Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 158 - 01.2006 / Một đạo luật phi lịch sử, những cá nhân vô trách nhiệm

Một đạo luật phi lịch sử, những cá nhân vô trách nhiệm

- Alain Ruscio — published 20/02/2008 18:00, cập nhật lần cuối 23/11/2012 14:56
.. tôi cho rằng tuyệt đối và dứt khoát không thể chấp nhận cho chính quyền – bất luận chính quyền nào – ra sắc lệnh quy định thế nào là chân lí rồi bắt chúng ta phải tuân thủ (...) Cái gì đã thúc đẩy những chính trị gia, đáng lẽ có bao nhiêu việc khác phải làm, lại đi giở lại những trang sử thuộc địa và tìm cách áp đặt việc viết lại lịch sử ?

Số 158 - tháng 01. 2006

Chủ nghĩa thực dân :
Một đạo luật phi - lịch sử, những cá nhân vô trách nhiệm

Alain Ruscio



LTS. Nước Pháp đang bị cái bóng thực dân đuổi kịp. Ngày 23.02.2005, tổng thống Pháp kí sắc lệnh ban hành đạo luật mà quốc hội đã thông qua ngày 10.02 về « lòng biết ơn của Quốc gia và việc toàn quốc góp phần giúp đỡ đồng bào hồi hương ». Thoạt kì thuỷ, dự án luật nhằm trợ cấp cho những người Pháp hồi hương từ Algérie và những gia đình « harkis » (người Algérie phục vụ thực dân Pháp), với mục đích tranh thủ phiếu bầu của hai nhóm này (ở tập trung ở một số tỉnh miền nam nước Pháp). Nhưng rất nhanh chóng, những luận điệu thực dân được đưa vào văn bản. Một điều khoản nhằm bồi thường cho cả những phần tử khủng bố OAS được bổ sung. Và cuối cùng là điều 4 của đạo luật, quy định các sách giáo khoa phải nói đến « mặt tích cực » của « công cuộc thực dân ». Điều bất ngờ thứ nhất là đạo luật đã được thảo luận và thông qua ở Quốc hội mà hầu như không có một lời phản đối (ngoại trừ phát biểu của một nghị sĩ cộng sản ở Thượng viện, tháng 12.2004). Đảng xã hội đã « thiếu cảnh giác » (lời ông chủ tịch nhóm xã hội ở hạ viện) và đã « bất cẩn thông qua ». Sự phản đối duy nhất đến từ các nhà sử học (trong đó có Trịnh Văn Thảo, giáo sư Trường đại học Marseille – Aix en Provence).

Hơn nửa năm sau (tháng 11), phe tả ở quốc hội mới đề nghị một dự luật nhằm huỷ bỏ điều 4 của đạo luật 23.02.05. Mặc dầu dư luận rộng rãi bắt đầu tỏ ý đồng tình với đòi hỏi chính đáng này, và mặc dầu điện Elysée « bật mí » ý kiến « nội bộ » của tổng thống Chirac, nói rằng việc thông qua điều 4 này là « une grosse connerie » (một điều cực kì ngu xuẩn), nhưng phe đa số (đảng UMP và đảng UDF) đã bỏ phiếu bác bỏ, nghĩa là duy trì nguyên trạng đạo luật « khốn nạn » (loi scélérate) nói trên.

Điều bất ngờ thứ nhì, là cuộc bỏ phiếu này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ từ đảo Martinique xa xôi, một « tỉnh hải ngoại » của nước Pháp, mà đa số dân cư là con cháu những người nô lệ. Đứng đầu là nhà thơ Aimé Césaire, thị trưởng danh dự Fort-de-France. Trưởng lão 92 tuổi tuyên bố sẽ không tiếp Sarkozy, trong chuyến kinh lí sắp tới của ông bộ trưởng nội vụ. Hàng vạn người xuống đường phản đối đạo luật và những lời nói sặc mùi kì thị của ông Sarkozy (racaille, Karcher... xem bài số trước), buộc ông phải huỷ bỏ chuyến đi Martinique.

Tổng thống J. Chirac hoãn binh bằng cách cử một tiểu ban « nghiên cứu » vai trò của quốc hội trong các « vấn đề lịch sử » trong khi chờ đợi các « đam mê lắng dịu »...

Diễn Đàn đăng dưới đây bài viết của nhà sử học A. Ruscio.




Đứng trước sự nguỵ tín và bất công, phẫn nộ là một thứ quyền, là một cách đấu tranh cho tự do của con người. Khi nguỵ tín và bất công lại đe doạ cố kết của cả xã hội trong đó mình đang sống, thì phẫn nộ còn là một nhiệm vụ.

Vâng, phẫn nộ. Và có lẽ đó là từ nhẹ nhất !

Thật vậy, làm sao không phẫn nộ trước sự tấn công của những con khủng long còn sót của chủ nghĩa thực dân, khi bây giờ chúng lại ngang nhiên rao giảng những luận điệu ưa chuộng nhất của phe cực hữu ?

Làm sao không bàng hoàng khi phải đọc, dưới ngòi bút của những nhà chính trị, trí thức, những lời biện minh « biết rồi khổ lắm nói mãi » cho công cuộc thực dân bằng chiều dài những con đường đã được mở ra ở thuộc địa, bằng con số học sinh « bản xứ » cắp sách tới trường... Bàng hoàng bởi vì chúng tôi – những nhà nghiên cứu chuyên môn về thời kỳ thuộc địa – ngày ngày đã đọc thấy những câu chữ ấy, nguyên xi, trong các văn bản bào chữa của những người chủ trương chính sách thực dân, từ năm 1896 (Jules Ferry phát biểu tại Quốc hội) đến 1931 (Paul Reynaud ở Hội chợ Vincennes). Cho nên, gọi chiến dịch hiện nay là phản động không hề có tính chất bút chiến : trong ngôn ngữ chính trị, phản động là chủ trương trở về những giá trị của quá khứ.

Làm sao không phẫn uất cho được khi phải nhìn thấy « sự ngu muội hiển hiện trên trán con bò đực » mà ngày nào François Mauriac đã giương cung bắn tên xuyên thủng, ngày nay lại đầu thai và dương dương tự đắc trên hàng ghế Quốc hội ?

Phẫn nộ trên cả ba cung bậc, cho dù ba cung bậc ấy gắn liền với nhau không thể tách rời.

Với tư cách một nhà nghiên cứu....

... tôi cho rằng tuyệt đối và dứt khoát không thể chấp nhận cho chính quyền – bất luận chính quyền nào – ra sắc lệnh quy định thế nào là chân lí rồi bắt chúng ta phải tuân thủ (nói gì thì nói, pháp luật là pháp luật). Người ta đã chẳng phê phán khá nhiều các chế độ toàn trị đó sao ? Người ta đã chẳng tố cáo cung cách viết sử ở Liên Xô, và nói chung, ở các nước cộng sản đó sao ? Thời tôi còn là sinh viên khoa sử ở đại học và là đảng viên cộng sản trẻ, tôi biết rõ bài bản này lắm : phải đợi « Bộ Chính Trị » vạch ra chân lí ; rồi các trí thức đảng viên mới làm việc, nghĩa là « minh hoạ » chân lí ấy bằng những thí dụ uyên bác – nhưng được chọn lọc theo đúng yêu cầu. Đó là nói về thế hệ chúng tôi, tương đối không bị kiềm chế. Trước thời chúng tôi, Jean Bouvier, nhà sử học lớn, đã phải viết về sự kiện mùa hè 1939 (1) những dòng chữ mà cho đến chết, ông không bao giờ tự tha thứ cho mình được.

Cho nên, ngày nay tôi xin phép được mở cờ trong bụng để nói rằng : các dân biểu đảng UMP, đảng UDF, và những người đi theo vết chân của họ, những người « minh hoạ » cho họ, là những stalinien hoá thạch.

Với tư cách một nhà sử học....

... tôi khẳng định : khái niệm « tính sổ thành tích », tích cực hay tiêu cực, là không thể chấp nhận. Ở điểm này, cách đây không lâu, chính những người cộng sản (2) đã nêu gương (xấu). Lịch sử không phải là một Toà án để người ta cân đong một bên là « mặt tích cực » một bên là « mặt tiêu cực ». Nhà sử học không phải là thẩm phán suốt đời ngồi tích luỹ chứng tích các tội phạm, cũng không phải là trạng sư tìm cách bào chữa cho thân chủ, mà là người quan sát cặn kẽ, thu thập, lựa chọn, xếp thứ tự và phân loại các yếu tố của hiện thực để (tìm cách) hiểu hiện thực hơn.

Nói thế không có nghĩa là nhà sử học không có quyền phát biểu ý kiến, nhưng có ý kiến gì là sau khi đã làm xong công tác sử học của mình.

Và đây là ý kiến của tôi về chủ nghĩa thực dân

Tôi cho rằng lỗi lầm cơ bản của công cuộc thực dân là đã làm đứt đoạn quá trình lịch sử của các dân tộc (thực ra họ không yêu cầu gì cả), và đã phủ nhận sự tồn tại của các quốc gia – đã được xác lập hay đang hình thành. Do đó, người bị chinh phục phải đề kháng, và họ bị phủ nhận tư cách : 1/ của những người yêu nước, 2/ của những người văn minh, 3/ thậm chí tư cách đơn thuần của những con người, nghĩa là hơi bị nhiều. Đáp lại sự kháng cự ấy là bạo lực gắn liền với hệ thống thuộc địa, và ở những mức độ khác nhau. Bạo lực cực điểm với những vụ tàn sát hàng loạt : những cuộc đốt nhà (hun khói) trong chiến tranh chinh phục Algérie, những cuộc hành quân đẫm máu ở Bắc Kì, việc sử dụng máy bay oanh tạc thường dân ngay từ năm 1914 (ở Maroc), máy chém kéo lê khắp nơi (xin hãy đọc lại những trang viết của Victor Hugo !), bấy nhiêu bóng đè đẫm máu trên lá cờ của Pháp... phải chăng đó chỉ là những tiểu tiết (3) ? Bom na-pam rải trên đất nước Việt Nam (trước Mĩ !), rồi ở Algérie... cũng thanh lí luôn khi tính sổ sao ? Côn Đảo, Hải Phòng, Núi Rif, Sétif, khu Casbah ở Alger, Madagascar, Ouvéa... quên luôn cả những địa danh này nữa sao ? Còn bạo lực « nho nhỏ », thường ngày, nó thể hiện qua những lời lẽ xúc phạm (trong hơn một thế kỉ, dân tộc đa số ở Algérie không hề được gọi tên là người An-giê-ri, cũng như người Việt Nam không hề được gọi là người Việt Nam), bằng lối xưng hô mày tao, bằng tác phong thượng cẳng tay hạ cẳng chân đối với « bọn bồi, cu-li lười biếng ». Phải thấy rằng sự hạ nhục và chà đạp lòng tự trọng như cơm bữa này cũng tác động mạnh mẽ không kém những cuộc đàn áp tàn bạo, dẫn tới cuộc nổi dậy của người dân thuộc địa. Nuốt hận, nuốt nhục là khái niệm trung tâm trong cuộc sống của dân thuộc địa. Có lần nữ kí giả Andrée Viollis hỏi một nhà lãnh đạo phong trào dân tộc Tunisie rằng ông có chắc, khi người Pháp đi rồi, cuộc sống sẽ khá lên không, và được trả lời : « Chưa chắc, nhưng nếu người Tunisie có bị đá đít, thì ít nhất cũng là do người Tunisie đá đít ».

Để biện minh cho cụm từ « khía cạnh tích cực », người ta quăng vào mặt chúng ta nào là đường sá, nhà thương, trường học... Người ta nhắc lại tấm gương những giáo viên sống gần như nông dân trong các làng xóm Bắc Phi, những y sĩ « lương y như từ mẫu » (ôi chao, ai chẳng nhớ hình ảnh diễn viên Pierre Fresnay thủ vai bác sĩ Schweitzer thời điện ảnh đen trắng của tuổi thơ !), những nữ tu chăm lo người hủi, Brazza đi từ làng này sang làng khác ở châu Phi (« Các người hãy sờ tay vào lá cờ này, và các người sẽ trở thành những con người tự do ! »), Pavie lặn lội ngược dòng Mêkông « chinh phục trái tim » người Lào... Trong phong trào chống chủ nghĩa thực dân, có lúc người ta có thể, chắc thế, có ý phủ nhận tất cả những điều đó. Làm như vậy là thiếu khoa học và không thuyết phục được ai.

Vâng, Pháp đã xây dựng đường sá, mở đường hoả xa... bằng bàn tay của « người bản xứ ». Có cần nhắc lại những bài phóng sự của Albert Londres về con đường xe lửa nối liền sông Congo với đại dương, trong đó nhà báo lão thành này nhấn mạnh rằng « nguyên vật liệu » của công cuộc mở đường này là... « le nègre » (mọi đen) ?

Vâng, « Pháp quốc » đã xây dựng những hạ tầng cơ sở hiện đại hơn hẳn cơ sở vật chất của các nước bị chiếm... nhưng người phải trả giá cho các công trình ấy lại chính là « dân bản xứ ». Liệu những người đang bênh vực cho « khía cạnh tích cực » có dám mang sổ kế toán của « xứ Đông Pháp » ra không ? Có những năm, hơn một nửa ngân sách Đông Dương là do « R.O. » và « R.A. » (độc quyền thuốc phiên và rượu của chính quyền thực dân) cung cấp. Cụ thể nghĩa là công sứ hay các quan đầu tỉnh bắt mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi làng xã phải mua ma tuý và rượu của Nhà nước và các đại lí của Nhà nước !

Vâng, sự tận tâm rất đáng khâm phục của các y sĩ thuộc địa, của nhân viên Viện Pasteur và của các nữ tu đã đẩy lui nhiều bệnh tật... song cũng không nên quên rằng có những bệnh mới (như bệnh lao) đã xuất hiện.

Vâng, hàng trăm ngàn trẻ em và thiếu niên đã đi học, nhưng hàng triệu em khác vẫn mù chữ, ngay cả trong những năm 1960. Tại tất cả các thuộc địa của Pháp, chưa bao giờ đa số trẻ em được cắp sách đến trường. Tôi thách thức ai dám nói ngược lại.

Vả lại, cũng nên sòng phẳng : chế độ thực dân xây dựng (hay đúng hơn, như ta vừa thấy, bắt người dân thuộc địa xây dựng) cơ sở hạ tầng là vì chính nó cần. Cũng bởi vì nó cần nhân công nên nó « chăm sóc sức khoẻ » cho người dân bản xứ. Nó cần cán bộ thừa hành địa phương nên nó đào tạo một bộ phận thanh thiếu niên. Toàn quyền Albert Sarraut, ngay từ năm 1923, đã viết nhiều trang hết sức huỵch toẹt. Luận văn của ông ta mang nhan đề : La mise en valeur des colonies françaises (Công cuộc khai thác các thuộc địa Pháp). Khai thác để ai hưởng lợi ? Hệ thống thuộc địa chạy theo lợi nhuận, điều đó cũng lô gich thôi. Nhưng xin miễn che đậy những tính toán ấy bằng bức màn thương người vô vị lợi.

Cố nhiên trong chế độ thực dân, có những người có tư tưởng nhân bản (vô tình họ được dùng để biện minh cho chế độ), nhưng bản thân nó cơ bản là một thứ chủ nghĩa phản – nhân bản thực dụng và ghê gớm !

Với tư cách một công dân....

... tôi nhận thấy sự kiêu căng khinh thị của phái hữu ở Pháp chính nó đã tạo ra biết bao sự căng thẳng và oán thù. Tuy nhiên, đáng buồn thay, tôi cũng phải nói thêm là phản ứng nhút nhát (và chỉ thu hẹp ở nghị viện) của phái tả (kể cả Đảng cộng sản) thật không xứng với tầm vóc của vấn đề. Tạm bỏ qua đi ? Thì tạm thời, ta hãy bỏ qua, với điều kiện là một ngày kia, phải trở lại vấn đề này.

Bây giờ, chúng ta hãy thử suy nghĩ một chút. Chúng ta thử đặt mình vào vị trí những công dân Pháp mang tên là Mohamed hay Diallo suốt ngày bị người ta nhắc nhở thân phận con cháu người dân thuộc địa của mình. Trong suốt năm qua, phái hữu Pháp đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần tới quá khứ thực dân, khi thì bóng gió, lúc thì huỵch toẹt.

Đứng giữa khu 4000 có lắm màu [da] ở thị xã La Courneuve, một bộ trưởng (4) ngang nhiên tuyên bố sẽ dùng vòi nước « Karcher » để tẩy uế khu này. Thông điệp của ông ta là gì, nếu không phải là sẽ tẩy cho trắng ?

Để (tìm cách) giải quyết khủng hoảng trong đó đa số những người nổi loạn là người da màu và đa số cảnh sát viên là người da trắng, thì chính phủ mang ra thi hành một đạo luật đã được thông qua từ thời chiến tranh Algérie. Làm sao lại có thể... nói sao cho đúng đây, vụng về ? mù quáng ? khiêu khích ? điên cuồng đến như thế ? có thể nào bị tiềm thức « tha hoá » hơn thế nữa chăng ?

Thế mà có những nhà lãnh đạo quốc gia, trong tình hình như vậy, không biết làm gì hơn là ca ngợi thời kì thực dân ! Hai bộ trưởng (không phải hạng xoàng) đã đỡ đầu « sáng kiến » này (sau đó thì im thin thít) : Michèle Alliot-Marie (bộ quốc phòng) và Philippe Douste-Blazy (bộ ngoại giao), tức là cánh tay vũ trang và tiếng nói của nước Pháp trên thế giới ! Ta có thể chúc bà bộ trưởng quốc phòng nhiều may mắn khi phải biện bạch cho đạo luật này lúc gặp một bộ trưởng Việt Nam mà ông nội hay ông ngoại có thể đã nếm mùi bom na-pam của quân đội Pháp, xác chôn ở nghĩa trang Vĩnh Yên. Ta có thể ước gì biến thành chú chuột nhắt, chứng kiến cuộc gặp giữa hai bộ trưởng ngoại giao Pháp và Algérie, để nghe bộ trưởng ngoại giao Pháp trổ tài biện sĩ cho lọt tai một người mà thân sinh có thể đã từng bị tra điện trong trận Alger.

Tôi được đọc, dưới ngòi bút của một dân biểu thuộc đảng UMP (5), rằng « bọn trẻ ở ngoại ô » chẳng ai đọc bản văn đạo luật ấy đâu (ý nói : họ đang bận làm chuyện khác). Vậy thì ngại gì mà không bỏ phiếu thông qua nhỉ ! Sự khinh miệt của kẻ quyền quý tới mức đó là hết. Nghiêm trọng hơn, nó chứng tỏ họ không thể nào hiểu nổi cái điều mà thanh niên ngoại ô không nói ra lời, thậm chí không tư duy (một cách thuần lí được), nhưng đang sống, đang trải nghiệm một cách mãnh liệt nhất. Điều đó đơn giản thôi : đó là cảm nhận về bất công. Nếu những người trẻ ấy căm ghét cái nước Pháp nào đó, thì không phải vì bản năng bẩm sinh (như Finkelkraut đã dám nói như vậy). Chức năng của người trí thức không phải – hay không chỉ là – mô tả sự thể ra sao ; mà là soi sáng nguyên do của nó. Một đề tài lí thú biết bao, nhưng lại làm nhiều người hơi bị phiền lòng.

Vậy thì tại sao một bộ phận người Pháp lại cảm thấy mình không phải là... người Pháp ?

Bởi vì họ biết, mang máng hay không, rằng đất nước này vẫn chưa giải quyết xong vấn đề kì thị chủng tộc. Rằng chủ nghĩa chủng tộc đã bắt rễ từ lịch sử thuộc địa của chúng ta. Nạn kì thị chủng tộc không phải là thường trực, cũng không nhất thiết là của đa số, dưới dạng thức hung hăng nhất : những đứa bé cười phá lên khi thấy người lính da đen trong phim quảng cáo của hãng sôcôla Y’a bon Banania, tất nhiên « không giết ai » cả, những người Pháp hàng ngày mở miệng ra là « mọi » với « rệp » không nhất thiết là những người xấu. Nhưng...

Bởi vì nước Pháp, nơi họ đang sống, năm 1914 đã đưa ông cố của họ sang chiến đấu, và sau năm 1918, kiến thiết lại đất nước.

Bởi vì nước Pháp, nơi họ đang sống, năm 1939 đã đưa ông của họ sang chiến đấu, và sau năm 1945, kiến thiết lại đất nước (không biết đến ngày nào mới có người nói tới vai trò của những người thợ nề, thợ sơn, những OS (công nhân không tay nghề) Bắc Phi và Phi Châu trong « Ba mươi năm quang vinh » [1945-1975] ?)

Rồi, sau năm 1918 và sau năm 1945, chính cũng nước Pháp này đã mang trả họ về với những túp lều « gourbi » tồi tàn ở nước họ, hay là để họ sống trong những căn phòng cho thuê thảm hại hoặc những khu ổ chuột đầu tiên của nước Pháp ?

Bởi vì đất nước mà họ sinh trưởng đã gây chiến với quê hương của cha ông họ, những người được gọi là « viet » hay « fellouze ».

Nếu họ huýt sáo la ó ở sân vận động khi ban nhạc cử hành bản quốc thiều La Marseillaise, thì cũng bởi vì kinh nghiệm sống của ba bốn thế hệ đã chồng chất tầng tầng lớp lớp nay tức nước vỡ bờ : hoá ra cái « thứ máu nhơ nhuốc » (6) mà bài quốc ca tố giác chính là dòng máu của họ sao ?

Những lời tuyên bố đó, đạo luật tháng 2-2005 này, và cái não trạng mà các văn bản ấy chuyển tải đang đào khoét cái hố sâu đã xuất hiện từ cách đây mấy thập niên. ‘Hố sâu thuộc địa’. Hố sâu giữa « người Pháp chính gốc » và « dân bản xứ của chế độ cộng hoà », như có người đã viết.

Người ta đã phê phán những công thức đó. Công thức « hố sâu thuộc địa » rất đáng được bàn kĩ. Công thức thứ nhì có lẽ cũng đáng phê phán thật. Người viết bài này có thể thoải mái luận bàn vì không hề tham gia hai nhóm chủ trương này.

Cố nhiên, người ta có thể cãi rằng nước Pháp ngày nay từ lâu không còn là nước Pháp thực dân nữa, rằng « dân bản xứ » ngày xưa làm sao có quyền kí kiến nghị và xuống đường biểu tình như bây giờ. Đúng đấy, nhưng lí sự như thế cũng hơi cùn. Bởi vì lí sự chặt chẽ đến đâu chăng nữa cũng không ngăn cản nổi sự thực là những công thức nói trên phản ánh cuộc sống của hàng trăm ngàn thanh niên trong cơn khủng hoảng hiện nay. Không còn ai dám gọi họ là « bọn bản xứ », « bọn anh-đi-gien » nữa. Nhưng họ vẫn cảm thấy mình là một thứ « anh-đi-gien ». Vấn đề là ở đó, một vấn đề nổi cộm.

Trong tình hình đó, việc thông qua đạo luật hồi tháng hai, và xác quyết nó trong tháng 11 vừa qua là một hành động – tôi cân nhắc từng chữ trước khi viết câu này – ít nhất phải nói là vô trách nhiệm, nếu không nói là cố ý gây hấn. Bất luận thế nào, đó là một dấu hiệu vượt xa sự phẫn nộ đơn thuần của các nhà sử học. Nó liên quan tới tương lai của nước Pháp, không hơn không kém.

Vì vậy mà, xét cho cùng, tôi quyết tâm phản đối đạo luật với tư cách một người dân của đất nước này. Là nhà nghiên cứu, là nhà sử học, tôi chỉ cần trả lời họ : « Cứ nói nhảm nữa đi ! ». Nhưng với tư cách một công dân quan tâm tới sự thống nhất của quốc gia, thôi phải kêu to : « Nguy to rồi ! ».

Một thế giới chính trị Pháp vừa mù vừa điếc

Có thể tìm hiểu tại sao có sự tái hiện này. Cái gì đã thúc đẩy những chính trị gia, đáng lẽ có bao nhiêu việc khác phải làm, lại đi giở lại những trang sử thuộc địa và tìm cách áp đặt việc viết lại lịch sử ?

Đúng là chương sử « phải gió » này làm cho nhiều thế lực chính trị phải đau đầu !

Trước tiên, chúng ta hãy trở lại cái mà tôi vừa gọi là sự nhút nhát của phe tả. Phái tả Pháp bước ra khỏi thời kì thuộc địa, « chữ trinh chẳng còn lại chút gì »... Từ Moutet đến Mollet, hành động của Đảng xã hội Pháp nhiều phen chỉ đơn thuần là đàn áp. Phe cánh Mitterrand thì phấn khởi đi theo vết xe đổ của chủ trương « Pháp-Phi » theo kiểu De Gaulle (7). Còn Đảng cộng sản Pháp thì tên tuổi đã gắn liền với những cuộc vận động lớn chống chế độ thực dân trong thế kỉ XX, song đôi khi tinh thần quốc tế cũng ấp úng (như ở Sétif năm 1945), hoặc để những ưu tiên chính trị ở chính quốc lấn át cuộc đấu tranh ở thuộc địa (vụ bỏ phiếu trao « quyền hành đặc biệt » cho chính phủ Guy Mollet năm 1956). Và giờ đây, ĐCS Pháp rõ ràng là là quá yếu, không mong gì làm động lực cho phong trào phản đối.

Còn phái hữu truyền thống của Pháp, tập hợp chung quanh hai nhánh « gaulliste » (theo De Gaulle) và « liberal », thì vốn ít nhiều nuối tiếc quá khứ thực dân. Chúng ta chớ nên quên rằng trong suốt thế kỉ XX, họ đã liên tục chủ trương và biện minh « sứ mạng khai hoá » của Pháp. Chớ nên quên trách nhiệm của họ trong cuộc giải thực đẫm máu từ 1945 đến 1962. Chớ nên quên rằng De Gaulle, người cha sáng lập của họ, tuy đã có một chính sách thực tế trong những năm 1960-62, song trước đó đã hăng hái chủ trương chính sách thực dân (xu hướng cải lương). Các dân biểu phái hữu hiện nay là hậu duệ của những xu hướng kể trên. Họ không hề « phản bội » chủ nghĩa De Gaulle hay chủ nghĩa « liberal » : họ kế thừa và tiếp tục thực hiện chúng.

Hiện tượng nổi bật là dự án luật này và những lời bình luận đi kèm đã biểu lộ mối liên hệ giữa tư tưởng phái hữu và tư tưởng cực hữu.

Bởi có một yếu tố cuối cùng mà tôi muốn nêu ra vì dư luận ít cảm nhận được nó : đó là sự hoạt động của những « lobby » ít nhiều dính dấp tới cánh cực hữu. Mọi người còn nhớ những cuộc vận động quái dị nhằm phục hồi danh dự cho tổ chức khủng bố OAS và những tên sát nhân của nó (Wissous, Toulon, Marignane). Mọi người cũng biết trong cuộc khủng hoảng vừa qua, Le Pen đã lớn tiếng tố cáo người nhập cư, hăng hái như thời trẻ xa xưa của y. Báo chí cực hữu nói tới « chiến tranh sắc tộc ». Nhưng vụ phục hồi quá khứ thực dân của nước Pháp vượt hẳn quy mô của nhóm cực hữu « chính thức ». Những tạp chí lịch sử, đài phát thanh, những trạm internet đã liên tục rỉ rả vận động những đại diện dân cử, những chính trị gia, những trí thức. Cuộc vận động này được tiến hành rất đúng bài bản, theo đúng truyền thống « tuyên truyền, vận động, tranh thủ ». Đó là nói về mặt kĩ thuật. Còn về nội dung thì quá tồi tệ. Chỉ là những lời cay đắng, nuối tiếc quá khứ một cách mù quáng, mị dân đặc biệt hướng về những người « pieds-noirs » (« chân đen », tức là những người Âu đã lập nghiệp hay sinh trưởng ở Algérie, sau năm 1962 phải về Pháp) và « harkis » (những người Algérie phục vụ cho quân đội Pháp), nay lại bị sử dụng, bị biến thành công cụ, như trong thời gian từ 1954 đến 62. Nội dung ấy mang tên : chủ nghĩa phủ nhận.

Chúng ta đang sống một thời kì khó khăn. Sử học phê phán vừa trải qua một thất bại không thể chối cãi. Nhưng trong lãnh vực này cũng như trong các lãnh vực khác, chỉ có những người không chịu làm gì và những người lừng khừng sẽ là kẻ thua trận.

Alain RUSCIO

(8)

Bản dịch của Kiến Văn

CHÚ THÍCH của người dịch :

(1) Ý nói đến việc J. Bouvier biện bạch cho hiệp ước giữa Liên Xô và Đức quốc xã tháng 8-1939 (chú thích của người dịch).

(2) Thập niên 1970, ông Georges Marchais, tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp, mỗi lần nói tới Liên Xô, thường dùng công thức « bilan globalement positif » (thành tích nói chung là tích cực). Công thức này trở thành đề tài mỉa mai trong dư luận và làm giảm uy tín của ĐCS Pháp.

(3) Khi nói tới cuộc diệt chủng Do Thái của chế độ Hitler, Jean-Marie Le Pen, lãnh tụ đảng cực hữu « Front National » (Mặt trận Quốc gia) tuyên bố « đây là một tiểu tiết ».

(4) Nicolas Sarkozy, bộ trưởng nội vụ, nhân vật số 2 của chính phủ, người chuẩn bị ra tranh cử tổng thống, thay thế Jacques Chirac.

(5) Union pour la Majorité Présidentielle (Liên minh đa số ủng hộ tổng thống) là đảng lớn nhất của phái hữu Pháp, nay do Nicolas Sarkozy làm chủ tịch.

(6) « Lấy dòng máu nhơ nhuốc (của quân thù) này tưới luống đất đồng ruộng ta » (lời quốc ca Pháp La Marseillaise)

(7) « Françafrique », từ ghép hai danh từ « France » (Pháp) và « Afrique » (Phi Châu), để chỉ chính sách thực dân kiểu mới của Pháp từ năm 1960 trở đi, khi chính quyền De Gaulle, về danh nghĩa, « trao trả độc lập » cho các nước thuộc địa châu Phi.

(8) nhà sử học, chủ tịch trung tâm CID Vietnam (Trung tâm Thông tin & Tư liệu Việt Nam, Montreuil).

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss