĩ nhiên, Chile. Sự khủng khiếp do Hoa Kì gây ra ở Chile năm 1973 sẽ không bao giờ bôi xóa được và sẽ không bao giờ tha thứ được.

Hàng trăm nghìn cái chết trên cùng khắp các quốc gia ấy. Chúng có thực đã xảy ra chăng ? Và có thật là mọi trường hợp đều có thể gán cho chính sách ngoại giao Hoa Kì ? Câu trả lời là chúng xảy ra thực và có thể gán chúng cho chính sách ngoại giao Hoa Kì. Nhưng đố ai biết đấy.

Nó không hề xảy ra. Đâu có việc gì xảy ra. Ngay khi nó đang xảy ra, nó cũng vẫn đâu có xảy ra. Chẳng mắc mớ gì cả. Có gì đáng để ý đâu. Những tội ác của Hoa Kì vốn có hệ thống, liên tục, độc ác, tàn nhẫn, nhưng rất ít người thật sự nói về chúng. Ta phải thán phục Mĩ. Nó đã vận dụng quyền lực trên toàn thế giới một cách khoa học lạnh lùng, trong khi vẫn giả dạng như một thế lực làm điều thiện cho trần thế. Một màn thôi miên tài tình, phải nói là ngoạn mục, rất mực thành công.

Tôi xin thưa với quí vị rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, Hoa Kì chính là một vở diễn vĩ đại nhất. Hoa Kì có thể tàn bạo, vô cảm, khinh miệt và nhẫn tâm thật đấy, nhưng Hoa Kì cũng rất chi khôn khéo. Trong vai kẻ chào hàng, nó tự mình rao bán chính mình và món hàng bán chạy nhất của nó chính là lòng tự yêu mình. Món đó là nhất. Hãy thử lắng nghe tất cả các tổng thống Mĩ trên truyền hình nói về mấy chữ “ nhân dân Mĩ ”, như trong câu, « Tôi nói với nhân dân Mĩ, đây là lúc cầu nguyện và bảo vệ các quyền của nhân dân Mĩ và tôi kêu gọi nhân dân Mĩ hãy tin tưởng tổng thống của họ khi ông nhân danh nhân dân Mĩ để hành động ».

Thật là mưu thần chước quỉ. Ngôn ngữ thật sự được dùng để ngăn chận tư tưởng không cho tới gần. Mấy chữ “ nhân dân Mĩ ” là cả một tấm đệm êm ái ru ngủ. Ta không còn phải nghĩ ngợi. Cứ nằm kềnh ra trên đệm ấy. Nó có thể làm ngộp trí thông minh và khả năng phê phán của ta đấy, nhưng mà nó dễ chịu biết dường nào. Điều này dĩ nhiên không áp dụng cho 40 triệu người sống dưới mức nghèo khó và hai triệu đàn ông và đàn bà bị giam trong mạng lưới lao tù bao la, trải rộng ra trên khắp Hoa Kì.

Hoa Kì không còn bận tâm về các vụ xung đột cường độ thấp. Nó không còn thấy cần phải kín đáo hay thậm chí nói vòng vo. Nó ném tất các con bài lên bàn, không thêm không bớt. Đơn giản là nó chẳng coi Liên Hợp Quốc, luật quốc tế hay những người chống đối phê phán, mà nó coi là bất lực và vô nghĩa, ra cái thá gì cả. Nó lại còn có con cừu, với sợi dây cột cổ, lủn đủn bám theo đàng sau kêu be be, cái Vương quốc Anh ngu ngơ dễ bảo trông đến thảm.

Cảm ứng đạo đức của chúng ta đâu rồi ? Chúng ta thật đã có cảm ứng gì không ? Mấy chữ đó nghĩa là gì vậy ? Liệu nó có liên quan gì đến một từ hiếm hoi hiện nay – lương tâm ? Một lương tâm không chỉ đối với những hành vi của chính mình mà còn đối với trách nhiệm chia sẻ trên hành vi của kẻ khác ? Những khái niệm ấy đã chết hết rồi ư ? Cứ nhìn Guantanamo Bay mà xem. Hàng trăm con người, không hề bị kết tội, bị giam cầm hơn ba năm nay, không được có đại diện pháp lí hay xét xử đúng theo qui tắc, trong thực tế là bị giam cầm vô thời hạn. Cả cái cơ cấu hoàn toàn phi pháp này được duy trì bất kể Qui ước Geneva. Không những nó được dung dưỡng mà còn không được cái mệnh danh là “ cộng đồng quốc tế ” ghé mắt đến. Sự sỉ nhục ác nghiệt này lại xuất phát từ một quốc gia tự xưng là “ lãnh tụ của thế giới tự do ”. Chúng ta có nghĩ tới những người ở Guantanamo Bay không ? Giới truyền thông nói gì về họ ? Thi thoảng họ cũng được lộ diện – qua một mẩu tin nhỏ nơi trang sáu. Họ bị cầm cố trong một vùng cấm địa, và có lẽ sẽ không bao giờ từ nơi ấy trở về. Hiện thời, nhiều người trong bọn họ -- kể cả những cư dân của nước Anh -- đang tuyệt thực, bị ép ăn. Cách ép ăn thì chẳng tử tế gì. Không thuốc ngủ, thuốc tê. Chỉ có cái ống luồng vào mũi xuống cổ họng bạn. Bạn sẽ ói máu. Đó là tra tấn. Bộ trưởng Ngoại giao Anh đã nói gì về việc này ? Không nói gì cả. Thủ tướng nước Anh đã nói gì về việc này ? Không nói gì cả. Sao không ? Vì Hoa Kì đã bảo : phê phán cách chúng tôi cư xử ở Guantanamo Bay là đồng nghĩa với một hành động không thân thiện. Các anh hoặc theo chúng tôi hoặc chống chúng tôi. Thế cho nên, Blair câm họng.

Cuộc xâm lược Iraq là một hành động kẻ cướp, một hành động khủng bố cấp nhà nước đích thực, thể hiện sự tuyệt đối miệt thị ý niệm về luật pháp quốc tế. Cuộc xâm lăng đó là một hành động quân sự độc đoán dựa trên hết dối trá này tới dối trá khác, cùng trò thao túng thô bạo với giới truyền thông, và qua đó, công luận ; một hành động nhằm ổn cố sự kiểm soát quân sự và kinh tế của Mĩ ở Trung Đông, núp dưới mặt nạ của một cuộc giải phóng – như phương sách cuối cùng – sau khi mọi biện minh khác đều không thể nào biện minh được. Đó là sự ra uy thẳng thừng của một quân đội đã gây ra chết chóc và thương tật cho hàng vạn người dân vô tội.

Chúng ta đã mang đến cho người dân Iraq tra tấn, bom chùm, bom uranium nghèo, vô số cuộc giết người bừa bãi, cùng khốn, điếm nhục và chết chóc ; và gọi đó là « mang tự do và dân chủ đến Trung Đông ».

Phải giết đến bao nhiêu người thì mới đáng được coi là kẻ sát nhân hàng loạt và là một tên tội phạm chiến tranh ? Một trăm nghìn ? Quá đủ, tôi nghĩ vậy. Cho nên đem Bush và Blair ra xử trước Tòa án Tội phạm quốc tế là công bằng. Nhưng Bush tinh ranh lắm. Ông ta đã không phê chuẩn Tòa án Tội phạm quốc tế. Cho nên, nếu một tên lính Mĩ nào, hay một chính khách cũng vậy thôi, mà bị lôi ra trước tòa án ở đâu thì Bush đã cảnh cáo trước rằng ông ta sẽ gởi thuỷ quân lục chiến tới đó. Nhưng Tony Blair thì có phê chuẩn Tòa này và do đó có thể bị đem ra xét xử. Ta có thể cho Tòa địa chỉ của ông ta, nếu họ cần. Đó là, số 10, phố Downing, Luân Đôn.

Cái chết trong trường hợp này là không can hệ. Cả Bush lẫn Blair đều đặt cái chết xuống hàng rất thứ yếu. Ít nhất có 100 000 người Iraq bị bom và hoả tiễn Mĩ giết chết trước khi cuộc nổi dậy bắt đầu. Những nạn nhân ấy nhẹ như không. Cái chết của họ là không hề có. Họ là khoảng trắng. Mà họ cũng không được ghi nhận là đã chết. Tướng Mĩ Tommy Franks nói, « Chúng tôi không đếm xác ».

Buổi đầu của cuộc xâm lược, có một tấm ảnh đăng trên trang bìa báo chí Anh, hình Tony Blair hôn lên má một bé trai Iraq. Với phụ chú : “Một đứa trẻ biết ơn”. Vài ngày sau, có một bài và ảnh, ở một trang trong, một bé trai 4 tuổi khác, không có tay. Gia đình em bị hoả tiễn thổi văng. Em là người duy nhất sống sót. Em hỏi : « Khi nào thì tôi có tay trở lại ? ». Tin này không có tiếp nối. Ấy, Tony Blair đâu có ôm em bé đó trong tay, hay ôm thân thể của bất kì đứa bé bị thương tật nào khác, hay một xác chết máu me nào. Máu thì bẩn thỉu. Nó làm bẩn áo và cà vạt của ta khi ta lên truyền hình để đọc một bài diễn văn chân thành.

Con số 2 000 người Mĩ chết là một phiền toái. Họ được mang ra huyệt mộ trong đêm tối. Các đám tang diễn trong âm thầm, tránh gây hệ lụy. Kẻ thương tật mục rã trên giường bệnh, một số sẽ tiếp tục mục rã trong suốt phần đời còn lại. Như thể người chết và người bị thương đều mục rã, trong những thứ huyệt mộ khác nhau.

Đây là một trích đoạn bài thơ " Tôi giải thích đôi điều " của Pablo Neruda :

Rồi một buổi mai tất cả đều bốc lửa
một buổi mai lửa cháy
từ lòng đất vọt ra
nuốt chửng con người
và lửa có từ đấy,
thuốc súng có từ đấy,
và từ đấy máu chảy.
Bọn cướp với máy bay và lũ đánh thuê,
bọn cướp đeo nhẫn cặp kè mệnh phụ,
bọn cuớp áo choàng đen vung vẩy phép lành
chúng giết trẻ thơ từ vòm trời xanh,
và máu trẻ thơ chảy tràn đường phố
chảy đơn sơ, như máu trẻ thơ.

Này thứ sói lang đến sói lang còn xua đuổi,
này loài đá cỏ gai cắn vào phải khạc ra,
này lũ rắn độc mà rắn độc tởm lợm !

Chạm mặt chúng mày, ta đã nhìn thấy
Tây Ban Nha máu dâng trào
dìm chết lũ bây chỉ một ngọn triều
của niềm kiêu hãnh, của những lưỡi dao.

Này lũ tướng tá
bội phản :
nhìn kia ngôi nhà ta đã chết,
nhìn kia Tây Ban Nha nát tan:
nhưng từ xác mỗi căn nhà kim loại mọc lên nóng bỏng
thay chỗ những đóa hoa,
nhưng từ từng hẻm đất Tây Ban Nha
Tây Ban Nha trỗi dậy,
nhưng từ mỗi xác trẻ thơ một khẩu súng trợn trừng đôi mắt,
nhưng những viên đạn nảy sinh từ từng tội ác
sẽ có ngày tìm thấy
đúng chỗ tim chúng mày.

Và bạn sẽ hỏi : sao thơ anh không nói
về những giấc mơ và những lá cây,
hay những hỏa sơn nơi quê hương hùng vĩ ?

Hãy đến nhìn máu đổ trên đường,
Hãy đến nhìn
máu đổ trên đường,
Hãy đến nhìn máu đổ
Trên đường !

Cần nói cho rõ, khi trích dẫn bài thơ của Neruda tôi không hề có ý so sánh Cộng hòa Tây Ban Nha với Iraq của Saddam Hussein. Tôi trích Neruda vì không tìm đọc được ở đâu, trong thơ đương đại, những hình ảnh mô tả việc ném bom thường dân một cách xé lòng và mãnh liệt như thế.

Lúc nãy tôi có nói rằng Hoa Kì giờ đây huỵch toẹt đặt các con bài của mình trên bàn. Tình hình là như thế. Chính sách công khai hiện nay của nước này được gọi là “ khống chế trên mọi phương diện ”. Đấy không phải là từ ngữ của tôi, của họ đấy. “ Khống chế trên mọi phương diện ” có nghĩa là kiểm soát các vùng đất, biển và trời và mọi thứ tài nguyên đi kèm.

Hoa Kì hiện nay chiếm dụng 702 cơ sở quân sự ở 132 nước trên toàn thế giới, dĩ nhiên là với biệt lệ đáng kính của Thụy Điển. Chúng ta không biết bằng cách nào họ đã đến được những nơi ấy, nhưng rõ ràng là họ đang ở đó.

Hoa Kì có 8 000 đầu đạn hạt nhân còn hoạt động và điều động được. Hai ngàn cái đặt trong tình trạng báo động nóng, sẵn sàng phóng đi trong vòng 15 phút sau cảnh cáo. Hoa Kì đang phát triển lực lượng hạt nhân mới, đặt tên là ‘phá bung lô cốt’. Người Anh, đồng minh lúc nào cũng sốt sắng, đang có ý thay thế hệ thống hỏa tiễn hạt nhân, Trident, của họ. Tôi tự hỏi, họ nhắm bắn vào ai đây ? Osama bin Laden ? Các bạn ? Tôi ? Joe Dokes ? Trung quốc ? Paris ? Đố ai biết ? Điều mà chúng ta biết là sự rồ dại ấu trĩ ấy -- việc thủ đắc và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân – nằm ngay trong tâm điểm của triết lí chính trị Mĩ hiện giờ. Chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng, Hoa Kì lúc nào cũng ở tư thế quân sự và không hề có dấu hiệu hòa hoãn.

Hàng nghìn người, nếu không là hàng triệu người, ở ngay tại Hoa Kì rõ ràng đã phát ớn, đã thấy nhục nhã và tức giận trước những hành động của chính phủ họ, nhưng trong hiện tình họ không - chưa – là một lực lượng chính trị chặt chẽ. Nhưng, nỗi bức xúc, bất an và sợ hãi đang gia tăng mỗi ngày mà ta thấy ở Hoa Kỳ rất khó có thể thuyên giảm.

Tôi biết Tổng thống Bush dùng nhiều người viết diễn văn hết sức tài ba, nhưng bản thân tôi lại muốn xung phong làm công việc ấy. Tôi đề nghị tuyên bố ngắn sau đây, để ông ấy phát biểu trên truyền hình cho cả nước. Tôi hình dung ông ấy trịnh trọng, tóc chải cẩn thận, nghiêm chỉnh, trong tư thế thắng trận, thành thật, lắm khi dễ mến, đôi khi dùng một nụ cười hơi méo, hấp dẫn lạ lùng, một nam nhi đáng mặt nam nhi.

« Thượng đế tốt lành. Thượng đế vĩ đại. Thượng đế tốt lành. Thượng đế của tôi tốt lành. Thượng đế của Bin Laden xấu xa. Thượng đế của hắn xấu xa. Thượng đế của Saddam xấu xa, có điều hắn không có Thượng đế. Hắn là một tên man rợ. Chúng ta không phải là những tên man rợ. Chúng ta không chặt đầu thiên hạ. Chúng ta tin vào tự do. Thượng đế cũng vậy. Tôi không phải là một tên man rợ. Tôi là người lãnh đạo được bầu ra một cách dân chủ của một xã hội yêu chuộng tự do dân chủ. Chúng ta là một xã hội nhân ái. Chúng ta dùng lối tra điện nhân ái và chích thuốc tử hình nhân ái. Chúng ta là một đất nước vĩ đại. Tôi không phải là nhà độc tài. Nó độc tài. Tôi không là kẻ man rợ. Nó man rợ. Nó nữa. Tất cả chúng nó man rợ. Tôi có uy tín đạo đức. Có thấy nắm đấm này không ? Đó là uy tín đạo đức của tôi. Và các người đừng có mà quên nó ».

Đời sống của một nhà văn là một hoạt động hết sức mong manh, gần như trần truồng. Chúng ta không cần than vãn cho điều ấy. Nhà văn chọn lựa và dính chặt vào sự chọn lựa ấy. Nhưng, cũng phải nói rằng ta phanh người ra hứng mọi luồng gió, kể cả vài luồng gió thật buốt giá. Ta một mình một thân, treo trên sợi chỉ mành. Ta không nơi ẩn trú, không gì che chở – trừ phi ta nói láo – trong trường hợp đó, ta tự tạo cho mình một sự bao che và, có thể nói, trở thành chính trị gia.

Tối nay, tôi nhắc đến cái chết khá nhiều. Giờ xin trích ra đây một bài thơ của tôi, gọi là ‘Chết’.

Xác được tìm thấy ở đâu ?
Ai tìm ra xác ?
Xác kia có thực đã chết khi được tìm ra ?
Làm thế nào đã tìm ra xác?
Xác ấy là ai ?
Ai là cha là con gái là anh
Hay chú hay em hay mẹ hay con
Của xác đã chết và bị bỏ rơi ?
Xác đã chết rồi khi bị bỏ rơi ?
Xác ấy có bị bỏ rơi ?
Ai bỏ rơi xác ấy?
Xác ấy trần truồng hay phục sức cho một chuyến đi ?
Cái gì cho phép anh nói xác kia đã chết ?
Anh có bảo xác kia đã chết ?
Anh có biết rõ không về xác chết kia ?
Làm sao anh biết là xác kia đã chết ?
Anh có tắm rửa giùm cho xác
Anh có vuốt cho hai mắt khép
Anh có chôn cất xác
Anh có bỏ rơi xác
Anh có hôn lên xác

Khi nhìn vào gương ta nghĩ rằng, hình ảnh đang đối mặt ta là trung thành. Nhưng chỉ xê dịch đi một milimét thôi, hình ảnh ấy đã đổi thay. Ta thật ra đang nhìn một chuỗi bất tận những hình phản chiếu. Nhưng, đôi khi nhà văn phải đập vỡ tấm gương – vì chính từ phía bên kia của tấm gương, sự thật đang nhìn ta chăm chú.

Tôi tin rằng, cho dù phải vượt qua những trở ngại khổng lồ hiện nay, nghĩa vụ trọng yếu của tất cả chúng ta, với tư cách công dân, là sự quyết tâm không nao núng, không chệch hướng và dũng mãnh của tri thức nhằm định nghĩa sự thật chân chính của đời sống chúng ta và xã hội. Thực ra đó là việc bắt buộc phải làm.

Nếu một quyết tâm như vậy không thể hiện ngay trong viễn kiến chính trị của chúng ta, thì không hi vọng gì phục hồi được cái điều gần như đã biến mất khỏi chúng ta – phẩm giá của con người.


Bản dịch của Hoàng Tuấn Khanh



(*) dịch từ nguyên bản tiếng Anh, có tham khảo nguyên văn bài thơ của Pablo Neruda bằng tiếng Tây Ban Nha. Xin xem diễn từ của Harold Pinter, và nhiều bản dịch qua các tiếng khác, tại :

http://nobelprize.org/literature/laureates/2005/pinter-lecture.html

(**) Chúng tôi xin không dịch tên các vở kịch, vì chưa rõ tất cả các nội dung. Sau đây là nghĩa thông thường của tên các vở kịch xuất hiện trong bài này, theo thứ tự :

The homecoming : Trở về nhà
Old Times : Quá khứ (hay : Những ngày trước đây)
The Birthday Party : Bữa ăn (hay Dạ hội) mừng sinh nhật
Mountain language : Ngôn ngữ của núi
Ashes to ashes : Tro tàn theo sau (hay đối diện) tro tàn

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss